Bánh Vu Lan

22:13 16/08/2016

Backe backe Kuchen
Der Bäcker hat gerufen
Wer will backen guten Kuchen…

(đồng dao trẻ con của Đức, có thể mở nghe trong youtube, với tựa đề "Backe, backe Kuchen")

Ảnh: internet

Janos đang mê khóc,- khi hắn khóc thì thôi, như mê luôn...-  bỗng nghe tiếng hát nhìn lên, tên nhóc bé tí mới hai tuổi giương to hai con mắt long lanh, đôi môi đỏ nhếch lên, rồi toét ra cùng với tiếng cười khoái chí, mặt còn nhòe nước mắt khóc nhè.  Mẹ nó, Mai Lan con tôi, vừa hát vừa đong đưa cái khuôn bánh ga-tô làm trò với con „nướng bánh nè, nướng bánh đây, ai muốn nướng bánh ngon hầy, ông nướng bánh rao… nên có bảy thứ này, trứng với mỡ ngầy, đường và muối này, sữa và bột mì, thêm chút nghệ vàng cho bánh giòn tan… là la la…“ Mai Lan vung tay đẩy khuôn bánh vào lò vừa hét to… “cho vào lò nướng đây! nướng vàng đây!“ (lời bài hát). Thằng nhóc ngồi trong chiếc ghế trẻ con, được nịt chặt quanh bụng, nhún nhẩy, đập hai tay lên tấm gỗ dính vào ghế dùng làm bàn ăn, chân đạp loạn xạ miệng reo: Kuchen, Kuchen, bánh bánh – bé học nói rất sớm – Vừa dứt tiếng em đã kêu: NOCH (một lần nữa) và ba lần „noch noch noch“. Mai Lan hát lại và làm lại nữa, hắn vẫn còn kêu „Nữa! Nữa!“ Căn bếp nhộn tiếng cười…

Nơi ngưỡng cửa, nghe tiếng hò reo, nhìn vào thấy con mình đang làm mẹ, đang nướng bánh, vừa nướng vừa hát to, vừa làm trò dỗ con, điệu bộ ngộ nghĩnh như thế… Chợt nghĩ, thuở ấy đã bao lần mình cũng múa loạn xạ, cũng nhễ nhại mồ hôi làm bánh, cũng hát to dỗ cho con nín khóc, để có được nụ môi con cười. Thuở ấy, người mẹ này còn bé tí teo, và tôi, người mẹ ấy còn tập làm mẹ, cũng miên man trong tiếng hát tiếng ru, tiếng cười tiếng khóc, đong đưa chiếc võng, quấn quýt với nhau theo nhịp yêu thương, bàng hoàng từng phút từng giây thấy con khôn lớn… Lại thấy nơi đôi mắt to trong veo vừa khóc vừa cười của thằng bé, có tôi ngày nào như nó, hai tuổi rồi ba rồi bốn trong vòng tay của mẹ… bỗng thấy nao lòng… nhớ mẹ thuở ấy góa bụa, đơn chiếc, bốn bên đều có bốn tay con níu áo, tay bồng tay dắt… Thương quá Mạ ơi… Ngày ấy làm chi có bơ có sữa, mà sao bánh mạ thơm ngon làm cho tôi kiên nhẫn (chỉ những lúc ấy thôi) ngồi chờ bên lò lửa than… đợi mạ giáo bột làm bánh cho ăn…

Vuốt hột nổ
Đổ bánh bèo
Xao xác vạc kêu
Nồi đồng vung méo…

Không có lò nướng điện hiện đại đâu, vung méo nồi đất … Cũng không có máy đánh bột thay tay người, chỉ có hai đôi đũa bếp và đôi bàn tay. Vậy mà mạ đã hóa phép biết bao nhiêu chiếc bánh thần diệu, ngát thơm hương vị trong mồm, đến nỗi khứu giác bây giờ vẫn còn chỗi dậy khát khao khi nhớ về. Mà có là gì? Mưa đầu tháng bảy dạo ấy còn đúng hẹn về, xua đi cơn nóng lửa. Vườn cây sống lại màu xanh, bụi tre sau vườn được mưa vuốt vội vã đâm chồi, nếp thơm cũng vừa đến cữ, bình tinh cũng đã xay thành bột mới tinh. Hái mụt măng làm bánh măng cúng Vu Lan. Mụt măng mới bẻ từ bụi tre sau vườn, được bọc trong lớp vỏ phủ tơ mướt như nhung màu tim tím, vuốt tay lên là thấy êm, tôi chưa thấy có loại rau củ nào đẹp sang trọng như thế, mà lại từ một bụi tre… thứ nghèo nhất trong những cái nghèo làng quê,  từ nó toát lên một thứ gì độc đáo cao sang làm cho tôi tiếc mãi khi thấy mẹ đưa dao cắt lớp vỏ, nhưng rồi lại vui tở mở được nhìn thịt măng non trắng ngần lộ ra thanh khiết, chơn chất như ngọc. Từ thuở xưa nào, ai đã nghĩ ra món bánh lạ lùng này? Lấy từ một khối „ngọc tre“ làm nên chiếc bánh. Hỏi mẹ thì mẹ bảo theo bà, hỏi bà thì bà bảo theo mẹ của bà…hỏi.. hỏi … là nghe mẹ của mẹ bà… và nếu hỏi thêm nữa thì… e chạm đến trái tim của những bà mẹ luôn sẵn sàng rung động nơi từng vị ngon của đạo nuôi nấng con người chăng? Chiếc bánh ấy ngày nay hầu như đã thất truyền, vì làm nó là cả một kỳ công. Ngày nay ai có công mà ngồi hàng giờ hàng đêm vì một món bánh nhỏ bé?  Còn nhớ, quấn chân mẹ trố mắt nhìn, khi mẹ cả buổi ngồi chải măng ra từng sợi nhỏ như tóc tiên bằng chiếc lược dày (ngày xưa có hai thứ lược bằng tre, lược sưa và lược dày), trong khi nếp mới vừa xay xong đang treo trong bọc vải rỏ nước qua đêm. Quanh quẩn bên mẹ cả ngày, đến khi tóc măng đã chải hết, rồi luộc rồi rim… là lúc mắt tôi ríu lại không chịu nổi gục đầu vào lòng mẹ… Cho nên món bánh măng của mẹ, tôi chỉ học được nửa chừng… còn nửa chừng trong mơ thấy bà về cho bánh… những chiếc bánh măng vuông vức trắng trong ửng những đường gân măng vàng nhạt, được gói vuông vức đẹp mượt mà trong giấy màu hồng sen hay màu vàng trang nhã.

Chiếc bánh ấy thơm ngon đến nỗi, mãi đến chừ tôi chưa nghe chiếc bánh nào ngon thơm mùi vị tinh khiết thiên nhiên như thế… Hương nếp và hương măng quyện lấy nhau hồn nhiên không chút pha tạp một thứ hương giả tạo nào. Vị măng và vị nếp ngạt ngào thuần chất, tạo nên cảm giác khoan khoái an lành như nhiên… Cảm giác ấy đọng mãi trong ký ức của thời thơ ấu… nó hồn nhiên tinh khiết… như tình mẹ con… Mà tình ấy thời xưa cho đến thời này có khác chi nhau …

Mắt Janos long lanh nhìn chiếc bánh trong lò, e cũng như tôi dạo ấy và Mai Lan ngày ấy… ánh mắt Mai Lan nhìn con vui chiếc bánh e cũng gần như mẹ Mai Lan nhìn con thuở ấy… và chẳng khác mắt mẹ nhìn tôi, đứa con bé bỏng thuở nào… Một chuỗi mẹ con với tình thương ấm áp đùm bọc khắp bầu trời... mẹ của mẹ của mẹ của mẹ miên man vô tận trong mùa bánh ngọt hiền cho con… Nỗi trông mẹ làm cho chiếc bánh, thơm ngon dạt dào vô lượng kiếp, dù qua bao tầng địa ngục… mẹ bị đọa đày thì con vẫn tìm mẹ để mẹ trở về với con.  Như chiếc bánh Vu Lan là nguồn suối mẹ vì con không dứt…

Hôm qua trời mưa một cơn giông dữ dội, sấm chớp long trời lở đất, cơn mưa tháng bảy trước Vu Lan phả hơi đất mù mịt không gian, một thứ mưa khô bằng những tia lửa và tiếng gầm, hạt mưa vừa chạm đất đã bốc hơi, như chưa bao giờ thấy ở Huế, trăng đã khuyết rồi tàn từ lâu… Trời Vu Lan đang héo úa chất độc cháy da người… địa ngục nhân gian đang đầy lo âu nghiệp chướng…

Nhưng mẹ Vu Lan, dù không tìm được mụt măng làm bánh, thì còn bột mì và sữa… Sữa mẹ vẫn dạt dào cho con… như tự muôn đời trước sau… hóa dữ làm lành…

Mùa Vu Lan Huế 2016
Viết nhớ Mai Lan và cháu ngoại Trinh Quý

THÁI KIM LAN




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BỬU Ý

    Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.

  • LÊ QUANG KẾT
                   

    Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).

  • VŨ THU TRANG

    Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.

  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.

  • HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
                                      Đoản văn

    Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!

  • LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ

  • BÙI KIM CHI

    Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.

  • KIM THOA

    Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên        
          
                       (Hàn Mạc Tử)

  • NGUYỄN VĂN UÔNG

    Hôm nay có một người du khách
    Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên         
     

    (Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY

    Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.

  • LÊ QUANG KẾT                
                      Tùy bút

    Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.

  • TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.

  • LÊ QUANG KẾT

    Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.

  • HUY PHƯƠNG

    Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
    Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên         
                          
                                              (Tố Hữu)

  • PHAN THUẬN AN

    Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.

  • MAI KIM NGỌC

    Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.

  • HOÀNG HUẾ

    …Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…

  • QUẾ HƯƠNG

    Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.

  • THU TRANG

    Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.