Khi họ hôn nhau mưa bắt đầu rơi trên mặt sông

10:02 15/01/2018

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Hắn câu cá bên bờ sông, trên một dải đất vươn ra lởm chởm đá, mọc vài cây bạch dương thưa thớt, có thể đứng vài người, nhưng lúc ấy chỉ có mình hắn.

Minh họa: Nhím

Tới nơi lúc sáu giờ sáng, sớm hơn thường lệ vì đó là chủ nhật trước ngày lễ, hắn sợ bọn đi câu sẽ kéo tới đông. Mùa này cá về nhiều, hắn câu một loại cá thuộc họ trout nhưng lớn và dài hơn, dữ hơn, ở chỗ dòng nước xiết, muốn thế phải ra ngoài xa. Khi mắc câu, lũ cá này chiến đấu quyết liệt. Bọn người đứng trong bờ không thể câu loại cá ấy.

Hắn rút đồ nghề ra, sửa soạn hộp mồi nhựa, hộp mồi giun đất sống, các lưỡi câu, kiểm soát dây câu, cần câu, mặc thêm cái áo khoác mỏng. Gió thổi, se lạnh, ngửa tay hứng vừa vặn một giọt mưa tròn, ấm, hắn biết trời sẽ mưa, nhưng cũng còn khá lâu. Đây là đoạn phía dưới chiếc cầu bắc ngang sông, cầu sắt đen dành cho xe lửa, có thể đi bộ, nhưng vùng này rất vắng, họa hoằn lắm mới có một gã đi câu băng sông thử vận may ở phía bờ kia. Nhưng hắn biết bờ bên này có nhiều cá hơn, đúng loại hắn muốn. Hắn kéo cao cổ áo, lôi từ trong túi thức ăn lunch box ra ly cà phê nóng cappuccino mua từ trạm xăng, nắp vặn chặt. Thả dây câu xuống, có phần lơ đãng, đang tận hưởng cái ấm áp thi vị trong buổi sáng mùa xuân mưa còn lắc rắc nhưng trời ấm dần, hắn nhìn thấy họ.

Từ xa hắn nhận ra đó là một người đàn ông cao lớn đi chậm chạp trên cầu từ bờ bên kia, và một người đàn bà thấp hơn, mảnh khảnh, đi ngược chiều với ông ta, từ phía bờ sông hắn ngồi. Người đàn ông mặc áo khoác kiểu thể thao màu tối sẫm, người đàn bà mặc áo len turtleneck cao cổ, không nhìn rõ màu. Họ đi ngược chiều nhau, chậm chạp tới gần, đứng im nhìn nhau một lúc, ôm lấy nhau thật chặt như hai người bạn lâu ngày không gặp rồi buông ra, và cùng đứng tựa vào thành cầu, cúi nhìn xuống phía hắn ngồi.

Nhìn chăm chú những cử chỉ của hai người, từ xa, có thể đoán họ đang im lặng. Có lẽ họ không nhìn thấy hắn, vì chỗ hắn đứng hơi khuất sau hai cây bạch dương và một bụi dâu lớn. Họ đứng trên cầu nhìn xuống mặt nước một lúc lâu, rồi người đàn ông khẽ xoay người, hướng về người đàn bà, cúi đầu xuống, người đàn bà thấp nhỏ chậm chạp ngửa mặt lên. Họ sắp sửa hôn nhau, hắn nghĩ, khẽ mỉm cười, ánh mắt hắn không rời khỏi thành cầu.

Khi họ hôn nhau, mưa bắt đầu rơi trên mặt sông, mới đầu rơi lấm tấm, rơi từng giọt từng giọt như từ trên mái tranh ngày xưa của mẹ hắn, nhỏ tí tách xuống dòng nước trước thềm nơi em gái vòi vĩnh bắt hắn xếp thuyền giấy thả xuống, có gắn một mẩu xà phòng hiệu Bông Lan ở đuôi thuyền làm chúng chạy nhanh hơn, mưa càng to thuyền giấy của chúng càng trôi vun vút, có khi mất tiêu làm đứa em gái khóc ré lên, cái con bé rất hay làm người khác bực mình, mới đầu mưa tỏa những vòng sóng trên mặt sông rộng yên tĩnh, về sau mưa rơi nhanh quá, rơi vun vút, nước nhấp nhô thành sóng cao, rồi mưa bôi xóa tất cả đất trời như một bức màn trắng, từ chỗ hắn ngồi nhìn lên hai người trên cầu kia không còn thấy rõ.

Mưa mỗi lúc một to, gió tạt mạnh, cuốn những lá phong lá bạch dương xoay vòng. Hắn kéo cái zipper lên, nâng cao hết mức cổ áo khoác, đứng thẳng, bấm ngón tay giữ chặt dây câu rồi văng mạnh tay, ném mồi ra thật xa, phía trên dòng nước, kéo rê dây theo dòng nước, kiểm soát ròng rọc, nhắp cần câu, thăm dò sức căng, rình những cái đớp mồi của cá.

