Ngôn ngữ của những âm thanh

16:00 04/02/2010
HOÀI NGUYÊNTiếng tiêu trầm của nỗi cô đơn...

Thổi khèn bè - Ảnh: hue.vnn.vn

Đêm ở đây, phía Tây đỉnh Trường Sơn, gió đi qua bản nghe như có một đoàn tàu lửa đang chạy trên chiếc cầu sắt, gió như há hốc miệng ra gào rít dọa dẫm, chực xông vào mọi nhà. Gió thổi ào ào qua từng cơn rồi bất thình lình cuồn cuộn, đập phành phạch vào các vách liếp, cửa nhà. Những đêm như thế, ngoài trời lạnh như cắt da, lạnh buốt tận xương.

Đếm ấy, tôi ngủ lại trong một ngôi nhà sàn nhỏ của người dân tộc vùng Đac Chưng. Chủ nhân là một người đàn bà rất khó đoán tuổi là 40 hay 50... ít nói, trầm lặng, chỉ có điều dễ thấy là sự cô đơn. Đêm đã khuya mà tôi vẫn thấy người đàn bà đó ngồi bên bếp lửa với chiếc xa quay sợi. Bếp lửa ở trên đỉnh cao Trường Sơn vừa là ánh sáng, vừa là lò sưởi, cứ bập bùng tí tách suốt trong đêm, hòa cùng với tiếng xa quay tạch rè đơn điệu. Nhìn người đàn bà lặng lẽ, âm thầm, mắt như có nhìn mà chẳng nhìn ai, cũng chẳng nhìn một vật gì. Cần cù, kiên nhẫn, bà vẫn ngồi nguyên một chỗ với tư thế đó không biết đã bao nhiêu năm tháng rồi.

Đang triền miên để chờ đợi hơi ấm của mình tỏa ra trong cái chăn mỏng dính tìm tới giấc ngủ, chợt nghe một tiếng tiêu trầm ngân lên, vẳng lại. Ồ, đúng tiếng tiêu trầm từ đâu đến. Trầm lắm, hầu như tôi chưa được nghe bao giờ. Tôi đã được qua lại đây nhiều lần, tôi đã từng nghe tiếng sáo 5 cung bậc vi vu trên nóc nhà khi gió đi qua. Tôi gọi là sáo gió. Tôi cũng đã được nghe những chiếc đàn âm thanh bằng gỗ hoặc bằng đá được đẽo gọt ngắn dài khác nhau, treo trong một vòng mây uốn tròn ở ngoài góc nhà canh rẫy. Đây là đàn gõ âm thanh, chuyện trò của những đôi trai gái giữa nương rẫy này với nương rẫy nọ. Cũng cây đàn gõ đó, tự nó khi gió đung đưa, thanh gõ sẽ gõ vào, tạo nên những âm thanh để xua đuổi chim chóc, thú rừng đến quậy phá nương rẫy và cũng là tiếng nhạc vui xua tan sự tẻ buồn trong những ngày vắng vẻ, trong những đêm mưa lạnh giữa núi rừng.

Nhưng tiếng tiêu trầm này thì lần đầu tiên tôi mới được nghe. Ngưng một lát, tiếng tiêu lại ngân lên. Không chịu được nữa, tôi chui đầu ra khỏi chăn và xác định là âm thanh từ bếp lửa.

