Đoàn du lịch biển quốc tế lần đầu cập cảng Tiên Sa

09:02 12/11/2014

VĨNH NGUYÊN

Đoàn du lịch biển quốc tế lần đầu cập cảng Tiên Sa vào lác 6 giờ ngày 22-3-1987 như một sự kiện nóng hổi làm nức lòng ngành du lịch và họ tổ chức đón bạn mới trong trạng thái hồi hộp.

Cảng Tiên Sa - Ảnh: internet

Đêm 21, những người phục vụ của Công ty du lịch Đà Nẵng từ giám đốc đến nhân viên hầu như không chợp mắt. Tất cả phải sẵn sàng, tránh mọi sơ suất có thể gây trục trặc đến cuộc hành trình của Đoàn. Bởi vì chương trình Đoàn đến hai thành phố Huế Đà Nẵng chỉ chớp nhoáng trong 24 giờ.

Các phóng viên đài, báo, vô tuyến truyền hình của hai tỉnh đã về tập kết hai khách sạn Đông Phương và Thái Bình Dương. Ở đây, xe, hoa lộng lẫy như ngày hội. Đoàn du lịch tỉnh Quảng Ninh, từ rất xa trên nghìn cây số nghe tin này vội phóng vôn-ga cả ngày đêm cũng vào kịp để rút kinh nghiệm đón tiếp.

5 giờ, đồng chí Giám đốc Công ty du lịch Đà Nẵng đưa tối đến cảng Tiên Sa. Ở đây, tôi gặp ngay Cordt Schnippen - 34 tuổi, phóng viên báo "Thời Đại" của Cộng Hòa Liên Bang Đức - người đi cùng đoàn du lịch. Anh từ phao-giê-rô vào thành phố trước bằng ca nô chiều qua với Trần Thị Kim Hoàng - phó giám đốc Công ty thành phố Hồ Chí Minh.

(Chị Kim Hoàng từng học 10 năm trước đây ở Cộng Hòa dân chủ Đức về ngành du lịch. Sau khi Tổng cục du lịch Việt Nam đặt đại diện du lịch một số nước trong đó có CHLB Đức, chị có cơ sở tuyên truyền vẻ đẹp và đặc sản Việt Nam cho bạn và tháng 2-1985, 600 du khách theo đoàn tàu lần đầu tiên vượt đại dương cập cảng Sài Gòn. Năm 1986 chị cùng anh Quyền Sinh (giám đốc) sang dự hội chợ Cộng Hòa Liên Bang Đức. Những người đại diện cho ngành du lịch Việt Nam biết cách tuyên truyền về quê hương mình và lần này lại dẫn được 101 du khách từ Cộng Hòa Liên Bang Đức đến Cảng Tiên Sa).

Chị Kim Hoàng sau khi làm một số thủ tục cần thiết với ngành du lịch, chị trở ra "Khánh sạn nổi" đang buông neo ở cửa biển để dẫn Đoàn vào cho đúng giờ.

Con tàu trắng lộng lẫy cỡ lớn kéo ba hồi còi từ từ tiến vào bến. Ngay từ xa, nhiều ống nhòm đã nhìn thấy con tàu mang tên nhà văn Mikhaiin Sôlôkhốp (Vơlađivôtốc) làm ngỡ ngàng tất cả mọi người bởi "Khách sạn nổi" có thể không phải sang đây từ Cộng hòa Liên bang Đức?

Con tàu cập bến đúng giờ.

Nhiều thủy thủ (nam và nữ) thập thò qua các cửa sổ tròn tò mò nhìn bến lạ. Nhiều người vui thú lộ rõ trên nét mặt bởi đối diện bên kia cầu cảng là chiếc tàu Nga Đờmitờrii Pôluian đang nhả hàng cùng đoàn người, cờ, hoa chào đón.

Hai bàn công an cửa khẩu và ba bàn thủ tục hải quan trải vải trắng có lọng che. Mười thiếu nữ trong những bộ áo dài mảnh mai ôm những bó hoa tươi đứng đợi.

Mười phút. Ba mươi phút.

Có tin từ trên tàu xuống: hành khách đương ngủ. Tôi cùng Schnippen nhìn nhau mỉm cười!

Nhưng sau đó mới hiểu ra là không phải thế. Hành khách có người không muốn xuống bởi có tin đồn nhảm: Khách du lịch không được quay phim nhiếp ảnh! "Thế chúng tôi còn đi du lịch làm gì?" Nhiều người giận dỗi dùng giằng không chịu xuống nên mới trễ nãi đến 30 phút kia!

Đoàn du lịch bước xuống cầu thang trong tiếng vỗ tay, tung hoa chào đón. Mỗi hành khách vừa chạm chân xuống cầu cảng đều được các cô gái trân trọng lồng vào cổ một chuỗi cườm ốc biển. Những thước phim ret rẹt quay nhanh. Thủ tục cửa khẩu, hải quan cũng qua đi mau chóng.

Những chiếc xe chở khách du lịch đậu một dãy dài. Hành khách lên xe. (Ai đi xe nào từ số 1 đến 6 có hướng dẫn viên nói tiếng Anh đã bố trí trước).

Rất khẩn trương. Đường ra xứ Huế còn dài loanh quanh đèo dốc. Chiếc xe con Công ty du lịch đi đầu nổ máy, xe phóng viên... người lớn, em nhỏ đều không ngớt vẫy tay chào khi gặp đoàn xe ngang qua. Gặp đoàn tàu xuôi chiều, ngược chiều hai bên vẫy tay chào nhau như đã thân tình. Khách du lịch hân hoan bởi người Việt Nam hiếu khách.

Đoàn xe dừng lại trên đỉnh đèo Hải Vân.

Khách du lịch mặc sức quay phim, nhiếp ảnh…

Lên xe. Cô gái ngồi bên tôi trẻ và đẹp. Tôi không hiểu cô là người Đức, người Hà Lan hay Bỉ. Cô vui sướng thỏa mãn và dịu dàng mở máy thay cuộn phim mới.

Đến bên Lăng Cô lại dừng. Đến Cầu Hai, Nước Ngọt, Thừa Lưu lại dừng theo yêu cầu của Đoàn du lịch. Một con trâu mẹp ngập nước tận mũi, một bầy vịt lội, một đàn chim bay qua... là những niềm vui như hạnh phúc bắt gặp lần đầu. Họ nói: "đẹp quá không thể bỏ qua". Chị Kim Hoàng nói với họ: "Cứ như thế này thì sang đây các bạn phải đi cả năm không xuể"! Chị gọi loa. Lên xe! Lên xe! Còn xem Hoàng Thành và lăng tẩm Huế. Khách sạn Hương Giang đang chờ Đoàn ăn trưa. 18 giờ có mặt ở nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng xem hát bội truyền thống. 22 giờ đã kéo neo đi Thành phố Hồ Chí Minh.

Vậy mà, đến Huế phải thay đổi chương trình. Trưa quá, thức ăn đã nguội. Xin mời khách ăn trưa trước, đi tham quan sau.

Cửa Ngọ Môn mở sẵn. Xe đoàn du lịch vào luôn Đại Nội. Từ điện Thái Hòa qua Thái Miếu, xem Cửu đỉnh, tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của người thợ Việt Nam xưa, Pieter Veenstra thốt lên với tôi: Merci beaucoup! merci beaucoup!

Đến lăng Khải Định, đoàn du lịch cũng tấm tắc khen như vậy. Còn nhiều lăng tẩm, đền đài nữa đẹp hơn. Nhưng hết giờ rồi!

Đoàn khách lên xe. Những cô gái Huế niềm nở đội lên đầu mỗi người bạn quý một cái chao đèn - chiếc nón bài thơ xứ Huế làm vật kỷ niệm.

Suốt một vòng xe Đà Nẵng - Huế, Huế - Đà Nẵng song tôi không thể nào tiếp xúc với Kim Hoàng hoặc Trưởng đoàn du lịch Pieter Veenstra được quá 5 phút.

Trước lúc rời cảng Tiên Sa, được phép thuyền trưởng, Veenstra mời chúng tôi lên phòng khách tàu Mikhaiin Sôlôkhốp mới biết tường tận chuyến đi của Đoàn.

Đoàn du lịch thuộc hãng Nur Neckermann một trong 3 hãng lớn của CHLB Đức. Hãng Nur có nhiều chương trình. Đây là bộ phận đường biển và họ tự tổ chức du lịch. Đoàn gồm 101 người, già nhất 75, trẻ nhất 12 tuổi, 94 người CHLB Đức, 6 người Hà Lan, và 1 người Bỉ. Họ đi máy bay từ CHLB Đức sang Băng Cốc. Đoàn rời Băng Cốc ngày 9-3 đi Mã Lai, Philíppin, Hồng Kông, Hoàng Phố và tới Đà Nẵng sau 2 tuần lễ. Chương trình Đoàn thăm Đà Nẵng, Huế 1 ngày, thành phố Hồ Chí Minh 1 ngày, về Băng Cốc và lên máy bay trở lại quê nhà.

Pieter Veenstra cho chúng tôi biết tiếp: tàu Mikhaiin Sôlôkhôp do Ba Lan đóng mới 9 tháng tuổi, trọng tải gần 10 nghìn tấn, trụ cảng Vờlađimia Vôstôc. Tàu chuyên môn chở khách du lịch 6 tháng mới trở về lại nơi đăng ký hộ khẩu. Đoàn du lịch biển thuộc hãng Nur sang Băng Cốc gặp "khách sạn nổi" Mikhaiin Sôlôkhốp và họ ký luôn hợp đồng du lịch phương Đông.

Pieter Veenstra trịnh trọng nói với tôi và giám đốc Công ty du lịch Đà Nẵng: "Chúng tôi rất hài lòng và con tàu Mikhaiin Sôlôkhốp cũng rất hài lòng lần đầu tiên đến Việt Nam. Chúng tôi sẽ đưa Việt Nam vào chương trình của hãng chúng tôi".

Tôi nắm chặt tay Veenstra. Đây không phải là lần cuối. Hy vọng còn gặp lại nhau. Tạm biệt!

Chúng tôi rời tàu Veenstra tiễn chúng tôi xuống tận cầu thang tàu. Chúng tôi ôm hôn nhau lần cuối. Tạm biệt!

Con tàu được lệnh kéo neo. Ba hồi còi hơi trầm hùng vang lên trong đêm xao xuyến như nói lời chào từ giã đất liền!

Huế, Đà Nẵng, 22-3-1987
V.N
(SH32/08-88)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VÕ MẠNH LẬP

    Âm vang tiếng nổ ở cầu Ông Thượng chưa dứt thì hàng loạt tiếng súng các cỡ rộ lên chĩa mũi vào làng Lại Thế.

  • NGUYỄN VĂN DŨNG
                          
                        Bút ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                             Ký sự

    Trước Mậu Thân 1968, Thành đội Huế lập chiến khu ở giữa rừng phía đông tỉnh. Ban Chỉ huy Thành đội gồm Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚ
                       Tùy bút

    Tôi tin rằng trong đời mỗi con người ai cũng qua quãng thời ấu thơ nghe tiếng ru của mẹ trong cánh võng “ầu ơ”; cứ thế mà lớn lên mà trưởng thành.

  • NGUYÊN QUÂN

    Đôi khi trong sự trầm lặng tĩnh mịch thường hằng, và những con người quen sống với sự tĩnh lặng ấy thường vô tình không nhận thấy những sự thay đổi chung quanh vì nó cũng âm thầm không xôn xao ầm ĩ.

  • HẢI HẠC PHAN
         Bút ký dự thi

    Con chim xanh tìm hạt dẻ sa cánh chợt khép mỏ vút bay khi nghe tiếng động cơ xe di chuyển về phía Tây dãy Trường Sơn.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                      Ký sự

    Tôi là phóng viên của báo Cờ Giải phóng - Thừa Thiên Huế. Sống ở trên chiến khu, đi viết, chúng tôi thường lên các bản vùng cao, đến các đơn vị quân đội đóng trong rừng, gặp các chiến sĩ từ vùng sâu lên,… chứ chưa đi vùng sâu lần nào. Dù biết vùng tranh chấp rất hấp dẫn, nhưng chưa có cơ hội.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                       

    Viết về bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Lớn, xã Thủy Dương (xã anh hùng) huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

  • HÀ LÊ
       Tản văn

    Cây gòn bên bến nước phía sông An Cựu đã bắt đầu bung nở những đám mây trắng đầu tiên. 

  • NGUYÊN QUÂN
            Bút ký dự thi

    Người đàn bà trung niên dừng lại giữa lưng chừng dốc rồi nói:
    - Đã tới nơi rồi chú.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

                Bút ký dự thi

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                        Ghi chép

    A Lưới là một huyện phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, có biên giới giáp nước bạn Lào.

  • LÊ HÀ

    Cây hoa gạo bên phía cầu Dã Viên sáng nay bỗng thắp lửa đỏ cả một khung trời. Cái màu đỏ chói lòa như ngọn đuốc rực cháy giữa một bầu trời xanh thẳm tháng ba còn vươn mùi ẩm lạnh.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Bút ký

    Đã hai năm nay tôi mới lại về thăm nhà máy sợi Huế. Cái đập vào mắt tôi trước tiên là bức tượng những bàn tay con gái rất đẹp, các ngón thon thả, tất cả đều giơ lên, nâng cao búp sợi trắng ngần. Bốn xung quanh là những vòi nước phun, rất mảnh, như những dòng sợi mỏng manh bay lên.


  • LÊ QUỐC HÁN

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

    Những khoảnh khắc mùa trôi đi trong dòng mưa ngút ngàn. Vùng này, mưa không ngớt mà nắng cũng chát chao. Khoảng khắc không nhớ bỗng dưng lại khiến người ta không thể nguôi ngoai về một điều đã cũ.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Bút ký

    Tưởng nhớ Phan Thế Phương và Nguyễn Như Tùng

  • LÊ QUỐC HÁN

    Mùa thu mùa của chia ly
    Nên con sông chảy chẳng khi nào ngừng

  • VIỆT HÙNG
            Ghi Chép

    Vào một đêm mùa thu của Hà Nội ông Nguyễn Ngọc Dũng, vụ trưởng thanh tra Bộ tài chính, trong một giấc mộng, ông thấy người anh ruột của mình hiện về.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ  
                   Bút ký  

    1.
    Bất giác, văng vẳng “con đường cái quan” Phạm Duy ca rằng:
    “Người về chưa ghé sông Hương
    Đã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay”