Đổi vợ

15:05 11/12/2008
JUAN JOSÉ ARREOLA (Sinh 1918, Nhà văn Mêhicô)LGT: Arreola là một nhà cách tân lớn về truyện kể. Là một người tự học tài năng, ông sở đắc một nền văn hoá rộng lớn, cũng như trải qua nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Arreola chủ yếu sáng tác những truyện kể ngắn, cô đúc, mỉa mai, hay bí ẩn, ưa thích cái nghịch lý và ông là một trong những bậc thầy của hình thức truyện ngắn này. Ba tuyển tập truyện ngắn của ông là Varia Invencion (1049), Confabulario (1952), Confabulario Définitivo (1087).

Tinh tế, đầy sức mạnh thi ca, thường hài hước, từ khước cái nghiêm túc, tuy nhiên luôn phục vụ một tham vọng đạo đức. Khám phá tinh thần của ông soi rọi những mối quan hệ giữa những con người, và cái kỳ ảo có nhiệm vụ phát hiện và làm thấu hiểu. Nhiều truyện kể của ông xoay quanh hình ảnh người phụ nữ và đặc biệt là hôn nhân. Mời các bạn thưởng thức truyện ngắn dưới đây qua bản dịch từ tiếng Trung của nữ dịch giả Phạm Tú Châu.

Đổi vợ

Vợ cũ đổi vợ mới đây!
Người lái buôn lớn tiếng rao, lượn đi lượn lại khắp đường to ngõ nhỏ trên thị trấn, đằng sau anh ta là mấy cỗ xe ngựa sơn màu sặc sỡ, có mui.
Cuộc mua bán, đổi chác diễn ra chóng vánh, giá cả mẫu mã rõ ràng, không cần mặc cả. Những lái buôn đã làm nghề này đều chọn hàng đã được kiểm tra chất lượng và có giấy bảo hành, có muốn chọn cũng vậy mà thôi. Theo họ nói, những cô gái họ mang đến đều đúng quy cách, tóc đều màu vàng, chính cống hàng “din”, hàng “xịn”. Nói tóc màu vàng cũng chưa thật đúng mà tóc óng ánh như vàng mười.
Đám đàn ông thấy hàng xóm láng giềng mua đổi được những món hàng đó liền cuống quýt đua nhau chạy theo gã lái buôn, khối kẻ vì chuyện này mà dốc hết tiền bạc đến khi khánh kiệt. Chỉ có một chàng trai vừa mới cưới vợ là đổi ngang được món hàng mới, không phải các một xu nào. Vợ chàng ta còn mới tinh, không kém gì những hàng “xịn”, chỉ phải nỗi tóc không được óng ánh như họ mà thôi.

Một chiếc xe ngựa sang trọng đi ngang qua cửa sổ nhà tôi, tôi núp sau cửa hồi hộp nhìn ra. Trên xe có một cô gái nằm ngả người giữa đám gối nệm và màn buông lơi. Cô đưa ánh mắt sáng quắc chằm chằm vào tôi chẳng khác gì mắt con báo. Mắt cô long lanh như mắt ngọc khiến hồn vía tôi bay bổng, thiếu chút nữa thì đâm đầu vào cửa kính. Mặt đỏ bừng lên vì xấu hổ, tôi ngượng ngùng ngoảnh lại nhìn Xôphia.
Xôphia xem ra rất bình tĩnh. Nàng đang chăm chú thêu hoa cho chiếc khăn trải bàn. Tiếng huyên náo ngoài đường phố xem chừng không làm nàng động tâm, ngón tay khéo léo của nàng vẫn thoăn thoắt đưa trên mặt vải. Chỉ có tôi vì rất quen thuộc với nàng mới nhận ra một thoáng nhợt nhạt trên khuôn mặt nàng. Phía cuối phố, gã lái buôn lớn tiếng gào lên tiếng rao khiếp đảm cuối cùng:
- Vợ cũ đổi vợ mới đây!

Tôi ghì thật chặt hai chân xuống nền nhà, tay bịt chặt hai tai, cố bỏ ngoài tai tiếng rao cuối cùng đó. Bên ngoài, cả thị trấn đang nháo nhào, nhộn nhạo.
Tôi và nàng câm lặng suốt bữa ăn, không biết nói với nhau câu gì cho phải. Cuối cùng, trong lúc thu dọn bát đĩa, Xôphia cũng lên tiếng:
- Sao anh không đem em đi mà đổi lấy cô mới!
Tôi không biết trả lời nàng thế nào. Hai chúng tôi đều cảm thấy lòng mình trống vắng. Tối hôm ấy chúng tôi lên giường rất sớm nhưng chẳng ai ngủ được. Chúng tôi vẫn câm lặng, tôi tránh nàng, nàng cũng tránh tôi, chẳng khác gì hai khúc gỗ.
Từ ngày đó, chúng tôi sống như sống trên hòn đảo hoang vu trong lúc mọi người xung quanh chìm ngập trong niềm hạnh phúc cuồng si. Cả thị trấn như cái lồng nhốt gà trước đây nay nhốt toàn chim công. Các cô nàng tóc vàng uốn éo, lười nhác nằm suốt ngày trên giường. Khi hoàng hôn buông xuống họ mới kéo nhau ra đường, tóc của họ lóng lánh trong ánh chiều tàn chẳng khác gì những lá cờ lụa bay phất phới.

Những người chồng tràn trề niềm vui, ngoan ngoãn đi theo, không chịu rời vợ nửa bước. Họ hoàn toàn say sưa với hạnh phúc ngọt ngào, chẳng còn thì giờ đâu lo công việc của mình, cũng chẳng buồn nghĩ xem ngày mai sẽ ra sao. Trong con mắt của láng giềng và người cùng phố, tôi là một thằng đại ngốc, mấy người bạn thân vốn đã ít ỏi cũng đã bỏ rơi tôi. Họ cho rằng tôi là thằng giả vờ ta đây chung thủy để làm gương cho họ. Cho nên họ chỉ trỏ sau lưng tôi, chế giễu tôi, nói xấu tôi trong bức chiến hào kiên cố của họ, thậm chí còn đặt cho tôi những cái tên rất khó nghe. Cuối cùng tôi cảm thấy trong vườn cực lạc ở thị trấn này, tôi chỉ đóng vai trò một anh chàng bị hoạn.

Còn Xôphia thì sao? Nàng càng ngày càng ít nói và trầm tư, càng ngày càng xa lánh mọi người. Nàng từ chối cùng tôi ra phố, tránh cho tôi khỏi bị người ta nói này nói nọ. Khó chịu nhất là nàng thực hiện cái chức trách tối thiểu nhất của người vợ một cách hết sức miễn cưỡng. Thực lòng mà nói, cả hai chúng tôi đều khổ tâm khi thấy tình ân ái vợ chồng chỉ còn lại một chút cỏn con đó.
Điều làm tôi dễ nổi cáu nhất là bộ dạng tự thấy mình có lỗi của nàng. Nàng cho rằng do nàng mà tôi không có được người vợ như vợ của mọi người. Ngay từ đầu, nàng cho rằng mọi người vợ nhan sắc bình thường như nàng không được phép xua đuổi những hình bóng yêu kiều hấp dẫn ra khỏi đầu óc tôi bởi trước những người đẹp được đưa đến thị trấn nhỏ này, nàng chỉ còn cách lùi xa, núp vào một xó xỉnh mà khóc thầm khóc trộm. Tôi lấy hết số tiền ít ỏi còn lại của chúng tôi ra mua cho nàng một ít đồ trang sức, quần áo, nước hoa, vòng nhẫn, nhưng tất cả đều chẳng được việc gì.

- Đừng thương hại em nữa!
Nàng quay người đi, không thèm để mắt đến số tặng phẩm đó của tôi. Mỗi khi tôi gắng sức tỏ ra âu yếm nàng thì nàng lại khóc mà bảo tôi:
- Anh không đem em đi đổi thì suốt đời em không tha thứ cho anh đâu!
Nàng đổ hết lỗi lầm cho tôi khiến tôi cũng dần dần ngán ngẩm. Nghĩ tới cô nàng mắt như báo, tôi mong một ngày nào đó gã lái buôn kia trở lại.

Nhưng bỗng một hôm, những cô gái tóc vàng bắt đầu hoen gỉ. Hòn đảo mà chúng tôi đang sống bỗng trở thành miền đất tươi xanh. Còn bãi sa mạc kia thì đầy những tiếng gào thét thô lỗ do tức giận, đầy những sự ghen tức thù hận. Thì ra ngay từ đầu số đàn ông trong thị trấn đã bị lóa mắt, không xem kỹ các cô nàng, không thực sự chú ý đến họ nên không hề nghĩ đến việc phải kiểm tra chất kim loại trên người họ. Thực ra các cô nào có mới mẻ gì, mà chỉ là loại thứ phẩm, loại hai, loại ba. Vả cũng chỉ có chúa mới biết họ là loại hàng thứ mấy. Gã lái buôn chẳng qua chỉ sửa sang lại chút ít, mạ một lớp vàng thật mỏng cho họ mà thôi. Gặp phải trời mưa, lớp kim loại mạ này tất bị ăn mòn và gỉ sét.

Người đàn ông đầu tiên phát hiện ra mánh lới này làm ra vẻ thản nhiên, người thứ hai cũng vậy. Nhưng người thứ ba là một dược sĩ, một hôm bất chợt ngửi thấy dưới lớp phấn son thơm phức, thân thể vợ mình bốc lên mùi khó ngửi riêng có của sunphát đồng. Ông giật nảy người, kiểm tra kỹ lưỡng một hồi mới phát hiện ra những chấm đen loang lổ trên người vợ và thét lên thất thanh.
Chẳng bao lâu, trên da mặt các cô nàng tóc vàng đều xuất hiện những chấm đen, chẳng khác gì một bệnh dịch phát ban lây lan trong các nàng. Các ông chồng giấu diếm lẫn nhau, chẳng ai dám nói đến căn bệnh của vợ mình nhưng tất cả đều đứng ngồi không yên, không đoán được nguyên nhân do đâu. Rồi dần dần chân tướng cũng được phơi bày: thì ra vợ họ đổi về toàn là đồ phế phẩm.

Còn anh chàng vừa mới kết hôn, thấy người ta đem vợ đi đổi cũng bắt chước làm theo ấy, lần này đau khổ thực sự. Anh nhớ thương người vợ đem đổi, nhớ đến làn da trắng bóc như ngọc của vợ và mỗi lần nhớ đến là anh phát điên phát rồ. Một hôm anh lấy axít tẩy hết những phần mạ vàng trên người vợ mới, khiến cô ta xấu xí hẳn, chẳng khác gì một cái xác ướp.
Tôi và Xôphia lại bị mọi người ghen ghét, thù hằn. Trước thái độc đó của mọi người, tôi thấy cẩn thận là hơn, nhưng nói thế nào Xôphia cũng không che dấu nổi nỗi vui sướng trong lòng. Nàng trang điểm thật lộng lẫy đi ra phố, dạo bước qua những tiếng thở dài. Nàng không tán thành cách xử sự của tôi, cho rằng tôi chịu ru rú ở trong nhà chẳng qua là do tôi nhát gan chứ quyết không phải tôi không định đổi nàng lấy người vợ mới.

Những người chồng bị lừa họp nhau lại thành một đội quân viễn chinh. Hôm nay họ từ thị trấn ra đi để tìm cho bằng được gã lái buôn gian dối và tính sổ với gã. Cảnh tượng đó có vẻ bi tráng phải biết. Đội quân giơ cao nắm đấm, luôn miệng thề báo thù rửa hận. Còn các cô vợ tóc vàng thì mặc đồ tang, đầu tóc tả tơi, rụt vai rụt cổ, chẳng khác gì một lũ hủi đi khóc mướn. Chỉ riêng anh chàng mới kết hôn kia là không đi. Lý do anh muốn tỏ ra ân cần với vợ mới, tuyên bố anh sẽ làm một người chồng chung thủy cho đến khi nào cái chết chia lìa anh với cô vợ loang lổ vết đen khắp người mới thôi. Thực ra vợ anh ra nông nỗi như thế là do anh chấm axít làm hỏng da mà nên.
Tôi không biết rồi đây sống cùng Xôphia, tôi sẽ sống ra sao. Không biết nàng là người thông minh hay cũng ngu ngốc như tôi? Bây giờ chẳng còn ai nắc nỏm khen nàng nữa. Bây giờ chúng tôi thực sự lại sống trên một hòn đảo trơ trụi, xung quanh vắng ngắt, lặng như tờ. Trước khi đi, đám đàn ông thề rằng dù có phải xuống địa ngục cũng quyết tìm cho được gã lái buôn đó. Thật vậy, khi nói câu này, ai ai cũng mang vẻ mặt đau khổ báo trước họ sẽ phải xuống địa ngục.
Thực ra Xôphia cũng không đến nỗi xấu coi. Dưới ánh đèn, khuôn mặt ngủ say của nàng rực sáng, dường như trong lúc này niềm tự hào hạnh phúc lướt nhẹ qua trí óc nàng trong mơ.
PHẠM TÚ CHÂU dịch
(Qua bản Trung văn đăng trên tạp chí Thưởng thức tác phẩm nổi tiếng số 6/1994)

(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • AMBROSE BIERCE   

    Năm 1861, chàng trai Barr Lassiter sống cùng cha mẹ và người chị ở gần Carthage, Tennesse.

  • Nassar Ibrahim là nhà văn, nhà báo người Palestine. Ông còn là nhà hoạt động xã hội, nguyên Tổng Biên tập báo El Hadaf tại Palestine. Truyện ngắn dưới đây được in lần đầu bằng tiếng Ả Rập trong tạp chí Masharef 28, số mùa thu 2005, được Taline Voskeritchian dịch sang tiếng Anh, in trong tạp chí Wordswithoutborders số tháng 11/2006.

  • THOMAS VINT

    L.T.S: Thomas Vint người Estonia, năm nay 49 tuổi. Hiện ông viết văn và sống ở Estonia (Liên Xô). Ngoài khả năng viết văn xuôi, ông còn thích vẽ. Ông đã từng triển lãm tranh ở Pháp vào năm 1988. Ông cũng đã tự minh họa cho tập truyện ngắn đầu tiên của mình.

  • JOSHUA BROWN (Mỹ)  

    “Con sẽ làm vua!” một chú lợn con nói với bố mẹ.
    Lợn Mẹ mỉm cười nhìn con. “Làm sao con có thể thành vua được khi con chỉ là một chú lợn con?”

  • RAY BRADBURY

    Theo Ray Bradbury, truyện khoa học giả tưởng khác với sự tưởng tượng thuần túy ở chỗ nó là "một dự phóng hợp lý của thực tại". Vì vậy cuộc đi dạo ngắn ngủi này nói lên những gì ông suy nghĩ - hay lo sợ - có thể dễ dàng trở thành một bức tranh thật.

  • Thomas Burke (1886 - 1945) sinh tại Clapham, ngoại ô thành phố Luân Đôn, nước Anh. Cha chết khi còn rất nhỏ, ông sống với người chú, sau được gởi vào một cô nhi viện.

  • JORGE LUIS BORGES

    Jorge Luis Borges (tên đầy đủ là Jorge Francisco Isidoro Luis Borges Acevedo) sinh ngày 24 tháng 8 năm 1899 tại Buenos Aires, Argentina.

  • CLAUDE FARRÈRE

    Những kẻ văn minh là tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Claude Farrère (1876 - 1957) đã nhiều năm sang Việt Nam mô tả vạch trần và lên án sâu sắc chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương trong hơn 80 năm đô hộ.

  • HERMANN HESSE
    (Nhà văn Đức, Nobel văn học năm 1946)    

    Trước đây, một chàng trai trẻ có tên là Ziegler đã sống ở ngõ Brauer. Anh là một trong những người thường xuyên ngày nào cũng gặp chúng tôi ở trên đường phố và chưa bao giờ chúng tôi có thể ghi nhớ chính xác khuôn mặt của những người ấy, vì tất cả bọn họ cùng có khuôn mặt giống nhau: một khuôn mặt bình thường ở giữa đám đông.

  • Nhà văn Nenden Lilis A. sinh tại Malangbong-Garut (Tây Java) năm 1971, là giảng viên khoa Giáo dục và Văn chương tại Indonesian Education University ở Bandung.
    Truyện ngắn và thơ của bà đã in trên nhiều ấn phẩm trong nước. Bà cũng thường được mời nói chuyện tại các hội nghị văn học cả ở trong nước và nước ngoài (như Malaysia, Hà Lan và Pháp). Thơ của bà đã được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan và Đức.
    Truyện ngắn dưới đây được John H. McGlynn dịch từ tiếng Indonesia sang tiếng Anh.

  • ALEKSANDAR HEMON

    Đám đông xôn xao trong bầu bụi chiều nâu xỉn; họ đợi đã quá lâu rồi. Cuối cùng, Quan tổng trấn bước xuống bậc thang áp chót, dạng chân và chống nạnh ra vẻ quyền chức thường thấy. 

  • Lời dẫn: Cách đây 475 năm, vào ngày 22 tháng 2, tại thành phố Xenvia đã qua đời một người Italia tên Amêrigô, một người đã từng giong buồm liền 7 năm trời trên những vịnh ở phía Bắc và Tây châu Nam Mỹ.

  • LTS: Issac Bashevis Singer sinh tại Ba Lan. Ông là một nhà văn lớn của Do Thái. Hầu hết truyện của ông đều viết bằng tiếng Hébreu và Yiddish, tức tiếng Do Thái cổ. Với lối văn trong sáng, giản dị, có tính cách tự sự, ông thường viết về cuộc sống của những người dân Do Thái cùng khổ. Ông được tặng giải Nobel văn chương năm 1978.

  • LTS: Giải thưởng danh giá Goncourt của văn chương Pháp năm 2015 với tác giả là nhà văn Mathias Enard do Nxb. Actes Sud (Pháp) xuất bản.

  • Sinh ở Manzanillo năm 1907, Loló de la Torriente sống ở Havana từ thuở nhỏ. Bà đóng một vai trò tích cực trong cuộc chiến đấu chống lại Machado và các chế độ ủng hộ đế quốc sau đó. Bà trở thành giáo viên và là một đảng viên của Đảng Cộng sản Cuba.

  • Michel Déon sinh năm 1919 tại Paris. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, ông tòng quân cho đến tháng 11 năm 1942. Ở lại vùng phía nam nước Pháp bị tạm chiếm, ông cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác nhau.

  • LGT: Alissa York sinh tại Australia và lớn lên tại tỉnh bang Edmonton, Canada, và là tác giả của năm tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm bán chạy: The Naturalist, Fauna, Effigy, Mercy, Any Given Power. Cô nhận giải Bronwen Wallace Memorial Award vào năm 1999, và đã từng được đề cử giải văn chương danh giá Scotiabank Giller Prize.

  • LGT: “Cơn Giông” là một trong các tác phẩm Nabokov, văn hào Mỹ gốc Nga, viết trong thời kỳ ông còn sáng tác bằng tiếng Nga, và được đăng lần đầu trên báo Đỵíÿ (Hôm Nay) vào ngày 28 tháng 9 năm 1924. Sau này, nó được Dmitri Nabokov, con trai tác giả, dịch lại qua tiếng Anh và đăng trong một số tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của Nabokov. Bản dịch dưới đây được dịch giả Thiên Lương, người từng dịch Lolita, thực hiện từ bản gốc tiếng Nga.