Kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2.9

12:58 01/09/2012

NHÂN TÀI, TẢN MẠN NHÌN TỪ HUẾ

HỒ TRƯỜNG AN

Nhân dân Huế tuần hành qua cửa Thượng Tứ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 8 - 1945. Ảnh: T.L

1.

Từ khi Công chúa Huyền Trân bước chân xuống thuyền đền nợ giang san năm 1306, Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế trải qua 700 năm góp sức làm nên sự nghiệp mở cõi dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiếp sau bước chân Huyền Trân, Thuận Hóa là đất phên dậu cho hành trình Nam tiến sau đó. Liên tiếp các triều Tây Sơn, triều Nguyễn, Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế là thủ phủ của đất nước. Và có thể nói, Cách mạng Tháng Tám chỉ thành công trọn vẹn, khi trước sự chứng kiến của mười vạn người dân Huế tại Ngọ Môn, vua Bảo Đại đã trao ấn kiếm cho phái đoàn của Chính phủ Việt Minh, chính thức chấm dứt chế độ quân chủ ở Việt Nam, mở ra nền dân chủ cộng hòa.

Trong suốt dòng chảy 700 năm dựng nước và giữ nước, vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế đã đóng góp rất nhiều nhân tài lỗi lạc cho đất nước. Khởi đi từ Huế, hoặc đó là những người từng gắn bó với Huế; về chính trị tiêu biểu có lãnh tụ Hồ Chí Minh; về quân sự có Quang Trung, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh...; về chế định chính sách có Minh Mạng...; về hoạt động cách mạng có Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...; về ngoại giao có Nguyễn Trường Tộ...; về tôn giáo có Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Sư Bà Diệu Không..., về giáo dục có Đạm Phương Nữ Sử...; về văn học có Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Tự Đức, Thiệu Trị, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Đạm, Ngô Kha, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường...; về âm nhạc có Trịnh Công Sơn...; về hội họa có Lê Văn Miến, Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Bửu Chỉ...; về báo chí có Huỳnh Thúc Kháng, Hải Triều...; về dịch thuật có Bửu Kế, Bửu Ý...; về y học có Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Bách...; về sử học có Đào Duy Anh, Phan Huy Lê, Tôn Thất Chiêm Tế, Trần Bá Đệ...

Chắc chắn là không thể dẫn ra được hết các tên tuổi đã làm rạng danh xứ sở xưa nay. Nhưng chính những tinh hoa nhân tài ấy đã làm nên vóc dáng đất nước. Và cũng do thế, chính họ đã làm nên giá trị trường tồn của Huế, mà các thế hệ sau không được phép quên. Ở đây xin nhắc lại một vấn đề rằng là, “đừng để du khách muôn phương hiểu rằng văn hóa Huế chỉ là quần thể di tích triều Nguyễn và ẩm thực Huế, phải giới thiệu cho người ta biết Huế còn có bề dày 700 năm Văn học Nghệ thuật đã góp phần làm nên một Huế văn vật đầy thơ mộng song cũng đầy trí tuệ. Những giá trị đó còn lớn lao hơn rất nhiều so với quần thể di sản được UNESCO công nhận...”(1).

Riêng trong lĩnh vực văn học, tiền nhân đã làm cho nền văn học Huế có hai đặc tính quan trọng bao trùm: tính bác học và tính tiên phong. Có thể nhắc đến 9 đặc điểm nổi bật: 1. Vùng đất Thuận Hóa có nền văn học viết với khởi điểm đầy chất bác học; 2. Phú Xuân một thời là trung tâm văn học chữ Nôm của Việt Nam; 3. Phú Xuân thời Nguyễn là trung tâm văn học với sự tập trung nhân tài cả nước và nổi bật với sắc thái văn học hoàng tộc; 4. Cùng với dòng chảy lịch sử, nền văn học Huế có sự đóng góp của các nhà yêu nước, các nhà cách mạng lỗi lạc; 5. Huế là nơi đặt nền tảng cho lý luận văn học cách mạng; 6. Huế là nơi khởi phát nhiều trào lưu sáng tác mới và có những tác phẩm đỉnh cao: nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều; Thơ mới, thơ siêu thực phát triển...; 7. Huế là nơi xuất phát của văn học đấu tranh đô thị miền Nam; 8. Đặc biệt, các nhà văn nữ phá bỏ rào cản để viết nên những trang viết giải phóng sự ràng buộc tư tưởng; 9. Trong thời kỳ đổi mới, Huế là địa phương có nền văn học luôn đi đầu trong việc cổ súy những khuynh hướng sáng tạo mới.

Trái tim nhiệt huyết và tri thức cao vọi của những nhân tài đất Việt đóng góp cho đất nước trải dài theo mấy trăm năm lịch sử, đã truyền lửa qua bao thế hệ. Mỗi thời kỳ có sự thể hiện hành động yêu nước mang đặc điểm riêng khác nhau, nhưng tất cả đều đau đáu nỗi lòng ưu tư với đất nước và dân tộc. Họ thừa bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn để phụng sự đất nước với tinh thần Tổ quốc trên hết. Ở họ luôn đầy ắp lòng tự trọng, luôn dâng tràn khát vọng tự do, dân chủ, công bằng, vì độc lập và mạnh giàu của đất nước.

2.

Nhìn rộng ra cả nước. Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, trí thức Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, góp phần to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vượt trên tất cả, với nền tảng tri thức, họ đóng góp nhiều mặt trong việc phát triển toàn diện các lĩnh vực mà đất nước đòi hỏi. Bên cạnh đó, nhiều vị nhân sĩ trí thức chân chính đã để lại cho hậu thế những bài học tuyệt vời về tấm gương nhân cách, tấm gương làm người tuyệt đẹp.

Mới đây, đọc bài báo “Phải biết xấu hổ trước tiền nhân” của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Tuổi Trẻ, ngày 23/8), chợt giật mình vì đúng là chúng ta lâu nay quá thờ ơ trong việc giữ gìn gương mặt của đội ngũ trí thức. Rất tiếc là đã có những tồn tại yếu kém của đội ngũ trí thức hôm nay, khiến gương mặt đáng kính mà dân tộc Việt Nam vốn tôn trọng chữ “Thầy” đã bị nhòe đi ít nhiều. Ví như có một bộ phận không nhỏ theo lối sống thực dụng, vụ lợi trong hành xử, ưa thành tích và đã chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng. Nhiều người thiếu lòng vị tha, không biết tôn vinh người tài. Một số người cơ hội để thu vén lợi ích vật chất tầm thường cho cá nhân. Một số người hời hợt trong tư duy, thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu, giảng dạy và thiếu tinh thần hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Những giả dối, cơ hội, thực dụng... vô hình chung đang làm nảy nở, xuất hiện dấu hiệu của tình trạng “học phiệt”. Dấu hiệu này nếu không ngăn chặn sớm, sẽ cản trở việc phát hiện nhân tài để họ đóng góp được nhiều hơn cho đất nước trong tương lai.

Thực tế cũng cho thấy đội ngũ trí thức Việt Nam còn nhiều hạn chế. Cả nước có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm 4,5% lực lượng lao động, trong đó có 18.000 thạc sĩ, 16.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 6.000 giáo sư và phó giáo sư. Tuy nhiên, đội ngũ trí thức hiện nay còn thiếu hiệu quả hoạt động. Số liệu thống kê sau đây phần nào cho thấy sự hạn chế đó: Từ năm 1998 đến năm 2002, toàn thế giới công bố 35 vạn công trình khoa học và công nghệ, trong đó, Mỹ đóng góp xấp xỉ 1/3 - 119.000 công trình, Singapore: 6.932 công trình, Thái Lan: 5.210 công trình, Malaysia: 2.088 công trình. Riêng Việt Nam chỉ có 250 công trình, chiếm chưa đến một phần nghìn của thế giới. Trong 5 năm, 2001 đến 2005, cả nước có 11 đơn đăng ký sáng chế gửi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, trong khi đó số lượng của các nước khác là: Indonesia: 36, Thái Lan: 39, Nhật Bản: 87.620 và Mỹ: 206.710. Chỉ số phát triển kinh tế tri thức của Việt Nam mới chiếm 1,9%, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế do nhân tố trí tuệ chỉ khoảng 16%, tỷ lệ ngành công nghệ cao chiếm 15,7%. Xuất khẩu công nghệ cao mới có 2,5%, trong khi đó Thái Lan là 30%, Singapore là 59%...

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, con người là nhân tố quan trọng quyết định, đặc biệt là những nhân tài. Tuy nhiên, cơ chế cho nhân tài - trí thức cống hiến hiện còn chưa thấu đáo. Tình trạng ấy nếu kéo dài, sẽ xuất hiện tình trạng mà người xưa hay âu lo: “sĩ phu ngoảnh mặt”.

Muốn “sĩ phu” không ngoảnh mặt, cần nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ; phải biết cách đặt người trí thức vào đúng vị trí sở trường để họ có những đóng góp lớn nhất; biết cách thực hiện dân chủ một cách rộng rãi và thật lòng đối với trí thức; biết nhìn người trí thức bằng con mắt thiện cảm và bao dung, không thành kiến; biết cách lắng nghe và xem xét thấu đáo những ý kiến khác, mang tính phản biện của người trí thức; biết cách phân phối lợi ích, kể cả lợi ích nghiên cứu khoa học của những người trí thức... Trí thức cần được trọng đãi và cần được trọng dụng.

Bản thân Hồ Chí Minh là một trí thức yêu nước đi làm cách mạng. Người đã hết sức trọng dụng tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc, tạo điều kiện cho họ được cống hiến...

3.

Liên quan đến nhân tài đất nước, cần phải nói đến giáo dục, đào tạo - lĩnh vực có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao dân trí, tạo điều kiện đầu tiên và quyết định cho việc hình thành đội ngũ trí thức. Đây chính là khâu chuẩn bị một cách toàn diện về tri thức, thể chất, nhân cách, lối sống và những giá trị tinh thần, văn hóa quan trọng nhất cho lớp trẻ trở thành những trí thức tương lai.

Tuy nhiên, nền giáo dục của chúng ta hiện đang có nhiều vấn đề bất cập. Giáo dục phổ thông thì chương trình vẫn nặng nề, mà lại chưa chú ý đến giáo dục đạo đức, lối sống, tình cảm đối với quê hương đất nước. Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhận xét có ý nghĩa báo động đối với chương trình giáo dục: “Tôi xem chương trình giáo dục của 10 lớp, thì từ lớp 1 đến lớp 10, phần đức dục rất thiếu sót, chỉ có 10 dòng”. Hơn 50 năm qua, tình trạng ấy hầu như không được cải thiện là bao trong chương trình của 12 lớp hệ giáo dục phổ thông hiện nay. Giáo dục lòng nhân ái, lòng tự trọng một cách thấu đáo đang thiếu vắng trong các giảng đường. Đã có những hiện tượng tiêu cực dẫn đến sự quy đổi giữa tiền và điểm, tiền và bằng cấp và được số đông coi là chuyện đương nhiên. Có cảm giác như xã hội đang mặc nhiên coi chuyện chạy điểm cho con em, chạy thành tích cho học trò lâu ngày đã thành thói quen khó chữa khiến người ta quên rằng lòng tự trọng, lòng nhân ái là cao hơn hết và cần có mặt hơn hết! Có phải người ta đã quên đi lòng tự trọng, lòng nhân ái cần có hay không? Chúng ta không bi quan đến mức nói rằng người ta đã quên nhưng quả thật không thể dửng dưng trước câu hỏi đó.

Mọi đức tính tốt đẹp khác của con người đều xuất phát từ lòng nhân. Có lòng nhân và lòng tự trọng sẽ có các đức tính tốt đẹp khác, bởi phải nghĩ và giữ gìn tư cách của mình thì con người mới quyết tâm phấn đấu cho những điều cao đẹp. Vậy nên cần giáo dục lòng nhân ái và lòng tự trọng. Giáo dục lòng nhân ái không phải là kêu gọi có phần bắt buộc học sinh nộp tiền ủng hộ vùng này vùng kia bị thiên tai, mà thông thường người ta hay nhắm mắt làm cho xong để hoàn thành nhiệm vụ hơn là làm với một tấm lòng thương cảm sâu xa. Giáo dục lòng nhân phải bằng tấm lòng, phải có sự nối kết giữa gia đình - nhà trường - xã hội, và phải xuất phát từ sự cảm thương...

Nhân đây xin nhắc lại lá thư của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng. Đó là một lá thư kêu gọi dạy cho con ông lòng thương cảm và lòng tự trọng, trong đó có những đoạn:

“Xin hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kỵ. Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng...

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách, nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.

Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng đối với những người hòa nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.

Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng. Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.

Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại”.


Rất nhiều người đã lặng đi khi đọc lá thư này.

Hiện nay, văn học, khối C đang trở thành môn học bị chối bỏ trong học sinh cuối cấp, đó phải chăng là hệ quả của lối giáo dục thờ ơ phát triển tâm hồn và nhân cách con người, chăm chăm chạy theo mưu sinh tương lai, không có lý tưởng nào ngoài nhăm nhắm vào cái đồng tiền mà học trò sẽ kiếm được khi ra đời... Vậy thì làm sao để có những lý tưởng cao đẹp xuất hiện?

Rõ ràng là còn rất nhiều việc phải làm để giáo dục, đào tạo nhân tài cho tương lai của đất nước...

H.T.A
(SH283/09-12)


...........................
(1) : “Nối tay muôn phương” - SH số 275 tháng 1/2012

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Năm 2020 đánh dấu những bước chuyển mình đáng nhớ đối với nhiều loại hình nghệ thuật. Sự phối kết giữa những môn nghệ thuật tưởng chừng không hề “ăn nhập” với nhau lại tạo ra nhiều bất ngờ.

  • Bộ sách Lục tỉnh cầm ca (NXB Văn hóa - Văn nghệ) cũng là tên của một nhóm bạn trẻ, đã tái hiện nguồn tư liệu về các loại hình diễn xướng của Nam bộ, xứng đáng trở thành câu trả lời cho câu hỏi: Giới trẻ ngày nay có còn quan tâm đến nghệ thuật truyền thống hay không?

  • Bạo lực học đường - một vấn đề tưởng chừng rất cũ nhưng lại luôn mới, bởi ngày nào chúng ta chưa tìm ra cách xử lý căn cơ, tận gốc rễ của vấn đề thì ngày ấy, nó vẫn còn là một nỗi nhức nhối của ngành giáo dục và của cả cộng đồng.

  • Năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố. Đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 đã gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển cũng xảy ra trên diện rộng tại đồng bằng sông Cửu Long.

  • Cho đến nay, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, giải pháp phong tỏa kiểm soát lây lan dịch bệnh trong cộng đồng được áp dụng rộng rãi ở các quốc gia, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tinh thần của người dân, đặc biệt là các cộng đồng yếu thế nhiều nơi trên thế giới.

  • Theo giám tuyển nghệ thuật, dịch giả Nguyễn Như Huy, gần đây dòng sách nghệ thuật bỗng được quan tâm, đặc biệt là với sự xuất hiện của tác phẩm Câu chuyện nghệ thuật với độ dày gần 688 trang cùng giá bìa lên đến 999.000 đồng.

  • Xã hội hóa (XHH) văn hóa nghệ thuật (VHNT) ở TPHCM có tốc độ khá nhanh nhưng vẫn còn đó những vấn đề trầm kha. Ngoài sự thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về VHNT, còn có sự dễ dãi, thiếu chiều sâu của chính các đơn vị tham gia công tác XHH.

  • Sau nhiều lần cách tân, sân khấu nghệ thuật chèo vẫn không thoát khỏi những khó khăn. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, để chèo được tái sinh thì phải thiết kế lại tư duy để chèo thu hút khán giả.

  • Khi được hỏi, người thầy đầu tiên của bạn là ai? - nhiều bạn trẻ có cùng chung đáp án: Không ai khác chính là cha, mẹ!

  • Nói việc thiện thì dễ, làm việc thiện mới khó. Cổ nhân đã dạy như vậy và xem chừng vẫn luôn là chân lý...

  • Những ngày này, lũ chồng lũ, bão số 8 dự báo sắp tràn về miền Trung khốn khổ, chính quyền phải huy động đến 700.000 bộ đội ứng phó với bão.

  • Thỉnh thoảng, một vài bạn bè trên mạng xã hội (MXH) của tôi lại đăng thông tin “thoái ẩn”, như một lời cáo biệt với cộng đồng. Sau một thời gian, có người quay trở lại, có người bặt vô âm tín.

  • Liên quan đến câu chuyện phát triển văn hóa đọc, vào ngày 6-10, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đã trình bày chuyên đề Hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc: Thách thức - cơ hội - những kiến nghị và công việc cần làm trước đại diện đến từ các nhà xuất bản (NXB), công ty sách tại TPHCM.

  • Trong thiên phóng sự tháng Tám “Sáng, Mê” đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy năm 1949, nhà văn Vũ Bằng có thuật lại quang cảnh sau: “Từ đầu tháng, những hàng bánh Trung thu không còn thiếu một cách quảng cáo gì mà không đem ra dùng. Báo chí. Truyền thanh bươm bướm”. Các nhà buôn xưa đã hăm hở “quảng cáo”, “PR” cho nhãn hiệu bánh của mình.

  • TRANG TUỆ

    “Tuổi già và dòng chảy thời gian dạy ta mọi thứ”
                                       (Sophocles)

  • Ký ức hiện lên trên hình con vật tinh xảo, ngộ nghĩnh, trên từng lớp giấy nhiễu, vải hay giấy bóng kính của chiếc đèn Trung thu tưởng chừng đã bị lãng quên. Nói như nhà nghiên cứu Trịnh Bách: “Bắt đầu từ ấy mà khơi lên, mà thắp sáng con đường tìm về nét đẹp truyền thống. Cũng là trả lại phong vị cho mùa trăng tháng Tám vốn hàm chứa bao giá trị văn hóa dân tộc”.

  • Trước khi đọc bài viết này, xin hãy dành một ít phút tự hỏi chính mình rằng: Bạn có tự hào khi nói “Tôi là người Việt Nam” không?

  • Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay sân khấu Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nặng nề khi các nhà hát, đơn vị nghệ thuật phải tạm dừng hoạt động. Trong khoảng thời gian này, các nghệ sĩ, diễn viên đã miệt mài tập luyện, để giờ đây khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều sân khấu trong cả nước đã “sáng đèn” trở lại với những vở diễn mới phục vụ công chúng.

  • Sau 3 ngày làm việc, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã kết thúc và ra mắt Ban chấp hành mới.

  • Đây là chủ đề nội dung chia sẻ của Đức Dalai Lama trong chương trình đối thoại trực tuyến toàn cầu, diễn ra hồi giữa tháng 8 do Viện Hòa bình Hoa Kỳ (United States Institute of Peace - USIP) tổ chức.