Ẩm thực nhà lam xứ Huế tiếp cận từ góc độ văn hoá

15:28 17/02/2009
TÔN NỮ  KHÁNH TRANG              Khi bàn về văn hoá ẩm thực, người ta thường chú trọng đến ẩm thực cung đình, hay dân gian, và chủ yếu đề cập đến sinh hoạt, vai trò, địa vị xã hội... hơn là nghĩ đến hệ ẩm thực liên quan đến đời sống lễ nghi.

Trường hợp ở Huế, nếu chúng ta loại bỏ chúng ra khỏi phạm trù nghiên cứu, thì sẽ trống đi một mảng quan trọng, do Phật giáo có một tầm ảnh hưởng đáng kể đối với văn hoá xứ Đàng Trong. Thức ăn chay cũng vì thế mà trở thành một bộ phận không nhỏ của văn hoá ẩm thực Huế. Thức ăn chay, ăn các món thực vật, thọ trai ở nhà lam thực ra trong những nét chung có rất nhiều những cái riêng của từng đối tượng.
Có thể nói rằng, đời sống văn hoá của mỗi tộc người chịu sự chi phối bởi quan niệm sống của tộc người đó. Và ở đây, triết lý dinh dưỡng trong Phật giáo đã chi phối đến sinh hoạt ẩm thực thường nhật nhà lam, thể hiện qua hệ món ăn, cách thức chế biến, thời gian ăn, cách ăn, không gian ăn... Món ăn nhà lam đơn giản từ nguyên liệu đến kỹ thuật chế biến. Sự đơn điệu của món ăn chùa không hẳn vì điều kiện kinh tế khó khăn, mà bản thân sự giản đơn lại chính là cách thực hành hạnh "thiểu dục tri túc" (ít muốn cái chưa có và biết đủ với cái đã có) hay nguyên tắc "tam thường bất túc" (ba nhu cầu thường tình của cuộc sống là ăn, mặc và ở nhưng không được đầy đủ) của Phật giáo.

Chùa Huế, ngoài những vị trí ở sát nách kinh thành, phần lớn đều toạ lạc trên vùng gò đồi phía tây, tây - nam kinh thành Huế. Sự phân bố có tính mật tập nầy hẳn nhiên không ngoài mục đích sử dụng không gian thanh tịnh cho việc tu chứng, mà nguồn nguyên liệu đa dạng: hệ cây dại, bán thuần dưỡng của địa hình vùng bán sơn địa nơi đây như là kho "hậu cần" cho sinh hoạt ẩm thực nhà chùa. Với hệ cây dại, đã hình thành nhiều món ăn cho bữa cơm trai tịnh, từ ăn sống, cho đến nhiều cách chế biến khác như luộc, xào, nấu canh... tuỳ theo đặc điểm của từng loại, và quan trọng hơn là phù hợp với sự đạm bạc trong quan niệm của người tu hành. Bên cạnh hệ cây dại (như rau sam, rau má, rau chua lè, rau éo, rau rìu, rau dền, tàu bay, rau trai, mã đề, rau ngót, sưng, mồng tơi, bát bát, lan dại, càng cua, cỏ hôi, nấm, măng, lá lốt, rau tờn, diếp cá, me đất, sim, mua, móc, mâm xôi, chuồn chuồn, cam rượu, cơm nguội, cây ươi, bứa, chay, mắm nêm), cây bán thuần dưỡng là nguồn cung cấp thực phẩm chính cho nhà chùa (như mít, chuối, đu đủ, sa kê, bùi, vả, khế, đào, thơm). Hiện diện trong thực đơn nhà chùa cũng có nhiều nguyên liệu khác trong khuôn viên vườn chùa: rau, trái, gia vị, củ... Chúng không chỉ  bổ sung về mặt số lượng, mà đó còn là nguồn "dinh dưỡng" cho bữa cơm giản dị thường nhật, và quan trọng hơn là cung cấp cho nhà chùa một lượng thức ăn dự trữ dồi dào.

Với khí hậu khắc nghiệt của vùng đất, việc phòng bệnh cũng được chú trọng nên trong thực đơn thường nhật ở nhà chùa thường xuyên hiện diện những vị thuốc đặc thù mà dì Vãi đã khéo chọn và biết cách pha chế để có sự cân bằng về âm dương, nhằm phòng ngừa một số bệnh thông thường. Ngoài ra ở nhà chùa còn có những bài thuốc đặc trị, chữa các bệnh thông thường như cảm cúm thì dùng lá rau tờn, diếp cá ăn sống hoặc nấu cháo ăn để hạ sốt; đau bụng thì dùng cây thuốc cứu hay mơ lông sắc uống; để chữa ho, dùng cây me đất trộn với đường phèn thay vì dùng hẹ và ném trong quan niệm dân gian; ăn hoặc uống nước có vị sả..., những món ăn có nghệ. Để giải nhiệt trong những ngày hè nóng bức thì dùng cây long tu nấu chè...
Từ khí hậu khắc nghiệt và thất thường của vùng đất, đã hình thành nên tính cách của người Huế - tính dự phòng. Và trong ẩm thực, nó trở thành nét văn hoá đặc trưng, đó là việc thường xuyên tạo nguồn thức ăn dự trữ. Chính vì vậy mà nhà chùa đã tận dụng nguồn sản vật dồi dào cùng cái nắng oi ả của mùa hè, bằng nhiều cách thức khác nhau: làm dưa, phơi khô, mắm... để tạo nên nguồn thực phẩm phong phú và thậm chí có những món không thấy phổ biến trong dân gian, chẳng hạn như rau muống khô, cải khô, mắm đào, dưa khế, mắm vả.

Quả thật là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua những ghè tương, hũ chao - thức ăn bổ dưỡng, là nguồn đạm bổ sung quan trọng nhưng cũng chỉ dành cho người ốm đau, các bậc trú trì, trưởng lão. Tương chỉ dùng để pha nước chấm, nhưng số lượng cũng không đủ dùng cho nhà chùa. Cho nên, những ghè tương sau khi vơi đi một phần, nhà chùa lại nấu nước muối cho vào để  dùng đủ cho cả năm, vì thế mà tương ngày càng mặn hơn. Để khắc phục nhược điểm nầy, người đầu bếp cho thêm vào bát nước tương một ít bột bánh in - loại bánh đặc trưng của Huế để dâng cúng Phật, vừa tăng vị ngọt, đồng thời tạo nên một loại nước chấm riêng có trong thực đơn của nhà lam xứ Huế
Bên cạnh cái ăn, chúng ta không thể không nhắc đến thức uống. Vườn chùa Huế phổ biến với nhiều loại hoa: soái, tường vi, lài, quỳnh..., không chỉ để thưởng thức hương hoa mà còn cung cấp hương liệu cho việc uống của nhà chùa. Tuy nhiên, nước uống phổ biến đồng thời cũng là vị thuốc của nhà chùa Huế nói riêng là chè xanh, nhờ có tác dụng giải nhiệt và chữa bệnh thận rất tốt. Ngoài ra, nhà chùa còn sử dụng rễ cây mai hay vỏ cây sứ nấu nước uống, nhằm trị các chứng bệnh theo quan niệm của y học phương Đông.

Ẩm thực già lam thường nhật là vậy nhưng trong dịp kỵ, giỗ tổ lại hội tụ những "nghệ sĩ" bếp núc tài hoa trình diễn nghệ thuật ẩm thực. Dưới thời chúa Nguyễn, Phật giáo được xiển dương, nên nhà chùa thường nhận được sự hậu thuẫn của phủ chúa. Nói cách khác là có sự tham gia của tầng lớp quý tộc trong hoạt động tôn giáo. Cho nên, việc con cái thường xuyên theo cha mẹ lên chùa có thể nói là thuộc vào nề nếp của gia đình. Đối với những cô gái sinh trưởng trong những gia đình thượng lưu, quý tộc, quan lại, thì vấn đề công, dung, ngôn, hạnh lại càng được quản giáo chặt chẽ. Chính khả năng vén khéo để lo được miếng ăn thức uống vừa miệng chồng con của người mẹ đã dần ảnh hưởng trong ý thức lẫn vô thức của người con gái. Quá trình tiếp thu, huân tập kéo dài từ thuở ấu thơ cho đến thời niên thiếu và trở thành vốn liếng quý giá khi trưởng thành. Những đối tượng nầy trong những lần cùng gia đình lên chùa nấu nướng, họ có dịp trổ tài khéo tay của mình. Sự sáng tạo linh động trong chế biến, khéo điều chỉnh trong những tình huống đột biến, biến cái bình thường thành điều ấn tượng, biến sự đạm bạc thành chất nghèo mà sang trong vốn liếng của người phụ nữ đã ảnh hưởng đến món chay nhà chùa. Cho nên, dù thức ăn nhà lam có đạm bạc, nghèo nàn, song với tài khéo trong chế biến của họ, đã biến chúng trở thành món ăn dễ nhìn, hợp khẩu vị. Và những món ăn chay giả mặn mà chúng ta bắt gặp, không ngoài mục đích trình diễn sự khéo của những người đầu bếp đời thường, chứ hoàn toàn không phải là sự vọng tưởng của người xuất gia.

Sự gia tăng ngày càng nhiều về số lượng chúng tăng, lẽ tất nhiên, không gian sinh hoạt nhà chùa cần phải được nới rộng về quy mô. Song song với việc phát triển quy mô sinh hoạt là quá trình thu hẹp dần khuôn viên vườn chùa và mất đi một số loại cây trái bao gồm cả cây dại, cây bán thuần dưỡng mà một thời đã gắn bó với cuộc sống của sư tăng chúng điệu. Cùng lúc, sự phát triển tất yếu của xã hội dẫn đến hiện tượng gia tăng dân số, cho nên, quy hoạch khu dân cư ngày một tiến về những khu đất trống ở phía tây. Chính khoảng cách ngày một thu hẹp nầy cùng với điều kiện giao thông ngày một phát triển, ngôi chùa không còn quá xa đối với người dân. Xuất phát từ nguyên nhân khách quan, chủ quan đó, cho nên những món ăn từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên, thậm chí ngay cả từ hệ cây trồng trong khuôn viên vườn cũng không còn phổ biến trong thực đơn nhà chùa Huế. Sự thay đổi món ăn già lam là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, xuất phát từ triết lý ăn uống trong nhà chùa, dù có sự thay đổi về nguyên liệu, cách thức chế biến thức ăn... nhưng không kéo theo sự thay đổi trong quan niệm của chủ thể bởi tất cả, vẫn chỉ được xem là "phương tiện" để thực hiện con đường tu học.

Có thể khẳng định là, không ở đâu mà văn hoá ẩm thực bị chi phối bởi yếu tố tâm linh sâu đậm như ở Huế, không chỉ thể hiện trong nhà chùa mà còn phổ biến trong không gian gia đình Huế, cụ thể là việc thực hiện nhị trai, tứ trai, lục trai, thập trai, ăn chay 3 tháng, thậm chí là trường trai.
T.N.K.T

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • VÕ NGỌC LANNếu cuộc đời người là một trăm năm hay chỉ là sáu mươi năm theo vòng liên hoàn của năm giáp, thì thời gian tôi sống ở Huế không nhiều. Nhưng những năm tháng đẹp nhất của đời người, tôi đã trải qua ở đó. Nơi mà nhiều mùa mưa lê thê cứ như níu giữ lấy con người.

  • LTS: Đại Học Huế đang ở tuổi 50, một tuổi đời còn ngắn ngủi so với các Đại học lớn của thế giới. Nhưng so với các Đại học trong nước, Đại Học Huế lại có tuổi sánh vai với các Đại học lớn của Việt như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trên hành trình phát triển của mình, Đại Học Huế đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, giáo dục, văn hoá ở miền Trung, Tây Nguyên, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho khu vực và cả nước. Nhân dịp kỷ niệm này, TCSH phân công ông Bửu Nam, biên tập viên tạp chí, trao đổi và trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại Học Huế. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện này.

  • VÕ ĐẮC KHÔICó một thời người Huế loay hoay đi vỡ núi, phá rừng trồng khoai sắn. Có một thời người Huế tìm cách mở cảng nước sâu để vươn ra biển lớn, hay đón những con tàu viễn xứ xa xôi. Cả nước, các tỉnh thành láng giềng như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng cũng đều ra sức làm như thế, sao ta có thể ngồi yên?

  • TRẦN ĐÌNH SƠNĐất Việt là cái nôi sinh trưởng của cây trà và người Việt biết dùng trà làm thức uống thông thường, lễ phẩm cúng tế, dâng tặng, ban thưởng từ hàng ngàn năm nay.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGTừng là đất Kẻ Chợ – kinh đô triều Nguyễn xưa, ẩm thực Huế dựa trên nền tảng triết lý của cái đẹp, món ăn món uống phải ngon nhưng nhất thiết phải đẹp, vị phải đi với mỹ, thiếu mỹ thì không còn vị nữa.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCTrong vô vàn những bài thơ viết về Huế, hai câu thơ của Phan Huyền Thư dễ làm chúng ta giật mình:Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽLại sợ chạm vào nơi nhạy cảm của cơ thể Việt Nam                                                                    (Huế)

  • FRED MARCHANT(*)                                                                                      Trong chuyến viếng thăm Huế lần thứ hai vào năm 1997, tôi làm một bài thơ đã đăng trong tập thứ hai của tôi, Thuyền đầy trăng (Full Moon Boat). Bối cảnh bài thơ là một địa điểm khảo cổ nổi danh ở Huế. Có thể nói là bài thơ này thực sự ra đời (dù lúc đó tôi không biết) khi nhà thơ Võ Quê đề nghị với tôi và các bạn trong đoàn ghé thăm Đàn Nam Giao trước khi đi ăn tối ở một quán ăn sau Hoàng Thành bên kia sông Hương.

  • TRẦN KIÊM ĐOÀNDu khách là người trong mắt nhìn và qua cảm nhận của chính người đó.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCTừ buổi hồng hoang của lịch sử, hình ảnh ban đầu của xứ Huế chỉ thấp thoáng ẩn hiện qua mấy trang huyền sử của đất nước Trung Hoa cổ đại. Tài liệu thư tịch cổ của Trung Quốc đã kể lại từ năm Mậu Thân đời vua Đường Nghiêu (2353 năm trước Công nguyên), xứ Việt Thường ở phương Nam đã đến hiến tặng vua Nghiêu con rùa thần từng sống qua ngàn năm tuổi.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌCCó một hiện tượng lịch sử lý thú, ở những nơi khác vốn dĩ bình thường  nhưng ở Huế theo tôi là rất đặc biệt, đó là tại mảnh đất này sau hơn ba mươi năm ngày đất nước thống nhất, đã hình thành một thế hệ nữ doanh nhân thành đạt giữa chốn thương trường.

  • MINH TÂMTôi nghe bà con bán tôm ở chợ Bến Ngự kháo nhau: Dân nuôi tôm phá Tam Giang đã xây miếu thờ “Ông tổ nghề” của mình gần chục năm rồi. Nghe nói miếu thờ thiêng lắm, nên bà con suốt ngày hương khói, cả những người nuôi tôm ở tận Phú Lộc, dân buôn tôm ở Huế cũng lặn lội vượt Phá Tam Giang lễ bái tổ nghề.

  • PHẠM THỊ ANH NGA"Hiểu biết những người khác không chỉ đơn giản là một con đường có thể dẫn đến hiểu biết bản thân: nó là con đường duy nhất" (Tzvetan Todorov)

  • TRẦN ĐỨC ANH SƠNSau hơn 1,5 thế kỷ được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong, đến cuối thế kỷ XVIII, Huế trở thành kinh đô vương triều Tây Sơn (1788 - 1801) và sau đó là kinh đô của vương triều Nguyễn (1802 - 1945).

  • TRƯƠNG THỊ CÚC Sông Hương là một trong những nét đẹp tiêu biểu của thiên nhiên xứ Huế. Sông là hợp lưu của hai nguồn Hữu Trạch, Tả Trạch, chảy qua vùng đá hoa cương cuồn cuộn ghềnh thác, đổ dốc từ độ cao 900 mét đầu nguồn Hữu trạch, 600 mét đầu nguồn Tả trạch, vượt 55 ghềnh thác của nguồn hữu, 14 ghềnh thác của nguồn tả, chảy qua nhiều vùng địa chất, uốn mình theo núi đồi trùng điệp của Trường Sơn để gặp nhau ở ngã ba Bàng Lãng, êm ả đi vào thành phố, hợp lưu với sông Bồ ở Ngã Ba Sình và dồn nước về phá Tam Giang, đổ ra cửa biển Thuận An.

  • Chúng ta biết rằng trong thời đại ngày nay, khi đầu tư xây dựng những cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người đi du lịch, văn hóa ẩm thực được xem như là cánh cửa đầu tiên được mở ra để thu hút du khách.

  • Chúng tôi đi thăm đầm chim Quảng Thái, theo ông Trần Giải, Phó chủ tịch huyện Quảng Điền.

  • I. Chúng tôi xin tạm hiểu như sau về văn hóa Huế. Đó là văn hóa Đại Việt vững bền ở Thăng Long và Đàng Ngoài chuyển vào Thuận Hóa - Phú Xuân.

  • Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột. Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi. Tạm tiền mua lấy vài đôi. Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào.

  • LTS: Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong hiện đang dạy tại trường đại học Kent State thuộc tiểu bang Ohio, . Đây là một trong những bài trích ra từ cuốn Hồi ký âm nhạc, gồm những bài viết về kinh nghiệm bản thân cùng cảm tưởng trong suốt quá trình đi đó đây, lên núi xuống biển, từ Bắc chí Nam của ông để sưu tầm về nhạc dân tộc. Được sự đồng ý của tác giả, TCSH xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

  • Từ sau ngày giải phóng đến nay, tôi chưa một lần gặp lại Anh hùng Vai và Anh hùng Kan Lịch. Về Huế hoài nhưng lên A Lưới lại không đủ giờ và không dễ dàng gì. Những năm trước, đường về A Lưới còn chật hẹp, lổm chổm đất đá, lại hay sạt lở... đi về rất khó khăn và phải mất vài ngày. Đến Huế vào mùa khô thì lại ít thời giờ. Về Huế dịp mùa mưa thì đường về A Lưới luôn tắc nghẽn.