Nếu tiểu thuyết ngày nay đang “ngắn dần đều”, tuy vẫn là loại chủ lưu trong đời sống văn học, thì bạn đọc và giới chuyên môn lý luận phê bình vẫn có thể nhận ra dấu vết rõ ràng của một cuộc chuyển giao thể loại âm thầm theo tinh thần thời đại. M.M.Bakhtin lừng danh và uyên bác từng nhận định, thời hiện đại chính là thời đại của tiểu thuyết, hay nói cách khác, tiểu thuyết mang đầy đủ tinh thần của thời đại mà chúng ta đã/đang sống. Milan Kundera cũng khẳng định tính chất hiện đại trong tiểu thuyết. Song như ta đã biết, từ giữa thế kỷ XX cho đến đầu thế kỷ XXI ở phương Tây, thời hiện đại đã dần cáo chung để chuyển hệ hình sang thời hậu hiện đại. Ở Việt Nam, trên địa hạt văn chương, có thể nói sớm nhất từ thời điểm Đổi mới (1986), văn chương hậu hiện đại đã từng bước ra đời, khẳng định và chiếm lĩnh văn đàn. Hậu hiện đại chuộng những tiểu tự sự, những câu chuyện cá nhân, những tác phẩm văn xuôi được viết với tinh thần và tư duy cực hạn, cực tiểu. Nhà triết học người Pháp J.F.Lyotard từng định nghĩa thời hậu hiện đại như là sự mất niềm tin (sự đả phá) các đại tự sự. Do đó, chúng ta đang sống trong thời đại hoàng kim của truyện ngắn, hoặc nói cách khác, truyện ngắn mang bản chất và tinh thần thời hậu hiện đại ngày nay.
Theo các nhà lý luận phê bình, truyện ngắn là một thể loại văn xuôi đặc thù, với những đặc trưng nghệ thuật phù hợp với tinh thần, thị hiếu và nhịp sống đương đại. “Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ. Khuôn khổ ngắn nhiều khi làm cho truyện ngắn có vẻ gần gũi hơn với các hình thức truyện kể dân gian như truyện cổ, giai thoại, truyện cười, hoặc gần hơn với những bài ký ngắn. Nhưng thực ra không phải. Nó gần với tiểu thuyết hơn cả bởi hình thức tự sự tái hiện cuộc sống đương thời. Nội dung thể loại truyện ngắn có thể rất khác nhau: đời tư, thế sự, hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó lại là ngắn” [2,tr.199]. Qua cái nhìn cắt lát thời điểm của mình, truyện ngắn tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong một dung lượng tự sự bé, cực hạn, từ một câu đến tối đa vài trang, hay nhiều nhất là vài chục trang tự sự. Truyện ngắn có sự ra đời gắn liền với báo chí. Truyện ngắn yêu cầu giới hạn dung lượng câu từ, cũng như có nội dung cập nhật những vấn đề thời sự, giật gân do hình thức đăng tải trên báo chí của nó. Chính vì tính báo chí, mà truyện ngắn dễ dàng công bố, bạn đọc dễ tiếp cận trọn vẹn, cũng như khả năng phản ánh những vấn đề thời sự của thể loại này tỏ ra hiệu quả hơn các thể loại trữ tình, ký hay tiểu thuyết. “Tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Chính vì vậy trong truyện ngắn thường rất ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp…, nếu nhân vật chính của tiểu thuyết thường là một thế giới, thì nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới” [2,tr.199]. Tóm lại, truyện ngắn có những đặc trưng thể loại phù hợp với thị hiếu hậu hiện đại đó là: dung lượng cỡ nhỏ dễ tiếp nhận, cốt truyện hấp dẫn, nhiều xung đột, bút pháp trần thuật chấm phá, dễ dàng công bố trên báo chí, tính thời sự trong nội dung tác phẩm. Tính đương đại, dân chủ, hấp dẫn đã làm nên giá trị hậu hiện đại cho truyện ngắn.
