Ngôn ngữ của những âm thanh

16:00 04/02/2010
HOÀI NGUYÊNTiếng tiêu trầm của nỗi cô đơn...

Thổi khèn bè - Ảnh: hue.vnn.vn

Đêm ở đây, phía Tây đỉnh Trường Sơn, gió đi qua bản nghe như có một đoàn tàu lửa đang chạy trên chiếc cầu sắt, gió như há hốc miệng ra gào rít dọa dẫm, chực xông vào mọi nhà. Gió thổi ào ào qua từng cơn rồi bất thình lình cuồn cuộn, đập phành phạch vào các vách liếp, cửa nhà. Những đêm như thế, ngoài trời lạnh như cắt da, lạnh buốt tận xương.

Đếm ấy, tôi ngủ lại trong một ngôi nhà sàn nhỏ của người dân tộc vùng Đac Chưng. Chủ nhân là một người đàn bà rất khó đoán tuổi là 40 hay 50... ít nói, trầm lặng, chỉ có điều dễ thấy là sự cô đơn. Đêm đã khuya mà tôi vẫn thấy người đàn bà đó ngồi bên bếp lửa với chiếc xa quay sợi. Bếp lửa ở trên đỉnh cao Trường Sơn vừa là ánh sáng, vừa là lò sưởi, cứ bập bùng tí tách suốt trong đêm, hòa cùng với tiếng xa quay tạch rè đơn điệu. Nhìn người đàn bà lặng lẽ, âm thầm, mắt như có nhìn mà chẳng nhìn ai, cũng chẳng nhìn một vật gì. Cần cù, kiên nhẫn, bà vẫn ngồi nguyên một chỗ với tư thế đó không biết đã bao nhiêu năm tháng rồi.

Đang triền miên để chờ đợi hơi ấm của mình tỏa ra trong cái chăn mỏng dính tìm tới giấc ngủ, chợt nghe một tiếng tiêu trầm ngân lên, vẳng lại. Ồ, đúng tiếng tiêu trầm từ đâu đến. Trầm lắm, hầu như tôi chưa được nghe bao giờ. Tôi đã được qua lại đây nhiều lần, tôi đã từng nghe tiếng sáo 5 cung bậc vi vu trên nóc nhà khi gió đi qua. Tôi gọi là sáo gió. Tôi cũng đã được nghe những chiếc đàn âm thanh bằng gỗ hoặc bằng đá được đẽo gọt ngắn dài khác nhau, treo trong một vòng mây uốn tròn ở ngoài góc nhà canh rẫy. Đây là đàn gõ âm thanh, chuyện trò của những đôi trai gái giữa nương rẫy này với nương rẫy nọ. Cũng cây đàn gõ đó, tự nó khi gió đung đưa, thanh gõ sẽ gõ vào, tạo nên những âm thanh để xua đuổi chim chóc, thú rừng đến quậy phá nương rẫy và cũng là tiếng nhạc vui xua tan sự tẻ buồn trong những ngày vắng vẻ, trong những đêm mưa lạnh giữa núi rừng.

Nhưng tiếng tiêu trầm này thì lần đầu tiên tôi mới được nghe. Ngưng một lát, tiếng tiêu lại ngân lên. Không chịu được nữa, tôi chui đầu ra khỏi chăn và xác định là âm thanh từ bếp lửa.

Người đàn bà đã ngưng quay xa, bà ta đang để môi lên chiếc tiêu dài, một chiếc tiêu dài quá khổ. Có lẽ vì cái độ dài đó mà các âm thanh trầm kéo dài, chuyển từ độ trầm này xuống độ trầm khác nghe rền đến tận cổ họng và lồng ngực. Tiếng tiêu trầm quyện chặt chung quanh người đàn bà với những nỗi niềm khắc khổ của đời bà chăng? Bỗng lòng tôi cũng rung theo cái buồn, cái nhớ tổ quốc quê hương vừa đây cũng thức dậy đi theo cái khúc điệu trầm lắng đó. Tôi tung chăn ngồi hẳn dậy mặc cả rét lạnh, vì như đang có một sự đồng cảm nào đó giữa âm thanh và tôi hoặc vì tiếng trầm da diết không sao ngủ được. Tôi quan sát kĩ hơn tư thế ngồi thổi tiêu của người đàn bà. Hai chân bà duỗi thẳng, khép lại nhau, nửa người trên ngả nghiêng theo độ chếch của vai bà. Hai tay bà duỗi thẳng, các ngón tay như cố níu lấy các lổ cung bậc của chiếc tiêu, đầu hơi ngửa ra để cho môi bà đặt đúng vào nơi thổi. Hình như chiếc tiêu trầm này làm ra chỉ riêng cho bà trong tư thế ngồi muôn thuở này đã tạo nên một âm thanh từ cõi lòng bà. Tiếng tiêu trầm ngân lên nghe trong veo, mượt mà, mỏng tanh, chìm đắm... Người đàn bà rất thoải mái trong cái tư thế riêng biệt đó, bà ta nhắm nghiền hai mắt lại thổi vào tiêu một cách say sưa, đê mê, huyền bí như không còn biết có ai bên ngoài nữa... Ngon lửa vẫn bập bùng nổ tí tách soi sáng gương mặt bà, một gương mặt khắc khổ, lạnh lùng cô đơn giữa cái đêm giá buốt.

Ngưng một lát, có lẽ hết một bài, chắc là hết một nỗi niềm gì đó... rồi bà lại tiếp sang một bài khác mà tôi nghĩ không phải bài đã được soạn sẵn mà là âm thanh tự đáy lòng, từ những nỗi buồn mênh mông, từ những ký ức sâu thẳm tưởng chừng đã chôn vùi từ lâu nay sống dậy lại và lướt theo ngón tay bà. Bà vẫn nhắm nghiền đôi mắt, đầu bà hơi quay đảo nhè nhẹ như đang muốn tìm đến một hình ảnh xa xăm nào đó. Tiếng tiêu trầm lại càng trầm hơn, trầm hơn lướt đến hết cung bậc thấp nhất rồi dần dần tắt hẳn. Người đàn bà như tỉnh giấc mơ, bà ngưng thổi nhưng vẫn giữ nguyên môi đặt trên chiếc tiêu mấy giây cho nguây nguôi những nỗi niềm sâu lắng trước khi trở về với cảnh thực của đời.

Bà ta lại nhẹ nhàng cắm chiếc tiêu lên cái phên vách vừa tầm tay của mình, cầm cái bầu nước tu một hơi rồi trở về với cái xa quay cũng bên cạnh bà. Cái xa quay lại rạch rè hòa cùng tiếng nổ tí tách của ngọn lửa bập bùng. Tiếng xa quay, tiếng tiêu trầm, và bếp lửa tí tách... có lẽ những âm thanh đó sẽ đi suốt cùng bà trọn cả cuộc đời.

Sáng sớm hôm sau, tôi vừa thức dậy thì bà cũng đã chuẩn bị cơm nước cõng gùi ra rẫy. Tôi lẳng lặng đứng nhìn bà lầm lũi một mình leo lên dốc núi trước mặt đang còn sương mù bao phủ...

Và tiếng khèn bè quyến rũ...