Người đàn bà đã ngưng quay xa, bà ta đang để môi lên chiếc tiêu dài, một chiếc tiêu dài quá khổ. Có lẽ vì cái độ dài đó mà các âm thanh trầm kéo dài, chuyển từ độ trầm này xuống độ trầm khác nghe rền đến tận cổ họng và lồng ngực. Tiếng tiêu trầm quyện chặt chung quanh người đàn bà với những nỗi niềm khắc khổ của đời bà chăng? Bỗng lòng tôi cũng rung theo cái buồn, cái nhớ tổ quốc quê hương vừa đây cũng thức dậy đi theo cái khúc điệu trầm lắng đó. Tôi tung chăn ngồi hẳn dậy mặc cả rét lạnh, vì như đang có một sự đồng cảm nào đó giữa âm thanh và tôi hoặc vì tiếng trầm da diết không sao ngủ được. Tôi quan sát kĩ hơn tư thế ngồi thổi tiêu của người đàn bà. Hai chân bà duỗi thẳng, khép lại nhau, nửa người trên ngả nghiêng theo độ chếch của vai bà. Hai tay bà duỗi thẳng, các ngón tay như cố níu lấy các lổ cung bậc của chiếc tiêu, đầu hơi ngửa ra để cho môi bà đặt đúng vào nơi thổi. Hình như chiếc tiêu trầm này làm ra chỉ riêng cho bà trong tư thế ngồi muôn thuở này đã tạo nên một âm thanh từ cõi lòng bà. Tiếng tiêu trầm ngân lên nghe trong veo, mượt mà, mỏng tanh, chìm đắm... Người đàn bà rất thoải mái trong cái tư thế riêng biệt đó, bà ta nhắm nghiền hai mắt lại thổi vào tiêu một cách say sưa, đê mê, huyền bí như không còn biết có ai bên ngoài nữa... Ngon lửa vẫn bập bùng nổ tí tách soi sáng gương mặt bà, một gương mặt khắc khổ, lạnh lùng cô đơn giữa cái đêm giá buốt.

Ngưng một lát, có lẽ hết một bài, chắc là hết một nỗi niềm gì đó... rồi bà lại tiếp sang một bài khác mà tôi nghĩ không phải bài đã được soạn sẵn mà là âm thanh tự đáy lòng, từ những nỗi buồn mênh mông, từ những ký ức sâu thẳm tưởng chừng đã chôn vùi từ lâu nay sống dậy lại và lướt theo ngón tay bà. Bà vẫn nhắm nghiền đôi mắt, đầu bà hơi quay đảo nhè nhẹ như đang muốn tìm đến một hình ảnh xa xăm nào đó. Tiếng tiêu trầm lại càng trầm hơn, trầm hơn lướt đến hết cung bậc thấp nhất rồi dần dần tắt hẳn. Người đàn bà như tỉnh giấc mơ, bà ngưng thổi nhưng vẫn giữ nguyên môi đặt trên chiếc tiêu mấy giây cho nguây nguôi những nỗi niềm sâu lắng trước khi trở về với cảnh thực của đời.

Bà ta lại nhẹ nhàng cắm chiếc tiêu lên cái phên vách vừa tầm tay của mình, cầm cái bầu nước tu một hơi rồi trở về với cái xa quay cũng bên cạnh bà. Cái xa quay lại rạch rè hòa cùng tiếng nổ tí tách của ngọn lửa bập bùng. Tiếng xa quay, tiếng tiêu trầm, và bếp lửa tí tách... có lẽ những âm thanh đó sẽ đi suốt cùng bà trọn cả cuộc đời.

Sáng sớm hôm sau, tôi vừa thức dậy thì bà cũng đã chuẩn bị cơm nước cõng gùi ra rẫy. Tôi lẳng lặng đứng nhìn bà lầm lũi một mình leo lên dốc núi trước mặt đang còn sương mù bao phủ...

Và tiếng khèn bè quyến rũ...

Cuộc đời chiến đấu lại đưa tôi đến một vùng cư dân Lào bên dòng sông Mê Công. Tại đây, lần đầu tiên tôi được nghe người con trai Lào thổi khèn bè, một tập hợp âm thanh do các đoạn trúc ngắn dài khác nhau xếp lại, qua một lỗ thổi có lưỡi gà với những lỗ rất nhỏ trên các thanh trúc để bấm ngón tay, phát ra những âm thanh cung bậc. Âm thanh khèn bè trầm trầm êm êm như gợi nhớ, thôi thúc, thấm dần, len lỏi đi vào những ngóc ngách của lòng người, làm cho người nghe cứ lịm dần say mê như bị một chất men ru ngủ... Trong tất cả những cuộc vui chơi, múa hát, hội hè hay tang lễ, trên đồng ruộng hay giữa núi rừng... khèn bè đều có mặt, và có thể nói rằng, tiếng khèn bè như là hơi thở, tiếng nói, niềm vui và nỗi buồn của người Lào. Khèn bè không chỉ dành riêng cho những chàng trai, cô gái say khèn mà cả bản, cả Mường, cả người già lẫn trẻ. Tuy nhiên, phải nói rằng khèn bè ở Lào đã có vị trí quan trọng trong ngôn ngữ tình yêu. Vào những đêm trăng đẹp từ đầu hôm, một tốp khèn bè 2,3 chiếc của những chàng trai đi dạo quanh khắp làng, không có điểm dừng cố định, đó là tiếng khèn dạo chơi cho rộn bản, vui mường nhưng đồng thời là khúc dạo đầu báo hiệu của những cuộc tình tứ giao duyên với những cô gái trong làng đang ngồi quay tơ cuộn sợi đợi chờ. Về khuya, khi những ngọn đèn chai đã tắt thì chỉ còn nghe một vài tiếng khèn lẻ bạn đi lang thang chập chờn như những con đôm đốm lập lòe ánh sáng rồi đến đậu ở một gốc xoài, gốc me nào đó dưới sàn nhà của một người đẹp. Tiếng khèn bắt đầu thì thầm bộc lộ và bắt đầu từ đây không phải một đêm mà hết đêm này qua đêm khác, càng về khuya, tiếng khèn nhỏ dần lại nhưng càng tha thiết hơn. Người con gái trên sàn nghe không bỏ qua một hợp âm nào. Cô hiểu hết, hiểu tường tận những lời thổ lộ của người con trai qua tiếng khèn bè và bắt đầu trăn trở, sự rạo rực về niềm thương nhớ âm thanh của chiếc khèn bè bắt đầu ngấm thấm. Rồi đêm tiếp đêm, nếu tiếng khèn đến chậm muộn hoặc bỗng nhiên vắng lặng đi thì cũng là lúc mà người con gái mong mỏi đợi chờ. Một âm thanh khèn bè đâu đó xuất hiện, người con gái lắng nghe và biết là âm thanh của anh ấy hay không phải của anh ấy. Khi đã yêu, đôi tai người con gái tinh lắm, tinh gấp mấy lúc bình thường.

Người Lào nói: “ Làm trai Lào phải biết nói trong khèn bè và làm con gái Lào phải biết nghe tiếng nói của khèn bè”

Thật thế ư? Một anh bạn Lào giảng giải cho tôi:

- Thổi khèn bè với người yêu phải có tuần tự của nó. Đầu tiên mình thổi những bài về tình yêu thông thường khi người con trai, con gái bắt đầu gặp gỡ nhau. Đây là sự thăm dò có ý tứ. Người con trai phải biết thính nghe tiếng động trên sàn nhà của cô gái, tiếng động nào là cô không thích nghe và tiếng động nào là cô đang lắng nghe và trằn trọc không ngủ được. Khi đã được cô gái tiếp nhận thì mình tiếp tục ngôn ngữ khèn:

“ Anh với em cùng bản cùng mường,
Anh đã nghe lời khen em theo Mẹ- lời quý em theo Cha
Lời bàn qua nói lại của người con trai đầu ruộng, con gái đầu sông
Em giỏi việc ruộng đồng, em siêng việc hái măng, tìm nấm
Anh muốn cùng em uống chung bầu nước, tắm một dòng sông
Ăn cùng típ xôi của ruộng đồng hai ta cày cấy
Anh muốn mời em đi chơi trăng, cùng em đi dự hội...”

Mình phải làm cho em thức, khêu lên cho em tỉnh, mình phải đứng thổi khèn dưới sàn nhà em đêm này sang đêm khác, muỗi đốt cũng phải chịu, sên vắt bam cũng phải lì. Làm sao cho tiếng khèn của mình không chỉ lọt vào tai mà vào tận đáy tim nàng.

Cho đến một đêm tốt lành nào đó, cô gái trở mình ngồi dậy, không kịp xin phép mẹ, không kịp hỏi ý kiến cha, cô nhẹ bước đi về phía cầu thang sau nhà để đến nơi hẹn hò... Mẹ nghe mẹ mừng thầm, cha biết cha làm thinh, biết con gái mình đã tìm được người trai ưng ý.

H.N
(120/02-99)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • PHAN THỊ THU QUỲ(Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)

  • LÊ KHAI           Bút kýAnh đưa tôi một tờ giấy cuộn tròn và nói: Tuần qua tôi đi tìm mộ liệt sĩ ở Truồi (huyện Phú Lộc). Tìm một mộ mà phát hiện ra tám mộ. Buồn! Tôi làm bài thơ. Anh xem và chữa giúp. Cả đời tôi chưa quen làm thơ.  Anh chào tôi rồi vội vã về vì đang có việc cần.

  • HÀ KHÁNH LINH            Trích Hồi ký… Mùa xuân 1967, địch tăng cường đánh phá suốt ngày đêm, ngày một ác liệt hơn. Các trạm khách dọc tuyến đường 559 không ngày nào không bị đánh trúng hoặc B52 hoặc bom tọa độ, hoặc pháo tầm xa. Ngày nào cũng có thương vong. Có những đơn vị trên đường hành quân vào Nam chưa đến địa điểm tập kết đã bị đánh tơi tả, chỉ còn sót lại vài người. Các cơ quan đơn vị đóng chung quanh khu vực phần nhiều đã bị đánh trúng.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ                                        Tạp bútNhư nhân duyên, như định mệnh, cuộc đời tôi như thu hết vào trong một chung trà. Tuổi thơ đã qua, bây giờ và sẽ mãi mãi, cuộc đời tôi luôn vương vấn một hương trà. Tôi thường hay nói đùa cùng bằng hữu rằng sinh ra và lớn lên được ướp trong hương trà, tôi cũng chỉ mơ một ngày về thiên cổ được vẫy tiễn linh hồn bằng một chén trà ngon, được chôn theo cùng là một bộ ấm trà quý nhất và được vẫn cùng người “hồng nhan tri kỷ” đồng ẩm tương phùng ở thế giới bên kia!!!

  • TRẦN KIM HỒĐảo Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của Vĩnh Linh - khu Vĩnh Linh là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; do đó đảo Cồn Cỏ có vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù diện tích chỉ có 4km2. Mât Cồn Cỏ, miền Bắc XHCN trực tiếp bị uy hiếp, nhất là vào lúc nguỵ quyền Ngô Đình Diệm không ngớt hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến; đế quốc Mỹ từng trắng trợn tuyên bố biên giới Hoa kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17.

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGHai cái máy lạnh hai cục trong căn phòng 40m2 của nhà hàng Hoa Chuối cộng với cả trận mưa chiều đột ngột tầm tã không làm dịu được sức nóng từ tấm thịnh tình của gần 50 cộng tác viên thân thuộc của tạp chí Sông Hương tại thủ đô Hà Nội.

  • TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, 60 năm qua là một chặng đường đặc biệt. Chưa bao giờ dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thử thách đến như thế, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù đến như thế. Pháp rồi Nhật, Tưởng và Anh; hết Mỹ đến Khơmer “đỏ”... Kẻ thù và đau khổ nhiều đến mức tưởng chừng như đất nước Việt Nam được tạo hoá sinh ra là để cho các loại kẻ thù nhòm ngó, tìm mọi cách thôn tính.

  • NGÔ MINHTừ tháng 7-1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết cho đến cuối năm 1964 đôi bờ giới tuyến Hiền Lương lặng im tiếng súng, nhưng đây là 11 năm diễn ra cuộc đối đầu văn hóa nóng bỏng, quyết liệt nhất giữa ta và địch.

  • PHAN THỊ THU QUỲ Trên bờ Hương Giang êm đềm, có ngôi nhà nhỏ tôi được sinh ra ở đó. Hằng ngày tung tăng cắp sách đến trường Đồng Khánh, tôi cũng nhảy nhót trên bờ Hương Giang. Lớn lên tôi hoạt động nội thành thường đến hò hẹn bên cây phượng vỹ trước cửa Thượng Tứ, nơi đó là địa điểm giao nhận những “gói nhỏ”, để nhận công việc và để nhớ mật hiệu. Cho nên trên bờ Hương Giang tôi đã ngắm dòng sông thơ mộng với tôi gắn bó biết bao từ tuổi ấu thơ cho đến bước  vào đời.

  • NGUYỄN VĂN VINH                         Bút ký Thôn Hiền An, xã Vinh Hiền là một thẻo đất cát bạch sa cuối phá Tam Giang phía Bắc vào. Như một ốc đảo ba bề, bốn bên là nước, nếu không có đường 49B chạy dọc phá đến cùng đường, tận biển. Và mỗi ngày, hai chuyến xe đò chở khách cùng mấy chục chuyến đò ngang phá qua lại Lộc Bình đem chút xôn xao thị tứ, phố chợ về với thôn, xã thì Hiền An càng xa xôi heo hút.

  • TRẦN HOÀI                  Ghi chépThung lũng A Lưới chạy dài theo hướng Bắc Nam đến vài chục km. Đó là một thung lũng đẹp, là một vị trí quân sự chiến lược, là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến vừa qua...

  • LÊ BÁ ĐẢNGBạn của tôi rất nhiều. Năm ba bạn mà tôi nhắc nhở ra đây phần nhiều là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư còn nghệ sĩ thì chất cả đống.

  • NGUYỄN THẾ QUANGMùa hạ, trời Bát Tam Boong trong xanh. Những hàng cây thốt nốt lặng lẽ kiêu hãnh xòa những tán lá xanh che mát cả khu đồi. Trong căn nhà của sở chỉ huy Sư 179 quân đội Cămpuchia, trung tá Nguyễn Văn Du chuyên gia của bộ đội Việt Nam cởi thắt lưng ra treo khẩu K54 lên vách. Anh vui mừng trước khả năng chiến đấu ngày càng tốt của quân đội bạn. Trận đánh trả lực lượng quân đội Thái Lan bảo vệ sáu nghìn dân tị nạn ở chòm Rumthumây diễn ra nhanh chóng.

  • TỐ HỮU        Trích chương V, hồi ký Nhớ lại một thời

  • VÕ MẠNH LẬP            Ghi chépTrong những ngày tháng ba, hai lẻ sáu trời Hà Nội đẹp và dễ chịu. Cái nắng vàng phủ tràn thành phố, tôn màu của cây thêm xanh biếc, ngói trên các mái nhà như thắm thêm lên, đường phố đi lại thanh thoát và đặc biệt có chút se lạnh vào sáng sớm như sợi tơ vương của hơi thở cuối mùa đông còn lưu sót lại.

  • NGUYỄN QUANG HÀ                          Bút kýMã Yên là tên trên bản đồ của một ngọn núi, còn dân địa phương thì gọi đó là núi Yên Ngựa. Núi Yên Ngựa là một trong những ngọn núi ngoài cùng về phía Đông của dãy Trường Sơn.

  • NGUYỄN QUANG HÀ                         Bút kýNắng chiều vàng trải dài trên những hàng bia trắng như mơ, như kỳ ảo. Đi trong nghĩa trang tôi có cảm giác mình như đang ngỡ ngàng, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ khi hàng hàng những bia trắng dài kia không có một nét mực ghi tên. Đó là những tấm bia vô danh.

  • NGUYỄN TRI TÂMNgười kể chuyện phải lục tìm những tấm ảnh lưu niệm để nhớ chính xác hơn. Sau tấm ảnh đen trắng cỡ 18x24, tướng Hoàng Văn Thái kí tên và ghi rõ “Thân tặng đồng chí trung tá Lương Văn Chính, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, huyện đội trưởng huyện đội Điện Biên. Kỉ niệm ngày lên thăm Điện Biên 3-4-1984”.

  • TẤN HOÀIHưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhĐêm đó, Bác nghỉ lại tại Cọt Mạ - một thị trấn nhỏ của Trung Quốc, thị trấn nhỏ như một bản miền núi miền nam Trung Quốc, có một cái chợ nhỏ, cách biên giới Việt Nam khoảng trên bốn cây số. Tất nhiên, đó là một cơ sở của cách mạng Trung quốc. Hôm sau, Bác về nước cùng với những đồng chí Việt Nam đi đón Bác trong đó có Dương Đại Lâm, Lê Quảng Ba, Bằng Giang. Những người này về sau trở thành cán bộ lãnh đạo của khu tự trị Việt Bắc. Bác về đúng vào tháng 2 năm 1941. Bác đã ghi trên một phiến đá trong hang Cốc Bó, nằm trong khu vực Pác Bó. Gia tài Bác chỉ có một chiếc va li cũ đan bằng mây, bên cạnh một chiếc máy đánh chữ mà Bác luôn luôn xách bằng tay.

  • HOÀNG QUỐC HẢI                        Bút kýVì sao khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) được nước, cung điện nơi thành Hoa Lư các vua Đinh, vua Lê dựng như “điện Bách Bao thiên tuế, cột điện dát vàng, dát bạc làm nơi coi chầu, bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc...”, lâu đài điện các như thế, tưởng đã đến cùng xa cực xỉ.