Ảnh: Internet
HÀ LỆ THỦY Lời hứa dang dở Truyện ngắn Thân tặng lớp Luật K22 Anh là một người rụt rè, ít nói. Anh thường ngồi ở góc lớp suy tư và cười một mình. Hơn tôi một tuổi nhưng bên ngoài anh già dặn hơn những đứa khác trong lớp. Anh hay cười khi tranh luận về Huế, con người Huế và cuối cùng buông một câu: "Nơi đây hơn hẳn quê anh là cái chắc rồi". Không biết anh nói có ý gì nhưng ngay lúc đó tôi cảm thấy rất tự hào vì được sống ngay trên đất Cố đô. Quê anh cũng như bao làng quê Việt Nam khác, nghèo và lam lũ. Anh thường nói với tôi rằng học cái nghề luật này khổ lắm, chẳng phục vụ gì cho quê anh cả. Thế rồi anh lại tự an ủi bằng cách thực hiện những ước mơ giản đơn là gắng học thật giỏi để có học bổng nuôi sống bản thân và đỡ phải phụ thuộc gia đình. Tôi thích cách nói chuyện của anh. Anh không vào đề ngay khi câu chuyện bắt đầu mà im lặng như không tham gia. Nhưng sau đó anh lại xen ngang một lời nói hay một hành động nào đấy rất hóm hỉnh hay rất thâm thúy. Có lẽ đó cũng chính là tính cách con người anh. Có một điều đặc biệt là anh rất thích nghe những bài hát nước ngoài và hát theo chúng rất hay. Tôi quen anh qua những buổi trao đổi kiến thức âm nhạc như thế. Có lần anh tâm sự rằng anh có để ý một cô bạn gái cùng lớp nhưng không dám nói ra với cô bạn ấy. Anh sợ người ta chê mình nghèo. Với lại, bề ngoài anh không bắt mắt như những chàng trai thành thị khác. Anh rất muốn gửi một bài hát tiếng Anh qua đài cho cô bạn ấy để nói tất cả lòng mình. Tôi cổ vũ anh và bảo anh nên gửi một bài nào đó thật trữ tình. Anh đồng ý và hứa với tôi sẽ gửi bài hát nhân dịp sinh nhật cô ấy. Nhà trường cho nghỉ học hai ngày, lớp chúng tôi bàn kế hoạch đi chơi. Anh cũng hăng hái tham gia. Đối với tôi đi chơi xa là một thú vui không thể thiếu của sinh viên. Phải sống mãi trong cảnh "học tại quê nhà" tôi chán lắm rồi. Chưa nếm trải được mùi vị cuộc sống sinh viên xa nhà nên tôi luôn ước mong được học xa nhà và đi xa nhà. Mẹ tôi cười: chỉ được ít bữa lại nước mắt ngắn, nước mắt dài cho mà xem. Lớp tôi quyết định đi chơi biển Lăng Cô. Thật may mắn là trời hôm đó nắng. Sau một chuyến xe hơn tám mươi cây số chúng tôi đã có mặt ở biển. Biển đẹp thật!. Đứng trên bờ nhìn xuống có cảm tưởng như một khối thạch bích khổng lồ ôm trọn cả bờ biển dài vô tận. Cái nắng ban ngày hắt xuống biển làm cho khối thạch bích càng lung linh, rực rỡ và huyền ảo hơn. Một mình đứng giữa màu xanh bao la của trời và biển tôi cảm thấy mình nhỏ bé vô cùng. Bỗng dưng trong tôi trào dâng một cảm giác ngây ngất khó tả... Đêm rồi cũng đến. Những đợt sóng mạnh vỗ vào bờ đem theo cái mát lạnh của gió biển. Chúng tôi ngồi quây quần giữa bãi biển nói chuyện với nhau về bạn bè, về cuộc sống. Lúc đó tôi thấy anh thật vô tư, sôi nổi, trẻ trung chẳng giống ngày thường chút nào. - Tại sao con người sống không chỉ là thương yêu mà lại có cả thù hận và căm ghét nhau nhỉ? Tôi bỗng thắc mắc. Anh triết lí: - Đó mới chính là cuộc sống. Cơn mưa biển ập xuống đã làm ngưng cuộc nói chuyện lại. Chúng tôi cũng đã mệt sau một ngày vui chơi thỏa thích và cần phải giữ sức cho cuộc chơi ngày mai. Một lúc sau, cả không gian lại chìm vào yên tĩnh chỉ còn tiếng mưa rơi, gió thổi và tiếng ngáy đều của cả lũ. Cái nóng ấm áp mơn man trên da thịt đã khiến tôi tỉnh giấc. Những tia nắng đầu tiên của ngày mới xuất hiện cũng là lúc cả lũ thức dậy. Được tắm biển vào buổi sáng còn gì bằng. - Này, ăn nhanh lên ra tắm biển. Sau tiếng kêu gọi của lớp trưởng, tất cả chúng tôi như nhận ra cái vẻ tuyệt vời của biển và ai cũng muốn hăm hở chạy ra để tận hưởng hết những cái gì mà biển ban cho. Trời chơi trước tiên là chuyền bóng trên biển. Biển rộng lớn là thế nhưng không nhấn chìm được trái bóng bé nhỏ. Trái bóng cứ thế được chuyền qua chuyền lại trong sự ồn ào, vui nhộn làm bừng tỉnh cả khoảng không bao la của biển. Tất cả đang say sưa theo trái bóng mà không để ý rằng mình đứng xa hay gần khu vực cấm. Trái bóng bật ra xa khỏi tầm với. Một người lao theo chụp. Bỗng có một cơn sóng mạnh dội vào làm cho người đó không kịp giữ thăng bằng và... chới với. Tiếng kêu cứu hét lên. Hai ba người gần đó định lao ra để kéo lên nhưng không được. Vừa mới bước ra vài bước, cát dưới chân như bị sụt xuống. Nước biển chỗ đó tạo thành một vòng xoáy khổng lồ, hun hút sâu như miệng giếng. Chúng tôi kinh hoàng nhận ra: Thủy thần đang giận giữ, lối xuống địa ngục đang mở rộng ra. Bây giờ dù cho cả lớp nhảy vào thì cái vòng xoáy dữ dội của thủy thần ấy sẽ sẵn sàng nuốt chửng chúng tôi mà không thương tiếc. Những con mắt như tê dại đổ dồn vào miệng giếng nước xoáy đang kéo theo quả bóng cùng người bạn thân thiết. Sự việc kinh hoàng ấy chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc. Đất trời hình như sụp đổ. Tiếng một người cất lên: - Phải chạy lên bờ gọi người xuống cứu! Không gian đang yên lặng bỗng vang lên những tiếng kêu cứu rợn người. Rồi tiếp theo là những bước chân náo loạn cùng với những tiếng kêu thất thanh: cứu... cứu... cứu... có người chết đuối!. Một dân chài gần đó bơi ra nhưng sóng đập mạnh quá không đến gần được phải quay lại vào bờ. Cảnh náo loạn trên bờ cùng với những tiếng thút thít làm cho bầu trời càng thêm ảm đạm, thê lương. Mới chỉ ít phút đây thôi trời còn êm đềm, trong xanh vời vợi. Mới đây thôi những con sóng còn rì rào bài ca của biển. Vậy mà...! Hay là biển trả thù con người không bảo vệ, giữ gìn nó mà chỉ biết khai thác đến cùng kiệt để môi trường thay đổi dẫn đến sự thay đổi bất thường của những dòng thủy lưu dưới đáy đại dương. Không được nữa rồi. Dù là một người đi biển tài ba, dù là một người có kinh nghiệm với sông nước cũng không dám xông vào cái vòng xoáy khổng lồ ấy. Dân làng cạnh đó tụ tập đầy bờ biển. Các cụ già trải đời cất tiếng thở dài: Thế là hết rồi đó các cháu ạ!. Bọn con gái mau nước mắt khóc ré lên không ai ngăn cản nổi. Tôi nhìn quanh và bàng hoàng nhận ra: Người bạn xấu số của lớp tôi chính là anh ấy. Thật thế ư? Tôi không thể hình dung nổi những gì vừa xảy ra trước mắt mình. Nhanh quá, bất ngờ quá! Tôi sững sờ và nghẹn ngào nấc lên. Thế là hết! Biển đã thực sự cướp đi người bạn của chúng tôi. Biển đã biến cuộc đi chơi thành một cuộc giã biệt đau thương và đầy nước mắt. ... Một ngày đau đớn, vật vã với việc tìm kiếm, chúng tôi cùng những người dân chài vớt được anh lên cách chỗ xảy ra tai nạn 3 km ngược dòng lên phía biển Thuận An. Người anh bị cát đánh xây xát, bầm tím, riêng khuôn mặt còn phảng phất một nét bàng hoàng như chứa chất một điều gì chưa kịp nói ra. Anh đã ra đi, không phải là một cuộc ra đi bình thường như những lần tạm biệt tôi trước cửa lớp mỗi khi tan học về. Anh ra đi trong cơn phẫn nộ bất thường của biển cả để lại sự cô đơn, lạnh lẽo trong lòng chúng tôi. Và một lời hứa dang dở của anh chưa thực hiện được. Ngày sinh nhật của cô bạn gái đã đến gần. H.L.T (137-07-00) |
Phùng Sơn - Lê Viết Tường - Hồ Huệ
NGUYỄN MINH VŨKhông biết từ lúc nào, cứ đi ngang qua ngôi nhà ấy, giọng Liên lại lảnh lót vang lên. Cũng không biết tiếng “bố” xa lạ ấy trở nên quen thuộc với Liên từ khi nào. Bác có nhiều con trai - Liên không ngượng, các anh ấy đều ở xa.
