NGUYỄN VĂN TOAN
Tôi bắt đầu viết nhật ký khi vừa qua một đêm. Cuốn sổ của tôi, chép lại những giấc mơ sau mỗi giấc ngủ ám ảnh. Tôi bắt đầu làm việc này sau khi giải mã được giấc mơ cứ lặp đi lặp. Giấc mơ mà ông lão tôi đã vẽ ông luôn hiện về.
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Ông lão đang ngồi trước mặt tôi. Chậm rãi và tỉ mỉ, ông thưởng thức bữa trưa của mình. Khi ăn, mọi u uất vẫn hiển hiện trên mặt ông biến mất. Ông lão không cao lắm, trán ông không dô nhưng hai lưỡng quyền nhô ra một cách quả quyết. Khuôn mặt pha chút khắc khổ và châm biếm. Ông nhai thức ăn kỹ càng, nhìn cơ mặt ông chuyển động có thể thấy ông chẳng tỏ ra vội vàng bao giờ. Chai bia ông uống xong có tác động tức thì, hai gò má ửng lên da mặt ông sáng hơn lúc bình thường. Tôi nhấp ngụm bia cuối chờ ông ăn xong.
- Nào tớ chưa điếc nhưng cậu nên nói đủ để một lão già nghe thủng cậu muốn gì chứ. - Ông lão nói vậy khi tôi lí nhí nói về nguyện vọng của mình.
- Cháu muốn vẽ ông khỏa thân.
- Được thôi. Địa điểm thì ngay nhà tớ đi, tớ chỉ tự tin trần truồng khi ở đấy thôi. - ông đáp lời sau một lúc suy nghĩ - Tớ sẽ không lấy tiền công, đổi lại cậu sẽ đọc sách cho tớ. - Ông lão nói tiếp.
Vợ mất, ông lão sống một mình dù con cháu đầy đủ. Ông lão từng là giảng viên đại học nhưng bây giờ đã tái mù chữ, chắc hẳn đó là lý do ông đòi trả công theo cách ấy. Tôi gặp ông lão lần đầu khi đang ngồi một mình trên ghế đá công viên.
Tôi nảy ra ý vẽ ông lão ngay từ lần gặp đầu tiên ấy. Là một sinh viên mỹ thuật tỉnh lẻ, tôi sống trong ký túc xá. Ký túc trường nghệ thuật nên có khá nhiều giai thoại bi hài gắn với những câu chuyện ma rùng rợn. Có không ít sinh viên chỉ ở được hai ba tuần lại chuyển ra ngoài, dù tiền phòng bên ngoài và ký túc khác nhau một trời một vực. Phòng tôi có năm người cả tôi, hai anh học khóa trên với những mái tóc buộc túm đầy chất nghệ sĩ và hai gã cùng lớp. Hai anh khóa trên chỉ coi căn phòng ken đặc giường tầng bằng sắt này là nơi ngả lưng mỗi tối, ban ngày họ biệt tích với những hợp đồng chép tranh khắp thành phố. Còn lại tôi và hai sinh viên năm ba thường xuyên ở phòng, sự im lặng mà nguyên nhân do chúng tôi không hợp tính nhiều hơn là vì chúng tôi quá bận cho sáng tạo của mình bao phủ căn phòng bừa bộn. Chúng tôi đã chán chuyện nhắc thằng này phải bỏ rác đúng chỗ, thằng kia vẽ vời không để vây màu ra tường, nền nhà, thế nên căn phòng bừa bộn và đã bắt đầu bốc mùi khó chịu. Chỉ hai tháng đầu, tôi thường xuyên có mặt ở phòng, còn những ngày về sau tôi càng thích được ra khỏi “cái hộp” như tôi vẫn gọi sau này. Tất nhiên ngoài những giờ lên lớp và những buổi nghe thuyết giảng về các trường phái và sự tiến bộ của hội họa, tôi một là lang thang trên những con phố rợp bóng xà cừ, ít hàng rong nhất để tìm cảm hứng, hai là tôi sẽ vào những công viên có hồ nước đề ngồi hưởng thụ những giây phút mát mẻ. Hôm tôi gặp ông lão là một buổi sớm đầu năm. Tâm trạng hôm đó khá tồi tệ. Tôi ngồi một đầu ghế đá trong góc khuất nhất công viên và nhìn ngắm những tàng cây đang im lặng. Những bức vẽ phong cảnh thiên nhiên của tôi không được như ý và đương nhiên nếu một thứ mà mình không hài lòng thì đừng mong mấy ông thầy nghĩ khác về nó. Đang chán nản nghĩ về sự sáng tạo và sao chép thì ông lão đi đến rồi ngồi ở đầu ghế còn lại. Khuôn mặt và sự im lặng của ông lão khiến tôi muốn rời khỏi chiếc ghế ngay bởi vì chẳng muốn mình phải thu nạp thêm một bầu tâm sự thê lương nào nữa. Nhưng ông lão đã chứng minh ngay từ đầu là một người hay chuyện khi ông giữ chân tôi lại bằng một câu hỏi.
- Cháu này, có quen biết một ai ngủ mà không mơ không?
Bị bất ngờ vì câu hỏi, tôi mất một lúc để hiểu ông lão muốn gì và cũng từ đấy tôi mới nhớ ra đã từ rất lâu tôi không còn quan tâm tới mơ màng mỗi khi thức giấc. Tôi bất chợt nhớ Diễm, nàng cũng đã từng hỏi tôi một câu y hệt. Đó là khi chúng tôi ngồi cùng nhau cạnh bờ rào của trường cấp ba sau buổi tiệc chia tay cuối cấp. Diễm dựa vào vai tôi và hát những đoạn các bài hát mà nàng có thể nhớ và vẫn hay hát. Tôi lặng im nghe nàng trong lòng không hoàn toàn nghĩ về một thứ gì cụ thể cũng chẳng chú tâm đến ca từ mà Diễm hát. Rồi Diễm ngưng hát và chuyển sang nói những câu chuyện không đầu không cuối. Sau cùng tôi không thể nhớ nổi vì lý do gì nàng lại hỏi tôi anh có hay nhớ lại giấc mơ của mình mỗi buổi sáng thức dậy không?
Tôi đáp rằng chưa bao giờ tôi làm vậy cả. Nàng nói rằng em thì sáng nào cũng phải ngồi nhớ lại hết những giấc mơ của mình, vì mẹ em bảo nếu không làm vậy chuyện xảy ra trong mơ sẽ thành sự thật. Bằng một giọng châm chọc tôi nhắc nàng rằng nếu có những giấc mơ đẹp mà trở thành sự thật thì càng tốt chứ sao. Diễm nói không phải mọi giấc mơ đều đẹp. Rồi nàng lại gục đầu vào vai tôi và nói:
- Sáng nay em đã phải ngồi một lúc mới nhớ được gần hết giấc mơ đêm qua. Em mơ thấy chúng mình cùng lên thành phố học, rồi mình lạc nhau giữa những nhà cửa san sát và nhung nhúc người.
Tôi nói chẳng tin vào mơ mộng làm gì. Và cuối cùng chúng tôi xa nhau thật. Diễm một nơi và tôi một nơi, đã sáu tháng chúng tôi không liên lạc gì.
Tôi nhìn ông cụ trước mặt mình, ngơ ngác với câu hỏi của ông.
- Đã rất lâu tớ ngủ mà chẳng mộng mị gì cả. Tám mươi ba tuổi không mất ngủ bao giờ nhưng đã hơn ba chục năm không có lấy một giấc mơ, thế đấy ngủ thẳng cẳng đến sáng.
- Ba mươi năm không mơ?
- Phải thế mới là vấn đề chứ. - Ông già nói với vẻ mặt u sầu.
Không ít người rơi vào trường hợp như ông lão, cũng có người mong được như thế vì theo khoa học ngủ không mộng mị mới là giấc ngủ sâu và ngon nhất. Nhưng quả thật nếu một người hơn ba mươi năm trời không có lấy một ít mộng mị thì cũng đáng ngại.
- Đều đặn mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên tớ làm là ngồi và cố nhớ xem mình có mơ gì không nhưng chẳng có gì.
Tôi nói những điều chắp vá trong các trang sách khoa học về giấc mơ từng đọc được với ông và mong sẽ an ủi ông lão phần nào. Ông cụ nghe tôi nói một cách lơ đãng. Thế rồi những cử động trên khuôn mặt, các nếp nhăn, khóe miệng héo và đôi mắt ngầu đục của ông khiến tôi ngay lúc này muốn cầm cọ vẽ ghi lại tất cả. Một cú điểm huyệt như trong phim chưởng và tôi tha hồ cầm cọ lưu lại với tư thế và hơn hết khuôn mặt và những biểu cảm của nó được giữ nguyên.
Ý nghĩ muốn được vẽ ông cứ theo tôi mãi từ buổi gặp hôm ấy, và nó khiến tôi sau đó một tuần liền ra ngồi đúng cái ghế đó để được gặp lại ông. Phải đến ngày thứ bảy ông mới xuất hiện. Đó cũng là lúc tôi định bỏ cuộc, sau khi tự trách mình đã nghe câu chuyên ông lão một cách hời hợt và không bắt quen hỏi tên tuổi địa chỉ ông. Việc tự dằn vặt mình lặp đi lặp lại ấy cuối cùng cũng lại khiến tôi nhớ đến Diễm. Tôi và nàng đã bên nhau suốt sáu năm và những tháng đầu đại học chúng tôi vẫn bên nhau, cho đến khi Diễm nói với tôi gia đình không đủ điều kiện chu cấp cho học phí cũng như chi tiêu của nàng ở thành phố và nàng phải về quê. Ông lão thình lình xuất hiện phá đi những hồi tưởng về miền quê heo hút và Diễm.
Ông lão sống một mình trong căn nhà bé nhỏ lọt thỏm giữa các căn hộ cao tầng không khác gì bao diêm xếp cạnh các hộp các tông. Trong ngôi nhà chật hẹp của ông lão có một bức tranh, một bể cá cảnh, ba kệ sách và một phản gỗ.
Bức tranh treo ngay trên tường sát với ghế mà ông lão hay ngồi. Lúc tôi bước vào con trâu đen sì trong bức tranh gần như muốn lao ra khỏi toan vẽ húc vào tôi. Tôi bị nó thu hút đến mức ông lão phải lên tiếng.
- Nào nào cu Thốn! - Sau những lời của ông lão con vật dịu đi nhưng vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt hằn học. Nó, - ông lão nhìn con vật trong tranh chìu mến và nói tiếp - là con rể tôi vẽ tặng đấy, chỉ tiếc anh ấy mất rồi nếu không khả dĩ còn là con người.
Bể cá của ông chỉ có một con rùa, là loại rùa tai đỏ. Con vật này đã lớn cực độ của nó, với mai xanh rì và hai viền đỏ ở hai bên đầu như có thể phát sáng. Tôi nghĩ con vật già phải ngang cỡ ông tuổi ông. Nhưng ông lão nói chỉ mới mang nó về nuôi khi người ta giết giống loài của chúng để cứu cụ rùa huyền thoại.
Từ khi thả vào bể này tôi chẳng phải cho nó ăn gì cả mà vẫn lớn lên và sống đến bây giờ thế mới lạ. Nào cậu xem qua nơi chúng ta sẽ làm việc chứ. - ông lão nói và đứng lên.
Ba kệ sách trong phòng bên trong đều bằng gỗ tốt. Hai ghế ngồi được kê sát với ô cửa sổ bé bằng hai bàn tay. Đích xác đây là một thư viện thu nhỏ. Tôi lật mở cuốn sách đầu tiên trên giá. Tội ác và trừng phạt của Dos, bìa cứng giấy thượng hạng và đặc biệt có chữ ký của tác giả. Tôi mở những cuốn khác cũng vậy chúng đều có chữ ký, của Gabriel García Márquez, của Harper Lee… bằng cách nào đó, dường như đều đã đến căn phòng này và ngồi vào một trong hai chiếc ghế kia để ký tặng vào những cuốn sách của ông lão. Tôi nhìn ông lão nhỏ bé đó với một sự kính nể xen lẫn dò xét.
- Đừng ngạc nhiên về những chữ ký đó. - “Khi người nào muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ chung sức lại để người đó đạt được điều mơ ước”. Tôi đang dở đúng trang có dòng này trong cuốn Nhà giả kim thì ông nói câu đó.
Ông để mặc tôi với những cuốn sách, thong thả đi vào cuối phòng. Ở đấy ông ngả mình trên một tấm phản bóng loáng bằng gỗ nghiến. Thứ này không phải hiếm ở những miền rừng nhưng thực sự giữa đất thủ đô này mà thấy nó cũng đáng ngạc nhiên chẳng kém những chữ ký kia.
- Tớ nằm trên tấm phản này là hợp nhất đấy hỉ.
Tôi nhìn ông lão nằm chống tay tạo dáng trên phản gỗ. Căn phòng với một cửa sổ bé hút những luồn ánh sáng yếu ớt vào trong, tĩnh mịch và trong lành. Tất cả độ sáng tối cần thiết cho một bức tranh với một nhân vật chính kỳ dị đã hiện ra trước mắt tôi. Giờ thì chỉ cần vẽ nữa là xong.
- Tớ đã ngủ trên tấm phản này ba mươi năm mà không mộng mị gì sất. - Ông nói trước khi tiễn tôi về với bức tranh chưa ráo nước.
Trong giấc ngủ chập chờn tôi mơ thấy Diễm, nàng vẫn đẹp và khỏe mạnh một cách cuốn hút. Tôi chạy đuổi theo nàng trên một cánh đồng nhấp nhô của miền bán sơn địa, khung cảnh xung quanh chúng tôi là một màu xám của những cánh đồng đã thu gặt xong, những ao chuông một nửa bao phủ bởi rau muống một nửa chi chít những ống bẫy lươn.
Khi tỉnh dậy tôi phải cố gắng lắm mới nhớ hết được một phần từng chi tiết của giấc mơ. Tôi thấy nhớ Diễm vô cùng, chỉ đến khi tôi đã hoàn toàn tỉnh táo và nhìn thấy bức tranh dang dở vẽ một nửa cơ thể ông lão, tôi mới dứt ra khỏi nỗi nhớ ấy. Trong ánh sáng của buổi sớm bức tranh đặt giữa phòng mang một sức mạnh kỳ lạ, vẻ mặt ông lão trong tranh có vẻ thanh thoát và nhàn nhã hơn khi ông nằm làm mẫu cho tôi. Và tôi bỗng nhớ lại ông lão cũng đã xuất hiện và xen vào giữa tôi và Diễm trong giấc mơ chập chờn như những mảnh ký ức u buồn.
Hôm sau tôi lại quay lại ngôi nhà để vẽ tiếp. Tuổi tác khiến ông lão không thể giữ nguyên một tư thế để tôi có thể sớm hoàn thành bức tranh. Lúc đã quá giới hạn chịu đựng, toàn bộ cơ thể của ông lão run rẩy cơ mặt ông giần giật. Tôi lập tức ngừng vẽ chạy lại đỡ ông dậy, thực sự không khí trong phòng và biểu hiện của ông lão thôi thúc tôi vẽ ông đến nỗi quên đi tuổi tác và sức khỏe của ông có thể bị ảnh hưởng. Ông nói chuyện đó không là gì cả, chỉ cần ngơi nghỉ chút ít là lại đâu vào đấy và bắt đầu nói ra những cảm nhận của mình khi làm mẫu cho tôi. Ông lão nói rằng có những suy nghĩ đã chẳng bao giờ còn thấy bỗng quay trở lại khi ông nhìn tôi mải mê với tấm toan. Sau cuộc nói chuyện dài ông đứng dậy khỏi ghế ngồi và tiến về bức tranh, nhưng không biết vì một lý do nào đó ông ngừng lại và quyết định không xem nó ngay.
- Tớ sẽ xem nó khi cậu hoàn thành. - Ông nói vậy khi quay lại ghế ngồi.
Tôi lại mang bức tranh về phòng mình. Căn phòng cuối tuần chỉ có mình tôi. Tôi ngồi ngắm bức tranh vẽ dở trong nỗi cô đơn của một buổi sáng đẹp trời nghĩ về Diễm và ông lão. Cả hai đều đã đi vào trong giấc mơ của tôi và giờ khiến tôi không thôi nghĩ về sự liên hệ giữa họ. Đặc biệt là ông lão, không thể phủ nhận ngay từ khi mới gặp ông khiến tôi nghĩ về Diễm và quá khứ nhiều hơn.
Ông lão phải nhập viện và điều đó khiến tôi áy náy vô cùng. Bệnh viện đầy mùi chất tẩy rửa và mùi thuốc, ông lão nằm co rúm trên giường với một tay cắm ống truyền dịch dơ ra. Biết được tâm trạng của tôi, ông nhỏ nhẹ khuyên nhủ rằng chẳng có gì liên quan đến tôi cả. Tớ vẫn định kỳ vào đây nằm như thế này ấy mà.
Tôi đọc sách cho ông lão hết buổi chiều cuối tuần trong bệnh viện. Khi phố lên đèn tôi mua cho ông đồ ăn và đợi ông ăn hết mới về. Lúc tôi đứng lên ông lão còn định nói gì nhưng lại thôi.
Hôm sau khi tôi quay lại như đã hẹn với ông, giường nằm đang được các chị hộ lý dọn dẹp. Thấy tôi đứng lặng người giữa cửa phòng, chị hộ lý đứng tuổi đi về phía tôi chìa tay đưa cho tôi một tờ giấy gấp. Những dòng chữ nguệch ngoạc trong tờ giấy nói tôi hãy đến nhà ông lão và lấy chiếc hộp carton được bọc dán để trên tấm phản. Ông cụ đã qua đời và chẳng kịp nhìn thấy bức tranh của tôi. Buổi hôm ấy thật kỳ lạ, tôi không đến ngay ngôi nhà bé nhỏ của ông mà trở về phòng ngồi trước bức vẽ hình dung và hoàn thiện những gì còn dang dở. Phải đến lúc này tôi mới nhận ra sự quen thuộc trên từng nét mặt của ông lão. Tôi cặm cụi vẽ cho đến khi dứt ra khỏi bức tranh bên ngoài trời đã tối mịt. Căn phòng vắng, không khí đặc sệt, ánh sáng yếu ớt hắt vào từ cửa sổ khiến khung cảnh càng thêm kì dị. Hơn hết luồng sáng chiếu đúng vào bức tranh, cơ thể hom hem của ông lão sáng lên một cách kì dị. Tôi nhìn bức tranh đã hoàn thiện và thấy buồn ngủ, hai mắt díp lại tôi leo lên giường nằm và ngủ mê mệt.