Cuộc đời chiến đấu lại đưa tôi đến một vùng cư dân Lào bên dòng sông Mê Công. Tại đây, lần đầu tiên tôi được nghe người con trai Lào thổi khèn bè, một tập hợp âm thanh do các đoạn trúc ngắn dài khác nhau xếp lại, qua một lỗ thổi có lưỡi gà với những lỗ rất nhỏ trên các thanh trúc để bấm ngón tay, phát ra những âm thanh cung bậc. Âm thanh khèn bè trầm trầm êm êm như gợi nhớ, thôi thúc, thấm dần, len lỏi đi vào những ngóc ngách của lòng người, làm cho người nghe cứ lịm dần say mê như bị một chất men ru ngủ... Trong tất cả những cuộc vui chơi, múa hát, hội hè hay tang lễ, trên đồng ruộng hay giữa núi rừng... khèn bè đều có mặt, và có thể nói rằng, tiếng khèn bè như là hơi thở, tiếng nói, niềm vui và nỗi buồn của người Lào. Khèn bè không chỉ dành riêng cho những chàng trai, cô gái say khèn mà cả bản, cả Mường, cả người già lẫn trẻ. Tuy nhiên, phải nói rằng khèn bè ở Lào đã có vị trí quan trọng trong ngôn ngữ tình yêu. Vào những đêm trăng đẹp từ đầu hôm, một tốp khèn bè 2,3 chiếc của những chàng trai đi dạo quanh khắp làng, không có điểm dừng cố định, đó là tiếng khèn dạo chơi cho rộn bản, vui mường nhưng đồng thời là khúc dạo đầu báo hiệu của những cuộc tình tứ giao duyên với những cô gái trong làng đang ngồi quay tơ cuộn sợi đợi chờ. Về khuya, khi những ngọn đèn chai đã tắt thì chỉ còn nghe một vài tiếng khèn lẻ bạn đi lang thang chập chờn như những con đôm đốm lập lòe ánh sáng rồi đến đậu ở một gốc xoài, gốc me nào đó dưới sàn nhà của một người đẹp. Tiếng khèn bắt đầu thì thầm bộc lộ và bắt đầu từ đây không phải một đêm mà hết đêm này qua đêm khác, càng về khuya, tiếng khèn nhỏ dần lại nhưng càng tha thiết hơn. Người con gái trên sàn nghe không bỏ qua một hợp âm nào. Cô hiểu hết, hiểu tường tận những lời thổ lộ của người con trai qua tiếng khèn bè và bắt đầu trăn trở, sự rạo rực về niềm thương nhớ âm thanh của chiếc khèn bè bắt đầu ngấm thấm. Rồi đêm tiếp đêm, nếu tiếng khèn đến chậm muộn hoặc bỗng nhiên vắng lặng đi thì cũng là lúc mà người con gái mong mỏi đợi chờ. Một âm thanh khèn bè đâu đó xuất hiện, người con gái lắng nghe và biết là âm thanh của anh ấy hay không phải của anh ấy. Khi đã yêu, đôi tai người con gái tinh lắm, tinh gấp mấy lúc bình thường.

Người Lào nói: “ Làm trai Lào phải biết nói trong khèn bè và làm con gái Lào phải biết nghe tiếng nói của khèn bè”

Thật thế ư? Một anh bạn Lào giảng giải cho tôi:

- Thổi khèn bè với người yêu phải có tuần tự của nó. Đầu tiên mình thổi những bài về tình yêu thông thường khi người con trai, con gái bắt đầu gặp gỡ nhau. Đây là sự thăm dò có ý tứ. Người con trai phải biết thính nghe tiếng động trên sàn nhà của cô gái, tiếng động nào là cô không thích nghe và tiếng động nào là cô đang lắng nghe và trằn trọc không ngủ được. Khi đã được cô gái tiếp nhận thì mình tiếp tục ngôn ngữ khèn:

“ Anh với em cùng bản cùng mường,
Anh đã nghe lời khen em theo Mẹ- lời quý em theo Cha
Lời bàn qua nói lại của người con trai đầu ruộng, con gái đầu sông
Em giỏi việc ruộng đồng, em siêng việc hái măng, tìm nấm
Anh muốn cùng em uống chung bầu nước, tắm một dòng sông
Ăn cùng típ xôi của ruộng đồng hai ta cày cấy
Anh muốn mời em đi chơi trăng, cùng em đi dự hội...”

Mình phải làm cho em thức, khêu lên cho em tỉnh, mình phải đứng thổi khèn dưới sàn nhà em đêm này sang đêm khác, muỗi đốt cũng phải chịu, sên vắt bam cũng phải lì. Làm sao cho tiếng khèn của mình không chỉ lọt vào tai mà vào tận đáy tim nàng.

Cho đến một đêm tốt lành nào đó, cô gái trở mình ngồi dậy, không kịp xin phép mẹ, không kịp hỏi ý kiến cha, cô nhẹ bước đi về phía cầu thang sau nhà để đến nơi hẹn hò... Mẹ nghe mẹ mừng thầm, cha biết cha làm thinh, biết con gái mình đã tìm được người trai ưng ý.

H.N
(120/02-99)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LÊ HUỲNH LÂMCó thể gọi xứ Huế là thành phố của những tiếng chuông. Sự khởi đầu của một ngày, một ngày mai hun hút trong tương lai cũng như một ngày tận trong nghìn trùng quá khứ. Một ngày mà âm thanh từ đại hồng chung phát ra; vang, ngân, vọng và im bặt. Người ta gọi âm thanh đó là tiếng chuông. Vậy thì, im bặt cũng là một phần của tiếng chuông.

  • MINH CHUYÊNCảnh làng mới Trà Tân cuối chiều mùa đông. Con suối chảy qua nước trong veo, róc rách. Phía tây con suối cách làng chừng nửa tầm mắt là rừng Sắc Rông, đủ các loại cây tầng tầng, lớp lớp. Cánh rừng đang chìm trong sương chiều. Rừng hoang vắng, huyền bí. Người ta kể sau ngày chiến tranh chấm dứt, rừng Sắc Rông càng trở nên bí ẩn. Người chỉ có vào mà không có trở ra. Vậy mà mấy tháng gần đây lại thường xuyên xuất hiện một người đàn bà ở đó.

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGNgày xưa nhà mẹ nghèo hung, cơm không có ăn, khố không có mặc, suốt ngày lang thang trong rừng đào củ mài củ sắn kiếm cái cho vào bụng. Có ngày không tìm được chi, bụng đói lắc lư.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrước ngày Huế khởi nghĩa 23/8/1945, có một sự kiện khiến cả thành phố náo nức vui mừng: đó là việc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ Huế ngày 21/8 thay cho cờ quẻ ly. Người chiến sĩ được đồng chí Trần Hữu Dực trực tiếp giao nhiệm vụ quan trọng ấy là chàng thanh niên 25 tuổi Đặng Văn Việt (ĐVV).

  • NGUYỄN QUANG HÀTạp chí văn nghệ của 6 tỉnh Bắc miền Trung gồm: Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương có một cam kết thú vị, luôn luôn trong nỗi chờ mong là mỗi năm anh chị em trong tạp chí thay nhau đăng cai luân phiên, mỗi năm gặp nhau một lần, ở thời điểm thích hợp nhất do tạp chí đăng cai tự chọn.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀOTháng bảy, nồng nàn hương lúa mới trên những ruộng lúc mới vừa mùa gặt tháng 5, mùi rơm rạ kéo tôi ra khỏi thế giới của những đường phố xênh xang, đầy bụi và chật người. Tôi leo lên một tầng gác và nhìn về hướng quê tôi, hình dung đủ thứ nhưng nhớ vẫn là khói lam chiều với dáng mẹ tôi gầy cong như đòn gánh.

  • VĨNH NGUYÊNPhải nói tôi có ý định dông một chuyến xe máy ra Bắc đã lâu mà chưa có dịp. Nay có điều kiện để đi song tôi vẫn băn khoăn, không hiểu chuyến đi này mình sẽ gặp những ai đây? Hay là phải thở dài dọc đường xa với những cảnh đời khốn khó? Thôi thì tôi chỉ biết đi và đi.

  • VÕ MẠNH LẬP                Ghi chépNhân vật Mười Hương nhiều người đã biết đến qua sách báo và đặc biệt là vùng đất Nam Bộ - Sài Gòn.

  • DƯƠNG THÀNH VŨTrong đêm mỏng yên tĩnh dịu dàng, một mình một cõi với ly rượu trắng, cùng mùi hương của hoa rộn ràng, huy hoàng phát tiết; tôi miên man nhớ tới cõi người đến- cõi người đi nơi xa chốn gần, thời gian tuyến tính lẫn thời gian phi tuyến tính.

  • NHẬT HOA KHANH Mười năm những mấy ngàn ngày... (Tố Hữu: Mười năm )

  • TRUNG SƠNĐoàn văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế (TTH) lên đường “đi thực tế” một số tỉnh phía Bắc vào lúc lễ giỗ Tổ ở đền Hùng (10 tháng 3 âm lịch) vừa kết thúc. Tiền có hạn, thời gian có hạn chưa biết sẽ tới được những đâu, nhưng ai cũng “nhất trí” là phải lên Phú Thọ thăm Đền Hùng, dù lễ hội đã qua.

  • ALẾCHXĂNG GRINTại Luân Đôn, mùa xuân năm 1921, có hai ngài trung niên ăn mặc sang trọng dừng chân ở góc đường, nơi phố Pakađilli giao nhau với một ngõ nhỏ. Họ vừa ở một tiệm ăn đắt tiền đi ra. Ở đó, họ đã ăn tối, uống rượu vang và cùng đám nghệ sỹ của nhà hát Đriuđilenxky đùa cợt.

