Đường đến lớp

09:17 17/01/2020

NGÔ THỊ Ý NHI

Ở Huế, có những buổi sáng cứ thích nằm nghe tiếng con nít rủ nhau đến trường ríu rít như chim. Bình yên đến lạ! Thành phố nhỏ bé, nhịp sống không vội vàng, những con đường hiền lành, êm ả trẻ con dễ dàng đi bộ.

Hồi đó chị em tôi cũng vậy. Nhà tôi ở An Lăng, chỉ cần đi dọc theo dòng sông An Cựu, qua cầu Kho Rèn rồi cứ thẳng đường Lý Thường Kiệt mà đi. Dọc đường có vài ba chị em nhà khác nhập bọn cùng chúng tôi. Cứ thế, đông dần cho đến khi ngôi trường hiện ra trước mắt. Trường Tiểu học Lê Lợi. Dòng sông “nắng đục mưa trong” có rất nhiều bến nước. Nhưng cái bến chị em tôi thích nhất là bến trước ngõ nhà tôi. Bến có nhiều bậc đá, có cây vông đồng to cao thân đầy gai nhọn tỏa bóng mát rợp một vùng. Các bà, các chị vẫn ra giặt giũ. Tôi thích nhìn người ta giặt chiếu. Chiếc chiếu gấp lại, đưa lên cao rồi đập mạnh đánh “bộp”. Nước bắn tung tóe. Hai chị em vuốt mặt, giũ tóc cười như nắc nẻ rồi mới chịu quày quả dắt nhau đi. Mẹ đã cấm không được mon men xuống bến: “Dưới sông có con ma rà rình con nít. Nó kéo hụt chân chết chìm”. Mẹ nói vậy đó. Sợ lắm nhưng chưa đứa nào thấy con “ma rà”. Hai cô nhóc vẫn lén ba mẹ lò mò xuống mấy bậc đá, nhúng hai bàn chân bé xíu xuống mặt nước lấp xấp rồi mới chịu quay lên. Nhưng một bữa hai đứa thấy một chiếc dĩa hoa trôi bập bềnh theo dòng nước. Chiếc dĩa có hoa văn như chiếc dĩa mẹ vẫn dọn ăn. Nó làm bằng sành sao có thể nổi trên mặt nước. Như vậy nó là... ma rồi. Con ma rà giả bộ biến thành cái dĩa để người ta tham lội ra vớt rồi kéo chân thế mạng. Hai đứa thầm thì bàn tán dáo dác ngó tới ngó lui. Cái dĩa hoa vẫn bập bềnh nhấp nhô theo dòng nước. Bốn bàn chân líu quíu bỏ chạy. Và từ đó trên đường đi học cả hai không dám rủ rê la cà mấy bến sông nữa.

Cuối năm lớp bốn, ba mẹ chuyển nhà về chợ An Cựu. Lộ trình đi học không thay đổi mấy. Thay vì đi bên này sông An Cựu thì chúng tôi đi dọc bên kia,và không phải qua cầu Kho Rèn nữa. Trên đường đi học về, chưa đến cung An Định có một ngôi nhà cổng gỗ sơn xanh. Cứ mỗi lần chị em tôi đi ngang là vang lên tiếng chó sủa inh ỏi. Mấy hôm đầu thì cũng có hơi sờ sợ nhưng khi khám phá ra con chó hung dữ đó đã bị xích vào cột thì hai chị em mừng ra mặt. Hai đứa đu vào cánh cổng thò đầu sủa “gâu gâu”. Con chó lồng lộn “gâu gâu” đáp lại. Vùng vẫy, hung dữ mà làm gì! Mày bị xích rồi. Cả hai cười như nắc nẻ, chán rồi mới chịu bỏ đi. Được hai ba hôm chi đó. Một buổi chiều mưa lâm thâm, hai đứa hai cái áo mưa kín mít hớn hở tiến dần đến cái cổng xanh. Chỉ mới thò đầu vào, chưa kịp “gâu gâu” thì con chó nhảy chồm lên mấy chấn song. Nó không còn bị xích. Hai đứa thất kinh hồn vía cắm đầu chạy. Con chó phá được cổng lao ra. Thay vì chạy trên đường cái thì cả hai nhào xuống mé sông lấp xấp nước. Cô em trượt té. Con chó táp một miếng vào cái áo mưa. Có tiếng chân người rồi tiếng quát: “Vàng, vô nhà”. Hú vía! Sau lưng bà chủ nhà cao giọng mắng. Mặt cắt không còn giọt máu, hai đứa im thin thít líu ríu hết quãng đường về. Dĩ nhiên hai chị em đối diện ba mẹ với hình dạng xác xơ thảm hại. Cô chị luôn là người “đứng mũi chịu sào” khóc tấm tức: “Tụi con không làm chi hết, tự nhiên con chó đuổi cắn con”. Ba lắc đầu ngao ngán. Hôm sau ông chở hai cô con gái đi học bằng con đường khác. Nghe ba nói đó là đường Nguyễn Huệ. Trên đường đi ba lưu ý cung đường nào nhiều xe, ngã tư nào phải cẩn thận. Và rồi mấy bữa sau hai chị em tôi tiếp tục dắt nhau chân sáo đến trường.

