Kính vỡ

08:56 15/07/2020

Shun Medoruma (sinh năm 1960) là một trong những nhà văn đương đại quan trọng nhất của Okinawa, Nhật Bản. Ông được giải Akutagawa Prize năm 1997 với truyện ngắn “Giọt nước” (Suiteki).

Nhà văn Nhật Bản Shun Medoruma - Ảnh: internet

SHUN MEDORUMA  

Một tấm kính cửa sổ vỡ. Tôi mở cửa sổ phòng ngủ của tôi và đảo mắt nhìn xuống đường phố. Một gã đàn ông đang chạy trốn. Dưới bàn ăn trong bếp tôi thấy có một hòn đá cỡ nắm tay em bé. Tôi lấy mũi giày đẩy các mảnh kính vỡ lớn thành một đống vào cạnh vách tường, rồi lấy chổi quét các mảnh vỡ vụn. Tôi không muốn chạy máy hút bụi vào giữa đêm, vì vậy tôi để nó ở đó và quay trở lại giường ngủ.

Anh thấy đó là ai không?
Vợ tôi hỏi, cô nằm quay lưng về phía tôi.
Anh không biết. Trông giống mấy gã trai trẻ.
Anh không đuổi theo nó à?
Gì cơ?
Nó chưa thể đi quá xa đâu.

Đồng hồ trên chiếc tủ đứng điểm 5. 15. Tôi mặc quần áo thể dục vào và đi ra ngoài. Không khí luồn vào phổi buốt lạnh. Tôi tự ôm mình lại cho ấm, tay để trong nách, và hướng theo chỗ gã đàn ông đã biến mất. Tất cả những ngôi nhà của khu dân cư đều tối. Không có ai xung quanh, mặc dù thỉnh thoảng tôi nghe thấy vài chiếc xe chạy qua đường phố. Khi gần tới các góc đường, thần kinh của tôi căng lên. Tôi nín thở và lắng nghe, sau đó nhảy ra, nhưng nhìn trở lại chỉ là một con đường vắng vẻ. Ở phía trước siêu thị thực phẩm có cái máy bán hàng tự động gắn chiếc đèn đỏ đang xoay phía trên cao. Tiếng vo vo của thiết bị điện tử như từ trong đầu tôi rỉ ra.

Tôi bắt đầu chạy bộ để cố gắng thoát khỏi những tiếng ồn nhưng nó có ở tất cả mọi nơi. Tôi từ từ dừng lại. Mồ hôi chảy ướt cả người. Tất cả các căn nhà trong khu vực này trông giống nhau, và mặc dù tôi đã sống ở đây nhiều năm, chuyện nhầm đường vẫn dễ xảy ra. Có cảm giác như lần đầu tiên tôi đến ở đây. Tôi tiếp tục bước đi, đảo mắt khắp các phía đường phố bên cạnh, ngạc nhiên là mình đã đi xa hơn nhiều. Tôi sẽ phải đi. Bụng hết sức lo lắng. Thôi quay trở lại.

Mặc dù cảm thấy mình đã đi một quãng rất xa, cái máy bán hàng tự động gắn đèn xoay vẫn như nhấp nháy ngay trước mặt tôi. Tôi nhìn vào cổ tay để xem giờ, nhưng tôi đã bỏ quên đồng hồ ở nhà. Kể từ khi ra khỏi nhà đến giờ không thể quá một tiếng đồng hồ. Bầu trời ở phía đông đã bắt đầu hửng sáng. Khi tôi cố nhớ lại khoảng thời gian này trong năm mặt trời mọc lúc mấy giờ, tôi nhận ra tôi không thể nhớ được lần cuối cùng tôi đã thức dậy đón bình minh. Tôi đột nhiên mất hết tin tưởng về cảm giác thời gian của mình. Tôi nghĩ, có lẽ tốt hơn là tôi trở về nhà.

Tôi quay lại và nhìn thấy một người phụ nữ trẻ chạy về phía tôi. Cô dừng một lúc ngắn ngủi. Hầu như không thể nhìn thấy khuôn mặt mờ mờ của cô dưới cái áo trùm đầu, nhưng cô không thể nào lớn hơn tuổi trung học cơ sở. Có lẽ tôi thấy quả là nguy hiểm cho một cô gái chạy ngoài đường một mình vào giờ này, nhưng rồi điều xảy ra cho tôi là cô ấy có thể lo lắng chính tôi là mối nguy hiểm. Khi tôi đứng đó lặng lẽ, cô đi ngang qua tôi một cách nhanh vội và đôi mắt nhìn xuống đường, tôi nghĩ, cô đang bảo vệ mình. Ngay khi tôi sắp chào hỏi thì nhanh như chớp cô biến mất bên góc phố. Cảnh chạy trốn tức thời của cô gái làm cho tôi nghĩ đến gã đàn ông.

Tôi đã đoán người tôi thoáng thấy từ cửa sổ là một gã đàn ông còn trẻ, nhưng bây giờ tôi không chắc đó là nam hay nữ, già hay trẻ. Tôi có cảm giác mình bị bắt giữ, cả trí nhớ cùng sự phán đoán của mình đang được làm rõ, và tôi chạy về nhà như để cố gắng thoát khỏi chúng. Khi tôi trở về, vợ tôi vẫn hướng mặt nơi khác để tránh tôi và nằm như bất động trên giường.

Anh không tìm thấy ai cả.

Cô không trả lời, nhưng tôi quá mệt mỏi nên cũng không làm gì hơn là nhắm mắt lại để có thể ngủ chút ít.

Khi tôi thức dậy, vợ tôi đã đi khỏi. Có cà phê lạnh và bánh mì nướng trên bàn ăn. Hơn 08:00. Tôi vội vã rửa mặt và khi sắp cạo râu thì nhận thấy có thứ gì đó màu trắng trong chòm râu trên cổ tôi.

Lo lắng nó có thể là một mảnh thủy tinh vỡ, tôi rà nhẹ vào - hóa ra là sợi tóc bạc. Tôi bắt đầu có tóc bạc từ khi nào nhỉ? Tôi quá trẻ để có tóc bạc, tôi nghĩ, và cười mình, nhưng cảm thấy thêm điều gì đó giống như tuyệt vọng. Tôi nhìn qua chỗ chân tường. Kính vỡ vẫn còn đó. Ngoài ra còn có rất nhiều mảnh vỡ lấp lánh dưới cửa sổ, nhưng tôi không có thời gian để dọn sạch chúng. Tôi đổ cà phê vào bồn rửa chén và lấy một mẩu bánh mì nướng trước khi vội vã ra khỏi cửa.

“Này, S. Cô có cái kim không?”

“Gì vậy, đứt nút à,? Lại đây, em kết cho”.

“Không, không phải cái đó. Tôi nghĩ mình bị mảnh kính đâm.”

Lúc tôi đến chỗ làm việc và lấy bút để ghi lại vài việc cần nhớ thì cảm thấy đầu ngón tay trỏ phải đột ngột nhói đau. Có vật gì đó chui vào, nằm trong lớp thịt của ngón tay. Khi tôi ấn vào đó thì có cảm giác bị vật bén đâm mạnh.

S. đưa cho tôi một cây kim lấy từ túi đồ may cô để trong bàn của mình và tôi mang nó đến bên cửa sổ. Tôi liếm mũi kim rồi cẩn thận lách nó vào dưới da. Mặc dù tôi không thể nhìn thấy gì cả, nhưng chắc chắn có vật cứng và sắc nhọn mắc kẹt trong đó. Tôi khoét rộng hơn và cố gắng moi nó ra. Mỗi lần mũi kim có vẻ như bắt được nó thì nó trượt sang một bên và ăn sâu hơn vào thịt. Tôi dùng móng tay cái ép mạnh lên trên đầu ngón tay và thọc kim vào. Tôi cắn răng nén một tiếng kêu đau đớn. Khi tôi kéo ra thì cây kim dính ướt chất dịch màu vàng nhạt. Dính trên mũi kim là một mảnh kính rất nhỏ, lấp lánh. Khi tôi nghiêng qua để nhìn cho rõ hơn thì dường như nó biến mất. Tôi lấy khăn tay của mình lau cây kim rồi trả nó cho S. Cô cười và nói, “Đúng là ấn tượng.” Tôi quay trở lại bàn của mình và cố gắng tiếp tục công việc, nhưng ngón tay của tôi không thôi đau nhức. Khi tôi nhìn lên thì thấy S. gói cây kim vào khăn giấy và ném vào sọt rác dưới chân cô. Tôi cảm thấy có cái gì đó đang loáng thoáng trong đầu. Không mảy may bận lòng, tôi cố gắng tập trung vào công việc, để làm tan đi sự chú ý của mình vào cái đau ở ngón tay.
 

Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU

Chiều hôm đó tôi về sớm, nói là bị đau đầu. Trên đường về nhà, tôi ghé lại cửa hàng kính.

Tôi lên lịch sửa chữa cửa sổ và vẽ sơ đồ đánh dấu vị trí nhà tôi. Khi tôi cầm bản sơ đồ đưa cho chủ tiệm và sắp rời chân thì thấy một tấm kính dựa vào bức tường.

Tôi liền hỏi giá của nó, chủ tiệm nói ông sẽ cho tôi không lấy tiền bởi vì nó bị lỗi. Tôi cảm ơn và mang nó ra xe, nhưng trước khi để nó vào xe thì tôi cầm nó lên và ngắm mọi vật xung quanh qua tấm kính. Đúng vậy, nó có một vài khiếm khuyết. Nó hình vuông, viền màu xanh lá cây, dày khoảng năm li và mỗi cạnh khoảng năm mươi centimet, nhưng nó hơi vênh một chút. Tôi không thể nói chính xác nó bị lỗi chỗ nào, nhưng rõ ràng tấm kính sẽ không phù hợp với các loại cửa sổ. Tôi đặt nó ở ghế hành khách và lái xe đi. Theo một sự thúc giục bất ngờ, tôi vượt qua ngang nhà tôi và hướng về phía bắc đến bờ biển, tăng tốc trên đường đi.

Cô ấy áng chừng ở tuổi học đại học. Làn da trắng của cô có vẻ không như tự nhiên. Cô đưa máy ảnh cho tôi nhờ chụp ảnh giùm, rồi cười và chạy đến làm dáng cạnh một cô bạn khác. Họ đứng gần rìa của vách đá, quay lưng về phía chân trời. Gió từ biển thổi lên gần như làm tốc những cái mũ che nắng của họ. Tiếng cười vô tư của họ vang lên khi họ ép chặt cái mũ xuống đầu. Cảm thấy thoải mái hơn trước, tôi nhìn qua kính ngắm. Nhưng những hình ảnh nhỏ bé của các cô gái đang mỉm cười trong cái khung vuông dường như gây ra điều gì đó làm tôi không thể bấm máy. Cơn đau như dao đâm ở ngón tay của tôi quay trở lại. Một cái ớn lạnh lan truyền từ ngón tay vào vai, sau đó toàn bộ cánh tay của tôi tê liệt. Nụ cười của các cô gái biến mất.

“Anh có sao không? Tôi có thuốc nhức đầu cho anh uống.”

Tôi cảm thấy hơi thở ấm áp của cô gái rót vào tai tôi khi tôi cong người lên. Tôi xua tay và giao lại máy ảnh. Những ngón tay của cô mềm ẩm, như sâu bướm. Tôi không thể nhấc người lên để nhìn cô gái.

Tôi cảm thấy cô di chuyển rồi dừng lại cúi xuống mấy lần ngắn ngủi. Khi tôi gượng dậy được, tôi nhìn thấy cô ấy đứng gần bạn cô, hai người nhìn tôi ấp úng. Một lần nữa cô gái hỏi tôi có sao không và tôi lại xua tay. Đột nhiên cô thấy sợ hãi. Họ vội vàng đi tới chiếc xe màu xanh và lái xe đi, tung lên một đám mây bụi.

Gió từ biển thổi tới quất vào quần áo của tôi. Nhưng tôi không cảm thấy nó trên mặt, ở cổ hoặc ở tay và chân tôi - giống như da của tôi được bọc nhựa. Tôi lấy tấm kính trong xe mang tới rìa vách đá. Nhìn nước phía dưới cách chừng sáu mươi hoặc bảy mươi mét. Từ nơi tôi đang đứng, tôi không thể nhìn thấy nơi vách đá giáp với nước, các sườn vách đá đã bị sóng biển gặm mòn. Những mũi đá từ rạn ngầm bật lên trên làn nước xanh thẫm, sóng vỗ trắng xóa xung quanh. Duy nhất có một đôi giày màu đỏ nằm trên một khối đá san hô. Tôi đỡ kính lên và nhìn xuyên qua nó. Sự chuyển động của nước đã chậm lại và biển càng lúc càng trở nên bình lặng hơn. Ngón tay của tôi nóng như đốt. Tôi thả tấm kính. Nó nghiêng về phía trước, lúc rơi nó trở nên nhỏ hơn. Tất cả chỉ xảy ra trong cùng một lúc. Những con sóng âm thầm tung phá.

Tôi đi về phía nam xuống đường cao tốc về lại thị trấn.

Tôi ra khỏi xe và đi bộ qua các đường phố. Dường như bất cứ khi nào tôi đi ngang qua một ai đó thì họ quay lại lén liếc nhìn vào phía sau tôi. Lo lắng trong tôi lớn lên và bước chân của tôi giục giã hơn.

