Lý Bạch - Anh tôi - Cao bằng - Cổ tích của riêng ta

10:25 16/05/2008
LTS: Trần Chấn Uy sinh năm 1957, tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, hội viên Hội Nhà văn Việt . Anh là một nhà thơ trẻ đã có 5 tập thơ ra mắt bạn đọc. Trần Chấn Uy đi khắp nơi, say mê với cái mình đã chọn, diễn đạt nó với nhiều cung bậc. Tìm kiếm chân lý và cái đẹp để đưa vào thơ, với tấm lòng bao dung, nhân hậu, dưới góc độ nào, giọng thơ Trần Chấn Uy cũng chân chất, mộc mạc, nồng ấm. Nhà thơ Trần Chấn Uy hiện nay công tác ở Đài Truyền hình Khánh Hoà.

Lý Bạch

Mộng dâng quân vương
Những kế sách yên dân
Đất nước thái bình
Ông chỉ được đón mời
Như một khách mua vui.

Vỡ mộng vua tôi
Quẳng lại áo trào ban tặng
Một mình ông im lặng
Bỏ đi thôi.

Vẫn còn kia cả đất trời
Thôi thì cứ thơ, cứ rượu
Cứ múa gươm, cứ cười, cứ nói
Thong dong một cánh buồm
Con thuyền chẻ nước
Ngược xuôi dòng Trường Giang sương khói
Bận lòng chi chốn ấy lầu son.

Nghìn sau những ngai vàng cung điện đâu còn
Trăm ông vua hoá thành đất cát
Chỉ còn lại dòng Trường Giang bát ngát
Và con thuyền thơ Lý Bạch chở đầy trăng.

 

Anh tôi

Thế là anh không về nữa
Lửa chiến tranh đã thiêu cháy anh rồi!

Em đi dọc bãi sông bồi
Nơi anh lặn ngụp suốt một thời trai trẻ
Hoa muống nở một chùm tím thế
Gió hoang vu thổi nát buổi chiều buồn
Con châu chấu tuổi thơ vút lên từ chân cỏ
Em gặp lại anh đâu đó giữa cánh đồng.

Vẫn đàn cò chở gió sang sông
Vẫn dòng nước trôi về phía bể
Vẫn trời xanh như chưa bao giờ xanh thế
Nhưng anh ơi! Anh không còn nữa trên đời.

Như con thuyền khát xa khơi
Cơn bão nổi cánh buồm thành bọt nước
Ôi chiến tranh có thể nào khác được
Anh nằm lại với rừng tràm rừng đước
Trời Hà Tiên mây trắng ngẩn ngơ bay

Em đi dọc bãi sông này
Tìm trong cỏ rối những ngày trẻ thơ
Anh ơi tóc mẹ bây giờ
Như ngàn lau lạnh
Trắng bờ sông xưa.

Cao Bằng

Sương lạnh như tấm voan choàng đỉnh núi
Cây đào hoang thắp tia lửa cuối xuân
Ta gặp trên đỉnh đèo những gương mặt ám khói
Những dáng người mang dáng núi xanh xa

Hành phương bắc, cơn rét muộn tháng ba
Ta dọc theo trơ trụi những cánh rừng
Cô gái gặp cuối chiều trong bản nhỏ
Nghiêng núi rót đưa ta chén rượu đầy

Không thể nào từ chối được lời mời
Chắc như đá, khiến ta không còn khách sáo nữa
Nâng chén rượu, mắt tràn ánh lửa
Đất Cao Bằng phút chốc bỗng chênh vênh.


Cổ tích của riêng ta

Dứt áo người đi, sen tĩnh tâm tàn úa
Khúc nam ai nhàu nát cõi lòng
Ẻo lả dòng Hương giang héo hắt
Trôi nghìn năm không chở hết nỗi buồn

Ta lại về làm khách cô đơn
Quán trọ chiều, cơn mưa cuối hạ
Cành long não chất đầy tiếng ve sầu hối hả
Đắng lòng ta nỗi nhớ một người đi

Chân thành xưa thắp tím đoá lưu ly
Những khẩu súng thần công ngây buồn hú gió
Những giọt mưa hoang bay đầy thành cổ
Huế bỗng thành cổ tích của riêng ta.


TRẦN CHẤN UY
(nguồn: TCSH số 146 - 04 - 2001)
Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Phạm Văn Nuôi - Phan Trung Thành - Nguyễn Lãm Thắng - Tiến Thảo - Công Nam - Trần Xuân An - Nguyễn Công Thắng - Hà Văn Sĩ

  • Có lẽ, ngay từ những tác phẩm đầu tiên, tác giả đã đặt vấn đề tìm kiếm câu trả lời muôn thuở: “Văn chương là gì?” Ở đây, Phan Hoàng Phương mượn ý của Trần Dần, Phùng Quán để nói về mình trong nỗ lực đó (bài Đi trong mưa gió).


  • Nguyễn Đức Tùng - Nguyễn Tân Dân - Huyền Thư - Đông Hương - Nguyễn Bội Nhiên

  • Vũ Dy - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Văn Thanh - Triệu Nguyên Phong - Ngưng Thu - Nguyễn Duy Hới - Huỳnh Lê Nhật Tấn - Nguyễn Văn Học - Đặng Văn Sử - Từ Hoài Tấn - Ngô Bá Hòa - Trường Thắng - Khaly Chàm

  • Ngoài chùm thơ gửi đến, tác giả Lữ Thị Mai không ghi thêm thông tin gì. Tuy vậy khi đọc thơ xong mới hay có lẽ cũng không cần giới thiệu gì nhiều; ngần ấy cũng đủ cho chúng ta thấy đó đích thực là con đường thi ca của một tác giả trẻ đang đi theo vết dấu của thủy thần…
    S.H

     

  • Phan Lệ Dung - Châu Thu Hà - Nguyễn Thị Bích Phượng - Nguyên Hào - Mai Văn Hoan - Vương Kiều - Võ Công Liêm - Phan Đạo - Nguyễn Thiền Nghi

  • LTS: Những bài thơ ngắn, nhưng như chiếc kính hội tụ những cao vọi thanh sạch không gian, lắng lại trong ánh nhìn của chiếc lá sen. Và như trong tàn lá sen ấy, ứa ra những giọt lệ thiền. Dưới đây là chùm thơ của Trần Lê Khánh.

  • Như Quỳnh de Prelle, hiện tại đang sống và làm việc tại Brussels, vương quốc Bỉ. Chị từng là nhà sản xuất phim độc lập và viết kịch bản, làm truyền thông và viết báo tại Việt Nam. Thơ Như Quỳnh de Prelle đã xuất hiện trên các tạp chí chuyên về văn học và các trang văn online trong và ngoài nước. Đáng chú ý là bài thơ Nỗi buồn trên cây của chị được chuyển thể thành kịch bản phim ngắn “Nỗi buồn trên cây” sau đổi thành Tôi 30 của đạo diễn Minh Đức Hoàng Trần, phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2014 và nhiều liên hoan phim khác.
    Sông Hương xin giới thiệu chùm thơ mới của chị vừa gửi về từ Brussels.

  • LTS: Huyền Thư quê quán Đông Hưng, Thái Bình, hiện đang sinh sống tại Wellington, New Zealand; thơ chị được giới thiệu trên Sông Hương số 325 (3/2016).

  • Do sơ suất trong trình bày, Số đặc biệt Sông Hương 22, tháng 9/2016, trang 25, đã in nhầm tên tác giả bài thơ “Xác” của nhà thơ Đỗ Thành Đồng thành tên tác giả Hoàng Thụy Anh.

  • Hoàng Vũ Thuật - Đỗ Văn Khoái - Đức Sơn - Nguyễn Đông Nhật - Nguyễn Ngọc Phú - Hường Thanh

  • Những truyền thuyết, huyền thoại là tuổi thơ của một xứ sở, một tộc người. Các câu chuyện tình mang tính chất như thế: Trương Chi - Mỵ Nương, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Giáng Kiều - Tú Uyên, Chữ Đồng Tử - Tiên Dung,… đã được tấm gương thi ca phản chiếu vào tâm hồn chúng ta, tạo thêm niềm cảm hứng trong cuộc sống.