Đồi ma

08:46 27/02/2017

AN PHÚ

Trong không gian yên ắng của ngọn đồi, trên bầu trời không còn ngôi sao nào đêm nay, chỉ có những giọt mưa lả tả, gió và lớp rêu mờ lám xám bên bức tượng.

Minh họa: Nhím

Cơn địa chấn qua đây, và sau trận lụt lớn, những vết lở loét của đất, vết xói của nước sau cơn địa chấn, ở ngọn đồi phát lộ một phế tích vùi dưới lớp đất trên đỉnh được khắc vào đá hai tượng người mặt ngựa, mặt mèo và chiếc vòng màu trắng đục bên hàng cây đã bong gốc. Nhiều đoàn khảo cổ đã về khai đi quật lại để tìm cái gì đó của một triều đại nào đó đã lụi tàn, nhưng chẳng tìm được gì ngoài cái sân đá hai bức tượng không giống ở bất kỳ thời kỳ nào ở đâu trên trái đất này.

Từ khi lũ trẻ ranh leo lên đồi và thấy bóng người, ngựa và mèo đùa vui cùng những tiếng động nghe rờn rợn như suối chảy qua khe đá vổng lên.

Ma. Một đàn ma ngựa, một bầy ma mèo. Tiếng la ó thất thanh vang vọng cả núi, trườn vào bóng đêm, trườn vào gió vi vút đỉnh đồi.

Hai đứa trẻ loay hoay lột từng mảng rêu phủ đầy hoa trên lưng ngựa, con ngựa đá như muốn phi thêm lần nữa, đôi chân cứ như vung vẩy, bay. Đứa bé trai gật gù bên tượng ngựa, nó phủi từng cụm đất bám trên mắt ngựa, mắt của ngàn dặm trùng xa. Nó khẽ thầm, những điều chỉ nó biết. Nó thấy đắng lòng, rưng rưng hai hàng nước mắt, đôi mắt ngựa cũng như rưng theo. Nó khóc. Nó nghe tiếng hí vang của con ngựa hoang đang vung vẩy giữa lưng chừng đồi. Đứa bé trai bất chợt bị hất vung khỏi mặt đất sau một làn gió, như vừa bị một cái đuôi ngựa vung ngang mặt. Đứa bé gái tưng tửng, không buồn, không vui. Nó nhìn hai tượng mèo ngựa, chép miệng: “Lạ, có bao giờ ai lại đúc tượng mèo và ngựa với nhau, gần nhau nhưng chẳng nhúc nhích được”. Nó nhìn vào đôi mắt mèo, mắt của loài đi đêm bị đất bám đục, nó la thất thanh rồi kêu váng đầu, thân hình rã rời như muôn kiếp về báo, rã rời. Gáy đứa bé gái rờn rợn rùng một nhịp thật mạnh, một làn móng vuốt qua. Đứa bé trai ôm nó vào lòng. Những giọt nước mắt đứa bé gái rơi xuống đất, đám đất ướt nhàu một vệt, mắt tượng mèo trong veo đăm nhìn nó. Đôi mắt nhắm dần lại, đứa bé gái như thấy mèo vừa về và nghe tiếng kêu vang vọng bên tai, một âm thanh xoáy vòng vòng vào thẳm sâu vỉa tầng não bộ. Bàn tay của bé gái vục đỏ mấy dấu móng, một cái giật tay lùi lại, đầu quay theo vòng chập chùng đồi.

