HERMANN HESSE
(Nhà văn Đức, Nobel văn học năm 1946)
Trước đây, một chàng trai trẻ có tên là Ziegler đã sống ở ngõ Brauer. Anh là một trong những người thường xuyên ngày nào cũng gặp chúng tôi ở trên đường phố và chưa bao giờ chúng tôi có thể ghi nhớ chính xác khuôn mặt của những người ấy, vì tất cả bọn họ cùng có khuôn mặt giống nhau: một khuôn mặt bình thường ở giữa đám đông.
Ảnh: internet
Ziegler luôn luôn giống những con người như thế về mọi thứ và luôn luôn làm tất cả những gì mà họ làm. Anh không phải là người bất tài, nhưng cũng không có tài, anh ta thích tiền và thú vui, thích mặc quần áo đẹp và cũng e sợ như phần lớn mọi người: cuộc sống và hành động của anh bị chi phối qua những khao khát và ước vọng ít hơn so với qua những sự ngăn cấm, qua nỗi sợ hãi trước sự trừng phạt. Anh cũng có một số đức tính tốt và nói chung là một người dễ mến bình thường mà chính bản thân anh cũng thấy mình rất đáng yêu và quan trọng. Anh coi mình là một con người như bất cứ người nào trong khi anh chỉ là một cá thể, và nhìn thấy tâm điểm của mọi người trong con người mình, trong số phận của mình như bất kỳ ai. Anh chả bao giờ hoài nghi, và nếu các sự việc trái với nhân sinh quan của anh thì anh chỉ nhắm mắt tỏ ý không không tán thành.
Là người thức thời, ngoài việc rất quý trọng đồng tiền Ziegler còn rất coi trọng sức mạnh của khoa học. Thực ra, anh chẳng biết nói khoa học là gì, tuy nhiên anh nghĩ đến cái gì đó như phép thống kê và cũng nghĩ một chút đến vi khuẩn học. Có lẽ anh biết nhà nước dành bao nhiêu tiền và danh dự cho khoa học. Anh đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu ung thư, vì cha anh chết vì bệnh này, và Ziegler nhận định, nền khoa học phát triển ở trình độ cao ngày nay sẽ không cho phép điều ấy một ngày nào đó xảy ra đối với anh.
Bề ngoài Ziegler nổi bật qua việc cố gắng mặc thứ gì đó vượt quá khả năng tài chính của mình, luôn hợp mốt của năm. Đương nhiên anh coi khinh những mốt của quý và của tháng như là sự đua đòi ngu ngốc vì vượt quá nhiều khả năng của anh. Anh chú trọng nhiều đến tư cách, dám chửi cấp trên, chửi chính quyền cùng với những người ngang hàng với mình và ở những nơi an toàn. Có lẽ tôi đang mô tả quá lâu về con người này. Nhưng Ziegler thực sự là một người trẻ hấp dẫn, và chúng tôi đã mất đi nhiều thứ ở anh. Vì anh đã gặp phải kết cục chóng vánh và lạ lùng, trái với những dự định và những niềm hy vọng chính đáng của anh.
Không lâu sau khi Ziegler đến ở thành phố của chúng tôi, một hôm anh quyết định tổ chức cho mình một ngày chủ nhật vui vẻ. Anh chưa kết thân với ai và chưa gia nhập hội nào vì còn đang do dự. Có thể đó là tai họa của anh. Thật không may khi người ta chỉ có một mình. Vì vậy Ziegler buộc phải nghĩ đến các danh lam thắng cảnh của thành phố mà anh đã dò hỏi kĩ lưỡng. Và sau khi kiểm tra cẩn thận anh quyết định đi chơi ở Bảo tàng lịch sử và ở vườn thú. Vào các buổi sáng chủ nhật thì bảo tàng mở cửa miễn phí, còn vườn thú thì giảm giá vé tham quan vào buổi chiều.
Trong bộ comple mới có cúc bọc nỉ mà anh rất thích Ziegler đi đến Bảo tàng lịch sử vào chủ nhật. Anh mang theo chiếc ba toong mảnh mai của mình, một chiếc ba toong bốn cạnh, được đánh véc ni màu đỏ mang lại cho anh phong thái đĩnh đạc và sự sang trọng, nhưng anh cảm thấy rất khó chịu khi bị người gác cửa thu giữ trước khi anh đi vào các phòng trưng bày của bảo tàng.
Ở trong các phòng rộng người ta có thể xem đủ thứ, và Ziegler, một người ngoan đạo, vô cùng khâm phục nền khoa học toàn năng cũng đang chứng tỏ sự xác thực đáng kinh ngạc của nó ở đây, khi anh tự tìm hiểu được các thông tin về nó qua những sự ghi chép cẩn thận ở các tủ trưng bày hiện vật. Những món đồ cũ như các chìa khóa cổng han gỉ, những cái kiềng đeo cổ màu xanh gỉ đồng bị gãy và những thứ tương tự mang lại cho Ziegler một sự thích thú lạ thường. Điều tuyệt vời là những người làm khoa học quan tâm đến tất cả mọi thứ khi họ am hiểu tất cả và ghi chép lại. Ziegler nghĩ, chắc chắn chẳng bao lâu nữa khoa học sẽ loại bỏ được bệnh ung thư và có thể là cả cái chết nữa.
Trong phòng trưng bày thứ hai Ziegler thấy có một cái tủ kính, bề mặt của nó phản chiếu rất rõ, nên Ziegler có thể đứng lại một lát để ngắm bộ comple, ngắm kiểu tóc, ngắm cổ áo, ngắm chiếc quần là li thẳng tắp của mình, kiểm tra xem cà vạt có còn được thắt ngay ngắn hay không với sự cẩn thận và mãn nguyện. Anh hít thở thật mạnh, vui vẻ bước tiếp và chăm chú ngắm nghía một vài sản phẩm của những thợ chạm khắc gỗ thời xưa. Anh thầm khen những người thợ tài hoa đã tạo ra những sản phẩm tinh xảo này. Anh cũng chiêm ngưỡng một cái đồng hồ đứng cổ có những bức tượng nhỏ làm bằng ngà voi đang nhảy điệu mơnuet khi điểm giờ và hết sức khâm phục những người thợ đã làm ra nó. Sau đó Ziegler cảm thấy bắt đầu hơi chán với việc đi tham quan, anh ngáp dài và liên tục rút chiếc đồng hồ bỏ túi của mình ra ngắm nghía, có lẽ anh muốn khoe nó với mọi người, nó được làm bằng vàng và là một món đồ thừa kế từ cha anh.
Ziegler thấy mình vẫn còn nhiều thời gian cho đến lúc ăn trưa nên anh đi vào một phòng trưng bày khác, nơi có thể khơi dậy lại sự tò mò của anh. Tại đây người ta trưng bày các đồ đạc của sự mê tín dị đoan thời trung cổ, những quyển sách ma thuật, những cái bùa, trang phục phù thủy và ở trong một góc phòng có cả một xưởng giả kim thuật với lò luyện, những chiếc cối, những chiếc cốc phình bụng, những chiếc bàng quang lợn khô đét, các ống bệ và nhiều thứ khác. Góc phòng này được ngăn cách bởi một dây thừng bằng len, ở đó còn có một cái bảng để dòng chữ “Cấm sờ vào hiện vật”. Nhưng vì chỉ có một mình anh ở trong phòng nên anh không ngần ngại với tay qua sợi dây thừng và sờ vào một vài thứ trong số những đồ vật ngồ ngộ. Anh đã nghe nói và đã đọc về thời trung cổ và sự mê tín dị đoan đến tức cười ở thời đó; anh không thể hiểu được, làm sao con người thuở ấy lại có thể làm việc với những dụng cụ nực cười như vậy, và tại sao người ta không làm một việc đơn giản là cấm toàn bộ những trò quỷ thuật và các dụng cụ đó. Tuy nhiên cũng từ giả kim thuật mà môn hóa học rất hữu ích ra đời. Chúa ơi! Thật lạ là người ta nghĩ rằng có thể những chiếc lò nấu kim loại của nhà giả kim thuật và toàn bộ món đồ ma thuật nực cười kia đã thực sự cần thiết, vì nếu không có những thứ đó thì ngày nay sẽ không có thuốc aspirin và bom ngạt!
Ziegler vô tư cầm trên tay một viên nhỏ màu đen, khô kiệt, nhẹ bẫng, hơi giống một viên thuốc, vân vê nó và vừa mới định đặt nó xuống thì anh nghe thấy tiếng chân người ở phía sau mình. Anh quay người lại, nhìn thấy một vị khách tham quan đã bước vào phòng trưng bày. Ziegler thấy ngượng về việc anh cầm trên tay viên thuốc, vì rõ ràng là anh đã đọc bảng “Cấm sờ vào hiện vật”. Do đó anh nắm bàn tay lại, đút tay vào túi quần và đi ra khỏi phòng trưng bày.
Mãi đến khi đi trên đường phố Ziegler mới lại sực nhớ đến viên thuốc ở trong túi quần. Anh móc nó ra và định vất nó đi, nhưng sau đó anh đưa nó lên mũi ngửi. Nó có mùi thơm nhẹ giống như mùi nhựa thông mà anh rất thích, vì vậy anh lại đút nó vào túi quần.
Bây giờ Ziegler đi vào nhà hàng, gọi món ăn, lật giở vài tờ báo, tay mân mê cà vạt và ném những cái nhìn vừa kính cẩn vừa kiêu ngạo về phía những thực khách, tùy kheo cách ăn mặc của họ. Nhưng khi đợi bồi bàn mang thức ăn cho mình Ziegler móc viên thuốc của nhà giả kim thuật mà anh đã vô tình đánh cắp ra và ngửi nó. Sau đó anh cạo nó bằng móng của ngón tay trỏ, cuối cùng anh nảy sinh sự thèm muốn ngu ngốc và đưa nó lên miệng; nó nhanh chóng tan trong mồm Ziegler mà không có vị khó chịu, cho nên anh nuốt nó xuống bụng cùng với một ngụm bia. Ngay sau đó bồi bàn cũng mang thức ăn cho anh.
Vào lúc hai giờ Ziegler nhảy xuống từ một toa xe điện, bước vào sân trước của vườn thú và mua một vé vào cửa ngày chủ nhật. Anh khoan khoái mỉm cười đi đến khu nuôi nhốt khỉ và đứng trước cái chuồng lớn của tinh tinh. Con tinh tinh nháy mắt với Ziegler, thân thiện gật đầu với anh và nói bằng giọng ồm ồm các từ: “Khỏe chứ, người anh em?” Ziegler vô cùng ngạc nhiên, hoảng sợ quay ngoắt mặt đi và nghe thấy con tinh tinh chửi ở phía sau mình khi anh bỏ đi: “Đồ kiêu ngạo ngu ngốc!”
![]() |
Minh họa: Nhím |
Ziegler đi nhanh sang chỗ những con khỉ đuôi dài. Chúng tinh nghịch nhảy nhót và gào lên: “Đưa đường đây, anh bạn!” Và khi Ziegler không có đường cho chúng, chúng nổi giận, bắt chước điệu bộ của anh, gọi anh là kẻ nghèo kiết xác và nhe răng ra với anh. Ziegler không chịu nổi điều đó, anh sửng sốt, luống cuống bỏ chạy và đi sang chỗ nuôi nhốt hươu nai và hoẵng, những con vật mà Ziegler hy vọng sẽ đối xử tử tế hơn đối với anh.
Một con nai to, dáng đẹp đứng gần lưới sắt và nhìn Ziegler. Khi đó anh vô cùng hoảng sợ. Vì từ khi anh nuốt viên thuốc ma thuật cổ thì anh hiểu được tiếng nói của các loài vật. Và con nai nói bằng đôi mắt to màu nâu của mình. Cái nhìn lặng lẽ của nó nói lên sự quý phái, sự hiền lành và sự buồn rầu, nó đang bày tỏ một sự khinh bỉ tột cùng đối với Ziegler, một sự khinh bỉ đáng sợ. Qua cái nhìn lặng lẽ, oai vệ của con nai Ziegler hiểu rằng nó muốn nói, anh, một kẻ ăn mặc lịch sự có mũ, gậy ba toong và đồng hồ thì cũng chẳng hơn gì một con bọ chét, một loài côn trùng kinh tởm và đáng ghét.
Từ chỗ con nai Ziegler bỏ chạy đến chỗ con sơn dương, từ đó đến chỗ những con linh dương, con lạc đà không bướu, con linh dương đầu bò, đến chỗ những con lợn rừng và những con gấu. Anh không bị những loài vật này lăng nhục, nhưng bị tất cả bọn chúng khinh bỉ. Anh lắng tai nghe chúng nói chuyện và qua các cuộc đối thoại của chúng biết được chúng nghĩ về con người kinh khủng như thế nào. Chúng đặc biệt ngạc nhiên về việc chính những con người xấu xí, bốc mùi hôi hám, đáng khinh kia lại được phép tự do đi lại trong những những lớp vải bao bọc cơ thể tức cười của mình.
Ziegler nghe thấy một con sư tử châu Mỹ nói với con của mình, một câu chuyện đầy nhân phẩm, khôn ngoan và sáng suốt mà anh hiếm khi nghe được ở con người. Anh nghe thấy một con báo đen đẹp bày tỏ ý kiến ngắn gọn, rành mạch trong những lời lẽ thâm thúy về lũ khách tham quan vườn thú vào ngày chủ nhật. Anh nhìn vào mắt của con sư tử lông vàng và biết được thế giới hoang dã tuyệt diệu và rộng lớn như thế nào, nơi không có các khu nuôi nhốt thú và con người. Anh nhìn thấy một con chim cắt buồn bã, kiêu hãnh đậu trên cành cây khô trong sự sầu muộn tê tái và nhìn thấy những con chim giẻ cùi chịu đựng sự giam cầm cùng với sự thắc mắc, sự nhún vai và sự hài hước.
Đờ đẫn và bứt ra khỏi những suy nghĩ của mình Ziegler lại quay về với con người trong sự tuyệt vọng. Anh tìm một ai đó hiểu được sự lo lắng và nỗi sợ hãi của anh. Anh lắng tai nghe các câu chuyện của con người để nghe được một điều gì đó dễ hiểu, gần gũi và thân mật. Anh để ý đến điệu bộ của nhiều người khách tham quan vườn thú để cũng tìm thấy ở ai đó trong số họ nhân phẩm, bản tính, sự cao thượng và tình yêu đồng loại.
Nhưng Ziegler bị thất vọng. Anh nghe thấy các giọng nói và các lời nói, nhìn thấy những cử chỉ, những điệu bộ, những cái nhìn của con người, và vì bây giờ anh nhìn mọi thứ như nhìn bằng mắt của một con vật nên anh chẳng thấy gì ngoài một đám đông xấu xa, đồi bại, giả tạo, dối trá của những sinh vật giống thú mà hình như là sự pha trộn nực cười của tất cả các loài.
Ziegler đi lang thang một cách tuyệt vọng, vô cùng xấu hổ về bản thân. Từ lâu anh đã vứt chiếc ba toong vào bụi rậm, sau đó là găng tay. Nhưng giờ đây, khi anh vứt chiếc mũ của mình đi, cởi giày, giật cà vạt ra và khóc nức nở tựa người vào lưới sắt của chuồng nai, thì anh bị bắt trong sự ngỡ ngàng của mọi người và bị đưa vào một nhà thương điên.
Phạm Đức Hùng
dịch từ nguyên bản tiếng Đức
(TCSH353/07-2018)
SINCLAIR LEWISLGT: SINCLAIR LEWIS (1885 - 1951, giải thưởng Nobel 1930)Ông là tiểu thuyết gia, người viết truyện ngắn có tiếng và nhà viết phê bình có uy tín ở Mỹ.
BRUNO LESSINGLGT: Bruno Lessing (1870-1940) sinh tại New York, Mỹ. Tên thật của ông là Rudolp Block nhưng ông nổi tiếng với tư cách là nhà văn chuyên viết truyện ngắn dưới bút danh Bruno Lessing. Ông là phóng viên và sau đó là biên tập viên cho nhiều tờ báo. Mô tả của Lessing về cuộc sống của người Do Thái ở New York được đánh giá cao. Truyện dưới đây được dẫn dắt một cách hấp dẫn, lý thú, làm nổi bật mối quan hệ giữa hai thế hệ: cha và con, vấn đề nhập cư, đồng hóa hay giữ bản sắc văn hóa với một giọng điệu dí dỏm.
JUAN JOSÉ ARREOLA (Sinh 1918, Nhà văn Mêhicô)LGT: Arreola là một nhà cách tân lớn về truyện kể. Là một người tự học tài năng, ông sở đắc một nền văn hoá rộng lớn, cũng như trải qua nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Arreola chủ yếu sáng tác những truyện kể ngắn, cô đúc, mỉa mai, hay bí ẩn, ưa thích cái nghịch lý và ông là một trong những bậc thầy của hình thức truyện ngắn này. Ba tuyển tập truyện ngắn của ông là Varia Invencion (1049), Confabulario (1952), Confabulario Définitivo (1087).
KAWABATA YASUNARI LGT: KAWABATA YASUNARI (1899 - 1972) là nhà văn đầu tiên của Nhật Bản đoạt giải thưởng Nobel văn chương (1968). Ông nổi tiếng thế giới với những tiểu thuyết như: Xứ Tuyết (1935 - 1947), Ngàn cánh hạc (1949), Tiếng rền của núi (1950), Người đẹp say ngủ (1961), Cố đô (1962)...
MATVEEVA ANNALGT: MATVEEVA ANNA (Sinh 1975) là một nhà văn nữ trẻ của văn học Nga đương đại tài năng đầy hứa hẹn. Đã xuất bản một số tập truyện ngắn. Truyện ngắn của cô đã được đăng trong các tạp chí lớn của Nga như Thế giới mới, Tháng Mười. Văn xuôi của cô hóm hỉnh, thể hiện sự tò mò sắc sảo trước cuộc sống và con người. Tác phẩm của cô được xem như thể hiện một số sắc thái và đặc điểm của văn xuôi hậu hiện đại Nga hiện nay. Xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Con chó” dưới đây của nữ văn sĩ qua bản dịch của nữ dịch giả Đào Tuấn Ảnh.
YVELINE FÉRAYLTS: Monsieur le paresseux là cuốn tiểu thuyết lịch sử dày gần 300 trang của nữ văn sỹ Pháp Yveline Féray viết về Đại danh y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, do Nhà xuất bản Robert Laffont ở Paris ấn hành năm 2000. Trước đó, năm 1989 nữ văn sỹ này đã cho xuất bản ở Pháp cuốn tiểu thuyết dày 1000 trang Dix mille printemps, viết về Nguyễn Trãi - nhà chính trị, quân sự lỗi lạc; nhà thơ lớn của Việt Nam ở thế kỷ XV.
MARSEL SALIMOV (LB NGA)Đất nước ta quá giàu! Vì thế tôi nảy ra ý định muốn cuỗm một thứ gì đó. Những tên kẻ cắp ngày nay chả giống như trước đây. Chúng không thèm để mắt đến những thứ lặt vặt. Cả một đoàn tàu bỗng dưng biến mất tăm! Những nhà máy không thể di dời được, thế nhưng người ta lại nghĩ ra kế chiếm đoạt chúng. Nghe đồn nay mai người ta sẽ bắt đầu chia chác cả đất lẫn nước!
AKILE CAMPANILE(Nhà văn Italia)LTS: Số Tết này, TCSH chọn một truyện ngắn hài hước của một nhà văn Ý, có nhan đề “Ngón nghề kinh doanh”, qua bản dịch của dịch giả nổi tiếng Lê Sơn, để bạn đọc có dịp thư giãn trong dịp đầu Xuân.
HERMANN HESSE Tương truyền thi nhân người Tàu tên Han Fook thuở thiếu thời chỉ thao thức với một khát khao kỳ diệu là muốn học hết mọi điều và tự rèn luyện mình đến hoàn hảo trong tất cả các môn liên quan đến nghệ thuật thi ca.
OLGA TOKARCZUK (Nữ nhà văn Ba Lan)LGT: Nữ văn sĩ Ba Lan Olga Tokarczuk sinh năm 1962 tại Sulechow, Ba Lan. Bà là nhà văn “hậu hiện đại” và “nữ quyền”. Năm 1979 những truyện ngắn đầu tay của bà được đăng tải trên Tạp chí Thanh niên, năm 1989 những bài thơ đầu tay được in trong các tạp chí “Rađa” và “Đời sống văn học”.
NADINE GORDIMER ( Phi), Giải Nobel 1991LGT: Nữ văn sĩ Nadine Gordimer sinh năm 1923 tại Phi. Bà cho in truyện ngắn đầu tay năm 15 tuổi và tiếp tục nghề văn khi còn là sinh viên Đại học Wirwatersrand. Có thời kỳ sách của bà bị chế độ phân biệt chủng tộc Phi cấm đoán. N.Gordimer được trao tặng nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải Nobel văn chương năm 1991.
OLGA TOKARCZUKLGT: Trong số tháng 3 – 2007 (217), Sông Hương đã giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” của OLGA TOKARCZUK, một nữ văn sĩ thuộc dòng văn học nữ “hậu hiện đại Ba Lan”. Số báo này, Sông Hương xin giới thiệu tiếp truyện ngắn “Vũ nữ”. Đây là một truyện ngắn độc đáo dựa trên một leimotic “cuộc đối thoại vô hình” giữa người con gái và người cha, láy đi láy lại đến 6 lần, thể hiện cuộc chiến đấu âm thầm dữ dội, tự khẳng định mình trong nghệ thuật, chống lại sức mạnh ám ảnh của mặc cảm “bất tài”.
BERNARD MALAMUDLGT: Bernard Malamud sinh năm 1914 tại Brooklyn, New York, lớn lên trong thời kỳ Đại Khủng hoảng Kinh tế, là người Nga gốc Do Thái trong một gia đình bán tạp hoá. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và được nhận nhiều giải thưởng văn học.
RADOI RALIN (Bungari)LGT: Đây là một truyện có ý vị sâu xa với các môtíp sự cám dỗ của quyền lực, “sự đồng loã ngây thơ” với tội ác, sự tự nhận thức và tự trừng phạt. Nhưng trên hết là sự vạch trần và tố cáo sự bịp bợm quỷ kế của giới quyền lực. Đây là một truyện ngụ ngôn mới đặc sắc. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
ZACE HAMMERTON (Anh quốc)LGT: Truyện dựng chân dung của một kẻ “Sính khiếu nại” “một cách hài hước, bố của John Peters có “Thú đam mê sưu tập tem”. Cách dẫn chuyện tài tình ở cái chi tiết sự ham mê của anh với một loại tem đặc biệt không đục lỗ chiếu ứng với cái kết bất ngờ của truyện “Có của rơi vào tay mà để vuột mất”. Mời bạn đọc thưởng thức.
TOIVO TOOTSEN ( )LGT: Đây là một truyện hài hước thú vị về nạn kẹt xe. Tác giả đã sử dụng một thủ pháp phóng đại đến mức vô lý, không tưởng: một vụ kẹt xe bất tận từ đám cưới đến sinh con, ly dị, tái kết hôn, con vào đại học và kết hôn mà cuộc kẹt xe vẫn chưa kết thúc!. Mượn một tình huống kẹt xe “hoang tưởng” này, nhà văn muốn gởi tới một thông điệp hài hước một cách bi đát: nếu giao thông ở các đô thị lớn không ở các đô thị lớn không được tổ chức một cách khoa học thì từ đời cha đến đời con nạn kẹt xe vẫn chưa được giải quyết. TSCH
JAMES JOYCELGT: James Joyce (1882 - 1941) là một trong những khuôn mặt lớn nhất của văn xuôi Anh - Ailen và châu Âu thế kỷ XX. Ông “là nhân vật trung tâm của văn xuôi hiện đại”, một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất, gây phản ứng mạnh nhất, “một trong những thần tượng của thời đại” đối với văn nghệ sĩ trẻ và giới trí thức châu Âu đương thời.
A THÀNH L.T.S: "Vua cờ" (Kỳ vương) được đăng lần đầu trên tạp chí "Thượng hải văn học" năm 1984. Vừa xuất hiện, "Vua cờ" đã chấn động văn đàn, liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng "Trung thiên tiểu thuyết ưu tú" ở cấp tỉnh và trung ương ở Trung Quốc. Tác giả A Thành tên thật là Chung A Thành sinh năm 1949 ở Tứ Xuyên. Đây là tác phẩm đầu tay của ông. Do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi không thể in trọn tác phẩm nổi tiếng này khoảng gần 100 trang sách. Dưới đây là chương IV, chương cuối cùng của "Vua cờ".
ROBERT SWINDELLS (ANH)Nếu thế giới này bằng phẳng và nếu bạn có thể nhìn thẳng vào mặt trời đang mọc, bạn sẽ nhìn thấy miền đất nơi Nick và Bruin sinh sống. Nơi ban ngày ẩm nhoẹt còn ban đêm thì ngột ngạt ghê người, nơi mặt trời lên như kẻ thù và gió như muốn bốc cháy.
ALEXANDER VAMPILOV (NGA)Nikolai Nikolaevich Smirnov tin chắc là ông không sống được đến mùa xuân sang năm.