Ma Di Gô

09:37 31/08/2012

PHẠM XUÂN PHỤNG

Cuộc sống quả thực đầy bất ngờ đến mức không thể tưởng tượng nổi. Cách đây mười năm, anh có một cái tên. Một ngày sau đó, anh mang một cái tên khác cho đến bây giờ: Ma-Niu-La.

Minh họa: NHÍM

Ma-Niu-La Arát bây giờ hẳn nhiên không còn là một sinh viên của mười năm về trước vừa đầy mặc cảm số phận của một dân tộc đói nghèo vừa sôi sục ý chí của một dân tộc đang vươn dậy ở vùng Trung Phi. Và một niềm tự tin mãnh liệt đến mức biến chàng đôi khi trở nên quá kiêu hãnh như một chú gà chọi đỏ rực giữa bầy thiên nga đen. Ma-Niu-La Arát (từ đây ta gọi tắt tên chàng là Maniula) bây giờ là một nhà chính trị hàng đầu của Vương quốc OHAMA, Thủ tướng Quốc vụ Viện. Nhưng lần này anh được giao một nhiệm vụ đột xuất do đích thân Quốc vương ủy thác, như một Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đến đất nước này. Đó là một trọng nhiệm mà ngoài anh ra, khó ai đảm đương nổi. Như thế là quá nhiều đối với người bình thường nhưng quá ít đối với Maniula, một chàng trai chưa đầy bốn chục tuổi, chưa vợ, sừng sững như một cây bao - báp trong sa mạc, khoẻ và háo hức như một chú ngựa vằn lao đến đám cỏ non trên ốc đảo xanh rờn. Nghề chính của anh, cái nghề mà mười năm nay anh rất ít có thì giờ để hành nghề, dù rằng anh đã từng giật giải khôi nguyên tại nước bạn: Kiến trúc sư. Nhưng về tư tưởng, thực ra anh chính là kiến trúc sư thiết kế công trình tái thiết quốc gia, chấn hưng dân tộc. Trong hành động, anh là một Tổng công trình sư của đại công trường xây dựng đất nước. Còn trong tình cảm, cho đến nay... Maniula thở dài!

Tan-Mô-Lô-Tốt cầm tấm giấy ghi danh sách các bạn học cùng khoá kiến trúc mười năm trước tại nước bạn mà anh vừa nhận được theo đường công văn chính thức. Đó là một tờ giấy mời.

Anh bồi hồi đọc tên từng người. Tên anh - Tan Mô - được trịnh trọng đặt lên hàng đầu, dù rằng theo thứ tự a-bê-xê, tên anh phải ở hàng gần cuối. Anh hiểu vì sao chủ nhân đã có nhã ý như vậy với... riêng anh. Đúng, với chỉ riêng anh. Vì, chỉ riêng anh mười năm trước...! Mắt Tan Mô - con mắt còn lại - chợt nhòe đi vì dòng nước mắt chực tuôn trào. Hơn mười năm trước đúng một ngày, trong cuộc giao đấu tay đôi để bảo vệ mối tình của mình, bạn anh - Ma Di Gô - đã sơ hở trong điều luật giao đấu bằng... miệng được đặt ra giữa hai đối thủ với trọng tài duy nhất là Tan Mô. Do đó, đối thủ của Ma Di Gô - kẻ tranh đoạt A Nhi Man Ga Li - đã lợi dụng sơ hở này, thủ sẵn một con dao bấm trong tay áo. Với bộ trang phục truyền thống vừa rộng thùng thình vừa dễ tháo bỏ khi cần thiết, đối thủ của Ma Di Gô - tên hắn không cần nhớ đến - đã chiếm hơn một nửa ưu thế chiến trường. Phần ưu thế còn lại, đối thủ của hắn lại thật thà dâng trọn với những điều kiện thật lý tưởng nhằm tránh dây dưa với luật pháp nước bạn mà cả hai đang du học: Tuyệt đối không cho ai biết, ngoài Tan Mô. Phải ngụy tạo một tai nạn nếu có kẻ bị thương, kẻ chiến bại phải rút lui không tuyên bố, nhường A Nhi Man Ga Li cho người chiến thắng. Luật lệ hiệp sĩ được đặt ra, nhưng hắn - kẻ không xứng được nhắc tên - không có dòng máu hiệp sĩ. Hắn đã diễn một vai diễn hèn mạt của một thằng đồng chủng châu Á với Tan Mô, dù rằng châu Á là cái nôi của những tư tưởng nhân đạo cao cả và vĩ đại, nơi khai sinh các tôn giáo lớn của loài người. Rất tiếc cho hắn, lưỡi dao bay đi chậm một phần trăm giây, vừa đủ cho Tan Mô kịp lao mình tới xô ngã Ma Di Gô và quay mặt lại căm hờn nhìn hắn. Lưỡi dao ghim chính xác vào mắt trái của Tan Mô. Anh ngã xuống, còn nghe Ma Di Gô thét lên tiếng thét xung sát “ki-ai” và tung ra một cú đá cắt kéo như chớp giật vào mặt kẻ hèn mạt. Ma Di Gô đã say sưa luyện môn võ này với các bạn học người Hàn Quốc trong suốt năm năm học kiến trúc tại đây. Cú đá khủng khiếp suýt làm gãy cổ đối thủ nếu hắn không kịp đưa tay đỡ, chấp nhận gãy xương cẳng tay hơn nát mặt, chịu cái nhục thua trận ê chề. Dù vậy, hắn đã làm cho Tan Mô suốt mười năm qua, mỗi khi tức giận điều gì lại nổi cơn đau buốt óc. Lúc này, anh càng buốt óc hơn khi đọc xong tên các bạn học trong giấy mời dự tiệc. Không có tên của hắn, dĩ nhiên. Nhưng còn một cái tên khác cũng không thấy. Một cái tên mà chỉ cần nhắc đến - cách đây mười năm - đã làm cho Tan Mô nén tiếng thở dài và Ma Di Gô vì nó suýt nữa mà mất mạng. Vì sao cái tên ấy lại không có trong danh sách này? Phải chăng Ma Di Gô đã quên? Phải! Rất có thể... mười năm rồi còn gì! Cuộc đời tuy ngắn ngủi so với cuộc sống ở thiên đường nhưng mười năm quả là quá dài cho một bóng hình ấp ủ. Có thể cái tên Man Ga Li đã nhòe đi, thay vào đó một cái tên khác. Phải! Rất có thể... vì sau mười năm xa cách, người ta đã là Thủ tướng của một quốc gia non trẻ chứ đâu còn là một kiến trúc sư đội mũ khôi nguyên trong ngày tốt nghiệp. Mười năm đủ để xoá mờ bao kỷ niệm! Tan Mô bậm môi đấm tay xuống bàn. Hừ! Ma Di Gô - Ma Niu La!

Maniula quên tất cả nghi thức ngoại giao cần có. Anh bật dậy khỏi ghế ngồi trong phòng riêng, lao thẳng ra phòng khách, chẳng kịp chỉnh đốn trang phục và quên cả đi dép. Từ phía cửa, Tan Mô - bạn thân thiết nhất đời anh - đang tiến vào. Anh dang hai tay, cất tiếng cười dội rung các khung cửa. Nhưng tiếng cười đột ngột bị tắt lịm và đôi cánh tay đang dang ra bỗng cứng đờ như bị đóng băng. Maniula hoá thành tượng đá không khoác lễ phục, dù rằng anh là nhà ngoại giao bẩm sinh. Trước mặt anh, người đàn ông chột mắt trái với khuôn mặt lạnh lẽo hơi cúi nghiêng, vừa thể hiện lễ tiết của một công dân nước chủ nhà đối với khách là nguyên thủ quốc gia của nước bạn, vừa như một thái độ kín đáo muốn khách hiểu rõ tình cảm thực trong lòng mình lúc này. Một tình cảm lạnh. Giọng nói còn lạnh hơn:

- Thưa Ngài Maniula kính mến, Thủ tướng của Vương quốc OHAMA nhỏ bé mà kiêu hãnh! Tôi là Tan Mô, công dân nước chủ nhà mà Ngài đang có chuyến thăm chính thức với một trọng nhiệm mà ắt hẳn Quốc vương tôn quý của Ngài đã giao phó. Tôi hân hạnh thông báo với Ngài rằng tôi vừa nhận được giấy mời dự tiệc chiều nay của một người bạn cũ của chúng tôi - kiến trúc sư Ma Di Gô - người cùng quốc tịch với ngài. Rất tiếc...

