NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Hắn câu cá bên bờ sông, trên một dải đất vươn ra lởm chởm đá, mọc vài cây bạch dương thưa thớt, có thể đứng vài người, nhưng lúc ấy chỉ có mình hắn.
Minh họa: Nhím
Tới nơi lúc sáu giờ sáng, sớm hơn thường lệ vì đó là chủ nhật trước ngày lễ, hắn sợ bọn đi câu sẽ kéo tới đông. Mùa này cá về nhiều, hắn câu một loại cá thuộc họ trout nhưng lớn và dài hơn, dữ hơn, ở chỗ dòng nước xiết, muốn thế phải ra ngoài xa. Khi mắc câu, lũ cá này chiến đấu quyết liệt. Bọn người đứng trong bờ không thể câu loại cá ấy.
Hắn rút đồ nghề ra, sửa soạn hộp mồi nhựa, hộp mồi giun đất sống, các lưỡi câu, kiểm soát dây câu, cần câu, mặc thêm cái áo khoác mỏng. Gió thổi, se lạnh, ngửa tay hứng vừa vặn một giọt mưa tròn, ấm, hắn biết trời sẽ mưa, nhưng cũng còn khá lâu. Đây là đoạn phía dưới chiếc cầu bắc ngang sông, cầu sắt đen dành cho xe lửa, có thể đi bộ, nhưng vùng này rất vắng, họa hoằn lắm mới có một gã đi câu băng sông thử vận may ở phía bờ kia. Nhưng hắn biết bờ bên này có nhiều cá hơn, đúng loại hắn muốn. Hắn kéo cao cổ áo, lôi từ trong túi thức ăn lunch box ra ly cà phê nóng cappuccino mua từ trạm xăng, nắp vặn chặt. Thả dây câu xuống, có phần lơ đãng, đang tận hưởng cái ấm áp thi vị trong buổi sáng mùa xuân mưa còn lắc rắc nhưng trời ấm dần, hắn nhìn thấy họ.
Từ xa hắn nhận ra đó là một người đàn ông cao lớn đi chậm chạp trên cầu từ bờ bên kia, và một người đàn bà thấp hơn, mảnh khảnh, đi ngược chiều với ông ta, từ phía bờ sông hắn ngồi. Người đàn ông mặc áo khoác kiểu thể thao màu tối sẫm, người đàn bà mặc áo len turtleneck cao cổ, không nhìn rõ màu. Họ đi ngược chiều nhau, chậm chạp tới gần, đứng im nhìn nhau một lúc, ôm lấy nhau thật chặt như hai người bạn lâu ngày không gặp rồi buông ra, và cùng đứng tựa vào thành cầu, cúi nhìn xuống phía hắn ngồi.
Nhìn chăm chú những cử chỉ của hai người, từ xa, có thể đoán họ đang im lặng. Có lẽ họ không nhìn thấy hắn, vì chỗ hắn đứng hơi khuất sau hai cây bạch dương và một bụi dâu lớn. Họ đứng trên cầu nhìn xuống mặt nước một lúc lâu, rồi người đàn ông khẽ xoay người, hướng về người đàn bà, cúi đầu xuống, người đàn bà thấp nhỏ chậm chạp ngửa mặt lên. Họ sắp sửa hôn nhau, hắn nghĩ, khẽ mỉm cười, ánh mắt hắn không rời khỏi thành cầu.
Khi họ hôn nhau, mưa bắt đầu rơi trên mặt sông, mới đầu rơi lấm tấm, rơi từng giọt từng giọt như từ trên mái tranh ngày xưa của mẹ hắn, nhỏ tí tách xuống dòng nước trước thềm nơi em gái vòi vĩnh bắt hắn xếp thuyền giấy thả xuống, có gắn một mẩu xà phòng hiệu Bông Lan ở đuôi thuyền làm chúng chạy nhanh hơn, mưa càng to thuyền giấy của chúng càng trôi vun vút, có khi mất tiêu làm đứa em gái khóc ré lên, cái con bé rất hay làm người khác bực mình, mới đầu mưa tỏa những vòng sóng trên mặt sông rộng yên tĩnh, về sau mưa rơi nhanh quá, rơi vun vút, nước nhấp nhô thành sóng cao, rồi mưa bôi xóa tất cả đất trời như một bức màn trắng, từ chỗ hắn ngồi nhìn lên hai người trên cầu kia không còn thấy rõ.
