Chợt nhớ đến một ngày phiêu bạt nọ, tôi tranh thủ được chút thời gian còm cõi để ghé về thăm nhà. Trong cái nắng cuối ngày mùa hạ mệt mỏi, vòm lá xanh mướt mát bỗng trở thành nơi neo đậu tầm mắt và chút gió trời cũng trở thành niềm ao ước đơn sơ mà xứng đáng. Tôi bỗng giật mình vì ba tôi, khi không lại nhắc tới dấu tích kỷ niệm của những ngôi nhà Huế kín cổng cao tường thuở xưa bằng chất giọng khê nồng thuốc lá: “Ngày trước, ở quanh đây cũng có ít nhất khoảng vài chục cái bình phong. Như nhà mình, hồi ông nội còn, cũng có một bức bình phong chữ Thọ ở trước đó con”.
Ngày về Huế lần ấy, tôi thật sự cảm nhận được rằng, cha mẹ tôi đã đến tuổi già. Nhất là ba tôi, thỉnh thoảng ông vẫn nhắc đến những câu chuyện từ mịt mù xa xôi, chẳng qua là chỉ để tự mình nhớ tự mình thương. Như chuyện cái bình phong trước nhà Huế xưa, tôi giật thót mình vì đã không để ý đến từ lâu, nay nghe nhắc lại mới hiểu được chút gì đó.
Chính lời nhắc nhớ này của ba tôi, mà khi thả bước vào thế giới cảnh quan sân vườn đã được tôn vinh là di sản nhân loại ở Kyoto, trong tôi cứ hay cồn cào một nỗi niềm Huế. Cho đến khi len lỏi vào những lối nhỏ quanh co ẩn hiện trong mấy khu vườn Giang Nam mà mỗi dáng hoa, bóng cỏ cũng tinh xảo như những đường thêu cẩm tú của kỹ nghệ thêu thùa Tô Châu thì nỗi nhớ Huế của tôi lại càng thêm vô hạn.
Số phận luôn là một định luật bất ngờ, dù chưa từng mơ tới, vậy mà cuối cùng tôi cũng đặt chân đến được miền Giang Nam diễm ảo tựa hồ người nơi tục lụy vô tình lạc chân đến cõi non Bồng nước Nhược trong truyện đời xưa. Đúng, phải so sánh như vậy mới đúng, những khu vườn của Tô Châu là một giấc mơ dài mà con người đeo mang nhung nhớ một cõi giới thiêng liêng nào đó từ vô lượng kiếp.
Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật cảnh quan truyền thống Trung Hoa dành cho kiến trúc hoa viên cái tên vừa nhã vừa hùng, vừa bé nhỏ mà vừa mênh mông vô tận: viên lâm. Theo như ông giáo sư người Trung Quốc đã dẫn chúng tôi đi khám phá di sản viên lâm ở Tô Châu ngày đó, triết học và nghệ thuật cổ xưa của Trung Hoa được xây dựng trên hạt nhân của cái gọi là “ý cảnh” (意境). Với tinh thần duy mỹ, duy cảm của phương Đông, theo cách nói mang sắc màu tâm linh một chút, đây là khái niệm mơ hồ và không cùng, chỉ có thể ý hội mà không thể ngôn truyền. Khi anh bạn nghiên cứu người Mỹ trong đoàn hôm ấy đề xuất ra cách hiểu ý cảnh là sự thống nhất của mặt khách quan và mặt chủ quan trong cách chiêm nghiệm vũ trụ của người Trung Hoa xưa, ông giáo già chỉ mỉm cười, vươn tay nâng niu mấy lá trúc ươn ướt hơi sương nên màu xanh lá của trúc trở nên trong veo như được tạc bằng ngọc, thủng thẳng nói bằng cái kiểu cách nói chuyện nửa kín nửa mở chỉ có ở lớp người thấm đượm nền nếp Nho gia thời trước:
- “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Tinh thần thẳm sâu của phương Đông không phải là thứ dễ chia cắt thành các khối khái niệm được. Càng lý luận nhiều bao nhiêu thì càng khó nắm bắt thế giới này bấy nhiêu. Có phải triết học của các bạn cũng từng nói như thế không?
Không chỉ là một đơn vị không gian cư trú đơn thuần, cũng không chỉ là nơi ở của thân xác, viên lâm của người Trung Hoa còn là nơi cư trú của sự hàm dưỡng tinh thần. Và trước hết, viên lâm là một bài thơ trữ tình thoát tục diễn tả tư tưởng lập ý và lập chí của người Trung Hoa xưa trong cung cách ứng xử với bản thân, với nhân quần và cả với tự nhiên. Cho dù Trung Hoa xưa là quê hương của Nho giáo, nhưng tâm hồn của người xưa không chỉ là kiên gan lập thân với công danh sự nghiệp nam tử mà còn biết nhu mì chiêm nghiệm thiên nhiên với những bài học uyên áo lạ kỳ. Cho nên, khi bước vào những khu vườn cổ điển của cổ nhân Trung Hoa là chúng ta đang chiêm ngưỡng những bài thơ tuyệt cú đậm đà phong vị triết học Lão Trang.
Trong các buổi thảo luận chung về nghệ thuật cảnh quan Trung Hoa của chúng tôi, ai cũng nhận thấy một điều, viên lâm là một sự nỗ lực cố gắng tái tạo trong hiện thực cảnh quan lý tưởng đã được tổ tiên người Trung Hoa thể hiện bằng dòng tranh sơn thủy điền viên truyền thống xưa kia. Mỗi một viên lâm là một thế giới thần tiên thu nhỏ được người nghệ nhân hoa viên thiết kế dựa trên tư tưởng lập ý của chủ nhân. Khác với các khu vườn hoàng gia, các khu vườn tư nhân ở Giang Nam tuy cũng theo đuổi giấc mộng thần tiên trong tâm lý văn hóa hàng ngàn năm của họ, nhưng họ không đề cao sự khoái lạc trường cửu mà họ lại nghiêng về hàm ý của sự tự do và tư tưởng lánh tục. Đó là cốt cách của nhà Nho, của sĩ đại phu, những người đã thấm nhuần tư tưởng thánh hiền nhưng đã biết buông bỏ chấp niệm của thế tục. Những khu vườn ở đây, có rất nhiều kỳ thạch, mà phổ biến nhất là loại đá Thái Hồ vốn sẵn có hình thù thiên biến vạn hóa dễ dẫn dắt người ta đến với thế giới siêu niệm. Vườn Lưu Viên là thế giới của vô vàn thế đá giàu tính gợi ý, lại có ba hòn giả sơn được dựng lên để tượng trưng cho ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Trong văn hóa sĩ đại phu ở Giang Nam, thông qua bộ sưu tập kỳ thạch, mà giá trị nhất là đá Thái Hồ, người văn nhân tài tử muốn truyền tải cái ý niệm truy cầu sự tự do như thần tiên. Vì đá là trạng thái hữu tâm, tức là không trống rỗng, đối lập với trúc là vô tâm - nhưng lại vô tình, không bị xao động bởi ngoại cảnh. Vì không bị xao động là không bị ràng buộc, nên về mặt tinh thần, đá là biểu tượng cho tinh thần ẩn cư và lánh tục. Đó là tư tưởng vong tình trong văn hóa trung đại Đông Á mang màu sắc hư vô của Lão Trang. Giả Bảo Ngọc trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần vướng lụy một đời là vì chàng ta tuy có bản thể là một hòn đá thiêng nhưng lại lỡ biết động tâm với thế tục nhân tình. Lưu Vũ Tích hạ bút: “Ảo não nhân tâm bất như thạch” là từ niềm tin như vậy.
Không Lão Trang sao được, khi mà cái tên Chuyết Chính viên dù đơn sơ nhưng hàm súc, đã gói gọn tâm ý của chủ nhân ngôi viên lâm trác tuyệt này một thái độ sống nhàn dật thoát tục rất điển hình. Dù hai chữ Chuyết Chính nghe qua thật sự đã rõ ràng về nghĩa Nho học, nhưng tôi cho rằng, cái thâm ý của một người kinh qua đắc thất cũng như vinh nhục chốn quan trường lẫn cõi trần ai như chủ nhân ngôi vườn này lại không ở đó. Thuở còn rất trẻ, tôi vẫn ham thích đọc cổ thi, dù không hiểu hết được ý của cổ nhân, nhưng vẫn nhớ thơ của cổ nhân thường diễn đạt một cách điển nhã các phạm trù hay hình ảnh theo kinh sách thời xưa như: “bệnh”, “tu” (hổ thẹn), “vô tài”, “bạch đầu”, “trường đồ”, “nhật mộ”, “đăng cao”,… Và trong đó có một phạm trù rất hay thấy trong thơ ca của nhà Nho dù nó thuộc về tư tưởng Lão Trang là “dưỡng chuyết”. “Dưỡng chuyết” hiểu đơn giản nhất là nuôi dưỡng sự khuyết thiếu ở ngay trong bản thân của mình. Lão Tử viết: “đại thành nhược chuyết” hay “đại xảo nhược chuyết” đã trở thành chuẩn mực trong cách xuất xử hành tàng của sĩ đại phu trong xã hội Nho giáo. Như vậy, có lẽ Chuyết Chính, ngoài nghĩa là thoái lui khỏi chính trị, tức là xa lánh việc đời, còn là nhận thức lấy việc nuôi dưỡng sự bất toàn hay khiếm khuyết bên trong để sửa đổi bản thân cho đúng theo lẽ tự nhiên. Cái tên vườn đã cho thấy hàm ý sâu xa của kẻ sĩ muốn ở ẩn.
Khi tôi nói với ông giáo sư già cái quan niệm của riêng tôi về cái tên khu vườn này, ánh mắt của ông nhìn tôi có chút khác lạ, tôi không rõ lắm, nhưng cảm nhận được dường như ông với tôi có chút gì đó giống nhau.
Những người cùng đi hôm đó, theo bước chân ông giáo già, đi sâu qua một dãy trường lang hun hút rồi lần quanh những ngọn giả sơn trầm tư theo bao cuộc lở bồi của thế sự. Mỗi bước đi qua là một bước đến với thế giới xa xưa đầy hơi hướm của Giang Nam một thời xanh hoa lệ. Màu vôi trắng, mái ngói đen của miền Giang Nam làm cho những câu chuyện cũ xưa của ông già tựa tiếng vọng thủ thỉ về từ cõi không gian mơ hồ nào đó. Ông giáo già kể rằng, tự thuở niên thiếu, nhiều đêm không ngủ được, nằm trăn trở trong đêm thinh lặng đến nỗi có thể nghe thấy được nhịp mạch máu đang tuần hoàn trong châu thân, ông vẫn hằng nghe thấy tiếng ngựa xe đi về dìu dập dưới trăng khuya, tiếng hài hán của những tiểu thư trâm anh xưa lả lướt như mây ngang qua khu vườn u tịch và tiếng nói thầm thì bên tình lang như tiếng gió vừa đủ lay động đóa hoa lê. Những lúc đó, ông mê man đi vào một thế giới nửa mơ nửa tỉnh với tâm trạng bơ vơ tiếc nuối, lỡ dở từng bước chân. Trong phút giây có lẽ là do quá chìm sâu vào trong Giang Nam mộng cảnh của mình, ông tự gọi chính ông là “Giả Thụy của Giang Nam”. Ngay khi nhận thấy mình đã hớ ra một chút gì đó từ trong bản tính thơ trẻ vốn được kìm nén từ lâu, ông bỗng cười xòa như một đứa bé con. Vô tư đến lạ lùng. Nhưng không hiểu sao, cứ sống mãi trong tôi cái cảm tưởng rằng, ông giáo sư già ấy cũng là một hòn đá từ trong Hồng lâu mộng đã trùng sinh ở Tô Châu này để chìm nổi giữa cõi nhân quần đầy rẫy ái ố hỉ nộ. Hay nữa, ông là hòn đá dưới đáy Thái Hồ, trải qua tuế nguyệt, hấp thụ linh khí của đất trời Giang Nam rồi xuống kiếp làm người kể chuyện xưa xứ sở để ghi nhớ mãi vẻ đẹp thanh tao u nhã nơi đây từ muôn trùng luân hồi.
Cái cách ông già kể lể theo lối nói của lớp người qua tuổi tri thiên mệnh làm cho tôi nhớ nhiều đến những đêm lang thang trong Thành nội thuở Huế mù trời mưa bụi cuối tháng Chạp. Nhà tôi vốn làm nghề đồ mã lâu năm, tiếng Huế gọi là nghề thợ mã. Từ ấu thơ cho đến tuổi lớn lên, tôi đã sống trong không khí liêu trai của hằng hà sự tích hồn ma bóng quế. Khi tới tuổi thành niên, thay ba tôi thức những đêm cuối năm về Tết, nhiều khi xong việc, cứ thích một mình trong đêm đi theo một chỉ dẫn vô hình nào đó đang vẫy gọi trong tâm tưởng mà thấy lạ lẫm như mình đang mãi hoài đi trong không gian khác. Một Huế mơ mòng của lời kinh Bát Nhã. Huế của mùa xuân vào giáp Tết về đêm thường mịt mờ sương khói, đường Thành nội lối ngang ngõ dọc giống y bàn cờ, nhiều khi tôi nghe vang vọng một tiếng trống thiệt xa xăm. Cũng không ít lần còn thấy được cả những chấm xanh trắng lơ lửng giữa đêm đen và có tiếng bước chân rầm rập chen tiếng ngựa xe. Ở nơi góc miếu Âm Hồn hồi trước có mệ già tóc bạc trắng bán sữa đậu nành trứng gà, bán có khi tới 2 - 3 giờ sáng mới dọn dẹp. Mệ đã già, lưng đã còng mà còn phương phi, kể chuyện ma, chuyện đời xưa hay tuyệt vời. Cái đáng nhớ nhất là mệ chỉ nhớ tên địa danh đời xửa đời xưa, và chỉ kể toàn chuyện cũng của người xưa đã thành thiên cổ. Có một lần ngồi uống sữa nóng trứng gà, tự nhiên nghe tiếng song lang đổ trường canh dồn dập, tiếng đàn sáo rộn rã, mệ già nhìn xa xôi vào hư không, cũng chỉ nói như nói một mình ở người già:
- Tề, họ đi coi hát bội bên phủ bà Chúa về rồi tề!
Bây chừ nghiệm lại, tôi cho rằng, đó là một cơn sóng hồi ức thỉnh thoảng dội về từ siêu hình không gian và siêu hình thời gian chỉ có ở lớp người đã vĩnh viễn gởi lại tâm thức mình cho quê nhà tiền kiếp. Ánh mắt của mệ già tóc bạc còm cõi giữa Huế của tôi, khi nói câu đó tôi thấy đờ đẫn đi như là ánh mắt của người còn sót lại từ cõi Huế khác. Như ông giáo sư già ở Tô Châu, cả cuộc đời đều đắm chìm trong giấc mộng Giang Nam của riêng mình.
Chỉ chừng ấy mẩu chuyện riêng tư của ông thôi, mà Tô Châu, mà Giang Nam làm cho tôi cảm động muôn vàn. Và rồi, tôi đã hiểu rằng, giữa tôi và ông dường như có chung một nỗi niềm thấu cảm, tương đồng. Vì dù khác biệt thế hệ, sắc tộc, nhưng mỗi người chúng tôi đều có một quê hương riêng biệt để thương nhớ, để chắt chiu kỷ niệm, và tận cùng linh hồn luôn ao ước được gần kề. Tô Châu mỹ miều của ông và xứ Huế thân thương của tôi. Quê hương của ai thì người ấy yêu mến, nhưng tình cảm dành cho quê hương thì chắc không cần thiết phải chia biệt theo sự khác nhau từ màu da hay biên giới.
Khi nhận được câu hỏi rằng: nhà vườn xứ Huế của bạn có gì đặc sắc, có triết lý gì không? Tai nghe câu hỏi như vậy trong phiên thảo luận này, tôi bỗng thấy mình trong suốt ra vì vô số ký ức từ Huế nền nã, Huế đài trang đang nở bừng trên từng tế bào cảm giác, cứ như ngoài khung cửa sổ thư viện này cây mộc lan đang nhú ra từng búp hoa trắng trong như ngà mà tôi chợt liên tưởng đến cánh hoa đăng chúm chím trong điệu múa cung đình Huế lung linh sắc màu. Cho đến hôm nay, tôi ngập chìm trong vô vàn tiếng nói cổ sơ của nhiều dân tộc, nghiên cứu nhiều nền folklore của nhân loại, vậy mà tôi vẫn không hoàn toàn hiểu hết xứ Huế của tôi. Nhất là với tư cách của một linh hồn thương Huế từ trong hơi thở thương đi.
Mùa xuân ở Tô Châu ngày đó, khí đất xông lên dịu nhẹ, mùi cỏ non và mùi lá tơ quyện trong không trung nghe như có vị ngọt ngào lan ra từ thinh lặng. Đâu đó trên những tàng cây liễu bắt sáng ánh trời rồi ngời lên màu xanh nhạt nhòa như khói dưới làn mưa bụi, tiếng chim hoàng ly lảnh lót vang lên và nhả những giọt buồn bay bay theo gió. Trong phút chốc ấy, có giọng ai nhỏ nhẻ mà thâm trầm, tự nhiên vang lên như truy vấn lấy tôi.
- Có đi xa mới thấy Huế mình nhiều mất mát.
Và lòng tôi tràn ngập nỗi buồn thương tựa như câu hò mái nhì hơi ai “nhớ thương này thắm thiết lắm người ơi” man mác giữa đêm dài trên nhánh sông Hương trước bến đình mà tôi vẫn hằng thao thức đợi trong những đêm không ngủ ngày nhỏ dại. Tôi nhớ tới bà o ruột của tôi. Có một lần, o của tôi tẳn mẳn kể cho tôi nghe về gia thế xưa kia của dòng họ mình, và không ngừng láy đi láy lại như để thằng cháu nhỏ nhớ mãi về khu vườn đẹp như “tranh mực tàu” của tổ tiên:
- Ngày xưa, nhà tổ của mình ở bên tê sông. Đó là căn nhà rường đẹp lắm. Khi nớ, ông sơ của con vẫn còn làm quan. Rồi chiến tranh, loạn lạc nên cả nhà tứ tán tứ tung...
Chuyện kể của o tôi tuy sơ sài thôi, nhưng có lẽ cũng đã chứa đựng ít nhiều vết thương từ những biến cố có thật trong lịch sử đầy mất mát của Huế. Và tôi nghĩ rằng, người Huế hoài cổ có lẽ vì người Huế đã quen thuộc với sự mất mát vốn dĩ đầy rẫy trong cuộc nhân sinh, cũng như từ quá khứ của một vùng đất và của dòng họ. Người Huế, cảm thông được với sự vô thường của trần thế, nên sống một cuộc đời nâng niu và trân trọng từng sự sống. Thành ra khu vườn của người Huế xưa trong ngôi nhà vườn Huế xưa là một thế giới nội tâm, phong phú mà đơn sơ, rậm rạp mà thanh cảnh với lối sống cần kiệm. Nhưng toát lên trên tất cả, là một thứ tình cảm trong sạch và đầy hàm ơn với sự sống của đất trời, của xứ sở. Nói chung cả vườn Việt hay nói riêng chỉ vườn Huế của tôi, thì tình cảm đối với sự sống với đất đai vẫn là nguyên tắc trên hết để người Việt cổ tổ chức không gian sinh hoạt của mình. Viên lâm của Trung Quốc hay thư viên của Nhật Bản là một thế giới mô phỏng của tinh thần ý niệm dù nó vẫn mang màu sắc cá nhân của người tạo lập. Những khu vườn này cho tôi một cảm giác khâm phục về tài hoa của nghệ nhân xưa nhưng lại không cho tôi cảm giác thân thuộc và gần gũi. So với viên lâm, thư viên có phần giản dị và không kỳ công bằng. Nhưng thật sự mà nói, vườn Nhật Bản là những khu vườn được cách điệu cao độ bởi lẽ dân tộc Nhật là dân tộc mang nặng cảm thức về cái chết còn nghi lễ của họ phần nhiều dính dáng đến các ý niệm về tang lễ. Cho nên, hoa viên của họ là sự trình diễn của những khoảng không vô tận. Ngay cả với người Nhật bình thường, khu vườn Nhật truyền thống cũng không khác gì là một khu vườn trống trải và đơn điệu. Còn viên lâm của Trung Hoa, là khu vườn của mỹ học về mỹ thuật thị giác khiến cho người tham quan có cảm giác choáng ngợp và bội phục. Nói theo tiếng nhà nghề nghiên cứu, vườn của Trung Quốc là hiện thân của chữ “Xảo” còn vườn của Nhật Bản là hiện thân của chữ “Công”.
Ngày trước, trong những giây phút mệt mỏi vì cuộc sống bí bách trên đất lạ quê người, tôi thường một mình với chiếc máy ảnh đi lang thang cả ngày trời ở những khu thư viên trứ danh ở Kyoto. Không những một lần, mà là rất nhiều lần, có dịp đi vào những khu vườn di sản này, tự nhiên tôi cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó khi chân cứ thả bước còn mắt cứ nhìn ngắm từ cụm rêu cho đến từng tia nắng giọt mưa rụng từ trên cao xuống. Như cái lần phải trèo ngót ngàn bậc thang để lên được ngôi sơn tự Yamadera tận miền đông bắc mây gió, nơi hành hương của nhiều bậc thi tăng Nhật Bản đời xưa, tôi lặng lẽ dạo quanh khu vườn thiền của chùa và bất chợt thấy vui mừng như lâu lắm rồi mới gặp lại một kỷ niệm thân quen tựa ấu thơ.
Ơ tề, rau răm! Trời đất ơi, một cây rau răm tím.
Có một cây răm tím mọc trong kẽ nứt nơi chân cây đèn đá thường có ở vườn chùa Nhật Bản. “Rau răm đất cứng dễ bứng khó trồng”, câu hò ru con ai oán này nghe tưởng đùa rứa mà thiệt, tôi bứng đem về trồng, chăm sóc kỹ lưỡng mà tận mấy tháng sau từ mầm tím thân cây mới lơ thơ nhú thêm vài ba lá nữa.
Chuyện này tôi đã quên đi cho tới một mùa thu rất lâu nọ, khi thăm Quế Ly cung (Katsura Rikyu) là ly cung hoàng gia ở Kyoto. Khu vườn ở ly cung này được xây dựng theo mô tả của nữ sĩ Murasaki Shikibu trong kiệt tác Truyện Genji cách đây hơn một ngàn năm. Khu vườn này tao nhã, có sự đan xen hài hòa giữa nét cung đình và dân dã. Nhưng lay động tâm can tôi không phải ngoại cảnh đó mà là khi tôi phát hiện một cô gái Việt Nam mình đang chăm chú nhìn ngó một thứ cây dại nào đó trên lối đi ra khu rừng phong trên ngọn đồi phía đông. Cô gái khe khẽ reo cười nghe giòn giã như nắng mới vừa lên, và bất ngờ hơn, đó là giọng Huế, giọng Huế ở Lương Quán, Nguyệt Biều - nơi có những khu vườn tươi tốt nổi danh của xứ Huế. Tôi không dám đến gần vì sợ làm ngắt quãng đi niềm vui bé nhỏ của cô bé nên cứ thủng thẳng ngắm nghía vu vơ. Cô bé thật hồn nhiên, nhìn quanh quất một hồi xem ra không thấy ai để ý vội bứng một gốc cây rồi bỏ vào trong ba lô của mình. Buổi chiều đi bộ ra ga cho kịp chuyến tàu, tôi gặp lại cô bé trên đường đi, và cái cây cô bé vừa bứng hồi nãy đã được cho ra hít thở khí trời. Nhìn từ xa, cứ tưởng như chồi cây xanh kia cũng tung tăng theo từng bước chân của cô đi về. Đi ngang qua cô bé, tôi mới nhận ra rằng đó là một thứ rau thơm, cây bạc hà, mà người Huế hay làm rau sống để ăn kèm với những món ăn cần hương vị đậm đà. Hình ảnh đó làm tôi xốn xang đến nao lòng và tôi cho đó là hình ảnh đẹp nhất để đại diện cho cách ứng xử với tự nhiên ở người Việt mình.
Cũng từ đó, tôi mới nhận ra rằng các khu vườn di sản mà tôi từng đến thăm thú dường như cách biệt với sự tổ chức sinh hoạt của cuộc sống trần thế. Nhưng vườn Huế không như vậy. Chắc sẽ có người nói rằng, đó là vườn dân dã chứ còn vườn cảnh hoàng cung và các phủ đệ ở Huế xưa sẽ không có cái kiểu cách sinh hoạt thôn dân như vậy đâu. Nhưng nếu có ai đó đến Huế, và ghé thăm Đại Nội, nhớ để ý đến những vườn nhãn, vườn vải được trồng nơi điện Phụng Tiên hay Thế Tổ miếu sẽ hiểu được tấm lòng của thiên tử xưa với đất đai, với sản vật xứ sở. Ở Huế, người đời vẫn còn nhớ đến giống vải được trồng ngay trong hoàng cung, vua Minh Mạng đã dành những quả vải này để ban cho bá quan gặp lúc khánh tiết để thể hiện ân uy, hay đem những quả vải đó thưởng cho các vị tân khoa tiến sĩ nơi vườn Thư Quang để tỏ lòng cầu hiền hậu đãi kẻ tài. Từ đó về sau thành lệ của triều Nguyễn, còn thứ quả vải đó người Huế truyền đời gọi là vải trạng. Nói gì thì nói, ta vẫn phải thấy rằng, đó là cung cách của vườn Huế, của người Huế một thuở với tấm lòng trân trọng thiên nhiên, trân trọng sự sống của đất đai. Người ta nói rằng, Minh Mạng là ông vua sùng bái văn hóa Trung Hoa nhất nên sơn lăng của ông thể hiện cấu trúc đăng đối hết sức quy tắc. Điều đó không sai, nhưng cảnh quan viên lăng của ông lại là nơi tập trung nhiều cây ăn trái nhất trong số các lăng mộ vua Nguyễn. Điều ấy cũng hé lộ cho hậu thế thấy, một tính cách khác rất Huế, rất Việt Nam của ông.
Vườn Huế xưa, ngay cả trong những chốn mà người Huế cũ càng gọi là “cửa quyền” như dinh thự của quan lại hay phủ đệ của ông hoàng bà chúa, có một sự bình đẳng lạ lùng khi sân vườn không chỉ là nơi đàn ông thể hiện cốt cách và khí tiết mà còn là nơi gắn bó với tài nghệ vun vén trong sinh hoạt nội trợ thường ngày của phụ nữ. Đằng trước của một ngôi nhà vườn Huế điển hình luôn có một bức bình phong, và trước hay sau bức bình phong thì phải có bể cạn và non bộ. Từ cổng ngõ đi vào tới bức bình phong, người Huế xưa thường trồng hoàng mai, cái giống mai Huế bản địa nguyên thủy mọc đầy trên dải đất đồi phía Tây thành phố mà tiết xuân cho ra cái màu vàng ròng lộng lẫy như nắng trời có hương thơm mỏng manh thôi nhưng vấn vít lạ kỳ. Bình phong - hoàng mai - bể cạn - non bộ là những thú chơi để đàn ông cựu thời phong hóa thể hiện cái ngã tánh của mình. Và cũng là cách mà chủ nhân là những tiến sĩ, thám hoa xuất thân khoa bảng thể hiện một cách kín đáo cái sở học khi trưng trổ chữ nghĩa văn chương thánh hiền bằng hình thức ẩn dụ như vậy. Còn đằng sau, là thế giới cỏ cây hồn nhiên và sinh động, nhìn rất hỗn tạp nhưng thật ra là đã có một sự tính toán ngầm rất đỗi tinh tế và vẹn toàn của phụ nữ. Mỗi thứ cây một ít, từ cây ăn trái lưu niên như vải, nhãn, lựu, thị, giáng châu (măng cụt), đào, lê, thanh trà, vả… cho tới những thứ rau thơm như hành, hẹ, ném, tía tô, ngải cứu… Từ cây lấy hoa như sen, cúc, vạn thọ, thược dược… đến cây lấy hương như mộc, hoàng lan, địa lan, quỳnh hương… Đến cả nhiều thứ rau dại như rau má, rau tờn, lá lốt, me đất, mã đề… cũng hiện diện trong vườn Huế xưa với tiếng nói riêng. Vườn Huế không phải là thứ vườn đại trà kiểu như miền Nam, cũng không phải là kiểu vườn chuyên canh như miền Bắc. Vườn Huế là một thứ vườn của tinh thần thiểu dục tri túc; của lối sống khiêm cung và đầy hàm ơn với cuộc sống. Nhìn ở khía cạnh nghiên cứu văn hóa, có người nói rằng vườn Huế là một thứ “vườn tạp”, “vườn rừng” thì quả là một phát hiện tinh tế và xác đáng. Bởi lẽ, địa hình của Huế nằm trên địa hình bán sơn địa tiếp giáp với duyên hải nên người Việt cổ ở đây chọn cách tổ chức đời sống thuận theo tự nhiên như vậy. Đời sống của vườn Huế phụ thuộc nhiều đến bàn tay đàn bà khi mà họ chọn lối sống thời trân, mùa nào thức ấy, chủ yếu là đáp ứng nhu cầu gia đình sau đó mới tính đến chuyện mua bán trao đổi để kiếm thêm chút đỉnh. Ngay cả cung vua cũng như vậy mà thôi. Việc các vua Nguyễn có lệ ban trái cây ngự dụng cho triều quan ngoài hàm ý chính trị còn là hành động xuất phát từ ký ức tập thể của lối sống Việt cổ ở nơi này.
Cũng như tôi vậy, tranh thủ trước khu nhà trọ ở xứ người có một khoảnh đất bé nhỏ. Mỗi chiều tranh thủ sau giờ học, giờ làm đều loay hoay làm đất, rải vôi, bón phân, lên luống, gieo hạt, tưới nước. Nhìn những mầm non biêng biếc hé mắt nhìn trời xanh, dù mệt mỏi biết mấy và khắp người bám đầy mùi dầu mỡ chiên xào sau hàng giờ liền đứng bếp làm thêm, cũng cảm thấy từ trong máu huyết mình niềm vui đang nảy cành xanh lá theo. Có một ngày, khi đang loay hoay “làm vườn” thì tôi nghe cô bé người ở nhà đối diện bên kia nói với qua bằng chất giọng miền Tây ngộ nghĩnh mà dễ thương:
- Chời ơi, coi cái dzườn của ổng kìa? Như cái dzừng dzậy đó.
Cô bé khúc khích cười còn tôi thì nghe mình ngỡ ngàng quá đỗi. Rất tự nhiên tôi bật cười theo khi nhận ra rằng, mình đang cố gắng vun xới một mảnh vườn mà người Huế của tôi hay làm. Dù rằng, trai Huế như tôi, sống trong gia đình thủ cựu của người Huế cũ càng, chỉ biết ăn học chưa từng cầm chổi quét nhà, chứ nói gì đến chuyện cầm cuốc làm vườn. Nhưng cái cảm giác cảm động vì cây môn bạc hà đã đủ to, khóm rau húng rau quế rau thơm rau răm đã tốt tươi để làm được một bữa cơm hến ngày đó khiến cho tôi không bao giờ quên được. Giống như cảm giác lần đầu tiên gặp được một giọng Huế đồng hương cũng nặng lòng xứ sở như mình ở nơi quê người.
Có đi xa mới biết ngậm ngùi để cảm ơn từng tấc đất ngọn rau quê nhà. Ăn miếng ngao sò nhạt nhách đã băm vằm ra thay hến trong miệng mới thấy dòng sông Hương đã hàm ơn cho Huế nhiều đến nhường nào để có được thứ hến mịn màng ngọt nước như lụa là ở cái doi đất bên kia Vỹ Dạ. Đất Huế cỗi cằn mà cũng cho được mấy giống môn, ngoài môn đỏ, môn bạc hà mà mẹ tôi ưng bụng cực kỳ, là cái giống môn để làm ra cơm hến, cái giống môn không bở không bệu như môn bên này. Đất Huế là đất Ô Châu nuôi được mấy loại ớt thơm nồng hậu như lòng từ bi của trời của đất của tổ tiên đời trước đã chắt chiu lại qua năm dài tháng rộng, qua tai ương. Đất nghèo mà nuôi dưỡng con người lớn lên bằng tất cả sự nồng đượm chân tình.
Để đền đáp ơn phước mà đất ban cho, để tri ân những người mở đất và nhượng đất, người Huế có tục cúng đất. Mùa cúng đất tháng 2 âm lịch và tháng 8 âm lịch, thậm chí ở nông thôn như Quảng Điền quê của mệ nội tôi, người ta còn có tập quán đêm giao thừa lấy những lá tiền vàng mã đính lên những gốc cây to trong vườn để gọi là tạ ơn đất đai, cây cối. Chỉ có ở Huế mới có tục cúng cậu Chiêm Thành, lâu dần đã ăn thông vào hình tượng thổ thần coi sóc ruộng nương, vườn tược, đất cát. Thậm chí, ở Huế, khi người thân mất đi, người ta còn buộc dải khăn tang cho những cây trong vườn và hoặc có khi còn cho người đã mất nằm ngay trong khu vườn nhà mình. Đó là một cung cách ứng xử bao dung của vườn Huế. Cho nên, nét đặc sắc của vườn Việt nói chung và vườn Huế nói riêng, là ở chữ “tình”, nơi mà con người gắn kết và chiêm ngưỡng, cư ngụ và tái tạo sự sống bằng nội tâm chân thành, bằng cái tình với trần thế.
Phiên thảo luận hôm đó, tôi không nhớ hết mình đã nói thêm những gì nữa. Nhưng cảm giác xúc động cứ dây dưa mãi giữa lòng tôi. Hình ảnh những bức bình phong thanh nhã ở Huế, nơi mà người ta phải đi qua để vào được ngôi nhà Huế cũ càng hiện ra như một chứng nhân trong lòng tôi. Cảm giác này, không phải người Huế xa quê hương thì sẽ không thể nào hiểu hết được. Khi tôi nói với mọi người câu nói tựa hồ như là tiếng nói từ linh hồn quê quán gởi đến sau muôn dặm mây trời, mà tai tôi nghe thấy, không biết người ta có cảm nhận được chút gì đó từ nỗi chạnh lòng của tôi không? Nhưng đã có những lời hẹn, hẹn gặp lại tôi ở Huế, hẹn đến thăm một ngôi nhà Huế xưa mà tôi hằng thương tưởng nhớ nhung.
Ông giáo sư già quả thật là người có lòng. Trước ngày chia tay Tô Châu, ông có mời chúng tôi cùng đến một viên lâm có biểu diễn ca kịch vào buổi tối để nghe Côn khúc. Đêm Tô Châu mùa xuân ngạt ngào hơi sương, một thứ hơi sương xanh muốt, mà theo ông già cho biết, màu áo thanh y trong văn hóa diễm tình Giang Nam ngàn thuở là từ phổ màu xanh sương khói này mà ra. Còn Huế của tôi, tất cả đều không gì ngoài màu tím Huế, một màu tím mà dù buồn hay vui đều kín đáo như nỗi niềm cấm cung nhưng đủ để mờ phai đi hết bao nhiêu cay đắng đoạn trường của lòng người.
Tôi bất giác nhớ đến Thang Tổ Nghiệp, trong bài thơ cuối cùng và cũng là bài thơ hiếm hoi ông nhắc tới đời tư của mình, ông tự thấy mình là một “tiếng phách lạc loài dưới trăng”. Bỏ qua đi những vấn đề công danh hoạn lộ đắc thất của người làm thơ, cái câu thơ đong đầy thương cảm cá nhân như vầy rất ít gặp trong thơ xưa, nó làm cho tâm hồn của những linh hồn hoài cổ cũng rung động theo. Tiếng thổn thức của đàn tỳ bà trong đêm Giang Nam chắc chỉ có gặp được kỳ phùng địch thủ của nó ở trong đêm ở Huế mà thôi. Nhất là về những đêm mùa xuân như vầy, trăng mờ mờ xanh và nhịp phách tiền rộn ràng chen vào giọng đàn nguyệt nỉ non thì hỏi ai không ướt áo xanh Tư Mã?
Bóng đêm trong căn nhà cổ làm cho những câu hát có sức mạnh đưa người ta lạc lối vào cảm giác bị nhiễu về nhận thức không gian và thời gian. Âm nhạc phương Đông là vậy, từ những thanh âm hoa tình của miền Giang Nam cho tới những bài ca hơi ai não nùng của xứ Huế đều có sự dan díu và thăng hoa với bóng đêm huyền ảo. Giọng hát Giang Nam khi lảnh lót thì cao vút tựa như tiếng nữ nhi mới biết yêu chờ gặp tình lang, lúc trầm ngâm thì rền rĩ như lời nói chia biệt.
Đời người sớm tàn phai,
nhân sinh thường trắc trở,
giấc mộng khó dài lâu.
Một chút tình thâm,
ba phân đất lạnh,
nửa vách tà dương…
Câu hát âu sầu trong lớp Kinh mộng của tuồng Mẫu đơn đình vừa thấm vào lòng tôi niềm lưu luyến huyễn hồ thì cũng ngay lúc đó, hình ảnh con sáo trong điệu lý Giang Nam mà mẹ tôi đã dạy cho từ thuở thiếu thời chợt long lanh như ngấn lệ từ bi tự muôn thuở nước non nhà.
…tình bằng con sáo sang sông ứ ư ư ư…
Tôi bỗng trôi nổi chơ vơ giữa một vùng ảo ảnh, ở đây Giang Nam là đêm, còn kia là Huế của tôi giữa một ngày nắng mới đầu xuân. Có một nhành hoàng mai ngời lên trong cái nắng mỏng tang lụa là, in hình gầy guộc lên vách tường loang lổ rêu phong ở một ngôi nhà của người cố cựu bên Ngự Viên.
Tôi nhớ rồi, đóa hoàng mai ấy là tôi, muôn đời muôn kiếp dầm nắng dãi sương bên bức bình phong cũ kỹ trước sân nhà Huế xưa. Chỉ một lần vô tình rụng xuống bờ vai một người con gái về ngang qua ngõ, mà đã trót yêu người, nên còn vương vấn mãi chốn này.
Tô Châu, đông - xuân 2023, đông 2024
N.H.T
(TCSH433/03-2025)
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa có thông báo về việc để quốc tang đồng chí Khamtay Siphandone.
Biết đâu nguồn cội như một khúc du ca phiêu bồng cất lên giữa những câu chuyện kể hoài kể mãi. Tại Gác Trịnh, vào chiều tối ngày 01/04/2025 đã diễn ra một đêm nhạc tưởng nhớ 24 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm.
Kinh tế Huế đang có những bước phát triển đột phá khi 3 tháng đầu năm 2025, chỉ số GRDP - tổng sản phẩm trên địa bàn - cán đích 9.9%. Tiếp đà này, dự báo tốc độ phát triển KTXH của Huế sẽ vượt xa dự đoán 8%, hứa hẹn chạm mốc 2 con số.
Sáng 26/3, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Huế tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Huế (26/3/1975-26/3/2025) và 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố Huế (4/1930 - 4/2025).
Tối ngày 25/3, tại sân khấu bán thực cảnh ven sông Hương đã diễn ra Lễ khai mạc năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới”.
Hàng loạt dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Huế động thổ, khởi công và khánh thành, nhân dịp kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng quê hương. Sau khi chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc Trung Ương, Huế khởi sắc về nhiều mặt, nhất là kinh tế và du lịch.
Sáng 24/3, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Huế long trọng tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (Nay là thành phố Huế) (26/3/1975 - 26/3/2025).
Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025 với chương trình nghệ thuật có Chủ đề: “Lời tự tình dòng sông” sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng 3 năm 2025 tại sân khấu bờ Sông Hương phía trước trường Quốc Học (12 Lê Lợi, TP Huế).
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng quê hương (26/3/1975-26/3/2025) và 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố Huế (tháng 4/1930 - tháng 4/2025), nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn sẽ được động thổ, khởi công và đưa vào hoạt động nhằm chào đón sự kiện quan trọng này.
Sáng ngày 17/3, tại trụ sở UBND thành phố Huế, Đảng bộ các cơ quan Thành phố Huế đã tổ chức công bố quyết định thành lập Đảng bộ Hội đồng nhân dân Thành phố Huế nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị do Phó bí thư Thường trực Thành ủy Huế Phạm Đức Tiến chủ trì.
Sáng 10/03 (nhằm ngày 11 tháng 02 Âm lịch), Thành phố Huế tổ chức lễ tế đàn xã tắc tại Di tích Đàn Xã Tắc – phường Thuận Hòa, Quận Phú Xuân. Đây là nghi lễ truyền thống được duy trì để bày tỏ lòng thành kính đối với thần Đất (Xã) và thần Ngũ Cốc (Tắc).
Chiều 5/3, UBND thành phố đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 2 năm 2025 với nhiều thông tin quan trọng về kinh tế xã hội trên địa bàn. Đáng chú ý, nhiều dự án trọng điểm của Huế đang tăng tốc về đích với tiến độ khả quan.
Sáng ngày 03/3, tại trụ sở UBND thành phố Huế, Ban Chấp hành Đảng bộ UBND thành phố đã tổ chức hội nghị lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì.
Sáng 26/2, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 22, Hội đồng nhân dân thành phố Huế đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập tổ chức lại các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Huế và công bố các quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý.
Sáng ngày 22/2, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Huế tổ chức Hội nghị nhằm triển khai các nội dung quan trọng về sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ; thảo luận dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời cho ý kiến về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên.
Sáng 19/2, tại thôn Vân Cù - Nam Thanh, xã Hương Toàn, UBND thị xã Hương Trà (TP Huế) tổ chức lễ đón bằng công nhận nghề làm bún Vân Cù là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.