Một sớm… chiều… khuya

14:42 01/06/2017

NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI    

Chúng ta đều đội bầu trời lên đầu, để mà thức giấc, để được thao thức. Mỗi sớm khuya đều là sự xoay chuyển của mặt trời, sự cho và lấy đi ánh sáng, sự tặng và đòi lại bóng đêm.

Ảnh: internet

Song không phải ban mai và khuya vắng lặng lại có cùng một vẻ màu, nhất là khi chúng ta đứng ở những con đường khác nhau những thời điểm ấy, nhất là khi chúng ta sống ở con phố Huế mơ mộng và dịu dàng này. Có quá nhiều con đường để ta yêu.

Mỗi ngày ra khỏi nhà, đến trường, đến chỗ làm thêm hay đi một vòng không lí do, tôi đều phải rẽ qua con đường ấy. Con đường nhỏ giữa trường Quốc Học và công viên thiếu nhi. Lắm khi tôi cảm thấy hơi ghen với những bạn học sinh Quốc Học. Không phải vì danh hiệu, không phải vì bộ đồng phục, không phải vì thành tích mà vì vị trí mà các bạn đứng đó, mỗi buổi chiều ra về đi ra cổng sau, trước mặt đã là một khoảng trời tuổi thơ của không ít người. Công viên thiếu nhi, nơi tôi thèm lắm được bước vào mà không biết đi cùng ai và làm sao để ngồi lên tàu con sâu mà hai má không đỏ ửng lên vì ngại…

Buổi sáng đến trường, dù là chạy tất bật như bị ai đuổi, tôi cũng cố tạt ngang con đường mặc cho lắm khi làm tôi kẹt cứng giữa người và người. Bầu trời ban mai, nắng rải nhẹ những hột bắp vàng tí xíu lên đường. Khoảnh khắc đó thật bình yên, nếu tôi thực sự là một đứa trẻ đang chờ ba dẫn đến công viên sáng cuối tuần. Nhưng thực tế là không, tôi đi ngang đó cũng chỉ để tìm kiếm một chút bình yên, giờ đó chẳng ai đi chơi công viên… Tôi ước có thể được cho phép nghỉ một tiết học, được hiên ngang bước vào con tàu lượn thuở bé từng ngồi và hát ca. Để tôi ngồi hí hửng trên con cầu tuột trong nhà banh, đôi những trái banh vào một bạn chơi nào đó, hồn nhiên sống tiếp cuộc đời của một đứa trẻ. Lúc đó, những gian hàng tô tượng sẽ bắt đầu được chưng ra, tôi tiếp tục lựa một con vật thật đáng yêu để thêm nó vào bộ sưu tập của mình. Thuở ấy tôi và ba vẫn vậy, ba vẫn luôn ngồi cạnh góp ý màu sắc để tôi tô điểm cho nó. Chúng tôi có những con vịt màu tím, con heo màu cam và con gà màu đỏ bởi lẽ ba có một cô con gái thích làm những điều mà mọi người chẳng bao giờ làm, thích tạo ra những màu sắc mà thực tế nó lại không như vậy. Phía xa xa nhưng cũng rất gần trong công viên là những trò chơi mạo hiểm. Chẳng bao giờ tôi dám đến đó bằng thân hình tí xíu cấp một và sự dũng cảm búp bê của mình. Ba không rủ tôi được, bằng tất cả sự che chở của ba, tôi vẫn khăng khăng một mực từ chối vì độ cao đó kinh khủng đến phát sợ. Rồi cũng một lời hứa là lớn thêm một chút nữa ba sẽ đưa đến đó, rồi tự đi, ba ở dưới chụp cho vài pô ảnh trưởng thành… Tôi lúc này vừa đi xe qua công viên và trường tôi cách đó hai phút. Chợt mơ tưởng ấy cũng ngừng lại. Khi lớn rồi, tôi đã đến đó, và chơi trò chơi mạo hiểm cùng với bạn bè. Ba vẫn đứng dưới đó, hứa hẹn những pô ảnh thật thú vị, kèm theo tiếng cười vốn đã là gió mây của đất trời. Thuở ngồi trên cái đu quay đu lên cao, tôi đã mỉm cười với một người đàn ông, chắc là ba của người khác ở phía dưới đó… chắc họ không biết tôi đang ngộ nhận họ thay cho một người.

Buổi chiều tôi ghé qua. Trời mưa tầm tã, nó vẫn luôn là một cơn mưa bất ngờ cho lũ trẻ nơi đây. Những hạt mưa dần nặng hơn, người qua lại cũng càng thêm vội vã, học sinh tan trường, con đường nhỏ nay lại càng hanh hao hơn trái tim của một đứa trẻ thèm được trẻ hơn. Trên khúc đường vội vã dần đều đó, có hai ba con đang đi dưới mưa, ba lấy áo che cho con gái, cả thế giới ngoài kia như nghệ thuật mà ba tạo ra, bình yên mà ướt sũng. Tôi đang nói về ba con nhà người ta, chỉ một phút mưa ngâu đã khiến cả nhịp sống của tôi ngừng đập. Tình yêu thương của ba dành cho con gái, giữa cả dòng người vẫn có thể sáng lên và đẹp một cách đáng ngưỡng mộ. Người ta đẩy nhau trên dòng đường, khuôn mặt nhăn nhó bởi những hối thúc gì đó ở đằng xa. Chuyện hẹn hò, chuyện cơm nước, chuyện học hành tất bật hay những ca làm nhễ nhại mồ hôi… chỉ có ba là đang ôm con nhẹ dịu, cơm nước ở nhà mẹ đã lo rồi. Mưa lúc ấy cũng khiến tôi thấy ngọt ngào, tôi từng được che mình dưới tấm áo khoác to dày như thế. Cũng trên con đường này, bao nhiêu cơn mưa, bao nhiêu lời hứa. Bởi lẽ cuộc đời như đã bắt đầu và kết thúc ở đây, câu chuyện về những tháng ngày đến công viên cùng ba của một đứa trẻ…

Có lẽ lặng yên và thanh thản nhất vẫn là lúc bầu trời đã tối đen còn ngọn đèn đường thì huơ huơ ánh sáng như khao khát được làm một ngôi nhà dân và nhẹ nhàng tắt đèn đi ngủ. Tôi có nhiều lúc đi hoang vào những giờ người ta đang đánh răng và bắt đầu lên giường làm một chuyến thiếp đi. Khuya không hề có một giờ giấc nào nhất định, khoảnh khắc nghe cả thành phố thở mà lòng thì đánh những hồi bình yên giòn giã chỉ đủ mỗi mình nghe thấy, lòng đầy ắp suy tư và chuyện đời chuyện người, ấy là khi đã khuya. Đêm khuya ấy, công viên không một đứa trẻ nào, thi thoảng lai vãng vài bóng hình của những con người bán hàng rong bước đi lững thững. Tôi chậm lại trên một con đường nhỏ này của Huế, có bác đạp xe xích lô đạp chậm rãi qua cơn mê của những người dân đã ngủ, nghêu ngao vài ca khúc nhạc Trịnh, một hồi lại lẫn nhau như một bản mix nhiều ca khúc. Một chiếc lá khi ấy cũng là một nốt nhạc bị kẻ chơi đàn nhấn nhá cho kéo dài. Cả công viên tắt đèn, con đường thu lại bởi ngọn đèn đường sáng một cách sầu đời. Tôi cố vói mặt vào phía bóng tối trong khu vui chơi ấy. Nơi những con cá, khoang tàu, chiếc máy bay đã mệt mỏi sau một ngày dài của chúng. Để cả cuộc đời là những thú vui, niềm hạnh phúc của lũ trẻ, màu sắc vốn có của chúng đã pha chút bạc bẽo của đời. Như một gã nghệ sĩ già vừa bước qua đó mà ho khan vài tiếng, cả ngày qua niềm vui đã chóng qua theo. Có những phút tĩnh lặng trong đêm tối ấy, tự dưng thấy mọi thứ đã già… Tôi đi khuya như vậy cũng chẳng phải lần đầu. Thuở đó cũng từng được ngồi trên vai ba mà đung đưa như chiếc lá, mặc cho sự vắng lặng mà hát ca, mặc cho lối đó sẽ xa hơn để có thể về nhà…

Có lẽ điều khiến hồn người chợt khựng lại trong dòng người, ấy chỉ có thể là một mảng kí ức chẳng mảy may rơi vào chúng ta. Kí ức là điều làm sống lại mọi thứ theo thời gian, cũng như từng giây phút trong cuộc đời nuôi dưỡng nên từng khoảnh khắc quý giá.

Hãy dũng cảm đến con đường đó khi ban khuya, khi mặt trời đã quá mệt để chiếu sáng cho vạn vật trên đời, khi tâm can mệt nhoài trước những show diễn cảm xúc trước mọi người… khi mà sự chân thành của bản thân cũng không thể nào mang trở lại những kí ức. Đến đó! Để có thể lắng nghe chiếc lá hát, lắng nghe tuổi thơ êm ái nằm đó hiên ngang giữa những mùa ve kêu, nghe gã nghệ sĩ già ho khan, tiếng gánh hàng rong nhỏ dần đến cuối con đường… Con đường ấy ngắn lắm, nhưng lại là bao la.

