Johann Sebastian Bach – Cái tên suýt bị lãng quên

14:38 05/08/2016

Gần một thế kỷ sau khi qua đời, tuy ít được công chúng biết đến nhưng Bach lại có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến những tượng đài về sau như Mozart, Haydn, Beethoven, Mendelssohn. Ngày nay, âm nhạc của Bach là một phần quan trọng trong lịch sử âm nhạc châu Âu.

Tượng Johann Sebastian Bach đặt trước nhà thờ St. Thomas ở thành phố Leipzig, Đức - Ảnh: internet

Chúng ta biết về cuộc đời của Johann Sebastian Bach ít hơn so với những nhà soạn nhạc khác. Với những người biết đến ông khi ấy, Bach đơn thuần là một nhạc công organ hay soạn nhạc theo yêu cầu của nhà thờ. Họ chỉ coi ông như một thợ thủ công lành nghề chứ không phải một vĩ nhân, một vị thánh trong âm nhạc mà người đời phải ghi nhớ. 
 

Johann Sebastian Bach sinh ngày 12/3/1685 trong một gia đình có truyền thống theo nghề nhạc tại làng Eisenach của nước Đức. Gia đình Bach đã làm nhạc công cho nhà thờ Tin Lành tận sáu đời liên tiếp. Vào những năm đầu khoảng 1700, đã có đến 30 người mang tên Bach giữ vị trí nhạc công organ ở Đức. Tại Thuringia, từ “Bach” được dùng thường xuyên như một từ đồng nghĩa với từ “nhạc công”. 

Cha ông, Johann Ambrosius Bach, là người đầu tiên đào tạo Sebastian Bach về âm nhạc. Thời thơ ấu êm đềm của Sebastian Bach không kéo dài được lâu vì mẹ ông qua đời khi ông mới lên chín tuổi. Sebastian Bach được gửi đến người anh nghiêm khắc của mình là Johann Christoph Bach. Sau năm năm học nhạc dưới sự hướng dẫn của anh trai, Sebastian Bach chuyển tới Lüneburg để vừa học vừa tham gia đội đồng ca trong nhà thờ. Khi vỡ giọng, Sebastian Bach kiên trì ở lại nơi này vừa học vừa làm, nhờ đó kỹ năng của ông tiến bộ hết sức nhanh chóng. Có thể nói, ông tự dạy bản thân về sáng tác, chuyện kể rằng ông từng đi bộ hơn 30 dặm tới tận Hamburg mỗi tuần chỉ để được nghe nhạc công organ danh tiếng Reinken chơi đàn. 

Về sau, Bach chuyển đến Weimar sống khổ cực trong vòng chín năm trời, chính khoảng thời gian này ông đã cho ra đời các tác phẩm organ và fugue xuất sắc nhất của mình. Sau khi đã thấm nhuần kỹ năng của các bậc thầy đi trước của Đức như Buxtehude và Reinken, Bach chuyển sang nghiên cứu về các nhà soạn nhạc người Italia, đặc biệt là Vivaldi. Từ bắt chước và chuyển soạn tác phẩm, Bach đã học hỏi các giai điệu súc tích và âm tiết dồi dào năng lượng của âm nhạc Italia để kết hợp với sắc thái trầm tối của âm nhạc Đức. Sau đó, ông cũng nghiên cứu và học hỏi theo cách thức tương tự từ các nhà soạn nhạc Pháp. 

Bach sống yên ổn tại Weimar được một thời gian rồi chuyển tới Cothen và làm việc dưới sự chỉ định của Hoàng tử Leopold. Trong sáu năm tại đây, Bach tập trung vào viết các tác phẩm thế tục phù hợp cho các buổi tụ họp của giới quý tộc như các tác phẩm thính phòng, concerto cho nhiều nhạc cụ, các tác phẩm cho đàn phím, bao gồm tập đầu tiên của bộ Bình Quân Luật danh tiếng và các ứng tấu Invention xuất chúng, vốn là bài tập nhạc cho các con của ông. Gia đình Bach rất đông đúc, ông có 20 người con nên việc kiếm tiền nuôi gia đình ngày một vất vả. Người vợ cả của Bach qua đời sau khi để lại cho ông bảy đứa trẻ. Người vợ thứ hai của ông là Anna Magdalena vốn là con một nhạc công trumpet trong thị trấn, về sau rất nhiều bản thảo của Bach đều có chữ viết của bà. Gia đình ông toàn bộ đều tập trung vào âm nhạc. Các con và vợ ông làm việc như các trợ lý và thư ký. Người con thứ ba của ông là C.P.E. Bach kể lại rằng gia đình mình lúc nào cũng ồn ã như tổ ong với người cha không ngừng giảng nhạc, mẹ và các đứa trẻ tập luyện không ngừng và rằng ngày nào cũng có hòa nhạc trong cái gia đình đông đến mức nhốn nháo. Sau khi kết hôn với người vợ thứ hai, Bach chuyển đến nhà thờ St. Thomas tại Leipzig và làm việc tại đây tới cuối đời. Nếu xét theo tiêu chuẩn ngày nay thì cuộc sống của Bach khi ấy chẳng khác mấy nô lệ. Gia đình ông sống trong vài căn phòng ngay cạnh ngôi trường của nhà thờ. Ông không được rời thị trấn mà không có sự cho phép của nhà thờ. Điều kiện sống ở đây tệ đến mức sáu trong số tám người con ra đời ở Leipzig bị chết yểu. Tuy nhiên, nếu so với các vị trí trước đây, Bach được trả lương khá hậu hĩnh. Vào thời đó, hầu hết các tác phẩm được trình diễn là tác phẩm mới hoàn toàn và chỉ được trình diễn có một hoặc hai lần, sau đó cần có tác phẩm khác thay thể. Bởi vậy, là người điều khiển hợp xướng nhà thờ, Bach có thêm vô số cơ hội soạn nhạc, trình diễn và thể nghiệm ý tưởng của mình.

Trong thập kỷ đầu tiên tại Leipzig, Bach đã cho ra đời một khối lượng khổng lồ các tác phẩm, bao gồm 265 trên tổng số 295 các cantata (mỗi bản dài 20 phút), năm bản Mass (nhạc lễ cầu siêu), sáu bản Motet (đoản khúc), bốn bản Passion (bài thương khó), ba bản Otatorio (thanh xướng kịch), vài tá tác phẩm organ và cho đàn phím như phần hai của bộ Bình Quân Luật danh tiếng, các tác phẩm cho nhiều nhạc cụ khác, vài trăm bản hòa âm thánh ca, chưa kể hằng ngày Bach còn phải thực hiện các nghĩa vụ âm nhạc với nhà thờ, gia đình cũng như các lớp dạy tư. 

Nguồn năng lượng sáng tạo diệu kỳ ấy của Bach thể hiện rõ trong từng tác phẩm, qua những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện âm nhạc thánh đường tại nhà thờ nơi ông làm việc, cách ông dùng những nét hoa mỹ (các nốt trang trí nhanh vốn là đặc trưng của giai điệu thời Baroque) thay vì dùng những ký hiệu tốc ký. Nhờ đó, Bach có thể yêu cầu nhạc công trình diễn các kỹ thuật điểm xuyết chính xác theo ý mình, dù điều đó khiến ông tốn thêm nhiều thời gian viết nhạc. Bach dùng đến rất nhiều những hợp âm phóng chuỗi (sequence) tiêu chuẩn và giai điệu theo công thức của thời bấy giờ. Nhưng trong khi hầu hết các nhà soạn nhạc cùng thời chỉ áp dụng chúng một cách máy móc và dập khuôn, Bach lại thường tìm tòi ra những cách thức kết hợp mới lạ để đem lại giá trị dài lâu cho chúng. Vì vậy có đến 50% tác phẩm của Bach hiện vẫn không ngừng được biểu diễn, thu âm.  

Dù là người xuất chúng nhất trong giới âm nhạc ở Leipzig thời bấy giờ, những tác phẩm âm nhạc của Bach gần như chẳng được công chúng biết đến vì chúng ít được trình diễn trong gần một thế kỷ sau khi ông qua đời. May thay, các con của Bach đã có đóng góp đáng kể trong việc gìn giữ các tác phẩm của cha mình. Nhiều nhạc sỹ lớn đã chịu ảnh hưởng của Bach. Người ta kể rằng Beethoven còn giữ một tấm hình chân dung Bach trên bàn làm việc của ông. Mozart cũng tự nhận là học hỏi rất nhiều từ bốn người con trai nổi tiếng nhất của Bach. Haydn từng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bản Mass Si Giáng thứ của Bach. Mendelssohn chính là người đã khôi phục lại bản Passion St. Matthew của Bach vào năm 1829 để cả thế giới âm nhạc biết đến tuyệt phẩm ấy. Cho nên, thực là không chính xác khi nói rằng Bach hoàn toàn bị lãng quên trong một thời gian dài.

Bach qua đời vào ngày 28/7/1750, ông được chôn ở nhà thờ St. John tại Leipzig trong một ngôi mộ không đánh dấu như một bề tôi vô danh của Chúa. Năm 1850, tổ chức Bach Society được thành lập với mục đích thu thập và gìn giữ các tác phẩm của Bach để người đời sau biết đến sự vĩ đại và tầm ảnh hưởng của ông.

Ngu
ồn: Nemo - Tia Sáng

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VĂN CAO

    Sau triển lãm Duy nhất 1944 (Salon Unique), tôi về một căn gác hẹp đầu phố  Nguyễn Thượng Hiền.

  • TRƯƠNG QUANG LỤC  

    Lần đầu tiên tôi quen biết nhạc sĩ Tôn Thất Lập là tại thành phố Hồ Chí Minh sau ngày thống nhất đất nước. 