Bọn cá này rất tinh khôn, chúng thường thử nhắp mồi trước, hồi lâu, ít khi chịu cắn ngay. Khi chúng cắn, lập tức quẫy đuôi kéo đi, dây câu căng thẳng, cần cong vút, tay cầm nặng chịch. Bọn cá rất nặng cân, mạnh mẽ, khi bị mắc câu trở nên hung dữ, thật ra cũng như con người, khi họ sợ hãi bao giờ cũng trở nên hung dữ, và khi hung dữ là lúc họ sợ hãi nhất, bọn cá lại đi từng đàn, thi nhau rỉa cắn làm đứt mồi, hoặc cắn đứt dây tha luôn móc câu mang đi. Nếu bạn muốn giữ cho chúng mắc câu thật lâu, phải đi dọc theo bờ nước, đôi khi phải chạy qua những bụi rậm và những bãi đá rêu trơn trượt. Té ngã hay trầy xước là chuyện thường. Dây câu bây giờ căng thẳng. Cần câu rung bần bật. Chờ cho dây rút xuống thẳng băng dưới mặt nước, hắn rùn tay lại, nghiêng người đi, bước chậm chạp ngược chiều nước chảy, giữ cho lưỡi câu tiếp tục bị cắn chặt. Hắn chuẩn bị kéo. Con cá này phải lớn lắm. Chắc thế.

Một tiếng động lớn vang lên trước mặt hắn, chỗ dòng nước chảy xiết. Một người đã nhảy từ trên cầu xuống. Biến mất ngay giữa những vòng xoáy sâu. Hắn hất cái cần câu xuống đất, để mặc cho con cá kéo đi phăng phăng, cởi áo khoác, định để nguyên quần áo nhảy xuống. Hắn nhớ rằng mình bơi không giỏi, sẽ đuối sức nếu không bơi đúng hướng, và có thể nạn nhân đã trôi xa hơn hắn tưởng, hay ngược lại, mắc vào một vật và dừng lại. Hắn nhìn chăm chú xuống mặt sông, tìm dấu hiệu, như một cánh tay đưa lên. Tuyệt không tăm tích. Chỗ này nước chảy xiết quá. Hắn đâm luống cuống. Hắn quay người chạy theo dải đất vào bờ, định chạy dọc bờ sông, xuôi dòng, hy vọng thấy được dấu vết. Hắn vấp phải dây câu, đang bị kéo căng, quấn luôn vài vòng, té ngửa. Lòm còm ngồi dậy, hắn nhìn lên. Trên cầu chỉ còn lại một người. Người đàn ông cao lớn, áo khoác màu đen sẫm, đứng bất động cúi đầu nhìn xuống, cái bóng phủ lên nền trời mù mù nhiều mây. Và hắn nhận ra đây là lần thứ hai hắn trông thấy ông ta, không, hắn trông thấy cả hai người. Lần thứ nhất, cách đó bảy năm. Người đàn ông và người đàn bà ấy, chính là họ, đang đứng bên nhau, từ trên cao nhìn xuống, và hắn đứng trên bãi cát mịn vàng óng ánh dưới chân cầu, đang mãi ngắm những con chim hải âu bay lượn, khi tình cờ ngẩng lên, hắn nhìn thấy người đàn ông đang xoay mặt về phía người đàn bà, cúi đầu xuống, người đàn bà chậm chạp ngẩng đầu lên, họ sắp sửa hôn nhau, trên một chiếc cầu khác, cao hơn, ở một xứ sở khác, tất nhiên, rất xa, khi họ hôn nhau thì mưa bắt đầu rơi xuống trên mặt sông.

N.Đ.T  
(SHSDB27/12-2017)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LTS: Tác giả Hoàng Trọng Định (Hoàng Nguyệt Xứ, sinh 1959) là một nhà văn xứ Huế ít người biết đến đã vĩnh viễn ra đi từ hai năm trước, sau khi chọn cho mình một lối sống cô độc và chết trong im lặng, với một cái tên ẩn dật trong giới cầm bút. Truyện ngắn của Hoàng Trọng Định có cách tổ chức hình tượng nghệ thuật độc đáo và khác biệt. Tác phẩm của anh là kiểu dạng của một truyện ngắn ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học.

  • THÁI BÁ TÂN

    Các bạn thử hình dung một chuyện thế này: Có đôi trai gái yêu nhau, rất yêu nhau. Cưới xong được ít hôm thì chàng trai lên đường ra trận, để lại người vợ trẻ ở nhà một mình vừa làm lụng vất vả, vừa mỏi mòn chờ đợi.

  • HỒNG NHU

    Mỗi lần không vừa ý tới điều gì đó, với ai đó trong nhà hay nói rộng ra là trong thiên hạ, cha tôi thường buột ra một câu nói mà nếu không phải là người làng thì không thể nào hiểu được: "Cứ như là thằng Đô"!

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Khi chàng ngồi dậy giữa bãi chiến trường ngổn ngang xác người, chàng không còn nhìn thấy gì cả ngoài một vùng đêm tối tăm nhờ nhợ. Cái thứ đen đặc rộng lớn đó đã nuốt vào trong lòng nó những tiếng giục la, tiếng hét thất thanh, rên xiết giã từ sự sống, và cả nỗi đau khốn cùng của những kẻ bị thương, vô vàn sự tiếc nuối trong cuộc tử sinh vô nghĩa.

