NGUYỄN ĐẮC XUÂN
LTS: Thời Pháp thuộc cũng như thời tạm chiếm, những “thượng khách” đến du lịch Huế thường được bà công chúa Lương Linh (con gái thứ 19 của vua Thành Thái và là em út của vua Duy Tân) hướng dẫn.
Công chúa Lương Linh - Ảnh: gactholoc.net
Chỉ lưu lại Huế một vài ngày hay thậm chí chỉ tranh thủ đi tham quan di tích lịch sử Huế trong một vài giờ, thế mà nhiều khách quốc tế không thể quên được những kỷ niệm sâu sắc ở Huế: Sụ “hấp dẫn” của Huế đối với họ một phần nhờ nghệ thuật hướng dẫn của bà Lương Linh. Đến nay nhiều người đã về hưu, nhưng vẫn còn liên lạc thư từ với bà để cám ơn “người hướng dẫn” đã giúp họ có được những “kỷ niệm Huế” đẹp đẽ. Chúng tôi quan niệm vai trò “người hướng dẫn du lịch” đối với các di tích lịch sử giống như người diễn đối với vở kịch. Người hướng dẫn giỏi cũng là một “nghệ sĩ”. Dưới đây là bài phỏng vấn bà Lương Linh do nhà văn Nguyễn Đắc Xuân thực hiện.
NĐX: Thưa bà, bà xuất thân trong một gia đình Hoàng tộc có cha và anh đều làm vua, sao bà lại chọn đi làm nghề hướng dẫn du lịch phục vụ cho khắp “bá tánh”?
Bà Lương Linh: Cha và anh tôi làm vua, nhưng đều là những ông vua “ăn lương” của Pháp, cũng không sung sướng gì. Khi hai Ngài nối tiếp nhau có hành động chống Pháp rồi bị đày, gia đình chúng tôi bị Pháp đưa lên an trí ở khu An lăng, lúc ấy tôi có khác gì một người dân đâu. Về làm dân thế thì tôi cũng phải có một cái nghề để sống chứ không thôi lấy gì mà ăn!
NĐX: Nhưng tại sao bà lại làm hướng dẫn du lịch mà không làm một nghề khác như dạy học, làm thầy thuốc, kinh doanh buôn bán?
Bà Lương Linh: Chuyện vì sao tôi làm hướng đẫn du lịch thì hơi dài dòng. Tôi xin kể vài nét sơ lược để anh rõ: Như anh đã biết cha và anh tôi có chủ trương chống Pháp, nhưng chủ trương phải học tiếng Pháp cho thật giỏi đề lấy văn minh, văn hóa Pháp mà giúp cho việc duy tân đất nước. Do đó mà anh chị em chúng tôi lúc ở trong Nội cũng như khi bị an trí ở An Lăng đều chăm chỉ học tiếng Pháp. Năm 1927 tôi vào Đà Nẵng thi và đậu Brevet Élémentaire (1). Nghe tôi nói tiếng Pháp hay, Toà Khâm bổ tôi làm điện thoại viên (dame téléphoniste). Làm cái nghề nầy rất phiền, cha chài chú chóp đâu ở bên kia đầu dây không biết, hễ nhấc ống nghe lên nghe mình trả lời không kịp là la ó phẫn nộ bỏ máy xuống ngay. Vì thế khi toàn quyền Va-ren vào Huế biết tôi là một bà chúa em ông vua yêu nước Duy Tân mà phải làm cái nghề ai mắng mỏ mình cũng được như thế là hạ thấp cái giá trị của một bà chúa quá thể, Va-ren bèn can thiệp chuyển đổi tôi về làm Dame bibliothécaire(2) bên cạnh ông N.Đ.N. Ở đây tôi có điều kiện đọc những sách sử viết về Huế. Những kiến thức mới thu nhận được đã giúp cho tôi hiểu về những sự tích cung điện lăng tẩm đài các của ông cha mà tôi đã được gần gũi lúc thiếu thời. Mỗi lần có “quốc khách” hoặc các sứ thần đến Huế, Toà Khâm hay nhờ tôi đi hướng dẫn. Họ khoe với khách là đã “sử dụng” được một người em của ông vua đã từng khởi nghĩa chống Pháp. Tôi biết mình bị lợi dụng nhưng vì miếng cơm manh áo làm sao từ chối được. Tôi được “tín nhiệm” sau vài lần đi hướng dẫn rồi tui đó họ chuyển tôi qua Phòng du lịch (cũng đặt ngay trong khu vực tòa Khâm). Cuộc đời làm hướng dẫn viên du lịch của tôi bắt đầu từ đó!
NĐX: Xin bà cho biết “cuộc đời” làm hướng dẫn viên du lịch” của bà được bao nhiêu năm?
Bà Lương Linh: Từ sau ngày tôi ra trường một vài năm (khoảng 1928) mãi cho đến ngày giải phóng 1975. Nhưng không phải trong vòng gần nửa thế kỷ tôi ở mãi một nơi mà trải qua nhiều giai đoạn: lúc đầu làm cho Pháp sau làm cho Chính phủ Nam Triều (thời Bảo Đại) và cuối cùng làm cho Phòng du lịch Huế.
NĐX: Chính phủ Nam Triều có cơ quan du lịch sao thưa bà?
Bà Lương Linh: Nam Triều không có cơ quan du lịch nhưng có Uỷ ban Lăng Điện. Như có lần tôi đã kể với anh, ông Bảo Đại có Phạm Bích (con ông Phạm Quỳnh) làm thư ký, bà Nam Phương có Nguyễn Tiến Lãng làm bí thư và bà Từ Cung (thân mẫu của Bảo Đại) nhờ tôi giúp cho bà việc đối ngoại. Công việc “đối ngoại” này thường là nói chuyện về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, những câu chuyện về nhà Nguyễn, mỗi lần có “quốc khách” đến thăm mẹ vua. Việc đó còn nặng hơn cả việc hướng dẫn du lịch, đứng trước các “quốc khách” người hướng dẫn du lịch có sứ mệnh như một nhà ngoại giao văn hoá. Khách kính trọng hay xem thường lịch sử văn minh văn hóa của nước mình chính là vào lúc nầy đây. Ngày nay không rõ các anh các chị làm hướng dẫn du lịch có thấy như thế không?)!
NĐX: Thưa bà, bà cho biết những đặc điểm của những người khách mà bà đã hướng dẫn?
Bà Lương Linh: Những sứ thần, các vị nguyên thủ quốc gia (thường có cả vợ con đi theo) Âu, Á, Phi đều có.
NĐX: Thưa bà, bà đã hướng dẫn nhiều, xin bà cho biết khách quốc tế họ thích Huế về những điểm gì?
Bà Lương Linh: Cũng như ngày nay, khách quốc tế họ thích đến Huế để thưởng ngoạn một thành phố cổ còn giữ được cái quốc hồn quốc túy của một nước mà họ chưa biết hay biết mà chưa biết kỹ. Đặt biệt cái thành phố cổ nầy lại đặt trên đôi bờ sông Hương mơ mộng êm đềm hiếm thấy trên thế giới. Ngày nay các di tích đã bị chiến tranh và con người phá phách làm hư hại nhiều mà người ta còn thích đến như thế huống hồ ngày xưa trong Nội còn có ông vua, mọi kỷ cương trật tự xã hội ở những nơi thuộc về vua còn nguyên vẹn sạch sẽ tươm tất thì Huế đã hấp dẫn biết đến chừng nào. Nhưng tất cả những di tích, thắng cảnh đều là những vật vô tri vô giác. Muốn cho viên gạch biết nói cần phải nhờ đến tài nghệ của người hướng dẫn du lịch!
NĐX: Theo bà thì một người hướng dẫn du lịch cần phải chú ý đến những điểm gì?
