Dáng em như cỏ non

08:48 12/01/2009
NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

Tôi lo lo. Cha tôi làm việc là có người mời, người cần đến và đôi lúc, còn thiết tha cầu xin nữa. Còn tôi không được mời. Tôi định nói: Thưa cha. Đời cha không phải là đời con. Xin cha cho con khẳng định. Nhưng thôi.
Lần đầu tiên hành nghề luật sư. Đây là công việc cực kỳ khó, thân chủ là người khôn ngoan, gia đình ông ta cũng vậy, thẳng thừng từ chối các luật sư bào chữa. Nhưng căn cứ trên những tình tiết của vụ án đưa ra, về hành vi hiếp dâm trẻ em, bị can sẽ bị truy tố với khung hình phạt là tử hình. Do vậy, bắt buộc phải có luật sư bào chữa.
Tôi rất lúng túng, không biết mình phải bắt đầu từ đâu, mường tượng trong đầu lúc này là bị can không tin vào luật, không tin vào công lý nên mới thẳng thừng từ chối như vậy.

Tôi đọc lại tất cả các bài báo đăng về vụ án, từ những tin tức ngoài lề, đến phần trọng tâm. Tất cả mới chỉ dừng lại ở nhân chứng mà chưa có bằng chứng cụ thể. Nạn nhân bị hại, đi khám về các bác sĩ kết luận là vẫn còn trinh. Tìm hiểu thêm, tôi biết được nhân thân và người bị hại có một quá khứ không tốt. Cô ta bỏ học giữa chừng, rong chơi, ăn quà vặt, sống với bố dượng và mẹ đẻ. Trong khu phố mà cô ta sống, rất nhiều người không ưa gì gia đình và bản thân cô. Thông tin thêm nữa từ vụ án là đã có sự thoả thuận của đôi bên, cô bé biết được việc của cô sắp làm, nên đã có sự chuẩn bị như đi làm lại đầu, trang điểm trước khi đến. Như vậy, việc bảo vệ cho thân chủ của tôi ít nhiều được mở ra. Điều mấu chốt là ông ấy có hợp tác với tôi không?

Tôi gọi điện thoại cho thân nhân của ông. Tôi giới thiệu mình là một luật sư trẻ, lần đầu tiên hành nghề luật, bà yên tâm và hãy tin tưởng vào tôi. Cho tôi cơ hội được gặp. Tôi sẽ giúp ông.
Thuyết phục mãi cuối cùng bà cũng đồng tình. - Anh giúp tôi. Giúp tôi!
Qua ít ngày tiếp xúc, tôi biết được cuộc đời thân chủ của tôi. Ông kể về ngày hôm đó. Dưới đây là những lời kể của ông.

Tội lỗi của tôi bắt đầu từ một sự oán hận. - Ông nói.
Hôm ấy là ngày nghỉ. Ngoài trời vẫn lạnh.
Tôi ngồi lặng lẽ trong căn phòng. Mấy năm nay tự nhiên tôi giầu có. Tiền cứ chảy vào túi ào ào. Tôi có ba căn nhà ở thành phố này. Điều đó khẳng định. Về vật chất tôi hoàn toàn yên tâm, nhưng về hạnh phúc riêng tư, tôi có nhiều điều buồn lắm. Tôi có hai người vợ. Vợ trước đã li dị và cô ấy vào miền . Ngày cô ấy bỏ tôi không phải vì một lí do nào khác từ chính tôi mà là từ cô ấy. Cô ấy phải lòng một người khác. Cô ấy cự tuyệt tôi. Lấy tôi là một nhầm lẫn. Bên tôi ngày nào, cô ấy cảm thấy như đang chết đi. Cô ấy bảo là sẵn sàng chấp nhận tất cả. Cuộc sống mới, đó là cuộc sống của tôi. Thế thôi.
Mấy năm về đây nghe tin cô ấy túng thiếu tôi định gửi cho ít tiền, nhưng cứ nghĩ lại ngày mà "mụ ấy" dứt khoát ra đi khiến cho tôi không còn một tình thương nào cả. Tôi căm thù. Tôi căm thù!

Sau lần đổ vỡ đó tôi thấy rằng cuộc sống không phải chỉ là tình yêu. Hạnh phúc không phải là sự ảo tưởng lại càng không nên ảo tưởng, hoặc lý tưởng. Tôi là một tiến sĩ. Cậu tin tôi đi. Tôi hoàn toàn có lý khi tôi nói câu này. Cuộc sống là độc ác! Thật độc ác.
Ông nói xong, đầu ông hơi cúi xuống.
Sau lần đó tôi mới hiểu rằng tôi cần phải nắm bắt cuộc sống. Nắm bắt. Phải nắm bắt tốt hơn.
Tôi lấy vợ lần thứ hai và bên cạnh vợ, tôi còn phải có một người tình. Tôi không muốn lần đau khổ thứ hai, khi tôi hoàn toàn tay trắng.
Sáng hôm đó tôi tỉnh dậy, trời rét lắm.

Như thường lệ thì tôi đã đi đâu đó rồi. Nhưng hôm ấy tôi lại không có việc gì phải đi. Nằm trên giường tôi cảm thấy có một cái gì đó bất ổn. Bên ngoài trời rất lạnh. Trời lạnh thế này mà vợ tôi đi đâu. Tôi tự hỏi một mình và kiểm tra lại bằng trí nhớ. Tôi nghi ngờ. Vợ tôi thường hay vắng nhà vào ngày thứ bảy. Khi nào cô ta cũng có lý do để đưa ra, biện minh. Nhưng sự vắng nhà thường xuyên nhất định phải có vấn đề? Hai đứa con cô mời bốn gia sư kèm cả ngày, công việc nhà cô giao hết cho người ở. Tại sao cô cứ đi thường xuyên mà chẳng có lần nào rủ tôi đi cùng. Những ngày thứ bảy trước tôi cũng vắng nhà thường xuyên nên không để tâm. Hôm nay, rõ ràng là tôi đang ở nhà. Cô ta không quan tâm đến chồng đến con hẳn là cô ấy có một mối quan tâm nào đó sâu sắc hơn. Tôi nghĩ mà muốn phát điên lên. Tôi lần giở lại trong trí nhớ của mình về thái độ của cô ta. Tôi đau đớn lắm. Tôi lừa được người ngoài thì người trong nhà lại lừa tôi!

Cô ta khéo lắm, ông nói. Lần nào cũng thế. Cứ vào những ngày cuối tuần cô ta lại tỏ ra thân thiện. Cô ta cứ phàn nàn rằng cuộc sống thật đắt đỏ. Đô lên, vàng lên, hàng ngoại cũng lên theo. Gia đình ta không quen dùng hàng nội. Cô vít cổ tôi xuống hôn chùn chụt vào hai bên má. Anh phải đưa tiền nhiều cho em. Anh ạ. Tiền là bến bờ của hạnh phúc, là sức khoẻ của anh là sắc đẹp của em. Ôi tiền! Thế kỷ hai mốt, thế kỷ tiền. Anh biết không? Cái gì gắn với dấu huyền đều tốt đẹp. Này nhá: tiền này, quyền này, tình này... Còn một cái nữa cũng gắn với dấu huyền. Cô ta chỉ xuống dưới rốn của mình. Cũng đẹp. Nhiều lúc nó cũng có những biến động đấy anh ạ. Có người mất cả gia tài cả sự nghiệp vì nó đấy anh ạ. Nó ghê lắm chứ không phải thường đâu. Cô ta giương cánh tay phải lên, rồi đổi bên giương cánh tay trái ra như múa, xoay tròn một vòng như vũ nữ trong phim ấn Độ. Anh nghe em hát nhé: Thân em chỉ có một mình, và chỉ có tình với mỗi chồng em.

Ông ngừng lại giây lát rồi chậm rãi.
Phụ nữ lấy sức mạnh từ đàn ông, còn đàn ông lấy sức mạnh từ đồng tiền. Vợ tôi nhìn thấy tiền thì long lanh, nhận tiền mắt sáng rực. Chốt lại. Họ cần đến đàn ông là vì họ cần đến tiền. Tôi phải dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền để giữ lấy em, giữ lấy người tình và thể hiện sức mạnh của đồng tiền để khẳng định vị trí của tôi. Tiền đối với tôi giống như một thứ tôn giáo mà tôi cực kỳ cuồng tín. Ông ngừng lại.
-
Tôi không thể kể hết cho anh đâu.
-
Tuỳ ông thôi!
Tôi dứt lời. Ông lại kể tiếp.
Mỗi lần đi chơi về cô ta luôn có một sự mãn nguyện và mệt nhọc. Đôi mắt cô ta như vằn lên một tia máu, và bờ mi thâm quầng. Cô ta thường trang điểm lại rất lâu?...

Hôm ấy ngoài trời lạnh lắm. Tôi vẫn ngồi trên giường và nhớ lại những gì là biểu hiện của vợ tôi. Cô ta đã có tình nhân. Cô ta đem tiền cho giai. Tôi nghi ngờ và như ứa máu trong ruột. Đau.
Tôi cảm thấy chán. Chán lắm. Khi mình không tìm được hạnh phúc trong nhà mình thì làm sao tìm được hạnh phúc bên ngoài. Tôi thương tôi. Tôi thương cô ấy và căm thù cô ấy. Tôi muốn tất cả những thằng trai lơ ấy lấy vợ đều gặp phải những con mất trinh. Tôi hận tôi, tôi hận vợ tôi. Người vợ đầu tiên bỏ tôi mà tôi gặng hỏi vì sao cô ta bỏ, nhất định cô ta không nói. Cô ta bảo cô rất thương tôi. Thương sao lại bỏ. Tôi hoài nghi. Cô ta chỉ nói vậy và giờ đây thì cô ta hết tình yêu. Mấy năm sống với tôi là cô ta đã hy sinh. Cô ta không muốn hy sinh thêm một ngày nào nữa.

Một nỗi buồn ập đến với tôi khó tả. Tôi cảm thấy thực sự cô đơn. Cô đơn trong sự giàu có và bị phản bội.
Tôi muốn gọi điện thoại cho người tình. Người tình của tôi kém tôi gần ba mươi tuổi. Cô đã có chồng. Tôi nghĩ rằng nếu gọi vào giờ đó cũng khó. Cô ta đang cùng chồng kiếm sống. Cô cặp với tôi cũng chỉ để kiếm sống. Nhiều lúc bên tôi, tôi gặng hỏi cô thích gì ở tôi cô chỉ nói tôi là người học cao hiểu rộng. Tôi là người quân tử. Người quân tử tức là phải giúp tiểu nhân khốn khó, tức là phải cho tiền. Tôi lại không nghĩ thế. Tôi muốn cô ta phải đạt được cái gì đó nơi tôi.
Ông ngừng lại. Hai tay bóp mạnh vào vai. Cậu là đàn ông, chắc là cậu hiểu.
Tôi gật đầu.

Người tình của tôi như một con cừu. Thực ra nhiều lúc bên tôi cô ta ngoan và dễ bảo như nô lệ. Càng cho nhiều tiền cô ấy càng ngoan. Cô ta đã có thai! Không biết được cái thai đó là của chồng cô hay là của tôi. Nhưng tôi cũng chẳng bận tâm nhiều.
Ông cúi đầu xuống giây lát rồi đặt tay vào vai tôi.
Ít lâu nay. Cậu biết không. ít lâu nay... Không từ ngày tôi bắt đầu trưởng thành thì phải. Tôi rất ghét đọc trang sức khoẻ và tình dục. Tôi cho rằng ở cái mục ấy họ hơi thiên vị. Mấy cuốn sách tâm lý tình dục sức khoẻ và hạnh phúc gia đình. Toàn bàn những chuyện lăng nhăng. Mấy cái phim tươi mát rẻ tiền nữa. Nó cứ tấn công mạnh vào nền tảng hạnh phúc gia đình. Tôi sợ lắm. Cái loại phim ấy lọt vào tay phụ nữ họ xem xong rồi thì coi mình còn ra gì. Tôi là người giàu có về tiền bạc và hay bực mình vì tôi. Tôi nghĩ xa xôi lắm. Tôi nghĩ rằng người ta có cấm điều gì đó chỉ vì người ta thấy mình không phù hợp. Tôi cũng muốn cấm nhưng tôi không có quyền được cấm. Tôi nghĩ về ông nội tôi về bố tôi. Không biết được hai đời trước thế nào chứ đến đời tôi thật là thảm hại. Tôi có cố gắng học, cố gắng tập thể dục nó cũng chỉ thông thoáng cái đầu và phát triển tứ chi. Còn thì... cứ nguyên xi như vậy. Chán không cơ chứ. Ngoài tiền ra tôi không đem lại một cái gì thoã mãn cho vợ cho người tình. Kiếm được nhiều tiền cho xã hội thì là một điều tốt, kiếm tiền cho phụ nữ chỉ làm hư hỏng họ. Có lẽ phải đầy đoạ họ, phải để họ khổ sở như các cụ tôi ở quê. Cứ chân lấm tay bùn, cứ phải vục mặt xuống đất đít chổng lên trời. Lúc đó hết đường xí xớn.

Ông lắc đầu, mắt nhắm lại nuốt khan vào họng.
Mùa đông! Khí trời ảm đạm. Cái trời đất chết tiệt gì mà gần trưa rồi vẫn cứ âm u như là buổi sáng. Tôi nghĩ về người tình của tôi. Người tình của tôi khổ sở. Cô ta hầu hạ tôi, hầu hạ khách hàng để lấy tiền, giờ này cô ta đang rửa bát. Nước làm bàn tay cô thâm như đất ướt. Vợ thì đang ưỡn ra cho thằng giai. Tôi cứ suy nghĩ và cho là đúng. Chẳng có ai cho rằng suy nghĩ của mình là sai cả. Không có lý do gì mà tuần nào vợ tôi cũng đi. Cô ta chỉ lo son phấn, lo tiền, lo chơi. Thế đó nhưng mở mồm ra là cô ta nam mô đà phật. Tôi khó hiểu. Trong phòng tôi đã buột mồm chửi. Tôi vật mình một cái trên giường rất mạnh. Giường êm ái. Chết tiệt!

Lê tấm thân ra khỏi giường. Giật dây rèm che cửa, căn phòng yên tĩnh đến lạ lùng. Điện thoại tắt, bên ngoài chẳng còn liên lạc gì. Lúc này đứng trong phòng ngủ tôi có cảm giác cũng không được yên tĩnh. Sự rộng rãi thênh thang khiến tôi phát sợ. Mà tôi sợ điều đó từ lâu rồi. Lâu lắm rồi. Từ ngày tôi ý thức được về bản thân tôi thì phải. Ngày tôi còn đi học. Mỗi lần mót tôi phải lẩn tránh bạn bè, tôi đi vào nơi mà bạn bè không vào. Nhìn xung quanh không thấy ai tôi mới kéo quần, tè. Cho đến thời sinh viên tôi không dám mặc quần đùi, mỗi lần đi tắm là tôi rất khổ sở. Tôi cứ phải chờ cho người ta tắm xong rồi mới lần lần xuống tắm, thay quần cứ phải vội vội vàng vàng, chưa kéo được quần ướt ra là mặc ngay quần khô vào. Người ướt sũng nước thấm ra quần khô khiến cho cái quần loang lổ như tờ báo. Mùa đông mấy đứa cùng phòng rủ nhau nằm chung rồi thủ dâm cho nhau. Nhưng tôi thì không! Tôi luôn luôn đề phòng bọn nó bằng cách không chơi với bất cứ thằng nào. Tôi thao thức nhiều hơn người, tôi khôn hơn. Năm nào cũng thế tôi luôn đứng đầu lớp.

Không ai hiểu ông bằng ông, mà chính bản thân ông cũng không hiểu ông. Sau này, mỗi lần đi nghỉ mát. Ai nấy đều mặc quần xịp quần bơi, ông mặc quần đùi. Hôm nay, một mình ông ngồi trong phòng kín mà ông thiếu tự tin. Với bao nhiêu ý nghĩ mơ hồ, ông đóng các cánh cửa lại, căn phòng của ông trở nên một cách kín đáo và thầm lặng. Ông cũng không thể tin tưởng được rằng trong phòng đã hoàn toàn kín đáo. Ông hồ nghi căn phòng của ông. Ông luôn luôn có cảm giác rằng cái gì cũng rộng. Trong lúc này nhỡ ra con giúp việc nhà ông như lời vợ ông dặn nó mang đồ ăn lên đây thì sao. Thôi- ông nghĩ- ta vào toa lét là xong. Ông đóng cửa toa lét rồi kiểm tra đi kiểm tra lại vài lần. Yên trí. Tám cái gương trong toa lét soi tấm thân ông. Ông nhìn thấy mình, ông được nhân đôi lên. Không những thế, ông còn được nhân lên thành tám. Trong con người đang đứng trước gương đây. Cái mà ông ưng nhất lại là cái mà ông chán nhất. Người mình chẳng kém gì một vận động viên nhưng sao nó chẳng ăn nhập gì. Chẳng có sự cân bằng nào cả. Chán. Càng nhìn càng thất vọng. Sự thất vọng càng nhiều nó lại tác động ngay vào cái ấy. Cái ấy cứ teo lại như cái gai tre. Chán! Chán không cơ chứ. Bây giờ ông mới hiểu. Vợ ông, người tình của ông chỉ thích sờ ngực, sờ đùi, sờ tay. Hết. Ông sụp đổ. Ông thấy phía trước đối với ông thật là vô ích.

Giữa trời đông lạnh lẽo. Ông ngồi xuống mà người ông chẩy lênh loang mồ hôi. Vợ ông theo trai, người tình của ông chỉ thấy hạnh phúc bên ông là vì ông có tiền. Tiền. Ông thảng thốt. Bao nhiêu tiền làm ra đều cung phụng bọn khốn nạn. Những đồng tiền của ông cũng không trong sạch gì nhưng nhất định không phải để cho vợ ông đi nuôi đĩ đực. Ông gục xuống. Ông miên man. Hình như có một thiên thần nào đó bay đến bên ông, kể vào tai ông câu chuyện.
Ông ơi ông. Em đi trên cỏ cho ông xem...

Em tỉnh dậy. Khác với mọi ngày, em cảm thấy trong mình có một điều gì đó thật kỳ lạ, có điều gì đó đang chuyển trong em, em lật mình qua lại vài lần như hờn dỗi với chăn màn giường chiếu. Cái giường mọi hôm cứ nham nhám vì chiếu cói, tấm chăn lâu ngày, tấm chăn xù xì cũng trở nên khó chịu cấu vào da thịt em, vậy mà hôm nay em lại thích nó, thích cái sự nham nhám đó, em cứ động chạm vào nó, nó động vào em nó làm cho làn da của em căng lên, như mầm cây đẩy bật đất vươn lên nhìn ánh sáng của mặt trời, khoe mình trong ban mai. Ban mai. Em gác đầu qua bậu cửa nhìn ra đám vườn sau nhà. Vẫn vườn, vẫn cỏ, nhưng hôm nay có một làn sương mong mỏng bồng bềnh khiến cho những ngọn cỏ thêm non và rướn mình cao hơn, mạnh mẽ hơn.

Em cảm thấy thích thú với làn sương sáng nay. Nhón bước chân trần em đi ra đám cỏ sau vườn. Mỗi bước chân em đi cỏ như rạp xuống in dấu chân em trên cỏ. Em đi trên cỏ non.
Nắng lên. Tia nắng chiếu lên từng hạt sương trên cỏ. Sương long lanh. Sương ướt. Cỏ cây hoa lá như vừa rửa mặt. Nếu không có nắng - em nghĩ vậy - sương cũng không long lanh, nếu không có sương nắng cũng thành vô nghĩa, em nghĩ ngợi thêm rằng nếu không có em thì ai nhìn sương long lanh sáng nay, ai nhìn sương mai buổi sáng, ai nhìn... ai nhìn sương? Chân em đi nhẹ trên cỏ. Gót chân em càng đi càng trắng và càng hồng hào hơn. Hôm nay em không muốn đến trường hay làm một công việc gì đó cho một ngày mà mọi người cho là có ích. Còn bản thân em, em thấy hôm nay là một ngày đặc biệt vì một lẽ chỉ có em biết, chỉ có mỗi một mình em biết giống như một điều bí mật mà em vừa khám phá ra. Em thấy rằng cảnh vật cũng đang thay đổi vào buổi sáng ban mai này, và trong em? Ô kìa trong em cũng đang, một điều gì đó trong em cũng đang xốn xang xáo trộn, đang đổi thay. Những ngọn cỏ non như mũi kim đâm vào chân em gây nên một cảm giác như mưa rơi tí tách bắn lên những hạt nước li ti vào má em tê tê ram ráp, khoan khoái.
Một ngày mới mẹ em đi làm, một ngày mới các bạn em đến trường, một ngày mới... em đi trên cỏ non. Những ngọn cỏ non dưới chân em đổ rạp xuống rồi lại nẩy bật lên thách thức vẫy gọi trong gió nhè nhẹ. Một sức sống ban mai căng tràn ẩm ướt. Ông đến với em đi. Em đây, mới tuổi dậy thì thôi. Ông nhìn em nhé. Em như cỏ non.
Đến với em đi ông.

Ông đã gọi điện cho người tình.
Người tình nhận lời với điều kiện ông đặt ra. Ông buông điện thoại và nghĩ về dáng em.
Em như cỏ non.
Và thế là hết!
N.V.N

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.

  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

  • DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết    (René Char)

  • ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

  • NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.

  • NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.

  • NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

  • NHẤT LÂM          Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.

  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".

  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.