Du Nguyên ở nơi này của đời sống

09:18 13/10/2016

GIÁNG VÂN

Cầm trên tay tập thơ với bìa ngoài tràn ngập những con mắt và tựa đề “Khúc lêu hêu mùa hè”(*), một cái tựa đề như để thông báo về một cuộc rong chơi không chủ đích, và vì vậy cũng không có gì quan trọng của tác giả.

Ảnh: internet

Vậy là cô ấy rong chơi, và cô ấy mở to những con mắt của mình để nhìn ngắm thế gian mà cô được sinh ra ở đó.

Thế gian ấy có gì?

“nơi này không có dấu chân nào của mình
nơi này chẳng thấy nụ cười nào của mình
rơi vãi
nơi này của mình chẳng có gì vui
nơi này của mình mất tích
của mình tàn tro/ của mình xếp xó
của mình âm u/ của mình…”

                (Nơi này của mình quá buồn)

Du Nguyên, thế hệ của máy tính, của internet đường truyền tốc độ cao, của thông tin tràn ngập, của tiện nghi, của mọi sự du nhập và phân luồng văn hóa, và cô, một nữ nhà báo ở trung tâm của cái thế hệ đó, nghĩa là cô có thể nhìn thấy tất mọi thứ, nhưng Du Nguyên không thấy bất cứ một mảy may gì là “mình” trong đó.

Không tìm thấy mình, và nhà thơ thấy gì?

“về hàng cây buồn nôn chiều nay tôi muốn
kể bạn nghe
những đám lá đã kịp tẩu tán nỗi buồn rồi
bay đi
cụm rễ chùm
tựa khuôn mặt người trẻ mọc lên đường gân
xanh xa xao
rồi một ngày ngơ ngẩn quá mà không còn
ngơ ngẩn được nữa
rồi ở đó
bốn mùa trở thành bài ca lâu ngày không ai cất”

                                (Về một luẩn quẩn buồn nôn)

Dường như không một phút nào, một thời khắc nào, những câu thơ của Du Nguyên không ám ảnh bởi nỗi buồn chán, bởi sự vô hồn, sự già nua, sự nhạt nhẽo, trống rỗng… Những thứ đó bao trùm lên, thống trị đời sống, thống trị tinh thần nhà thơ hay tất thảy chúng ta, mà nhà thơ, bằng linh giác của mình, đã chỉ ra nó.

Tôi có cảm giác, bằng toàn lực của mình, nhà thơ đã dành cho những cuộc vượt thoát. Ngay cách mà nàng dùng chữ “Lêu hêu” cho tựa đề tập thơ cũng là cách để vượt thoát, thoái thác mọi sự long trọng, các giá trị được coi là chuẩn mực của cái thế giới bên ngoài. Hay đôi khi tự cười vào chính nỗi buồn đau của mình. Nhưng rồi nàng phải kêu lên:

“tôi thấy mình mắc cạn ở đây
thành phố tháng mười
ý nghĩ đang bơi
ngập lụt ý nghĩ
tôi thấy mình đang trôi
thủy triều về giữa phố
những ngôi nhà vàng rêu phố cổ
bắt đầu trương phồng”


rồi nữa:

“tôi thấy mình kéo theo rác
từ thùng rác công cộng
từ trí nhớ già nua
từ tình yêu mốc mọt
từ mọi cống rãnh thành phố
tất cả bơi bơi
ý nghĩ và rác”

                (Tôi thấy mình mắc cạn ở đây)

Và rồi sẽ ra sao nữa, có thể kéo được con tàu buồn bã lê thê ấy hay không? Hay kéo được một vài mẩu của nó theo cuộc vượt thoát của mình hay không?

Điều đó mới khó sao, khi những ô của đã mốc thếch, những người phụ nữ cần mẫn son phấn, những chân dung luôn lẫn vào nhau, những cuộc đời trôi đi không có niềm vui, những tuổi thanh xuân già cỗi… cứ như thế, dường như bất tận.

Nhà thơ của chúng ta nài nỉ:

“bạn không đi cùng tôi à?
chỉ một đoạn đường rầu rĩ thôi mà
chỉ một đoạn đường tuổi trẻ mê mệt thôi

lên đồi sẽ lắm gió
lên đồi sẽ nhìn thấy tôi cười
lên đồi tôi sẽ hôn bạn
và kể cho nghe những bí mật nhỏ
dễ thương trần đời”

                (Giấc mơ của Dung)

Rồi nàng dụ họ:

“bạn có nhớ tôi không? cô gái mắt nâu, đêm
đêm vẫn nghe Trịnh và sống ngây dại giữa
đời thường? cô gái đã xé tuyên ngôn về
mình mà cô độc bước đi? cô gái có lần tôi rủ
rỉ sẽ nhớ nhung mãi?
tôi đã chọn con đường đẹp nhất trong tuổi
trẻ của mình
mà đi”

                (Giấc mơ của Dung)

Nhà thơ Nga, Boris Paxtenac, trong một bài thơ viết cho nhân vật La ra trong tiểu thuyết “ Bác sĩ Jivago”, có hai câu, tôi không còn nhớ không chính xác:

“Thì em hỡi, lòng cam đảm mà ta có được
Là vĩnh phúc trên bước đường thảm khốc”


Tất nhiên là khập khiễng khi so sánh, nhưng tôi yêu sự can đảm của cô gái bé nhỏ, mảnh mai và duy mỹ này. Không chỉ một lần, mà luôn luôn nàng tuyên bố về sự cô độc, chấp nhận sự cô độc ấy, chỉ bởi vì, nàng muốn đi tìm cái gì đó khác, những giá trị khác

“họ nói về tôi
như một kẻ lang thang trong thế kỷ
tuổi hai mươi trên đường
tóc bay và gió thổi
chỉ có nỗi buồn nằm nguyên


tôi bóc trần chính mình
như cởi từng lớp áo, lớp da, lớp lòng ruột
để mơ về những điều tinh khiết nhất
tự do nhất”

                (Sự bóc trần và tóc bay)

Bóc trần chính mình, và không ngừng mơ về “những điều tinh khiết nhất”, và đương nhiên, nàng sẽ chối bỏ mọi lớp vỏ hào nhoáng, giả dối, chối bỏ những gì không phải là mình, không thể lẫn một chút nào trong mớ “lủng bủng, lùng bùng” của đời sống đầy toan tính lẹp nhẹp. Vậy nên người ta thường thấy một Du Nguyên trong hình ảnh, khoác ba lô, giày buộc giây, quần áo rộng lùng thùng, và một mình đang ở đâu đó.



Nhưng dù cho không thiếu lòng can đảm, thì cuộc vượt thoát chẳng hề đơn giản, nó không phải như việc xách ba lô là đi, mà kể cả xách ba lô thì vẫn phải trở lại căn nhà mình trú ngụ, huống chi là cuộc bứt phá khỏi mọi tù ngục tinh thần, mà nhưng tù ngục đó, nhiều khi tinh vi và ma quái.

“có đôi lần
mình nhìn thấy lòng mình dư thừa mớ già
nua lòng ruột/ cũ rích
từ độ mười tám/ chẳng biết quẳng đi đâu
ôi đôi mắt u buồn/ đôi mắt già thêm tí nữa
lơ láo nỗi buồn/ lơ láo tù đày
trong thế kỷ hoa thơm và rác

 
để hát bạn nghe nhé/ một bài thôi
nhỏ tí ti ấy mà/ mình chỉ hát khi buồn
khi buồn mà thôi
cạnh chiếc bình gốm cũ/ chú kiến đen ngáp
lích ra lích rích/ già nua cũng sột soạt
ra chiều như muốn im hơi”

                                (Ra chiều như muốn im hơi)

Trong cái nhà tù ấy, bao người đã mệt, đã đầu hàng, đã thất bại, nhất là khi họ đã có được đôi chút gọi là thành tựu, là danh tiếng, là vật chất…

Những phẩm chất thi nhân, khi đó không còn tồn tại, nó sẽ biến mất, bốc hơi như chưa từng tồn tại.

Biết sao được, vì thơ là sự thần diệu trong tâm hồn con người, mà khi sự thần diệu mất đi, thì đâu còn gì.

Phật giáo nói về sự buông bỏ như là phương pháp chính yếu để con người tự giải thoát khỏi mọi đau khổ trầm luân của cõi người, nhưng than ôi, điều đó chỉ xẩy ra khi con người đã trải qua bao thăng trầm.

Tôi thực sự thích một Du Nguyên khi viết những câu thơ như là buột ra từ tâm thức, từ những cơn mơ, từ những ám ảnh dằng dặc không thể giải thích.

Đó là những bài thơ nằm ở phần sau của “khúc lêu hêu mùa hè”, những bài như” Cả đi, cả khóc, cả cười” “Chiếc hộp di tản” “Rõ ràng tôi đã chết” “Trong giấc mơ ai cũng cười” “Toàn thân run lên như sắp mọc mầm” “Mẫn cảm của bóng” “Thơ, chiếc quần lót và nỗi buồn không địa chỉ” “Ở đây không có quà của mẹ” “Một bài hát và một người con gái bé bỏng nhất đã qua đời tối qua”…

Ở những bài thơ này, Du Nguyên bộc lộ mặt mạnh nhất của mình, một thứ bản năng thi nhân thiên bẩm, nằm ngoài mọi sự cố gắng của nhận thức lí trí.

“sao ai cũng bảo tôi ổn/ để tôi lăn ta lăn tăn
phố thị buồn rầu/ tôi buồn rầu
hơ bàn tay ngơ/ cái này chẳng phải thơ đâu
thơ tôi đã chết đuối ở tuổi hai tư”

                (Ở đây không có quà của mẹ)

“người đi săn bóng trên mảng tường đô thị
người đi khấp khểnh, lênh đênh, tênh hênh
người đi thành hàng dài, hàng dài nối nhau
về phố xá
người quay về nhốt bóng mình
một thuở buồn lêu rêu
người đi ăn bóng mình nham nhở trong giấc

người giễu bóng sống cuộc đời của bóng
người ôm mặt người bóng khóc rưng rưng”

                                (Mẫn cảm của bóng)

“hôm nhớ gió quá/ chạy ra ngã ba
thành phố không có mặt người
thành phố không còn tình yêu
thành phố mặt trời đỏ ối
thành phố thu lu trên cao
thành phố buồn, thành phố hát lêu nghêu”

                                (Toàn thân run lên như sắp mọc mầm)

Có thể nhặt ở bất kỳ đoạn nào trong các bài thơ Du Nguyên ở phần sau của tập thơ đều như thế này. Một Du Nguyên thả lỏng hoàn toàn cho tâm thức đẫn dắt. Một Du Nguyên phiêu lãng mà câu chữ, nhịp điệu đều được lắp ráp một cách thần tình không chủ ý. Một Du Nguyên với sự vô vọng không sao cứu vãn. Mà cô ấy cố gắng vớt vát tự giải thích rằng, cô ấy mắc chứng nghiện nỗi buồn:

“đêm qua, đứa con gái trốn khỏi nhà
tìm một cơn mê đắm khác
thành phố này có điều gì vui không
không, không, không
tiếng hét thất thanh của một người đàn bà
trú dưới nắp cống/ không không không
tự nhiên gì đâu/ rơi tõm vào nắp cống

 
ngồi như một tên du côn lãng đãng qua thế kỷ
lòng rầu lây rây
nửa đêm
gặp ngay bóng mình treo trên một cành cây
khô
cô gái đó bị chứng bệnh nghiện nỗi buồn
đời sống chỉ là chất xúc tác
để cô thêm cô độc”

                (Một bài hát và một cô gái bé bỏng nhất đã qua đời tối qua)

Một bàn tay ngơ, một trải tim bị lạc mất, những bài hát chỉ được hát lên khi buồn, những giấc mơ tràn ra khỏi những giấc ngủ… nàng cô độc, nàng chấp nhận cô độc, nhưng nàng còn rất trẻ, nên nàng cứ cật vấn liên tục về những điều mà trái tim nàng chưa thể tới:

“anh có cô độc không?/ em có cô độc
không?
làm sao phục sinh một nỗi niềm khi mình
chưa cất bước ra đi
trong ngõ khuya sâu hoắm của lòng mình,
cột đèn nào không dẫn về ngã ba, ngã tư,
ngã sáu? nếu có con đường một chiều, mình có
quay lại.. như ngày đầu tiên?”


Khúc lêu hêu của nàng thật ra, chứa đựng những bí mật sâu thẳm nhất của tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương của nàng.

Tôi rất thích bài thơ “Rõ ràng em đã chết” trong số những bài thơ ở phần sau. Cảm thức về cái chết, về sự song hành của sống và chết, và ngay trong cái chết thực vật của chính mình, Du Nguyên nhìn thấy sự vượt thoát của linh hồn về phía ánh sáng, về phía tự do, về phía bầu trời…

Ý thức của nhà thơ về sự vượt thoát này thật mãnh liệt, đến độ, tôi hình dung thấy nó thường xuyên trong các giấc ngủ, nàng đã mơ về nó, đã buồn rầu đã tuyệt vọng, đã tự thấy mình đã chết vì thất bại.

Nhưng tôi yêu Du Nguyên bởi ngay cả khi nàng cho rằng, mình đã thất bại, thì nàng vẫn viết:

“họ đã vẽ bức chân dung về tôi
đứa buồn cười nhất của cuộc đời
mà người mẫu không hề có mặt
trong thế kỷ của họ”


Phải vậy, nó là bí ẩn của thi ca, của tâm hồn, làm sao ta có thể cầm nắm được hương hoa, cầm nắm được những vẻ đẹp không ngừng biến ảo. Vậy nên chúng ta chỉ có thể xúc động vì những điều đó mà thôi.

G.V
(SHSDB22/09-2016)

........................................
(*) Tập thơ “Khúc lêu hêu mùa hè”, Du Nguyên, Nxb. Hội Nhà văn, 2014.




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THẠCH QUỲSuốt đời cần mẫn với công việc, luôn mang tấm lòng canh cánh với thơ, vì thế, ngoài tập “Giọng Nghệ” in riêng và bao lần in chung, nay Ngô Đức Tiến lại cho ra tập thơ này.

  • Trong đội ngũ những người hoạt động văn nghệ tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh các Hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc…) có một tổ chức gọi là “Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế”(CHNV).

  • Hà Khánh Linh xuất thân trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở Huế. Tên khai sinh của chị là Nguyễn Khoa Như Ý. Năm 20 tuổi, đang học dở dự bị đại học Khoa Học Sài Gòn thì chị quyết định bỏ học để gia nhập quân Giải phóng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu chị đã từng đi dạy, làm phóng viên Đài phát thanh Giải phóng, Đài phát thanh Bình Trị Thiên, làm biên tập, Thư ký Tòa soạn rồi Phó tổng biên tập Tạp chí Sông Hương. Chị quen biết và giao tiếp khá rộng từ các vị quan chức đến các vị đại đức, linh mục, trí thức... cùng những năm tháng gian khổ ở chiến trường Trị Thiên, những chuyến đi thực tế ở Căm pu chia... đã giúp chị có một vốn sống hết sức phong phú.

  • Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kiến Giang thơ mộng. Nhưng tuổi thơ của chị chứa đầy buồn đau và nước mắt: Mẹ không có cửa nhà/  Em đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên đá/ Biết khi nào nở hoa? Nỗi tuyệt vọng cứ ám ảnh suốt cả tuổi thơ của chị. Trong một bài thơ đầu tay chị viết: Tuổi thơ tôi như ráng chiều đỏ lựng/ Hắt máu xuống dòng sông đen.

  • Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi chị đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng (1975). Tốt nghiệp vào loại xuất sắc, chị được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở trường đại học Sư phạm Huế. Dạy ở trường đại học Sư phạm Huế được một vài năm, chị chuyển sang làm công tác biên tập ở nhà xuất bản Thuận Hóa. Đây là một quyết định khá táo bạo và sáng suốt. Làm việc ở nhà xuất bản, chị có điều kiện viết lách hơn.

  • LÊ HUỲNH LÂM                 (Đọc Viết bên Hộ Thành hào - thơ Nguyên Quân -, Nxb Thuận Hoá, 2009)Giữa những đổ nát hoang tàn quá khứ và hiện tại, khi mà thang giá trị bị đảo lộn, những mảnh vỡ đang vung vãi mọi nơi, tác giả lại tìm đến Hộ Thành hào để nhìn ngắm cõi lòng đang hỗn hênh mọi thứ và như chợt nhận ra niềm hy vọng mỏng mảnh, anh đã Viết bên Hộ Thành hào.

  • HOÀNG DIỆP LẠCBất chợt giữa một ngày mưa gió, nhìn những hạt nước toé lên từ mặt đất như những đoá hoa mưa. Một loài hoa của ảo giác. Có thể trong tâm trạng như vậy, Lê Tấn Quỳnh chợt hỏi:Hoa vông vangCó hay không

  • ĐINH NAM KHƯƠNG(Thơ Tuyết Nga - NXB Hội Nhà văn 2002)

  • NGUYỄN VĂN HOA1. Cuối thế kỷ 20, tôi làm cuốn sách “Tuyển tập thơ văn xuôi Việt Nam và thế giới” cùng tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thiện (Viện Văn học Việt Nam), trong tập sách này gồm phần học thuật và phần tuyển thơ Việt Nam và Thế giới. Phần thơ Việt có nhiều tác giả sinh sống ở Huế, ngẫu nhiên-tình cờ có hai nhà thơ có thơ trong tập này, đó là Hải Bằng và Hải Trung.

  • NGA LINH NGA1. Xuất bản mười hai tập thơ, mười hai tập văn xuôi, một tập nhạc; viết mười hai kịch bản phim chân dung, hai mươi lời bình cho các phim khác, biên soạn hai mươi tập nhạc... điều thật khó tin ở một người nổi tiếng rong chơi, thích cao đàm khái luận, thường không mấy khi vắng mặt nơi những cuộc rượu của đám văn nghệ Hà Thành như Nguyễn Thụy Kha.

  • L.T.S: Trong vài năm lại đây, ở Huế, chưa có tập sách nào ra đời lại gây được “hiệu ứng ngạc nhiên” cho bạn đọc như một hiện tượng ngoài tập Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa ấn hành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Huế và Đà Nẵng vừa qua. Ngoài các bài viết giới thiệu, phê bình in trên nhiều tờ báo trung ương và địa phương, Sông Hương vẫn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến cảm thụ về tập thơ này.Xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG           (Đọc tập thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)

  • YÊN CHÂU          (Đọc Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)Giống như những cây xanh bói muộn bất ngờ cho một mùa hoa trái, thơ Nguyễn Xuân Hoa xuất hiện đột ngột như vậy. Anh không cho in rải rác đâu đó, cũng không đọc thơ ở những cuộc gặp gỡ bạn bè. Im lặng, đùng một cái cho ra hẳn một tập thơ. Thơ Trà My của nguyễn Xuân Hoa đã đến với bạn bè như vậy.

  • BÙI ĐỨC VINH            (Nhân đọc tập thơ “Cho người tôi thương nhớ”-NXB Hội Nhà văn 2004)Có một chàng thi sĩ phong tình đi lang thang vô định trên nẻo đường mưa bay gió tạt, chợt lơ đãng nhận ra mình là kẻ bị tình yêu truy nã trong bài thơ “Nhận diện” anh đã tự thú với trái tim thổn thức của mình.

  • INRASARA           (Đọc Mang, tập thơ của Phan Trung Thành, Nxb, Trẻ TP.Hồ Chí Minh, 2004.)Dòng Seine và cầu Mirabeau, cuộc tình với người tình. Sông đi và cầu ở lại, cuộc tình tan nhưng người tình thì ở lại. Mãi mãi ở lại, cùng nỗi buồn ở lại.                Con sông nào đã xa nguồn                Thì con sông đó sẽ buồn với tôi                                                (Thơ Hoài Khanh)

  • THANH THIỆNBốn mùa yêu là tập thơ tình mang ý nghĩa "vật chứng" cho một biệt lập tâm hồn có tên là Lưu Ly. Người thơ này dường như luôn đắm mình trong giai điệu tình yêu muôn thuở giữa ba ngôi Trao - Nhận - Trả và đã chọn cách trả sòng phẳng nhất cho sự nhận của mình là trả vào thơ.

  • NGUYỄN VĂN HOA(Nhân đọc Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường)Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi cũng đã gặp ông trực tiếp đôi ba lần ở Huế và Hà Nội. Nhưng ấn tượng nhất là buổi hội ngộ của gia đình tôi với ông ở nhà nhà thơ Ngô Minh ở dốc Bến Ngự Huế.

  • HOÀNG VŨ THUẬT         (Thơ Chất trụ của Nguyễn Hữu Hồng Minh- Nxb Thuận Hoá 2002)Nguyễn Hữu Hồng Minh không làm cái phép phù thuỷ đưa độc giả tới một không gian rắc rối. Quan niệm về thơ của anh được trình bày rất nghiêm túc qua bài “Chất trụ”, lấy tên cho tập thơ. Tôi rất đồng tình quan niệm này, không mới, nhưng không dễ làm người ta chấp nhận.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN(Đọc Dòng sông Mía của Đào Thắng)

  • TRẦN THIÊN ĐẠOCứ suy theo nhan đề, thì chúng ta có thể xếp các trang Viết về bè bạn - Tập chân dung văn nghệ sĩ (NXB Hải Phòng, 2003) của Bùi Ngọc Tấn cùng một loại với mấy tập sách đã ra mắt bạn đọc vài ba năm nay.