LTS: Trong 24 bài trong tập Cỏ dại của nhà văn Lỗ Tấn do GS. Trần Đình Sử dịch, Sông Hương số tháng 10 năm 2011 đã giới thiệu đến bạn đọc 3 bài “Sau khi chết”, “Sự giã từ của cái bóng” và “Sự run rẩy trên đường đồi bại”. Kỳ này Sông Hương xin giới thiệu tiếp với bạn đọc 4 bài chọn lọc từ Cỏ dại.
Văn hào Lỗ Tấn - Ảnh: internet
LỖ TẤN
Đêm thu
Vườn sau nhà tôi ngoài tường có thể nhìn thấy hai cây, một cây là táo, còn một cây nữa cũng là táo.
Bầu trời đêm trên vườn kì lạ mà lại cao, đời tôi chưa hề thấy bầu trời kì lạ mà lại cao như thế bao giờ, nó có vẻ như là đang rời bỏ nhân gian mà đi, khiến cho mọi người có ngửa mặt lên nhìn cũng không còn thấy nữa. Ấy thế mà giờ đây nó lại vô cùng xanh, long lanh mấy chục ngôi sao đang nhấp nháy, lạnh nhạt. Trên khóe miệng nó hiện ra nụ cười, tựa hồ như tự cho mình là thâm thúy, rồi đem sương dày rắc trên hoa và cỏ dại trong vườn của tôi.
Tôi không biết những hoa cỏ dại ấy gọi là gì, người ta gọi chúng bằng những tên gì. Tôi nhớ có một loài hoa nở những đóa hoa phớt hồng cực bé, bây giờ vẫn còn nở, nhưng nhỏ bé hơn trước nhiều. Trong hơi đêm lạnh lẽo này, nó xo ro nằm mơ, mơ thấy mùa xuân đến, mơ thấy mùa thu đến, mơ thấy nhà thơ gầy nhỏ nước mắt lên cánh hoa ngoài cùng của nó, bảo nó rằng, mùa thu tuy đến, mùa đông tuy đến, nhưng sau đó tiếp theo là mùa xuân, bướm sẽ tung bay, ong mật sẽ hát bài ca xuân. Thế là đóa hoa mỉm cười, tuy màu sắc đỏ lạnh đến tội nghiệp, và vẫn xo ro.
Cây táo hầu như đã rụng hết lá. Trước đó còn có mấy đứa bé đến chọc những quả táo mà người ta hái còn sót lại, bây giờ thì chẳng còn quả nào, đến cả lá cũng rụng hết. Nó biết giấc mơ của đóa hoa phớt hồng, sau mùa thu là mùa xuân. Nó cũng biết giấc mơ của lá rụng, sau mùa xuân là mùa thu. Nó hầu như đã rụng hết lá, chỉ còn trơ lại cành không, nhưng sau khi thoát khỏi cái hình vòng cung mang đầy lá và quả, nó được thoải mái vươn mình. Nhưng còn mấy cành lại oằn thấp xuống che đỡ những vết thương do sào chọc táo đâm phải, còn mấy cành thẳng nhất, dài nhất thì lại lặng lẽ như sắt đâm thẳng lên bầu trời kì lạ mà lại cao, khiến bầu trời lấp lánh chớp mắt; chúng đâm thẳng lên mặt trăng đầy đặn trên trời, khiến mặt trăng quýnh lên, mặt trắng bệch.
Bầu trời chớp mắt lại càng xanh hơn, không yên, tựa như là muốn rời bỏ nhân gian, né tránh cây táo, chỉ để mặt trăng lại. Ấy thế nhưng mặt trăng cũng len lén nấp về phía đông. Thế mà cái cành cây trơ trụi vẫn cứ lặng lẽ như sắt đâm thẳng lên bầu trời kì lạ mà lại cao, cứ một mực đẩy nó vào chỗ chết, bất chấp nó nhấp nhánh bao nhiêu đôi mắt quyến rũ với đủ các kiểu.
“Òa” một tiếng, một con chim ác ăn đêm bay qua.
Tôi bỗng nghe thấy tiếng cười nửa đêm, “xì xì” tựa hồ như không muốn đánh thức những người đang ngủ, thế nhưng không khí bốn bề xung quanh lại đều cười họa theo. Nửa đêm, chẳng có ai khác, tôi tức khắc nhận ra âm thanh ấy chính là phát ra từ miệng của tôi, tức khắc tôi cũng bị tiếng cười ấy xua đuổi, trở về phòng của mình. Bấc đèn cũng tức khắc được tôi vặn cao lên.
Mặt kính trên cửa sổ phía sau nghe tách tách, có nhiều con trùng nhỏ bay đập. Không bao lâu, có mấy con lọt vào, có lẽ là chui từ chỗ rách của tờ giấy dán cửa sổ. Chúng vừa vào bèn bay đập tách tách trên chụp đèn pha lê. Một con bay đập từ phía trên, thế là nó gặp phải ngọn lửa, mà tôi thì cho rằng đó là ngọn lửa thật. Hai ba con khác thì dừng lại nghỉ và thở trên giấy chụp đèn. Đó là chụp đèn mới thay tối qua, giấy trắng bạch, đường gấp theo hình sóng, trên một góc còn có vẽ một cành dành dành đỏ chót. Khi cây dành dành nở hoa đỏ chót thì cây táo lại mơ thấy giấc mơ của đóa hoa nhỏ phớt hồng, cành lá xanh um uốn cong thành hình cánh cung. Tôi lại nghe thấy tiếng cười nửa đêm. Tôi vội vàng dập tắt mối tâm tư của mình, nhìn con côn trùng xanh đang đậu mãi trên chụp đèn, đầu to, đuôi nhỏ, tựa như hoa hướng dương, chỉ to bằng nửa hạt lúa mạch, màu sắc toàn thân xanh biếc rất đáng yêu, đáng thương.
Tôi ngáp, châm một điếu thuốc, thở khói ra nhìn ngọn đèn, lặng lẽ tôn kính các anh hùng bé nhỏ xanh biếc ấy.
Trả thù
Da con người ta dày bất quá nửa phân, máu nóng tươi thắm chảy bên dưới nó, cuồn cuộn chảy trong mạng huyết quản còn dày đặc hơn cả sự dày đặc của đám sâu hòe tầng tầng lớp lớp bò trên bức tường, tỏa ra hơi ấm. Thế là mọi người đem cái hơi ấm ấy mà khêu gợi nhau, khích động nhau, lôi kéo nhau, cố sức để dựa vào nhau, hôn nhau, ôm nhau, mong cầu được niềm vui lớn đắm say của sự sống.
Nhưng nếu dùng một lưỡi dao sắc nhọn, chỉ đâm một cái, xuyên qua lớp da hồng đào mỏng manh ấy thì sẽ thấy máu nóng hồng tươi kia vọt ra như tên tắm đẫm kẻ giết người bằng cái nóng trực tiếp. Tiếp đó là cho ra hơi thở lạnh băng, cho thấy đôi môi trắng nhợt, khiến cho tính người tê dại, nhận được niềm vui sướng tột cùng của sự sống bay bổng; còn bản thân người ấy thì mãi mãi đắm chìm vào niềm vui lớn tột cùng của sự sống bay bổng.
Như thế cho nên có hai người lõa lồ toàn thân, tay cầm dao sắc đứng đối diện nhau trên cánh đồng vắng mênh mông.
Hai người đó sắp ôm nhau, sắp giết nhau…
Người qua đường từ bốn phía túa lại, tầng tầng lớp lớp, như đám sâu hoè bò trên tường, như bầy kiến xúm nhau lại khiêng mẩu cá khô. Áo quần họ đẹp đẽ, nhưng tay không. Thế mà từ bốn phía túa lại, mà lại đều cố sức vươn dài cổ ra, để thưởng thức cuộc ôm nhau hay giết nhau ấy. Họ đã cảm thấy trước cái vị tươi của mồ hôi hoặc máu trên đầu lưỡi mình sau khi việc ấy xảy ra.
Thế nhưng hai người đứng đối diện nhau, trên cánh đồng vắng bao la, toàn thân loã lồ, tay cầm dao sắc, thế mà họ lại không ôm nhau, cũng không giết nhau, cũng chẳng có ý ôm nhau hoặc giết nhau.
Họ cứ đứng như thế cho đến vĩnh viễn, những thân thể đầy đặn đã dần dần khô kiệt, thế mà vẫn không có ý định ôm nhau hay giết nhau.
Người qua đường bèn cảm thấy chán ngắt, cảm thấy nỗi chán chường chui vào trong từng lỗ chân lông, rồi cảm thấy cái chán ngấy từ trong trái tim chui qua lỗ chân lông mà thoát ra ngoài, bò trên cánh đồng vắng, rồi lại chui vào lỗ chân lông người khác. Thế là họ cảm thấy lười và họng khô rát, cổ vươn đã mỏi, cuối cùng mặt nhìn mặt, họ từ từ tản đi. Thậm chí còn cảm thấy khô khan đến mức mất hết sinh thú nữa!
Thế là chỉ còn lại có cánh đồng vắng mênh mông, còn hai người toàn thân loã lồ, tay cầm dao sắc, đứng khô kiệt, đem ánh mắt như người chết mà thưởng thức cái khô kiệt của bọn qua đường, một cuộc chém giết không đổ máu, thế mà mãi mãi đắm chìm trong niềm vui sướng lớn tột cùng của sự sống bay bổng.
Lập luận
Tôi mơ thấy mình đang ở trong lớp tiểu học chuẩn bị làm văn, xin thầy dạy cho phương pháp lập luận.
“Khó!”- thầy đưa mắt ra ngoài đôi kính, nhìn tôi, nói - “Thầy kể cho em một chuyện:
Có một nhà sinh một đứa con trai. Cả nhà vui mừng khôn xiết. Khi đứa bé đầy tháng, người ta bế ra cho khách xem, có lẽ là muốn nhận được điều may.
Một người nói: đứa bé này sau này sẽ phát tài, thế là anh ta nhận được một hồi cảm tạ.
Một người nói: đứa bé này tương lai sẽ làm quan, thế là anh ta nhận được một câu lấy lòng.
Một người nói: đứa bé này tương lai sẽ chết, thế là anh ta bị mọi người hợp sức đánh cho một trận đau.
Nói sẽ chết là tất yếu, nói phú quý là dối trá. Nhưng nói dối trá thì được báo đáp tử tế, nói tất yếu thì bị đánh đau. Em…”.
“Em muốn không phải nói dối mà cũng không phải bị đánh đau, vậy thì thưa thầy, em phải nói như thế nào?”
“Vậy thì em phải nói: Ôi cha, đứa bé này, kìa xem, thật là… chậc, chậc, hà hà, hehe! He, hehehehe!”
Hy vọng
Lòng tôi vô cùng vắng vẻ.
Vậy mà lòng tôi rất bình yên: không có yêu ghét, không có buồn vui, cũng không có màu sắc và thanh âm.
Có lẽ tôi già rồi. Tóc tôi đã bạc trắng, chẳng phải là sự thực hiển nhiên sao? Tay tôi run rẩy, không phải là sự thực rõ ràng sao? Vậy thì bàn tay trong tâm hồn tôi chắc cũng run rẩy rồi, đầu tóc của nó cũng bạc rồi.
Thế nhưng đó là việc của nhiều năm trước.
Trước đó lòng tôi cũng từng ngập tràn tiếng ca tanh máu; máu và sắt, lửa và độc, khôi phục và báo thù. Rồi đột nhiên những thứ ấy đều trống không, nhưng có lúc cố ý lèn vào một thứ hy vọng bất đắc dĩ để tự dối mình. Hy vọng, hy vọng, đem đến cái khiên hy vọng mà chống đỡ cuộc tập kích của đêm tối trong trống không, tuy rằng sau cái khiên vẫn là đêm tối trong trống không. Nhưng mặc dù là vậy, cũng dần tiêu ma mất tuổi trẻ của tôi.
Lẽ nào trước đây tôi không biết rằng tuổi trẻ của tôi đã mất? Nhưng tôi cho rằng tuổi trẻ ngoài tôi vẫn còn: các vì sao, ánh trăng, bươm bướm buông mình, hoa trong tối, lời không lành của chim cú mèo, chim đỗ quyên khóc chảy máu, nụ cười mơ hồ, tình yêu bay lượn… Tuy là một tuổi trẻ buồn lạnh, mịt mù, nhưng vẫn là tuổi trẻ.
Vậy mà giờ đây vì sao lại vắng vẻ thế? Lẽ nào cả tuổi trẻ ngoài tôi cũng đã mất rồi, tuổi trẻ trên đời cũng phần nhiều già yếu rồi?
Tôi đành phải một mình vật lộn với đêm đen trong trống không. Tôi đặt cái khiên hy vọng xuống. Tôi nghe bài ca Hy vọng của Sandor Petofi (1823 - 1849):
“Hy vọng là gì, là ả gái điếm:
Ai cũng quyến rũ, ai cũng dâng mời
Chờ đến khi anh tiêu hết cái quý báu nhất đời
Là tuổi trẻ - cô ả liền bỏ anh”
Nhà thơ trữ tình vĩ đại ấy, nhà yêu nước Hunggari, vì Tổ quốc mà chết trên mũi dao nhọn của lính Côdắc, đã 75 năm rồi. Buồn thay cái chết! Nhưng buồn hơn là thơ ca ông vẫn chưa chết!
Nhưng cuộc đời thật đáng thương! Anh hùng kiên dũng như Petofi cũng đành dừng bước trước đêm tối, nhìn lại phương Đông mịt mù. Ông nói:
Tuyệt vọng mà thành trống không thì cũng giống như là hy vọng. Nếu tôi còn phải sống trộm trong cõi trống không không sáng không tối này thì tôi còn phải tìm cái tuổi trẻ buồn lạnh, mịt mù đã mất ấy, nhưng không ngại tìm ngoài thân tôi. Bởi vì tuổi trẻ bên ngoài nếu mà đã chết, thì sự già lão trong tôi cũng lập tức điêu linh.
Thế nhưng bây giờ không có sao và ánh trăng, không có bướm buông cánh và cả nụ cười mờ mịt, tình yêu bay múa. Vậy mà cánh trẻ tuổi rất bình yên.
Tôi đành phải một mình vật lộn với đêm đen trong trống không này, cho dù không tìm được tuổi trẻ ngoài tôi, cũng phải tự mình ném phăng cái già lão trong mình. Nhưng đêm đen lại nằm ở đâu? Giờ đây không có sao, không có ánh trăng, cả nụ cười mù mịt, tình yêu bay múa; cánh trẻ tuổi rất bình yên, mà trước mặt tôi đến nỗi không có cả cái đêm tối thật.
Tuyệt vọng mà thành trống không.
Thì cũng giống như là hy vọng.
Trần Đình Sử dịch
(SH294/08-13)
OTTO STEIGER (THỤY SĨ)Ai cũng biết rằng cái tên Ruđenxơ tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm, vậy mà nhân vật của chúng ta lại là một người nhút nhát. Có thể nói là từ lúc lọt lòng: mặc cho bác sĩ hầm hừ doạ nạt và bà đỡ cố công thúc đẩy, mãi ông chẳng chịu ra cho. Điều này để lại dấu vết trên diện mạo của ông. Khi rốt cuộc ông cũng được sinh ra và nhìn thấy thế gian buồn khổ này, trông ông xấu xí quá lắm, còn cái đầu thì rõ là chiếc bắp cải chứ không ngoa.
SLAWOMIR MROZEKSlawomir Mrozek sinh ngày 26 tháng 6 năm 1930, là nhà văn, kịch tác gia và hoạ sĩ tranh biếm hoạ nổi tiếng của Ba Lan. Năm 1953 tập truyện ngắn đầu tay của ông ra đời và bốn năm sau đó tập truyện Con voi được nhận giải thưởng của Tạp chí văn hoá.
ERNEST HEMINGWAYKhông ai có thể chỉ cho mọi người biết mình là thế nào rõ rệt hơn chính tôi làm việc đó. Không ai có thể giấu mình khỏi anh em đồng loại, bởi vì mỗi hành vi của con người, mỗi hành động của sáng tạo đều nói về tác giả của nó. Tôi kể hết cho mọi người biết mọi điều về tôi trong các cuốn sách của mình.
ANDRA NEYBURGA ()LGT: Nữ nhà văn Andra Neyburga sinh năm 1957. Tốt nghiệp Viện Hàn lâm Nghệ thuật Quốc gia Latvia, là người sáng lập tạp chí tiên phong của giới trẻ Latvia Mạch nguồn, chuyên viên tư vấn của Hội Nhà văn Latvia, phụ trách Hội tác giả trẻ (1987-1989). Tác phẩm của cô đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Châu Âu như Đức, Anh, Pháp, Nga...
ENYO IOGY TESHANSKY ()(Truyện cổ - có thể cho cả người lớn đọc)Mơ thường trái hẳn với thực, chẳng phải vậy sao? Trong mơ những mong ước thiêng liêng nhất của chúng ta đều được thực hiện. Khi ta mơ thấy được vàng ấy là khi trong đời ta không một xu dính túi. Nói gọn lại, tương tự như ví dụ này, bạn có thể dễ dàng hình dung tình hình chính trị và xã hội của Xứ Mơ là thế nào.
SLAWOMIR MROZEK (Ba Lan)Tôi ngồi trong quán cà phê, cũ, vắng, và đang uống cốc nước chè của mình, bỗng tôi thấy có một vật mà ta có thể gọi là người tí hon đang đi ngang qua mặt bàn.
Mẹ tôi làm nghề phù thủy. Bà có thể chế thứ thuốc nước để làm sáng mắt hay để làm nóng dạ con. Bà biết cách thụt rửa âm đạo để có con trai như ý muốn hay chế một liều thuốc độc để tẩy những đứa trẻ không được mong muốn sinh ra. Ngoại trừ những lúc cấp bách, bà tự hái thuốc và lấy những phần thân thể động vật, tôi không được phép giúp bà.
LGT: Tác giả có cách dẫn dắt truyện bất ngờ, lôi cuốn nhờ chọn lựa một chi tiết vừa là nhan đề hay: “Cánh cửa sổ mở”. Từ đó trộn lẫn thực tại với ảo giác qua lời “bịa như thật” với lôgích tưởng tượng tuyệt vời. Điểm đặc sắc là cách xây dựng cấu trúc nhân vật theo kiểu thôi miên nạn nhân bị suy nhược thần kinh của một cô gái tinh nghịch có trí tưởng tượng bịa chuyện lạ kỳ.Chính việc lựa chọn điểm nhìn trần thật bên trong của nhân vật Framton dọc suốt 2/3 truyện với sự ngây thơ dễ tin của anh tạo nên một kết thúc bất ngờ hài hước. BỬU NAM giới thiệu
(tiếp theo phần 1)
Hanan Al Shaykh sinh ra trong một gia đình theo đạo Hồi ở Libăng. Bà lớn lên ở Beirut và sau đó học tại Cairo; là một phóng viên có tiếng ở Beirut và Cairo . Bà lấy chồng là một kỹ sư người Libăng theo đạo Thiên chúa giáo và có hai con. Từ năm 1982 do nội chiến nên họ chuyển tới sống ở London . Bà đã viết ba tiểu thuyết được hoan nghênh nồng nhiệt, Câu chuyện của Zahra, Những người đàn bà của cát và Myrrh. Truyện Myrrh đã được thời báo Publisher's Weekly chọn là một trong số 50 cuốn sách hay nhất năm 1992, và gần đây nhất bà xuất bản cuốn Những nữ học giả ở Beirut . Bà còn là tác giả của một số tập truyện ngắn.
- Coi nào, tạm biệt Jerry! Chăm sóc tốt bà chủ nhé. Phải vâng lời, đừng sủa bậy, đừng có hơi một tí là cáu nghe chưa. Tao sẽ báo cho mày khi nào tao về và mày phải chịu trách nhiệm cái nhà này khi tao vắng mặt đó.
Maisa thích những cái cây đó dù cô không biết chúng tên gì và cũng không tính xem chúng có bao nhiêu nữa. Các thân cây quyện vào nhau rồi lại tách ra, tán lá xoè xuống trải rộng trên mặt đất, những cái lá hình nón xào xạc trong cơn gió chiều.
LTS: Jhumpa Lahiri, sinh ở London trong một gia đình người Belgali (Ấn Độ), lớn lên ở đảo Rhode, hiện sống tại New York . Truyện “Người dịch bệnh” được rút từ tập truyện ngắn Interpreter of Maladies là tác phẩm đầu tay của cô, đã được giải Pulitzer 2000 cho thể loại truyện hư cấu, giải của báo New Yorker cho sách đầu tay hay nhất. Sông Hương xin trân trọng giới thiệu.
1Anh trở về nhà dọc theo con phố của một thành phố nhỏ ở Czech, nơi anh đã mấy năm sống bình lặng, quen chịu những người hàng xóm hay chuyện và cảnh tục tằn đơn điệu tại công sở - anh bước đi không để ý gì xung quanh (như người ta đi trên con đường đã qua lại trăm lần) và suýt nữa thì ngang qua chị mà không biết.
“Chính anh đã cho em biết tình yêu là gì”. Herman Hesse
Ở miền Nam Thái Bình Dương xa xôi kia có hai hòn đảo nằm cạnh nhau tên là Nurabandi và Kiniwata.
Một truyện ngắn của nhà văn Mỹ, đoạt giải Nobel đầu tiên của nền văn học này vào năm 1930, nhà văn Sinclair Lewis, với truyện “Ông trẻ Axelbrod vào Đại học” do dịch giả và nhà nghiên cứu văn học Phan Quang Định dịch. Các bạn sẽ thưởng thức tài năng viết truyện ngắn của nhà văn này, bên cạnh tài năng viết tiểu thuyết của ông.