Chung quanh vấn đề văn hoá, di sản và Festival.

10:20 08/12/2008
BỬU ÝMột đất nước có lịch sử lâu đời hẳn nhiên thừa hưởng di sản phong phú và đủ loại.Trước hết, vấn đề di sản không nhất thiết đi đôi với Festival. Di sản có thể nằm  một cõi, mà Festival lại nằm một nơi. Cũng có thể phát huy riêng rẽ, phục vụ quần chúng khác nhau, nhưng cùng chung một trục văn hoá để cùng được bảo tồn và phát huy. Nhưng nếu di sản sánh đôi với Festival thì đó là một cuộc nên duyên như được dành sẵn.

Huế được vinh hạnh tổ chức Festival hai năm một lần ngay trên di sản của mình.
Ta nhớ lại rằng quần thể di tích Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam và là thứ 410 của Thế giới được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới tháng 12-1993 và được ông Daniel Janicot Phó tổng giám đốc trao chứng chỉ “di sản thế giới” ngày 2-8-1994.

Huế suốt đời không giải thông nổi bao nhiêu mâu thuẫn nội tại. Khởi đi từ cá nhân, rồi giữa con người với nhau, và lan ra xã hội. Làm sao vỗ êm giàu với nghèo, làm sao giải thông giữa phát triển và bảo tồn, giữa kinh tế và văn hoá. Đồng tiền có uy lực không lường nổi và dễ dàng tung hoả mù, biến trắng thành đen và làm băng hoại mọi giá trị. Đó là nguyên nhân chính khiến cho Huế ì ạch muôn đời.
Nay lại là một mâu thuẫn của thế kỷ: một mặt khẩn trương hoàn tất hồ sơ “Bổ sung sông Hương vào danh mục di sản thế giới của Huế”, mặt khác không thể không làm thoái hoá sông Hương, không sớm thì muộn, bằng một dự án xây dựng làm ăn đồ sộ tại một trong những yếu huyệt của sông Hương dựa trên một luận chứng ngoại phạm nào đó.
Di sản bao gồm những tài sản quý giá, vừa vật chất lẫn tinh thần, lưu truyền từ đời này sang đời khác, trước tiên là của một nước, một vùng trước khi có cơ may trở thành của nhân loại. Muốn khoác thiên chức như vậy, di sản phải trải qua thử thách của thời gian vốn nghiệt ngã, phũ phàng, dễ vùi dập hơn là vinh danh.

Ban đầu di sản được đồng hoá trước hết với những công trình kiến trúc bề thế. Về sau, nhận thức được mở rộng, người ta nghĩ đến không gian của di sản không phải chỉ bó hẹp vào diện tích của di sản mà phải kể luôn đến khu vực bao quanh di sản cho nên phải cần đến cảnh sắc tạo thành cái khung cho tấm tranh, đồng thời, người ta nghĩ luôn đến thời gian của di sản không phải phục vụ nhất thời mà phải nhắm đến mai sau và muốn được vậy, con người phải chăm lo những phương diện vệ sinh, bảo vệ, sửa sang cho môi trường. Như vậy nhận thức liên hợp được ba thì trong cách xử trí với di sản: di sản - cảnh quan - môi trường, như một hoạch định “tam bản” toàn vẹn. Cái nhìn cùng tầm nhận thức của con người tiến triển qua từng thời đại, không còn khu biệt vào thực thể di sản mà đã chuyển dịch sang vòng ngoài là cảnh quan và lan rộng đến môi trường.

Braque, cùng vớI Picasso, là người tiên phong trong trào lưu lập thể của nghệ thuật tạo hình. Ông có một quan niệm về bố cục tranh và thưởng thức tranh không ngờ lại thành khai thông mở lối cho những nhà di sản. Ông chủ trương rằng cái đáng kể trong tấm tranh không hẳn là những gì được thể hiện trong tranh, mà đáng kể hơn cả là những tương quan giữa những thứ được trình bày.
Từ đó, nhà di sản, khi lui về ngắm lại công việc đang làm, tự khắc nới rộng phạm vi hành động của mình: khởi đi từ công trình kiến trúc lịch sử, bước sang kiến trúc và môi trường, rồi kiến trúc và môi trường và khu vực... Không gian của di sản không dưng được mở rộng. Mà không riêng gì không gian, chính đời sống của di sản cũng trường thọ hơn: dĩ vãng hiện hình lên trước mắt, và hiện tại đang đòi hỏi trường tồn. Và muốn được vậy, tất nhiên phải có dinh dưỡng, phục chế, bảo trì, có khi phải tân trang hay hoá thân ít  nhiều để khoác thêm nhiệm vụ mới.

Ở Pháp người ta thống kê được 40.000 công trình di sản từ xưa đến nay còn tồn tại, trong đó thế kỷ XX chỉ xây dựng được 1.200 công trình, chiếm tỷ lệ 3% mà thôi. Thế kỷ xây dựng phong phú hơn cả là thế kỷ XII.
Tại Âu châu, ưu tư về di sản phát sinh từ đất nước Ý từ thế kỷ XVI tại những vùng nằm trong ảnh hưởng của Giáo hội. Đầu thế kỷ XVII, vùng đất Toscane thành lập một hội đồng bảo vệ của cải nghệ thuật. Tại Pháp phải chờ đến Cách mạng 1789 mới ra đời phạm trù di sản.

Vấn đề di sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ văn hoá. Cách đây không lâu, khoảng mươi năm trở lại, nhiều nước trên thế giới không cho rằng Bộ văn hoá là một Bộ thật sự cần thiết trong các Bộ ngành của Chính phủ, và cho đó là một sự đặt để của hai ba nước ở Âu châu mà thôi. Bộ văn hoá ở Pháp thành hình là do quan niệm của một văn hào Pháp vào năm 1959: đó là André Malraux lãnh đạo Bộ này. Vấn đề bảo vệ văn hoá, vấn đề tập hợp, tổ chức, và phát huy con người và tài sản văn hoá vốn là mục tiêu của Cách mạng Pháp 1789 từ xa xưa từng đề ra: “Hãy trả lại cho nhân dân những gì mà giới quý tộc và vua chúa đã cướp mất của họ. Các đền đài, nghệ phẩm và văn hoá đều là tài sản của tất cả chúng ta. “Bộ văn hoá tổ chức kỳ thi tuyển chọn những chuyên gia phụ trách từng ngành nghệ thuật: nhiếp ảnh, kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc, vũ, sân khấu, điện ảnh,... Từ những người này, người ta lập nên những thanh tra sáng tác có nhiệm vụ đi gần với các nghệ sĩ, khuyến khích nâng đỡ nghệ sĩ và, nếu cần, phân cấp các nghệ sĩ để tiện việc hỗ trợ phương tiện và tài chính. Bộ văn hoá gồm sáu vụ: văn khố, sách, kiến trúc và di sản, viện bảo tàng, nhạc vũ kịch, nghệ thuật trình diễn. Có những hội đồng hỗn hợp bao gồm nghệ sĩ và thành viên của Bộ văn hoá để cứu xét những vấn đề tài trợ. Các thư viện, nhà hát, đoàn nhóm văn nghệ đều được phân cấp tài trợ.

Ngày nay trên thế giới, để bảo tồn và phát huy di sản, người ta đặt ra một ngày lễ trong năm gọi là Ngày di sản. Có thể là một ngày, hoặc hai ba ngày liền. Ở Pháp, người ta chọn ba ngày cuối tuần trong tháng chín.
Lễ này được tổ chức kể từ 1984. Đó là ngày hội ngộ của công dân với đất nước của họ qua hiện vật và qua lịch sử. Đó là những ngày được nhìn ngắm, được sờ mó cổ vật di tích, được hồi tưởng và được rung cảm với lịch sử, cổ nhân. Có hiện vật như là tác phẩm nghệ thuật để thưởng ngoạn. Có hiện vật không khác nào án thờ của tập thể. Thế hệ trẻ, mà đa số là những thanh thiếu niên đang tuổi đi đến trường học, có dịp học những bài học bổ ích về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, chính trị... qua những cuộc tiếp cận, thăm viếng như vậy. Đó là dịp khám phá, hoặc khám phá ra lại, đất nước mình. Nhân “Ngày di sản”, nước Pháp mở rộng cửa của hơn 10.000 thắng tích và công trình để đón khách.
Di tích được phân thành hai loại:
- Địa điểm hoài niệm: có tích lịch sử, thời kỳ, khảo cổ.
- Địa điểm nhân sinh: chỗ ở của nhà văn, xưởng nghệ thuật, sở công nghiệp, tiệm, công trình trang trí, nơi chốn thực thi uy quyền và chủ quyền quốc gia.
Ở nước ta, “Ngày di sản” mới được xác lập: đó là ngày 23 tháng 11.

Festival, như tên gọi đã chỉ rõ, tạo ra những ngày đặc biệt. Nhưng điều mâu thuẫn và khó khăn lại nằm ở chỗ không nên tạo ra cách biệt lớn lao giữa những ngày mệnh danh là đặc biệt với những ngày tạm gọi là không đặc biệt, giữa những người “trong” Festival và những ngươi “ngoài” Festival. Ta còn nhớ văn hào Hoa Kỳ Hemingway từng phong tặng “ Paris là một lễ hội”, ngầm cho rằng thủ đô hoa lệ ấy ngày nào cũng là ngày hội. Một thành phố ngày nào cũng sạch, đẹp, đông vui: quả là đáng mơ ước!
Mục đích đầu tiên của Festival là vui chơi, là tiêu khiển. Cái vui chơi dễ kết hợp: ai cũng như ai, đều biết cười và vỗ tay. Nhưng cái vui chơi này đi liền với ý thức về thời gian và không gian phát sinh văn hoá đại chúng, vẫn biết văn hoá đại chúng này đựợc nhận thức ở mức độ khác nhau.

Festival Huế “năm chẵn”, ở thế kỷ 21 này, qua bao lần thu hút người trong nước lẫn khách nước ngoài. Đó chưa chi đã là một đặc điểm gây suy nghĩ và cân nhắc không ít. Mọi người đều đặt mình trước những giá trị nghệ thuật và văn hoá gọi nôm na là “cũ” và “mới”. Ngay những giá trị cũ, dù đã qua thử thách của thời gian, vẫn không mặc nhiên được mọi người ưa chuộng, vẫn cần được củng cố, hoặc phải cách điệu, cách tân thêm. Còn những giá trị mới, thật là rối rắm! Đó là chưa kể bao nhiêu thứ mới đối với ta mà cũ đối với người. Ta hãy nhớ lại buổi đầu của tranh trừu tượng, tranh lập thể, hình khỏa thân, nghệ thuật sắp đặt: vất vả và vật vã cho mọi người. Nhưng chóng đâu vào đấy và đời vẫn trôi xuôi. Cái mới, việc gì phải khước từ, gạt bỏ, xua đuổi, miễn sao bản sắc cầm chắc trong tay và đề phòng tha hoá.

Ta thừa biết rằng Festival không bao giờ đơn thuần là Festival, nó luôn luôn kèm theo mưa móc kinh tế: thêm một lý do nặng cân để tổ chức Festival. Thêm vào đó, nói như Auguste Comte: “Người chết đang nhìn chúng ta”, chúng ta có trọng trách làm tốt hơn, đẹp hơn, và biến nợ Festival thành duyên văn hoá.
                    B.Y

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Cuộc hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế vừa được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức trong hai ngày 8 và 9.5, tại TP.Huế.

  • Tối 24/4, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ công bố Quyết định đưa Sử thi Bahnar vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Buổi lễ diễn ra tại Bảo tàng tỉnh (TP Pleiku, Gia Lai).

  • Ngày 28.1, UBND TP.Hội An (Quảng Nam) cho biết đã giao Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP triển khai tu bổ, tôn tạo một số giếng cổ tại các phường: Minh An, Cẩm Phô trong năm 2015.

  • Từ lâu có một cuốn Lục Vân Tiên mà các nhà nghiên cứu ở miền Nam đánh giá là bản Nôm cổ nhất nhưng bị thất lạc. Gần đây, trong một lần viếng chùa cổ Long An, tình cờ cụ Nguyễn Quảng Tuân đã phát hiện, mang về hiệu chỉnh và công bố. Cũng với tình yêu vốn quý cổ truyền dân tộc, ông đã lặn lội khắp nơi trong và ngoài nước để sưu tầm, nghiên cứu, công bố nhiều tư liệu giá trị, đặc biệt là hàng loạt bản cổ khác nhau về Truyện Kiều.

  • Sáng 5/1 tại Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình chính thức công bố kế hoạch Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới diễn ra ngày 22-24/1 tới.

  • HỒ VĨNH

    Sau một thời gian khảo sát thực tế, sáng 3/12/2014 Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế dựng lại bia đá “Đông Gia Kiều” ở phía đầu cầu Đông Ba theo hướng như bia đá đã dựng trước đây.

  • Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (ngày 17/12) cho hay cơ quan này đã có quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với 12 di tích.

  • Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn ở Quảng Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay đã tròn 15 năm.

  • Những tư liệu ảnh của Viện Viễn đông bác cổ Pháp (EFEO) lần đầu công bố tại VN cho thấy nhiều cứ liệu lịch sử theo thời gian đã bị tiêu tan.

  • Ngày 1/12, thành phố Tel Aviv của Israel đã chính thức được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là thành viên mới nhất trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO dành cho hạng mục Nghệ thuật Truyền thông.

  • LTS: Ông Pie Pisa (Pierre Pichard) là kiến trúc sư, chuyên gia nghiên cứu trùng tu di tích cổ của Unesco. Ông dã đến Huế 2 lần (lần thứ nhất vào năm 1978, ở lại 3 tuần làm bản tường trình dài về hiện trạng di tích Huế cho Unesco; lần thứ hai vào năm 1985). Bài dưới dây do kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn lược ghi ý kiến của ông phát biểu trong dịp đến Huế năm 1978. Đầu đề do chúng tôi đặt.
    S.H

  • Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003) đã khai mạc ngày 24/11 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris, Pháp.

  • Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN vừa có Văn bản số 2116/KHXH gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo niên đại, tên gọi, giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di tích tâm linh đặc biệt thời Lý ở lô E.

  • VÕ VINH QUANG

    Trong nỗ lực phục dựng các di tích đặc biệt trong quần thể di tích Cố đô Huế, vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô đã đầu tư 24,8 tỷ đồng trùng tu di tích lầu Tàng Thư. Đây là một tín hiệu Cực kỳ đáng quý, có tác dụng không nhỏ đối với việc xiển dương vị thế của vùng đất Cố đô cũng như góp phần giáo dục truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc.

  • Cho tới giờ, sau 4 lần UNESCO đề nghị phía VN giải trình về quản lý, bảo tồn, vịnh Hạ Long vẫn nằm trong danh sách bị khuyến cáo. Huế đã thoát án sau nhiều năm cố gắng. Làm sao để không rơi vào, hoặc thoát khỏi danh sách đen?

  • Tồn tại 143 năm (1802-1945), triều Nguyễn đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá; trong đó, hệ thống di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế… đã được công nhận là di sản thế giới. Gần đây nhất, Châu bản triều Nguyễn cũng được ghi danh vào chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

  • Ngày 13.9, quần thể khu di tích nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh sẽ nhận quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể này bao gồm 14 cụm di tích: đền An Sinh, lăng Tư Phúc, đền Thái, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng, Đồng Hỷ Lăng, chùa Ngọc Thanh, chùa Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên.

  • Hội đồng Di sản quốc gia vừa công nhận 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quảng Nam gồm: nghề dệt thổ cẩm và vũ điệu tâng tung da dá của đồng bào Cơ Tu; nghệ thuật trang trí trên cây nêu (ngoài sân); bộ gu (trong nhà) của đồng bào Co và lễ hội rước cộ Bà Chợ Được ở xã Bình Triều, H.Thăng Bình.

  • Các địa phương cần thống nhất đầu mối đơn vị quản lý nhà nước về di tích về các phòng di sản văn hóa thuộc các sở văn hóa, thể thao và du lịch. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chủ trì việc quản lý và phát huy giá trị di tích, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương.

  • Làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng vừa được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.