Mưa! Vẫn những ngày mưa lê thê của Huế. Những buổi chiều tan lớp trời nặng một màu chì. Con đường như dài hơn. Hai chiếc áo mưa, bốn bàn chân nhỏ xíu. Mỗi lần thấy tháp nhà thờ hiện ra là sắp đến nhà. Nhưng một bữa hai chị em dừng lại ngước mắt nhìn lên. Bóng giáo đường thâm u quạnh quẽ. Và phía trước là một bức tượng, tượng Chúa, hẳn nhiên rồi. Bức tượng lớn lắm, đứng trên bệ cao uy nghi sừng sững. Hai đứa nhìn, nhìn mãi. Khuôn mặt đó, chiếc áo choàng thùng thình và hai cánh tay giơ ra in hình trên bầu trời xám xịt. Ít lâu sau đó, cô chị theo bạn bè đi một con đường khác. Dĩ nhiên là ba mẹ không biết chuyện này. Con đường uốn quanh bên cánh đồng mênh mông. Hai bên đường là hai hàng cây cao đến mùa có những chùm trái nhỏ. Nghe người ta bảo đó là cây muối. Không hiểu sao lại có tên này. Chắc trái nó có vị mặn. Nghĩ thế thôi nhưng chẳng đứa nào dám nếm thử vì sợ “chết dại”. Con đường này chúng tôi gọi là đường hàng muối, lúc nào cũng tấp nập xe cộ.

Trời cứ mưa! Những ngày mưa lê thê dầm dề của Huế! Một buổi chiều như mọi buổi chiều, vẫn hai chiếc áo mưa lúp xúp, bốn bàn chân bé xíu lầm lũi trong dòng xe cộ ngược xuôi. Một chiếc xe dừng lại:

- Nhà hai cháu ở đâu?

Cô chị nhanh nhẩu:

- Dạ, chợ An Cựu.

- Lên chú chở về.

Hai chị em leo lên ngồi gọn lỏn trong chiếc xe bịt bùng ấm áp. Chỉ một thoáng là về đến nhà. Mẹ ngạc nhiên không biết sao hôm nay hai chị em về quá sớm. Cả hai tíu tít: “Có chú nớ, chú chở tụi con về”. Mẹ hốt hoảng ôm lấy cả hai: “Răng dại rứa con ơi! Nì, cấm. Cấm tuyệt đối không được lên xe người lạ. Nghe chưa! Có ngày người ta chở hai chị em đi mất ba mạ biết mô mà tìm”. Rồi bà thở ra quay người đi lẩm bẩm: “Thời buổi chừ biết tin ai! Thiện ác lẫn lộn”. Hai chị em, cô chị lớp năm, cô em lớp ba ngơ ngác coi bộ hoang mang lắm.

Tối về, ba biết chuyện. Không phải chỉ lo “thời buổi chừ” mà còn cái lo khác nữa. Con đường đó xe chạy năng lắm. Nhất là xe nhà binh phóng rất ẩu. Nguy hiểm! Bởi vậy ba không chỉ chị em con đi đường hàng muối. Thôi thì để khỏi rắc rối lôi thôi, đi xe đò cho an toàn.

Xe đò cũng như xe buýt ngày nay nhưng nhỏ hơn. Hai băng ghế dọc theo hai bên thành xe đông đúc các bà, các chị. Giữa lòng xe là thúng, mủng, hàng hóa chất chồng. Anh lơ xe đu bám phía sau vỗ vỗ vào thành xe ra hiệu khởi hành. Hai chị em lọt thỏm trong những chuyến xe ồn ào như thế để đến trường. Bên đường, những hàng muối lùi dần, lùi dần về phía sau. Đồng ruộng mênh mông chìm vào cơn mưa dầm dề ướt át. Tôi nhìn, nhìn mãi mà không biết rằng những chuyến xe đó chở chị em tôi xa dần, xa dần thời thơ ấu...

Những năm tháng xa xưa ấy vẫn bất chợt trở đi trở lại trong tôi một sớm một chiều nào đó. Sau này lớn lên, mỗi lần về Huế có dịp đi ngang qua ngôi giáo đường xưa cũ tôi vẫn dừng lại rất lâu trước tượng Chúa Cứu thế. Ngài vẫn khoan hòa đứng đó với vòng tay dang rộng. Và trước mắt tôi hiện ra hình ảnh hai cô bé ngoại đạo với đôi chân bé bỏng dại khờ hốt hoảng quay người chạy trốn. Lạy Chúa! Con biết dẫu chạy đi đâu thì chị em con cũng không ra khỏi vòng tay của Ngài. Ngài đã rộng lòng che chở chị em con! Ôi, những con đường, những con đường đến lớp...“Thời buổi chừ biết mô thiện ác!” Câu nói của mẹ ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Thời nào thì cái ác vẫn lẫn vào cái thiện, đội lốt cái thiện không chừng. Mà trẻ thơ thì non nớt quá, khờ dại quá. Trẻ thơ cứ hồn nhiên phạm sai lầm mà không hề ý thức rằng nguy hiểm đang chờ chực xung quanh. Dẫu thời đại bốn chấm không đi nữa, dẫu camera khắp hang cùng ngõ hẻm đi nữa thì căn bản vẫn là lòng dạ con người. Cần lắm những vòng tay che chở.

Cách đây chưa lâu một cô bé, chắc cũng trạc tuổi chị em tôi hồi đó, theo ba mẹ rời Việt Nam đến một xứ sở tốt đẹp, hiện đại, nổi tiếng luật pháp nghiêm minh. Vậy mà đau đớn thay, em đã bị xâm hại rồi sát hại khi còn mang cặp sách trên vai, hớn hở tung tăng trên đường đến lớp…

N.T.Y.N  
(SHSDB35/12-2019)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019)

    NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Đã nhắc đến đường Trường Sơn, có lẽ hầu như ai cũng nghĩ đến Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nhất là khi vị tư lệnh các lực lượng chiến đấu trên con đường huyền thoại này trong những năm chiến tranh ác liệt vừa ra đi ngay giữa lúc các hoạt động tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn đang diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị quân đội…

  • TÔ HỮU QUỴ

    Nhìn những bọt nước lớn nhỏ bám vào nhau lững thững trôi theo vệ đường, tôi nhớ có ai đã nói với tôi mỗi khi trời mưa, bọt nước không vỡ nhanh mà cứ bồng bềnh trên mặt như thế là cơn mưa sẽ kéo dài thật lâu.

  • TRẦN ĐỨC CƯỜNG(*)

    Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi. Đất nước thu về một mối.

  • VÕ THỊ XUÂN HÀ

    Đêm qua có một chàng trai nhắn cho tôi: “Có khi em không phải người phàm thật em ạ”.
    (Xin phép anh cho tôi nói ra điều này vì độc giả yêu quý).

  • HÀ LÂM KỲ  

    Tháng 5 năm 1996, nhân gặp nhà thơ Tố Hữu ở Hội Nhà văn, tôi rụt rè nói với ông rằng có cuốn băng về câu chuyện giữa nhà thơ và Bác Hồ. Ông vui vẻ nhận lời nghe lại.

  • BÙI KIM CHI

    Chút hương chiều bảng lảng. Xôn xao lá me gọi hồn con gái. Mây vội vàng đuổi nắng. Bàng bạc sắc lam pha hồng. Trời nhẹ tênh đưa mây xuống thấp.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY

    Sáng nay bầu trời âm u màu xám xịt như muốn sụp đổ với những cơn mưa liên tục xối xả, báo hiệu con nước sắp vượt bờ sông Hương.


  • NGUYỄN BÙI VỢI

  • MAI VĂN HOAN

    Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế bây giờ vốn nổi tiếng là nơi có nhiều học sinh giỏi. Các lớp chuyên tỉnh đã được thành lập hơn 12 năm nay.

  • LTS: Sáng ngày 8/11/2018, tại Huế đã diễn ra Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. 

  • YẾN LAN
             Hồi ký

    Sau một chuyến đi dài vào mảnh đất tận miền Tây Tổ Quốc, tôi trở về quê, lòng chưa ráo nỗi nhớ đường, nhớ sá, thì trời đã chớm sang thu.

  • TRẦN QUANG MIỄN  

    Có lẽ, cho đến bây giờ bạn bè, người quen biết vẫn thường gọi tôi:
    - Ê Thành Cát Tư Hãn!
    Vai diễn đó đã thực sự tạo sự khác biệt giữa tôi và bạn bè cùng trang lứa lớp Đệ Tam ban C trường Quốc Học.

  • TRỌNG NGUYỄN

    Nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha kể: “Tết năm 1966, một bà cụ từ bên Lại Bằng (huyện Hương Trà) lặn lội qua Phong Sơn (huyện Phong Điền) thuộc vùng giải phóng để xem chiếu bóng.

  • NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
    (Trích đoạn tuồng lịch sử)

    LTS: Từ thành công của Cách mạng Tháng Tám đến thành công của “Tuần Lễ Vàng” năm 1945, lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ về sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng và khối đại đoàn kết dân tộc trong thực tiễn. Những dấu mốc ấy đã để lại bài học lớn lao đầy ý nghĩa về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

  • NGUYỄN THÁI SƠN

    Trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, xem báo chí như một thứ vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước và cũng là diễn đàn xã hội rộng lớn của nhân dân.

  • Kỷ Niệm Ngày Thương Binh Liệt Sỹ 27/7  

    BÙI XUÂN HÒA  
                  Ghi chép 

  • ĐẶNG NHẬT MINH   

    Anh Trần Đăng Nghi trên tôi 7 tuổi, thuộc thế hệ các dì các cậu tôi ở Huế. Tôi biết anh qua dì tôi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Toản và ông anh họ tôi là kỹ sư Lê Đình Cát, những người bạn chí thân của anh từ thuở cắp sách đi học ở Huế cho đến khi đã về già. 

  • TÔ NHUẬN VỸ

    Có những nội dung, định hướng trên tạp chí bây giờ đã bình thường, nhưng vào thời gian cách nay hai ba chục năm là quá chừng rối rắm, phức tạp. Như Hòa hợp trong văn chương, văn hóa.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ   

    Nhận thư Tòa soạn “Sông Hương” nhắc viết bài cho số kỷ niệm 35 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, lời đáp là một “tự vấn”: Không biết viết cái chi đây?

  • PHẠM XUÂN PHỤNG

    Một buổi sáng tháng 7 năm 1994, tại Văn phòng Đảng ủy Bệnh viên Trung ương Huế, tôi tiếp một nhân viên văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật (nay là Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế).