Khan

16:46 13/03/2009
HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

Năm chúng tôi mười sáu tuổi, không còn có lý do nào để gặp nhau hằng ngày qua các trò chơi trẻ con nữa, Khan bỗng đâm ra siêng năng lạ. Khan xin đâu về những hạt giống bông vạn thọ mang trồng ở phía sau nhà, suốt ngày chăm bón, nắng che mưa đậy. Để đáp lại công lao vun bón quá mức của Khan, những cây hoa cứ tốt tươi như những cây tùng, lá to, tán xoè xanh mướt, trông thật... vạm vỡ, nhưng hoa thì khiêm tốn hết mức, thậm chí có cây chẳng thèm trổ hoa! Ai cũng cười, bảo rằng người ta trồng hoa quanh nhà là để làm đẹp quang cảnh, ai lại đem ra sau bếp mà trồng, hèn chi hoa tự ái chẳng thèm trổ hoa nữa! Khan cự lại, bảo rằng bông vạn thọ trồng để cúng chớ không phải để làm đẹp, trồng ở đâu miễn tiện bề tưới tắm cho có bông là được. Riêng tôi, tôi biết Khan trồng hoa chẳng để làm gì cả, chỉ để có cớ mà nhìn sang nhà tôi thôi. Tôi nghĩ rằng điều đó chỉ có mình tôi biết, nào ngờ con Sương - nhỏ bạn tôi - cũng biết. Có lần nó mang điều đó ra trêu chọc Khan. Vậy là Khan không trồng bông vạn thọ nữa, mà quay sang trồng bầu, bí, mướp, khổ qua...sáng chiều tưới tăm vun bón, bắt sâu, tỉa lá, suốt ngày quanh quẩn ở sau hè. Có tấm rèm lá hoa kia che khuất, khó ai có thể nhìn thấy Khan mỗi khi Khan nhìn sang nhà tôi nữa. Có lẽ Khan đã nuôi biết bao ước mơ trong cái vườn địa đàng bình dân trần thế ấy của mình.

Tôi học trường huyện rồi trường tỉnh, mỗi chiều thứ bảy về nhà, tôi lại ra bờ sông ngồi nhìn những bè lục bình trôi lơ đãng, bên kia bờ, Khan cứ gánh nước tưới hoài mấy giàn bầu bí, mướp, khổ qua...
Thời thơ ấu đã qua, tôi không mơ ước gì hơn những điều mình đã có. Khan mãi lưu lại trong tôi hình ảnh một cậu bé hàng xóm hiền lành và có nhiều kỷ niệm gắn bó. Với tôi, thời gian không nuôi dưỡng, phát triển những tình cảm, mà thời gian là lớp đất đá bảo tồn, trầm tích lại những tình cảm ấy. Do vậy, trong tôi "Khan trẻ con" và "Khan người lớn" hoàn toàn không có sợi dây liên quan nào. "Khan trẻ con" đã gắn bó với tôi như hình với bóng, nhưng không vì thế mà tôi chấp nhận ngay "Khan người lớn". Và vì vậy, đã xảy ra một buổi chiều... Một buổi chiều trời vàng rực kỳ quái. Kỳ quái cũng như tuổi mười tám của các cô gái, khó ai mà lường được sự sâu sắc cũng như hời hợt. Nó cứ như thời tiết lúc giao mùa. Đó là buổi chiều Khan hẹn với tôi - qua một lá thư tỏ tình đơn sơ nhưng đầy những lời kinh điển trong kho tàng ca dao dân ca mà một cậu chàng trình độ lớp ba trường làng có thể viết được.

Tôi đã cố tình để Khan đi tới đi lui trước hàng rào xương rồng cổng nhà tôi có lẽ đến vài chục lần,  trong khi tôi như lệ thường  bắt ghế ra ngồi trước thềm, vờ nghịch với bầy gà con đang nháo nhác tìm về chỗ ngủ. Khan đứng ngoài hàng rào, chăm chú nhìn và chờ tôi trông thấy. Khi tôi nhìn ra, Khan giơ tay ngoắc và chìa cho tôi một trái cam. Vườn nhà Khan trồng rất nhiều cam, có lẽ đây là trái đầu mùa năm ấy. Từ trước đến giờ, tôi luôn là người được ăn những quả đầu mùa của vườn nhà Khan. Trái cam mọng chín, nửa màu vàng và nửa màu xanh. Tôi nhìn gương mặt khẩn cầu, đợi chờ, hy vọng của Khan bằng đôi mắt của tuổi mười tám kỳ quái... rồi đứng lên đi vào nhà, đóng hết các cửa. Khi cánh cửa cuối cùng khép lại thì trời bỗng đột ngột đổ mưa. Tôi he hé cửa nhìn ra, Khan vẫn đứng đó, mặc kệ mưa cứ chảy ròng ròng trên mặt. Trời không gió, Khan đứng như pho tượng và trái cam rời tay rớt xuống như một hạt mưa khổng lồ, nửa màu xanh thực vật, nửa màu vàng hoàng hôn.

Tôi đã giữ trái cam ấy như một vật quí, tuy không dám ăn vì sợ rằng biết đâu trái cấm mà A-đam và E-va ăn ngày xưa không hẳn là quả táo mà là trái cam thì sao? Eo ôi! Nhưng sau đó, tôi đã cẩn thận cất đi phần hạt của trái cam ấy bằng ý thức của cô gái mười tám tuổi.
Qua trận mưa hôm ấy, Khan đau nặng và phải đi nằm bệnh viện. Ra viện, Khan xin theo ông chú đi buôn bán làm thuê gì gì đó ở tận Cam -pu-
chia. Trước khi đi, Khan nhờ Sương nhắn với tôi rằng Khan đi xa một thời gian để đỡ buồn, Khan vẫn mong tôi nghĩ lại...
Tôi không biết Khan đi bao lâu thì hết buồn và trở về, bởi liền sau đó, tôi nhận được giấy báo đi học nước ngoài bảy năm.
Bảy năm rời xa xóm nhỏ, dòng sông nhỏ. Sống trong vòng quay của phồn hoa đô hội, lặn hụp trong cuộc mưu sinh  tìm một tương lai rộng lớn... Thời gian ấy đủ trầm tích trong tôi một "Khan người lớn" với khuôn mặt mờ đẫm sau mưa. Thật lạ lùng! Chưa bao giờ tôi thấy mình nhớ Khan đến như vậy. Tôi háo hức mong đến ngày về để coi có điều lạ lùng nào khác chờ đợi tôi không.

Sau bảy năm, nhà Khan giờ đã cất quay mặt ra sông đối diện với nhà tôi. Những trái bầu, bí, mướp, khổ qua...  đương nhiên là không còn nữa, thay vào đó là đàn con lóc nhóc của Khan !!! Tôi giở những hạt cam năm xưa ra xem, ô hay cũng vừa đúng bảy hạt!  Một sự trùng hợp lạ lùng! Còn Khan, khi gặp lại tôi, Khan cười hồn nhiên hơn lúc chưa biết trồng bông vạn thọ! Tôi hỏi thăm về vườn cam nhà Khan, Khan trả lời chơn chất:
- Trồng cam bây giờ thua lắm, tôi đã phá đi mà trồng tiêu và điều rồi !
Tôi nhìn Khan, cố tìm ra một tí gì dáng dấp của "pho tượng" trong mưa năm xưa, nhưng hoàn toàn thất vọng. Hình như Khan không còn nhớ gì đến thuở thiếu thời của mình nữa. Có lẽ đối với Khan thời gian là lớp phù sa khỏa lấp và chôn vùi.

Tôi lại ngồi săm soi mấy hạt cam, may mà năm xưa tôi đã không mang nó ra trồng, nếu lỡ trồng rồi biết đâu bây giờ lại phải phá đi để trồng cái khác(!) Tôi thầm cảm ơn thời gian trong tôi chỉ là lớp phù sa bảo tồn, trầm tích chớ không vun bồi, phát triển cho những tình cảm trong đời.
Tôi lặng lẽ ra soi mình bến nước. Vẫn dòng sông, vẫn tôi và những con sóng ấy, nhưng nếu như thời gian có thể quay ngược trở lại bảy năm, thì tôi chắc rằng mọi điều cũng không thể như xưa được nữa.
Tôi mang những hạt cam thả trôi trên sóng, có hạt sâu sắc chìm, có hạt hời hợt nổi... Nhưng chắc rồi cũng chìm khuất hết thôi, ôi những hạt mầm của thời xuân trẻ! Duy chỉ có cái điều mà tôi vừa hiểu ra, không nổi, không chìm, nhưng chắc là sẽ chở được tôi đi qua dòng sông của mình trong những tháng ngày sắp tới.
Mùa thu rồi, trời lại sẽ chuyển mưa, và bây giờ thì tôi không cần đóng cửa.
H.T
(196/06-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • CHÂU SA

    Tôi ngủ nhiều hơn từ khi thời tiết vào thu. Trong mơ, tôi thấy mình đang chạy trên cánh đồng mùa lạnh. Tôi trèo lên gò đất, nhìn ra xa và thấy một đàn chuột nối đuôi nhau bò về phía rìa cánh đồng.


