Láng giềng trên sân thượng

09:04 21/08/2012

PHÙNG TẤN ĐÔNG

Đời là thế. Hơi đâu mà phải hoa chân múa tay thanh minh trước bàn dân thiên hạ điều này điều nọ không mấy hay ho về mình.

Minh họa: NHÍM

Thói thường người ta cứ xoi mói, đặt điều về tình cảnh phởn phơ, vô tư của bọn độc thân làm như bọn hắn sống ở cõi trên, khác người trần mắt thịt hoặc giả bọn hắn sống chuyên mần chuyện bậy bạ trai trên gái dưới mèo mả gà đồng, hoặc là loại không biết thương cha già mẹ yếu đêm ngày mong chút cháu bế bồng... Với riêng đàn ông, cũng có người nào đó lo ngại rằng cuộc sống gia đình với bao tuế toái phiền lụy của nó ảnh hưởng “nghiêm trọng” đến đời sống riêng tây hoặc giả họ - vì quá chuộng tự do - đâm dan díu lừng khừng, yêu sớm buông trưa dang dang dở dở cố trì hoãn giờ lên “đoạn đầu đài”... Nhưng rồi. Đời là thế, tránh trời không khỏi nắng, trời không chiều lòng ai hết. Độc thân hoài cũng ngán, thi thoảng lên cơn thèm lứa lứa đôi đôi, gặp phải tay mơ mộng có nguy cơ thành nhà thơ thì sự thể trở nên “trầm trọng” hơn nhiều rằng trái đất ơi chỉ vắng một người mà trái đất hóa hoang vu... Rời nhà, ra quán, bạn bè nhỏ to tâm sự, vẫn thiếu vắng chút gì cao nhã, huyền hoặc lắm, dứt khoát phải săn tìm một hình, một bóng, một si mê nào đó chứ sống thế này khác chi sống đời thực vật. Rồi kệ, không có đối tượng bằng xương bằng thịt thì cứ yêu tưởng tượng, cứ đánh đu với đám thơ phú lèn èn ưỡn ngực cười với mưa to gió cả “bạn bè một đám  bụi đời/ làm thơ rồi đọc khơi khơi giữa đường”. Riết trốn vào một góc càng cô độc dữ, càng nghiệm ra, bất cứ cái gì thái quá cũng bất cập, cũng không hay. Rồi một hôm bất chợt, trận gió tình tự đẩy, tự cho rằng mình yêu thiệt, yêu nghiêm túc, yêu xứng đáng với công cha áo mẹ chữ thầy, mà đã nghiêm túc là phải cưới chứ không phải như bọn mất nết “yêu trong sáng choảng nhau trong tối”, thế là chị ơi...

Hắn chẳng vin vào bất cứ lý do nào vừa kể, hắn con một, mẹ hắn già nua lọm khọm, cha hắn chết sớm chưa kịp trối trăng gì nhưng hắn thừa biết cha hắn mong gì ở thằng con trai một, hắn rơi vào vòng xoáy cơm áo, không có vốn liếng tài sản gì, ở quê thì không xin được việc, bà mẹ phải sống nhờ nhà ông cậu. Hắn ở lính về, học xong về làm chân chấm mô rát nhà in, mà văn hóa đọc đang thời mạt vận. Vả lại, nhà nước đang vận động hạn chế sinh đẻ, vinh quang truyền đời những kẻ độc thân, hắn tự an ủi, tự cười khi nghĩ mình không khác chi đời linh mục độc thân, cũng gắng “khắc kỷ phục lễ”. Hắn cứ cười, những tối khu nhà tập thể mất điện hắn phải leo ì ạch lên sân thượng, huơ tay mò mẫm đường vào cái lô cốt, gieo mình lên tấm ván cũ, bập thuốc lá lập lòe trong đêm. Khi có ai trong khu tập thể nhà máy in hỏi chuyện vợ con hắn chỉ cái lô cốt trên sân thượng nhà kho mà rằng mình ở cõi trên nên chẳng có ma nào lấy, bọn con gái lỡ cảm tình với mình sau khi thăm nhà chúng đều chắp tay, em lạy anh, nhà anh đúng là nhà cao cửa rộng, anh tha cho em, phận cóc nhái mà đòi leo trèo, lên thăm anh lần đầu cũng là lần cuối, đời anh đúng là “huyền bí” quá... Có thằng bạn đáo để thật, cứ khuyên vô mà tán mấy em ở trường thể dục thể thao, hắn cười có vô rồi nhưng mấy cô chê hắn thấp bé nhẹ cân, các cô chỉ thích tạng người đầu óc ngu si tứ chi phát triển liểng xiểng hột xoàn vàng đeo gãy cổ.

Khu tập thể vốn là khu trại gia binh chế độ cũ, khi hắn về đã đầy người, ngoài dãy nhà cấp bốn, xí nghiệp cơi nới thêm bên trên dãy nhà kho còn lơ thơ cốt sắt những chiếc hộp con con chứa dụng cụ lao động: cuốc, xẻng, dao, rựa, đòn gánh gãy, lưỡi cưa cùn... kể cả phân dơi và cứt chuột. Ông giám đốc nói anh còn khỏe, ở bộ đội về, tiếp tục xung phong cho quần chúng ngưỡng mộ... Hắn dọn dẹp đúng ba ngày, lợp lại mái tôn thay giấy nhựa hắc ín, kê một tấm ván làm giường, treo một ba lô, một guitar, ôm một chồng sách chuyên đề học làm người, đắc nhân tâm, tri tâm thuật, tự chăm sóc khi sống một mình nơi độ cao... rồi một cà mèn nhựa, một ca nhôm, một xoong, một bếp lò đất nung, một bình nhựa đựng nước, à quên một chiếu cũ có chỗ đã toạc vì bị đít ai đó dày vò, một tấm chăn- mà chỉ chủ nhân của nó khi trời rét mới đủ dũng khí đắp lên mặt. Cơm thì đã có cơm bụi, thi thoảng lỡ bữa mới nấu, tắm thì ban đêm ra vòi nước công cộng, a tự do là đây, hạnh phúc là đây, đời vui quá những thằng người tự sướng, nhiều lúc hắn chữa thơ của các nhà thơ lớn cho hợp với hoàn cảnh bé mọn của mình rồi cười chứ nào dám xuyên tạc bậy bạ chi đâu, à mà quên, còn một cái thang bằng sắt nữa, loại sắt hàng rào của quân đội Mỹ mà làm thang thì chắc phải biết... Ôi những giờ mộng tưởng, này nhé, buổi chiều thật xanh mơn man, xanh đắm đuối bởi hàng bạch đàn bên kia lối đi vào dãy nhà ngả bóng, rồi mây cứ nhởn nhơ bay, mây ơi mày vô tư thế mày đếch sợ xăng tăng giá, gió ơi mày không đi chợ mày đâu hay vật giá leo thang, trời đêm ơi, mày cứ lặng im tự mãn như một nhà hiền triết sống đời cô độc mặc trần gian bao nhiêu thằng khốn khổ vì vợ la, con khóc, cơ quan kiểm điểm... Hắn còn khoét một ô cửa tròn để có thể thấy biển phập phồng sau những mái phố thấp cao. Kể cũng đáng sợ là những đêm mưa bão, căn gác như mầm cây ngày gió cả chỉ chực trốc bay, hắn phải ôm cột trụ sắt cũ vì sợ bay theo gió... Nhưng rồi, mưa tạnh gió ngừng, đời lại vui như hội, có một em gái thi rớt đại học, đi bỏ bánh mì cho mấy xe bán bánh, có bữa đêm vọng lên, rằng anh Lê ơi, ăn bánh mì không, chưa kịp đáp đã nghe ịch một phát, một bánh mì nóng hổi, nóng như tấm tình em, hắn lại nhớ A. Tôn-xtôi với tiểu thuyết con đường đau khổ rằng năm tháng rồi sẽ qua đi, những cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét, chỉ còn tấm tình em mãi chẳng phôi pha, có một chú nhóc mỗi khi mưa gió cứ kêu chú ơi mau xuống đi, trời sập đó. Sau mưa, hắn ôm đàn đi ra sân thượng bập bung hát chẳng kẻ thù nào ngăn nỗi bước ta đi, tụi nhóc hò reo tán thưởng.

Đã bao nhiêu chiều hắn ngồi quan sát đồng loại sống bên dưới như một kẻ bề trên. Chỗ vòi nước công cộng các bà luôn chuyện giặt giũ, rửa rau, lấy nước. Có đôi vợ chồng dường như không cãi nhau họ không là vợ chồng, ôi những sớm mùa thu, cả một dây người sắp hàng trước nhà cầu tập thể, dù sao đời vẫn vui, khi người ngoài giục người trong ị nhanh lên đừng có mà làm thơ khi nhân dân đau khổ, rồi thi thoảng lợi dụng địa hình hắn nhìn rõ những cái đít trắng nhởi dạt dào khoái thú tranh thủ đái lộ thiên, rồi chuyện tranh thủ rờ rẫm ngoài vợ ngoài chồng làm như ngày mai có trọng tội phải đi đầu thú sớm, có một đôi sống, ăn ngủ trước khu nhà, hoàn toàn bụi đời, có đêm con họ sốt la í ới, hắn phải hạ sơn cứu người, xong hắn viết thêm một đoạn sau câu trích từ Kinh Thánh, rằng con người còn phải tiếp tục lang thang ăn dốc nằm cầu, chết đói chết khát vì ăn trái cấm...

Thế rồi, hắn bỗng có láng giềng.

Vùng cấm, vương quốc của riêng hắn, vườn địa đàng chốn trần gian đã mất, sau chuyến  phép năm, hắn ngạc nhiên vì chiếc thang sắt ngày đi hắn đã gởi chỗ bảo vệ giờ đã ở chỗ cũ. Ngước mắt lên, thì ra đã có thêm một nhà nữa chung vách, thoắt bóng một nàng, ai thế, đi một vòng khu tập thể, à thì ra, hai vợ chồng tay Trí, bộ phận đóng xén, họ lục đục sao đó với nhà ngoại, tự ái vì ở chuồng heo còn hơn theo nhà vợ, nên lên tầng.

Riết rồi quen hết, anh Lê về rồi à, ừ vừa về, anh sang em chơi, chơi trò gì, trò gì anh thích thì em chiều, chồng em nó có chiều không, chắc là không, tranh thủ thôi, anh chã dám, sao mà dát thế, không dát đâu, có điều cô độc quen rồi, tội anh chưa, sao không kiếm một em, đang, có chưa, có rồi, sao không đưa cô ấy lên chơi, cô ấy không có mắt, cái gì, anh nói sao, cô ấy mù, thôi đi, anh nói bậy...

Hai con bồ câu gù nhau suốt đêm, có đêm hắn về khuya, cái thang bị rút lên, gọi khản cổ, mãi mới có lời biện bạch chà ngủ say quá, quên mất, này chã có ma nào rình rập vợ chồng ông đâu, cô láng giềng sau lưng chồng lí nhí có chứ có một con ma độc thân, thiệt chịu hết nỗi.

Một hôm hắn vờ đi chơi nhưng đáo trở về nằm im khe trên giường mình nghe trộm, nè anh chàng Lê đi rồi à, ừ đi rồi..., bây giờ thì đừng viện lý do lý trấu nữa nhé, anh lo quá, nhà cửa, lương lậu, thôi mà, em chỉ ước một đứa con. Đến đây thì anh phải véo đùi mà ngăn cười, rồi lẻn ra sân, ngửa mặt cười, trời ơi, đứa nhỏ có nguy cơ rớt từ đây xuống đất, tôi lạy các người...

Một hôm, cô hàng xóm, lúc này có bầu thiệt nhờ hắn dìu xuống đất có việc, không ngờ mẹ hắn cũng đang tìm đến thăm hắn, hắn vội phân bua khi mẹ hắn tròn mắt nhìn hai đứa đang săn sóc nhau, cô nói, con đâu có phúc lấy anh Lê, mà bác ơi, đừng tin anh ấy nói là nhà cửa chẳng ra gì, như vợ chồng con đây này, tụi con vẫn có con đó thôi, nhân định có khi hơn trời định bác à...

Vĩ thanh

Đây là một trong những sáng tác của Lê, bạn tôi, trước giai đoạn hắn phóng xe máy đâm vô bức tường khu tập thể một đêm quá chén vì vinh dự được vô hội văn nghệ địa phương. Tai nạn làm hắn xuất huyết não hay nứt nẻ chi đó mà không còn nhớ mình là ai, sau ngày xuất viện hắn cứ lảm nhảm ta mà là ta ư? Thật không, thật không? hê hê, mẹ Lê cũng mất vì buồn khổ, đôi vợ chồng Trí cũng đã chia tay nhau sau ngày thằng con bị ung thư máu chẳng hiểu vì lý do gì, tôi bị/ được Lê gọi là Nguyễn Đệ, lúc đầu tôi cứ tưởng Nguyễn Đệ là đứa em họ Nguyễn vì đệ là em, sau mới biết cô vợ anh Trí tên là Đệ
.

P.T.Đ
(SH282/08-12)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.

  • XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.

  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...

  • NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.