  • Trên mặt đất, trong bầu trời - Trái tim xôn xao

  • LÊ ANH HOÀI

    Cùng với tiếng loảng xoảng của cái gáo tôn trên nền xi măng khu vệ sinh, tiếng lệt xệt dép nhựa là tiếng khan khan của cô Đ “Mày dậy chưa? Gớm, con gái con lứa gì mà ngủ ngáy ghê thế. Hôm qua mày lại mơ cái gì mà tao thấy mày cứ nghiến răng kèn kẹt. Khiếp quá, đêm nằm cứ nghiến răng thế sau này chồng nào chịu nổi?”

  • MAI NINH

    Ông ta bị giục lên xe lúc 2 giờ chiều, không kịp nói. Người đàn bà leo sau chắn ngang cửa, che mất cô gái đứng dưới đường. Giọng cô lẫn giữa tiếng người gọi nhau và trong gió lùa dưới mấy tấm tôn đập mải miết:
    - Ông nhớ nằm nghỉ và thưởng thức trà nhà vua đấy.

  • NGUYÊN QUÂN  

    Lão Đạo vẫn ngồi chò hỏ, kiểu ngồi đặc trưng đôi chân trần dính kết bùn đất trên giường ruộng của nền văn minh lúa nước. Hai khuỷu tay lòi cục, trơ xương, chống tựa lên hai đầu gối cũng lòi cục trơ xương. Bốn khớp linh động tỳ lên nhau, trở thành bất động.

  • ĐỖ NGỌC THẠCH

    Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Giang.

  • NGUYỄN THỊ MINH DẬU

    Thực ra mà nói, cái bức tường ngăn ấy nó chẳng có tội tình gì! Nhưng dưới con mắt của tôi thì nó lại là nguồn gốc của nỗi bất hạnh.

  • ĐOÀN LÊ

    Cơn mưa, sầm sập đổ hồi suốt buổi chiều đó, nàng ngồi cạnh cửa sổ ngắm mưa qua làn kính. Tôi ngồi chếch phía sau ngắm nàng.

  • ĐẶNG NGUYÊN SƠN

    Cây Đời. Cây là họ. Đời là tên. Cũng như bao loại Cây khác của dòng dõi nhà Cây trong cánh rừng nhiệt đới.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Cô ngồi trước ba máy đánh chữ, cái trước mặt màu kem đã sờn, hai cái xanh ngọc hai bên còn mới. Bàn làm việc hướng vào vách, bên phải là cửa sổ nhìn ra con đường tráng xi măng cũ gần bến đò.

  • VỊ TĨNH

    Ngày xưa mái tóc mẹ xanh, bay trong gió làm vướng chân bao gã si tình. Mắt mẹ là một vườn quả chín, và đôi môi đỏ dù mím lại vẫn không giấu được men say chực trào ra làm chao đảo cả những trái tim sắt đá. Mẹ đã từng tự hào vì điều đó biết bao.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  

    Nó bảo, mày và tao chơi trò âm dương cách biệt đi. Tao âm, mày dương.
    Anh hỏi, để làm gì?
    Thì là trò chơi, thử cho biết. Mày đeo cái mặt nạ này vào.

  • THÁI NGỌC SAN

    Kính tặng anh T.L
    và anh em TNXP ở Tây Nguyên

  • LÊ MINH PHONG 

    Tôi cam đoan rằng một bé gái cũng có thể làm được những điều như thế. Nghĩa là tôi cũng có thể trèo lên ban-công và đi trên dãy lan can mỏng manh ấy. Điều đó thật đáng sợ.

  • TRẦN THỊ LINH CHI

    Hễ nhắc đến Huế là ngoài bao kỷ niệm cũ xưa, bao hình bóng tưởng như đã phôi pha lại vụt hiện ra rõ mồn một như mới ngày hôm qua.

  • VIỆT HÙNG  

    Anh đứng trên cầu thẫn thờ nhìn xuống dòng sông. Khuya lắm! Có lẽ đã qua cái mốc thời gian của một ngày cũ. Không gian im ắng. Lâu lâu mới có một tiếng xe máy từ xa vọng về.

  • LTS: So với những giai đoạn trước đây, Ban Biên tập của Sông Hương hiện nay còn khá mỏng: Hồ Đăng Thanh Ngọc (TBT) - Hoàng Việt Hùng (Phó TBT) - Phạm Tấn Hầu - Đặng Mậu Tựu - Nhụy Nguyên - Lê Vĩnh Thái - Lê Tấn Quỳnh - Lê Minh Phong - Lê Vũ Trường Giang. Hơn một năm lại đây thi thoảng họ đã góp mặt trên báo nhà tuy nhiên “ngồi chung mâm” thì chưa. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Sông Hương, xin phép độc giả được cùng “ra mắt” Ban Biên tập bằng những tác phẩm của các thành viên. Xin trân trọng giới thiệu!
    S.H