Trong công trình nổi tiếng Đọc truyện ngắn của học giả Daniel Grojnowski, tác giả có một nhận định quan trọng về thể loại này rằng: “Người ta thường gọi truyện ngắn là “cô bé Lọ Lem của văn học”. Truyện ngắn là cô em gái không được yêu chiều mà các nhà xuất bản thường hay bỏ rơi, để nhường chỗ cho các bà chị cả chính là các kiểu tiểu thuyết. Thế nhưng, cô bé “bị bỏ rơi” này lại chiếm giữ tất cả các đề mục của phương tiện truyền thông… Truyện ngắn là một thể loại đa hình hài luôn sẵn sàng cho mọi biến đổi. Truyện ngắn cũng như một quả bí ngô của cô bé Lọ Lem, đầy những biến hóa… Nói thật nhiều trong một số ít từ, truyện ngắn có khát vọng muốn gây dựng ý thức” [1, tr.8].
Gần như mọi tác gia văn chương hậu hiện đại lừng danh đều thử bút và đạt được thành công nhất định với truyện ngắn. Trên thế giới, những bậc thầy văn chương như Guy de Maupassant, F.Kafka, Edgar Allan Poe của thời hiện đại, cho đến G.G.Márquez, H.Murakami, Alice Munro, R.Tagore, E.Hemingway, Julio Cortázar, Le Clézio, A.Tchekhov, Milan Kundera… của thời hậu hiện đại đều có những thành tựu nhất định trong địa hạt truyện ngắn. Có người chuyên tâm sáng tạo với thể loại này, cũng có người hành trình từ truyện ngắn rồi mới đến tiểu thuyết, hoặc những thể loại khác. Những tác gia truyện ngắn hậu hiện đại khá quen thuộc với giới lý luận phê bình hàn lâm ở Việt Nam có thể kể đến như Donald Barthelme, Angela Carter, J.L.Borges, John Barth… mà đặc biệt là Raymond Carver. Chính họ đã tạo ra những cảm hứng sáng tạo lớn, cũng như đặt ra những quan điểm thẩm mỹ mới cho thể loại này ở thời hậu hiện đại.
Nhìn lại quá trình đổi mới văn học Việt Nam trong gần 40 năm qua (1986 - 2025), những nhà văn khởi đầu cho tiến trình này, cũng như những người đã đạt những thành công mới mẻ, cách tân nhất, đều là những nhà truyện ngắn lừng danh. Gần 40 năm trước là những tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Hồng Nhu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai, Nguyễn Quang Lập… và gần đây nhất (những năm đầu thế kỷ XXI) là những cây bút tiêu biểu nổi bật như Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Xuân Hà, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Văn Khai, Đỗ Hoàng Diệu, Phong Điệp, Đinh Phương… Ở Huế, qua Tạp chí Sông Hương cũng đã trình làng những cây bút truyện ngắn đầy cách tân mới lạ lẫn chiều sâu văn hóa như Trần Hạ Tháp, Việt Hùng, Nguyên Quân, Nhụy Nguyên, Lê Vũ Trường Giang… mà đặc biệt là Lê Minh Phong. Bạn đọc có thể hình dung một hành trình truyện ngắn Việt Nam theo quỹ đạo hậu hiện đại, trong tinh thần đổi mới và thể nghiệm, qua hai ngọn cờ gắn với hai điểm mốc cùng họ Nguyễn: cuối thế kỷ XX là Nguyễn Huy Thiệp và đầu thế kỷ XXI là Nguyễn Ngọc Tư.
Trong một bài viết trước đây của chính tôi, với tựa đề Sông Hương - 40 năm thao thiết một dòng chảy truyện ngắn, đã làm rõ trong tiến trình phát triển của truyện ngắn Việt Nam đương đại. Tạp chí Sông Hương đóng một vai trò quan trọng, như là bà đỡ cho những tác phẩm nghệ thuật của những cây bút mới, cũng như là nơi khẳng định vị trí của những nhà văn thành danh. Lần này, may mắn thay, tôi lại được mời thẩm định những truyện ngắn hay nhất gửi về Cố đô Huế, trong một cuộc thi truyện ngắn tầm cỡ quốc gia có uy tín do tạp chí tổ chức. Với hai vòng chấm đầy cân nhắc và khó khăn, cuối cùng ban giám khảo cũng đã chọn ra được những tác phẩm xuất sắc nhất. Cho dù chúng tôi luôn ý thức về sự hạn hữu của sự đọc, bởi mọi sự thẩm định văn học, dù cố gắng khoác chiếc áo khách quan chừng nào đi nữa, vẫn tiềm chứa những nhận định chủ quan, phụ thuộc vào tầm đón nhận riêng của mỗi người. Bạn đọc chuyên nghiệp, hay nói cách khác, là những nhà lý luận phê bình vẫn luôn tồn tại những định kiến riêng trong lối đọc của mình, dẫu họ có nỗ lực khách quan hóa chừng nào đi nữa.
Khác với nhiều lần thẩm định các cuộc thi thơ, trong lần đọc các truyện ngắn tham dự cuộc thi do Tạp chí Sông Hương tổ chức lần này, quả thật tôi rất bối rối vì chất lượng đồng đều giữa các tác phẩm gửi dự giải. Nhiều truyện khiến cá nhân tôi đọc lui đọc lại nhiều lần, với chính mình vẫn không thể đưa ra một thỏa thuận hay kết luận về số điểm cuối cùng. Sự so sánh số điểm giữa các tác phẩm lại càng trở nên nan giải, bởi mỗi truyện được viết với một phong cách, bút pháp, cốt truyện, hình thức và thủ pháp rất khác nhau, dẫn đến mọi sự minh định luôn khập khiễng. Trong những lúc bối rối ấy, thực sự chưa bao giờ tôi mất niềm tin vào sự thẩm định, lối đọc của chính mình như vậy. Ngược lại, có vài truyện chính bản thân tôi không thích, hoặc cảm thấy rất khó hiểu về một bút pháp như vậy, song tôi chưa bao giờ thanh thản bỏ qua, hay đơn giản là cho điểm nhận định thấp về những tác phẩm lạ. Nỗi ám ảnh sợ bỏ sót tác phẩm hay, hoặc nỗi sợ định kiến trong chiến lược đọc của mình đã ngăn trở giải mã những tác phẩm thực sự xuất sắc, đòi hỏi tầm đón đợi cao, khiến tôi mất ngủ nhiều đêm cả về những tác phẩm mà mình thích/hiểu, lẫn những tác phẩm mà chính mình không thích/không hiểu.
May mắn thay, trong những cơn khủng hoảng tạm thời ấy của sự đọc, chúng tôi (Ban Giám khảo) có một phương án tối ưu: lối làm việc tập thể với những gu đọc và tầm đón đợi khác nhau. Với hy vọng rằng, những giám khảo còn lại sẽ bổ khuyết và khắc phục cho những giới hạn của mình, còn những tác phẩm xuất sắc thực sự nhất định sẽ tìm được sự đồng cảm từ số đông độc giả giám khảo. Từ 63 tác phẩm ở vòng sơ khảo, Ban Giám khảo đã chọn lại 25 tác phẩm vào vòng chung khảo, đó thực sự là một công việc đầy trăn trở và vất vả. Từ 25 tác phẩm chung khảo, chúng tôi lại phải so bó đũa chọn cột cờ để chọn ra những giải thưởng cuối cùng, đó lại là công việc khó khăn hơn, bởi sự đồng đều trong chất lượng nghệ thuật, lẫn sự khác nhau khá xa về bút pháp, hình thức và nội dung giữa các tác phẩm. Nhìn nhận lại một chặng đường truyện ngắn của cuộc thi, và phần nào đó là diện mạo thu gọn của truyện ngắn Việt Nam đương đại, tôi cảm thấy có mấy vấn đề nổi lên như sau.
1. Những chủ đề lớn của truyện ngắn Việt Nam đương đại
Gần như không hẹn mà gặp, rất nhiều tác phẩm truyện ngắn gửi về cuộc thi lần này có những mối quan tâm chung về đề tài phản ánh trong tác phẩm Huế. Mặc dù gần như 63 truyện đều có những nội dung cụ thể khác nhau, phản ánh sự quan tâm chi tiết của từng nhà văn đối với thực tiễn đời sống xã hội đầy hỗn độn của thời kỳ đổi mới, song chúng ta vẫn hoàn toàn có thể nhận ra một vài điểm chung nhất định trên lĩnh vực đề tài. Tôi tạm chia 63 truyện ra thành 4 nhóm đề tài cơ bản, nó phản ánh mối quan tâm chung của nhà truyện ngắn đối với hiện thực đương đại, cũng như gợi mở nhiều suy tưởng về trách nhiệm công dân, ý thức nghệ sĩ với đất nước. Bốn nhóm đề tài cơ bản theo cách phân chia tương đối của tôi bao gồm:
a. Nhóm đề tài viết về chiến tranh và hậu chiến
Chiến tranh là đề tài chưa bao giờ nguội lạnh và lỗi thời trong đời sống văn học Việt Nam từ giữa thế kỷ XX cho đến hai mươi năm đầu thế kỷ XXI (1945 - 2025). Những nhà văn đi qua chiến tranh cho đến nay vẫn còn sức sáng tạo, và kể cả những nhà văn trẻ sống và viết trong thời hòa bình cũng tiếp tục có những miêu tả, chiêm nghiệm mới mẻ về những cuộc kháng chiến lớn của dân tộc trong thế kỷ XX. Trong số 63 truyện ngắn gửi đến cuộc thi lần này, điều làm tôi khá ngạc nhiên là những truyện ngắn viết về chiến tranh chiếm số lượng khá đáng kể. Điểm đặc biệt là đa phần những nhà văn viết về chiến tranh trong cuộc thi truyện ngắn lần này là những người sống và viết trong thời hòa bình. Chiến tranh đối với họ không phải là sự truy tầm ký ức, hay là “ăn mày dĩ vãng”, mà là một cách thể nghiệm ngòi bút của mình trong những biến cố lớn lao của dân tộc. Đó cũng là cách mà nhà truyện ngắn hậu hiện đại thể hiện cái nhìn công dân, cũng như thái độ trí thức của mình trước thời cuộc. Chiến tranh không phải là hiện trạng bình thường của lịch sử, nó là những khúc quành của thời đại mà mỗi dân tộc cần vượt qua để định hình hoặc tái định hình bản sắc, hướng đi. Trong tâm thức người Việt Nam đương đại, chiến tranh đã trôi qua, nhưng chưa bao giờ biến mất hoặc trở nên vô nghĩa. Con người ngày nay vẫn soi mình trong những cuộc chiến đầy máu xương của cha ông vừa trải qua trong thế kỷ trước. Nhiều nỗi đau hậu chiến vẫn còn âm ỉ đến hôm nay.
Điều khá đáng tiếc, đối với riêng cá nhân tôi, đó là nhóm truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh khá cổ điển, thiếu những suy tư mới mẻ về cuộc chiến như cách mà Bảo Ninh đã thực hiện trong Nỗi buồn chiến tranh. Có thể chính vì như vậy, nên không nhiều tác phẩm truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh có cơ hội lọt vào vòng chung khảo. Chỉ có hai tác phẩm là Người lính trở về của Nguyễn Ngọc Lợi và Ký ức người lính của Đàm Quang May là thực sự thuyết phục được số đông giám khảo. Trong đó, Ký ức người lính được viết với cảm hứng sử thi, chính luận khá cổ điển nếu ta so sánh với những kiệt tác truyện ngắn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đàm Quang May đã phác thảo nên một thiên anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kể về cuộc đời chiến đấu anh dũng của nhân vật Độ. Độ quen Ớt chóng vánh rồi nhanh chóng chia tay vợ để đến với chiến trường Thừa Thiên Huế. Trên đồi Yên Ngựa, Độ cùng số ít đồng đội (ba người) đã chiến đấu anh dũng trước 200 tên lính Mỹ. Những đồng đội của anh đã anh dũng hy sinh trước vũ khí tối tân và số lượng áp đảo của kẻ thù đế quốc. Độ gan dạ chiến đấu, diệt vô số lính Mỹ trước khi bị thương nặng phải cắt lìa chân. Anh được đồng đội cứu chữa kịp thời đưa về hậu phương, trong khi nhân dân địa phương lập bia liệt sĩ khi tìm thấy cẳng chân của anh để lại chiến trường. Sau khi hòa bình lập lại, Độ mới về thăm lại được chiến trường xưa và ngôi mộ chôn cái cẳng chân của anh mới được chủ nhân biết. Ký ức người lính có khả năng tái hiện một chiến trường Thừa Thiên Huế đầy máu lửa và ác liệt, ở đó, thấm đẫm biết bao máu xương của người chiến sĩ, người vĩnh viễn nằm lại chiến trường, người để lại một phần máu xương cho hòa bình độc lập hôm nay.
Người lính trở về của Nguyễn Ngọc Lợi lại kể về câu chuyện hậu chiến và hậu phương, nơi người lính sống sót, chiến thắng qua bom đạn trước kẻ thù ở mặt trận, nhưng lại là kẻ thất bại trong đời sống riêng tư, gia đình. Truyện của Nguyễn Ngọc Lợi mang dấu ấn của cái nhìn khác về chiến tranh, với âm hưởng đời tư thế sự khá rõ nét khi đi sâu vào bi kịch tình yêu và hôn nhân của người lính. Đề là người lính được phân công về hậu phương điều tra lý lịch kết nạp Đảng cho đồng đội trẻ trong đơn vị. Anh tranh thủ thăm Hà. Cuộc hội ngộ với vợ dù ngắn ngủi, song cũng cho Đề cơ sở để nhận ra những đổ vỡ, phai nhạt. Hà ở hậu phương đã phản bội anh để dành tình yêu cho tay lớp trưởng tên Xân. Điểm hay ở tác phẩm này đó là thay vì trách móc, giận hờn hay trả thù, Đề đã vị tha và cảm thông cho Hà lẫn tay tình địch. Anh chấp nhận cho họ đến với nhau bởi thân phận người lính phải hy sinh vì nghĩa lớn. Thay vì xây dựng hình tượng người tình, người vợ ở hậu phương chung thủy, thủ tiết thờ chồng, Nguyễn Ngọc Lợi đã có một cái nhìn hiện thực lẫn nhân văn hơn, khi nhìn về cả hai phía giới tính trong chiến tranh. Chiến tranh không phải trò đùa, và những mất mát kia là có thật; người lính không chỉ hy sinh máu xương ngoài chiến trận, mà họ còn hiến dâng cả tình yêu, hạnh phúc cá nhân cho vinh quang chung của dân tộc. Cái nhìn nhân bản mới mẻ này của Nguyễn Ngọc Lợi là một bước tiến lớn trong vấn đề luân lý học chiến tranh của truyện ngắn Việt Nam đương đại.
b. Nhóm đề tài viết về hiện thực huyền ảo
Đây là nhóm truyện chứng kiến nhiều nhất những cách tân về mặt thủ pháp và thế giới quan. Yếu tố huyền ảo được nhà văn đưa vào trong truyện ngắn không phải để vượt thoát hiện thực, hay thay đổi số phận nhân vật chính, mà thật ra nó chỉ là cách để nhấn mạnh, ẩn dụ và khúc xạ hiện thực theo một cách nào đó. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ La-tinh mà G.G.Márquez là đỉnh cao nhất rõ ràng đã có ảnh hưởng nhất định đến sáng tạo truyện ngắn Việt Nam hậu hiện đại. Yếu tố huyền ảo xuất hiện không làm tác phẩm “bước qua ranh giới của hiện thực”, mà càng làm cho hiện thực ấy được khắc họa, nhấn mạnh rõ ràng hơn. Ở nhóm này, chúng ta có một số truyện ngắn tiêu biểu như Bóng hình của khói của Nguyễn Hạnh Phước An; Nhảy qua bóng mình của Lê Vũ Trường Giang; Những dòng sông miên man chảy của Vũ Ngọc Giao; Thánh vật của Mạc Yên; Nanh rắn của Lê Quang Trạng và Ức cố nhân của Trần Quỳnh Nga.