Maniula bình tĩnh chờ đợi. Người đàn ông chột mắt trái chợt ngẩng phắt đầu lên nhìn thẳng vào Maniula bằng con mắt còn lại duy nhất long lanh rực sáng trên bộ mặt lạnh lùng:

- Thưa Ngài! Rất tiếc, tôi đến đây đúng địa chỉ ghi trong giấy mời để mong gặp Ma Di Gô bạn tôi nhưng đã không gặp. Dù rằng trước mặt tôi - Tan Mo ngước mắt lên trần nhà, tia mắt lướt trên đỉnh đầu Maniula và anh cố gắng chịu đựng tia mắt trịch thượng nóng bỏng ấy, đứng yên lắng nghe Tan Mô nói tiếp - trước mặt tôi và dưới mắt tôi là một nhà ngoại giao lừng lẫy tiếng tăm đang rất đãng trí đến mức quên cả nghi thức lịch sự tối thiểu của một công dân bình thường khi tiếp một người khách. Và - Tan Mô cười nhạt - dù rằng cái áo ngoài mà Ngài đang mặc có quá nhiều lỗ hổng đủ phơi trần bộ ngực vạm vỡ của Ngài, tôi vẫn - anh nói gằn từng tiếng - vẫn không nhìn thấy trái tim của bạn tôi - Ma Di Gô kiêu hãnh và hào hiệp - nằm ở chỗ nào, thưa Ngài!

Tan Mô chấm dứt tràng nói chuyện bằng một nhát chém của tia mắt rực lửa và bộ ngực của Maniula nóng rực lên bởi cái nhìn sắc lẹm ấy.

Maniula rủa thầm: “Của khỉ! Hơn mười năm trước, mày là một thằng diễn viên kịch nói siêu hạng, dù chỉ là siêu hạng nghiệp dư trong trường. Nhưng bây giờ trước mắt tao, mày chỉ là một diễn viên xoàng. Mày không thể đóng nổi cái vai kịch trái bản chất của mày và ngược lại với tình cảm thực của mày dành cho tao đâu, Tan Mô trung thực và quả cảm ạ!”.

Anh bật cười sảng khoái hơi có chút chế giễu bạn bè rồi buông nhẹ hai tay xuống. Đoạn, anh từ từ đưa hai tay ra trước lật đi lật lại ba lần rồi phẩy mạnh tay xuống hai bên hông. Xong, không một lời, anh nhún chân quay lưng lại phía người đàn ông chột mắt vừa tự xưng tên là Tan Mô. Những người lính phòng vệ của nước chủ nhà nín thở dõi mắt nhìn theo, không hiểu vị thủ tướng nước bạn đang làm trò gì. Họ biết rõ đó là hai người bạn học cũ cực kỳ thân thiết, hơn nữa theo nguồn tin an ninh, người đàn ông chột mắt còn là ân nhân của vị thủ tướng nước bạn. Dù vậy khi nghe Tan Mô nói và nhìn Maniula hành động, họ ngơ ngác chẳng hiểu gì. Họ dõi mắt chăm chú không bỏ sót một cử chỉ nào của vị khách quý của quốc gia. Có thể nào người chột mắt này, kẻ đang rực lửa trong ánh mắt, đồng thời lại cực kỳ lạnh lẽo trong lời nói (người mà theo yêu cầu đặc biệt của vị khách quý của quốc gia, được phép đến thẳng phòng nghỉ của ông ta mà không cần có sự kiểm tra nào) lại vì cái giấy mời vớ vẩn nào đó mà chọc giận vị thủ tướng nước bạn khiến ông ta bực mình quay lưng lại? Dấu hiệu bất ổn ấy biết đâu sẽ làm hỏng đại sự quốc gia, mối bang giao giữa hai nước đang được khởi đầu bằng chuyến đi thăm lịch sử này. Tan Mô cũng chăm chú nhìn, khuôn mặt vẫn bất động.

Maniula đã quay gần trọn tấm lưng về phía Tan Mô. Anh đưa hai tay về phía sau, lòng bàn tay ngửa lên trên như hứng đón một cái gì. Nhìn thấy cử chỉ trọn vẹn ấy, trái tim Tan Mô rung nhè nhẹ. Nó ngân lên một điệu đàn đã ngừng vang lên trong anh mười năm nay vì không còn bạn bên mình. Anh bậm môi cố giữ nét mặt bình thản.

Maniula quay mặt lại. Tan Mô vẫn đứng yên. Không thể như thế! Tan Mô không thể quên. Cái cử chỉ kỳ lạ mà anh vừa biểu hiện có một ý nghĩa cao thượng của dân tộc anh. Nó có nghĩa là: trước mặt hay sau lưng anh cũng vậy, tôi đến với anh chỉ có hai bàn tay trần. Không tiền bạc, không vũ khí, không có găng tay. Trần trụi như một sự thật, một tấm lòng. Không cạm bẫy! Tôi quay lưng về phía anh với đầy lòng tin tưởng anh không ám hại tôi. Chúng ta là bạn tốt của nhau - ana-khơnu-alêkhim - bây giờ và mãi mãi! Cái cử chỉ ấy, ai đã thực hiện hoặc được tiếp nhận một lần đều phải nhớ ý nghĩa của nó vì cùng với nó, người ta có thêm trong đời một mối tình bằng hữu cao đẹp mà tiền bạc không thể mua, gươm súng không thể tiêu diệt và thời gian không thể xoá nhoà. Có cử chỉ ấy, người ta - tôi và bạn - không phải lo sợ đề phòng cạm bẫy của nhân tâm. Tại sao Tan Mô vẫn đứng yên? Maniula chợt bối rối. Nếu Tan Mô không đáp ứng thì sao? Giây phút nguy nan sắp đến với một nhà ngoại giao lỗi lạc và cho cả mối bang giao của hai nước. Bởi vì, sau cử chỉ ấy sẽ là... Trời ơi! Tan Mô! Lẽ nào mày lại quên tao? Cử chỉ này đã đưa ra thì không thể xoá bỏ! Làm cách nào?

Chợt, một tia chớp lóe trong đầu anh. Maniula reo lên khe khẽ: “Của khỉ!”. Anh nắm hai nắm tay đấm vào ngực bình bịch mấy cái liền rồi quay phắt lại đối diện với Tan Mô. Anh bật cười vang dội cả gian phòng rộng lớn:

- Của khỉ! Mày lầm rồi, Tan Mô! - Maniula cúi khom người, lột chiếc áo qua đầu một cách nhanh chóng rồi đứng thẳng dậy, nói chậm rãi - Trái tim của tao, của Ma Di Gô, kẻ đã từng được Tan Mô trung thực và quả cảm cứu thoát vẫn nằm ở đây - Bàn tay anh xoè ra đặt lên ngực trái.

Anh cảm nghe rất rõ từng luồng điện chạy lan từ gót chân lên gối khiến anh bủn rủn. Cảm giác rùng rùng lan nhanh lên trên. Da mặt anh giật giật. Rồi một luồng hơi nóng bừng lên giữa ngực, trào ứ lên cổ. Miệng anh méo xệch. Mí mắt anh cay xè. Mắt anh rưng rưng. Nước mắt anh tuôn chảy. Anh đứng lặng, tha thiết nhìn Tan Mô!

Không thể chịu đựng được nữa, Tan Mô lao đến. Tốp lính cận vệ giật mình toan động thân. Tan Mô giật phắt chiếc áo trên tay Maniula tròng luôn vào đầu mình rồi đưa nắm tay đấm nhẹ ba cái vào ngực bạn. Đó cũng là một cử chỉ truyền thống của dân tộc anh. Nó chứng nhận rằng: Tao đã lấy trái tim của mày rồi! Nhìn thấy cử chỉ ấy, tốp lính cận vệ cười ha hả vì sung sướng, quên hết lễ tiết, tác phong cần phải giữ gìn. Những tràng cười nổ vang, còn vang hơn tiếng đại bác chào mừng.

Lồng ngực Ma Di Gô bồng bồng thổn thức. Anh quàng tay ôm chặt bạn. Tan Mô khóc ồ ồ. Giữa khách sảnh thênh thang, họ quên hết tất cả. Họ đang thả mình vào kỷ niệm mười năm trước, trong cánh rừng già của nước bạn xa xôi, nơi họ đã từng chung sống, chung vui buồn như mọi người bạn chân chính trên đời. Những người lính cận vệ thôi cười, xốc lại súng đứng yên. Họ đang chứng kiến một cảnh tượng đẹp hơn tất cả những nghi thức trang trọng nhất từng diễn ra ở đây. Đẹp đến mức ngỡ như từ những trang cổ tích thần tiên lấp lánh hiện về!

- Của khỉ! Maniula - Ma Di Gô nói sau khi đã vơi bớt xúc động - mày hiểu lầm ý tao. Tao phải đích thân tìm đến nàng, bởi vì đó là cách đúng đắn duy nhất của một chàng trai đi hỏi vợ, theo phong tục quê mày, đúng không?

- Nhưng... nhưng... - Tan Mô vụng về chống chế cho sự bức xúc ngu ngốc của mình - ít ra mày cũng phải...

- Qua mày, tao sẽ nắm được địa chỉ của nàng không sai lệch. Và sau buổi tiệc gặp các bạn, tao sẽ mặc lại bộ trang phục sinh viên năm xưa có cái quần bị rách sau một cuộc leo núi mà tự tay nàng khâu lại cho tao. Mày nhớ không? Nàng run run thế nào lại để kim đâm vào tay đến chảy máu, làm tao phải cuống cuồng ngậm ngón tay nàng hút máu cho khỏi bị độc. Mày nhớ không, thằng khỉ? Tao sẽ mặc chính bộ quần áo ấy đến đón nàng về nhà tao. Được không, Tan Mô?

Tan Mô khẽ đẩy than hình Maniula ra xa một chút. Anh sững sờ ngắm thằng bạn chí cốt mười năm xa cách mà vì lý do chính trị, họ đã bặt tin nhau. Không! Không có Maniula - Ngài Thủ tướng. Chỉ có Ma Di Gô kiêu hãnh như một chú ngựa vằn, hào hiệp như sư tử và ngông nghênh như một chàng gà chọi vô cùng đáng yêu của ta!

- Tao dự định - Tan Mô lúng túng giải thích hành động cố ý lạnh nhạt của mình lúc nãy - tao sẽ gặp mày và nói cho mày rõ. Nếu cần, theo nghi thức ngoại giao, tao sẽ viết thư báo cho mày biết A Nhi Man Ga Li vẫn ngày đêm ngóng đợi mày. Nhưng mày sẽ mất tất cả - nàng và chúng tao - nếu mày thực đã quên cái tên một thời đã đi vào giấc ngủ của mày. Bởi vì, nếu mày không đến cầu hôn, theo phong tục và tín điều giáo hội, Man Ga Li đã ở vậy sẽ vẫn ở vậy một mình. Mày biết vì sao rồi chứ?

- Biết - Ma Di Gô bùi ngùi - con trai chúng tao đã chín tuổi rồi còn gì. Cháu nó có đôi mắt rất giống A Nhi.

- Cháu khoẻ chứ? Có mong gặp mẹ Man Ga Li không?

- Trước đây thì không. Con trai mà. Bây giờ, trước lúc sang đây tao đã nói cho cháu biết. Cu cậu đòi đi theo. Không đi được thì đòi ôm ảnh mẹ. Tao phải sang lại một tấm ảnh để thoả mãn cu cậu. Man Ga Li có bao giờ trách tao không?

- Tao chưa nghe. Nhưng nàng ngày càng buồn hơn. Thực đấy, mày sẽ gây nên một tội ác lớn nếu bỏ rơi nàng. Thực đấy, thưa ngài Thủ tướng kính mến, mày sẽ là một tên đốn mạt nếu làm vậy! À thôi! Dù sao “ngài” cũng nên tề chỉnh trang phục kẻo lỡ các nhà báo trông thấy lại rầy rà.

Họ khoác tay nhau vào phòng làm việc của vị khách quý. Trên cái bàn làm việc nho nhỏ, Man Ga Li tươi xinh như đoá hoa hồng đang cười với hai người. Tan Mô thấy sống mũi cay cay. Anh cúi xuống vờ sửa lại dây giày để che giấu niềm xúc động chực trào dâng lần nữa.

Tôi chuẩn bị lại bài giảng. Thực ra chỉ là mấy bức đồ hình. Với một người đã từng là Thủ tướng, Chủ tịch một đảng cầm quyền, chưa đầy bốn chục tuổi, đã có hai bằng tiến sĩ khoa học, một bằng cao học, thông thạo bốn ngoại ngữ thì việc giảng dạy thực chất chỉ là một việc vô cùng giản đơn, nhất là khi có một người bạn cùng học biết khá tốt về tiếng Việt, kiêm luôn vai trò phiên dịch nếu “thầy” bí tiếng Anh. Chỉ cần giải nghĩa vài thuật ngữ khó, phân tích một số đồ hình và phác đồ điều trị một số nhóm bệnh, còn tài liệu cứ tự tham khảo. Ma Di Gô cần học xong chương trình châm cứu đông y trong tháng này. Tôi cũng chỉ còn mỗi tháng này là hoàn tất chương trình học tập tại nước bạn. Chúng tôi đều rất vội. Tuy vậy, câu chuyện của Ma Di Gô - Man Ga Li khiến tôi nao nao bồi hồi. Tôi đành xếp mấy bản đồ hình huyệt vị, kinh lạc qua một bên rồi hỏi anh:

- Sau đó thì sao?

