TRẦN NGỌC HIẾU
1.
Nhớ lại những năm đầu thập niên 90, các cuộc thi văn chương lớn ở Việt Nam hầu như đều tìm được những tác giả trẻ để kỳ vọng: Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thanh Hà, Lưu Sơn Minh, Đặng Vương Hạnh, Nguyễn Thị Châu Giang…
Ảnh: internet
Trong số đó, Phan Thị Vàng Anh có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất như một niềm kỳ vọng lớn. Khi người ta trẻ, tên của truyện ngắn được dùng làm tên cho cuốn sách đầu tay của Phan Thị Vàng Anh (xuất bản lần đầu năm 1993), trở thành cụm từ báo hiệu sự xuất hiện của một lớp người mới, khác trong văn chương, một lứa có thể “chỉ cần lạ” (chữ của Phan Thị Vàng Anh trong truyện ngắn “Mười ngày”). Cái “lạ” vốn thường bị dè chừng, định kiến trong xã hội nay lại trở thành một sự lựa chọn đầy ý thức của người cầm bút trẻ. Hai mươi năm sau, đọc lại Khi người ta trẻ, một cách sòng phẳng, chưa thể nói Phan Thị Vàng Anh và ngay cả những cây bút cùng lứa với chị đã tạo được một khúc ngoặt thật rõ nét trong sự chuyển động của văn chương Việt Nam thời Đổi mới, nhưng cũng có thể hiểu vì sao những nhà văn thuộc thế hệ đi trước, giới phê bình đương thời lại ngạc nhiên đến vậy khi đọc một tập truyện mà nhiều truyện trong đó chỉ như những phác thảo vẩn vơ của một cô gái mới lớn. Người ta giật mình khi đọc Vàng Anh trước hết bởi văn chương của chị xoay quanh những chuyện vẩn vơ, tầm phào, nhí nhố của những người trẻ. Hay nói theo một thuật ngữ có vẻ thời thượng nhưng rất hợp để nói về điều này, văn xuôi Vàng Anh chỉ bận tâm đến những thứ tiểu tự sự. Nhưng sau đó, người ta lại giật mình hơn khi nhận ra những thứ vẩn vơ, tầm phào, không mấy nghiêm túc kia lại hàm chứa nhiều điều quan trọng. Truyện của Vàng Anh, trong khi tưởng như đang kể những chuyện vặt vãnh, nhỏ nhặt hay bông đùa, đặt ta đối diện với một thế giới đang mất đi ý nghĩa: những cái chết vô nghĩa, sự trả thù vô nghĩa, sự chờ đợi vô nghĩa, tình yêu vô nghĩa, những ngày đi học đi làm vô nghĩa… Văn chương của Vàng Anh là một đề nghị thẳng thắn, một khẳng định bộc trực nhưng không đến mức gây hấn, khiêu khích về quyền được khác, được lạ trong cách nhìn, cách nghĩ và cách viết.
![]() |
Hai mươi năm sau Khi người ta trẻ, Phan Thị Vàng Anh không còn sáng tác truyện đều đặn. Và nhiều cây bút được kỳ vọng ở đầu thập niên 90 ấy cũng đã im lặng khá lâu. Văn trẻ cuối thế kỷ XX hình như dừng lại ở một khoảng lưng chừng nào đó. Một lứa những người cầm bút mới ở độ tuổi 20 đã dần dần hình thành, thường gắn với một định ngữ thời thượng hơn, “7X - 8X - 9X” thay vì những cụm từ như “tuổi xanh”, “tuổi hồng”, “mực tím”, “áo trắng”… - những biểu trưng dễ làm liên tưởng đến sự nối dài của chủ nghĩa lãng mạn trong không gian tinh thần của những nhà văn trẻ. So với lứa của Phan Thị Vàng Anh, văn xuôi trẻ hôm nay có gì khác, có gì lạ, có rẽ sang một khúc ngoặt khác hay vẫn loay hoay trong cái khoảng lưng chừng của thế hệ trước? Có thể giữa những cây bút xuất hiện đầu thế kỷ XXI với lứa nhà văn trẻ đầu thập niên 90, tuổi tác không phải là một khoảng cách lớn. Nhưng những biến động rất lớn trong môi trường văn hóa - xã hội với sự can thiệp sâu của internet vào đời sống, vào tâm lý, nhận thức con người, đặc biệt ở lớp trẻ, với tính chất mở, phân tán, đa hướng của không gian văn học, giao lưu văn học khiến cho những cây bút hiện diện trong bối cảnh này thực sự có những lựa chọn, những ứng xử khác với những lứa nhà văn trẻ cách đây 20 năm.