Bằng cách nào để biết mấy giờ rồi?

Tôi để đồng hồ của mình ở đâu đó nhưng không thể nhớ chỗ. Xét đoán từ nhiều người vẫn lui tới có lẽ chưa phải là muộn. Nhưng tôi không thể biết chắc chắn. Tôi theo cùng một đường với những người đi bộ khác cho đến khi tôi nhận ra còn một mình tôi lang thang trên các con đường tối. Chỉ có một căn hộ mở đèn ở cửa sổ tầng hai. Qua bức màn kéo ra tôi có thể nhìn thấy cái bóng của một cô gái. Đó là cô gái sáng nay, tôi nghĩ. Cô ấy trông giống như cô gái ngồi ở bàn học. Có cái gì đó khi nhìn một bên chiếc cằm nhọn của cô làm cho ngực tôi nhói đau. Đầu ngón tay cào trên đá, lạnh khủng khiếp. Cái bóng mảnh mai đứng lên và quay sang đối mặt với tôi. Nó kéo dài cánh tay thật rộng và ngay lúc đó tôi nghe thấy tiếng kính vỡ vang lên. Các mảnh vỡ của cô gái đổ ập xuống.

“Chính là nó!”

Tôi nghe thấy một giọng nói cộc lốc và tiếng chân bước về phía tôi từ đầu kia của đường phố. Tôi chui vào một con hẻm và chạy hộc tốc. Hơi thở của tôi đứt quãng và chân của tôi như văng ra khi nhìn thấy căn hộ của mình. Tôi tung cửa và cả tay chân rớt xuống bàn ăn, thở hổn hển ở đó cho đến khi hơi thở trở lại bình thường. Kính vỡ trên sàn nhà đã được dọn sạch và cửa sổ mới đã được lắp đặt.

Nhìn qua cái cửa sổ mới thì bề nào cũng sinh động hơn, dường như ngày hôm sau đã ló dạng, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn còn đang ngủ. Tôi quăng chiếc áo sơ mi tuột cúc ướt đẫm mồ hôi xuống ghế sofa và bò vào giường. Từ phía trong, vợ tôi đang hướng về phía tôi. Cô rùng mình. Giọng nói của cô run run.

Anh đang ướt như tắm kia.

Tôi trả lời mà lẩm bẩm không thành tiếng.

Mắt tôi nhắm lại và một giấc ngủ đè nặng lên người tôi.

Xa xa, có tiếng kính vỡ vang lên.

Dương Đức dịch
Nguồn: http://wordswithoutborders.org/article/  
(TCSH376/06-2020)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Stephen King (1947, Maine, Mỹ), nhà văn được xem là có công phục hồi thể loại truyện kinh dị trong thế kỷ 20.

  • Đônchô Sônchép - nhà văn Bungari (sinh năm 1933). Tốt nghiệp khoa địa chất trường ĐHTH Xôphia. Làm nghề địa chất hơn 10 năm.

  • A. J. MCKENNA (Anh)

    Đó là sinh nhật của Jim Brennan. Ông thức giấc vào buổi sáng tháng Tám ẩm ướt này, giật mình bởi tiếng chim hót vang khắp khu vườn. Đầu óc rối bời, ông cứ nằm mãi, gắn ánh mắt vô hồn vào mảng giấy hoa dán tường đã bạc phếch, đối diện chiếc giường bừa bộn của ông, nơi mặt trời sưng sỉa hắt ánh hồng lên.

  • LGT: Tiểu thuyết Đừng khóc (Sans pleurer) của nữ văn sĩ Pháp Lydie Salvayre vừa vinh dự được nhận giải thưởng Goncourt năm 2014, giải thưởng văn chương cao quí nhất nước Pháp nói về cuộc nội chiến đẫm máu Tây Ban Nha (1936 - 1939) thế kỷ trước với những hệ lụy nặng nề của nó.

  • LTS: Ivan Ptôrôvich Samiakin, tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng "Giây phút tốt lành", "Dòng chảy xiết", "Những trái tim trên lòng bàn tay", "Mùa đông đầy tuyết", "Tôi mang theo nỗi đau của em", "Pêtirôgôrút - Bêrextơ" cùng nhiều truyện ngắn, kịch, kịch bản phim.

  • Edwidge Danticat ra đời tại thành phố Port-au-Prince, Haiti năm 1969. Đậu Cử nhân Văn Học Pháp tại Barnard College, và Thạc sĩ Nghệ Thuật tại Brown University, cô hiện đang giảng dạy tại New York University (NYU).