Mưa mỗi lúc một to, gió tạt mạnh, cuốn những lá phong lá bạch dương xoay vòng. Hắn kéo cái zipper lên, nâng cao hết mức cổ áo khoác, đứng thẳng, bấm ngón tay giữ chặt dây câu rồi văng mạnh tay, ném mồi ra thật xa, phía trên dòng nước, kéo rê dây theo dòng nước, kiểm soát ròng rọc, nhắp cần câu, thăm dò sức căng, rình những cái đớp mồi của cá.
Bọn cá này rất tinh khôn, chúng thường thử nhắp mồi trước, hồi lâu, ít khi chịu cắn ngay. Khi chúng cắn, lập tức quẫy đuôi kéo đi, dây câu căng thẳng, cần cong vút, tay cầm nặng chịch. Bọn cá rất nặng cân, mạnh mẽ, khi bị mắc câu trở nên hung dữ, thật ra cũng như con người, khi họ sợ hãi bao giờ cũng trở nên hung dữ, và khi hung dữ là lúc họ sợ hãi nhất, bọn cá lại đi từng đàn, thi nhau rỉa cắn làm đứt mồi, hoặc cắn đứt dây tha luôn móc câu mang đi. Nếu bạn muốn giữ cho chúng mắc câu thật lâu, phải đi dọc theo bờ nước, đôi khi phải chạy qua những bụi rậm và những bãi đá rêu trơn trượt. Té ngã hay trầy xước là chuyện thường. Dây câu bây giờ căng thẳng. Cần câu rung bần bật. Chờ cho dây rút xuống thẳng băng dưới mặt nước, hắn rùn tay lại, nghiêng người đi, bước chậm chạp ngược chiều nước chảy, giữ cho lưỡi câu tiếp tục bị cắn chặt. Hắn chuẩn bị kéo. Con cá này phải lớn lắm. Chắc thế.
Một tiếng động lớn vang lên trước mặt hắn, chỗ dòng nước chảy xiết. Một người đã nhảy từ trên cầu xuống. Biến mất ngay giữa những vòng xoáy sâu. Hắn hất cái cần câu xuống đất, để mặc cho con cá kéo đi phăng phăng, cởi áo khoác, định để nguyên quần áo nhảy xuống. Hắn nhớ rằng mình bơi không giỏi, sẽ đuối sức nếu không bơi đúng hướng, và có thể nạn nhân đã trôi xa hơn hắn tưởng, hay ngược lại, mắc vào một vật và dừng lại. Hắn nhìn chăm chú xuống mặt sông, tìm dấu hiệu, như một cánh tay đưa lên. Tuyệt không tăm tích. Chỗ này nước chảy xiết quá. Hắn đâm luống cuống. Hắn quay người chạy theo dải đất vào bờ, định chạy dọc bờ sông, xuôi dòng, hy vọng thấy được dấu vết. Hắn vấp phải dây câu, đang bị kéo căng, quấn luôn vài vòng, té ngửa. Lòm còm ngồi dậy, hắn nhìn lên. Trên cầu chỉ còn lại một người. Người đàn ông cao lớn, áo khoác màu đen sẫm, đứng bất động cúi đầu nhìn xuống, cái bóng phủ lên nền trời mù mù nhiều mây. Và hắn nhận ra đây là lần thứ hai hắn trông thấy ông ta, không, hắn trông thấy cả hai người. Lần thứ nhất, cách đó bảy năm. Người đàn ông và người đàn bà ấy, chính là họ, đang đứng bên nhau, từ trên cao nhìn xuống, và hắn đứng trên bãi cát mịn vàng óng ánh dưới chân cầu, đang mãi ngắm những con chim hải âu bay lượn, khi tình cờ ngẩng lên, hắn nhìn thấy người đàn ông đang xoay mặt về phía người đàn bà, cúi đầu xuống, người đàn bà chậm chạp ngẩng đầu lên, họ sắp sửa hôn nhau, trên một chiếc cầu khác, cao hơn, ở một xứ sở khác, tất nhiên, rất xa, khi họ hôn nhau thì mưa bắt đầu rơi xuống trên mặt sông.
N.Đ.T
(SHSDB27/12-2017)
THÙY LINH
Nhìn quanh không thấy ai để ý, Ái lặng lẽ trở về phòng của mình. Tiếng cười đùa của đám thanh niên đang tụ họp giữa sân bám riết lấy Ái.
LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Tôi sinh ra và lớn lên giữa một miền gió cát. Cát trộn lẫn đất, cát bồi lên gò, cát treo tít ngọn cây, cát phủ mái tranh, cát tung nhói mắt…
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Truyện ngắn
Tôi rất thương Mẹ mỗi lần nhìn thấy khối cơ thể ấy vỡ vụn ra, nát tan từng mảnh trong ngôi miếu cũ.
XUÂN ĐÀI
Sáng nay, ông Phúc tiếp chuyện cô gái điếm. Anh trung sĩ dẫn cô gái vào phòng Ban chỉ huy.
NGUYỄN ĐẠI GIANG
Tôi nhận được thư điện tử từ Hà Nội: Anh về ngay, mẹ sắp mất. Sửng sốt, thẫn thờ, bàng hoàng vì cách đây một tháng, bà cụ còn khỏe lắm. Hơn nữa còn hai ngày nữa là tết.
HỒ TRUNG LIÊN
Vẫn còn đêm. Tôi choàng dậy bật điện. Ánh sáng lao ra hòa vào lớp trăng mỏng tràn xuống từ ngọn núi phía trước.
TRẦN THÚC HÀ
Khi về đến mảnh đất quê hương, điều trước tiên là tôi đi tìm chị. Chị Hoài của tôi! Chao ôi, cả chục năm ở nước ngoài, học hành công tác không phút giây nào tôi không nghĩ đến chị.
CAO NGUYỆT NGUYÊN
Tối nay Thanh không về thì mâm cơm, cút rượu, ánh sáng này thành vô nghĩa hết. Đâu có phải bà Miền trưng cho mình.
HỮU PHƯƠNG
Nắng gắt. Những đợt gió Lào đầu tiên ồ ồ thổi qua cánh đồng đất cát, cuốn bụi mù mịt, ném cát vào mặt lão Điểu.
VĂN THÀNH LÊ
1.
Trời lạnh.
Màn sương mịn, dày đặc. Như không thể mịn và đặc hơn được nữa.
Xứ sở này vốn thế.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
Nhà chị tôi cách trường Nguyễn Hoàng khoảng 400m. Hè năm 1970, tôi ra ở nhà chị để thi vào trường Nguyễn Hoàng. Thời đó học trò trường tư chỉ có 5% được thi tuyển vào lớp 10 của trường.
DIỆU ÁI
1.
Đang học năm thứ ba, em bảo sẽ lấy chồng. Mệ nhất quyết không chịu. Mệ sợ em lầm lỡ nên mới vội vàng như thế, cứ cầm tay nấn ná hỏi dồn. Chứ không, có ăn học đàng hoàng mắc mớ chi học hành chưa xong đã vội chuyện chồng con, hả con.
NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ
Mái tóc nàng mọc từ nhiều loài cỏ dại. Dài quá lưng. Nhiều người trầm trồ, nhiều người dè bỉu:
- Như ma ấy, cắt đi.
TRỊNH SƠN
Cuộc chiến không thể nào dừng lại. Nó đã không tự bắt đầu, nên cũng chẳng cớ gì phải tự kết thúc.
ĐỖ KIM CUÔNG
(Kính viếng các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh giữ đảo Trường Sa)
CHÂU TOÀN HIỀN
Cát bước vội những bước cuối cùng rồi dừng lại bên chiếc bục gỗ. Một cái gì đó đang bị dồn nén lại trong người anh, chỉ chờ lúc bung ra. Anh đặt cả hai tay lên tập hồ sơ trên bục, rồi quả quyết xoay người lại.
HỒ TRUNG LIÊN
Cô thủ quỹ của đoàn nhắc:
- Nhớ ghé quán cơm Âm Phủ ăn cho biết bác tài ơi.
- Chưa tới đâu. Đoàn tối nay sẽ ăn muộn đấy.
- Nghe nói quán đã chuyển chỗ sang trọng hơn?
- Vẫn địa chỉ cũ, gần sân vận động.
THÁI BÁ TÂN
1
Ở công ty S.B, khi được hỏi ai là điển hình tốt của công nhân đèn biển những năm gần đây, mọi người nhất trí nêu tên Nguyễn Thiếu Sơn, đảo trưởng đảo đèn Hòn mực. Sau đây là một số ý kiến nhận xét về anh ta.
LÊ THỊ KIM SƠN
(Cho những điều hạnh ngộ ngắn ngủi)
TRẦN THÚC HÀ
Tặng H.T.V
Ông đã về hưu. Ông có căn phòng làm việc rộng rãi đầy đủ tiện nghi tại nhà riêng, khi cần thì ông ngồi vào bàn.