  • DƯƠNG BÍCH HÀ

    Miền núi phía Tây Bắc huyện Minh Hóa ở Quảng Bình có nhiều nhóm tộc người cùng sinh sống như nhóm người Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, A Rem (gọi chung là tộc người Chứt), và tộc người Nguồn (trước kia gọi là người bản địa Kẻ Sạt, Kẻ Xét, Kẻ Trem, Kẻ Pôộc bộ Việt Thường, nước Văn Lang).

  • TRÀ AN    

    Người ta gọi Trịnh Công Sơn là Sứ giả tình yêu, Kẻ du ca về phận người, hay Người tình mọi thế hệ… nhưng có lẽ với tên gọi mà nhạc sĩ Văn Cao đặc biệt yêu mến dành tặng ông: “Con người thi ca” thì chức danh ấy phù hợp hơn cả.

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG  

    I. Vài nét về dân ca Tà Ôi
    Trong hệ thống phân loại, dân ca Tà Ôi có đến 9 làn điệu gồm: Cà lơi, Ba bói, Cha chấp, Xiềng, Ân tói, Babởq, Ra rọi, Roin, Ru akay. Mỗi làn điệu đều có những quy định, cách thức thể hiện khác nhau.

  • Hoàng Nguyễn hiện là giảng viên thanh nhạc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Anh bước vào nghề hát từ năm 1968. Từ 1973 đến 1978 học thanh nhạc Nhạc Viện Hà Nội, sau đó chuyển về giảng dạy ở trường âm nhạc Huế. Năm 1981 đến 1985 học thanh nhạc tại Bungari. Với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, Hoàng Nguyễn đã góp phần quan trọng vào thành công buổi trình diễn thanh nhạc Thính phòng đầu tiên tại Hội văn nghệ Thừa Thiên - Huế.

  • NGUYÊN CÔNG HẢO  

    Sau Đại hội tháng 01 năm 2013, vừa ổn định xong công việc tôi được nhạc sĩ Nguyễn Trung, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc của tỉnh Bắc Ninh mời đi dự chương trình Liên hoan âm nhạc các tỉnh, thành phố kết nghĩa tại thành phố Huế vào tháng 4 năm 2013.

  • NGUYỄN XUÂN HOA

    Tại Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương (Forum of Asian and Pacific Performing Art) năm 1996 ở Hyogo, Nhật Bản, những nhạc công Nhã nhạc Huế đã có các buổi giao lưu, cùng biểu diễn với Nhã nhạc Nhật Bản; đồng thời một số nhà nghiên cứu Nhã nhạc của hai nước cũng đã có dịp trao đổi về mối quan hệ giữa Nhã nhạc Á Đông (Gagakư Nhật Bản, Ahak Hàn Quốc, Yayue Trung Hoa và Nhã nhạc Việt Nam).

  • Thất lạc suốt 150 năm - và bị hiểu lầm là tác phẩm của em trai bà – một bản nhạc táo bạo và phức tạp của Fanny Mendelssohn mới đây đã nhận được sự chú ý xứng đáng dù muộn màng. Hậu duệ cách bà sáu thế hệ kể lại câu chuyện.

  • Theo thông tin mới nhận được từ phía Cục NTBD, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chính thức được cấp phép lưu hành và phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.

  • Gần 1 tháng, sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có công văn yêu cầu tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, công chúng yêu nhạc vẫn chưa hết băn khoăn. Mới đây, việc tìm thấy bản gốc ca khúc “Con đường xưa em đi” lại càng khiến dư luận băn khoăn hơn: Mất bao lâu để nhà quản lý hoàn tất việc đối chiếu giữa bản gốc và dị bản của ca khúc? Sau sự việc này, việc xác minh dị bản ca khúc nói chung sẽ được thực hiện ra sao?

  • Bà Kha Thị Đàng - vợ cố nhạc sỹ Châu Kỳ đã bật mí về con đường mòn xuyên qua một cánh đồng lúa mà bà cho rằng chính con đường này đã tạo cảm hứng cho chồng bà và nhà thơ Hồ Đình Phương viết lên ca khúc “Con đường xưa em đi”.

  • Nói đến văn hóa Quảng Bình, không thể không nhắc đến hò khoan Lệ Thủy. Với lối hát dung dị, mộc mạc và gần gũi, làn điệu dân ca này là món ăn tinh thần bao đời nay của người dân nơi đây. Những ngày qua, hò khoan Lệ Thủy đã vang lên giữa Thủ đô, tạo điểm nhấn trong chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”.

  • Vừa qua UNESCO đã chính thức ghi danh công nhận di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

  • Từng đứng trước nguy cơ mai một, nhưng giờ đây, những làn điệu Then không chỉ đã dần tìm lại được chỗ đứng của mình mà còn đang trên hành trình trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Đó chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các cấp, chính quyền và các nghệ nhân, những người tâm huyết với Then.

     

  • Erik Satie (1866-1925) được các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc ngợi ca vì đã có công mở đường tới chủ nghĩa tối giản trong âm nhạc cổ điển từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

  • Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn giải thích việc gửi văn bản gửi Sở VH-TT TP HCM yêu cầu tạm dừng lưu hành 5 bài hát đã cấp phép phổ biến để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan.