Bữa tối cuối cùng

09:47 29/10/2021

JENNIFER WALKUP   

Tôi sẽ không nói với ai về việc chẩn đoán.
Không hé răng với mẹ hay em gái tôi. Chắc chắn không phải Jake và có lẽ với Steve cũng không hề.

Ảnh: internet

Tôi sẽ mang mặt nạ như nhiều năm, ngay cả khi bên trong cơ thể tôi đang mục nát thối rữa như một quả cam đã nhũn ruột, hư sâu dẫu bên ngoài còn lớp vỏ da che lấp. Đối với thế giới, sẽ không có vết bầm dập, không mảng lốm đốm chảy nhão.

Không chút trầm cảm hay bạc nhược yếu lòng.

Tôi rửa chén dĩa, xả nước nóng xào xào trong khi chờ máy sấy kêu vo vo. Mưa nhỏ giọt trên khung cửa sổ, những giọt to xô đẩy giành nhau rơi trước.

Chiếc khăn lau họa tiết cổ điển của tôi đã cũ mòn, nó mỏng lắm rồi gần như không còn tác dụng thấm hút nữa. Tôi vùi tay vào khăn, nhét nếp vải vào giữa các ngón tay cho đến khi chúng khô hoàn toàn. Tôi chà xát ngón tay cho đến khi cảm thấy thô rát.

Mọi người sắp đến. Bàn đã bày biện xong.

Khuấy nước sốt. Khuấy, khuấy. Công thức bữa tối thứ Bảy của tôi. Mỗi tuần. Khuấy, khuấy.

Tôi thậm chí còn không biết phòng khám của bác sĩ Morris có những cuộc gọi kiểu này vào các ngày thứ Bảy cơ đấy. Tôi nghĩ họ làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu… Vậy mà chính bà bác sĩ gọi…?

Quái.

Bẻ một quả từ nải chuối chín vàng trên bệ bếp, tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu cao, loại chúng tôi đặt trong gian bếp để tạo sự duyên dáng. Một cách đều đặn máy móc như kim đồng hồ, tôi kéo cuốn sổ nhỏ mà nhiều năm nay tôi đã ghi lại từng miếng ăn đưa vào miệng. Chất béo, calo, đạm, thức ăn giàu carbonhydrat. Từng miếng ăn đều được đánh dấu, ghi tên… tích tích tích, tích tắc. Bổ sung, loại trừ, thêm bớt, xem chừng size quần jean lên-xuống, lên- xuống. Một quả chuối cỡ vừa. Cây bút của tôi đang lướt trên mặt giấy bỗng dừng lại, lượn lờ lơ lửng hệt chiếc trực thăng trên đại dương đang tìm kiếm những người sống sót.

Một âm thanh bật phát ra từ trong tôi như một tiếng cười bùng ra rồi tắc nghẹn. Tôi trượt khỏi ghế, chân đụng vào thùng thép không gỉ. Cuốn sổ rơi xuống nền.

Tôi lặng lẽ ăn chuối.

Trong khi đang ngồi đó, tôi gọi cho thẩm mỹ viện.

“Tôi có thể sắp xếp một cuộc hẹn? Cắt, tô, làm nổi. Móng tay chân. Mặt nữa. Aileen Thompson đây.”

“Ơ. Ừm, được.” Karen, nhân viên lễ tân làm việc tại Bonnie’s nhiều năm nay, rất bối rối. Tôi đoán cô nàng nhận ra việc tôi đang tiết kiệm một xu.

Tẩy sơ lớp da chết là ngon rồi. Ngày mưa của tôi đã đến.

Khi chúng tôi cúp máy, tôi chậm bước lên lầu - rón rén như một tên trộm. Tôi chuẩn bị một bồn nước đầy bọt, nồng mùi tử đinh hương, ngâm mình cho đến khi ngón tay ngón chân tái nhợt nhăn nheo hơn lúc bình thường. Chỉ khi nước trở nên lạnh giá tôi mới ra khỏi bồn.

Tôi khoác chiếc áo choàng vải bông màu nắng với những nếp gấp sang trọng mà Jake tặng cho tôi vài năm trước vào dịp Mother’s Day rồi chậm rãi chải tóc mình, một lần, hai lần… cả trăm lần, có lẽ vậy. Tôi làm khô tóc từ từ, sử dụng bàn chải tròn và đặt máy sấy tóc ở chế độ thấp, sau đó rẽ tóc thành từng múi, chải mượt và thả lọn. Tiếp theo tôi dùng nhíp sửa hàng lông mày.

Không suy nghĩ. Chỉ cần nhổ. Nhổ, nhổ, một sợi nữa biến mất. Nhổ, nhổ. Tất cả gọn gàng đâu ra đó.

Kem dưỡng ẩm. Lớp phấn lót. Son. Kẻ, đánh bóng, tô, vẽ, trang điểm mắt, làm cong mi. Chuốt mi, bôi mi. Thêm mascara. Nháy, nháy. Đừng nghĩ. Nháy.

Thở. Thở thực sự, nhịp thở rất thật, bây giờ. Hơi thở sâu. Không khí vào buồng phổi rồi lại ra ngoài.

Sống. Còn sống. Đang tồn tại. Đừng nghĩ bất kỳ điều gì khác. Mình đang sống hôm nay.

Và mọi người sẽ sớm có mặt ở đây. Bạn sống cho những bữa tối thứ Bảy như thế này.

Bạn sống.

Quần thụng xám và áo len dài tay màu tươi, đỏ, đỏ, đỏ! Máu đỏ. Hoa hồng đỏ. Sống sót. Cuộc sống.

Khi tôi đi như trượt xuống cầu thang trong đôi tất len, cái máy sấy cuối cùng cũng kêu ro ro. Tôi vội bước. Tôi ghét nếp nhăn. Đồ đã giặt xong, trắng bong, như muốn mời gọi ấp ôm - như chính tôi thèm khát trao cho tất cả những người thân quen vòng tay tràn đầy ấm áp và mềm như nhung. Nồng ấm như giọng bác sĩ Morris khi cố tìm lời an ủi thay cho những từ ngữ lạnh lùng tang tóc.

Từ ngữ lạnh giá, rùng mình, đông cứng. Từ ngữ chết.

Việc vặt mà tôi thường chán ghét giờ thấy không còn tệ nữa, mùi quần áo sạch sẽ thơm tho quen thuộc như hòa cùng ánh nắng tinh khiết ướp hương khuôn mặt tôi. Tôi lướt tay trên chiếc áo trong vải bông trong khi xếp đồ. Dưới đầu ngón tay tôi, những chồng mềm mại phồng lên làm thành một loại nhạc cụ, lướt-kêu, lướt-kêu, vuốt nhẹ mượt mà. Gấp, xếp, gấp, xếp chồng.

Đâu ra đó. Mọi thứ ở đúng vị trí của nó.

Những chiếc áo sơ mi của Steve gọn gàng trong ngăn kéo của anh. Anh thực sự cần cho những người có nhu cầu một số đồ mà anh ít dùng đến, hoặc thêm vào đống giẻ lau kính các loại xe của thằng Jake. Tiếng đồng hồ lười nhác điểm tích tắc khi tôi đi qua các căn phòng. Nhàm chán và yên tĩnh như những mẩu bánh vụn trên chiếc bàn ngoài hiên, không ngừng lay động trong gió.

Hàng tồn kho. Phế liệu. Thức ăn thừa.

Jake đến trước. Lúc gần hai giờ tôi nghe thấy tiếng động cơ xe của thằng con ầm ầm trước khi làm rung chuyển căn nhà, tôi còn cảm nhận rõ hơn từ đôi bàn chân mình. Nó đun xe thẳng vào ga ra và tôi mỉm cười vì nó là con trai của tôi và còn gì tuyệt hơn khi gặp cục cưng của mình? Khối u trong cổ họng của tôi.

Khối u.

“Cha con sẽ không thích con chiếm chỗ của ông ấy đâu.” Tôi gọi to khi Jake đập cửa.

Tiếng cười của Jake lấp đầy căn phòng - thô nhưng man, không giống chút nào tiếng the thé nhức óc vẫn còn vang vọng trong tâm trí tôi từ dạo nào ở sân chơi. Nó kéo tôi vào vòng tay thật nhẹ nhàng, ôm ấp nâng niu như thể tôi là cánh hoa, là giấy lụa, là người đẹp của nó. Tôi ôm lấy mặt nó, hôn nhẹ lên má.

Nhún vai, đôi mắt nó ánh lên vẻ tinh nghịch. “Lẽ ra cha về nhà trước mới phải chứ.”

Nhà. Tôi rất thích vì Jake vẫn nghĩ thế dù nó đã đi xa mấy năm rồi.

Tôi hứ và tiếp tục khuấy, khuấy mãi cái nồi nước sốt không cần khuấy nữa.

Phải làm một chuyện gì đó.

“Học hành sao rồi?” Tôi hỏi, tiến đến bàn để xếp lại khăn ăn. Những câu hỏi vô thưởng vô phạt. Những hành động giản đơn nhàm chán vô bổ.

Jake lục lọi tủ lạnh. Nó lôi ra một xoong thịt hầm đêm qua.

“Trường học là trường học. Tuy nhiên cái luận án đang làm con ê mông.” Nó để xoong vào lò vi sóng và quay lại tủ lạnh.

“Cuộc sống… tiến triển sao rồi?” Không gấp nữa, tôi chỉ đứng đấy và nhìn nó chằm chằm. Tôi nhớ rõ từng đường nét trên lưng con trai tôi. Áo phông và quần jean của nó, mái tóc không đều trên cái cổ rám nắng.

Nó uống hộp nước cam. Tôi thậm chí không nhăn mặt cũng chẳng quan tâm. Tốt. Đẹp.

“Sẽ ổn thôi,” Jake quay sang tôi, đáp. “Ông thầy hướng dẫn con cho rằng đến giờ vẫn ngon ơ, nhưng con còn cả núi việc phải làm.”

“Mẹ chắc rằng điều đó thật tuyệt vời.”

Nó đảo mắt. Tôi rành ánh nhìn đó: mẹ biết gì về cuộc sống và đam mê của con chứ, và như thế nào mới là cuộc sống thực sự. Lò vi sóng kêu khi nó lấy một cái nĩa.

“Con đã nói chuyện với Tess chưa?”

Jake lại khựng tại lò vi sóng vẻ lạnh lùng, quay lưng về phía tôi. “Dạ. Đêm qua.”

“Rồi…?”

Nó lấy thức ăn và thả mình xuống ghế. Khi nó nhìn lên thì không còn kiểu mẹ biết gì… nữa mà thay bằng ánh mắt tôi biết rõ - ngây thơ thủa nào. Đó, hôn nó và mặt nó tươi ngay. Nó nhún vai rồi ngấu nghiến món cơm, gà. Nước xốt kem.

“Cô ấy không biết mình muốn gì.” Nó liếm nước xốt dính trên ngón út. “Nhưng con đã nói với cô ấy rằng con sẽ không đợi mãi đâu.” Giọng gay gắt. Gượng ép.

Tôi nghĩ đến chiếc nhẫn của bà ngoại Elizabeth mà tôi đã cho nó. Có lần nó ướm lời tặng Tessa. Tôi tự hỏi bao lâu nữa nó mới lại xin mẹ trao nhẫn. Tôi nuốt nước bọt, hình dung về chiếc nhẫn trên ngón tay của cô gái đó.