2.
Trước hết là ở cách một số cây bút hiện nay tiếp cận văn học. Giữa thời đại quyền năng của truyền thông ngày càng mạnh, chủ nghĩa tiêu dùng xâm lấn vào ngay cả các sản phẩm văn hóa tinh thần, không ít cây bút giờ đây đã hình thành một quan niệm về văn học thực tế, thậm chí thực dụng. Có thể nói đến một dòng văn học thời trang trong văn học đương đại mà những tác giả chủ lực của nó đa phần là những cây bút trẻ như Keng, Gào, Thủy Anna… Sự ồn ào xung quanh những cuốn sách của các cây bút thời trang này có thể là một hiện tượng đáng chú ý của truyền thông nhiều hơn song nếu công tâm nhìn nhận, chính từ những tác phẩm nương theo thị hiếu của công chúng thành thị này, văn học mở ra những đề tài mới mà trước đó vẫn bị xem là nhạy cảm, là một vùng mờ chưa biết chạm vào bằng cách nào như tình dục, đồng tính, chủ nghĩa hưởng thụ… Chưa nói đến cách khai thác những đề tài mới này đã đạt đến một độ sâu nào chưa hay chỉ dừng lại như những chiêu trò kích thích sự tò mò của độc giả, vẫn cần phải ghi nhận văn học thời trang đã đục những kẽ hở để những điều vốn bị chìm khuất, khó nói được hiện hình, cất lời công khai. Ta nhớ rằng trong lịch sử văn học, ở cả phương Đông lẫn phương Tây, nhiều tiểu thuyết lớn đã được khai sinh từ những kẽ hở, những sự nới lỏng giới hạn về đề tài, tư tưởng, ngôn ngữ mà văn học thông tục tạo ra như Don Quixote, Mười ngày hay Kim Bình Mai… Cùng với cái mới trên phương diện đề tài, bức tranh thể loại của văn xuôi đầu thế kỷ XXI cũng trở nên đa dạng với sự hình thành những thể loại thậm chí còn chưa có truyền thống trong văn học như tiểu thuyết trinh thám - kinh dị (Trại hoa đỏ - DiLi), tiểu thuyết giả tưởng (Điệu nhạc trần gian - Hà Thủy Nguyên), tiểu thuyết fantasy (Mắt lạnh, Máu hiếm, Luật chơi…- Phan Hồn Nhiên), tiểu thuyết chic-flick (Gái già…xì tin - Nguyễn Thu Thủy)… Dường như những thể loại văn học giải trí đang thu hút mạnh công chúng đại chúng trên thế giới đều được những tác giả trẻ ở Việt Nam thể nghiệm. Thành công đến mức độ nào là vấn đề phải bàn sau nhưng hiện tượng văn học giải trí, văn học thời trang hiện nay cho phép ta nghĩ đến một mảng văn học thị dân kiểu mới, gắn liền với sự định hình những khuynh hướng phong cách sống (life-style) và dòng mạch văn hóa trẻ. Cũng lại cần nhắc đến ở đây: khả năng tác động, xây dựng phong cách sống chính là một khả năng của tiểu thuyết - điều đã được chứng minh qua nghiên cứu của một số học giả về tiểu thuyết Anh thời Victoria song ở Việt Nam lại là phương diện chưa được quan tâm nhiều.
Cũng như lứa của Phan Thị Vàng Anh, với nhiều cây bút trẻ hôm nay, viết văn dường như chỉ là cách để kể về những “chuyện tào lao” (Nguyễn Ngọc Thuần), “phù phiếm truyện” (Phan Việt) hay những mảnh tự sự “quẩn quanh trong tổ” (Phan An)… Bản thân tên gọi những tác phẩm như vậy dường như đã hàm ẩn một quan niệm về văn chương được nhẹ hóa. Văn chương bớt trịnh trọng đi trong giọng điệu, bớt ảo tưởng đi về khả năng khái quát, bao trùm thế giới của một chuyện kể đơn nhất. Một thứ quan niệm văn chương nhẹ hóa như vậy không hẳn là một ý thức mặc cảm; trái lại, nó cho thấy một cách ứng xử điềm tĩnh hơn của một số cây bút trẻ hiện nay trước sự bất toàn, bất khả nắm bắt, không thể bao gộp, đồng quy của thế giới này, cho dù câu chuyện của họ có thể chỉ xoáy vào những ngổn ngang, hoang mang, vụn vỡ của chính bản thể hay chạm đến những chủ đề lớn của văn chương thế giới trong ngữ cảnh toàn cầu hóa như sự xung đột văn hóa (“Chicago” - Phan Việt), sự khủng hoảng của đức tin (“Ba-bu san” - Nguyễn Nguyên Phước)… Nhãn quan tiểu tự sự không quy nạp sự đa dạng, đa trị, đa nguyên của bức tranh thế giới thành một trật tự mạch lạc, kiên cố: nó nhìn những hỗn độn, phân mảnh của thế giới này như một thực tại giải tôn ti, đẳng cấp. Văn trẻ hôm nay nhiều hoài nghi hơn thế hệ trẻ hai mươi năm về trước khi một ý thức hệ lãng mạn dường như vẫn neo chốt trong tâm thức của nhiều người cầm bút. Nhưng hoài nghi nhiều hơn không hẳn đã là một thiệt thòi đối với người trẻ, bởi hoài nghi thường là khởi sự của những suy tư độc lập, cá nhân. Mà đó lại là những phẩm chất cần thiết của sáng tạo.
Hai mươi năm trước, Phan Thị Vàng Anh khiến nhiều bậc đàn anh trong văn chương có thể nhíu mày bởi bắt gặp những nhân vật trẻ dám cười thế giới của người lớn: cười nỗi sợ hãi của người lớn (“Con trộm”), cười những chuyện người lớn xem là nghiêm túc, trịnh trọng (“Hoài cổ”)… Cái cười của Vàng Anh trong Khi người ta trẻ còn là cái cười mỉm, cười thầm và đôi khi ẩn chứa cả sự độ lượng của kẻ đi sau. Hai mươi năm sau, hình như giới trẻ cười nhiều hơn trong văn chương, tiếng cười cũng có nhiều sắc thái, điệu bộ. Trời hôm nay không có gì đặc biệt của Phan An là một tự sự hoạt kê với tiếng cười nhại không cần giữ kẽ, nhằm vào tất cả, kể cả bản thân kẻ đang cười. Tiếng cười nhại ấy mạnh mẽ, giòn giã, tinh quái mà cay đắng, bất cần mà âu lo, ngạo nghễ mà chua chát. Cuốn sách thẳng thừng đưa ra thông điệp về sự khước từ ngay ở câu văn đầu tiên: “Tôi sẽ bỏ học”. Cũng có khi tiếng cười trong văn trẻ lại mang âm sắc u ám kiểu humour đen, cái cười bật lên từ cảm thức về cái phi lý, cái cười phát lộ sự trống rỗng của bản thể (“Ba-bu san”, “Tâm trạng khi điên” - Nguyễn Nguyên Phước). Có khi đó là cái cười “hài hước điên khùng sâu lắng” (Sinh ra là thế - Nguyễn Ngọc Thuần) và cũng có khi là tiếng cười bông phèng, trần tục, tưởng đùa mà đau (Có một phố đi ngang phố - Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Giảng đường yêu dấu - Mai Anh Tuấn)… Dám cười - đó chính là dấu hiệu để cho thấy văn chương lứa 7X - 8X - 9X đang dần rẽ ngoặt khỏi hệ hình lãng mạn chủ nghĩa vốn đậm đà chất trữ tình, thiên về cảm thương - một thứ mỹ cảm ta dễ nhận ra trong văn trẻ ở những giai đoạn trước.
Một thế hệ không chỉ phân biệt với thế hệ trước bởi câu chuyện riêng của mình mà còn bởi cách kể câu chuyện ấy. Có lẽ văn trẻ hiện nay có nhiều cách chơi với câu chuyện mình muốn kể. Có cách chơi thiên về kỹ thuật, tổ chức những cấu trúc chặt như trong truyện ngắn của Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Vĩnh Nguyên; có cách chơi mở rộng khả năng tự sự bằng những liên tưởng, vay mượn, tiếp thu kỹ thuật từ các loại hình tự sự khác như điện ảnh (Đỏ - Nguyễn Dương Quỳnh), của nghệ thuật thị giác (Nguyễn Thúy Hằng). Có cách chơi thăm dò tính tự sự khi cố gắng nén văn bản ngôn từ đến mức tối đa, khiến câu chuyện trở thành thứ không thể tóm tắt hoặc mở rộng hơn được nữa, từng từ trở thành những đơn vị không thể thay thế như các thể nghiệm truyện cực ngắn của Hoàng Long, P.K, Lưu Diệu Vân, Nhã Thuyên (tập Màu cỏ xanh trong suốt); lại có cách chơi hóa lỏng thể loại, đến mức ngay người viết cũng không có nhu cầu xác định thể loại cho tác phẩm của mình như Nguyễn Thúy Hằng với Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý, Họ - Bột hư ảo, Phan An với Quẩn quanh trong tổ… Có những cách kể chuyện cho thấy khá rõ dấu ấn ảnh hưởng của môi trường internet: hình thức giống như những chuyện vặt vãnh, bông lơn, bộc trực đem ra để giao đãi, tương tác trên mạng mà ta có thể gọi là mô hình giai thoại (tác phẩm của Phan An, Đinh Vũ Hoàng Nguyên…); lại có những cách kể chuyện dường như cố kháng cự lại áp lực giản hóa, tốc độ của môi trường internet, chúng dường như được kiến tạo theo mô hình của thơ nhiều hơn, theo đó, người viết đầu tư vào các hệ thống biểu trưng, chăm chút cho tiết tấu lời kể, tạo ra một thứ tự sự thiên về ám thị cảm giác hoặc ý niệm (P.K, Nhã Thuyên, Hoàng Long)…
3.
Môi cảnh văn hóa mới ở những năm đầu thế kỷ XXI cho phép các tác giả trẻ hiện nay có nhiều không gian hơn để lựa chọn xuất hiện: qua các cuộc thi, qua các nhà sách, và đặc biệt qua các trang web, các blog cá nhân… Điều đó, đến lượt mình, lại gây khó cho việc nhận diện, mô tả bức tranh văn trẻ hôm nay bởi ta rất dễ rơi vào sự tập hợp các ấn tượng tản mát của cá nhân của người quan sát. Bài viết này, thành thực mà nói, chưa thoát ra khỏi hạn chế ấy.
Trong phạm vi những gì đã quan sát thấy, thiết nghĩ, những dấu hiệu khác, lạ của văn trẻ hiện nay là một thực tế cần ghi nhận. Những tìm tòi đều còn ngổn ngang, bề bộn; một hai tên tuổi được nhắc đến như những dấu ấn đáng kể, chẳng hạn trường hợp Nguyễn Ngọc Tư, xét đến cùng, lại thuộc về không gian đã định hình nhiều hơn là ở khu vực ngổn ngang, bề bộn này. Ở khu vực này, dường như những người viết đang loay hoay, đang đục phá nhiều hơn là đã tạo dựng được một diện mạo rõ rệt nào. Tình trạng loay hoay đó, dưới con mắt của người nghiêm khắc và nhiều hoài nghi, chưa phải là câu chuyện có gì để bàn bạc, quan tâm.
Nhưng hy vọng vẫn cứ nên là thứ không nên dè sẻn. Bài viết này xin được kết lại bằng câu văn cuối cùng trong truyện ngắn “Đời thường” của Dương Phương Vinh - giải nhất cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh, cuộc thi văn chương đầu tiên dành riêng cho các tác giả trẻ kể từ sau 1975, diễn ra cách đây đã hơn 20 năm:
“Và thế là lại dè dặt hy vọng vào ngày mai.”
T.N.H
(SH299/01-14)
Nhìn lại kiểu tác giả tự ý thức của văn học đổi mới: trường hợp Nguyễn Huy Thiệp - MAI ANH TUẤN
Ý thức đa ngữ trong văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa - NGUYỄN VĂN THUẤN
Lý luận văn học Việt Nam sau 1975 - những giới hạn và sự hòa/hóa giải giới hạn - PHAN TUẤN ANH
Những giới hạn của phê bình văn học hiện nay - ĐỖ LAI THÚY
Những giới hạn của sự viết - NGUYỄN THANH TÂM
Trang thơ Việt Nam đương đại
Mê cung - ĐINH PHƯƠNG
Những mùa sương xám lạnh - TRẦN BĂNG KHUÊ
NGUYỄN THANH TÂM
những bàn chân
càng bước càng
lún sâu vào đất
(Giấc mơ Kapka - Trương Đăng Dung)
ĐỖ LAI THÚY
Cũng như sáng tác văn học, phê bình, như là sự tự ý thức của văn học, cũng có những giới hạn, tức một ranh giới có phần tự nhiên và cũng có phần nhân tạo, nên tuy không phá đổ được, nhưng cũng có thể lấn rộng, thậm chí vượt qua.
PHAN TUẤN ANH
Có thể chia sự vận động và phát triển của lý luận văn học Việt Nam sau 1975 thành ba giai đoạn, gắn với ba hệ hình văn học cơ bản là tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại liên quan đến những đặc trưng nghệ thuật, điều kiện (condition) về văn hóa và chính sách quản lý văn nghệ của các cấp lãnh đạo.
NGUYỄN VĂN THUẤN
Cho đến nay vẫn còn những khác biệt trong nhận thức về toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa trong lĩnh vực văn học nói riêng. Trên đại thể, người ta xem toàn cầu hóa là quá trình Âu - Mỹ hóa.
MAI ANH TUẤN
Nghiên cứu văn học Đổi mới (1986) không thể bỏ qua việc tìm hiểu chủ thể sáng tác, nhân vật trung tâm, kẻ gây sóng gió, người đem đến phần lớn những diễn biến sinh động nhất trên văn đàn.
Cái mới - một cuộc gặp gỡ
Khi người ta trẻ… hai mươi năm sau - TRẦN NGỌC HIẾU
Văn học trẻ: lịch trình và những động hướng - ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
Văn học số: không gian mới của văn xuôi Việt Nam đương đại - NGUYỄN VĂN THUẤN
Những tiếng nói mới - TRẦN TRIỀU LINH
Đừng bay đi tìm đôi cánh - YÊN VIÊN
Chỉ hót trong mưa - TẠ XUÂN HẢI
Trở về - LÊ MINH PHONG
Vì sao bạn thành ra như vậy? - LÊ VĨNH TÀI
(Lê Minh Phong phỏng vấn nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, các nhà nghiên cứu văn học Phan Tuấn Anh và Nguyễn Quang Huy)
ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ những cây bút mới, trưởng thành từ một môi trường mới, nhiều gián cách với không gian của kháng chiến và kiến quốc thế kỷ XX, nơi mà ở đó, nhà văn trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
NGUYỄN VĂN THUẤN
Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên số, internet và truyền thông. Chúng ta bị vây quanh bởi các thiết bị công nghệ số. Máy vi tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh, các thiết bị nghe nhìn và lưu trữ… được kết nối với mạng internet toàn cầu đang trở thành những vật dụng quen thuộc thường ngày.
TRẦN TRIỀU LINH
Ngày nay, nghệ thuật không đưa ra những đối tượng có thể diễn tả rõ ràng, để đi đến những khoái cảm thẩm mỹ, mà nó hướng tới làm ra những sản phẩm không-thể-diễn-tả được.
YÊN VIÊN
Truyện ngắn
Mấy tháng nay, tôi sống cùng nàng trong căn phòng đó. Căn phòng nhỏ xinh nằm tách biệt khỏi thành phố, có cửa sổ mở ra khu vườn trồng hoa hồng bạch, không hàng xóm láng giềng.
TẠ XUÂN HẢI
Truyện ngắn
Anh chẳng bao giờ quên được mùa mưa năm đó. Một tháng mười lăm ngày. Những sợi mưa dai và to bằng dây thừng, màu trắng đục, nhớt nhát và bốc mùi.
LÊ MINH PHONG
Truyện ngắn
Những chiếc lưỡi trơn nhậy của đêm lại trườn xuống và liếm lên mặt tôi, liếm lên mắt tôi rồi trườn vào tai tôi thì thầm về những vết thương ngọt ngào ấy.
LÊ VĨNH TÀI
Truyện ngắn
Hay những gì đã xảy ra trong quá khứ của bạn quá khủng khiếp và bạn chỉ muốn quên đi.
(Lê Minh Phong phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ đương đại)
LÊ MINH PHONG
Tôi khóc
những chân trời
không có người bay,
lại khóc
những người bay
không có chân trời.
(Trần Dần)
MAI SƠN
Truyện ngắn
Anh định không sống nữa. Ý nghĩ đó nhẹ nhàng len vào đầu anh cùng một cảm giác dễ chịu vào khoảnh khắc sắp thức giấc sáng nay.
PHAN TUẤN ANH
“Một media mới xuất hiện trong lòng một nền văn hóa nào đó có tác động là biến đổi điều kiện tiếp nhận bằng giác quan, vốn có sẵn trong lòng nền văn hóa kia. Do đó, các media là những ẩn dụ (metaphores)…”.
(Mc Luhan)
NGUYỄN VĂN THIỆN
Truyện ngắn
Mình kể với ta rằng mình là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở thành phố X. Ngày xưa, mình chụp hình đám cưới, chụp hình dạo công viên, khi đất nước mở mang, nhiều hội hè, mình chụp hình nghệ thuật.