  • LTS: John Steinbeck ra đời vào ngày 27 tháng 2 năm 1902 tại Salinas thuộc tiểu bang California. Các tác phẩm của văn hào John Steinbeck miêu tả cuộc sống của tầng lớp dân nghèo, phản ánh bất công trong xã hội, với nhiều dấu hỏi trước cảnh sống, với lối viết hấp dẫn.

  • VLADIMIR NABOKOV

    Vài năm trước, bác sĩ Fricke có đưa Lloyd và tôi một câu hỏi mà giờ đây tôi sẽ thử trả lời.

  • ANAR (Azerbaijan)

    Hôm qua số điện thoại của em đã chết. Không phải chỉ con người mới chết. Những con số điện thoại cũng có chết đấy.

  • KENELKES (Anh)

    Khi David bước ra cửa, cậu hơi bị hoa mắt bởi ánh sáng mặt trời trắng lóa, và theo bản năng cậu chới với chụp lấy tay cha.

  • L.T.S. Sylvain Bemba sinh năm 1936 tại Congo, ông từng giữ chức Tổng biên tập của Thông tấn xã Congo Brazaville trong nhiều năm.
    Truyện ngắn Phòng tối dưới đây được chiếm giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn Châu Phi năm 1964, do tạp chí Preuves tổ chức và được in lại trong tuyển tập Văn học châu Phi, ấn hành 1968 tại Bỉ.

  • LTS: Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh năm 1953, tác gia tiêu biểu của phái tiên phong, là một hiện tượng độc đáo trên văn đàn Trung Quốc đương đại. Được phương Tây đánh giá là nhà văn Trung Quốc cách tân nhất hiện nay, tác phẩm được đưa vào giáo trình của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như đại học Harvard, đại học Tokyo… nhưng bản thân Tàn Tuyết chưa từng học lên trung học.

  • LTS: Yasunari Kawabata (1899-1972), là nhà văn Nhật lỗi lạc nhất của thế kỷ XX, giải Nobel năm 1968. Tác giả của nhiều thiên kiệt tác đậm đà chất phương Đông mà cả thế giới đều ngưỡng mộ: Ngàn cánh hạc, Vũ nữ Izu, Xứ tuyết, Tiếng núi rền, Cố đô

  • Dino Buzzati sinh năm 1906 tại Belluno, mất năm 1972 ở Milano (Italia). Trước khi viết văn, ông là họa sĩ, nhạc sĩ và nhà báo, từng là phóng viên chiến trường và phụ trách mục phê bình nghệ thuật cho Corriere della Sera, một nhật báo quan trọng nhất nước Ý.

  • TÔN THẮNG LỢI (Trung Hoa)

    Nền xi măng phòng làm việc đang còn những vệt ẩm của chiếc giẻ cọ sàn. Như thường lệ mọi buổi sáng, tôi tự dọn dẹp lấy phòng làm việc. Một lối sống giản dị, có phần khắc khổ. Mà không cần phải phô trương, cuộc cách mạng văn hóa đã kết thúc.

  • RAPHAEN XÔLE (Cu Ba)

    Khi con người mở mắt ra (nỗi sợ hãi đã buộc chúng khép lại), thì việc đầu tiên mà anh ta trông thấy là cái hố có đường kính hai mét và một vòng tròn nhỏ màu xanh nằm cao chừng mười mét ở phía trên.

  • ALICE MUNRO

    LGT: Alice Munro sinh ngày 10 tháng bảy năm 1931 ở Wingham, Ontario, Canada, với tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw. Cha của bà là chủ nông trại, mẹ là cô giáo.

  • LGT: Romain Gary tên thật là Romain Kacew, sinh năm 1914 tại Moskva và được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đã đặt rất nhiều kỳ vọng nơi con trai mình. Năm 14 tuổi, ông theo mẹ đến Pháp và định cư tại Nice.

  • IURI BONDAREP

    Lần đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy cô ta ở cạnh bàn bóng bàn ở sân hành lang nhà an dưỡng. Cô mặc chiếc áo len dài tay màu xanh, chiếc váy thật thẳng nếp, mái tóc màu sáng được cắt ngắn, và cứ mỗi lần vụt rơkét cô lại hất mạnh những sợi tóc vương khỏi trán. Những lúc như vậy, đôi mắt nâu đen của cô lại mỉm cười.

  • O.HENRY

    Rất lâu trước khi bụng dạ lờ đờ của anh nhà quê cảm nhận được hơi xuân thì tay thị dân ấy đã biết rằng bà chúa xanh màu cỏ ấy đã lên ngôi.