N.T.K.T  
(TCSH340/06-2017)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • HỒ NGUYỄN DẠ THẢO

    Ngày xửa ngày xưa có hai anh em sống rất hòa thuận với nhau trong một ngôi nhà tranh cũ gần con suối nhỏ xinh. Họ siêng năng chăm bón mảnh vườn cha mẹ để lại, cùng nhau nuôi gà nuôi vịt. Cuộc sống tuy giản dị nhưng lại rất đầm ấm.

  • Hằng năm, theo lệ thường, Nhà Thiếu nhi Huế đã phối hợp với Liên hiệp các hội VHNT, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi Cây bút tuổi hồng để từ đó lựa chọn những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho phong trào sáng tác văn chương trong lứa tuổi học sinh từ cấp 1 đến cấp 2 tiếp tục tham gia trại sáng tác nhằm cổ vũ tình yêu văn chương nghệ thuật, tinh thần sáng tạo nghệ thuật trong thành phố.

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI

    Một ngày của kẻ cô đơn! Vẫn là tự đèo mình trên chiếc xe cà tàng vận chuyển tâm hồn quanh thành phố, bao giờ cho đầy, cho đủ…


  • Khôi Nguyên - Mai Văn Hoan - Nguyễn Ngọc Phú - Lý Uyên - Đặng Công Xê

  • PHƯƠNG NGẠN  

    Tôi ba mươi sáu tuổi, cái tuổi chẳng còn đủ trẻ để ngồi háo hức đồng dao mà cũng chưa đủ già để chép miệng thèm thuồng khoảnh khắc tuổi thơ bơi lội trong mùa khói rạ ngút đồng, tháng ba chim trời mang mang, tu hú gọi bầy, con sâu gầy tổ và lũ trẻ bày trò mùa hạ, nhiều trò, nhiều lắm lắm!

  • LÊ TẤN QUỲNH

    Công viên nằm dọc bờ sông của thành phố trầm mặc cứ hiện ra như một khoảng lặng kỳ lạ của thời gian. Nơi mà chỉ cần chút khói lụa bồng bềnh dẫu chưa đủ kịp cho một nỗi say sưa cũng đủ đã là đong đưa cả buổi chiều ngầy ngật. 


  • NGUYỄN VĂN THANH

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI  

    Ta sinh ra, đầy đủ tay chân, được quẩn mình trong chăn trắng mềm mại, được người ta coi trọng sức khỏe. Vậy là sự tiếp đón của thế giới dành cho ta cũng thật làm ta thực sự muốn sống tốt.

  • LÊ PHƯƠNG LIÊN 
            Truyện ngắn

    Mùa xuân này mẹ cho tôi về Huế. Ngồi trên máy bay mà thấp thỏm không yên, thỉnh thoảng tôi lại ngó ra cửa sổ, muốn nhìn xuyên qua làn mây trắng để chờ đợi giây phút Huế sẽ hiện ra những hình sông dáng núi và thành quách cổ xưa…

  • LTS: Bài văn dưới đây nhận được điểm tuyệt đối, đứng nhất vòng sơ loại cuộc thi Cây bút tuổi hồng 2014 (dành cho học sinh từ 7 đến 16 tuổi trên toàn quốc). Nguyễn Trương Khánh Thi đã nhìn ngược về những tháng ngày mình chưa trải qua, nhưng đó là những rung cảm thật sự, mở ra chiều tưởng tượng phong phú về một tương lai rất gần.

  • NGUYỄN TRỌNG ĐỒNG

    Con ốc đảo Lý Sơn

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI
                                        Tản văn

    Bây giờ? Tôi sống như chiếc lá, cứ mỗi ngày qua đi là một không gian giấu vào khoảng lặng.

  • NHẬT CHIÊU

    Khỉ con ngồi trên cành lá, nhìn sao đầy trời mà tự hỏi: Có cách nào để gần được một vì sao?

  • VĂN LỢI

    Trích "Đi từ quả trứng" - Nhà xuất bản Thuận Hóa

  • ĐỒNG XUÂN LAN

    Trên đường chuyển về vườn thú, các con vật như Gấu, Nai, Vẹt, Họa mi cùng ngồi chung một chỗ trong toa xe lửa. Muốn được nhìn cảnh núi rừng lần cuối cùng và ngắm bầu trời, các con vật đề nghị nâng cửa kính toa xe lên một tí nữa.


  • LÊ KÝ THƯƠNG

  • ANH THƯ

    Nghé rất thích mèo. Chỉ cần được nhìn thấy con vật bé nhỏ ấy là Nghé đã mê tít rồi chứ chưa nói là chơi đùa với nó, sờ đuôi nó, vuốt bộ lông mềm mại của nó và áp sát nó vào người.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

    (Mạn đàm với nhà văn Quang Huy về Hội nghị quốc tế IBBY 86)