Đôi tình nhân đến bên đồi, họ thắp nén nhang cầu nguyện, người con trai lẩm bẩm khấn: “Lạy ngài cho chúng con…”. Người con gái cũng lẩm bẩm, hai mắt nhìn về xa xăm. Nó nhắm mắt, nhếch môi và nở một nụ cười ngạo nghễ. Tiếng cười giòn tan vỡ vụn cả không gian. Chợt nó im bặt lại và khấn cầu như người con trai. Người con trai chợt nhiên nghe nó gào thảm thiết. A, đau... ngựa, mèo, đau… Người con gái phát hiện ra người đi cùng nó im lặng thì nó lại đau, người kia vui cười, thì nó vui và lâng lâng. Lạ. Một luồng gió vút qua tung bay bụi mù, người con trai và người con gái dim mắt, họ thấy bóng mèo và ngựa vụt qua và hình ảnh đôi tượng người mặt ngựa và mèo, hình ảnh tượng phát lộ từ lần hai đứa trẻ dắt nhau lên đồi. Bàn tay hai người kéo nhau vào, giãn ra rồi kéo vào trong vùng sâu của một màu đen thẳm. Người con gái buông tay, người con trai buông tay. Họ lại nghe âm thanh kỳ lạ lao vào nhau, lao vào giữa lồng ngực. Đôi bàn tay nắm vào nhau, người con trai và người con gái nghe âm núi vừng vựng dậy cơn địa chấn kéo hút đôi tượng ngựa mèo nhau.

Đôi tình nhân là lứa trẻ con đầu tiên được sanh ra ở hai ngôi làng heo hút nằm sâu ở vùng đồi. Xen vào nhau những mái lá lợp bằng cây rừng và những cây gỗ lồi gốc được chôn làm cột, mỗi ngôi nhà có một kiểu dựng khác nhau. Hai đứa trẻ được sanh ra cách nhau ba năm. Đứa bé trai được sanh vào rạng sáng, sau một trận mưa lớn có năm đường lở của lũ quét ngang dãy núi xa, trong ngôi nhà ở làng nằm sâu dưới vực dốc triền đồi, làng Âm. Ba năm sau, đứa bé thứ hai của làng chào đời vào đêm đầy gió trong ngôi làng Dương nằm trên cao của ngọn đồi. Đêm đó người ta nghe có tiếng hí, nhịp rung của vó ngựa lao vào đêm đặc quánh trên ngọn đồi. Ầm, nhịp lao của ngựa xuống đồi và một tiếng khóc vang lên trong ngôi nhà có cái cây thân bị cứa như đã từng là nơi dùng để cột dây. Ngôi làng bắt đầu có sự thay đổi từ khi có đứa bé thứ hai chào đời. Đêm đêm người ta nghe trên đồi có tiếng vó ngựa lao đi và tiếng hí vang, tiếng mèo kêu rờn rợn vào vực thẳm. Hai âm thanh từ hai hướng lao vào nhau và vỡ ra khi chạm được vào nhau ngay giữa đỉnh đồi. Sau một hồi âm thanh nhẹ dần lại, hai con vật như đã quấn vào nhau. Những âm thanh dội xuống đêm đêm làm ngôi làng càng trở nên hiu hắt, rờn rợn. Sau những chuỗi ngày đó người ta thường thấy bóng mèo ngựa vờn nhau ở đỉnh đồi. Những đứa con trai của hai làng được sanh ra sau đôi trai gái ấy như được gắn trong mình đôi móng vuốt của mèo, dẻo dai của núi và thích đi hoang như mèo. Những đứa con gái lớn lên đều có tính nghênh ngang hoang hoang như ngựa. Điều lạ, trai gái trong cùng một làng chẳng bao giờ lấy được nhau, cưới nhau về thì sinh bệnh mà đi. Con gái làng Dương phải đi lấy chồng xa mới sống được. Con trai làng Âm phải đi làm ăn xa mới thành đạt, mới có hy vọng vinh quy trở về.

Hai ngôi làng im ắng nằm sâu trong đồi chẳng ai ngó tới, chẳng ai biết. Từ khi câu chuyện trai gái hai làng yêu nhau chẳng bao giờ đến được với nhau, đôi tình nhân nào dắt nhau lên đồi cũng phải chịu cảnh ly tán, tan vỡ như bọt nước và từ sau trận địa chấn người muôn nơi kéo nhau về làng đồi Dương - Âm. Nhiều gia đình không muốn cho con cái lấy nhau cũng đã bày trò đưa con lên đồi mèo ngựa làm lễ, tình yêu vỡ vụn. Lời nguyền ngày càng được thắt chặt và đầy trên ngọn đồi.

