Khan

16:46 13/03/2009
HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

Năm chúng tôi mười sáu tuổi, không còn có lý do nào để gặp nhau hằng ngày qua các trò chơi trẻ con nữa, Khan bỗng đâm ra siêng năng lạ. Khan xin đâu về những hạt giống bông vạn thọ mang trồng ở phía sau nhà, suốt ngày chăm bón, nắng che mưa đậy. Để đáp lại công lao vun bón quá mức của Khan, những cây hoa cứ tốt tươi như những cây tùng, lá to, tán xoè xanh mướt, trông thật... vạm vỡ, nhưng hoa thì khiêm tốn hết mức, thậm chí có cây chẳng thèm trổ hoa! Ai cũng cười, bảo rằng người ta trồng hoa quanh nhà là để làm đẹp quang cảnh, ai lại đem ra sau bếp mà trồng, hèn chi hoa tự ái chẳng thèm trổ hoa nữa! Khan cự lại, bảo rằng bông vạn thọ trồng để cúng chớ không phải để làm đẹp, trồng ở đâu miễn tiện bề tưới tắm cho có bông là được. Riêng tôi, tôi biết Khan trồng hoa chẳng để làm gì cả, chỉ để có cớ mà nhìn sang nhà tôi thôi. Tôi nghĩ rằng điều đó chỉ có mình tôi biết, nào ngờ con Sương - nhỏ bạn tôi - cũng biết. Có lần nó mang điều đó ra trêu chọc Khan. Vậy là Khan không trồng bông vạn thọ nữa, mà quay sang trồng bầu, bí, mướp, khổ qua...sáng chiều tưới tăm vun bón, bắt sâu, tỉa lá, suốt ngày quanh quẩn ở sau hè. Có tấm rèm lá hoa kia che khuất, khó ai có thể nhìn thấy Khan mỗi khi Khan nhìn sang nhà tôi nữa. Có lẽ Khan đã nuôi biết bao ước mơ trong cái vườn địa đàng bình dân trần thế ấy của mình.

Tôi học trường huyện rồi trường tỉnh, mỗi chiều thứ bảy về nhà, tôi lại ra bờ sông ngồi nhìn những bè lục bình trôi lơ đãng, bên kia bờ, Khan cứ gánh nước tưới hoài mấy giàn bầu bí, mướp, khổ qua...
Thời thơ ấu đã qua, tôi không mơ ước gì hơn những điều mình đã có. Khan mãi lưu lại trong tôi hình ảnh một cậu bé hàng xóm hiền lành và có nhiều kỷ niệm gắn bó. Với tôi, thời gian không nuôi dưỡng, phát triển những tình cảm, mà thời gian là lớp đất đá bảo tồn, trầm tích lại những tình cảm ấy. Do vậy, trong tôi "Khan trẻ con" và "Khan người lớn" hoàn toàn không có sợi dây liên quan nào. "Khan trẻ con" đã gắn bó với tôi như hình với bóng, nhưng không vì thế mà tôi chấp nhận ngay "Khan người lớn". Và vì vậy, đã xảy ra một buổi chiều... Một buổi chiều trời vàng rực kỳ quái. Kỳ quái cũng như tuổi mười tám của các cô gái, khó ai mà lường được sự sâu sắc cũng như hời hợt. Nó cứ như thời tiết lúc giao mùa. Đó là buổi chiều Khan hẹn với tôi - qua một lá thư tỏ tình đơn sơ nhưng đầy những lời kinh điển trong kho tàng ca dao dân ca mà một cậu chàng trình độ lớp ba trường làng có thể viết được.

Tôi đã cố tình để Khan đi tới đi lui trước hàng rào xương rồng cổng nhà tôi có lẽ đến vài chục lần,  trong khi tôi như lệ thường  bắt ghế ra ngồi trước thềm, vờ nghịch với bầy gà con đang nháo nhác tìm về chỗ ngủ. Khan đứng ngoài hàng rào, chăm chú nhìn và chờ tôi trông thấy. Khi tôi nhìn ra, Khan giơ tay ngoắc và chìa cho tôi một trái cam. Vườn nhà Khan trồng rất nhiều cam, có lẽ đây là trái đầu mùa năm ấy. Từ trước đến giờ, tôi luôn là người được ăn những quả đầu mùa của vườn nhà Khan. Trái cam mọng chín, nửa màu vàng và nửa màu xanh. Tôi nhìn gương mặt khẩn cầu, đợi chờ, hy vọng của Khan bằng đôi mắt của tuổi mười tám kỳ quái... rồi đứng lên đi vào nhà, đóng hết các cửa. Khi cánh cửa cuối cùng khép lại thì trời bỗng đột ngột đổ mưa. Tôi he hé cửa nhìn ra, Khan vẫn đứng đó, mặc kệ mưa cứ chảy ròng ròng trên mặt. Trời không gió, Khan đứng như pho tượng và trái cam rời tay rớt xuống như một hạt mưa khổng lồ, nửa màu xanh thực vật, nửa màu vàng hoàng hôn.

Tôi đã giữ trái cam ấy như một vật quí, tuy không dám ăn vì sợ rằng biết đâu trái cấm mà A-đam và E-va ăn ngày xưa không hẳn là quả táo mà là trái cam thì sao? Eo ôi! Nhưng sau đó, tôi đã cẩn thận cất đi phần hạt của trái cam ấy bằng ý thức của cô gái mười tám tuổi.
Qua trận mưa hôm ấy, Khan đau nặng và phải đi nằm bệnh viện. Ra viện, Khan xin theo ông chú đi buôn bán làm thuê gì gì đó ở tận Cam -pu-
chia. Trước khi đi, Khan nhờ Sương nhắn với tôi rằng Khan đi xa một thời gian để đỡ buồn, Khan vẫn mong tôi nghĩ lại...
Tôi không biết Khan đi bao lâu thì hết buồn và trở về, bởi liền sau đó, tôi nhận được giấy báo đi học nước ngoài bảy năm.
Bảy năm rời xa xóm nhỏ, dòng sông nhỏ. Sống trong vòng quay của phồn hoa đô hội, lặn hụp trong cuộc mưu sinh  tìm một tương lai rộng lớn... Thời gian ấy đủ trầm tích trong tôi một "Khan người lớn" với khuôn mặt mờ đẫm sau mưa. Thật lạ lùng! Chưa bao giờ tôi thấy mình nhớ Khan đến như vậy. Tôi háo hức mong đến ngày về để coi có điều lạ lùng nào khác chờ đợi tôi không.

Sau bảy năm, nhà Khan giờ đã cất quay mặt ra sông đối diện với nhà tôi. Những trái bầu, bí, mướp, khổ qua...  đương nhiên là không còn nữa, thay vào đó là đàn con lóc nhóc của Khan !!! Tôi giở những hạt cam năm xưa ra xem, ô hay cũng vừa đúng bảy hạt!  Một sự trùng hợp lạ lùng! Còn Khan, khi gặp lại tôi, Khan cười hồn nhiên hơn lúc chưa biết trồng bông vạn thọ! Tôi hỏi thăm về vườn cam nhà Khan, Khan trả lời chơn chất:
- Trồng cam bây giờ thua lắm, tôi đã phá đi mà trồng tiêu và điều rồi !
Tôi nhìn Khan, cố tìm ra một tí gì dáng dấp của "pho tượng" trong mưa năm xưa, nhưng hoàn toàn thất vọng. Hình như Khan không còn nhớ gì đến thuở thiếu thời của mình nữa. Có lẽ đối với Khan thời gian là lớp phù sa khỏa lấp và chôn vùi.

Tôi lại ngồi săm soi mấy hạt cam, may mà năm xưa tôi đã không mang nó ra trồng, nếu lỡ trồng rồi biết đâu bây giờ lại phải phá đi để trồng cái khác(!) Tôi thầm cảm ơn thời gian trong tôi chỉ là lớp phù sa bảo tồn, trầm tích chớ không vun bồi, phát triển cho những tình cảm trong đời.
Tôi lặng lẽ ra soi mình bến nước. Vẫn dòng sông, vẫn tôi và những con sóng ấy, nhưng nếu như thời gian có thể quay ngược trở lại bảy năm, thì tôi chắc rằng mọi điều cũng không thể như xưa được nữa.
Tôi mang những hạt cam thả trôi trên sóng, có hạt sâu sắc chìm, có hạt hời hợt nổi... Nhưng chắc rồi cũng chìm khuất hết thôi, ôi những hạt mầm của thời xuân trẻ! Duy chỉ có cái điều mà tôi vừa hiểu ra, không nổi, không chìm, nhưng chắc là sẽ chở được tôi đi qua dòng sông của mình trong những tháng ngày sắp tới.
Mùa thu rồi, trời lại sẽ chuyển mưa, và bây giờ thì tôi không cần đóng cửa.
H.T
(196/06-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỨC BAN

    1.
    Năm ấy ông Giám đốc Sở quyết định cử tôi lên rừng Vụ Quang tìm kiếm di vật liên quan đến bản chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.

  • NGUYỄN LỘC THÁI HÒA

    Người thợ sửa xe đạp chậm rãi để tờ báo đang đọc qua một bên, ngước nhìn khi tôi dừng xe bước xuống.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Hôm ấy là một hôm trời đặc biệt mù sương, khói sương như những tảng bông tan loãng và ẩm ướt, rây rây bụi trong không gian.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH  

    Trời vừa nhập nhoạng tối thì nhiều dãy bóng đèn phía ruộng cúc đã đồng loạt sáng bừng lên. Trông chúng tươi vui như những đốm pháo hoa bung nở trăm ngàn tia lửa màu rực rỡ trong sương chiều.

  • MẪU ĐƠN   

    1.
    Điệp vàng kìa anh. Tôi đã nói điều này mỗi khi đi qua con đường ấy. Đó là điệp sao. Tôi cứ tưởng chỉ với mùa hè thôi.

  • ĐỖ TIẾN THỤY    

    Nàng là Y Than, mang cái đẹp ban sơ của bông hoa hoang dại. Bông hoa ấy đến hồi hé cánh tỏa hương thì bướm rừng dập dìu vây bủa.

  • NGUYỄN LUÂN    

    Trời mưa như thác đổ, từng dòng nước đỏ ngầu tràn từ trên vàn núi dội ào ào xuống đường lớn. Thén xắn quần lên quá gối, cứ nhằm lối cũ trong trí nhớ mà sục chân bước đi.

  • NHỤY NGUYÊN       

    Giá anh bay qua được bên đó…”. Miên đọc dòng tin của anh rồi tắt máy. Miên cứ ngồi như vậy nhìn mặt trời xuống dần và quầng mây rực lên ở nóc ngôi chùa.

  • CÁT LÂM      

    Tôi mười ba năm 196X. Tôi sinh ra đã không gần thành phố rất may có chuyến tàu muộn vắt ngang. Chuyến tàu muộn không bao giờ đỗ lại. Xe máy về làng phải vượt dốc khó khăn. 

  • TRƯƠNG QUỐC TOÀN  

    Nhiều khi Hoàng Trang ghét giọng hát của chính mình. Không phải vì quá tệ, giọng ca trong trẻo của cô cất lên luôn chạm vào trái tim khán giả, chuẩn xác nhịp phách.

  • TRẦN QUANG KHANH  

    Bóng núi đổ dài xuống bãi cát cũng là lúc mấy ngư phủ trong làng chài kéo nhau ra thuyền, chuẩn bị cho cuộc hành trình của một đêm sâu mưu sinh trên biển. Bóng nắng hẫng dần lên các chỏm cao của ghềnh đá. Hắn uể oải bước ra sát mép sóng, tìm sự khuây khỏa với đám bụi nước, dư phần của những con sóng vồ vập vỗ vào ghềnh.

  • BẢO THƯƠNG

    Mày ra giữ cho bố một đầu. Lão Thất đang cúi xuống ghìm sợi dây thừng qua gạc xe, ngó lên bảo Kiền. Kiền vùng vằng ậm ờ rồi cũng đứng dậy.

  • VŨ THANH LỊCH    

    Trời nhá nhem, cô Trinh ngồi nhập tịnh, thấy ngực nhói như gai châm, ngoái nhìn qua khe cửa, nhận ra chị Cần.

  • HOÀNG THÁI SƠN

    Một buổi trưa hè oi ả, tôi đi đến đầu làng Cao Bình, nhác thấy bóng một cây đa tán lá sum suê, mát rượi, bèn chạy quàng vào để tránh nắng.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH   

    1.
    Khu vườn rộng bốn mùa rợp bóng lá khiến ngôi nhà cổ như lọt thỏm sâu hơn vào giữa. Những ngày mưa càng âm u và buồn bã hơn.

  • PHẠM GIAI QUỲNH  

    Nhân viên soát vé mời mi lên tàu với nụ cười đông cứng, một nụ cười được lập trình qua công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, tuồng như bất động và đanh rắn.

  • NGÔ ĐÌNH HẢI   

    Hắn làm bảo vệ đêm. Sáu giờ chiều tới bệnh viện nhận ca trực. Bệnh viện thuộc hạng sang nhất thành phố. Bệnh nhân ở đây toàn là những kẻ có tiền.

  • PHẠM THỊ ANH NGA  

    Sao em vẫn chưa tin là chúng mình đã thực sự yêu nhau?

  • ĐÀO QUỐC MINH    

    Gốc mai trắng đã hơn trăm tuổi. Đó là nhất chi mai, còn gọi bạch mai, hàn mai, nhị độ mai.

  • NGUYỄN ĐẠI DUẪN   

    Đã cuối tháng Chạp mà nắng còn như đổ lửa. Nắng mùa khô ở Lào thật khó chịu, lúc thì nóng nực, lúc thì lất phất mấy ngọn gió khô khốc.