- Rất đơn giản. Sau khi tôi một mình đến tìm nàng thì nàng cũng một mình đến tìm tôi. Đó cũng là phong tục của dân tộc nàng. Một khi người con gái đã khẳng định tình yêu của mình, cô ta có thể tự ý tìm đến chàng trai. Nàng đến quá bất ngờ, đúng vào lúc... Của khỉ! Bọn lính gác tinh nghịch chẳng thèm báo tin - nàng đến đúng vào lúc tôi đang cởi trần mặc quần cộc, tay ôm ảnh nàng và miệng nghêu ngao một bản tình ca, chân điểm nhịp...

- Đẹp đấy! Lãng mạn quá rồi còn gì! Tuy về hình thức…

- Dẹp chuyện hình thức sang một bên. Các nhà báo nhiễu sự đã làm ầm lên về chuyện này. Những nhà báo thuộc nhóm chống đối chính phủ nhân cơ hội đó lu loa lên rằng “Ngài
Maniula” quá kiêu ngạo, coi thường đất nước họ. Chuyện bang giao giữa hai nước suýt nữa đi tong vì một chuyện vớ vẩn. May thay, cậu ruột của Man Ga Li là đương kim Thủ tướng, người chủ trì cuộc đón tiếp tôi và đã biết trước mối tình trắc trở của hai đứa nên đã cùng Quốc vương nước tôi âm thầm bàn mưu cho hai đứa nên vợ nên chồng. Còn anh ruột nàng lại là thủ lĩnh nhóm đối lập trong Quốc hội, nhưng không phải là nhóm quá khích. Vì vậy, câu chuyện nghiêm trọng trở thành câu chuyện tiếu lâm về một ông thủ tướng mặc quần đùi đi hỏi vợ. Bọn lính trẻ bịa đặt thêm vài chi tiết để cười cho vui.

Có thật có một câu chuyện tình ly kỳ và lãng mạn như vậy không nhỉ? Nếu có, chắc báo chí phương Tây đã khai thác hết cỡ rồi. Và báo chí Việt Nam cũng chẳng dại bỏ qua. Vậy mà sao tôi chưa từng nghe, chưa từng đọc đến? Nhưng, với Ma Di Gô thì tôi hiểu quá rõ. Nghịch như quỷ. Tếu số một. Rất thông minh. Chỉ riêng cái khoản thông thạo bốn ngoại ngữ đủ làm cho tôi phục anh ta lấm mũi rồi, chưa cần đến hai cái bằng tiến sĩ. Chắc hẳn với bộ óc thông minh hài hước ấy, khó mà bị mắc bệnh tâm thần thể hoang tưởng vĩ nhân để tự phong cho mình chức vụ Thủ tướng - Chủ tịch một đảng cầm quyền khi đang rành rành làm một thực tập sinh như tôi. Nhưng một anh chàng nói trạng thì có thể “làm vua”. Có thể Ma Di Gô bịa ra thêm vài chi tiết - chẳng hạn, chuyện đang mặc quần đùi thì Man Ga Li đến - để câu chuyện tình có thật của anh thêm đậm đà. Thời sinh viên cùng học với Tan Mô, bạn bè đã đặt cho anh biệt danh “Charlot Magigo” để sánh anh với Vua hề Sạc-Lô (Charlie Chapline). Nhưng sao câu chuyện của anh nghe cứ như huyền thoại, biết là không có thật mà vẫn ao ước có trong đời. Mà có chắc trong đời không thể có câu chuyện tình đẹp như thế chăng? Mối tình của một hoàng tử từ vương quốc xa xôi dong cánh buồm đỏ thắm vượt biển tìm người yêu trên đảo vắng. Tập album ảnh mẹ con Man Ga Li ngày gặp gỡ và con mắt bị hỏng của Tan Mô đang ngồi cạnh tôi là những bằng chứng có hồn.

- Vì sao sau đó anh lại từ chức Chủ tịch đảng cầm quyền và Thủ tướng để quay lại nghề kiến trúc sư rồi bây giờ lại mon men làm thầy lang châm cứu?- Tôi hỏi với ý tò mò về một con người mà tôi bắt đầu phát hiện ra những tính cách kỳ lạ, chứ không phải để tra vấn thực hư của một mối tình, một con người.

- Tôi không từ chức - Ma Di Gô nói chắc nịch - Sau khi cưới Man Ga Li và chính thức làm lễ đặt tên thánh cho thằng con trai mười tuổi lần đầu gặp mẹ mà trước đó tôi cứ phải mạo nhận là con nuôi, xong xuôi mọi chuyện cũng là lúc kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng. Tôi không ra ứng cử và đề xuất Phó Thủ tướng lên thay. Ông ấy vốn là thầy dạy cũ của tôi. Ông luôn luôn là một con người đáng kính trọng và tuyệt đối đáng tin cậy. Sau đó, tôi chuyển qua học nghề thủy lợi vì đất nước tôi rất khan hiếm nước. Ở đất nước này (ý Ma Di Gô chỉ đất nước mà chúng tôi đang theo học) họ cũng khan hiếm nước như chúng tôi nhưng khoa học thủy lợi của họ rất phát triển. Họ đã đưa được cây lên trồng trên cao nguyên, kể cả mấy ngọn đồi toàn đá và sỏi. Họ chuẩn bị phủ kín cây xanh ba phần tư diện tích đồi trọc của cả nước. Họ quả là những nhà phù thủy có phép mầu tái tạo rừng. Luật kiểm lâm của họ đặc biệt nghiêm khắc. Trẻ em ba, bốn tuổi đã có ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ cây xanh. Quanh nhà họ, muôn loài hoa phủ kín. Chưa đầy năm mươi năm lập quốc mà họ đã xây dựng nên một đất nước mạnh giàu.          

Ma Di Gô ngừng nói, đăm chiêu nhìn hồi lâu vào quả địa cầu trên bàn. Đất nước anh trên tờ bản đồ chỉ nhỏ bằng hạt đậu xanh. Rồi anh kiêu hãnh ngẩng đầu: “Đất nước tôi đấy. Nó đang còn nghèo. Nhưng sẽ như hạt đậu xanh này, nó sẽ nảy mầm thành một vụ mùa xanh tốt, phải không hai bạn?”.

Từ nãy giờ, Tan Mô ngồi yên nghe bạn nói. Anh biết Ma Di Gô đang xúc động. Anh cũng không biết nói gì hơn, bởi về cách sống dấn thân vì lý tưởng, Ma Di Gô là thần tượng của bao người. Nghe bạn nói, anh ngẩng đầu lên mỉm cười. Một nụ cười lành như mật vả. Con người có nụ cười lành ấy là tác giả của hơn chục cuốn sách về nghệ thuật kiến trúc thế giới. Sap tới, anh và Ma Di Gô sẽ xuất bản chung một cuốn sách: Cái đẹp cứu rỗi tâm hồn. Và tiếp sau đó sẽ xuất bản cuốn thứ hai, có vẻ như là một tác phẩm văn học: Man Ga Li - Cái đẹp cứu rỗi tâm hồn của đất.

Ma Di Gô hồ hởi khoe với tôi hàm răng đều tăm tắp và nụ cười đẹp lấp lánh như một lực sĩ châu Phi vừa đoạt cúp vàng Olympic. Bỗng dưng, tôi tin rằng với con người ấy, cái tưởng như mơ sẽ có lúc là hiện thực diệu huyền. Và câu chuyện tình của chàng là một trong những cái đẹp lung linh hơn cả huyền thoại bao đời.

Jerusalem,tháng 9/1995 -
Huế, tháng 4 năm 2011

P.X.P
(SH282/08-12)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHAN VĂN LỢIBuổi giao lưu và trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn tổ chức đã tiến hành được gần nửa giờ. Gã nhấp nhỏm trên chiếc ghế kê phía sau cánh gà sân khấu, bồn chồn không yên. Chừng thông cảm với tâm trạng của gã, cô gái phục vụ mặc áo dài đỏ bưng tới cho gã ly nước, nhẹ nhàng nói: "Chú cứ yên tâm ngồi nghỉ cho khoẻ. Giải A bao giờ cũng trao cuối cùng, chú ạ!"

  • KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.

  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

  • DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết    (René Char)

  • ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

  • NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.

  • NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.

  • NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

  • NHẤT LÂM          Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.

  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".