Cơn gió vuốt qua hai bức tượng, đầu ngựa lởm chởm sợi lông bờm tung tóe, con mèo bắt đầu kêu gọi tiếng của đồng loại nó. Chẳng có ai nghe, chỉ con ngựa ngóng tai mà dường như không chấp nhận những âm thanh đó. Nó vểnh tai, ngóng cổ nghe âm thanh lạ. Nó cúi xuống mỉm cười một nụ đầy mãn nguyện. Tiếng gào của mèo nhỏ dần, nhỏ dần chỉ vừa đủ cho ngựa nghe. Núi chuyển và rung lên bần bật. Chùm râu mèo vểnh lên bên cái mỏm ngựa dài màu nâu đỏ, rung rung. Cái nền lún xuống bên hai bức tượng. Hai gò má gấp vào nhau, mèo ngựa. Mỗi khi có trận địa chấn, vệt nứt ở giữa đồi lún xuống, quả đồi áp lại, bức tượng hai con ngựa mèo nghiêng vào nhau, chụm lại. Cơn địa chấn cũng làm rời ra hai bức tượng khi hai bên sườn đồi nghiêng ra, đôi ngựa mèo lại cách trở. Mỗi khi mưa gió ở giữa đồi người ta thường nghe tiếng rầm rập như đôi ngựa mèo đang đục khoét để cố gần rút dần khoảng cách.

Vào đêm to gió lớn, một người lạ bị mưa lũ ngăn lối, lạc đường trú chân dưới hốc cây cổ thụ trên đồi. Đêm ấy, người đàn ông lạ vụt chạy mấy lần vì run sợ, mắt vừa nhắm lại là nhìn thấy đôi mèo ngựa vờn nhau và hợp sức chống lại một con báo. Con báo tấn công mèo, đôi chân con ngựa nâu tung vó, con báo khụy chân. Con báo quay lại tấn công ngựa, con mèo vồ vào đôi mắt báo, máu từ hai mắt báo chảy xuống thành dòng suối đỏ. Con báo bị mù lại về gào thét muốn nuốt chửng đôi mèo ngựa. Con báo đi bằng hai tai và chiếc mũi thính, nó thấy rõ mồn một từng con đường, dấu chân và cả vết lông ngựa mèo. Con báo lao vào chụp bờm ngựa. Meo, tiếng kêu la giữa khoảng không gian tĩnh mịch, mèo vồ cắn vào mũi báo. Sau tiếng khịt, con mèo quay lại tấn công vào lưng báo. Một tiếng hí vang, hiểu được ý ngựa, mèo lao nhanh ra, một cú đá hậu mạnh khiến con báo ngã nhào trên đỉnh dốc xuống vực. Ầm. Tiếng hú cuối cùng đời báo. Con ngựa liếm từng sợi lông mèo trong hơi thở ngắn. Meo, một tiếng kêu nhảy cẩng lên lưng ngựa. Con mèo đã ngồi trên lưng ngựa và vuốt ve bờm tóc rối tung của ngựa. Hai cái mõm châu vào nhau. Ngựa mèo cuốn vào nhau, cuồn cuộn như nước lũ, cái dốc oằn èo khi mèo ngựa lăn xuống lưng chừng mềm nát vạt cỏ. Một cơn gió khiến mèo rùng mình trên bờm ngựa. Con ngựa hí vang sau lần liếm mũi khiến mèo, hai mặt mèo ngựa úp vào không gian đêm, tiếng rên rỉ lẫn vào gió... Như bị cào và đá vào người, người đàn ông giật mình tỉnh giấc vụt chạy như điên lao nhanh xuống ngọn đồi đặc quánh cơn mưa đêm ma mị cùng tiếng la ó thất thanh cả vùng đồi.

Trời đổ mưa, một tiếng sét đánh xuống trên quả đồi nẻ hai, ở giữa là hai cái mỏm ngựa mèo châu vào nhau, hai cái đầu cuốn không thả giữa vết nứt của núi. Người ta phát hiện phía sau đuôi của hai con mèo ngựa có một dấu vết kỳ lạ mà chẳng ai hiểu là gì.

Một con mèo ngựa con đứng bên đồi ăn cỏ. Người đời cho rằng nó là sản phẩm của đôi ngựa mèo, vì đầu nó dài như ngựa, đôi mắt sáng, lại có mấy sợi râu mèo. Thân nó mang dáng ngựa. Bờm nó mọc sau gần hai chân. Đuôi ngắn cụt lủn và dong cao như cán cờ. Người ta đặt bẫy bắt nó. Sau nhiều lần mai phục, cuối cùng cũng bắt được. Người ta đem nhốt nó vào kẽ hở giữa hai quả đồi sụp lún. Nó cào cấu suốt mấy chục năm trời và gục dưới kẻ núi.

Tiếng sét đánh xuống đồi, ngựa mèo chết.

Hai bức tượng nằm sát nhau giữa một hố sâu của con mèo ngựa con. Ban đầu nguyên hình của con ngựa và con mèo, nhưng đời sau vì thấy cái tình chi chi thắm thiết hơn đồng loại của họ nên dựng tượng. Hai cái tượng đá hình người mặt ngựa mèo được dựng nên. Theo dân làng đồi loài ngựa mèo vốn khắc nhau, chưa bao giờ ở chung được với nhau. Hai con vật vốn khắc nhau như từ tiền kiếp, đến ai mang tuổi đó cũng khắc nhau tận thẳm sâu trong trí tưởng. Và một biểu tượng của sự xung khắc được dưng nên bên cạnh nhau, chỉ có trời đất, địa chấn mới tách ra và cuốn vào. Chẳng ai hiểu được sự sâu thẳm tượng và chẳng ai hiểu được lời nguyền ở đồi tượng.

Đôi tình nhân khấn nguyện. Lời thì thầm chẳng ai nghe. Nhưng sau mỗi lời khấn đôi trai gái nổi da gà và mắt hoa đỏ. Trên đồi ráng chiều thắm len từng làn cây, rủ vào hơi thở đá. Đôi tình nhân lăn trượt xuống ngọn đồi. Đá sỏi đầy lối mà chẳng ai đau. Trong gió reo áp tai vào vách núi chỉ nghe tiếng rên xiết quằn quại, hổn hển lay phay hoàng hôn tím mờ, đồi núi chập chờn suối khe.

Một đứa con ra đời vào năm ngọ, tháng mão, được đặt tên con theo tên hai con linh vật của loài người, chính xác là của người ở vùng đồi, Đồng Hoang. Đồng Hoang lớn dần từng ngày, nó được cha mẹ kể sự tích về cái tên nó được mang và vận vào mình. Đồng Hoang lên đồi đào bới những ngọn lá thông để tìm vết của lời kể. Chẳng có dấu vết nào để lại chỉ duy là gió, rác lá thông bay theo gió chao đảo xuống đồi. Đồng Hoang đắp lên hai pho tượng những cọng rêu trổ đầy hoa li ti màu trắng đục ngậm sương. Cọng hoa rêu nhỏ và đầu hoa mang hình những con nòi giống, lúc nhúc quanh bãi đá.

Đồng Hoang bỏ làng ra đi vào một ngày đầy gió, trên quãng xa và dưới đồi thong dong là ngôi nhà của Đồng Hoang. Từ khi Đồng Hoang bỏ đi chẳng ai đặt chân đến ngôi nhà của nó. Không ai biết được tung tích của nó. Ngôi nhà như đám cỏ của Đồng Hoang bốc cháy vào một đêm mưa, và người đời đắp một nắm tròn ở đó, tôn thờ là Đồng Hoang như vị thần giữ lửa, giữ lại ngọn lửa trong đêm mưa gió, giữ những cọng hoa rêu màu trắng đục ngậm sương và dài lúc nhúc như khi Đồng Hoang mang lên đặt ở tượng ngựa mèo.

Một chàng thanh niên mặt dài râu vểnh ngược ra hai bên nhếch nhếch mấy sợi, trông giống Đồng Hoang, bước lên đồi với dáng đi ngạo nghễ, chàng chẳng tôn thờ ai, chẳng sợ cái gì tất thảy, tất cả những lý thuyết với chàng đều là rác rưởi, máu me của những giọng đặc khàn không âm vực của tin yêu. “Khấn nguyện cầu khẩn để được gì mà phải khấn nguyện” - Đầu chàng trai nghĩ xa hơn thế nhưng miệng thốt lên những lời méo mó dù biết mình chưa am tường, và vì thói chửi đổng lâu ngày thành quen. Chàng trai đâu phải chỉ hay chửi đổng, đôi lúc ngọt ngào đến tận răng mê người khác tê dại. Cái miệng ngắn hơn cái mỏ nhưng đôi lúc cái mỏ của chàng dài hơn cái miệng. Thốc thốc chửi bới ỏm tỏi, thốc thốc ru ngủ bao nhiêu cái đầu lạnh.

Chàng xuống dòng suối máu, soi mặt qua bóng nước, thấy mình mặt dài như ngựa và có mấy sợi râu mèo bám riết trên khóe miệng. Chạy vội vã lên đồi, chàng quỳ xuống khấn và lạy liên hồi. Rờ tay lên mặt thấy nhẵn nhụi, chàng trai vội chạy ra khỏi ngọn đồi, vùn vụt lao đi như tên. Một khoảng xa của thời gian chạy, chàng ngoái đầu lại và bắt đầu trổ những ngón chửi, “mèo ngựa cũng chỉ là tượng, ta đây chẳng sợ...” - Chàng gào trong chiều ráng hồng buông trên nương rẫy. Chàng luôn miệng chửi nhưng tay và chân run lên khi biết mình chẳng rõ, nên thờ cúng, thật thà hay lừa dối, giả trá. Chàng rơi xuống vực thẳm đầy người trung thực đang đấu nhau để sinh tồn. Chàng to hơn đám người đó vì chỉ mình chàng là giả trá. Đám người bắt đầu học chàng những điều giả trá theo châm ngôn của chàng, “sống thật như các người thì có mà chết, cần gì phải đánh nhau, lừa phỉnh nhau đi”. Những người thật thà xây một ngôi miếu và mời chàng vào để họ lạy sống. Đám người bắt đầu bái lạy chàng, nhờ chàng mà bao nhiêu người biết được thế nào là sự sống. Từ khi lên ngồi ở miếu, chàng bắt đầu thị uy bằng những câu văng tục. Chàng chửi đôi ngựa mèo “cần gì mà phải yêu đến chết, yêu mà chết thì còn gì, được gì”... Suốt ngày từ câu mở đến câu kết miệng chàng luôn nói về đôi tượng ngựa mèo. Trong đầu chàng không thoát ra được, chàng ghét đôi tượng vì mặt mình mang dáng của hai khuôn mặt ngựa mèo ghép lại mà không ai gọi chàng tiếng nào, khấn nguyện chàng như đôi tượng ngựa mèo, chỉ có đám người kia, cũng chẳng là bao, khiến chàng phải thỉnh lạy để thay đổi thành mặt nhẵn nhụi.

Chẳng còn tiếng chửi nào hay tiếng kêu gào khấn nguyện trên đồi, đôi ngựa mèo nhìn nhau bằng mắt đá, đôi mắt của sự thật, nhìn nhau trong tiếng thở dài của gió, tiếng reo của lá. Loài người vẫn tồn tại như thuở nguyên sơ chỉ hai tượng ngựa mèo không biết nói, lặng câm trong chiều sâu thẳm.

Một người lên đồi bới lông tìm vết, nhặt được một sợi dây dài tua tủa và một cái móng thú bị ăn mòn hết nửa. Người đem về để lên chiếc bàn ở giữa gian nhà, hàng ngày ngồi lẩm bẩm khấn: “Lạy tiên tổ cho con được yên bình trong cõi yêu, cho si mê thấu tận tâm can…”. Hương bay nghi ngút, làn khói tản trong gió có hình chiếc bờm ngựa, người tin ngựa về. Nhiều người tụ tập về ngôi nhà, buổi chiều trên bầu trời có đám mây ngũ sắc mang dáng ngựa, những lời tin được chắp cánh.

Từng đoàn người đổ về đồi mèo ngựa, họ nối đuôi nhau đi trong im lặng. Thi thoảng có đôi ba câu của mấy đứa trẻ lảm nhảm “ngựa mèo mà cũng có tình yêu?” Cả trăm đôi mắt hướng về chúng: “Đồ con nít hư hỏng”, “đồ chẳng có niềm tin”, “đồ”… Và đoàn người đã bắt đầu im lặng. Đoàn người lại im lặng tiếp tục đi, không ai còn dám mở miệng nói những câu phạm thánh về mèo và ngựa, không dám chê bai hay bất cứ cái gì, không ai còn soi mói nhau mặt ngựa, thói mèo mả gà đồng. Đoàn người tiếp tục đi, im lặng theo chân lên đỉnh đồi. Những người tham đem theo cả cái bịch to để hứng nước mang về cho gia đình, bạn bè, để uống tăng thêm tình yêu thêm nồng đượm, sức khỏe, giàu có, phát lộc phát tài, phát tình phát yêu. Câu chuyện bắt đầu được thêu dệt thêm xung quanh bức tượng mèo ngựa. Và đến thế hệ nX người ta lại xây thêm ngôi đền lớn trên đỉnh đồi, trên mái đền có hai cái đầu ngựa mèo to tướng, rồi nặn thêm những bức tượng ngựa mèo dát vàng ở trên án thờ. Khói hương nghi ngút trầm mặc, đền mỗi lúc một đông đúc, lúc nhúc người.

Đồi phủ đầy lá thông và cỏ thạch xương bồ triền theo đá men dòng suối bên sườn, đoàn người ngồi lại nhúm lá để sưởi ấm trong đêm linh ở ngôi đền. Mùi hương của lá thông và cỏ thạch xương bồ tươi quyện vào nhau tỏa khắp vùng đồi, đoàn người tỉnh dậy vì sự hưng phấn của lá, đầu óc tỉnh táo. Họ bắt đầu những câu chuyện kể linh thiêng của ngôi đền, tượng người mèo ngựa được thờ cúng ở đây, sự tích ngôi đền. Vị thần mèo ngựa vâng mệnh trời xuống nhân gian để bảo vệ tình yêu cho vùng đất này, nếu biết thờ cúng sẽ được phò hộ… câu chuyện cứ thế dài ra.

Lá phủ đầy bức tượng ngựa mèo trên ngọn đồi. Thời gian vùi lấp đi khoảng trống bằng những nắm đất, mưa dần vùi hai bức tượng. Hai cái đầu tượng trơ trên mặt đất cùng cơn xoáy của thời gian. Hai khuôn mặt mèo ngựa chớp tia nhìn mắt đá về phía ngôi đền lớn phủ kín ngọn núi đầy người. Nhiều người đổ về trên ngôi đền, họ đi trong im lặng. Chẳng ai biết về hai bức tượng ngựa mèo, họ chỉ được nghe qua những câu chuyện với nhiều phiên bản.

Đôi tình nhân lặng chìm theo câu chuyện, những nhịp di xuống triền đồi. Đồi phủ đầy mưa. Cơn địa chấn đi qua đây, sụp lún đã vỡ ra. Đêm ánh lên những vệt trắng xẹt qua, hơi thở lạnh của đá thắm vào đôi tình nhân hoang lạnh cuộn đôi tượng ngựa mèo. Ánh đỏ chớp giữa đêm quặn xiết, lô nhô những câu chuyện ngờ vực. Họ lăn xoáy vòng chiều ngược thời gian làng đồi. Lá cây và đất bám thắm vào da thịt. Đôi tình nhân gieo loài rêu đa mang trổ những cọng hoa ngậm sương mang hình những con nòi giống trên đồi tượng. Vết nhăn của đất bắt đầu lở dần ra vòng xoay tít mù.

Đêm đêm, tiếng ngựa hí và tiếng kêu của mèo trườn vào sườn đồi cỏ cây rung lên những thanh âm ma mị lay phay đám hoa rêu buốt gáy làng Dương - Âm.

A.P
(TCSH336/02-2017)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!

  • HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.

  • NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.

  • VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…

  • TRẦN KIÊM ĐOÀN Ngôi nhà một thời là tổ ấm trên đồi bỗng trở thành rộng gấp đôi, gấp ba và vắng vẻ như một tòa lâu đài cổ từ khi Bé Út dọn ra khỏi nhà để lên miền Bắc học. Đứa con 18 tuổi trên đất Mỹ nầy rời nhà đi học xa thường có nghĩa là đang bước vào đời, ra khỏi vòng tay cha mẹ, thật khó lòng về lại. Những bước tiếp nối là học ra trường, kiếm việc làm, chọn nhiệm sở như cánh buồm đưa tuổi trẻ ra khơi. Bất cứ nơi nào có thể an cư lạc nghiệp trên 50 tiểu bang sẽ là nơi đất lành chim đậu. Tuổi thành niên tiêu biểu của văn hóa Âu Mỹ là tự lập, gắn liền với  vai trò chuyên môn và xã hội chứ không phải quanh quẩn với đời sống gia đình.

  • ĐỖ PHẤNĐêm rất khuya dưới chân núi H. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một con đò bằng tôn móp méo xác xơ. Chẳng hiểu ban ngày trông nó thế nào. Có lẽ đây là chiếc đò bị cấm lưu hành? Không thể có mặt ở bến vào ban ngày. Cũng là cấm làm phép. Dòng suối không có chỗ nào đủ sâu để có thể chết đuối.

  • ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.

  • VŨ NAM TRỰC           Truyện ngắn

  • TRẦM NGUYÊN Ý ANHÔng Nhâm bước chầm chậm theo con đường tráng xi-măng ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ. Căn nhà ông ở cuối xóm, một trệt, một lầu... mới tinh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Ông ngồi bệt xuống nền xi-măng vì chân ông đã mỏi. Lẽ ra, khi mấy đứa con ông chưa bàn nhau cất lại căn nhà, ông đã có thể đẩy cánh cửa rào bằng tre và đàng hoàng bước vào nhà mình.

  • XUÂN CHUẨNĐể rồi tôi kể cho ông nghe về lai lịch cái quạt, để ông ông khỏi coi tôi là Thằng Bờm có cái quạt mo. Cái thời quạt điện quạt đá, máy lạnh mà cứ bo bo cái quạt kè, thỉnh thoảng lại đạp phành phạch như mẹ hàng cá thách lên giữa chợ. Cũng chẳng có gì li kỳ, hay mùi mẫn rơi lệ, chỉ là chuyện đời tầm phào.Hai ông trải chiếu ngồi giữa sân, nhâm nhi chén trà, ông Thân nói với đại tá Tiến về hưu như vậy khi đại tá ngỏ ý thích cái quạt kè của ông.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNG  Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.

  • NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...

  • HOÀNG THÁI SƠNKhi tôi lớn lên thì nội tôi đã mất từ lâu nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn nhắc đến người với niềm cảm mến về những chuyện không ít ly kỳ. Ông tôi rất khoẻ, người tròn vo, đen như sừng, tục danh Cu Trắt - phương ngữ vùng quê tôi nghĩa là nhỏ và rắn chắc. Ông ham mê võ thuật, thạo côn quyền, thuở trai thường đóng vai ông địa trong đám múa lân. Đám múa năm nào hễ thiếu ông là coi như nhạt trò, dân làng chẳng ai buồn xem. Người ta đồn ông tôi tài ba lỗi lạc, như có thể đi trên lửa, nhảy qua nóc nhà, còn những thứ chui vào hậu cung đình làng mà không cần dở ngói là xoàng... Kho chuyện về ông ngày càng dày do mồm miệng dân gian thêu dệt thêm, tuy nhiên trong đó nhiều chuyện là có thật.

  • PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.

  • NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.

  • CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.

  • NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.

  • LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.

  • NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.