  • PHONG LÊQuê tôi là một xã nghèo ven chân núi Mồng Gà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Hà Nội, việc về thăm quê, đối với tôi không mấy khó khăn. Hồi là sinh viên thì mỗi năm hai lần, lần nghỉ hè lần nghỉ Tết. Khi đã là cán bộ, có gia đình thì mỗi năm một lần, cả nhà dắt díu về, với hai hành trình là tàu hoả từ Hà Nội vào Vinh, rồi là xe đạp từ Vinh về nhà.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ ông hay, nổi tiếng, nhiều người ái mộ. Thời buổi “nhuận bút không đùa với khách thơ”, kinh tế khó khăn, gia đình ông vẻ như cũng “rất ư  hoàn cảnh”.

  • ĐẶNG NHẬT MINHGia đình tôi ở Huế có một cái lệ: cứ vào dịp trước Tết tất cả nhà cùng nhau lên núi Ngự Bình quét dọn, làm sạch cỏ trên những nấm mộ của nhũng người thân đã khuất. Sau đó trở về nhà thờ của dòng họ, cùng nhau ăn một bữa cơm chay. Cái lệ đó người Huế gọi là Chạp. Ngày Chạp hàng năm không cố định, có thể xê dịch nhưng nhất thiết phải trước Tết và con cháu trong gia đình dù đi đâu ở đâu cũng phải về để Chạp mộ.

  • DƯƠNG PHƯỚC THUMùa xuân năm Đinh Mùi, 1307, tức là chỉ sau có mấy tháng kể từ ngày Công chúa Huyền Trân xuất giá qua xứ Chàm làm dâu, thì những cư dân Đại Việt đầu tiên gồm cả quan binh gia quyến của họ, đã rời khỏi vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã theo chân Hành khiển Đoàn Nhữ Hài, vượt qua ngàn dặm rừng rậm, núi cao, biển rộng đến đây cắm cây nêu trấn yểm, xác lập chủ quyền quốc gia.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhững ngọn gió heo may cuối cùng đã tắt. Nắng buổi sáng hanh vàng ngoài bến sông. Hàng cây trên phố Huế đã chừng như thay lá, lung linh một màu lá tơ non, mỏng như hơi thở của bầy con gái trường Hai Bà Trưng đang guồng xe đạp đến trường. Mùa xuân đã về bên kia sông. Đã về những cánh én nâu đen có đôi mắt lay láy màu than đá. Đã về những đóa hoa hoàng mai, vàng rưng rức như một lời chào ngày tao ngộ...

  • TÔ VĨNH HÀCon chó Giắc nhà tôi đẹp nhưng mà hư quá. Tôi hét nó nằm thì nó cứ giương mắt ra, rồi ngồi. Tôi không cho nó chạy vào nhà vì sợ nó làm bẩn cái nền nhà vừa lau thì nó đi vòng cửa sau, khi tôi ra cửa trước. Bực nhất là ngày lễ - nói chung là những ngày có việc, bất cứ ai vào nó cũng sủa rộn ràng. Tôi thì không muốn xóm giềng để ý. Vậy mà chó có biết cho tôi đâu...

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGGhi chép 1.Tôi tự đặt ra một “hạng mục” đinh cho chuyến đi thực tế sáng tác ở A Lưới lần này, và hạ quyết tâm thực hiện bằng được, đó là: phải lên được Đồi Thịt Băm!

  • LGT: Liên Thục Hương là một nhà văn Trung Quốc đương đại, tự ví mình là con mèo đêm co mình nằm trên nóc nhà, nhìn cuộc sống thành phố tấp nập đi qua đáy mắt. Liên Thục Hương còn ký bút danh Liên Gián, có số lượng bản thảo lên tới hơn hai triệu chữ. Năm 2003, “Bài bút ký đầy nước mắt” đã được post lên mạng và năm 2004 nó đã được dựng thành phim và bộ phim ngắn này làm tiền đề cho tác phẩm điện ảnh đoạt giải thưởng của Trung Quốc. Sông Hương xin giới thiệu câu chuyện này qua bản dịch của nữ nhà văn Trang Hạ.