LÊ MINH PHONG
(Nhân đọc Chậm hơn sự dừng lại của Trần Tuấn, Nxb. Hội Nhà văn, 2017)
“Nhà thơ đang làm việc”, đó là hàng chữ luôn được treo trước cổng tư thất của Saint-Pol- Roux khi thĩ sĩ này đi ngủ. André Breton đã kể với mọi người như thế trong Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực. Ở đây, chúng ta ý thức được vai trò của giấc mơ trong việc thực hành nghệ thuật là vô cùng to lớn. Những giấc mơ đan dệt vào nhau là suối nguồn bất tận của bất cứ một kẻ nào biết mơ mộng. Giấc mơ giúp thi sĩ giải phóng được những xung năng mà khi tỉnh anh ta không thể nào thực hiện được. Giấc mơ nối dài biên giới, tạo ra những luật chơi khác biệt mà ở đó, nhà thơ vừa là người tạo ra luật chơi, vừa là người can dự trò chơi, cũng đồng thời là kẻ phá bỏ luật chơi.
“Chậm hơn sự dừng lại” là câu thơ mở đầu để tôi can dự vào những giấc mơ đầy tính huyễn ma của Trần Tuấn. Nhận thức được sự nguy hại của trí khôn, của sự tỉnh táo, của lý tính khô khan khi đi vào giấc mơ của kẻ khác nên trước thế giới đầy ám ảnh của thi sĩ này, để khỏi lạc đường, tôi tự để vô thức xui khiến mình viết nên những lời không lấy gì làm chắc chắn cho sự thông hiểu. Bởi không ai dám chắc mình đã nắm được giấc mơ của tha nhân. Ngay cả đại đao phân tâm học Sigmund Freud cũng không bao giờ là ngoại lệ.
Với Trần Tuấn thì chủ thể của luật chơi, chủ thể trữ tình cũng được sinh ra từ một giấc mơ:
“nằm trong cơn mơ
tôi co một chân
định bước qua vũng tối
rồi mờ nhẹ dần
chân bước
sang một cơn mơ khác
vũng tối
im lìm gương mặt
mang hình dấu chân
thiếu một đường xương chéo
những bước những bước những
bước
mất hút
tôi có sợ tôi không?”
Trần Tuấn mơ, mơ không là trốn chạy mà mơ là để tự vấn, tự tìm mình, tìm khuôn mặt của mình trong thế giới mà mỗi người đang săn đuổi cho mình những màn diễn hoàn hảo nhất. Những giấc mơ của Trần Tuấn dĩ nhiên luôn được sinh ra từ trong bóng tối, bóng tối nối tiếp bóng tối để kéo những giấc mơ nối tiếp những giấc mơ. Thi sĩ đi từ giấc mơ này sang giấc mơ khác như một trò đuổi bắt chính mình, một trò đuổi bắt không có hồi kết. Những giấc mơ này như một thước phim siêu thực đen trắng. Nhà thơ được sinh ra từ một giấc mơ, lưu trú trong một giấc mơ rồi rồi bước sang đuổi bắt chính mình trong một giấc mơ khác cho tới khi tất cả mất hút vào đêm.
“cái chết thành con mồi của cuộc săn giấc mơ
hay giấc mơ - con mồi của cuộc săn cái chết
Không như các thi sĩ lãng mạn xa xưa, đi vào giấc mơ là để thêu dệt những chân trời mộng tưởng tươi sáng, Trần Tuấn không trốn chạy thực tại đớn hèn của cuộc sống bằng cách tự thêu cho mình những chân trời đầy ánh sao, anh bấu víu vào giấc mơ như kẻ điên loạn bấu víu vào đêm. Và đêm thì đen đặc, không định.
“những đêm thằng bé mơ
trên con thuyền mù u
trôi tuyệt mù
không đêm thu…”
Hầu hết trong tập thơ này, từ ý tưởng, hình ảnh cho tới ngôn ngữ… đều được sinh ra từ trong những giấc mơ, và đôi khi chúng ta có cảm giác rằng nhà thơ không làm thơ mà chỉ là kẻ ghi lại những giấc mơ của mình. Sự kết hợp những điều nghịch lý lại với nhau, cho những hình ảnh dường như khác xa nhau tương tác với nhau để tạo nên sự bất ngờ, đả phá nhận thức bằng lý tính, thống nhất giữa những điều không thể thống nhất; chính lối viết đó tạo ra một không gian huyền ảo, ma mị, siêu thực chồng lớp lên nhau.
“trà đã pha vào ấm
tôi lơ mơ nằm chờ
thiếp đi
thấy mình được pha
được rót
vào cái chén cũ
nghi nghút khói
hương vị thân thể
cứ thế
đang ngồi uống tôi”
Phải chăng, tất cả chúng ta cũng đang sống trong những giấc mơ của kẻ khác, chúng ta được sinh ra từ giấc mơ của kẻ khác và chính trong những giấc mơ của chúng ta; những kẻ khác cũng đang lưu trú, cũng đang chứa chấp những giấc mơ về những kẻ được sinh ra từ giấc mơ rồi ngấu nghiến ngay chính những giấc mơ vừa sinh ra mình. Điều này làm tôi nhớ tới tư tưởng của Jorge Francisco Isidoro Luis Borges, một thi sĩ mù lòa mãi mê đi săn giấc mơ rồi chết một cách tưng bừng trong bóng tối.
Sự chết/ ám ảnh về cái chết… đã là một nguồn năng lượng vô biên cho thi sĩ xưa nay. Schopenhauer trong “Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết” cho rằng cái chết là vị thần gợi hứng và vị thần hướng dẫn của triết học. Từ đó có thể thấy thiếu sự truy vấn về cái chết, thiếu sự suy tư về cái chết, thiếu những ám ảnh về cái chết thì sự mơ mộng sẽ nghèo nàn biết bao nhiêu. Thi sĩ là loài mơ mộng và cái chết đã mở ra cho những kẻ mơ mộng này một thế giới để say đắm, để ngụp lặn, để kiếm tìm, bởi thế giới của cái chết là thế giới chưa được nhìn thấy, và thế giới chưa được nhìn thấy chính là thế giới vẫy gọi thi sĩ mãnh liệt nhất. Cái chết trở thành hạt nhân trong thi phẩm này của Trần Tuấn. Chúng ta bắt gặp vô vàn những cái chết. Cái chết đến từ những vết thương của tha nhân đem lại, cái chết đến từ những va đập của nhà thơ trước thực tại đớn hèn đổ nát, cái chết đến từ sự thật trần trụi, cái chết đến từ những giấc mơ đang hấp hối… Và tựu chung, trong thơ Trần Tuấn, cái chết đến từ muôn nẻo, nhưng cội nguồn chung của cái chết là khởi từ bi kịch. Bi kịch sinh ra cái chết, và dĩ nhiên bi kịch ở đây lại là một danh từ cao quý. Chúng ta sẽ không thể sống sót nếu thiếu bi kịch như chính những suy tư của Arian Poole.
Cái chết từ đại dương: “tôi đưa anh trên con đò máu/ qua đại dương/ vớt những xác người”; cái chết từ những bàn tay: “mọc lên loài hoa vân tay/ từ bàn tay của những xác chết”; cái chết của tuổi thơ bé mọn: “nó thấy những đứa bé chết non từ khi ông bà nội nó chưa sinh ra…”; cái chết của đám đông: “những đám đông mù lòa hò hét/ bủa lưới vây lòng hồ thối ngạt/ qua rừng đạn, dùi cui/ chết chết chết…”. Cái chết của chính sự chết: “cái chết thành con mồi của cuộc săn giấc mơ/ hay giấc mơ - con mồi của cuộc săn cái chết/ cái chết xanh nhung…
Lưu trú trong thế giới thậm phồn hôm nay, bi kịch nối tiếp bi kịch, cái chết nối tiếp cái chết, có những cái chết là tiền đề cho sự tái sinh nhưng cũng có những cái chết tuyệt mù nơi huyệt mộ. Trần Tuấn là một thi sĩ dễ khóc, anh thuộc nòi tình vì thế hơn ai hết anh rất giàu có về những vết đâm trên thân thể, trong tim gan anh và dĩ nhiên là trong thơ anh nữa. Cái chết trong thơ Trần Tuấn không hề tĩnh lặng, đó là những cái chết gào rú được chuyển tải bằng những tứ thơ mạnh, hình ảnh nhịp điệu thơ đều chuyển động không ngừng như thể chúng ta đang đứng trước những bức tranh vị lai khiêu khích, đả phá sự cố định, nhà thơ muốn ngợi ca tính chuyển động hướng tới tinh thần hiện đại khi hai bàn tay nhà thơ bíu chặt vào thi thể đã đến hồi phân hủy của cái chết. Dù tồn tại trong không gian nào đi nữa thì tôi nghĩ rằng thơ Trần Tuấn đang mang sức mạnh của những kẻ ngoại biên. Ngoại biên bởi sự khác biệt. Ngoại biên trong tư tưởng, trong bút pháp. Ngoại biên để hướng tới trung tâm thi ca Việt Nam đương đại.
Bao giờ cũng vậy, mỗi khi gặp nhau tôi luôn nói với Trần Tuấn rằng tôi có một ước ao mãnh liệt là được gặp anh khi anh đang tỉnh. Trần Tuấn chỉ cười, nụ cười của một thi sĩ đang âm mưu để giấu kín những giấc mơ phủ đầy sự chết vào sâu trong túi áo, vào sâu trong những sợi tóc ngả màu của anh.
Những sợi tóc biếng cười giữa cuộc đời dễ khóc.
L.M.P
(TCSH342/08-2017)
LÊ VIỄN PHƯƠNG
(Nhân đọc Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp, Nxb. Văn học, 2014)
Cuốn Minh triết Việt trong văn minh Đông phương của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhằm mục đích góp phần làm sáng tỏ cội nguồn văn hiến của dân tộc Việt qua sự phân tích những di sản văn hóa truyền thống bằng các phương pháp mang tính khoa học.
17 chân dung các nhà học thuật Việt Nam thế kỷ 19 và 20 qua các tiểu luận nghiên cứu ẩn dưới dạng thức tùy bút của Đỗ Lai Thúy đủ sức vẫy vào nhận thức người đọc hôm nay những vỡ lẽ mới.
Giáo sư hy vọng độc giả cũng cảm thấy như mình khi đọc "Lòng người mênh mang" bởi các trang viết chứa đựng những sự thật không thể chối cãi.
Tác giả Phạm Xuân Hiếu sử dụng vốn sống, kiến thức về văn hóa, cổ vật khi viết những truyện ngắn trong sách "Cây đèn gia bảo".
LÊ HUỲNH LÂM
Có một bạn trẻ hỏi rằng: làm thế nào để viết thật hay? Tôi nói như phản xạ, trước hết tác giả phải có đời sống văn chương.
NGỌC THANH
Có một nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng đầy nhân cách đi ra từ Huế song rất ít người ở Huế biết tới, đó là Trần Hoài Quang - nguyên Trung đoàn phó và chính trị viên Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật (E95), nguyên Phó ban Tuyên huấn Thừa Thiên, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên… Ông hiện có một người con trai đang ở Huế.
“Như vậy đó, hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống”. Nhà báo, nhà văn Phan Quang đã thốt lên như vậy cách đây gần 40 năm, khi ông lần đầu đặt chân đến vùng đồng bằng châu thổ. Những điều ông viết về ĐBSCL ngày ấy - bây giờ còn tươi mới tính thời sự, lan tỏa và trường tồn với thời gian.
ĐẶNG HUY GIANG
Thói quen, nói cho cùng, là sản phẩm của quá khứ, là những gì lặp đi lặp lại, không dễ từ bỏ.
Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi...
BÍCH THU
(Đọc Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức, Nxb Văn học, 2007)
Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức là cuốn sách tập hợp những ghi chép và nghiên cứu về nhà văn Tô Hoài, một tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Đây là cuốn sách đầu tiên kết hợp hai phương diện ghi chép và nghiên cứu, góp một cách tiếp cận đa chiều và cập nhật về con người và sự nghiệp của nhà văn.
Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.
Phát hành tập thơ "Khi chúng ta già" sau scandal với Phạm Hồng Phước, tác giả Nguyễn Thị Việt Hà khẳng định thơ mình không cần ăn theo sự kiện gì.
Tác giả Tử Đinh Hương thực hiện bộ sách "Biểu tượng" với mong muốn khám phá, lưu giữ và khuyến khích trẻ nhỏ quan tâm hơn đến thế giới xung quanh.
Sách được các sư cô Thiền viện Viên Chiếu lược dịch, biên soạn từ nhiều nguồn tư liệu, chủ yếu là tư liệu chữ Hán, tiếng Anh, giúp người đọc hiểu thêm con đường tu tập của pháp sư Huyền Trang.
Soạn tâm thế an nhiên khi bước vào tuổi già, nhẹ nhàng đón đợi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống... là điều mà trang viết của vị bác sĩ mê văn thơ đem đến cho độc giả.
Phó giáo sư Đỗ Lai Thúy thông qua cuốn sách "Vẫy vào vô tận" đã giới thiệu 17 chân dung các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có đóng góp cho con đường học thuật và tư tưởng của đất nước.
BỬU NAM
Nguyễn Quang Lập - Trần Thùy Mai - Ngô Minh - Phạm Tấn Hầu - Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thị Duyên(*)
NGUYỄN DUY TỪ
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh (1894), 60 năm ngày mất (1954) của nhà văn Ngô Tất Tố
PHẠM ĐỨC DƯƠNG
GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Tổng biên tập 2 tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam Đông Nam Á; Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông...