Có ai về Miền Tây!

15:12 25/03/2014

(SHO) Vậy là tôi đã ở Miền Tây mênh mang sông nước! Tôi đã đặt chân lên bến Ninh Kiều Cần Thơ và ấp Mũi Cà Mau! Tôi đã đi tàu ca nô trên những con kênh, con lạch mà hai bên bờ mọc đầy những cây đước, cây tràm…

Bến Ninh Kiều thành phố Cần Thơ - Ảnh: internet

Từ nhỏ, tôi đã miên man trong các tác phẩm Rừng U Minh, Mùa Gió Chướng… rồi gần đây là bộ phim Mùa Len Châu khiến tôi nghẹn thở mặc dù những cánh đồng bất tận! Và thế là tôi luôn ấp ủ một ham muốn về thăm vùng nước nổi.

Đến thăm Cần Thơ và Cà Mau sau những cơn bão, thế nên vừa rời sân bay Cần Thơ, chúng tôi như đã hòa mình vào không khí sông nước và những hàng cây xanh mướt dày đặc hai bên đường.

Vào đến thành phố, tôi vui trước sự sầm uất của một số đường phố chính. Kiếm bát hủ tiếu ấm bụng, chúng tôi thuê xe máy đi dạo thành phố. Tôi ngất ngây trước sự mênh mông của sông Hậu. Độ hùng vỹ của cây cầu văng Cần Thơ, và có lẽ tôi còn giữ rất lâu cảm giác khi phóng xe vượt qua cây cầu đó! Thật ấn tượng. Tôi rưng rưng khi nghe kể lại tai nạn thương tâm đã xảy ra tại đây trong quá trình thi công xây dựng cầu… Tôi thấy vui vui với những cái tên địa danh dân dã dễ nhớ: Cái Tắc, Cái Vồn…

Rồi từ bến Ninh Kiều chúng tôi dùng xuồng đi chợ nổi Cái Răng. Giọng nói trong trẻo ngân nga của cô gái hướng dân viên giúp chúng tôi khám phá lớp sinh vật trên sông và hai bên bờ, từng cây cầu bắc qua sông và các tòa nhà nằm dọc theo triền sông. Dân vùng miền tây sông nước thật hiếu khách và nhiệt tình. Chợ nổi Cái Răng họp rất sớm. Thay bằng những lời rao của các gánh hàng rong trên phố thì ở đây, ta bắt gặp những cây gậy mà dân bản địa gọi là cây bẹo. Thực ra đó là một cây sào tre rất dài, cắm ở đầu mũi thuyền và trên đó treo những sản phẩm được bán trên thuyền. Quả là thú vị và ấn tượng khi nhìn thấy những con thuyền bồng bềnh chất đầy những rau quả đến từ các vùng lân cận. Chợ nổi Cái Răng là nơi phân phối chính các đặc sản của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long… Mỗi địa điểm, mỗi điển tích của vùng sông nước này đều được gắn với những giai thoại dân gian dễ nhớ dễ đi vào lòng người, ví dụ như tại sao lại là Măng Cụt, tại sao lại là Cái Răng, cây Bần… Nhìn những trái cây rất tươi ngon nổi bồng bềnh chập trồi bơi theo dòng nước trên sông, tôi đem chuyện hỏi cô hướng dẫn, cô vui vẻ đáp lại: «Đó là những trái mà chủ thuyền ném xuống sông sau khi đã có chừng ba khách trả giá rồi lại không mua hàng»! Ah, tôi thốt lên thú vị, cũng giống như các tiểu thương ngoài Bắc «đốt vía đốt van»?! «Nhưng ở đây, họ làm kín đáo hơn chị à!» Tôi đưa mắt kiếm tìm mong được «mục sở thị » một vụ, nhưng không thấy, mà chỉ thấy những con tàu thuyền san sát đi cạnh nhau. Phải nói, chợ trên cạn có gì thì chợ nổi gần như có thứ đó, tức là có thuyền bán nước, bán quà sáng, bán giải khát… Nhìn sóng đánh rập rềnh bên mạn thuyền và không thiếu những đồ rác thải trôi lật khật theo dòng nước cuồn cuộn chảy, tôi tự hỏi các ông bà chủ «gánh» hàng rong bán bún, cháo và hủ tiếu kia lấy nước ở đâu để chế biến và rửa bát đũa? Nhưng tôi đã không thể cưỡng lại viễn cảnh mê li được uống một tách «cà phê kho» giữa cảnh mênh mang sông nước và mây trời lồng lộng. Và đúng là mê li thiệt, một thứ cà phê đặc quánh, thơm phức bốc khói nghi ngút trong buổi sáng ban mai trên sông…

Trước khi về Việt Nam, tôi đã được biết một tập đoàn công nghiệp lớn của Pháp đã quyết định tài trợ vùng đồng bằng sông Cửu Long để cải thiện làm hệ thống nước sạch với số tiền không nhỏ! Nhìn những đống rác thải bám hai bên bờ sông Hậu, tôi thấy việc làm của họ hoàn toàn hợp lý.

Làng du lịch Mỹ Khánh dù gì cũng gây ấn tượng với cảnh trí sạch sẽ, những quán hàng những hàng cây được cắt tỉa kỹ càng, những phong cảnh được dàn dựng gần gũi thiên nhiên với những khu vườn, kênh rạch và các «lồng» nuôi hàng trăm con cá sấu to nhỏ khác nhau. Giờ thì tôi hiểu tại sao mỗi khi mùa nước lên hoặc có bão lũ thì lại có hàng đàn cá sấu «xổng chuồng»! Ngôi nhà cổ thuộc dòng Nhà xưa Nam bộ được trùng tu, và các đồ vật còn lại cùng những giai thoại hư hư thực thực của nó cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng khách tham quan…

Tượng đài Mũi Cà Mau - Ảnh: internet


Rời Cần Thơ, chúng tôi lên xe đi Cà Mau! Hai bên bờ lại trải dài những con kênh và những hàng dừa bát ngát uốn lượn theo gió. Thành phố Cà Mau đón chúng tôi bằng tượng đài hình cây lúa sừng sững giữa thành phố. Hệt như lời cô hướng dân viên đã thông báo: thành phố Cà Mau chả có gì nhiều để thăm thú, có chăng là phải đi sâu về các vùng miệt vườn như U Minh thượng, U minh hạ… để thăm chim đậu! Chúng tôi dùng «tàu cao tốc», hay đúng hơn là ca nô cao tốc ra mũi Cà Mau. Hai bên bờ, dầm chân trong nước là những hàng cây đước, cây bần và các cây sú vẹt… Những ngã ba sông mênh mông, nước chảy cuồn cuộn hút tầm mắt. Những tấm lưới giăng đâu đó chìm dưới sông mà chỉ có một cây cọc trồi lên làm điểm mốc, những ngôi nhà chòi chơ vơ, những chiếc thuyền lá mong manh… Thi thoảng thấp thoáng hai bên bờ là những mái chùa Khmer đa sắc rực rỡ dưới ánh nắng, nền sân chùa gần như mấp mé mặt nước, cảnh tượng sơn thủy hữu tình! Anh lái tàu miền sông nước vui tính chạy rất nhanh. Lúc đầu nhóm chúng tôi cũng rất thích thú, nhưng rồi như không hẹn mà gặp, tôi cùng một chị (người Hà Nội) cùng nhổm lên hỏi anh xem áo phao anh để ở đâu? «Hổng có!», anh lại cười khoái chí đáp lại, tôi thoạt đầu nghĩ anh nói đùa, nhưng nhìn quanh quất khắp ca nô, tôi không thấy bóng dáng chiếc áo phao nào cả! Giờ thì tôi lại hiểu tôi hiểu thêm tại sao lại có những cái chết đáng tiếc trong những những tai nạn tàu xuồng xảy ra mới đây. Thật ra, điều đáng tiếc xảy đến đa phần la do sự bất cẩn của con người thôi! Từ thành phố Cà Mau xuống Mũi là 115 km, đi mất chừng ba giờ đồng hồ.

Ra đến Mũi Cà Mau, thuộc xã Ấp Mũi huyện Ngọc Hiển, cái tên gắn liền với nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai nổi tiếng Cao Ngọc Hiển, mà hiện giờ đứng trên vọng Hải đài ta vẫn thoáng nhìn thấy hòn đảo nhỏ này. Vọng Hải đài có chiều cao 21m tính từ mặt biển, xây theo hình cây đước, hoàn thành tháng 5 năm 2004. Đặc sản vùng này nổi tiếng với mắm Ba Khía, làm từ con ba khía sống trong vùng nước lợ. Ngoài ra còn có cá Thòi lòi chiên xù, cá dứa kho tộ hoặc cá dứa nấu canh chua… Tại đây có sân bay trực thăng, nhưng chỉ dùng cho biên phòng cứu hộ, hoặc mấy nhà lãnh đạo cao cấp thi thoảng đến thăm. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã được quốc tế công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009. Và ngày 23/4 vừa qua, quốc tế công nhận nơi đây hiện giờ thuộc khu Ramsar theo đúng chuẩn Công Ước quốc tế Ramsar. Mũi Cà Mau cũng là nơi mà ta vừa có thể nhìn thấy mặt trời mọc vào lúc bình minh và nhìn thấy mặt trời vào lúc hoàng hôn.

Đất mũi Cà mau cũng thuộc dạng bên lở bên bồi. Hàng năm đất phù sa bồi khoảng 100 mét, nhưng bên bờ đông lại bị lở từ 20 đến 30m. Cột mốc được xác định vào tháng 1/1995, điểm quan trọng mà không một khách tham quan nào ghé thăm mà lại không chụp. Thậm chí tôi còn chứng kiến một cậu thanh niên mà khi được hỏi thú nhận là dân Hà Thành chính cống, thuê xe ôm chở đến. Trong khi chúng tôi còn đang lang thang nhẩn nha dạo dọc bờ bãi ngắm cảnh, ngắm những con thòi lòi chạy loăng quăng hay những con cua nhỏ chạy nhanh trên cát, và những cây đước non với bộ rễ xù xì, thì cậu đã nhanh thoăn thoắt chụp ảnh lưu niệm khắp những nơi cần chụp ảnh… rồi lại đi ngay, cũng nhanh hệt như lúc cậu ấy đến…

Nơi đây không hề có dịch vụ vui chơi giải trí! Điều duy nhất thu hút khách tham quan là cây cột mốc đánh dấu nơi tận cùng của tổ quốc, và khách hàng chủ yếu là Hà Nội và Miền Trung, tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh. Cả khu hiện giờ vắng tanh. Một số nhà hàng dầm chân dưới biển đã bị bỏ hoang … Nhưng cậu hướng dẫn viên nói khách thường tập chung đến từ tháng 3 đến tháng tám. Năm trước, nơi đây đã đón 62 ngàn lượt khách. Quả là đông thật với diện tích cả khu tham quan chỉ chừng 700m! Còn hôm nay, chỉ có nhà hàng Công đoàn hoạt động. Vẫn theo lời cậu hướng dẫn viên: nếu vào thứ bảy chủ nhật thì phải đặt trước, còn hiện giờ, tôi cứ đưa mắt tìm hoài thì cũng chỉ có vài bàn là có khách. «Về Miền Tây thì phải mục sở thị hát Đờn ca tài tử mới thú vị », tôi đã nghe một vài người bạn nói thế! Và quả vậy, vừa bước chân vào nhà hàng, tôi đã nghe văng vẳng giọng hát chưa thật chau truốt như nghe trong các băng đĩa những thật truyền cảm. Quả vậy, những thiếu nữ phục vụ sẵn sàng hát tặng khách hàng những bài ca đặc miền sông nước, rất thú vị…

Những ngày thăm thú Miền Tây qua đi nhanh chóng, đoàn chúng tôi ra sân bay Cà Mau trở về thành phố, nhưng những hình ảnh, những câu chuyện, những bài ca, những giai thoại được nghe trong suốt cuộc hành trình trên miền sông nước này sẽ ghi khắc mãi trong trí nhớ của mỗi khách viếng thăm. Trong nhà chờ, không hiểu vô tình hay cố ý, đôi lúc đâu đó vẳng tới những câu hát: «Về đây nơi cuối trời Cà Mau/ Ngàn nhánh sông biết đâu tìm nhau… » Hoặc: «Chiếc áo bà ba bên giòng sông thăm thẳm/ Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh…/ Dẫu qua đây một lần/ Nói sao cho vừa lòng/Nói sao cho vừa thương… »

Paris 24/11/2013
Hiệu Constant







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN NHÃ TIÊN                         Bút ký"Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ. Hưng tộ diên trường ức vạn xuân". Nghĩa là: đất nước Hồng Lam sau ta năm trăm năm sẽ là một thời kỳ hưng thịnh vạn mùa xuân.Không hiểu những tương truyền về "sấm ký" Trạng Trình "ứng nghiệm" đến dường nào, đâu là nguyên bản và thực hư ra sao? Có điều, chúng tôi đang viếng thăm làng quê Trung Am xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo - quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đúng vào cái khoảng thời gian "sau năm trăm năm" ấy, và nhất là vào giữa cái kỳ gian mà đất nước đang từng ngày" Hưng tộ diên trường ức vạn xuân".

  • TRẦN HOÀNGTrong tiếng Việt, từ "Văn vật" là một từ thuộc nhóm từ gốc Hán và cùng tồn tại song song với các từ: Văn hoá, Văn hiến, Văn minh. Người xưa thường dùng từ này để nói, viết về truyền thống văn hoá của một vùng đất, hoặc của một địa phương. Chẳng hạn, lâu nay, cư dân đồng bằng Bắc bộ đã có câu: "Thăng Long là đất ngàn năm văn vật". Song có lẽ từ "Văn vật" xuất hiện nhiều nhất trong các cụm từ "làng văn vật", "danh hương văn vật". Điều này cho thấy từ xa xưa, tổ tiên ta đã rất quan tâm đến "văn hoá làng" và "làng văn hoá".

  • TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử loài người, có những bức tranh, những pho tượng lấp lánh toả ánh hào quang lặng im của chúng trong sự lâu bền của năm tháng. Có những ký ức có thể thi gan cùng vĩnh cửu. Nhưng có lẽ, ngôn từ có sức mạnh riêng mà không một thách thức nào, dù là của không gian hay thời gian có thể làm nhạt nhoà những âm vang của nó. Tất nhiên, một khi nó đã đi vào trái tim và khối óc của con người. 1034 chữ của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một trong những áng ngôn từ có sức sống bền vững với thời gian như thế.

  • TRẦN QUỐC TOẢN Tôi sinh ra và lớn lên giữa làng Hến bé nhỏ bên bờ sông La xã Đức Tân (tức Trường Sơn ngày nay) huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh. Qua sự nhọc nhằn của cha, vất vả của mẹ đã đút mớm cho tôi từng thìa nước hến, bát cháo hến để rồi tôi lớn dần lên.

  • HỒ TƯNằm trên dải cát ven phá Tam Giang, từ xưa làng tôi cũng đã có một ngôi đình. Đến năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Chính quyền cách mạng đã vận động nhân dân triệt phá ngôi đình để tránh cho Tây khỏi làm nơi trú đóng.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Đất nước ta, miền Bắc và miền nối liền nhau bằng một dải đất dài và hẹp gọi là miền Trung. Dãy Trường Sơn chạy dọc biên giới phía Tây như một cột sống vươn những chi nhánh dài ra tận biển Đông, làm thành những đèo, trong đó hiểm trở là đèo Hải Vân.

  • PHẠM TIẾN DUẬT1.Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, khi nghiên cứu về dân tộc học, có luận điểm cho rằng, trong quá trình định cư dần dà từ Bắc vào Nam, các cộng đồng, một cách tự nhiên, hình thành từng vùng thổ âm khác nhau.

  • PHAN THUẬN AN.Nhiều người từng đến Lăng Cô hoặc nghe nói đến địa danh Lăng Cô, nhưng ít ai biết rằng vua Khải Định là người phát hiện ra khu du lịch nghỉ mát này.Có thể nói vua Khải Định là ông vua thích du lịch nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn (1802- 1945). Trong đời mình, nhà vua đã đi du lịch nhiều nơi tring nước và cả nước ngoài nữa.

  • Thiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • Anh tôi đang giàu lên với nghề nuôi rắn độc, bị con hổ mang hỏi thăm vào tay. Mấy tiếng đồng hồ cáng tắt qua các cánh rừng đến bệnh viện huyện được cứu sống, nhưng vết thương bị hoại tử, hơn tháng sau mới xuất viện, tiêu tốn hơn chục triệu. Năm sau anh tôi lại bị chính con hổ mang ấy hỏi thăm ở tay kia. Lần này thì tôi đánh xe đi mời thầy thuốc rắn bản Lúng.

  • Đó là làng Lệ Mật thuộc xã Việt Hưng, (thị trấn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Làng này có nghề nuôi bắt rắn, tới nay đã qua 900 năm.

  • Các hoàng đế nước Việt xưa phần lớn giỏi chữ Hán, biết thơ văn, trải Lý, Trần, Lê, Nguyễn đời nào cũng có các tác phẩm ngự chế quý giá. Nhưng tất cả các tác phẩm ấy đều nằm trong quỹ đạo Nho Giáo, dùng chữ Hán và chữ Nôm để diễn đạt cảm xúc về tư tưởng của mình.

  • "Sang Xuân ta sẽ ăn Tết khai hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng".     Vì sao vua Quang Trung dám tuyên bố cả quyết như trên trước mặt ba quân? Tất cả bí mật của cuộc hành binh khôi phục Thăng Long đều được "gói trọn" trong một chiếc bánh chưng.

  • LGT: Nhà văn Thái Vũ với những cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng như Cờ nghĩa Ba Đình, Biến động - Giặc Chày Vôi, Huế 1885... nay đã gần 80. Tuổi già sức yếu song ông đã hoàn thành tập Hồi ức, gồm 4 phần dày dặn. Trong đấy phần II: HUẾ - QUẢNG NGÃI VÀ LK5 là những trang hồi ức đầy “xốn xang” trước và sau CM tháng Tám.Sông Hương xin trích đăng một phần nhỏ gửi tới bạn đọc nhân kỷ niệm ngày CM tháng Tám thành công và Quốc khánh 2 – 9. 

  • Nếu kể cả những công trình nghiên cứu văn hóa, địa lý, lịch sử có đề cập đến các địa danh ở các tỉnh Trung Trung Bộ thì xưa nhất phải kể đến “ Ô Châu cận lục” của Dương Văn An đời Mạc chép về sông núi, thành trì, phong tục của  xứ Thuận Quảng, từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Kế đến là “ Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn tập hợp những tài liệu về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa trong thời gian làm đô đốc xứ Thuận Hóa cuối thế kỷ 18.