Bà Lương Linh: Mỗi người hướng dẫn du lịch giỏi đều có một hoàn cảnh, một nghệ thuật riêng người nầy khó bắt chước người kia. Nhưng nói chung muốn thành công tôi thường lưu ý:
- Phải có một trình độ văn hóa nghệ thuật lịch sử cao về vùng mình hướng dẫn. Trình độ đó không phải chỉ lồng trong nội dung lời thuyết minh mà phải thể hiện trên áo quần, nét mặt, cử chỉ, lời ăn tiếng nói;
- Phải giữ cái gốc của nền văn hóa dân tộc, người khách rất bực mình khi thấy mình bắt chước họ hoặc lai căng một nước khác. Họ đến Huế để nghe, thấy, thưởng thức những gì của Huế chứ không phải của vùng khác (mặc dù vùng khác đó có trình độ cao hơn, ví dụ khách nghe rất chối tai tiếng nói pha Bắc hoặc pha Nam). Nói là giữ cái gốc Huế nhưng phải ở trình độ cao nhất chứ không phải thô thiển, mộc mạc đến quê mùa cái “nhà” nói là cái “già”;
- Mình muốn khách tôn trọng, quý chuộng cha ông mình thì trước hết mình phải tỏ cho khách thấy mình rất tôn trọng, quý chuộng cha ông của mình. Tôi thấy có lần một người khách ngoại quốc đã nhắc người hướng dẫn du lịch của mình hãy lấy cái nón lá trên đầu xuống và cúi đầu trước cái áng thờ vua trong Thế Miếu.
- Phải linh hoạt trong việc hướng dẫn. Tuỳ trình độ, nghề nghiệp, sở thích của khách mà thuyết minh. Ngoài việc giới thiệu di tích nếu có thể kể thêm vài mẫu chuyện lịch sử có liên quan đến di tích để khách nhớ được lâu, như “Chuyện cũ cố đô” của anh vậy;
-Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào người hướng dẫn du lịch cũng phải tôn trọng sự thật. Nếu không nói được sự thật thì thôi, tuyệt đối không được bịa một cách tùy tiện. Chuyện bịa là không thực nên nó có thể không ăn khớp với lịch sử và biết đâu nó sẽ mâu thuẫn với ngay những điều mình đang nói. Người nghe biết mình bịa họ sẽ nghi ngờ đến những gì rất thực mình đã và sẽ trình bày. Hướng dẫn như thế sẽ thất bại, có hại cho dân tộc mình.
NĐX: Làm hướng dẫn du lịch gần nửa thế kỷ xin bà kể cho nghe những vui buồn trong nghề nầy?
Bà Lương Linh: Làm nghề gì cũng phải thấy thích thú, vui thì mới say sưa đeo đuổi được. Nhưng ở đời có niềm vui nào mà không ướt nước mắt đâu. Riêng về nghề hướng dẫn du lịch tôi thấy vui nhiều hơn buồn. Tôi vui là được giới thiệu cai văn minh văn hóa của ông cha mình với người ta, vui được học tập để mở rộng sự hiểu biết nâng cao trình độ hướng dẫn, vui là được sống trong môi trường có trình độ văn hóa cao nhất. Hơn nữa trong lúc mình tiếp xúc với người ngoài mình học thêm được không biết bao nhiêu chuyện hay, ý đẹp. Còn buồn thì...Có nhiều khi mình có chuyện buồn nhưng đi hướng dẫn du lịch thì cũng phải gượng vui, nỗi buồn bị chôn sâu trong lòng nó lại càng buồn hơn. Cũng có lúc buồn vì gặp phải những tay ngoại quốc nhiều tiền mà thiếu văn hóa mình nói với họ như nước chảy lá môn, mình hao hơi rát cả cổ mà chẳng để lại được một chút gì trong đầu óc họ cả.
NĐX: Sở dĩ bà được khách du lịch mến chuộng vì bà là con đức Thành Thái, lại có nhan sắc, có học vấn khó có người phụ nữ Việt Nam thời trước sánh được. Nhưng ngoài những yếu tố đó, còn có yêu tố nào đã giúp cho bà thành công nữa không?
BÀ Lương Linh: Du lịch là một ngành phục vụ văn hóa ở trình độ cao, mướn thu hút được người ngoại quốc ít nhất người hướng dẫn du lịch phải biết thông thạo một ngoại ngữ, thuyết minh mà qua người khác phiên dịch, chẳng khác nào ăn thức ăn chưa nêm mắm muối gia vị, mất cả “ngon lành”, mỗi nước có một cách tiếp đón (réception) hấp dẫn riêng, cách tiếp đón đó là kết tinh đạo đức, lễ độ của một nền văn hoá. Người hướng dẫn du lịch cần phải có một cử chỉ, thái độ rất Việt Nam. Lúc nhỏ tôi ở trong cung cấm có lẽ tôi đã được dạy dỗ để có một cái “gest” (cử chỉ) mà người ngoài ít có nên hấp dẫn khách du lịch chăng?
NĐX: Thưa bà, chỉ có thế thôi sao?
Bà Lương Linh: (cười) Anh ni hỏi chi mà cặn kẽ rứa? Tôi là con cháu nhà Nguyễn, lúc nhỏ lại ở trong Nội, lớn lên được gần các bậc tôn trưởng, tôi gắn bó với các nơi di tích củ nhà Nguyễn sâu sắc cho nên khi tôi thuyết minh về những di tích ấy rất hứng thú, có người nói là có “hồn”. Chính cái “hồn” đó đã chuyển sang được người nghe làm cho họ rung động với lịch sử văn hóa của mình.
NĐX: Thưa bà, để cho nền du lịch Huế có một bản sắc riêng có nên tuyển dụng con cháu các ông hoàng bà chúa còn sống ở Huế vô Nội, lên các lăng làm hướng dẫn du lịch không?
Bà Lương Linh: Nếu nhà nước làm như thế thì tốt. Bởi vì trong thời đại ngày nay, đối với người ngoại quốc “con cháu các ông hoàng bà chúa” cũng là một thứ “Bảo Tàng”. Người nghe được giới thiệu hướng dẫn viên là cháu mấy đời của ông vua nầy, bà chúa nọ họ thích hơn là người “bá tánh”. Nhưng dù sao đi nữa cũng phải lựa người có nhan sắc, có văn hoá, am hiểu về ông bà tổ tiên mình, bởi vì có khối con cháu ông hoàng bà chúa tệ lắm, nhiều người thiếu văn hoá và sự hiểu biết của họ về nhà Nguyễn còn kém hơn “bá tánh”.
NĐX: Thưa bà sắp đến có những đoàn “thượng khách” viếng thăm Huế, họ muốn được nghe bà thuyết minh, nghe bà kể chuyện bà Hoàng Thái Hậu cuối cùng ở Việt Nam, bà có vui lòng không?
Bà Lương Linh: Nếu lúc ấy tôi còn sức khoẻ tôi sẽ sẵn sàng... và không những thế nếu khách yêu cầu chính tay tôi và những bạn tôi sẽ nấu những món “Ngự thiện” mà vua chúa ngày xưa đã dùng để đãi khách.
NĐX: Cám ơn nhiệt tình của bà và cám ơn bà đã bỏ chút thì giờ quý báu để giúp tôi thực hiện buổi chuyện trò nầy.
Huế 18-6-1987
N.Đ.X
(SH32/08-88)
------------------------
(1) Cao đẳng Tiểu học
(2) Thủ thư
NGUYỄN THẾ Danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) sống cách chúng ta gần 200 năm, nhưng cuộc đời và hành trạng của ông chứa đựng tấm gương nhân cách của một nhà nho, một sĩ phu yêu nước thế kỷ XIX.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Một ông vua triều Nguyễn một trăm năm sau "sống lại", tự thú với các thế hệ mai hậu về cuộc đời làm người và làm vua của mình.
Kỷ niệm 150 năm ngày sinh vua Hàm Nghi (3/8/1871 - 3/8/2021), Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế tổ chức cuộc tọa đàm/ sinh hoạt khoa học “Hàm Nghi - nhà vua bị lưu đày, nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger”.
DƯƠNG PHƯỚC THU
Tháng 5 năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định lấy tên Nhà báo - Nhà lý luận báo chí cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn để đặt tên cho Giải Báo chí của tỉnh. Mùa giải năm 2021 là năm thứ hai thực hiện quyết định này. Để bạn đọc có điều kiện hiểu sâu thêm về cuộc đời hoạt động báo chí và cách mạng của Hải Triều, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), Sông Hương trân trọng giới thiệu bài viết về Nhà báo Hải Triều Nguyễn Khoa Văn.
LGT: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế luôn kỳ vọng vào sự phát triển của đội ngũ sáng tác, nhất là các văn nghệ sỹ trẻ với những sáng tạo để lại dấu ấn lớn trong đời sống xã hội, gắn bó với văn hóa Huế, sự đổi thay về kinh tế - xã hội của vùng đất Cố đô. Trước thềm Đại hội, Sông Hương có cuộc trò chuyện với các văn nghệ sỹ trẻ của các hội chuyên ngành thành viên Liên hiệp Hội.
THUẬN AN
Không có điều kiện để bao quát hết những ký giả viết văn của xứ Huế đương đại, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, nhưng tôi nghĩ đó là một đề tài thú vị và đòi hỏi khá nhiều tâm lực. Trong khuôn khổ bài viết này cũng chỉ có thể chấm phá vài ba gương mặt.
Trên đường Nguyễn Sinh Cung qua Đập Đá một đoạn, chúng ta sẽ nhìn thấy một ngôi biệt thự đẹp và sang trọng được xây dựng vào khoảng những thập niên đầu của thế kỷ XX mang phong cách Đông Dương với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Á và Âu đang dần bị xuống cấp nghiêm trọng và lãng quên.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Bạn đọc và những người am hiểu Huế chắc đã không lạ với tên tuổi của những người cháu và chắt của nhà thơ Tuy Lý Vương như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Ưng Quả, Bửu Cầm, Bửu Hội, Bửu Huyền (nhạc sĩ), Bửu Chỉ (họa sĩ) v.v.
ĐỖ MINH ĐIỀN
Sơ lược quê hương và gia thế Quảng Xuyên Trần Đạo Tiềm
Tiến sĩ Trần Đạo công, húy Tiềm 潛, hiệu là Quảng Xuyên 廣川, sinh ngày 07 tháng 10 năm 1859, nguyên quán làng Đông Lâm 東林 社, tổng Phước Yên 福煙 總, huyện Quảng Điền 廣田 縣 (nay là xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).
NGÔ MINH
Đến năm 2018 này, nhà văn Huế tuổi U80, trên 80, còn sống cả chục người. Có thể gọi đây là THẾ HỆ VÀNG của Huế, thế hệ trụ cột làm nên diện mạo văn chương Huế từ sau năm 1975.
VÕ VINH QUANG
Nguyễn Cư Trinh 阮居貞 (1716 - 1767) là danh nhân nổi bật đất Phú Xuân ở thế kỷ XVIII. Ông là con thứ 7 của Nguyễn Đăng Đệ (1669 - 1727) với bà vợ thứ Ngô Thị Liên (1692 - 1726)1.
ĐÀO SỸ QUANG
Huế đi vào trong tôi từ cái thuở học trò thông qua những bài học lịch sử.
LTS: Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) là nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn xứ Huế nửa đầu thế kỷ XX. Ông được các văn nhân thi sĩ đương thời suy tôn là chủ soái “Vỹ Hương thi xã” (1933 - 1945) và “Hương Bình thi xã” (1951 - 1961).
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Thời loạn xã hội đảo điên, phong hóa suy đồi, quan tham dân đói,… thường có những người thầy giỏi và đức độ, chăm lo giáo dục nhằm tạo những người học trò tài đức để chuyển loạn thành trị, cứu nước cứu dân… ấy là công lệ của lịch sử.
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
ĐINH CƯỜNG
Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Ngó bên kia vườn biếc lá hoa lừng
(Bùi Giáng)
HẠ NGUYÊN
“Cái gì người ta có thể đùa, nhưng với mình, có một cái không đùa được, đó là viết văn”.
(Bửu Ý)