Mầm nhói

09:18 30/05/2018

NHỤY NGUYÊN

9 tháng 10 ngày. Thời gian không nhiều. Thời gian không đợi hắn.
Bận. Hắn nói phải đến Đồi Anh Hài. Đồi Phôi Thai. Đồi Linh Thai. Nghĩa trang Thai Nhi lớn nhất. Nhiều tên lắm. Nhưng mộ thì giống nhau.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

*

Cô gái ngồi trên chiếc ghế dài đen đúa, ánh điện mỏng vàng vọt. Ở góc tủ cạnh bàn thờ có cái bàn nhỏ đặt những om đất được dán kín bằng ni lông. Cô liếc qua, không để tâm, thoáng nghĩ trong đó có thể ươm mầm một loại hạt giống.

Người quản trang bước lên.

- Cô uống nước.

Cô gái rụt rè bưng ly nước chè vàng sậm, nhấp ngụm nhỏ.

- Dạ. Hồi nãy con đã lên đồi thắp nhang…

Người quản trang thoáng nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô gái. Ông biết cô đến tìm con giữa hơn 40 ngàn thai linh. Khóc. Hiển nhiên. Ông quá quen với cảnh những cô gái một mình đến ngọn đồi vào tầm trưa, chập tối, vào những lúc nắng ran người, kể cả hôm trời mưa dông sấm sét. Họ lần đến từng nấm mộ tìm kiếm thông tin, dò tháng ngày khắc trên cây Thánh giá. Không một dòng tên. Có người gục xuống òa khóc; người quỳ trước Đức Mẹ Maria, rồi đứng dậy ngơ ngẩn không biết nên về hay ở.

- Lâu chưa?

Một câu hỏi bị cắt đầu cắt đuôi, nhưng đủ để cô gái hiểu.

- Dạ, con muốn tìm lại…, vào ngày…

Người quản trang chau mày.

- Sao trùng hợp vậy. Đúng ngày Chúa bị đóng đinh trên Thập giá.

- Dạ không, đứa trẻ được sinh ngày trước đó.

- Vậy à? Quá lâu rồi. Con đợi. Tui phải lục danh sách trong mấy cuốn sổ cũ, cũng chẳng rõ có ghi trường hợp này không nữa. Con ở xa đến, cứ trọ lại Nhà Tạm Lánh.

Một dãy nhà. Không có tấm bảng Nhà Tạm Lánh gắn trước cổng; mà có chưa chắc ai đã hiểu. Những căn phòng khép kín, cưu mang những phận gái lênh đênh đang nuôi lớn trong mình những hài nhi bằng một thứ tình thương có lúc mơ hồ hư vọng. Và đêm đêm trong chuỗi tâm sự về cuộc tình éo le, về những gã đàn ông tốt có xấu có, sạch sẽ và gớm guốc, đôi lúc họ vẫn nói về những sinh mệnh đủ kích cỡ hình dạng bị khước từ. Về những tiếng khóc âm ỉ thường vang lên trong đêm thanh vắng. Về rất nhiều người mẹ vẫn thầm lặng ngày rằm mồng một lên ngọn đồi thắp nhang mong được con thứ lỗi, để cùng với hơn 40 ngàn thai linh khác về dưới vòng tay ân từ của Chúa.

*

Hơn 40 nghìn nấm mộ, thi thoảng mới gặp một nấm đặt bát nhang phía trước; lại có nấm được cha mẹ nhận mặt sơn xanh giữa một màu trắng nhức kéo dài miên man.

Tôi đến đây một chiều ngợp gió, cùng một cô gái đang núp dưới tượng Đức Mẹ thắp mãi nhang mới cháy. Tôi chưa hề gặp ai cầm bó nhang lớn đến vậy; tự hỏi cô ta nguyện thắp hết những nấm mộ ở nghĩa trang này sao? Cô không biết nấm mộ nào của con mình, nhưng biết chắc con nằm ở đây. Nghĩa trang như một vết thương trên ngọn đồi, vết thương rỉ máu xuống dưới chân đồi tạo nên vết thương khác, rồi loang thêm một bãi hoang đau đớn nữa. Tôi cho cô gái biết về hai bãi mộ tưởng tách riêng với nghĩa trang lớn nối bởi lối mòn nhỏ bị che lấp dưới cây dại. Cô gái cắm nhang, nước mắt rơi trên những thành mộ. Ngồi bên một thiên thần gãy cánh ngẫm chính tội lỗi của mình, tôi càng thấm thía dòng nước mắt muộn màng của cô gái. Bó nhang vẫn nghi ngút khói trên tay cô, chợt giật mình: còn biết bao mộ chưa được thắp, nhang trên tay cô đã cháy đến cội.

*

Tôi đến, người quản trang đang dở việc. Ông từ phía sau nhà ngang ra tiếp, tay đeo găng y tế dính máu. Nghe tôi trình bày, ông bảo khoảng nửa tiếng nữa. Tôi vui vẻ đợi. Ông gợi ý tôi nên đến nhà thờ thăm thú, cách có mấy chục bước chân, còn nguyên sơ cổ kính. Tôi cho là một ý hay.

Mặt trời tụt dần xuống phía sau đồi Thai Nhi.

Ông quản trang mang theo cái xẻng và một bao đựng thứ gì đó. Ban đầu tôi không để ý, ngỏ ý xách giùm. Ông cũng không nói, đến đồi, đến bên một cái huyệt tròn và sâu tôi mới hiểu. Ông bảo hãy nhẹ nhàng đặt bao xuống, rồi dẫn tôi viếng khắp ngọn đồi.

- Có ngày nhận vài chục thai. Có ngày chỉ dăm em, cứ băn khoăn có nên đưa các em đi không?; nghĩa trang thì chật dần. Cứ ngồi trước cửa đợi, trời tối đen lúc nào không hay. Thở dài, vô ăn cơm, giữa bữa chợt nghe chó sủa, biết ngay có người tình nguyện đưa các em tới. Đằng nào cũng đã hết ngày, liền tắm rửa, sát trùng cho các em rồi cho vào om khằn lại.

Tôi chợt nhớ hình ảnh lúc ông quản trang từ nhà dưới bước ra, tay còn nhỏ từng giọt màu đỏ sẫm...

Cả hai dừng ở một ngôi mộ bằng đất, mới chôn.

- Chín em nằm dưới đó.

Tôi tỏ sự ngạc nhiên, như trách móc.

- Thậm chí có ngôi dăm chục em và hơn nữa. Lứa những em đầu tiên đến đây được nằm riêng một ngôi. Con số cứ nhân lên gấp bội, buộc chúng tôi phải tính lại, hai em một chỗ, rồi ba, bốn... Anh thấy, ngọn đồi này đã trắng phau.

Tôi hiểu hai chữ “chúng tôi” ông quản trang nhắc đến. Đây là nghĩa trang thai nhi lớn nhất nước, do Giáo xứ sở tại lập. Ông quản trang là người đồng hành đầu tiên với nghĩa cử này. Từ đó đến nay hàng chục ngàn thai nhi, không ai ngoài ông đã đào nơi an nghỉ cho các em.

Ông nối thêm, như thay lời biện hộ:

- Mà các em nằm với nhau có lẽ cũng vui.

Tôi bặm môi, muốn cắn bật máu; tưởng đến cảnh ông quản trang phải đào những nấm mộ lứa đầu lên và cho thêm một số em mới ngủ cùng...

- Sao không xin đất mở rộng nghĩa trang?

Tới một cái huyệt tròn vừa đào, nơi dành đón những em vào ngày mai, bây giờ ông mới trả lời:

- Chúng tôi cũng đã nghĩ đến, lại thấy đó như là tín hiệu xanh, rằng nghĩa trang thênh thang tha hồ đón các em về… Có hôm tui vừa thả mấy em xuống, lấp đất thắp nhang rồi bỗng có người chạy tới, bảo về nhà bác không thấy ai nên mang lên đây luôn. Em này người ta lượm được trong thùng rác, đã bốc mùi.

*

Cô đợi từ sáng sớm, vẫn chưa đến lượt mình. Danh sách còn dài, và không ngoại trừ lâu lâu lại có cái tên không xếp hàng chen ngang bởi nhiều lý do tế nhị. Hắn vẫn ngồi bên. Cô gái mặt dễ nhìn, dáng thon, bề ngoài chưa cho thấy mang bầu. Nhưng hắn tin chắc điều này. Hắn thậm chí còn gợn ý nghĩ xấu xa, tưởng ra một khuôn hình với phần bụng hơi nhô. Có thể vài tháng hoặc hơn. Hắn từng biết đến những đứa con tật nguyền quặt quẹo do lúc trong thai mẹ nó sợ người đời biết đã thắt bụng. 

Hắn nhớ cô gái mặt búng sữa được bạn trai chở đến “Trung tâm” phá thai năm ngoái. Khóc. Nỗi gì? Bị ép? Hay bởi lý do khác dẫu thương con cũng đành chối bỏ? Có phải khuôn mặt này?

Ban đầu hắn vờ là người cùng hoàn cảnh đợi chờ như cô gái. Bảo bọn anh lỡ rồi, bồ đang trong đó, cũng ân hận lắm nhưng biết làm sao. Thở dài. Quay mặt. Lặng. Lúc lâu hắn mới bắt chuyện lại. Cô gái đã thấy an tâm, rồi cũng tâm sự: Đây là đứa thứ hai anh ơi...

Hắn giả vờ suy tư. Cô gái chợt hỏi: “Sao bồ anh lâu ra vậy? Liệu có vấn đề gì không?” Hắn dớm người. Chợt nghĩ, trò chơi này cũng nên kết thúc. Trước lúc bước đi, hắn hỏi tên cô gái, bảo để anh vào xem đã đến lượt em chưa? Cô cho hắn một cái tên, chẳng rõ thật hay giả. Hắn đi vào khoảng mươi phút; trở ra vẫn còn cô gái ở đó, mặt vui, gần gũi hơn.

Hắn đặt gói đồ trên ghế cạnh mình.

- Bồ anh sao rồi?

- Ổn. Nhưng bác sĩ bảo hơi yếu, cần thời gian hồi sức.

Hắn sợ gói đồ rơi, nên ngồi lấn về phía cô một chút để kéo gói đồ vào.

- Này em. - Hắn lên tiếng, vẻ mặt hơi nghiêm trọng, nhưng thân tình - Hãy nghe anh, giữ đứa bé lại...

Cô gái nhìn hắn tức thì, khó hiểu. Hắn đoán được điều cô đang nghĩ.

- Thực tế, anh không có ai trong đó. Em biết túi này đựng gì không?

Hắn đưa gói đồ đặt qua bên này, mở ra...

*

“Tôi quẫy trong bụng mẹ, hy vọng có thể sớm ra ngoài, nhưng bác sĩ đã dùng tay ấn vào đầu chích một liều thuốc, đột nhiên tôi cảm thấy toàn thân tê đau không còn sức nữa; rồi bác sĩ dùng kéo cắt tay phải tôi, dùng kiềm gắp ra, lại cắt chân hai miếng, dùng máy hút… Thân vô cùng đau đớn, máu chảy không ngừng…”.

*

Cô gái thấy vị bác sĩ xách ra một bọc ni lông bùi nhùi hàng chục thai nhi đẫm máu dính bết vào nhau, đứa chỉ thấy đầu, đứa lòi phần tay, chân… Cô kinh hoàng chạy ào ra, không ngoái lại và thề không bao giờ đến nơi này nữa. Hình ảnh cái bọc vẫn còn treo trước mắt. Đứa này, đứa này, hay đứa này mới là con cô. Khúc ruột quặn thắt của cô. Đêm về cô mơ thấy mình bước vội theo vị bác sĩ xin lại con về chôn cất. Mãi không được, vị bác sĩ nói đã có người xin rồi. Họ mang về làm gì nhỉ? Chả biết! Rồi bỗng dưng cô không nói được nữa, cố gào nhưng im bặt. Cổ họng tắc nghẽn, cô ho mạnh. Cả người cứ lún dần xuống vũng lầy. Giãy giụa. Ai đang dìm cô. Vùng dậy. Thở hắt. Mồ hôi đẫm. Còn mơ màng chưa tỉnh, cảm giác như máu khắp mình.

Cô bước ra hiên. Gió mát. Trăng mờ. Đồi Anh Hài lấp ló những ngôi mộ lấm ánh trăng vàng nhạt.

*

Những đứa trẻ được tắm lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng như sự gội rửa nỗi oan bằng nước thánh, khoác lên mình những chiếc áo bé xinh nhiều màu sắc rồi đặt gọn ghẽ trong những chiếc om đất chờ ngày vĩnh viễn nằm lại dưới đất sâu.

...

Mỗi lần nghĩ về nghĩa trang Thai Nhi, tôi lại nhớ đến khuôn mặt non tơ của cô gái. Đôi mắt cay xè và những giọt nước mắt lặng rơi. Khuôn mặt in sâu trong tiềm thức, làm tôi nhớ đến khuôn mặt khác mình từng khuyên phá bỏ một giọt máu…

Những mầm sống cố đâm lên khỏi tối tăm, những mầm sống quặt quẹo khô héo. Những mầm sống vùi trong cát bụi. Tôi khuyên người ấy bỏ giọt máu, đơn giản vì nó chỉ mới là giọt máu nhỏ nhoi. Đâu biết nó có linh hồn, cảm thọ được sự sống từ huyết mẹ. Nếu không nhận lời khuyên của tôi, hẳn người ấy đã không xóa đi một sinh linh, hẳn sự sống sẽ tách vỏ đâm chồi…

*

Những thiên thần chắp tay đứng quanh Đức Mẹ cùng nhìn xuống từng hàng mộ tít tắp. Những ngôi mộ hình chữ nhật gắn Thánh giá cùng hướng về một cây Thánh giá khổng lồ khác, cùng hướng về Chúa nhân từ. Một thiên thần khác ngồi sụp úp mặt vào lòng tay. “Xin Mẹ che chở cho các phôi thai”!; khóc thương các hài nhi không được góp mặt trên đời.

Tiếng kinh buồn thấm đẫm. Hết thảy các em nơi ngọn đồi này đều đã trở thành thiên thần, những thiên thần chấp chới giữu hư không chờ lần siêu thoát.

Ngày Lễ Thánh Các Anh Hài, những chiếc áo đỏ của linh mục nổi lên dưới nền trời xanh, nổi bật giữa ngọn đồi trắng xóa. Dòng người sau thời dọn dẹp sạch sẽ, hoa tươi đặt lên những nấm mộ nối nhau thẳng tắp; nhiều ánh mắt thất thần, nhiều nước mắt tuôn rơi.

“Chúng ta đứng đây hôm nay, để nguyện cầu cho những sinh mệnh tội nghiệp. Chúng ta nguyện cầu mối tương oan giữa những thai nhi và những người mẹ (những người cha) sẽ được hóa giải. Chúng ta đứng đây hôm nay còn là để nguyện cầu cho những y bác sĩ, những người thực hiện hành động đầy nghiệt ngã… Chúa nhân từ. A men!”

*

“Bác sĩ có đề nghị sinh tôi ra nhưng hai bọn nó không nghe. Chúng không cho tôi nhìn thấy ánh sáng mặt trời, một lần lại một lần muốn tôi chết!!”

*

Hắn ngồi cùng cô gái trước hiên Nhà Tạm Lánh. Im lặng khá lâu. Còn sớm, không gian tĩnh mặc. Hắn định hướng được đồi Phôi Thai phía tay trái. Một con đường mòn quanh đồi có thể chạy xe gần tới, hồi chiều hắn đã cuốc bộ, cỏ may bám dày. Bức tượng Đức Mẹ lớn là dấu hiệu nhận biết trước tiên, sau đó đập vào mắt những dãy mộ gắn Thập giá cùng kích cỡ, cùng nỗi u hoài dưới bầu trời như rộng thêm.

- Ở đây cũng… sợ.

Hắn định hỏi “Là sao?”, lại thôi, nhìn khuôn mặt cô gái. Mấy phút trôi, tiếng dế rộ lên, rồi ngưng bặt.

- Có đêm em nghe tiếng trẻ khóc ngặt, trở dậy vén màn; bước được mấy bước chợt nghĩ, sao mình để con nằm riêng đằng này nhỉ? Như choàng tỉnh. Em đã sinh con đâu, đưa tay sờ bầu, sững người ra giữa căn phòng tối. Tiếng khóc lặn từ lúc nào.

Hắn rợn mình.

- Nhưng giờ em an lòng rồi. Có đêm trăng sáng không ngủ được em còn lên ngọn đồi, ngồi một lúc bên Đức Mẹ mới về. 

Hắn hồi tưởng khuôn mặt nhiều năm trước; khuôn mặt ngồi cùng nhau dưới vầng trăng nhạt; khuôn mặt gặp ở “Trung tâm” phá thai; về những cô gái thắp nhang trên Đồi Anh Hài. Đều có chung một nỗi niềm, một cơn đau, đều nuôi giọt máu lớn dần… Khác là hình hài kia đã bị bóp nghẹt.

Rùng mình, không dám nghĩ đến những tháng ngày tưởng đã chết, đang cựa mình sống lại như quái vật, hắn giằng xé giữa sự vùi lấp quá khứ và hình ảnh hiện tại. Trong ngôi nhà dưới sườn đồi, ông quản trang đã ngủ. Những thai nhi méo mó dị dạng đập vào mắt không khiến ông thao thức, trừ phi những đứa trẻ đánh thức ông. Sang ngày. Trăng lặn vào sương mù. Ánh sáng đỏ loét của loại bóng quả ớt trên bàn thờ khiến không gian huyền mị. Hắn cứ nằm yên, muốn trở dậy song chẳng biết đi đâu.

Rồi cũng chợp mắt. Giấc ngủ manh mún… Hắn thấy những thai nhi được bỏ chung vào bao ni lông đặt trong ngăn đá của cái tủ lạnh lớn, đông cứng, tuyết bám quanh, những chỗ đẫm máu chuyển bầm rồi đen. Chợt nghe tiếng lợn kêu ngoài chuồng. Đói. Một bóng đen vào mở tủ lạnh. Đúng hơn hắn chỉ thấy cái cửa tủ mở, rồi cái bóng mới xuất hiện, cái bóng đổ tới từ phía nào chẳng rõ. Một bao ni lông từ từ bay khỏi ngăn tủ đông. Nó bay ra thềm giếng, rồi cái bao rơi vào thau nước… Con lợn ngưng kêu. Nó ngửi thấy hay nghe thấy điều gì? Hắn tò mò bước tới. Một thai nhi tròn vo. Đang nhìn. Tại sao người ta thấy đôi mắt còn mở kia vẫn mặc vậy cho vào tủ đông. Tại sao đôi mắt không khép? Đôi mắt chưa chết? Đôi mắt từ cõi âm dõi về, đôi mắt chưa kịp ánh lên ra hiệu niềm oan nghiệt? Hắn chụp lấy tảng thịt đông hình tròn chạy vụt đi, xa rồi vẫn còn nghe tiếng lợn phá chuồng kêu réo. (…), bây giờ hắn đứng trên một chiếc ghế cao người ta thường dùng để thắp nhang bàn thờ, tay bồng đứa trẻ. Nó linh cảm điều bất ổn? Giãy dụa. Và khóc. Thét. Cái thòng lọng, hắn níu xuống luồn vào cổ đứa trẻ. Mắt khép hờ, nhắm hẳn… Ô! Hắn thấy khó thở. Cái gì đang xiết cổ. Thòng lọng đang xiết chính cổ hắn chứ không phải đứa trẻ. Chới với… Cổ tắc. Hóc.

Giật tỉnh. Ngẩng đầu nhìn lên nóc nhà. Không có cái thòng lọng nào. Nhìn về phía góc nhà. Cái tủ thờ nằm đó, không phải tủ lạnh. Trong ngôi nhà này không có tủ lạnh; ông quản trang cũng không nuôi lợn. Cả ngày hôm nay hắn không hề nghe tiếng lợn kêu. Hình ảnh, âm thanh từ đâu ám vào giấc mơ?

*

Gió, thoảng. Không phải hơi lạnh. Tâm trạng như lúc đó, nếu là hơi lạnh chắc tôi sẽ liên tưởng đến một linh hồn... Dãy Nhà Tạm Lánh, ngọn đèn ở phòng cô gái xuyên ra từ chấn song cửa sổ. Tôi hướng về đó, chẳng hiểu để làm gì. Bị lôi dẫn bởi lực hút vô hình? Cửa phòng chợt mở, ánh sáng ùa ra mảng lớn. Tôi vội thụt người nấp vào gốc cây cọ. Gã đàn ông bước ra, theo sau là cô gái. Ai? Tôi có nên theo, chặn lại, hay gọi điện báo gấp ông quản trang và chính quyền??

Họ dắt nhau trong bóng đêm, tôi thấy nụ cười lóe trên đôi môi xinh của cô gái. Chính nụ cười ấy khiến tôi chững lại, thay đổi suy nghĩ. Gã đàn ông khá lớn tuổi ấy là anh trai hay một người bạn của cô gái, hay chính là cha của thai nhi trong bụng cô ta? Tại sao họ đưa nhau đi vào chừng này. Lại tự nhủ chắc họ đi đâu đó, rồi cô gái sẽ quay về. Sẽ quay về sinh con trong Nhà Tạm Lánh.

Tiếng xe máy tay ga rất khẽ. Tôi bước ra đường nhìn theo. Cô gái ngồi một bên yên đúng cách người mang bầu ngồi xe máy. Tôi vẫn nghĩ cô sẽ quay đầu và thấy một người đứng đó nhìn theo, và dĩ nhiên cô biết - là tôi. Quay vào, tôi đến trước căn phòng điện sáng, cửa để hờ. Bên trong, trên giường còn đó chiếc chăn nhàu nhĩ. Những vệt chân mang nước từ phòng tắm bước ra còn in trên nền. Tôi tắt điện, khép cửa.

*

Trời lờ mờ. Hắn bước về phía Đồi Anh Hài. Đồi Phôi Thai. Đồi Thai Nhi. Đồi Thai Linh. Đồi Thiên Thần. Nhiều cái tên nhưng mộ thì cùng cỡ. Men theo con đường mòn quanh đồi, gần đến nơi, khác với ban chiều, lúc này điều khiến hắn nhận ra trước hết là cây Thánh giá khổng lồ, xâm xẩm hòa với nền trời. Những viên sỏi dưới chân bật gốc lao xao lăn xuống. Hắn tính bước qua tượng Đức Mẹ và những thiên thần để đến trước cây Thánh giá, để quay lưng giang tay thử ướm vào đó như hình hài Chúa từng chịu đóng đinh. Nhưng hắn chợt dừng lại. Đức Mẹ. Người nữ đồng trinh... Hình bóng cô gái lởn vởn. Nhưng bây giờ khuôn mặt người tình xa xăm của hắn hiện rõ hơn bao giờ hết. Ở nơi xa nào đó, nàng vẫn thu mình trốn người đàn ông đang ráo riết truy tìm hòng xóa sổ một mầm sống đâm lên trong cõi tối khôn cùng.

N.N
(TCSH351/05-2018)
 


 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

  • DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết    (René Char)

  • ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

  • NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.

  • NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.

  • NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

  • NHẤT LÂM          Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.

  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".

  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.

  • XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.