Bỗng nhiên tôi phát hiện ông lão đang ngồi trên giường đối diện nhìn tôi, tôi nhớ mình không nói địa chỉ cho ông và cũng chưa bao giờ ông hỏi. Tôi lật chăn ngồi dậy tiếp chuyện ông lão. Cậu nên nhớ lại những giấc mơ của mình khi ngủ dậy, nếu không những điều xảy ra trong đó sẽ thành hiện thực. Thành hiện thực càng tốt chứ sao. Chẳng phải bao giờ cũng có những giấc mơ tốt. Chết hóc, tai nạn, chia ly. Thật vô bổ nếu làm một việc như thế. Cháu ngủ rất nhiều và vô vàn những giấc mơ nối tiếp nhau lẫn lộn nhau trong các giấc ngủ ấy. Các cậu còn trẻ và có nhiều năng lượng để giấc mơ của mình trở nên phong phú, còn khi về già cậu sẽ mơ ít đi vì một là cậu hay mất ngủ hai là chẳng còn gì nhiều cậu thu nạp được từ cuộc sống nữa, cho đến khi cậu chẳng thể mơ gì nữa như tôi đây. Ba mươi năm.
Tôi choàng tỉnh vì nghe thấy tiếng động, mở mắt tôi nhìn ngay về phía giường đối diện, nó trống trơn. Tôi nhìn về phía bức tranh, căn phòng đã sáng ánh điện, một hình người lù lù đứng trước bức tranh của tôi, dán mắt vào nó. Mày vẽ ông nội mày đấy à? Một cái hất hàm ngay khi quay mặt lại của thằng bạn cùng phòng. Không. Khá phết. Cảm ơn. Nó quay người cởi quần áo và quăng người lên giường mà lúc nãy trong giấc mơ tôi nhìn thấy ông lão ngồi đối thoại với tôi.
Ba đêm liền sau đó tôi đều mơ thấy ông lão. Giấc mơ nào cũng vậy, ông nhắc tôi phải nhớ lại giấc mơ của mình mỗi khi thức dậy. Ông lão nói chuyện với tôi nhiều hơn cả khi còn sống. Có khi ông nhắc cả tới Diễm, Diễm của tôi những Diễm xa vời vợi.
Căn phòng mà tôi vẽ ông lão trống trơn, cả bộ phản nằm cũng không còn. Nơi vẫn để các kệ sách của ông, lù lù một tổ mối vừa xông. Bên cạnh cái tổ ấy chiếc hộp ông lão để dành cho tôi vẫn nguyên vẹn. Căn phòng ngột ngạt mùi đất mới. Như trong mộng, tôi ngồi giữa phòng, xé từng lớp chiếc hộp ông lão để lại. Trong đó chỉ có ba cuốn sổ giả da, loại có chìa khóa, nhưng ông lão không dùng đến chìa khóa. Tôi lật dở trang đầu hai chữ viết hoa hiện ra “Nhật ký mơ”; chữ viết là chữ của tôi.
N.V.T
(TCSH347/01-2018)
THÁI BÁ TÂNTháng trước, ở phường B. thị trấn Đức Giang, huyện Gia Lâm, nơi tôi về nghỉ hưu mấy năm nay, đã xẩy ra một vụ trọng án có nhiều tình tiết rất kỳ lạ, có thể nói bí ẩn không sao giải thích nổi, đến mức cuối cùng người ta quay sang cho rằng nhất định phải có yếu tố thần linh ma quỷ trong vụ này.
PHẠM THỊ ANH NGA Truyện ngắn...trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào biết được...
PHAN VĂN LỢIBuổi giao lưu và trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn tổ chức đã tiến hành được gần nửa giờ. Gã nhấp nhỏm trên chiếc ghế kê phía sau cánh gà sân khấu, bồn chồn không yên. Chừng thông cảm với tâm trạng của gã, cô gái phục vụ mặc áo dài đỏ bưng tới cho gã ly nước, nhẹ nhàng nói: "Chú cứ yên tâm ngồi nghỉ cho khoẻ. Giải A bao giờ cũng trao cuối cùng, chú ạ!"
KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.
ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.
NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.
HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...
HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.
PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.
THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.
PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.
PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.
HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.
BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.
DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết (René Char)
ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.
NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.
NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.
NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.
NHẤT LÂM Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.