  • ĐÀO QUỐC MINH

  • QUÁCH THÁI DI

    Hai tháng nghỉ phép cộng với số tiền thưởng khá lớn, tôi lên đường đi du lịch. Tôi dự định sẽ dừng chân ở Helsinki để thăm đứa em gái rồi sẽ đi tiếp.

  • TRU SA

    Tôi và Đán tìm được chỗ nghỉ chân tạm thời. Đấy là một thị trấn nhỏ. Nền công nghiệp vẫn chưa hoàn toàn khống chế nơi này nên tôi có thể yên tâm với các lọ nước mắm, cá tươi không dán bao bì.

  • NGUYỄN HOÀNG MAI

    Nắng vàng lấp lóa trải khắp mặt biển, cậu bé với mái tóc xoăn đen nhánh cứ đi bộ trên bờ cát dài nhấp nhô.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG

    Xưa, về phương Nam có một chàng trai, mặt mày thanh tú, tính nết hồn hậu, tuổi trạc đôi mươi. Chưa có người gá nghĩa trăm năm nên cây xanh còn lẻ bóng. Tên chàng là La Hồng Phượng.

  • NGUYÊN NGUYÊN

    Nếu như ở P vào những năm 20 thế kỷ trước, khi đó, tôi hãy còn là tên bồi bàn ở La Closerie des Lilas, nơi Ernest thường qua lại uống rượu và ngồi viết văn.

  • NGUYỄN THỊ ẤM

    Một lần tôi quá bộ đến nhà một viên bác sĩ. Ông vốn là bạn cũ, nay làm việc tại một bệnh viện lớn trong thành phố. Ông kể một câu chuyện như sau:

  • BẠCH LÊ QUANG

    1.
    Trà nương Nguyên Xuân nhìn xa, nhìn thật xa, nơi có mấy dặm sơn khê mây phủ... Nắng chiều phủ bóng mảnh vườn hong hanh mùi hương Nguyệt Quế sau mưa, sau những dòng tuế nguyệt thênh thang ở xứ này, hai mùa mưa và nắng.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

    1.
    “Từ khi tôi được sinh ra”.

  • LÊ THỊ KIM SƠN

    Những đầm đìa sương gió đó nào ai biết cho chăng? Mà có biết cũng chả để làm gì, bởi tự ta hiểu, tự dòng sông và chiếc đò này hiểu.


  • HOÀNG THU PHỐ

  • TỐNG PHÚ SA

    Bây giờ lão nằm đó, thiêm thiếp trên tấm phản bằng bìa của những cây xoan mà lão tự đóng bằng chiếc dao cùn gỉ. Tấm thân gầy trơ xương dán bẹp xuống manh chiếu cói đã rách bươm.

  • THANH TÙNG

    Thân yêu tặng đồng đội nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Sư đoàn

  • LÊ MINH PHONG

    Thêm một lần nữa những người đàn ông đó lại đến nhà. Họ nói với tôi về tình yêu, về lòng trắc ẩn và về những sự vụ nằm ngoài tầm kiểm soát của lý  trí.

  • SƯƠNG NGUYỆT MINH

    Ngõ phố nhỏ lòng vòng, chật hẹp. Miên vừa ép xe đạp Thống Nhất vào bên tường nhà ẩm ướt rêu xanh mọc tránh một ông ba Tầu gánh hàng tào phớ thì lại đụng phải chị gánh hàng hoa bán rong.

  • ĐẶNG THÙY TIÊN

    Tôi nhẹ nhàng lách cửa đi vào. Giờ này hẳn Ngài1 đã đi nằm. Tôi phải cố gắng nhất có thể để không làm phiền Ngài trong lúc nghỉ ngơi.

  • VIỆT HÙNG

    Bây giờ thì ở Việt Nam đã có "Đài hóa thân hoàn vũ" (nói đơn giản là lò thiêu những xác chết).

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    - Thôi, hai bà cháu về đi không mưa ướt hết!

  • CÁT LÂM

    1.Về thôi mẹ ơi, nơi đây đã chẳng còn gì ngoài đống đổ nát nữa rồi. Về với gió Hồ Tây để nghe lồng lộng trong buổi mùa đông như mẹ kể. Về với đàn sâm cầm nhởn nha mặt nước. Chẳng có gì cho mình cả, chỉ trừ có nỗi dằn vặt mỗi ngày một nhiều hơn. Về thôi mẹ ơi, về với bà ngoại, ông ngoại, để một lần con được biết mình vẫn còn có họ hàng, có quê hương.