Huế và con đường đi đến đô thị sinh thái

08:30 29/04/2011
Theo định hướng phát triển hiện nay, Huế sẽ là đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân giữ vai trò động lực cho Thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
Vậy nhưng, mô hình mà Thừa Thiên Huế đang hướng đến là mô hình đô thị sinh thái, có nghĩa là Huế vẫn phải giữ vai trò đầu tàu, là hạt nhân chủ đạo thúc đẩy toàn tỉnh theo hướng phát triển này.

Đô thị sinh thái một xu hướng tất yếu


Trải qua thực tiễn phát triển, có thể thấy mô hình đô thị đơn tâm trên thế giới đã trở nên lạc hậu, bộc lộ quá nhiều bất cập: ở đó thu nhập của đại đa số dân cư tăng theo thời gian nhưng chất lượng cuộc sống lại không tăng tương ứng, tình trạng bất bình đẳng cũng sẽ diễn ra bởi thường thì sự khá giả chỉ xuất hiện ở khu vực trung tâm, còn vùng ven thì lại là hình ảnh khá tương phản với bộ mặt nhếch nhác, nghèo nàn, ô nhiễm… là biểu hiện của sự kém phát triển. Ở đô thị đơn tâm, mọi thứ đều bị dồn nén trong một không gian được giới hạn và với sức ép từ bên trong theo thời gian ngày càng lớn khiến cho đô thị tất yếu trở nên chật chội, quá tải. 

Chính vào lúc thế giới đối mặt với nguy cơ từ biến đổi khí hậu và quá nhiều hệ lụy từ đô thị nén, một mô hình mới văn minh đã bắt đầu nhận được sự quan tâm và trở thành xu thế của nhân loại, đó là mô hình đô thị đa tâm. Đây là một mô hình mà các gánh nặng được chia sẻ, không gian đô thị có thể được giãn nở đến hàng nghìn km2, các ranh giới đô thị không bị đóng khung gò bó hay phân biệt rạch ròi giữa vùng nội và ngoại thị. Lúc đó các yếu tố thiên nhiên xuất hiện và giữ vai trò như là những gạch nối giữa các đô thị. Núi đồi, sông suối, đầm phá, ruộng đồng… sẽ là nơi giải phóng năng lượng cho các khối công trình với bê tông, sắt thép ở vùng lõi của các đô thị và giúp cho chúng đạt được sự cân bằng.

Mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị sinh thái có thể nói là xu thế tất yếu của phát triển. Chúng ta có những khó khăn của người đi tiên phong khi mà ở Việt Nam chưa có một mô hình nào tương tự trước đây, nhưng bên cạnh đó, thuận lợi cũng không ít bởi đã hội đủ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thực hiện mục tiêu này, đó là thiên nhiên ưu đãi chúng ta về sự đa dạng và phong phú. Ở một mức độ nào đó, sự phân chia các vùng đô thị hiện có dù được hình thành một cách tự nhiên nhưng lại định hình sẵn một chuỗi các đô thị có chức năng riêng, phân bố hợp lý… Đó chính là thành phố Huế ở vị trí Trung tâm với vai trò đô thị động lực nhưng không chú trọng quá về công nghiệp; là Bình Điền - Tứ Hạ - Hương Thủy - Thuận An, các đô thị vệ tinh với các thế mạnh riêng và đáng nói là Chân Mây - Lăng Cô ở đầu mối giao thương, hoàn toàn có thể là đô thị mang tính chất đối trọng với nhiều tiềm năng, trong đó có thể kể đến vận tải biển, công nghiệp và dịch vụ công nghiệp. Ngoài ra, chúng ta cũng có lợi thế khi mục tiêu phát triển có sự hậu thuẫn từ TW đến địa phương và nhất là được xác định ngay từ ban đầu chứ không phải cố gắng để thay đổi, điều chỉnh từ hiện trạng đô thị đơn tâm như một số thành phố lớn ở nước ta hiện nay.

Cần gì cho Thành phố sinh thái Huế

Với tính chất là một cố đô văn hóa, Huế bản thân chưa bao giờ là một thành phố công nghiệp, nói cách khác chưa bao giờ được định hướng theo kiểu đô thị đơn tâm hay là một siêu đô thị. Lợi thế mà Huế đang sở hữu là có sẵn nhiều nhân tố của một đô thị sinh thái thu nhỏ. Những yếu tố cảnh quan thiên nhiên sẵn có hay từ bàn tay sáng tạo của con người như sông núi, ao hồ, cây cối… đã có tác dụng hạn chế những tác động tiêu cực của lối sống công nghiệp, nảy sinh từ quá trình đô thị hóa. Ở đây cũng đã và đang hiện hữu nhiều vùng đệm, con sông Hương chính là vùng đệm đặc thù để tạo nên sự khác biệt rõ nét giữa khu vực Bắc và Nam, hay như khu vực phía Tây Nam với yếu tố địa hình, nhiều rừng cây, núi đồi đã tạo nên sự phân cách giữa hai thế giới mà trước đây ông ta gọi là “âm phần” và “dương phần”. Và nay là một khái niệm mới phân biệt giữa không gian “tĩnh” để thư giãn, nuôi dưỡng tinh thần và không gian “động” với nhiều hoạt động dịch vụ, kinh doanh, thương mại. Ngoài ra, chúng ta còn có những một số không gian phụ cận rất lý tưởng như khu vực Đông Nam chẳng hạn. Với vị trí gần biển và các trục giao thông chính, hoàn toàn có thể xây dựng trở thành một cụm đô thị mới cực kỳ hiện đại, thể hiện được xu thế phát triển mở mang tính thời đại.

Vậy nhưng đó chỉ là những tiền đề cơ bản trên con đường xây dựng thành phố sinh thái. Bởi tiêu chí của thành phố sinh thái không đơn giản là những gì mà chúng ta đang thấy. Chúng ta có màu xanh nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ, đó là chưa kể nỗ lực xanh hóa thành phố vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển, chính điều đó đã khiến cho thành phố đang dần đánh mất sự tự điều chỉnh, sự tự cân bằng mà vốn dĩ một thành phố sinh thái đúng nghĩa cần phải có. Rõ hơn, chúng ta chưa có được hệ thống xử lý hiệu quả để hạn chế ô nhiễm. Thực tế, hệ thống xử lý rác của thành phố chỉ dừng lại ở mức độ chôn lấp, trong khi đó với một thành phố sinh thái, xử lý rác đòi hỏi ở mức độ cao hơn đó là tái chế, không những thế còn là tái chế ở mức độ cao. Đối với hệ thống xử lý nước mặn và đặc biệt là nước thải, hiện nay hạ tầng của chúng ta chưa đồng bộ, nước thải vẫn chưa được xử lý mà chảy thẳng ra sông, hồ… Chúng ta đang xúc tiến tái thiết hệ thống thủy đạo đồng thời xúc tiến dự án cải thiện môi trường nước vay vốn ODA, trong đó có hạng mục quan trọng là xây dựng hệ thống xử lý nước thải khép kín và chỉ khi nào công trình này hoàn thành, chấm dứt tình trạng xả thải ra môi trường thì lúc đó mới cộng thêm được một tiêu chí của Thành phố sinh thái.

Với mục tiêu phát triển đô thị sinh thái, trong tương lai Huế sẽ được chia sẻ nhiều gánh nặng, nhất là áp lực về sự gia tăng dân số. Để xây dựng Thành phố sinh thái, bài toán về dân số cũng cần được đề cập một cách nghiêm túc. Ở đây, quy hoạch chính là một công cụ hữu hiệu giữ vai trò then chốt. Quy hoạch nghĩa là phải xác định rõ các khu chức năng của đô thị và bố trí một cách khoa học và hợp lý dựa trên tổng hòa các mối quan hệ. Chẳng hạn các khu dân cư phải phân bố đều không nên co cụm, dồn nén vào một khu vực cụ thể nào đó, đặc biệt là khu trung tâm bởi nếu điều ấy xảy ra, chúng ta khó mà giải quyết tốt bài toán về giao thông, cũng như những nhu cầu xã hội khác của người dân. Có một nguyên tắc được đặt ra là quy hoạch phải phân tách rõ nhiều loại đất sử dụng. Do không quá đặt nặng vấn đề giải quyết quỹ đất ở nên có thể dành một diện tích đủ lớn để phát triển các khu vực cho không gian công cộng: cây xanh, mặt nước, các công trình phúc lợi, các công trình giao thông tĩnh và động phục vụ việc đi lại. Đơn cử như dự án tái định cư dân vạn đò và tới đây là dân khu vực hộ thành hào, thượng thành, khu vực di tích trong nội thành chính là một giải pháp khả dĩ để dãn dân và giải quyết một phần những bức xúc về giao thông, cũng như phúc lợi xã hội ở khu vực này. Nếu quy hoạch các đô thị chứa đựng tầm nhìn xa, được tính toán dựa trên nguyên lý khoa học thì sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề bức thiết tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người như giao thông đi lại đạt đến độ tiện nghi, hướng lấy gió, ánh sáng… theo đúng nguyên lý phong thủy phương Đông và khoa học của phương Tây, giúp cải thiện đáng kể việc tiết kiệm năng lượng và đem đến yếu tố bền vững.

Thành phố sinh thái tràn ngập yếu tố thiên nhiên nhưng thực chất đó là thành phố cực kỳ hiện đại, với hệ thống hạ tầng đạt đến sự tiện nghi hoàn hảo. Riêng với lĩnh vực giao thông, nó không nhất thiết là đường phải dài và rộng bởi một khi được bố trí các khu chức năng hợp lý thì các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, xe ô tô sẽ được hạn chế đến mức tối đa, thay vào đó là phương tiện vận tải công cộng theo tiêu chí xanh và đặc biệt là sự trở lại của loại phương tiện thân thiện là xe đạp và thậm chí là khuyến khích đi bộ. Bên cạnh đó, thành phố sinh thái sẽ có sự hiện diện của nhiều công trình dán “nhãn” sinh thái. Nghĩa là sử dụng phương pháp xây dựng, vật liệu, công nghệ vận hành thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và xa hơn nữa, bản thân chúng có thể giải quyết được những nhu cầu tự thân của chính nó như vấn đề năng lượng và rác thải.

Có thể nói, khác với các đô thị đơn tâm - độc lập, một thành phố sinh thái là thành phố phải nhìn trên góc độ tổng thể, quản lý cũng phải được thực hiện một cách tổng thể. Sự đầu tư phải đúng mục đích nhưng không thể có chuyện quá ưu tiên cho một khu vực cụ thể mà bỏ quên những khu vực khác. Bởi như thế có khi những hệ lụy của nơi này có thể tác động trực tiếp đến nơi khác. Chẳng hạn, thành phố Huế khó mà giải quyết tốt tất cả những vấn đề nội sinh của nó nếu như không có sự chia sẻ, hỗ trợ của các khu vực, các đô thị khác. Một khu vực gần hạ lưu các con sông như Huế chỉ có thể giải quyết được vấn đề ngập lũ, ô nhiễm… nếu như việc xây dựng các con đập ở thượng lưu được cân nhắc, tính toán khoa học và hợp lý, và một khi chúng đã được hình thành thì chuyện quản lý vận hành lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để giải quyết một cách dung hòa những vấn đề của thành phố trong tương lai.

QUANG PHONG 
(266/4-11)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Nhiều biểu hiện cho thấy nhận thức của xã hội đối với sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Người dân chưa hình thành ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại.

  • Tăng mức giảm giá sách lên tới 80% và không hạn chế số lượng ngày được giảm giá trong năm là những kiến nghị mà Hội Xuất bản VN vừa gửi lên Bộ Công thương.

  • Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, lễ hội nói chung và lễ hội dân gian nói riêng là những sản phẩm tinh thần đặc biệt, đáp ứng nhu cầu văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bên cạnh những hiệu quả, những năm qua việc tổ chức và hoạt động lễ hội bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập.

  • Cho rằng lễ Vu lan dần trở nên vững bền, sâu sắc hơn trong văn hóa Việt, tuy nhiên nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trao đổi với Tiền Phong rằng cần xem lại nếu các nghi lễ đó quá trọng hình thức, tổ chức tràn lan theo phong trào.

  • Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 vừa chính thức bế mạc bằng lễ trao giải, tại Thanh Hóa. Theo đó, BTC đã trao 23 HCV, 20 HCB và 2 giải diễn viên trẻ triển vọng là Dương Thị Mai Linh (Nhà hát Chèo Nam Định), Nguyễn Đoàn Thiên Sinh (Nhà hát Chèo Ninh Bình).

  • Bản quyền, quyền tác giả, thẩm định thật giả đối với tác phẩm nghệ thuật… lại là vấn đề nóng trong dư luận những ngày qua.

  • “Đã qua rồi cái thời ca sĩ phải lệ thuộc quá nhiều vào ngoại hình và kể cả danh xưng. Nhiều giọng ca nổi tiếng, trụ được lại đến giờ ở ta, thử hỏi mấy ai mạnh về sắc vóc. Cuối cùng thì thời gian vẫn luôn đưa ra câu trả lời công tâm nhất cho những chân giá trị” - NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chia sẻ, trước đêm nhạc “Danh ca Việt Nam” tôn vinh 4 giọng ca nam thuộc 4 dòng nhạc (diễn ra tối 16.7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội).

  • Theo một số chuyên gia văn hóa, cần xem xét lễ hội chọi trâu dưới nhiều góc độ: văn hóa, du lịch, kinh tế... để có cách ứng xử hợp lý.

  • Hơn 90% người đến tham dự buổi nói chuyện “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” là thanh niên. Theo Ths Tâm lý học Nguyễn Lan Anh: đó là tín hiệu đáng mừng!

  • Việt Nam có nguồn lực văn hóa dồi dào, với các di sản vật thể và phi vật thể đa dạng. Nếu có chính sách hợp lý, chúng ta có thể đưa văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển hài hòa và bền vững.

  • "Chúng ta được hứa hẹn về một xã hội hoàn hảo, nhưng rồi chỉ nhận lại những trò chơi khăm, tin tức giả và một sự sụp đổ rõ ràng của sự lịch thiệp." Đó là một trong những nhận định thú vị được nêu ra tại bài viết của cây bút Josh Quittner, Giám đốc biên tập của trang tin Flipboard.

  • Suốt hơn 2 tháng qua, chuyện cấp phép biểu diễn ca khúc là đề tài nóng của công luận. Đặc biệt hơn sau sự việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) mới đây cập nhật danh sách hơn 300 bài hát thuộc diện được phổ biến rộng rãi, trong đó có nhiều ca khúc cách mạng đã thành giai điệu nằm lòng của nhiều thế hệ khán giả, thì câu chuyện quản lý cấp phép đã làm “nóng” cả hành lang nghị trường.

  • Việc làm của Cục Nghệ thuật biểu diễn tạo ra bức xúc không đáng, làm tổn thương dư luận - đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng nhận định.

  • HẠ NGUYÊN

    Câu chuyện dưới đây không hề là của trí tưởng tượng của bất kỳ cây bút hậu hiện đại nào bởi vì nó có thực.

  • Cộng đồng mạng đang dấy lên làn sóng tranh luận về văn hóa thưởng thức nghệ thuật - giải trí của khán giả, khi gần đây liên tục nhiều nghệ sĩ bị ném đồ vật lên sân khấu trong lúc đang biểu diễn.

  • Thời gian qua, vụ việc nữ sinh Phương Anh, học sinh trường THPT Phan Bội Châu (TP. Vinh, Nghệ An) tố cáo giám thị chép bài đưa cho thí sinh trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

  • Cơ quan nọ mời một tiến sĩ đến nói chuyện với cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần nâng cao nghiêp vụ. Đó là người nổi tiếng trong một lĩnh vực, được rất nhiều nơi mời lên lớp, diễn thuyết.

  • Băn khoăn quanh việc 5 ca khúc sáng tác trước 1975 bị cấm lưu hành còn chưa có hồi kết, thì vừa mới đây dư luận lại thêm một lần ngạc nhiên đến… không tin nổi vì ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lâu nay chưa được cấp phép phổ biến. Sự ngạc nhiên ấy hoàn toàn có cơ sở bởi ca khúc này hiện đang được sử dụng trong chương trình SGK môn Âm nhạc lớp 9 - bậc THCS. Và khi dư luận ồn ào thì ca khúc lại được cấp phép biểu diễn.

  • Nhà văn Bùi Anh Tấn nổi tiếng hiền lành, ai nói gì ông thường cười cho qua. Thế nhưng mới đây, tác giả Một thế giới không có đàn bà đã tỏ rõ sự bực bội vì chuyện nhuận bút.

  • Thuở hàn vi, nhà sử học, nhà văn Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) “túi rỗng bếp lạnh”, “một đồng tiền cũng chẳng dính tay” có viết Bài văn trách ma nghèo tuyệt hay.