Ferit Edgu sinh năm 1936, từng sống sáu năm ở Paris học chuyên ngành gốm. Trong nhiều năm ông là người viết kịch bản quảng cáo và rồi điều hành một nhà xuất bản. Sự vô lý của cuộc đời, những ám ảnh dục tính, sự sa đọa và sự bất hòa của người trí thức là những chủ đề của ông.
Nhà văn Ferit Edgü - Ảnh: internet
Các tập truyện ngắn của ông gồm có “Hunting - 1968”, “On Shipboard - giải thưởng Sait Faik Short Story Award năm 1979”, và “Eastern Tales, 1996”. Ông còn có những giải thưởng khác: “Class Notes - giải thưởng về lý luận của Hội Ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ”, “It was a Summer in the Shadow of September - giải thưởng văn chương Sedat Simavi Literature Award 1988”, “Words for a Voyage, 1996” và “Mountain Poems, 1999” là những tập thơ quan trọng của ông.
Truyện ngắn dưới đây do Sedat Cilingir, Ali Engin và Senay Kara chuyển ngữ từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sang tiếng Anh. Bản dịch tiếng Việt theo các dịch giả trên.
FERIT EDGÜ (Thổ Nhĩ Kỳ)
Ba lần rơi
I.
Tôi là một con chim. Tôi đang bay. Tôi gần như nghẹn ngào vì hạnh phúc khi tung cánh trong không trung.
Tôi không phải là một con chim trong khoảng thời gian giữa ngủ và thức, tôi hiểu mình không phải là một con chim; hay nói cách khác tôi là một sinh vật biết rằng mình không phải là chim nhưng lại là chim, có thể bay như chim, tung cánh vào khoảng không. (Một con người?). Mày biết rằng mày không phải là chim tôi tự nhủ. Mày là người, đừng để việc bay bổng dối gạt mày. Đó là một giấc mơ, và trong những giấc mơ người ta cũng có thể bay. Nhưng không phải là chim, tôi tự trả lời.
Tôi một mình trong giường ngủ. Ngay khi tranh luận xong tôi lại chìm vào giấc ngủ. Một lần nữa tôi lại là một con chim tung cánh trong không trung. Tôi lao mình xuống. Đôi cánh tôi gần như chạm vào mặt nước (có một cái hồ phía dưới tôi). Tôi bốc lên ngay bằng cách vỗ cánh. Tôi tiếp tục bay lên cho tới khi tôi hết sức. Rồi một lần nữa lao xuống… Lao xuống nghĩa là thả mình rơi không vỗ cánh. Không vỗ cánh, nặng hơn không khí, hướng về mặt đất… Tôi thấy người thợ săn đàng sau đám sậy bên hồ trong khi tôi liệng mình. Tôi vỗ cánh hai lần, và lại bay lên. Nhưng sao thế này! Tiếng nổ và một cơn đau nơi ngực tôi. Tôi mất thăng bằng. Đôi cánh yếu của tôi làm tôi đau không chịu nỗi khi tôi đập cánh. Tôi đang rơi. Cây cối, bụi rậm và mặt đất đang tiến lại gần tôi hơn, hay là tôi đang tiến lại gần chúng hơn? Cả hai đều có cùng một nghĩa. Tôi lại vỗ cánh để khỏi rơi. Nhưng đôi cánh yếu không thể nâng tôi lên.
Tôi đang chệch hướng bay giữa những lùm cây và bụi rậm, một vài mét bên trên mặt đất. Đừng rơi! Tôi nói với mình. Nếu mày rơi, thì rơi sẽ là sự kết thúc của mày.
Khi mày đang trong những cơn đau quằn quại chờ chết, một con chó chạy đến và kết liễu mày. Tôi ráng sức để không rơi. Khi tôi đập cánh cơn đau bùng phát ghê gớm, vì thế tôi chỉ hơi bay lên. Trong lúc đó, một tiếng nói nội tâm bảo tôi rằng tôi là một con chim thần thánh và rằng khi tôi trút ra hơi thở cuối cùng (tôi trút ra hơi thở cuối cùng với ai, với một con chó hay với một con người?) một con chim mới sẽ bay thoát lên từ cái chết của tôi. Thoát ra từ tro tàn của tôi… Một con chim mới…
Tôi có lại là con chim sẽ cất cánh bay lên đó hay không?
Tôi càng lúc càng khó khăn khi vỗ cánh cùng những câu hỏi này. Tôi đang tìm một lùm bụi. Bây giờ tôi biết mình không thể bay cao lên hơn nữa. Tôi đang tìm một lùm bụi để sống sót, để hít một hơi và nghỉ ngơi. Một lùm bụi sẽ bắt đầu đốt lên ngọn lửa trong ngực tôi ngay khi tôi rơi, và sẽ, cũng đốt cháy tôi. Và tôi thấy lùm bụi đó. Lùm bụi rậm tạo thành một khối ở xa hồ, phía dưới rừng thông. Khi tôi đến đó tôi thôi vỗ cánh. Tôi thả mình rơi xuống. Khi bụi rậm đâm xuyên lớp lông thấu vào da thịt tôi, tôi thắc mắc chút nữa đây làm sao tôi có thể bay lên lại. Tôi nghe thấy tiếng chó sủa thay vì sức nóng của lửa. Tôi vật vã mình giữa bụi rậm để khi con chó đến và kết liễu tôi thì tôi đã chết và lại bay lên. Cũng có thể đó là một con chó thông minh. Nó biết là khi lao vào bụi rậm, thì không có đường ra. Tôi chiêm chiếp rít lên, nhưng giọng tôi bị nghẹt. Khao khát lửa. Tiếng chiêm chiếp của một con chim ước được chết đi cho dù nó không thể bay lên trở lại. Tôi cho là con chó nghe được tiếng rít của tôi, nó quay mình lại và bắt đầu bỏ chạy. Người thợ săn hoang mang nhìn chung quanh và nhìn con chó.
II.
Tôi là người thợ săn trong giấc mơ thứ hai của tôi.
Có một con chim trong bầu trời, khá lớn và khá đẹp… không giống với con chim nào tôi từng thấy trước đây. Tôi có thể gọi nó là gì, một con công hay là con phượng hoàng? Tôi không biết. Chưa bao giờ tôi săn được một con như vậy, hay từng thấy một con như vậy bị săn.
Cầm cây súng săn chúi nòng xuống đất, trong một hồi lâu, trong một hồi khá lâu tôi nhìn con chim bay trên bầu trời. Hoàn toàn đơn độc. Có vẻ như con chim say mê sự bay bổng. Sau cùng thì lòng ham mê săn bắn chiến thắng. Tôi chầm chậm nâng nòng súng lên trời. Tôi nhắm vào con chim (cứ như là) tôi không thể không làm việc đó. Và tôi kéo cò.
Hai phát súng, phát này sau phát kia. Vài cánh lông trôi trong không khí. Con chim có vẻ như rơi xuống nhưng rồi lại bay lên. Nhưng nó không còn bay theo cách như trước. Nó không lượn trong không trung. Nó giống như con cừu tế thần loạng choạng trên mặt đất, chỉ khác là nó loạng choạng trên không trung. Ước gì nó rơi trên bờ chứ đừng rơi xuống hồ. Trong nhiều phút hay nhiều giây tôi không biết (dường như khá lâu đối với tôi, còn với nó thì sao?) con chim cố gắng bay lên. Rồi kiệt sức, nó bắt đầu rơi, lảo đảo. Sự yếu sức của nó, đôi cánh bị thương của nó không thể thắng được lực hấp dẫn. Còn cách mặt đất vài mét, có vẻ như nó lấy lại được thăng bằng. Nhưng nó không thể bay lên. Mà cũng không rớt xuống. Nó bay song song với mặt đất. Dường như nó tìm một nơi trú ẩn, một nơi mà tôi hay con chó của tôi không thể tìm thấy, hay không thể với tới nếu chúng tôi tìm thấy nó.
Nó tiếp tục bay thêm một lát như thể bị trôi giạt. Rồi nó rơi xuống như một ngôi sao băng vào một lùm bụi (dường như nó đã chọn đó là đích đến của nó). Con chó của tôi đã chạy đến chỗ nó rơi xuống rồi. Con chó đang sủa bên lùm bụi. Nhưng nó sủa tuyệt vọng. Nó sợ vào lùm bụi. Hai tai cụp xuống, mệt mỏi vì sủa, nó vội chạy về phía tôi. Nó thả đuôi rũ giữa hai chân, đầu cứ cúi xuống như thể xấu hổ…
III.
Trong giấc mơ thứ ba của tôi tôi thấy mình là một con chó. Một con chó săn gầy nhẳng, mình dài, nhiều nghĩ ngợi, chăm chú và mũi dí sát đất. Người thợ săn. Ông ta để mặc tôi tự do khi chúng tôi đến hồ. Mặc tôi một mình với con mồi của tôi. Tôi nhìn quanh, không có con mồi nào. Người thợ săn không nhìn tôi. Ông nhìn lên trời. Ông cứ nhìn trời. Trước đây tôi không biết người thợ săn này. Ông không phải là người đã huấn luyện tôi (chủ tôi). Nhưng tôi không nhớ được người chủ thật sự của tôi, mùi của ông hay mặt của ông. Hai người lạ (Tôi: con chó, ông ta: người thợ săn), chúng tôi đang đi săn.
Con chó và người thợ săn. Người thợ săn và con chó.
Có gì là quan trọng việc chúng tôi quen hay không quen nhau? Có gì là quan trọng việc ông ta có phải là người chủ thực sự của tôi hay không? Số phận và đam mê hẳn đã ghép chúng tôi lại với nhau.
Tôi cảm thấy muốn nhìn mặt người đàn ông tôi đã bị kết hợp bởi số phận và đam mê này. Nhưng ông ta thì cao và đầu ông ngẩng lên trời làm tôi không thể nhìn thấy mặt ông. Mắt tôi đã không chạm mắt ông từ khi chúng tôi khởi hành đi săn. Ông không hề cúi thấp đầu. Một con chim đang bay trên trời. Chắc là ông ta nhìn con chim. Mới đầu tôi cho đó là một con diều hâu. Vì nó khá lớn. Rồi tôi nhận ra những màu lông của nó. Những cánh lông trắng, đen và đỏ. Tôi chưa hề thấy con chim nào như vậy trước đây. Tôi bắt đầu sủa. Tôi chạy về phía hồ sủa đuổi những con vịt trời bay lên cho người thợ săn nhìn thấy chúng. Những con vịt trời bay, nhưng người thợ săn không chú ý đến chúng. Tôi ngồi dưới chân người thợ săn (như đã được huấn luyện). Ngay khi tôi ngồi tôi nghe được tiếng súng và bắt đầu chạy. Đến nơi tôi đoán có con chim tuyệt vọng, đập cánh trên không, sẽ rơi xuống.
Con chim ráng hết sức để không rơi. Nhưng nó đang vỗ cánh yếu ớt. Giờ thì tôi biết tôi đang đi cùng một người thợ săn tồi. Hai phát súng, phát này sau phát kia, vậy mà con chim vẫn sống. Nó sẽ chết, nhưng không phải chết trên trời. Hiển nhiên là nó đã bị thương chí tử. “Bên trái!”, người thợ săn nói. Nhưng tôi sẽ mang về cái gì đây? Con chim không rơi xuống đất hay xuống hồ. Nó vẫn còn trên không.
Tôi đang chạy. Con chim sắp rơi. Nó vẫn đập cánh phía bên trên tôi. Nó cố không rơi xuống. Rồi con chim đột ngột kiệt sức thả mình rơi vào lùm bụi. Một lùm bụi không thể vào và đem con chim ra. Tất cả những gì tôi có thể làm là sủa. Rồi tôi cũng mệt vì sủa. Tránh xa con mồi và người thợ săn, tôi bắt đầu chạy, có lẽ về nơi vô định.
Tôi là người thợ săn đang thức dậy
Là con chim đang thức dậy
Là con chó đang thức dậy
Và…
Võ Hoàng Minh dịch
(SH282/08-12)
SINCLAIR LEWISLGT: SINCLAIR LEWIS (1885 - 1951, giải thưởng Nobel 1930)Ông là tiểu thuyết gia, người viết truyện ngắn có tiếng và nhà viết phê bình có uy tín ở Mỹ.
BRUNO LESSINGLGT: Bruno Lessing (1870-1940) sinh tại New York, Mỹ. Tên thật của ông là Rudolp Block nhưng ông nổi tiếng với tư cách là nhà văn chuyên viết truyện ngắn dưới bút danh Bruno Lessing. Ông là phóng viên và sau đó là biên tập viên cho nhiều tờ báo. Mô tả của Lessing về cuộc sống của người Do Thái ở New York được đánh giá cao. Truyện dưới đây được dẫn dắt một cách hấp dẫn, lý thú, làm nổi bật mối quan hệ giữa hai thế hệ: cha và con, vấn đề nhập cư, đồng hóa hay giữ bản sắc văn hóa với một giọng điệu dí dỏm.
JUAN JOSÉ ARREOLA (Sinh 1918, Nhà văn Mêhicô)LGT: Arreola là một nhà cách tân lớn về truyện kể. Là một người tự học tài năng, ông sở đắc một nền văn hoá rộng lớn, cũng như trải qua nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Arreola chủ yếu sáng tác những truyện kể ngắn, cô đúc, mỉa mai, hay bí ẩn, ưa thích cái nghịch lý và ông là một trong những bậc thầy của hình thức truyện ngắn này. Ba tuyển tập truyện ngắn của ông là Varia Invencion (1049), Confabulario (1952), Confabulario Définitivo (1087).
KAWABATA YASUNARI LGT: KAWABATA YASUNARI (1899 - 1972) là nhà văn đầu tiên của Nhật Bản đoạt giải thưởng Nobel văn chương (1968). Ông nổi tiếng thế giới với những tiểu thuyết như: Xứ Tuyết (1935 - 1947), Ngàn cánh hạc (1949), Tiếng rền của núi (1950), Người đẹp say ngủ (1961), Cố đô (1962)...
MATVEEVA ANNALGT: MATVEEVA ANNA (Sinh 1975) là một nhà văn nữ trẻ của văn học Nga đương đại tài năng đầy hứa hẹn. Đã xuất bản một số tập truyện ngắn. Truyện ngắn của cô đã được đăng trong các tạp chí lớn của Nga như Thế giới mới, Tháng Mười. Văn xuôi của cô hóm hỉnh, thể hiện sự tò mò sắc sảo trước cuộc sống và con người. Tác phẩm của cô được xem như thể hiện một số sắc thái và đặc điểm của văn xuôi hậu hiện đại Nga hiện nay. Xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Con chó” dưới đây của nữ văn sĩ qua bản dịch của nữ dịch giả Đào Tuấn Ảnh.
YVELINE FÉRAYLTS: Monsieur le paresseux là cuốn tiểu thuyết lịch sử dày gần 300 trang của nữ văn sỹ Pháp Yveline Féray viết về Đại danh y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, do Nhà xuất bản Robert Laffont ở Paris ấn hành năm 2000. Trước đó, năm 1989 nữ văn sỹ này đã cho xuất bản ở Pháp cuốn tiểu thuyết dày 1000 trang Dix mille printemps, viết về Nguyễn Trãi - nhà chính trị, quân sự lỗi lạc; nhà thơ lớn của Việt Nam ở thế kỷ XV.
MARSEL SALIMOV (LB NGA)Đất nước ta quá giàu! Vì thế tôi nảy ra ý định muốn cuỗm một thứ gì đó. Những tên kẻ cắp ngày nay chả giống như trước đây. Chúng không thèm để mắt đến những thứ lặt vặt. Cả một đoàn tàu bỗng dưng biến mất tăm! Những nhà máy không thể di dời được, thế nhưng người ta lại nghĩ ra kế chiếm đoạt chúng. Nghe đồn nay mai người ta sẽ bắt đầu chia chác cả đất lẫn nước!
AKILE CAMPANILE(Nhà văn Italia)LTS: Số Tết này, TCSH chọn một truyện ngắn hài hước của một nhà văn Ý, có nhan đề “Ngón nghề kinh doanh”, qua bản dịch của dịch giả nổi tiếng Lê Sơn, để bạn đọc có dịp thư giãn trong dịp đầu Xuân.
HERMANN HESSE Tương truyền thi nhân người Tàu tên Han Fook thuở thiếu thời chỉ thao thức với một khát khao kỳ diệu là muốn học hết mọi điều và tự rèn luyện mình đến hoàn hảo trong tất cả các môn liên quan đến nghệ thuật thi ca.
OLGA TOKARCZUK (Nữ nhà văn Ba Lan)LGT: Nữ văn sĩ Ba Lan Olga Tokarczuk sinh năm 1962 tại Sulechow, Ba Lan. Bà là nhà văn “hậu hiện đại” và “nữ quyền”. Năm 1979 những truyện ngắn đầu tay của bà được đăng tải trên Tạp chí Thanh niên, năm 1989 những bài thơ đầu tay được in trong các tạp chí “Rađa” và “Đời sống văn học”.
NADINE GORDIMER ( Phi), Giải Nobel 1991LGT: Nữ văn sĩ Nadine Gordimer sinh năm 1923 tại Phi. Bà cho in truyện ngắn đầu tay năm 15 tuổi và tiếp tục nghề văn khi còn là sinh viên Đại học Wirwatersrand. Có thời kỳ sách của bà bị chế độ phân biệt chủng tộc Phi cấm đoán. N.Gordimer được trao tặng nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải Nobel văn chương năm 1991.
OLGA TOKARCZUKLGT: Trong số tháng 3 – 2007 (217), Sông Hương đã giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” của OLGA TOKARCZUK, một nữ văn sĩ thuộc dòng văn học nữ “hậu hiện đại Ba Lan”. Số báo này, Sông Hương xin giới thiệu tiếp truyện ngắn “Vũ nữ”. Đây là một truyện ngắn độc đáo dựa trên một leimotic “cuộc đối thoại vô hình” giữa người con gái và người cha, láy đi láy lại đến 6 lần, thể hiện cuộc chiến đấu âm thầm dữ dội, tự khẳng định mình trong nghệ thuật, chống lại sức mạnh ám ảnh của mặc cảm “bất tài”.
BERNARD MALAMUDLGT: Bernard Malamud sinh năm 1914 tại Brooklyn, New York, lớn lên trong thời kỳ Đại Khủng hoảng Kinh tế, là người Nga gốc Do Thái trong một gia đình bán tạp hoá. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và được nhận nhiều giải thưởng văn học.
RADOI RALIN (Bungari)LGT: Đây là một truyện có ý vị sâu xa với các môtíp sự cám dỗ của quyền lực, “sự đồng loã ngây thơ” với tội ác, sự tự nhận thức và tự trừng phạt. Nhưng trên hết là sự vạch trần và tố cáo sự bịp bợm quỷ kế của giới quyền lực. Đây là một truyện ngụ ngôn mới đặc sắc. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
ZACE HAMMERTON (Anh quốc)LGT: Truyện dựng chân dung của một kẻ “Sính khiếu nại” “một cách hài hước, bố của John Peters có “Thú đam mê sưu tập tem”. Cách dẫn chuyện tài tình ở cái chi tiết sự ham mê của anh với một loại tem đặc biệt không đục lỗ chiếu ứng với cái kết bất ngờ của truyện “Có của rơi vào tay mà để vuột mất”. Mời bạn đọc thưởng thức.
TOIVO TOOTSEN ( )LGT: Đây là một truyện hài hước thú vị về nạn kẹt xe. Tác giả đã sử dụng một thủ pháp phóng đại đến mức vô lý, không tưởng: một vụ kẹt xe bất tận từ đám cưới đến sinh con, ly dị, tái kết hôn, con vào đại học và kết hôn mà cuộc kẹt xe vẫn chưa kết thúc!. Mượn một tình huống kẹt xe “hoang tưởng” này, nhà văn muốn gởi tới một thông điệp hài hước một cách bi đát: nếu giao thông ở các đô thị lớn không ở các đô thị lớn không được tổ chức một cách khoa học thì từ đời cha đến đời con nạn kẹt xe vẫn chưa được giải quyết. TSCH
JAMES JOYCELGT: James Joyce (1882 - 1941) là một trong những khuôn mặt lớn nhất của văn xuôi Anh - Ailen và châu Âu thế kỷ XX. Ông “là nhân vật trung tâm của văn xuôi hiện đại”, một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất, gây phản ứng mạnh nhất, “một trong những thần tượng của thời đại” đối với văn nghệ sĩ trẻ và giới trí thức châu Âu đương thời.
A THÀNH L.T.S: "Vua cờ" (Kỳ vương) được đăng lần đầu trên tạp chí "Thượng hải văn học" năm 1984. Vừa xuất hiện, "Vua cờ" đã chấn động văn đàn, liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng "Trung thiên tiểu thuyết ưu tú" ở cấp tỉnh và trung ương ở Trung Quốc. Tác giả A Thành tên thật là Chung A Thành sinh năm 1949 ở Tứ Xuyên. Đây là tác phẩm đầu tay của ông. Do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi không thể in trọn tác phẩm nổi tiếng này khoảng gần 100 trang sách. Dưới đây là chương IV, chương cuối cùng của "Vua cờ".
ROBERT SWINDELLS (ANH)Nếu thế giới này bằng phẳng và nếu bạn có thể nhìn thẳng vào mặt trời đang mọc, bạn sẽ nhìn thấy miền đất nơi Nick và Bruin sinh sống. Nơi ban ngày ẩm nhoẹt còn ban đêm thì ngột ngạt ghê người, nơi mặt trời lên như kẻ thù và gió như muốn bốc cháy.
ALEXANDER VAMPILOV (NGA)Nikolai Nikolaevich Smirnov tin chắc là ông không sống được đến mùa xuân sang năm.