LTS: Trong 24 bài trong tập Cỏ dại của nhà văn Lỗ Tấn do GS. Trần Đình Sử dịch, Sông Hương số tháng 10 năm 2011 đã giới thiệu đến bạn đọc 3 bài “Sau khi chết”, “Sự giã từ của cái bóng” và “Sự run rẩy trên đường đồi bại”. Kỳ này Sông Hương xin giới thiệu tiếp với bạn đọc 4 bài chọn lọc từ Cỏ dại.
Văn hào Lỗ Tấn - Ảnh: internet
LỖ TẤN
Đêm thu
Vườn sau nhà tôi ngoài tường có thể nhìn thấy hai cây, một cây là táo, còn một cây nữa cũng là táo.
Bầu trời đêm trên vườn kì lạ mà lại cao, đời tôi chưa hề thấy bầu trời kì lạ mà lại cao như thế bao giờ, nó có vẻ như là đang rời bỏ nhân gian mà đi, khiến cho mọi người có ngửa mặt lên nhìn cũng không còn thấy nữa. Ấy thế mà giờ đây nó lại vô cùng xanh, long lanh mấy chục ngôi sao đang nhấp nháy, lạnh nhạt. Trên khóe miệng nó hiện ra nụ cười, tựa hồ như tự cho mình là thâm thúy, rồi đem sương dày rắc trên hoa và cỏ dại trong vườn của tôi.
Tôi không biết những hoa cỏ dại ấy gọi là gì, người ta gọi chúng bằng những tên gì. Tôi nhớ có một loài hoa nở những đóa hoa phớt hồng cực bé, bây giờ vẫn còn nở, nhưng nhỏ bé hơn trước nhiều. Trong hơi đêm lạnh lẽo này, nó xo ro nằm mơ, mơ thấy mùa xuân đến, mơ thấy mùa thu đến, mơ thấy nhà thơ gầy nhỏ nước mắt lên cánh hoa ngoài cùng của nó, bảo nó rằng, mùa thu tuy đến, mùa đông tuy đến, nhưng sau đó tiếp theo là mùa xuân, bướm sẽ tung bay, ong mật sẽ hát bài ca xuân. Thế là đóa hoa mỉm cười, tuy màu sắc đỏ lạnh đến tội nghiệp, và vẫn xo ro.
Cây táo hầu như đã rụng hết lá. Trước đó còn có mấy đứa bé đến chọc những quả táo mà người ta hái còn sót lại, bây giờ thì chẳng còn quả nào, đến cả lá cũng rụng hết. Nó biết giấc mơ của đóa hoa phớt hồng, sau mùa thu là mùa xuân. Nó cũng biết giấc mơ của lá rụng, sau mùa xuân là mùa thu. Nó hầu như đã rụng hết lá, chỉ còn trơ lại cành không, nhưng sau khi thoát khỏi cái hình vòng cung mang đầy lá và quả, nó được thoải mái vươn mình. Nhưng còn mấy cành lại oằn thấp xuống che đỡ những vết thương do sào chọc táo đâm phải, còn mấy cành thẳng nhất, dài nhất thì lại lặng lẽ như sắt đâm thẳng lên bầu trời kì lạ mà lại cao, khiến bầu trời lấp lánh chớp mắt; chúng đâm thẳng lên mặt trăng đầy đặn trên trời, khiến mặt trăng quýnh lên, mặt trắng bệch.
Bầu trời chớp mắt lại càng xanh hơn, không yên, tựa như là muốn rời bỏ nhân gian, né tránh cây táo, chỉ để mặt trăng lại. Ấy thế nhưng mặt trăng cũng len lén nấp về phía đông. Thế mà cái cành cây trơ trụi vẫn cứ lặng lẽ như sắt đâm thẳng lên bầu trời kì lạ mà lại cao, cứ một mực đẩy nó vào chỗ chết, bất chấp nó nhấp nhánh bao nhiêu đôi mắt quyến rũ với đủ các kiểu.
“Òa” một tiếng, một con chim ác ăn đêm bay qua.
Tôi bỗng nghe thấy tiếng cười nửa đêm, “xì xì” tựa hồ như không muốn đánh thức những người đang ngủ, thế nhưng không khí bốn bề xung quanh lại đều cười họa theo. Nửa đêm, chẳng có ai khác, tôi tức khắc nhận ra âm thanh ấy chính là phát ra từ miệng của tôi, tức khắc tôi cũng bị tiếng cười ấy xua đuổi, trở về phòng của mình. Bấc đèn cũng tức khắc được tôi vặn cao lên.
Mặt kính trên cửa sổ phía sau nghe tách tách, có nhiều con trùng nhỏ bay đập. Không bao lâu, có mấy con lọt vào, có lẽ là chui từ chỗ rách của tờ giấy dán cửa sổ. Chúng vừa vào bèn bay đập tách tách trên chụp đèn pha lê. Một con bay đập từ phía trên, thế là nó gặp phải ngọn lửa, mà tôi thì cho rằng đó là ngọn lửa thật. Hai ba con khác thì dừng lại nghỉ và thở trên giấy chụp đèn. Đó là chụp đèn mới thay tối qua, giấy trắng bạch, đường gấp theo hình sóng, trên một góc còn có vẽ một cành dành dành đỏ chót. Khi cây dành dành nở hoa đỏ chót thì cây táo lại mơ thấy giấc mơ của đóa hoa nhỏ phớt hồng, cành lá xanh um uốn cong thành hình cánh cung. Tôi lại nghe thấy tiếng cười nửa đêm. Tôi vội vàng dập tắt mối tâm tư của mình, nhìn con côn trùng xanh đang đậu mãi trên chụp đèn, đầu to, đuôi nhỏ, tựa như hoa hướng dương, chỉ to bằng nửa hạt lúa mạch, màu sắc toàn thân xanh biếc rất đáng yêu, đáng thương.
Tôi ngáp, châm một điếu thuốc, thở khói ra nhìn ngọn đèn, lặng lẽ tôn kính các anh hùng bé nhỏ xanh biếc ấy.
Trả thù
Da con người ta dày bất quá nửa phân, máu nóng tươi thắm chảy bên dưới nó, cuồn cuộn chảy trong mạng huyết quản còn dày đặc hơn cả sự dày đặc của đám sâu hòe tầng tầng lớp lớp bò trên bức tường, tỏa ra hơi ấm. Thế là mọi người đem cái hơi ấm ấy mà khêu gợi nhau, khích động nhau, lôi kéo nhau, cố sức để dựa vào nhau, hôn nhau, ôm nhau, mong cầu được niềm vui lớn đắm say của sự sống.
Nhưng nếu dùng một lưỡi dao sắc nhọn, chỉ đâm một cái, xuyên qua lớp da hồng đào mỏng manh ấy thì sẽ thấy máu nóng hồng tươi kia vọt ra như tên tắm đẫm kẻ giết người bằng cái nóng trực tiếp. Tiếp đó là cho ra hơi thở lạnh băng, cho thấy đôi môi trắng nhợt, khiến cho tính người tê dại, nhận được niềm vui sướng tột cùng của sự sống bay bổng; còn bản thân người ấy thì mãi mãi đắm chìm vào niềm vui lớn tột cùng của sự sống bay bổng.
Như thế cho nên có hai người lõa lồ toàn thân, tay cầm dao sắc đứng đối diện nhau trên cánh đồng vắng mênh mông.
Hai người đó sắp ôm nhau, sắp giết nhau…
Người qua đường từ bốn phía túa lại, tầng tầng lớp lớp, như đám sâu hoè bò trên tường, như bầy kiến xúm nhau lại khiêng mẩu cá khô. Áo quần họ đẹp đẽ, nhưng tay không. Thế mà từ bốn phía túa lại, mà lại đều cố sức vươn dài cổ ra, để thưởng thức cuộc ôm nhau hay giết nhau ấy. Họ đã cảm thấy trước cái vị tươi của mồ hôi hoặc máu trên đầu lưỡi mình sau khi việc ấy xảy ra.
Thế nhưng hai người đứng đối diện nhau, trên cánh đồng vắng bao la, toàn thân loã lồ, tay cầm dao sắc, thế mà họ lại không ôm nhau, cũng không giết nhau, cũng chẳng có ý ôm nhau hoặc giết nhau.
Họ cứ đứng như thế cho đến vĩnh viễn, những thân thể đầy đặn đã dần dần khô kiệt, thế mà vẫn không có ý định ôm nhau hay giết nhau.
Người qua đường bèn cảm thấy chán ngắt, cảm thấy nỗi chán chường chui vào trong từng lỗ chân lông, rồi cảm thấy cái chán ngấy từ trong trái tim chui qua lỗ chân lông mà thoát ra ngoài, bò trên cánh đồng vắng, rồi lại chui vào lỗ chân lông người khác. Thế là họ cảm thấy lười và họng khô rát, cổ vươn đã mỏi, cuối cùng mặt nhìn mặt, họ từ từ tản đi. Thậm chí còn cảm thấy khô khan đến mức mất hết sinh thú nữa!
Thế là chỉ còn lại có cánh đồng vắng mênh mông, còn hai người toàn thân loã lồ, tay cầm dao sắc, đứng khô kiệt, đem ánh mắt như người chết mà thưởng thức cái khô kiệt của bọn qua đường, một cuộc chém giết không đổ máu, thế mà mãi mãi đắm chìm trong niềm vui sướng lớn tột cùng của sự sống bay bổng.
Lập luận
Tôi mơ thấy mình đang ở trong lớp tiểu học chuẩn bị làm văn, xin thầy dạy cho phương pháp lập luận.
“Khó!”- thầy đưa mắt ra ngoài đôi kính, nhìn tôi, nói - “Thầy kể cho em một chuyện:
Có một nhà sinh một đứa con trai. Cả nhà vui mừng khôn xiết. Khi đứa bé đầy tháng, người ta bế ra cho khách xem, có lẽ là muốn nhận được điều may.
Một người nói: đứa bé này sau này sẽ phát tài, thế là anh ta nhận được một hồi cảm tạ.
Một người nói: đứa bé này tương lai sẽ làm quan, thế là anh ta nhận được một câu lấy lòng.
Một người nói: đứa bé này tương lai sẽ chết, thế là anh ta bị mọi người hợp sức đánh cho một trận đau.
Nói sẽ chết là tất yếu, nói phú quý là dối trá. Nhưng nói dối trá thì được báo đáp tử tế, nói tất yếu thì bị đánh đau. Em…”.
“Em muốn không phải nói dối mà cũng không phải bị đánh đau, vậy thì thưa thầy, em phải nói như thế nào?”
“Vậy thì em phải nói: Ôi cha, đứa bé này, kìa xem, thật là… chậc, chậc, hà hà, hehe! He, hehehehe!”
Hy vọng
Lòng tôi vô cùng vắng vẻ.
Vậy mà lòng tôi rất bình yên: không có yêu ghét, không có buồn vui, cũng không có màu sắc và thanh âm.
Có lẽ tôi già rồi. Tóc tôi đã bạc trắng, chẳng phải là sự thực hiển nhiên sao? Tay tôi run rẩy, không phải là sự thực rõ ràng sao? Vậy thì bàn tay trong tâm hồn tôi chắc cũng run rẩy rồi, đầu tóc của nó cũng bạc rồi.
Thế nhưng đó là việc của nhiều năm trước.
Trước đó lòng tôi cũng từng ngập tràn tiếng ca tanh máu; máu và sắt, lửa và độc, khôi phục và báo thù. Rồi đột nhiên những thứ ấy đều trống không, nhưng có lúc cố ý lèn vào một thứ hy vọng bất đắc dĩ để tự dối mình. Hy vọng, hy vọng, đem đến cái khiên hy vọng mà chống đỡ cuộc tập kích của đêm tối trong trống không, tuy rằng sau cái khiên vẫn là đêm tối trong trống không. Nhưng mặc dù là vậy, cũng dần tiêu ma mất tuổi trẻ của tôi.
Lẽ nào trước đây tôi không biết rằng tuổi trẻ của tôi đã mất? Nhưng tôi cho rằng tuổi trẻ ngoài tôi vẫn còn: các vì sao, ánh trăng, bươm bướm buông mình, hoa trong tối, lời không lành của chim cú mèo, chim đỗ quyên khóc chảy máu, nụ cười mơ hồ, tình yêu bay lượn… Tuy là một tuổi trẻ buồn lạnh, mịt mù, nhưng vẫn là tuổi trẻ.
Vậy mà giờ đây vì sao lại vắng vẻ thế? Lẽ nào cả tuổi trẻ ngoài tôi cũng đã mất rồi, tuổi trẻ trên đời cũng phần nhiều già yếu rồi?
Tôi đành phải một mình vật lộn với đêm đen trong trống không. Tôi đặt cái khiên hy vọng xuống. Tôi nghe bài ca Hy vọng của Sandor Petofi (1823 - 1849):
“Hy vọng là gì, là ả gái điếm:
Ai cũng quyến rũ, ai cũng dâng mời
Chờ đến khi anh tiêu hết cái quý báu nhất đời
Là tuổi trẻ - cô ả liền bỏ anh”
Nhà thơ trữ tình vĩ đại ấy, nhà yêu nước Hunggari, vì Tổ quốc mà chết trên mũi dao nhọn của lính Côdắc, đã 75 năm rồi. Buồn thay cái chết! Nhưng buồn hơn là thơ ca ông vẫn chưa chết!
Nhưng cuộc đời thật đáng thương! Anh hùng kiên dũng như Petofi cũng đành dừng bước trước đêm tối, nhìn lại phương Đông mịt mù. Ông nói:
Tuyệt vọng mà thành trống không thì cũng giống như là hy vọng. Nếu tôi còn phải sống trộm trong cõi trống không không sáng không tối này thì tôi còn phải tìm cái tuổi trẻ buồn lạnh, mịt mù đã mất ấy, nhưng không ngại tìm ngoài thân tôi. Bởi vì tuổi trẻ bên ngoài nếu mà đã chết, thì sự già lão trong tôi cũng lập tức điêu linh.
Thế nhưng bây giờ không có sao và ánh trăng, không có bướm buông cánh và cả nụ cười mờ mịt, tình yêu bay múa. Vậy mà cánh trẻ tuổi rất bình yên.
Tôi đành phải một mình vật lộn với đêm đen trong trống không này, cho dù không tìm được tuổi trẻ ngoài tôi, cũng phải tự mình ném phăng cái già lão trong mình. Nhưng đêm đen lại nằm ở đâu? Giờ đây không có sao, không có ánh trăng, cả nụ cười mù mịt, tình yêu bay múa; cánh trẻ tuổi rất bình yên, mà trước mặt tôi đến nỗi không có cả cái đêm tối thật.
Tuyệt vọng mà thành trống không.
Thì cũng giống như là hy vọng.
Trần Đình Sử dịch
(SH294/08-13)
FRANZ KAFKA
AMBROSE BIERCE
Năm 1861, chàng trai Barr Lassiter sống cùng cha mẹ và người chị ở gần Carthage, Tennesse.
L. TOLSTOY
Nassar Ibrahim là nhà văn, nhà báo người Palestine. Ông còn là nhà hoạt động xã hội, nguyên Tổng Biên tập báo El Hadaf tại Palestine. Truyện ngắn dưới đây được in lần đầu bằng tiếng Ả Rập trong tạp chí Masharef 28, số mùa thu 2005, được Taline Voskeritchian dịch sang tiếng Anh, in trong tạp chí Wordswithoutborders số tháng 11/2006.
THOMAS VINT
L.T.S: Thomas Vint người Estonia, năm nay 49 tuổi. Hiện ông viết văn và sống ở Estonia (Liên Xô). Ngoài khả năng viết văn xuôi, ông còn thích vẽ. Ông đã từng triển lãm tranh ở Pháp vào năm 1988. Ông cũng đã tự minh họa cho tập truyện ngắn đầu tiên của mình.
JOSHUA BROWN (Mỹ)
“Con sẽ làm vua!” một chú lợn con nói với bố mẹ.
Lợn Mẹ mỉm cười nhìn con. “Làm sao con có thể thành vua được khi con chỉ là một chú lợn con?”
RAY BRADBURY
Theo Ray Bradbury, truyện khoa học giả tưởng khác với sự tưởng tượng thuần túy ở chỗ nó là "một dự phóng hợp lý của thực tại". Vì vậy cuộc đi dạo ngắn ngủi này nói lên những gì ông suy nghĩ - hay lo sợ - có thể dễ dàng trở thành một bức tranh thật.
Thomas Burke (1886 - 1945) sinh tại Clapham, ngoại ô thành phố Luân Đôn, nước Anh. Cha chết khi còn rất nhỏ, ông sống với người chú, sau được gởi vào một cô nhi viện.
JORGE LUIS BORGES
Jorge Luis Borges (tên đầy đủ là Jorge Francisco Isidoro Luis Borges Acevedo) sinh ngày 24 tháng 8 năm 1899 tại Buenos Aires, Argentina.
CLAUDE FARRÈRE
Những kẻ văn minh là tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Claude Farrère (1876 - 1957) đã nhiều năm sang Việt Nam mô tả vạch trần và lên án sâu sắc chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương trong hơn 80 năm đô hộ.
HERMANN HESSE
(Nhà văn Đức, Nobel văn học năm 1946)
Trước đây, một chàng trai trẻ có tên là Ziegler đã sống ở ngõ Brauer. Anh là một trong những người thường xuyên ngày nào cũng gặp chúng tôi ở trên đường phố và chưa bao giờ chúng tôi có thể ghi nhớ chính xác khuôn mặt của những người ấy, vì tất cả bọn họ cùng có khuôn mặt giống nhau: một khuôn mặt bình thường ở giữa đám đông.
Nhà văn Nenden Lilis A. sinh tại Malangbong-Garut (Tây Java) năm 1971, là giảng viên khoa Giáo dục và Văn chương tại Indonesian Education University ở Bandung.
Truyện ngắn và thơ của bà đã in trên nhiều ấn phẩm trong nước. Bà cũng thường được mời nói chuyện tại các hội nghị văn học cả ở trong nước và nước ngoài (như Malaysia, Hà Lan và Pháp). Thơ của bà đã được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan và Đức.
Truyện ngắn dưới đây được John H. McGlynn dịch từ tiếng Indonesia sang tiếng Anh.
ALEKSANDAR HEMON
Đám đông xôn xao trong bầu bụi chiều nâu xỉn; họ đợi đã quá lâu rồi. Cuối cùng, Quan tổng trấn bước xuống bậc thang áp chót, dạng chân và chống nạnh ra vẻ quyền chức thường thấy.
Lời dẫn: Cách đây 475 năm, vào ngày 22 tháng 2, tại thành phố Xenvia đã qua đời một người Italia tên Amêrigô, một người đã từng giong buồm liền 7 năm trời trên những vịnh ở phía Bắc và Tây châu Nam Mỹ.
LTS: Issac Bashevis Singer sinh tại Ba Lan. Ông là một nhà văn lớn của Do Thái. Hầu hết truyện của ông đều viết bằng tiếng Hébreu và Yiddish, tức tiếng Do Thái cổ. Với lối văn trong sáng, giản dị, có tính cách tự sự, ông thường viết về cuộc sống của những người dân Do Thái cùng khổ. Ông được tặng giải Nobel văn chương năm 1978.
LTS: Giải thưởng danh giá Goncourt của văn chương Pháp năm 2015 với tác giả là nhà văn Mathias Enard do Nxb. Actes Sud (Pháp) xuất bản.
Sinh ở Manzanillo năm 1907, Loló de la Torriente sống ở Havana từ thuở nhỏ. Bà đóng một vai trò tích cực trong cuộc chiến đấu chống lại Machado và các chế độ ủng hộ đế quốc sau đó. Bà trở thành giáo viên và là một đảng viên của Đảng Cộng sản Cuba.
Michel Déon sinh năm 1919 tại Paris. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, ông tòng quân cho đến tháng 11 năm 1942. Ở lại vùng phía nam nước Pháp bị tạm chiếm, ông cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác nhau.
LGT: Alissa York sinh tại Australia và lớn lên tại tỉnh bang Edmonton, Canada, và là tác giả của năm tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm bán chạy: The Naturalist, Fauna, Effigy, Mercy, Any Given Power. Cô nhận giải Bronwen Wallace Memorial Award vào năm 1999, và đã từng được đề cử giải văn chương danh giá Scotiabank Giller Prize.
LGT: “Cơn Giông” là một trong các tác phẩm Nabokov, văn hào Mỹ gốc Nga, viết trong thời kỳ ông còn sáng tác bằng tiếng Nga, và được đăng lần đầu trên báo Đỵíÿ (Hôm Nay) vào ngày 28 tháng 9 năm 1924. Sau này, nó được Dmitri Nabokov, con trai tác giả, dịch lại qua tiếng Anh và đăng trong một số tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của Nabokov. Bản dịch dưới đây được dịch giả Thiên Lương, người từng dịch Lolita, thực hiện từ bản gốc tiếng Nga.