NGUYỄN THẾ QUANG
Gió bấc thổi dài suốt mấy ngày nay, bầu trời Xứ Nghệ xám đục như đang hạ thấp xuống dãy Thiên Nhận. Trên ngọn Bùi Phong, trong Vọng Vân đình, hai ông già búi tóc củ hành đang ngồi đánh cờ. Thỉnh thoảng, một vài dải mây trắng từ đỉnh non lại lãng đãng trên hai mái đầu bạc.
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cáo quan về, dựng thảo am trên ngọn núi này đã mười năm nay. Bạn bầu của tiên sinh là mây núi, hoa rừng và hươu nai cùng mấy ông bạn già chán thời thế về tìm sự yên tĩnh ở chốn lâm tuyền. Hôm nay, ngày cuối tháng 11 năm Mậu Thân (1788), Quế Sơn cư sĩ từ làng Lương Điền huyện Thanh Chương sang. Cụ đậu Hương cống khoa Đinh Mão (1747) không ra làm quan với Triều Lê mà cũng chẳng ra làm tôi cho Tây Sơn, sống điền viên vui cùng sông núi. Ngay cả ba con trai khỏe mạnh, có học nhưng ham săn bắn, không chịu đi lính cho vua chúa nào. Ván cờ thứ ba đã tàn, La Sơn phu tử gọi con lấy thêm rượu. Rượu nóng được bưng ra cùng với những sợi thịt lợn rừng sấy khô. Hai người nâng chén.
- Chỉ còn một tuần trăng nữa là đã sang xuân, mà xóm làng vắng vẻ quá. Không biết rồi thời cuộc xoay vần đến đâu? - Quế Sơn cư sĩ nhìn Nguyễn Thiếp hỏi.
- Cũng chưa lường được đâu. Giang sơn Đại Việt chia ba mà thực ra chia năm, Nguyễn Nhạc hẹp hòi tự xưng là Trung ương Hoàng đế chỉ biết khư khư ôm mảnh đất Quy Nhơn, Nguyễn Lữ tầm thường lại làm Đông Định Vương đang cố giữ đất Gia Định liệu có nên? Nguyễn Huệ thao lược hơn người, cai quản từ Quảng Nam trở ra nhưng đó là vùng đất khô cằn. Bắc Hà đông người, nhiều của lại trong tay nhà Lê bất lực. Còn phương Nam thì Nguyễn Ánh nắm giữ…
- Nguyễn Huệ hai lần ra Bắc, bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết ngóe, trả quyền lực cho vua Lê…
Quế Sơn không nói hết câu. Nguyễn Thiếp lặng lẽ một lát rồi nói:
- Đúng là như vậy. Hành động như thế là phải đạo cương thường nhưng suy nghĩ bên trong của những trang hào kiệt thế nào thì không ai lường được.
- Chính vì vậy mà đại huynh không ra cộng tác cùng Nguyễn Huệ?
Gió bấc thổi dài trong thung lũng. Nguyễn Thiếp không trả lời, nhấp một chút rượu, nhấm nháp một chút thịt rừng khô, đưa mắt nhìn ra bầu trời u ám, lạnh lẽo, trầm ngâm nói:
- Điều đáng buồn nhất là vua Lê quá bất lực. Bao năm qua làm vua mà không biết lo, không dám lo mà cũng không thể lo việc giang sơn, mặc chúa làm bao chuyện đảo điên. Giờ Chiêu Thống được giao quyền cũng chẳng biết làm gì mà xung quanh toàn bọn quan lại bất tài, vô đức, chỉ lo hãm hại lẫn nhau mà vơ vét cho túi tham vô đáy của chúng. Nguyễn Huệ phải về Phú Xuân giao lại Bắc Hà cho Ngô Văn Sở - một kẻ chỉ quen việc binh đao mà kém việc cai trị. Chỉ có Ngô Thời Nhậm biết việc nhưng không có thực quyền.
- Theo huynh nói thì tình hình rất xấu lắm sao? - Quế Sơn ngắt lời.
- Rất xấu. Rất đáng lo. Không khéo thì đổ vỡ cả!
Quế Sơn lặng đi, nhìn người bạn già. Thì ra, Nguyễn Thiếp ở ẩn mà lòng luôn nghĩ đến chuyện giang sơn. Cụ trầm ngâm:
- Bao giờ cái đông lạnh lẽo, u ám này qua đi?!
Một cánh chim vụt bay qua, buông mấy tiếng kêu lảnh lói. Quế Sơn thấy La Sơn phu tử bấm đốt ngón tay, nét mặt thoáng vẻ lo lắng.
- Đại sự xẩy ra rồi!
- Việc gì vậy?
- Chưa rõ. Giờ Dậu khắc biết.
*
Gió mùa Đông Bắc cuồn cuộn đổ về. Hoàng đế Quang Trung cùng đoàn tùy tùng cúi rạp trên mình ngựa qua Đèo Ngang vào đất Kỳ Anh. Quân sư Trần Văn Kỷ cố hết sức bám sát bên. Mới có dăm ngày qua mà đã xẩy ra bao chuyện động trời. Sáng 24/11 năm Mậu Thân (1788) đang ở Phú Xuân cùng Nguyễn Huệ bàn chuyện chuẩn bị vào Nam diệt Nguyễn Ánh thì Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết từ Thăng Long vào báo tin hơn hai mươi vạn quân Thanh do Tôn Sỹ Nghị - Tổng đốc Lưỡng Quảng cầm đầu đã ào sang Đại Việt, chiếm giữ Thăng Long. Nguyễn Huệ giận lắm “Đồ thối tha. Bất tài mà tham giữ ngai vàng. Ta đã trả lại quyền lực cho mà lại đem cả giang sơn gấm vóc cho bọn giặc tàn bạo. Tội ấy, ta phải chém chúng mày tạ tội với tổ tông.” Trong tình cảnh Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ - người làm vua kẻ làm vương mà bất lực, Kỷ và quần thần xin người lên ngôi đế để có chính vị mà lo việc lớn. Không thể khác, người bằng lòng nhận trách nhiệm bảo vệ non sông. Ngày 25 lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Ngày 26 đốc suất đại quân thủy bộ tức tốc hành quân ra Bắc. Sáng nay 29 tháng 11 đại quân đang ào ạt ra trên thượng đạo, còn Nguyễn Huệ và Kỷ cùng đám tùy tùng đã tới Nghệ An. Thế nhưng kế sách đánh giặc thế nào chưa nghe người nói gì với mình cả. Kỷ không dám hỏi mà cũng không dám bày tỏ điều gì. Con người này trí lự siêu quần, chắc đang nung nấu điều gì hệ trọng lắm.
Đoàn người ào đến tỉnh lỵ Nghệ An. Trấn thủ Nguyễn Văn Thận quá bất ngờ, chưa hiểu được điều gì thì ngài bảo “Đưa giấy mực ra đây.” Người ngồi xuống, viết. Lát sau, giao thư cho Thận:
- Ngươi lựa chọn những lính kiệu khỏe mạnh, biết việc. Đích thân ngươi lên núi Bùi Phong, kính cẩn và khéo léo mời bằng được La Sơn phu tử đến ngay đêm nay.
Biết là việc hệ trọng, Thận vội làm ngay. Trong lúc chờ lính chuẩn bị kiệu, Kỷ mới cho vị tổng trấn này biết sự việc. “Ghê thật. Đại sự thế mà mình cũng không hề hay biết”. Nghĩ vậy, Thận vừa sợ, vừa phục, vội vã lên đường.
Cơm nước xong, Hoàng đế Quang Trung vào phòng nghỉ. Trần Văn Kỷ cũng nằm phòng bên cạnh. Bốn ngày hành quân, mệt rã rời, thế nhưng vừa chợp mắt được một lúc, Kỷ đã tỉnh dậy. Phòng bên, tiếng bước chân chắc nịch của Hoàng thượng vẫn vang lên. Kỷ bước sang, mở cửa phòng. Gió lạnh ùa vào. Kỷ gọi lính lấy áo khoác cho Người.
- Hồi nãy vội quá, quên bảo Thận đem áo khoác cho phu tử. Thật sơ suất!
Hai người ngồi uống trà, đàm đạo đôi câu về phong thổ và con người Xứ Nghệ. Trống điểm canh hai, đêm vào sâu… Nguyễn Huệ đứng dậy, đẩy cửa sổ. Hơi lạnh ùa vào phòng. Mặc Người nhìn ra ngoài. Đêm đen ngòm. Sông Lam cũng đen đặc chỉ nhỏ nhoi, lưa thưa vài đốm lửa nhỏ.
- Khanh nói nghe: Phu tử có xuống gặp ta không?
Thật là câu hỏi khó trả lời. Kỷ nhớ lại: đã ba lần Nguyễn Huệ biên thư, sai người mang quà hậu, mời ông đồ Nghệ này xuống gặp mà không được. Lần thứ nhất xưng An Nam Đại Nguyên súy, gọi Nguyễn Thiếp là Phu tử, coi là bậc tài năng như Khổng Minh; mang “vàng năm nén, lụa màu ba tầm”. Lần thứ hai, xưng mình là quả đức được giao quyền lúc “thiên hạ loạn… sinh dân khốn khổ” tôn Thiếp là “Thầy” mà nhờ mà cậy; cùng lễ vật nhiều hơn. Thiếp vẫn không xuống, còn lễ vật trả lại “nhất thiết không dám nhận”. Biết quyền uy và cả cái chết cùng vàng bạc không lay chuyển được con người này, lần thứ ba, cho Thượng thư Bộ Hình Hồ Công Thuyên đích thân mang thư lên núi, tự nhận mình là kẻ có tội “từ lúc khởi binh đến nay trải trăm trận, sùng chuyện võ uy chưa chắc đã khỏi làm việc bất nghĩa, giết kẻ vô tội để lấy được đất nước,” tôn Thiếp là “người hiền để được giúp đỡ.” Thế mà ông già Nghệ này vẫn không xuống. Trong thư gửi, Nguyễn Huệ đề niên hiệu Thái Đức của triều Tây Sơn, còn Nguyễn Thiếp cứ đề niên hiệu Cảnh Hưng của triều Lê…
- Bẩm hoàng thượng. La Sơn giỏi kinh luân mà cố chấp, lòng vẫn nặng với nhà Lê, thần sợ ông ta không xuống!
Nguyễn Huệ đi đi lại lại, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn ra bầu trời tối om.
- Cũng có thể như vậy. Xưa nay các ông đồ Nghệ nhà ta thường rất gàn. Thế nhưng, Nguyễn Thiếp là người học rộng, hiểu sâu xa đạo lý, ta tin là Phu tử sẽ hiểu được lẽ hưng vong của các triều đại. Có thể, người chưa ra cộng tác với nhà Tây Sơn nhưng là người hết lòng thương dân, biết giang sơn lâm nguy thì Tiên sinh sẽ vượt qua thiên kiến mà xuống giúp ta cùng lo cho Sơn Hà Xã Tắc.
- Thần cũng rất mong như vậy.
*
Trên đỉnh Bùi Phong, trong Thạch Trai phòng, đèn vẫn đỏ. Nghe có tiếng chân người, Nguyễn Thiếp bước ra. Tổng trấn Nghệ An Nguyễn Văn Thận vội bước vào thềm, quỳ một chân xuống, chắp tay cung kính chào. Nguyễn Thiếp giơ tay đáp lễ rồi mời Thận ngồi. Con trai Thúc Hằng vội khêu ngọn đèn dầu cho sáng thêm, rót trà. Nguyễn Thiếp nâng chén mời khách. Nguyễn Văn Thận vẫn đứng, hai tay nâng bức thư của Nguyễn Huệ lên ngang mày.
- Kính thưa Phu tử. Hoàng đế Quang Trung cho tiểu tướng mang bức thư của Người tới…
Chợt thấy nét mặt Nguyễn Thiếp như tái đi, cánh tay nâng chén trà vội hạ xuống, đặt cái chén đánh “cạch” xuống bàn, Thận hoảng hốt. Thôi! Hỏng rồi! Mình ngu tối, nói điều này ngay từ đầu với ông quan triều Lê này... Ông ta không xuống, cái đầu mình cũng không còn! Chưa biết nói sao thì Nguyễn Thiếp gay gắt hỏi:
- Hoàng đế! Hoàng đế nào?
- Dạ bẩm. Vua Lê Chiêu Thống cho Lê Duy Đản và Trần Danh Án sang Tàu cầu cứu. Vua Càn Long đã giao cho Tôn Sĩ Nghị đem hơn hai chục vạn quân kéo vào nước ta. Tướng sĩ đồng lòng tôn Bắc Định Vương lên ngôi Hoàng đế để lo việc đuổi giặc. Vừa đến lỵ sở, người viết thư, lệnh cho thần tức tốc đi ngay.
Nguyễn Thiếp vội cầm lấy thư, mở ra đọc:
“Kính cẩn thưa cùng La Sơn Phu tử. Chiêu Thống đã dẫn quân Thanh vào dày xéo giang sơn. Chúng đã tràn vào Thăng Long. Quả đức quyết đứng lên quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi nhưng chưa nghĩ được bề nào. Nay vừa đến lỵ sở Nghệ An, liền có mấy lời, cúi đầu, kính mời Phu tử hạ cố xuống núi, cho kẻ quê mùa này được nghe lời dạy bảo. Việc gấp, kính mong Phu tử vì sự an nguy của Xã Tắc và muôn dân mà đừng từ chối. Khâm thượng. Quang Trung năm thứ nhất, tháng 11 năm Mậu Thân (1788).
Lặng lẽ đặt bức thư xuống bàn, lòng Nguyễn Thiếp xót xa. Chiêu Thống được giao quyền lực mà lo không nổi. Đáng ra, phải biết chọn và dùng người tài mà lo chuyện quốc gia. Thế mà, nghe lời bọn hèn hạ bất tài đi rước quân Tàu vào, xéo nát Lăng miếu tổ tông bao đời. Tội ấy, muôn đời không tha, nhục ấy muôn đời khôn rửa. Nước Việt lại có thêm một Trần Ích Tắc!!! Nhìn bức thư, Nguyễn Thiếp thấy lòng nhẹ bớt. Phải! Lúc này, chỉ có người viết thư này, có thể làm nổi việc hệ trọng lớn lao nhất của giang sơn mà thôi.
Tiên sinh đứng đậy, đi vào phòng trong. Nguyễn Thận mừng lắm. Thế là ông già gàn này chịu xuống núi rồi. Chợt thấy Phu tử bước ra, tay cầm tờ giấy điều đỏ thắm, Thận giật mình. Phu tử không xuống, chỉ viết thư thôi ư? Nguy rồi! Nguyễn Thiếp lặng lẽ ngồi xuống bàn, trải tờ giấy ra, nhúng bút vào nghiên mực có sẵn, đĩnh đạc viết. Nét bút bay lượn mà lòng Thận rối tung. Chợt thấy chữ Song Hỷ hiện ra, Thận ngạc nhiên không hiểu ra sao? Đến lúc Phu tử đưa tờ giấy cho con trai và dặn “Sáng mai, con đem chữ này xuống nhà Chắt Bảy, bảo ta có lời mừng có dâu mới. Thầy đi ít hôm sẽ về” thì Thận bỗng thở dài nhẹ nhõm.
*
Đã qua mấy tuần trà, trống đã điểm canh ba mà chưa thấy ông già Xứ Nghệ đến, Trần Văn Kỷ sốt ruột tỏ ý bực bội, còn Hoàng đế Quang Trung cố giữ bình thản nhưng bắt đầu lo lắng. Không lấy được trí tuệ của ông đồ Nghệ này, công việc của ta sẽ rất khó khăn, có khi phạm sai lầm. Mà sai lầm trong việc này có khi mất cả giang sơn. Chợt có ánh đuốc đỏ rực phía sông Lam. Hai người vội đứng dậy, bước ra. Chiếc kiệu cũng vừa tới. Nguyễn Thận xuống ngựa chưa kịp bước đến, thì Hoàng đế đã mở cửa kiệu, đỡ Nguyễn Thiếp. Ông đồ Nghệ lúng túng.
- Xin kính mời Phu tử vào phòng.
Vừa nói, Nguyễn Huệ vừa cởi tấm áo choàng còn ấm hơi mình, khoác lên vai khách “Xin Phu tử khoác tạm cho đỡ lạnh”. Nói rồi, người giơ tay mời La Sơn đi trước. Nguyễn Thiếp ngập ngừng. Hiểu ý, Nguyễn Huệ bước lên, sánh vai nhau đi vào phòng. Trần Văn Kỷ theo sau. Lính hầu vội dâng trà rồi lui gót.
- Kính thưa Phu tử. Nhận được tin xấu, quả nhân vội tức tốc đốc quân ra ngay, nhưng sách lược đánh giặc vẫn chưa quyết được. Việc khó này, xin được chỉ giáo.
Nguyễn Thiếp đọc được trong đôi mắt sáng của Nguyễn Huệ đang nhìn mình chờ đợi một cách chân thành, bèn hỏi:
- Xin ngài cho biết quân Tàu thuộc lính của ai?
Nghe Nguyễn Thiếp xưng hô với Hoàng đế như vậy, Trần Văn Kỷ nhíu mày. Quang Trung vội đưa mắt nhìn. Những bậc tài ba chẳng thèm danh lợi, dám sống chết vì đạo nghĩa thì có sợ chi quyền uy. Không gọi mình là hoàng thượng có nghĩa là ông ấy chưa coi mình là bậc quân vương của ông ta. Thật to gan, thật gàn mà cũng thật đáng nể! Làm người - dù là làm vua, không nên chấp những điều nhỏ nhặt mà phải làm sao lấy được trí tuệ người tài mà lo việc lớn. Nghĩ vậy, Nguyễn Huệ từ tốn:
- Đó là quân của các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu do Tôn Sỹ Nghị cầm đầu, cùng Sầm Nghi Đống, Phúc Khang An và nhiều tướng khác.
- Hơn hai mươi vạn quân với những tướng quen chiến trận ấy khá mạnh, còn quân của ngài chủ yếu ở Nam, mặt Bắc chắc mỏng mà dân tình chưa thuận. Giá mà biết tạm bỏ Thăng Long, rút về Tam Điệp, bảo toàn lực lượng và huy động thêm quân, mới có thể đuổi được bọn chúng.
Nguyễn Huệ không kìm được vỗ đùi kêu lên:
- Hay quá! Quân ta đã rút về Tam Điệp, bịt chặt mọi lối đi, không một ai trong này biết tin tức gì cả.
Nguyễn Thiếp ngạc nhiên và bỗng hiểu ra, mỉm cười:
- Phi Ngô Thời Nhậm thì trong quân của ngài ở Bắc Hà không ai nghĩ được điều này.
Nguyễn Huệ giật mình. Ông đồ già ở trên đỉnh núi mà biết rõ chỗ mạnh yếu của quân ta, sở trường sở đoản của từng tướng lĩnh. Ghê thật!
- Tiên sinh có con mắt thật tinh đời.
Dừng giây lát, Hoàng đế nói tiếp:
- Thưa tiên sinh. Bước đầu như thế là được. Còn bây giờ, sách lược của tiên sinh thế nào xin được chỉ giáo.
Nguyễn Thiếp thong thả:
- Không cần ý của kẻ quê mùa này, việc ngài tức tốc hành quân ra Bắc là ngài đã có sách lược đúng rồi. Quân giặc ô hợp, vào nước ta quá dễ dàng, sẽ sinh ra kiêu ngạo. Chiêu Thống vừa được phong vương thì đám quan lại Bắc Hà bất tài, hám lợi đang lo nhảy vào tranh giành quyền chức, kiếm chác, chắc chúng chưa động binh.
Kỷ ngồi nghe, thầm cảm phục ông đồ Nghệ này luận việc như thần.
- Đúng là chúng chưa động binh. - Nguyễn Huệ nói.
- Chúng nó chậm nhưng chúng ta phải nhanh. “Công kỳ vô kị, kích kỳ bất ý, giả tất thắng.” (Phải đánh vào lúc chúng không đề phòng, không ngờ tới, nhất định thắng).
Nguyễn Huệ vui vẻ:
- Lời của Phu tử thật hợp ý của kẻ quê mùa này?
Dừng lại một lát, rồi nhìn Nguyễn Thiếp hỏi:
- Lực của quân ta hiện nay chưa đủ mạnh. Ta muốn tuyển thêm chừng một vạn quân ở Nghệ An có được không?.
Nghe hoàng đế của mình nói vậy, Trần Văn Kỷ giật mình. Người Xứ Nghệ gan góc nhưng bao năm can qua, hết Trịnh rồi Nguyễn đều vét quân ở đây, làm sao trong thời gian ngắn có thể huy động được chừng ấy quân? Kỷ nhìn Nguyễn Thiếp đang lặng im, chờ một sự phản đối. Ngờ đâu, La Sơn Phu tử nhìn thẳng vào Nguyễn Huệ nói:
- Được! Qua mấy trăm năm, dân Xứ Nghệ chịu cảnh binh đao nhiều, lực lượng hao tổn lớn. Thế nhưng, người xứ Nghệ giàu nghĩa khí, trong buổi giang sơn lâm nguy, gặp được một hoàng đế biết lo giữ yên Sơn Hà Xã Tắc, bà con không tiếc máu xương đâu.
Quang Trung mặt mày rạng rỡ:
- Cảm ơn Phu tử đã có những chỉ giáo vô cùng hệ trọng. Đúng là một lời nói mà dựng nổi cơ đồ.
Nhìn gương mặt khôi ngô, đôi mắt sáng đang ánh lên niềm hoan hỷ chân thành khi tìm được kế sách giữ nước, nghĩ đến cách cư xử trước đây cũng như hôm nay, đúng là người có tư chất cao minh, biết trọng kẻ sĩ, liệu việc hơn người, giao giang sơn Đại Việt cho con người này là phải, Nguyễn Thiếp xúc động nói:
- Những điều kẻ cuồng ẩn này nói, chắc nhiều người cũng nghĩ được Nhưng người làm nổi điều đó lúc này chắc chỉ có một. Hoàng thượng ra quân lần này không quá mươi ngày sẽ phá tan quân giặc.
Hai tiếng Hoàng thượng từ lời của Nguyễn Thiếp vang lên như có luồng điện bừng lên trong lòng Nguyễn Huệ. Như vậy ông già xứ Nghệ này đã coi mình đáng là bậc quân vương. Lòng vui lắm, người sai lấy rượu quý, hai tay bưng chén mời:
- Xin mời Phu tử chén rượu hạnh ngộ. Chén vui khải hoàn xin hẹn đầu xuân.
*
Tiếng trống thúc rộn rã khắp nơi, lay động cả màn sương dày đặc trên sông Lam, âm vang cả đôi bờ. Trong lỵ sở, Hoàng đế Quang Trung, các cận thần chuẩn bị làm lễ xuất quân. Trần Văn Kỷ ngồi dùng trà với La Sơn Phu tử. Vị quân sư này không ngờ dân chúng lại hăng hái xung quân đánh giặc Thanh đến thế. Lệnh vừa truyền ra, bao chàng trai trẻ và cả những người đã ngoại tứ tuần cũng đến ghi tên; Dương Văn Tào ở làng Mỹ Duệ (Cẩm Xuyên), Hồ Phi Chấn ở Thạch Văn (Thạch Hà) chiêu tập trai tráng được hơn năm chục người, giáo mác sáng ngời sang hội quân. Bốn anh em trong một gia đình Lê Quốc Cơ ở Anh Sơn cùng xung phong đi đánh giặc. Rồi đồng bào các tộc người thiểu số cũng giáo mác kéo về dưới cờ. Mới có mấy ngày mà dân Nghệ đầu quân hơn vạn người.
- Đất nước có giặc mới biết được lòng dân. - Kỷ vui vẻ nói.
Tiếng trống đại ầm ầm vang lên, Hoàng đế Quang Trung kiếm nạm vàng bên hông, người khoác tấm chiến bào đỏ thắm bước lên một gò đất cao vừa đắp, nghiêm nghị nhìn ba quân. Người cạnh người đủ các lứa tuổi, đủ kiểu quần áo, đủ màu sắc dồn lại như nêm. Tiếng nói, tiếng cười đủ giọng của bao miền, vui vẻ, háo hức. Hàng nghìn ánh mắt nhìn lên nhà vua, chờ đợi. Nguyễn Huệ cất tiếng sang sảng:
Hỡi tất cả binh lính và muôn dân. Hơn một nghìn năm nay, giặc không bỏ dã tâm xâm chiếm nước ta. Sáu trăm năm trước (1428) vua Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa, quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, giành độc lập cho giang sơn. Thế mà suốt trong năm trăm năm nay (1527) các vua Lê bất lực để cho nhà Mạc lên, rồi chúa Trịnh lộng quyền, giang sơn chia hai - nước ta phải cảnh binh đao không dứt, trăm họ khốn khổ khôn cùng. Vừa rồi, ta vâng lệnh trời, giữ đạo cương thường, dẹp bỏ họ Trịnh, trả lại ngai vàng cho nhà Lê. Thế nhưng, Lê Chiêu Thống bất tài, ngồi trên ngai vàng mà không biết lo cho trăm họ, để cho quan lại triều đình kết bè kết cánh, hà hiếp dân lành, vơ vét của cải, làm chao đảo giang sơn. Chẳng những thế, chúng còn rước quân xâm lược nhà Thanh vào dày xéo non sông ta, hiện chúng đã chiếm kinh đô Thăng Long. Vì vậy, chúng ta phải đứng lên, kéo quân ra đánh tan bọn chúng.
Hoàng đế dừng lại. Muôn tiếng hô vang dậy: Đánh! Đánh. Trần Văn Kỷ và La Sơn Phu tử lòng đầy xúc động. Tiếng Nguyễn Huệ lại vang như sấm:
Đúng! Chúng ta phải đánh. Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho chúng nó không còn một bánh xe quay lui! Đánh cho chúng nó không còn một mảnh giáp trở về. Đánh cho chúng nó biết nước Nam anh hùng là có chủ.
Tiếng hô “đánh” “đánh “ lại vang dậy đất trời. Đoàn quân rầm rập bước đi. La Sơn Phu tử bỗng nhìn thấy cha con chắt Bảy trong đoàn quân. Chú rể vừa cưới vợ, mác treo sau lưng, đang sải bước cùng cha mình. Có tiếng gọi “đại huynh” ở phía sau. La Sơn ngoảnh lại: Quế Sơn cư sĩ và hai cậu con trai cũng vừa đến, mác sau lưng, tay nải bên vai. Nguyễn Thiếp ngạc nhiên:
- Các cháu cũng...
- Phải! Cả ba đứa cũng đòi ra trận. Tôi phải để trưởng nam ở lại, cho hai đứa này đi.
Hai chàng trai trẻ vạm vỡ cúi chào Nguyễn Thiếp và phụ thân, rồi nhịp bước cùng mọi người. Hai ông già đứng bên nhau, đưa mắt dõi theo đoàn quân nối dài tiến về phía trước. Đầu đoàn quân, trên mình ngựa, chiến bào đỏ thắm của Hoàng đế Quang Trung đang xé gió mà đi tới, kéo cả đoàn quân rầm rập tiến lên. Gió lạnh từ phương Bắc vẫn cuồn cuộn thổi không ngừng, nhưng hai ông già biết trên nước Nam mình mùa Xuân đang về.
N.T.Q
(SH324/02-16)
NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.
HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...
HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.
PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.
THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.
PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.
PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.
HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.
BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.
DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết (René Char)
ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.
NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.
NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.
NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.
NHẤT LÂM Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.
NGUYỄN TRƯỜNG Nơi hầm tối là nơi sáng nhất (Thơ Dương Hương Ly)
TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".
HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.
NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.
XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.