NAM GIAOLạ
(CLB Văn học Thanh niên Huế)
LAM HOÀNG GIANG Khoảng rừng và ngọn gió
PHAN ANHMộng
PHÙNG TẤN ĐÔNG An cố hết sức ghìm nỗi xúc động. Chỉ còn lại một mình An trên con đường trở về xóm. Con đường mà những chiều cuối tuần thanh thản, An quen với tiếng sỏi nhộn nhạo, vang lao xao như niềm vui nho nhỏ dưới chân.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG(Sinh viên Đại học tổng hợp Huế)
PHAN VĂN LỢI(Tiếp theo SH số 138/8-00)Tôi thức dậy khi nghe tiếng giã gạo thậm thịch, nhìn đồng hồ thấy hơn bảy giờ. Trên nhà chỉ có một mình tôi. Cả chú bé cũng đã dậy từ lúc nào. Trong bếp lửa vẫn còn những cục than đỏ hồng phủ lớp tàn tro cháy trắng.
HỒ SỸ HẬULàng Quỳnh Đôi của tôi nghèo lắm. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao thời ấy quê mình lại nghèo đến vậy.
PHAN VĂN LỢIPhan Văn Lợi đến với văn chương bằng một truyện ngắn hơi dài. Truyện hay, hấp dẫn, câú tứ chững chạc, văn trau chuốt - điều đó hứa hẹn con đường văn chương đang mở rộng trước mắt anh. Kỳ này Sông Hương xin giới thiệu với độc giả phần I của truyện.
PHẠM THỊ THỦY Kính tặng cha của con!
LÊ THỊ PHƯƠNG HIỀNTắc đường. Còi xe máy vô hiệu. Xe đạp chưa bao giờ được thể hiện ưu thế chen lấn, luồn lách như lúc này.
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀODuyên trở về ký túc xá khi trời đã quá khuya. Phòng lặng ngắt. Chỉ còn trơ lại toàn sách với vở, mọi người đã ngủ say. Mùa thi đang bắt đầu.
LÊ DUY CƯỜNGLại ở nhà tập thể! Bố thở dài: "Không biết đến khi nào mới yên". Mẹ nhìn bố cười: "Ồn ào lại ồn ào!" Bố chặc lưỡi: "Thế đấy!" Cười! Tôi buột miệng: "Nhiều chỗ chơi rồi lại nhiều chỗ chơi". "Anh chỉ được thế là nhanh". Mẹ cốc vào đầu tôi: "Tôi còn lo chuyển trường cho anh rồi... lại... chuyển... trường". Nhiều "lại thế". Tôi nhìn mẹ vẻ thú vị: "Ở cùng nhau lại ở cùng nhau". Bố cười. Mẹ và tôi cũng cười.
NGUYỄN VĂN NHÂNGã yêu Mơ từ ngày cô còn chưa biết đến chuyện yêu đương...Tình yêu có nhiều loại, nhưng chắc chắn đó không phải là tình yêu đam mê thể xác tầm thường, cũng không phải là tình yêu tâm linh cao xa. Mơ thuở ấy là một cô lái đò, một thân lau lách đìu hiu.
TRẦN THỊ LINH CHITôi không làm sao tìm ra được vị trí căn nhà cũ của mình hiện nằm ở khoảng nào? Hỏi thăm ai đây, khi thời gian xa cách đã trên na thế kỷ! Tôi đứng bơ vơ, lòng rượi buồn. Gió từ cánh đồng An Cựu lồng lộng giữa màu mạ xanh gợi lên một cảm giác thật dễ chịu. Tôi thử quyết bắt đầu một điểm chuẩn. Từ lũy tre cuối làng tôi đi ngược trở lại con đường vừa qua.
Trịnh Hải Yến - Dương Công Hợp
LTS: Trong cuộc đời viết văn ai cũng có trang đầu tay nhưng không phải trang viết đầu tay nào cũng thành công, tuy nhiên có trường hợp trang đầu tay đã báo hiệu nghiệp văn, đã dọn đường cho nhà văn đi suốt cuộc đời viết văn của mình. Truyện ngắn "Chuyện tâm tình" của Nguyễn Khắc Phê là một trường hợp như vậy.
LTS: Trang viết đầu tay kỳ này, Sông Hương chọn một số tác giả - tác phẩm trong bút nhóm "Dòng Xanh" thuộc Đại học sư phạm Vinh.Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.