Cuối cùng thì ai sẽ đeo nó? Tôi sẽ được thấy chứ? Chiếc nhẫn của bà ngoại tôi?

Lễ cưới. Người mẹ và con trai cùng khiêu vũ. Những đứa con. Những kỳ nghỉ.

Con trai tôi sẽ hạnh phúc chứ? Cuộc sống của nó sẽ tươi đẹp?

“Ờ, vậy là tốt rồi. Hãy tự chăm sóc bản thân trước tiên. Trên hết mọi chuyện khác.”

“Dạ.” Nó không cười, đôi mắt nheo lại, kiểu tôi biết những giọt nước mắt đang chực chờ. Tôi nhói lòng. Mùa xuân của tôi bỗng xỉn vàng sương giá.

Cuộc sống. Ngắn hơn.

“Chỉ cần an bình hạnh phúc thôi,” tôi nói. “Cuộc sống, tình yêu, bất cứ điều gì. Hạnh phúc và an bình.”

Như chiếc mô tô của nó? Như mối quan hệ tệ hại của nó với Tess? Hay an lành và bình yên như những lần hẹn khám bác sĩ và các dấu hiệu cảnh báo mà bạn không nên lờ đi.

Jake chớp mắt, chiếc nĩa của nó lơ lửng trong không trung như thể đang được nâng bởi một cái cần cẩu đồ chơi. “Mẹ không sao chứ? Trông mẹ tái nhợt.” Sự lo lắng ánh trong đôi mắt nó rồi lan sang cả cái cau mày mang nét buồn bã tư lự.

“Mẹ ổn mà.” Tôi lại hứ, với tay lấy một chiếc khăn ăn khác.

“Thực ra là không. Mẹ đầm đìa mồ hôi kìa. Con chắc đó. Mà ở đây lạnh ngắt.”

Một giọng cười hoang mang. “Mẹ ổn mà, Jacob.”

“Cha con các người nên lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ là vừa.”

Lại hoang mang giọng cười.

“Hawaii hay gì gì đó. Nơi nào mà cha có thể chơi golf còn con thì kiếm được chút ánh nắng mặt trời. Nhâm nhi cocktail pha chanh.”

Golf và cocktail.

May quá, chuông cửa kêu vang.

“Để đó cho mẹ.” Tôi vọt lẹ.

Mẹ và Janie đang tranh cãi trước hiên suýt làm nước mắt tôi trào ra. Janie, hai tay ôm quá trời đồ, bắt đầu đẩy mọi thứ cho tôi - những túm bánh, bí xanh, cà tím…

“Nhìn này,” nó nói, tay lắc lư chiếc túi nhỏ. “Zilbert sắp đóng cửa mà mua rẻ một nửa đó.”

Trong chiếc túi nó đang đong đưa có một lô một lốc hộp nâu nhỏ bóng đẹp căng phồng lớp ni-lon.

“Nửa giá, hở? Hời đó.”

Nó cười toe toét. “Hàng độc giá rẻ tốt hơn loại thường. Phép màu.”

Phép màu.

Tôi lấy chiếc túi từ tay nó, những tuýp kem chống lão hóa yêu thích của chúng tôi lăn qua lăn lại như những kẻ tìm kiếm cảm giác mạnh trên con tàu dài - kiểu tàu cướp biển để tổ chức lễ hội. Nguy hiểm!

Chống lão hóa.

“Ở đây nghe mùi…”. Mẹ nói, đẩy cặp kính lên mũi. Bà dùng khuỷu tay thúc tôi sang bên. “Cháy phải không? Có mùi khét.”

Thở dài, tôi lắc đầu. “Cháy?”

Janie nhăn mũi cười khúc khích y chang hồi nhỏ. Tiếng cười đáng yêu, hầu như không phát ra âm thanh nên nghe hơi giả. Nhưng vẫn mãi là vậy, em gái tôi, nhỏ hơn tôi hai tuổi. Hai năm luôn có nghĩa là một cái gì đó trưởng thành, lớn lên, già hơn, tuy nhiên, ở tuổi 45 và 47, bây giờ thực ra chúng tôi giống hệt nhau.

“Thôi nào,” tôi nói, gỡ những chiếc túi tote ra khỏi tay nó. “Chắc nãy giờ mẹ loay hoay trong bếp.”

Thật tình thì mẹ tôi không có bất cứ điều gì rắc rối. Bà đang tráng rửa dĩa tô, cái xoong không của thằng Jake và một cái chảo rán còn dính dầu mỡ thịt viên và mấy con dao phết bơ. Bà luôn tìm việc để làm. Jake đang ngồi phía xa, cau mày trước một ô chữ.

“Steve đâu?” Mẹ hít hít như thể bà là chó săn còn chồng tôi là con mồi.

“Chơi golf, bà,” Jake hét to khiến Janie và tôi cười tức ruột.

“Chơi golf? Chơi golf! Chà...”. Bà lắc lắc đầu. Jake mỉm cười, nháy mắt với tôi và Janie. “Thôi mà bà, đó là sở thích của cha. Cha làm việc cực nhọc cả tuần. Cha xứng đáng hưởng chút thời gian để chơi chứ.”

Miếng xốp kêu ken két trên trên thớt. Bên cạnh tôi, Janie lại bấm bụng cười, vai nó rung rung khi cố gắng kìm lại. Tôi cũng vậy, tiếng cười sắp bùng ra, như những chiếc bong bóng căng phồng, cuộn xoáy - những dấu hiệu đầu tiên của một cơn bão.

Trong bồn rửa, mẹ cọ kin kít con dao vào đầu cái muỗng sứ. “Làm việc cực nhọc! Hừm. Đàn ông có nghĩa vụ phải chăm làm. Vào thời mẹ, tất cả đều làm việc chăm chỉ nhọc nhằn, và mẹ sẽ nói với các con điều này, cha của các con, ừ, cha của các con…”.

“Không bao giờ, chưa hề cần một ngày nghỉ,” tôi, Janie và Jake đồng thanh.

Mẹ quay ngoắt lại, chỉ cái muỗng gỗ vào chúng tôi, vài giọt nước thẫm nhỏ xuống nền đá phiến. Màu sắc ửng hồng trên má cùng nụ cười phẫn nộ trên môi. “Tại sao, các người…”. Bà vẫy chiếc thìa như một thứ vũ khí, nhưng bật cười vẻ thất bại và tắt vòi nước.

Jake, lúc này đang đứng ngay sau, choàng tay qua vai bà. “Xin lỗi bà. Không thể nhịn được ạ. Chọc bà giận dễ thật.”

“Và vui nữa,” Janie thêm. “Rượu?” Cô đang mở một chai vang trắng. Tôi không bao giờ uống rượu.

“Nhất định rồi.” Giọng tôi nhẹ như cơ thể đang chứa đầy khí heli, như tôi đang bềnh bồng trên mây.

“Tuyệt.” Em gái tôi mặt ánh vẻ tinh nghịch. “Còn mẹ sao nào? Tối nay say bữa với hai con gái cưng của mẹ chứ?”

Mẹ lắc đầu. “Say, Jane Louise? Say rượu? Con gái thì không…”.

“Mẹ!” Janie và tôi cười, hét tướng lên. Jake đứng cạnh dì, đang tự rót cho mình một ly.

“Chà, chuyện quái gì vậy?” Mẹ nói, cụng vào cánh tay của Jake và gật đầu nhìn cái chai trên tay nó. “Rót cho bà một ít, Jacob. Rót đi, ít thôi.”

Tôi thấy Janie tròn mắt và tôi biết mình cũng vậy. Mẹ uống rượu? Tôi nói to. Và bây giờ chúng tôi mới thực sự cười, bật cười, cười vang. Mặt của Janie nhăn cả lại và tiếng cười tuôn ra từ nó như một cái thùng phuy bị lật. Tôi cũng đang ứ tràn, bùng phát tràn lan đến mức muốn cuốn trôi, rửa sạch mọi thứ. Các khối u, u ác tính, giai đoạn bốn.

“Sao không?” Mẹ nói, nâng ly. “Chỉ sống một lần, phải chứ?”

Chỉ sống một lần.

“Ôi, thế này kia!” Giọng Steve oang oang trong phòng khách rồi lập tức anh xuất hiện ở đó, chồng tôi, người bạn thân nhất của tôi, tình yêu bạc của tôi. “Tất cả là gì đây?”

Steve liếc sơ quanh phòng, tôi chắc chắn một người sành sỏi như anh luôn biết phải làm gì trong mọi tình huống, lướt nhanh tới kệ bếp và với chút nỗ lực mở nút chai vang khác và rót cho mình một ly. Janie và tôi vẫn dựa vào bệ, và năm người chúng tôi xếp thành một vòng tròn. Chúng tôi kết thành một đám.

“Tôi đã bỏ lỡ điều gì rồi?” Steve hỏi bằng giọng mà tôi đã quá quen thuộc. Tốt hơn hoặc tệ hơn. Bệnh tật và sức khỏe. Cho đến khi cái chết làm chúng ta chia lìa.

“Chúng ta đang nâng ly chúc mừng chuyện gì?” Mặt Steve ửng đỏ sau trận golf. Anh quàng tay quanh người Jake, kéo thằng nhỏ vào người, ghì mạnh - bỗ bã, thô bạo, đàn ông với đàn ông.

“À, mẹ biết uống rượu, là một.” Đôi má đầy tàn nhang của Janey ướt đẫm nước mắt vì cười và mắt cô em gái tôi nhìn thẳng vào mắt tôi. Tỏa sáng, chớp nháy, truyền tải, chạm vào.

Thấu hiểu.

Tôi lau má, ngắm nhìn những khuôn mặt xung quanh mình.

“Cho chính bây giờ,” tôi nói. “Khoảnh khắc này.”

Hồ Nghĩa dịch từ nguyên bản The Last Supper
(TCSH391/09-2021)

............
* Tình yêu bạc: 25 năm kết hôn và chung sống.




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LGT: R. Grossmith sinh năm 1954 ở Dagenham thuộc London, nhận bằng tiến sĩ với luận án về Nghệ thuật tiểu thuyết của Vladimir Nabokov và hiện sống ở Glasgow, nơi ông làm việc biên soạn tự điển.

  • L.T.S: Nikom Rayawa là nhà văn trẻ sinh ở một làng phía Bắc thủ đô Băng Cốc. Nikom Rayawa thuộc phái văn học "Trăng lưỡi liềm" có xu hướng nhân bản và tự do.

  • Lỗ Tấn là nhà văn hiện đại Trung Quốc rất đỗi quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Ông quê ở Thiệu Hưng, Triết Giang, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881, mất ngày 19 tháng 10 năm 1936. Năm nay là năm kỉ niệm 130 năm ngày sinh và 75 năm ngày mất của ông.

  • William Butler Yeats (1865 - 1939) là nhà thơ và kịch tác gia lớn của Ailen, sinh ở Dublin. Cùng với T.Eliot, Yeats đã cách tân nền thơ Anh và Ailen. Được giải thưởng Nôbel năm 1923. Sáng lập Hội Văn học Ailen và Nhà hát Quốc gia Ailen.

  • LGT: O. Henry là bút danh của William Sydney Porter. Ông sinh năm 1862 và mất năm 1910, cùng năm qua đời của Mark Twain.

  • LGT: James Ross là nhà văn đương đại của Anh. Ông là một trong số những thành viên của trường phái Không Tưởng. James sống trong một căn nhà cũ, viết bên một chiếc bàn cũ bằng một chiếc máy tính xách tay giá rẻ, theo như lời ông nói. James Ross bắt đầu cầm bút từ năm 1996, cho đến nay đã viết hàng loạt truyện ngắn mang phong cách riêng, đậm chất huyền ảo và giả tưởng.

  • Mia Couto sinh ngày 5 tháng 7.1955 tại Beira, Mozambique. Ông là nhà văn Mozambique nổi tiếng. Các tác phẩm của ông viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, đã được dịch rộng rãi ra nhiều thứ tiếng và được in ở trên 22 quốc gia. Truyện ngắn dưới đây được David Brookshaw dịch từ tiếng Bồ Đào Nha sang tiếng Anh. Bản tiếng Việt theo David Brookshaw.

  • LGT: Ngày nay, khi văn học dần rời xa đại tự sự mà thay vào đó là sự lên ngôi của tiểu tự sự thì truyện cực ngắn là một trong những thể loại được người sáng tạo và người đồng sáng tạo quan tâm. Tuy nhiên cho đến nay thì dường như vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho cái gọi là “truyện cực ngắn”. Truyện cực ngắn còn được biết đến dưới nhiều dạng thức định danh như “truyện chớp” (flash fiction), “truyện bất ngờ” (sudden fiction), “vi truyện” (micro fiction)...

  • L.T.S: Kurt Kusenberg (1904-1983), sinh ở Göteborg, Thụy Điển, mất tại Đức. Giám đốc văn học suốt ba mươi năm tại một nhà xuất bản trong nước và chủ biên một loại sách viết riêng về các triết gia, bác học và nhà văn. Tác giả của nhiều truyện kể mang màu sắc kỳ dị.

  • L.T.S: Miguel Rojas Mix, sinh năm 1934 tại thủ đô Chi-lê. Giám đốc viện Nghệ thuật châu Mỹ La tinh thủ đô San Chiago. Bỏ Chi lê sang Pháp dạy học ở Đại học Paris VIII. Viết tiểu luận, truyện ngắn, sách thiếu nhi. “Bàn tay Chúa” là truyện ngắn ác liệt tố giác chính quyền Pi-nô-chê khát máu tại Chi-lê chỉ có thể gây ra khổ đau, chết chóc, ly hương và quật khởi cho nhân dân xứ này. Truyện mang ý hướng ngụ ngôn, gợi ý, gợi hình, vừa có nét thần kỳ mà vẫn không xa hiện thực.

  • LTS: Valentin Rasputin sinh năm 1937 tại một ngôi làng ở Siberia, Ust-Uda. Tốt nghiệp xong đại học Irkutsk, ông làm việc cho các tờ báo ở Irkutsk và ở Krasnoyarsk trong nhiều năm. Truyện ngắn đầu tiên của ông xuất hiện năm 1961. Truyện “Tiền bạc cho Ma-ria” đem lại danh tiếng cho ông. Với những truyện xuất hiện sau đó như “Kỳ hạn cuối cùng”, “Hãy sống và nhớ đến tôi”, “Vĩnh biệt Ma-chi-ô-ra”, ông được khẳng định như một trong những nhà văn Xô-viết lớn nhất. Truyện ngắn dưới đây xuất hiện trong một tập truyện mới của ông, tập truyện có đề là “Cuộc sống và tình yêu”.

  • LGT: Hồ Thích là nhà văn, học giả lớn của Trung Quốc. Truyện cực ngắn này đã rạch đôi hai nền văn minh với hai lối sống, hai cách tư duy. Với nền văn minh nông nghiệp, xã hội tiểu nông, mọi thứ chỉ cần tương đối. Đem lối sống, cách tư duy ấy sang nền văn minh đại công nghiệp thì trật khớp hết, và… chết.

  • PHRÊ-ĐRÍCH SI-LAN-ĐE- Tất cả đứng dậy, - viên mõ tòa nói với giọng đều đều.Ông chánh án bước vào, kéo ghế lại gần rồi ngồi xuống.- Tất cả ngồi xuống, - viên mõ tòa làm xong phận sự, chẳng còn buồn để ý đến những gì diễn ra trước mắt.

  • A-ri-en Đot-phơ-man sinh năm 1942 tại Chi-lê. Giáo sư dạy thuyết giảng tại Đại học Văn thuộc Viện Đại học Chi-lê, ông phải rời bỏ Chi-lê vào năm 1973, viết truyện ngắn, tiểu luận và thơ.Truyện ngắn Viên thuốc bọc đường viết theo kỹ thuật chen lồng đối thoại và chen lồng hiện tại và tương lai.Nội dung truyện vạch trần sự vật lộn miếng ăn tại Hoa Kỳ khiến cho lắm kẻ tha phương lao vào một số nghề nghiệp nguy hiểm, khốn nạn.

  • An-ghiêc-đax Pô-xi-ux, sinh năm 1930, tại làng Ketubai - ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Litva ở Học viện Giáo dục Klaipeda - Ông viết văn vào năm 1953, tác giả của nhiều truyện ký, đồng thời ông còn là nhà văn viết nhiều cho tuổi thơ.

  • VLA-ĐI-MIA XÔ-LÔ-KHINThị trấn nhỏ giữa buổi trưa hè bụi bậm, buồn tanh, vắng ngắt. Chẳng biết tự bao giờ, giữa thị trấn đã sừng sững một tòa đại giáo đường năm tháp nhọn. Nổi lên giữa những mái nhà một tầng có vườn cây xanh rì bao quanh trải đều lúp xúp hai bên bờ sông là gần chục nhà thờ, mà tháp của chúng cái thì màu da trời, cái thì màu lục, cái thì màu vàng.

  • Marie Luise Kaschnitz (1901-1974) là một nữ văn sĩ nổi tiếng và tiến bộ của Tây Đức, sinh trưởng ở Cac-lơ Xru-e (Karlsruhe) trong một gia đình sĩ quan. Bắt đầu hoạt động với tư cách cây bút văn xuôi từ những năm 20.

  • K. PAU-TỐP-XKISố phận một nguyên soái của Na-pô-lê-ông - mà chúng ta sẽ không gọi tên để khỏi làm phiền lòng những nhà sử học và những kẻ mọt sách - xứng đáng để đem kể cho các bạn, những người đang phàn nàn về sự nghèo nàn của tình cảm con người.

  • LTS: Vassily Shukshin (1929-1974), một diễn viên tài hoa, một đạo diễn phim lỗi lạc, một nhà văn tên tuổi. Thật khó nói lãnh vực nghệ thuật nào đã quyết định quá trình hình thành tài năng của Shukshin: truyện ngắn, tiểu thuyết hay điện ảnh? Nhưng dẫu sao vẫn không cần bàn cãi gì nữa về giá trị truyện ngắn của Shukshin. Xin giới thiệu một trong những truyện ngắn viết vào những năm cuối đời của nhà văn.

  • LGT: Irving Stone (1903-1989), nhà văn Mỹ hiện đại, nổi tiếng trong nước và trên thế giới nhờ những kịch bản phim lịch sử, những tác phẩm về tiểu sử các nhân vật nổi tiếng, nhất là những cuốn “Khát vọng cuộc sống” (Lust for Life) viết năm 1934, về Vincent van Gogh, danh hoạ Hà Lan, “Tê tái và Đê mê” (The Agony and the Ecstasy) viết năm 1961, về Michelangelo, danh hoạ và nghệ sĩ điêu khắc Italy, “Thuỷ thủ trên lưng ngựa” (Sailor on Horseback) về Jack London, nhà văn Mỹ lừng danh...).