GIÁNG VÂN
Cầm trên tay tập thơ với bìa ngoài tràn ngập những con mắt và tựa đề “Khúc lêu hêu mùa hè”(*), một cái tựa đề như để thông báo về một cuộc rong chơi không chủ đích, và vì vậy cũng không có gì quan trọng của tác giả.
Ảnh: internet
Vậy là cô ấy rong chơi, và cô ấy mở to những con mắt của mình để nhìn ngắm thế gian mà cô được sinh ra ở đó.
Thế gian ấy có gì?
“nơi này không có dấu chân nào của mình
nơi này chẳng thấy nụ cười nào của mình
rơi vãi
nơi này của mình chẳng có gì vui
nơi này của mình mất tích
của mình tàn tro/ của mình xếp xó
của mình âm u/ của mình…”
(Nơi này của mình quá buồn)
Du Nguyên, thế hệ của máy tính, của internet đường truyền tốc độ cao, của thông tin tràn ngập, của tiện nghi, của mọi sự du nhập và phân luồng văn hóa, và cô, một nữ nhà báo ở trung tâm của cái thế hệ đó, nghĩa là cô có thể nhìn thấy tất mọi thứ, nhưng Du Nguyên không thấy bất cứ một mảy may gì là “mình” trong đó.
Không tìm thấy mình, và nhà thơ thấy gì?
“về hàng cây buồn nôn chiều nay tôi muốn
kể bạn nghe
những đám lá đã kịp tẩu tán nỗi buồn rồi
bay đi
cụm rễ chùm
tựa khuôn mặt người trẻ mọc lên đường gân
xanh xa xao
rồi một ngày ngơ ngẩn quá mà không còn
ngơ ngẩn được nữa
rồi ở đó
bốn mùa trở thành bài ca lâu ngày không ai cất”
(Về một luẩn quẩn buồn nôn)
Dường như không một phút nào, một thời khắc nào, những câu thơ của Du Nguyên không ám ảnh bởi nỗi buồn chán, bởi sự vô hồn, sự già nua, sự nhạt nhẽo, trống rỗng… Những thứ đó bao trùm lên, thống trị đời sống, thống trị tinh thần nhà thơ hay tất thảy chúng ta, mà nhà thơ, bằng linh giác của mình, đã chỉ ra nó.
Tôi có cảm giác, bằng toàn lực của mình, nhà thơ đã dành cho những cuộc vượt thoát. Ngay cách mà nàng dùng chữ “Lêu hêu” cho tựa đề tập thơ cũng là cách để vượt thoát, thoái thác mọi sự long trọng, các giá trị được coi là chuẩn mực của cái thế giới bên ngoài. Hay đôi khi tự cười vào chính nỗi buồn đau của mình. Nhưng rồi nàng phải kêu lên:
“tôi thấy mình mắc cạn ở đây
thành phố tháng mười
ý nghĩ đang bơi
ngập lụt ý nghĩ
tôi thấy mình đang trôi
thủy triều về giữa phố
những ngôi nhà vàng rêu phố cổ
bắt đầu trương phồng”
rồi nữa:
“tôi thấy mình kéo theo rác
từ thùng rác công cộng
từ trí nhớ già nua
từ tình yêu mốc mọt
từ mọi cống rãnh thành phố
tất cả bơi bơi
ý nghĩ và rác”
(Tôi thấy mình mắc cạn ở đây)
Và rồi sẽ ra sao nữa, có thể kéo được con tàu buồn bã lê thê ấy hay không? Hay kéo được một vài mẩu của nó theo cuộc vượt thoát của mình hay không?
Điều đó mới khó sao, khi những ô của đã mốc thếch, những người phụ nữ cần mẫn son phấn, những chân dung luôn lẫn vào nhau, những cuộc đời trôi đi không có niềm vui, những tuổi thanh xuân già cỗi… cứ như thế, dường như bất tận.
Nhà thơ của chúng ta nài nỉ:
“bạn không đi cùng tôi à?
chỉ một đoạn đường rầu rĩ thôi mà
chỉ một đoạn đường tuổi trẻ mê mệt thôi
mà
lên đồi sẽ lắm gió
lên đồi sẽ nhìn thấy tôi cười
lên đồi tôi sẽ hôn bạn
và kể cho nghe những bí mật nhỏ
dễ thương trần đời”
(Giấc mơ của Dung)
Rồi nàng dụ họ:
“bạn có nhớ tôi không? cô gái mắt nâu, đêm
đêm vẫn nghe Trịnh và sống ngây dại giữa
đời thường? cô gái đã xé tuyên ngôn về
mình mà cô độc bước đi? cô gái có lần tôi rủ
rỉ sẽ nhớ nhung mãi?
tôi đã chọn con đường đẹp nhất trong tuổi
trẻ của mình
mà đi”
(Giấc mơ của Dung)
Nhà thơ Nga, Boris Paxtenac, trong một bài thơ viết cho nhân vật La ra trong tiểu thuyết “ Bác sĩ Jivago”, có hai câu, tôi không còn nhớ không chính xác:
“Thì em hỡi, lòng cam đảm mà ta có được
Là vĩnh phúc trên bước đường thảm khốc”
Tất nhiên là khập khiễng khi so sánh, nhưng tôi yêu sự can đảm của cô gái bé nhỏ, mảnh mai và duy mỹ này. Không chỉ một lần, mà luôn luôn nàng tuyên bố về sự cô độc, chấp nhận sự cô độc ấy, chỉ bởi vì, nàng muốn đi tìm cái gì đó khác, những giá trị khác
“họ nói về tôi
như một kẻ lang thang trong thế kỷ
tuổi hai mươi trên đường
tóc bay và gió thổi
chỉ có nỗi buồn nằm nguyên
tôi bóc trần chính mình
như cởi từng lớp áo, lớp da, lớp lòng ruột
để mơ về những điều tinh khiết nhất
tự do nhất”
(Sự bóc trần và tóc bay)
Bóc trần chính mình, và không ngừng mơ về “những điều tinh khiết nhất”, và đương nhiên, nàng sẽ chối bỏ mọi lớp vỏ hào nhoáng, giả dối, chối bỏ những gì không phải là mình, không thể lẫn một chút nào trong mớ “lủng bủng, lùng bùng” của đời sống đầy toan tính lẹp nhẹp. Vậy nên người ta thường thấy một Du Nguyên trong hình ảnh, khoác ba lô, giày buộc giây, quần áo rộng lùng thùng, và một mình đang ở đâu đó.
Nhưng dù cho không thiếu lòng can đảm, thì cuộc vượt thoát chẳng hề đơn giản, nó không phải như việc xách ba lô là đi, mà kể cả xách ba lô thì vẫn phải trở lại căn nhà mình trú ngụ, huống chi là cuộc bứt phá khỏi mọi tù ngục tinh thần, mà nhưng tù ngục đó, nhiều khi tinh vi và ma quái.
“có đôi lần
mình nhìn thấy lòng mình dư thừa mớ già
nua lòng ruột/ cũ rích
từ độ mười tám/ chẳng biết quẳng đi đâu
ôi đôi mắt u buồn/ đôi mắt già thêm tí nữa
lơ láo nỗi buồn/ lơ láo tù đày
trong thế kỷ hoa thơm và rác
để hát bạn nghe nhé/ một bài thôi
nhỏ tí ti ấy mà/ mình chỉ hát khi buồn
khi buồn mà thôi
cạnh chiếc bình gốm cũ/ chú kiến đen ngáp
lích ra lích rích/ già nua cũng sột soạt
ra chiều như muốn im hơi”
(Ra chiều như muốn im hơi)
Trong cái nhà tù ấy, bao người đã mệt, đã đầu hàng, đã thất bại, nhất là khi họ đã có được đôi chút gọi là thành tựu, là danh tiếng, là vật chất…
Những phẩm chất thi nhân, khi đó không còn tồn tại, nó sẽ biến mất, bốc hơi như chưa từng tồn tại.
Biết sao được, vì thơ là sự thần diệu trong tâm hồn con người, mà khi sự thần diệu mất đi, thì đâu còn gì.
Phật giáo nói về sự buông bỏ như là phương pháp chính yếu để con người tự giải thoát khỏi mọi đau khổ trầm luân của cõi người, nhưng than ôi, điều đó chỉ xẩy ra khi con người đã trải qua bao thăng trầm.
Tôi thực sự thích một Du Nguyên khi viết những câu thơ như là buột ra từ tâm thức, từ những cơn mơ, từ những ám ảnh dằng dặc không thể giải thích.
Đó là những bài thơ nằm ở phần sau của “khúc lêu hêu mùa hè”, những bài như” Cả đi, cả khóc, cả cười” “Chiếc hộp di tản” “Rõ ràng tôi đã chết” “Trong giấc mơ ai cũng cười” “Toàn thân run lên như sắp mọc mầm” “Mẫn cảm của bóng” “Thơ, chiếc quần lót và nỗi buồn không địa chỉ” “Ở đây không có quà của mẹ” “Một bài hát và một người con gái bé bỏng nhất đã qua đời tối qua”…
Ở những bài thơ này, Du Nguyên bộc lộ mặt mạnh nhất của mình, một thứ bản năng thi nhân thiên bẩm, nằm ngoài mọi sự cố gắng của nhận thức lí trí.
“sao ai cũng bảo tôi ổn/ để tôi lăn ta lăn tăn
phố thị buồn rầu/ tôi buồn rầu
hơ bàn tay ngơ/ cái này chẳng phải thơ đâu
thơ tôi đã chết đuối ở tuổi hai tư”
(Ở đây không có quà của mẹ)
“người đi săn bóng trên mảng tường đô thị
người đi khấp khểnh, lênh đênh, tênh hênh
người đi thành hàng dài, hàng dài nối nhau
về phố xá
người quay về nhốt bóng mình
một thuở buồn lêu rêu
người đi ăn bóng mình nham nhở trong giấc
mơ
người giễu bóng sống cuộc đời của bóng
người ôm mặt người bóng khóc rưng rưng”
(Mẫn cảm của bóng)
“hôm nhớ gió quá/ chạy ra ngã ba
thành phố không có mặt người
thành phố không còn tình yêu
thành phố mặt trời đỏ ối
thành phố thu lu trên cao
thành phố buồn, thành phố hát lêu nghêu”
(Toàn thân run lên như sắp mọc mầm)
Có thể nhặt ở bất kỳ đoạn nào trong các bài thơ Du Nguyên ở phần sau của tập thơ đều như thế này. Một Du Nguyên thả lỏng hoàn toàn cho tâm thức đẫn dắt. Một Du Nguyên phiêu lãng mà câu chữ, nhịp điệu đều được lắp ráp một cách thần tình không chủ ý. Một Du Nguyên với sự vô vọng không sao cứu vãn. Mà cô ấy cố gắng vớt vát tự giải thích rằng, cô ấy mắc chứng nghiện nỗi buồn:
“đêm qua, đứa con gái trốn khỏi nhà
tìm một cơn mê đắm khác
thành phố này có điều gì vui không
không, không, không
tiếng hét thất thanh của một người đàn bà
trú dưới nắp cống/ không không không
tự nhiên gì đâu/ rơi tõm vào nắp cống
ngồi như một tên du côn lãng đãng qua thế kỷ
lòng rầu lây rây
nửa đêm
gặp ngay bóng mình treo trên một cành cây
khô
cô gái đó bị chứng bệnh nghiện nỗi buồn
đời sống chỉ là chất xúc tác
để cô thêm cô độc”
(Một bài hát và một cô gái bé bỏng nhất đã qua đời tối qua)
Một bàn tay ngơ, một trải tim bị lạc mất, những bài hát chỉ được hát lên khi buồn, những giấc mơ tràn ra khỏi những giấc ngủ… nàng cô độc, nàng chấp nhận cô độc, nhưng nàng còn rất trẻ, nên nàng cứ cật vấn liên tục về những điều mà trái tim nàng chưa thể tới:
“anh có cô độc không?/ em có cô độc
không?
làm sao phục sinh một nỗi niềm khi mình
chưa cất bước ra đi
trong ngõ khuya sâu hoắm của lòng mình,
cột đèn nào không dẫn về ngã ba, ngã tư,
ngã sáu? nếu có con đường một chiều, mình có
quay lại.. như ngày đầu tiên?”
Khúc lêu hêu của nàng thật ra, chứa đựng những bí mật sâu thẳm nhất của tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương của nàng.
Tôi rất thích bài thơ “Rõ ràng em đã chết” trong số những bài thơ ở phần sau. Cảm thức về cái chết, về sự song hành của sống và chết, và ngay trong cái chết thực vật của chính mình, Du Nguyên nhìn thấy sự vượt thoát của linh hồn về phía ánh sáng, về phía tự do, về phía bầu trời…
Ý thức của nhà thơ về sự vượt thoát này thật mãnh liệt, đến độ, tôi hình dung thấy nó thường xuyên trong các giấc ngủ, nàng đã mơ về nó, đã buồn rầu đã tuyệt vọng, đã tự thấy mình đã chết vì thất bại.
Nhưng tôi yêu Du Nguyên bởi ngay cả khi nàng cho rằng, mình đã thất bại, thì nàng vẫn viết:
“họ đã vẽ bức chân dung về tôi
đứa buồn cười nhất của cuộc đời
mà người mẫu không hề có mặt
trong thế kỷ của họ”
Phải vậy, nó là bí ẩn của thi ca, của tâm hồn, làm sao ta có thể cầm nắm được hương hoa, cầm nắm được những vẻ đẹp không ngừng biến ảo. Vậy nên chúng ta chỉ có thể xúc động vì những điều đó mà thôi.
G.V
(SHSDB22/09-2016)
........................................
(*) Tập thơ “Khúc lêu hêu mùa hè”, Du Nguyên, Nxb. Hội Nhà văn, 2014.
HỒNG NHU“Trường đại học của tôi” là cuốn sách thứ 4 của Nguyễn Nguyên An (tức Nguyễn Văn Vinh) trình bạn đọc trong khoảng mười năm trở lại đây. Ba cuốn trước là truyện ngắn, cuốn này là truyện dài.
NGUYỄN KHẮC PHÊChỉ mới qua hai tác phẩm “Báu vật của đời”(NXB Văn nghệ TPHCM, 2001) và “Đàn hương hình”(NXB Phụ nữ, 2002), Mạc Ngôn - nhà văn “hạng nhất” thuộc Cục Chính trị Bộ Tổng Tham mưu Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc - đã trở nên nổi tiếng ở Việt Nam, thậm chí đã vượt lên cả những “ngôi sao” quen thuộc như Giả Bình Ao, Trương Hiền Lượng, Vương Mông... và cả nhà văn Cao Hành Kiện (Noben 2001).
ĐỖ XUÂN NGÂNTôi hân hạnh được đọc tác phẩm Đời hoa, tập tản văn của nhà văn Nguyễn Khắc Phê do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành 1999.
NGUYỄN QUANG HÀ(Đọc Lãng Đãng Mây Trời của Thanh Nhơn - NXB Thuận Hoá - năm 2001)Gấp tập thơ "Lãng đãng mây trời" lại, tôi như thấy dưới mái tóc bồng bềnh trong gió của ông là cặp mắt nhìn xa xăm, phiêu diêu, và quanh đâu đây là hương rượu nếp thơm nồng toả ra từ vành môi tủm tỉm cười của ông.
HOÀNG BÌNH THI (Đọc thơ HÀ MINH ĐỨC)Trong cơn mưa đầu mùa tầm tã của xứ Huế, tôi đọc lại những bài thơ của giáo sư Hà Minh Đức với một nỗi buồn riêng. Một chút ngạc nhiên mà chẳng ngạc nhiên chút nào, khi song hành với sự uyên bác trong học thuật là một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế vô cùng.
LÊ THIẾU NHƠN(Tản văn và bình văn của nhà văn - nhà báo Trần Hữu Lục)Một cuốn sách tập hợp những bài báo của nhà văn Trần Hữu Lục sau nhiều năm anh đồng hành với bè bạn văn nghệ.
HOÀNG KIM ĐÁNGÔng nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ này là một trong những nhà văn châm biếm đứng hàng đầu thế giới. Hai mươi năm trước, ông đã đến Việt . Sở dĩ tôi khẳng định chắc chắn như vậy, bởi tôi có trong tay dòng bút tích ghi rõ năm tháng và chữ ký của tác giả; thậm chí còn chụp ảnh kỷ niệm với ông nữa. Tấm ảnh ấy, những dòng bút tích ấy, hiện còn lưu giữ trong cuốn truyện "NHỮNG NGƯỜI THÍCH ĐÙA", sách đó Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới của Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản lần thứ nhất.
HỒ THẾ HÀ(Đọc Cho từng ánh lửa, tập thơ của Hải Trung, NXB Thuận Hoá - Huế, 1999)Sự hiện diện của thơ Hải Trung trong đội ngũ những người sáng tác trẻ ở Huế là một niềm vui sau nhiều năm lặng lẽ âu lo của nhiều người về thế hệ làm thơ kế cận của xứ sở được mệnh danh là giàu mơ mộng thi ca này.
NGUYỄN XUÂN HOÀNG(Đọc tập truyện "Ngôi nhà hoang bí ẩn" của Phan Văn Lợi)Tôi đọc mê mải tập truyện đầu tay của tác giả Phan Văn Lợi. Cái tựa "Ngôi nhà hoang bí ẩn" gợi trong lòng người đọc một câu hỏi ban đầu: Cuốn sách viết về cái gì đây? Càng đọc, càng bị cuốn hút khi cùng anh trở lại miền ký ức, để đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
LÊ MỸ ÝSau một loạt tác phẩm và tác giả được giới thiệu trên nhiều lĩnh vực tôn giáo, triết học, văn hoá, khoa học và nghệ thuật để làm tư liệu nghiên cứu và tham khảo, trong quý một năm nay, Nhà xuất bản Văn học lại tiếp tục cho ra mắt bộ sách lớn:"Krishnamurti - cuộc đời và tư tưởng" do Nguyễn Ước chuyển ngữ. Đây là một bộ sách công phu và được nhiều độc giả chờ đợi đón đọc.
VĂN CẦM HẢI (Nằm nghiêng - Thơ- Nxb Hội Nhà văn 5/2002)Trên đất Thư "viết buồn thành mưa". Dưới trời Thư "viết buồn thành gió". Giữa đời Thư "viết nỗi buồn sống".
TRẦN THUỲ MAIThơ Ngàn Thương bàng bạc một nỗi quan hoài. Trong thơ anh, ta luôn gặp một vẻ quyến luyến ngậm ngùi, đúng như ấn tượng từ cái bút danh của tác giả: Ngàn Thương.
NGUYỄN TRỌNG TẠOLTS: Vậy là đã đúng một chu kì World Cup, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị “cải bệnh hoàn đồng” và phải tập ăn tập nói, tập đi tập đứng lại từ đầu. Dù vậy, anh vẫn viết được và viết hay như trước.Trong dịp Festival Huế 2002, đã diễn ra một cuộc hội thảo văn học về Hoàng Phủ Ngọc Tường nhân bộ tuyển tập của anh được Công ty Văn hóa Phương ấn hành.Sông Hương xin trân trọng giới thiệu một số ý kiến đã thành văn được trình bày trong hội thảo đó.
NGUYỄN THIỀN NGHIHai chữ "Trăng lạnh" trắng trên nền bìa màu lam do tác giả tự trình bày bềnh bồng một chút tôi bằng những bài thơ tự sự của mình.
VỌNG THẢO(Đọc sách "Nhà văn Thừa Thiên Huế" – NXB Thuận Hoá 2002).Trải qua nhiều thế kỷ, Huế bao giờ cũng là miền đất tụ hội nhiều nhân tài văn hoá - văn học của đất nước. Trong bảng quang phổ bản sắc Việt Nam vô cùng bền vững, miền đất hội tụ nhân tài ấy luôn đằm thắm, lấp lánh một bản sắc "thần kinh" riêng biệt - một bản sắc mà tiếng nói của văn chương là thuần khiết và đa dạng.
NGUYỄN VĂN HOA Tôi đã đọc sách Ăn chơi xứ Huế của nhà thơ Ngô Minh (*) một mạch như bị thôi miên. 247 trang sách với 36 bài bút ký viết về triết lý ẩm thực Huế, về các món ăn Huế như tiệc bánh, cơm muối, mè xửng, tôm chua, chè Huế, bánh canh, bún gánh, nem lụi, hôvilô (hột vịt lộn), bánh chưng, bánh khoái, cơm chay, chè bắp, món vả trộn, cháo lòng, rượu Minh Mạng Thang...
KIM QUYÊNĐọc tản văn của nhà văn Mai Văn Tạo (*) và nhà văn Trần Hữu Lục (*) tôi như đứng trên những tảng mây lấp lánh sắc màu, theo gió đưa về mọi miền, mọi nẻo quê hương.
HƯƠNG LANGuy de Maupassant sinh ngày 5-8-1850 ở lâu đài xứ Normandie. Trong một gia đình quý tộc sa sút. Khi mà nước Pháp vừa trải qua cuộc đụng đầu lịch sử giữa giai cấp tư sản hãy còn nhức nhối những vết thương thất bại của cuộc cách mạng năm 1848.
TRẦN ĐÌNH SỬTôi có duyên làm quen với Trần Hoàng Phố đã hai chục năm rồi, kể từ ngày vào dạy chuyên đề thi pháp học ở khoa Văn Đại học Sư phạm Huế đầu những năm 80. Hồi ấy anh đã là giảng viên nhưng theo dõi chuyên đề của tổi rất đều, tôi biết anh rất quan tâm cái mới. Sau đó tôi lại tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ của anh, được biết thêm anh là một người đọc rộng, uyên bác.
TRẦN THUỲ MAI(Đọc tập thơ "Quê quán tôi xưa" của Trần Hoàng Phố, NXB Thuận Hoá - Huế 2002)