Trong Bóng hình của khói, Nguyễn Hạnh Phước An viết về nhân vật tôi mở một quán cà phê nhỏ với chị Trân là khách hàng quen thuộc thường xuyên đến quán. Câu chuyện dần được ngược chiều thời gian về lại quá khứ của Trân, với biết bao bi kịch tâm hồn ấu thơ về gia đình. Cả Trân và nhân vật tôi là những người duy nhất nghe và tin về ngôi nhà ma tồn tại gần khu đất tọa lạc quán cà phê. Sự tồn tại của ngôi nhà ma là một bí ẩn, nó cũng tạo ra bi kịch cho cả Trân và nhân vật tôi. Song ngôi nhà ma ấy gần như không hiện hữu ở đâu ngoài tâm tưởng của chính hai nhân vật. Ngôi nhà ma có thể xem là ẩn dụ cho bi kịch tinh thần của họ, điểm khiến họ đồng cảm và chia sẻ cùng nhau. Thánh vật của Mạc Yên kể về số phận hiếm muộn con cái của gia đình Vay. Vợ chồng Vay sở hữu một viên ngọc lớn để ngay trong phòng khách, gọi là “thánh vật” - một định danh đa nghĩa. Viên ngọc quý này thay vì mang lại hạnh phúc, giàu có cho chủ nhân, lại trở thành một gánh nặng về tinh thần và vật chất. Không ai dám mua lại ngôi nhà của vợ chồng Vay, vì họ sợ viên ngọc linh tồn tại trong đó sẽ khó để có thể sinh sống bình thường, mà vất nó đi khỏi nhà thì không ai dám. Đó là một điểm nhìn rất hậu hiện đại, mang tính giải thiêng và đa trị. Một ngày kia, có một cụ già bí ẩn hiện ra, đánh vỡ viên ngọc quý, giúp Vay bán từng mảnh vỡ viên ngọc để có tiền chạy chữa sinh con. Bi kịch thay, đứa con gái sinh ra vì là “con thánh” nên không hẳn bình thường, khó lập gia đình. Cuối cùng cả gia đình phải chấp nhận hy sinh thêm lần nữa. Tác phẩm kết thúc bỏ ngỏ, nó cho thấy cái huyền ảo xuất hiện chưa hẳn đã là hạnh phúc hay tai ương cho người chủ nhân.
Những dòng sông miên man chảy lại kể về cuộc đời nhiều thăng trầm, bi kịch của ông Dự - một ngư dân sinh sống bên sông cùng đứa cháu gái. Trong một đêm tối, ông tình cờ gặp gỡ một cô gái trẻ cô độc chờ đò bên sông. Ông thuyết phục cô gái trẻ về nhà mình ở lại, bởi quá trễ để chờ chuyến đò qua sông. Sau cùng, cô gái ấy là thực hay là một bóng ma đã mất từ trong quá khứ. Cô gái ấy rất có thể là đứa con gái đã mất của ông Dự. Cô gái trẻ gần như là một hoài niệm, một ký ức của ông Dự, cô gái không trả thù, tàn hại, trách móc gì đến ông, cũng không ban ơn hay mang lại cho cuộc đời ông một sự đổi thay nào, đó chính là thế giới quan điển hình của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ức cố nhân của Trần Quỳnh Nga thì gần như đặt song song thế giới của lịch sử/quá khứ với thế giới của hiện thực/thực tại. Cuộc đời và số phận của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cùng vợ Nguyễn Thị Lộ đã được tái hiện, tái diễn giải trong những giấc mơ thông thiên của nhân vật Lãm trong hiện tại ngày nay. Giấc mơ kỳ lạ ấy của Lãm thực chất là một chiến lược trần thuật tái thẩm định lại lịch sử, dưới góc nhìn cá nhân của nhà văn đương đại. Truyện ngắn Nhảy qua bóng mình của Lê Vũ Trường Giang lại biến cái bóng trở thành một thực thể sống có thể đối thoại, có thế giới tinh thần riêng mà chủ thể không thể chi phối. Tác phẩm dày đặc những huyền thoại và nhân vật huyền ảo, xuất phát từ những truyện kể folklore về dãy núi Bạch Mã huyền thoại của Huế.
c. Nhóm đề tài viết về thân phận nghệ sĩ và bản chất của sáng tạo
Truyện ngắn hậu hiện đại Việt Nam không chỉ suy tư về xã hội, về thế giới, về bản thể như truyện ngắn tiền hiện đại và truyện ngắn hiện đại, mà trên một phương diện mới, đó còn là những tiểu luận suy tư, cắt nghĩa về nghệ thuật cũng như bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhà văn trong trường hợp này đã xóa nhòa ranh giới với nhà lý luận phê bình văn học, nói cách khác, truyện ngắn Việt Nam đương đại gửi về Tạp chí Sông Hương lần này đã gia tăng chiều sâu về tư tưởng. Tôi cảm thấy hứng khởi khi tiếp nhận những “truyện ngắn lai” như vậy, bởi đơn giản trong truyền thống sáng tác văn chương Việt Nam, nhà văn thường có khuynh hướng sáng tạo theo bản năng, năng khiếu, với chủ trương “cứ hay là được” hay “viết bất chấp lý thuyết”. Những tác phẩm tiêu biểu viết theo khuynh hướng này có Sóng gió quan trường của Nguyễn Anh Tuấn; Đò nước chiều hôm của Đinh Thành Trung; Dạ quỳnh của Lê Vi Thủy; Mặt nạ giấy của Tru Sa; Qua Hải Vân là nhà của Trương Tuệ Đăng; Những đôi mắt giấu mình trong đêm của Nguyễn Văn Đức Anh…
Sóng gió quan trường dưới hình thức một truyện ngắn lịch sử, viết về cuộc đời của vị quan thanh liêm chống tham nhũng dưới thời chúa Nguyễn có tên Nguyễn Khoa Đăng. Do chống tham nhũng quyết liệt, không khoan nhượng, nên cuối đời ông bị trả thù thảm khốc. Cái hay của tác phẩm là vào cuối truyện, những nhân vật tự sự (người lái đò và người quan khách trẻ buôn vải) lại đặt ra những cái kết truyện khác nhau, có cái mang tính huyền ảo, song có cái mang tính hiện thực. Truyện ngắn hậu hiện đại công khai nói về tính siêu hư cấu. Nhà văn ý thức rõ và thổ lộ công khai với độc giả về tính trò chơi hư cấu trong tác phẩm của mình, thay vì cố công làm nó như là hiện thực mà truyện ngắn tiền hiện đại thường làm. Những đôi mắt giấu mình trong đêm của Nguyễn Văn Đức Anh lại là một trăn trở về bản chất nghệ thuật và cội nguồn cảm hứng của sáng tạo. Bodin là một họa sĩ người Pháp luôn trăn trở trong việc đi tìm cảm hứng thực sự cho những bức tranh của mình. Trong một chuyến đi đến Cố đô Huế, bắt gặp khung cảnh hiện thực, bình dân của con người và cảnh vật nơi đây, họa sĩ Bodin đã khơi được mạch nguồn cảm hứng sáng tạo.
Qua Hải Vân là nhà của Trương Tuệ Đăng lại kể cho chúng ta về thân phận của một đoàn cải lương nổi tiếng trong lịch sử của Huế - Đoàn cải lương Sông Hương. Hoàng là một nghệ sĩ bất đắc dĩ, song là chứng nhân thăng trầm và là thành viên cơ hữu của đoàn cải lương Sông Hương. Tác phẩm viết rất hay về quá trình biến thiên của một bộ môn nghệ thuật (cải lương) và đoàn nghệ thuật trong lịch sử mảnh đất Cố đô thời hiện đại. Từ chỗ vô danh đến chỗ lừng danh, rồi nhanh chóng suy tàn và cuối cùng là sự tái lập với khát vọng bảo tồn, truyện ngắn của Trương Tuệ Đăng gợi ra nhiều suy ngẫm về bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Đò nước chiều hôm của Đinh Thành Trung cũng viết về thân phận những người họa sĩ đường phố lạc thời và nghèo khó. Thân phận của họ bi kịch giống như những người lái đò mà dòng sông đã bị lấp mất.
Mặt nạ giấy của Tru Sa là tác phẩm gây cảm hứng nhiều nhất cho cá nhân tôi và cũng là một trong những truyện ngắn tôi đánh giá cao trong cuộc thi lần này. Tác phẩm vừa là sáng tạo văn học, song cũng là quá trình tiếp nhận và phê bình văn học, với hàng loạt những kiệt tác được nhắc đến của các đại văn hào trên thế giới (Gunter Grass, Lev Tolstoy, Chekhov…). Bản thân nhân vật “tôi” (đại diện cho tác giả) kể lại một ký ức về sáng tạo văn chương, khi mẹ anh cho một cái tát đau và cơn giận dữ đến ba ngày, vì anh đã nói dối trong nghệ thuật (hư cấu mẹ là hoa khôi miền Bắc và cha là một người đàn ông hiền lành). Nghệ thuật và sáng tạo theo quan điểm Tru Sa không thể là một lời dối trá. Dạ quỳnh của Lê Vi Thủy lại nhẫn nại viết về nghệ thuật áo dài và những người thiết kế thầm lặng của loại trang phục truyền thống này ở Huế. Tất cả những truyện ngắn nói trên đều có những suy tư sâu sắc đáng ghi nhận về nghệ thuật, bản chất sáng tạo và phẩm giá người nghệ sĩ.
d. Nhóm đề tài viết về các vấn đề đời tư và thế sự
Đời tư - thế sự là đề tài được đông đảo các tác gia truyện ngắn đương đại lựa chọn nhằm thể nghiệm ngòi bút của mình. Đây cũng là khuynh hướng chung của văn học Việt Nam Đổi mới, từ cảm hứng sử thi anh hùng ca trong giai đoạn kháng chiến bước qua cảm hứng đời tư - thế sự trong thời hòa bình. Đời sống tinh thần cá nhân, bi kịch đời tư cũng như những nỗi buồn thế sự, tình yêu và hôn nhân là mối quan tâm chính yếu của nhà văn Việt Nam đương đại. Chúng ta có thể kể đến hàng loạt những truyện ngắn hay trong cuộc thi này viết về đề tài đời tư - thế sự như: Mơ sông của Nguyễn Đặng Thùy Trang; Huế - Réunion của Bảo Thương; Sự cho và nhận của Sơn Thủy; Kiến của Lê Thị Kim Sơn; Vệt buồn biển xé của Nguyên Quân; Thị trấn đã bỏ rơi chúng ta của Nguyên Nguyên; Người về phía trăng của Hồ Loan; Người lên núi và biến mất của Nguyễn Thị Như Hiền; Từ đường của Lệ Hằng hay Đêm rằm tháng bảy của Thảo Giang…
Trong Đêm rằm tháng bảy, Thảo Giang đã kể về cuộc đời của Quyên gắn bó với người bà nuôi cô từ thuở bé (bà là cô ruột của cha). Quyên có mối tình dang dở (do không môn đăng hộ đối) với Quân, trong một không gian Huế xưa đầy kỷ niệm. Sau cùng, Quân và Quyên vẫn không đến được với nhau làm vợ chồng, nhưng mở ra cơ hội cho bà trẻ của cô đến với cha của Quân (thầy Thanh). Một kết thúc có hậu trong truyện ngắn đương đại có lẽ là không phù hợp, bởi nhà văn ý thức sâu sắc về những giới hạn của thời gian và cảm xúc con người. Cùng chung mạch truyện đi sâu chiêm nghiệm bi kịch hôn nhân và gia đình, Từ đường của Lệ Hằng kể về số phận của Ngô Viết Long (khi nhỏ gọi là Cu) - một người có đến hai người mẹ. Mẹ ruột của Long vốn là vợ lẽ, không chính thức được thừa nhận, do “mẹ cả” và cha ruột anh lấy nhau mà không thể có con. Cha Long buộc lấy thêm vợ lẽ để sinh con, song ông vẫn yêu và tôn trọng vợ chính. Long từ bé đã ở riêng với mẹ ruột, chịu cô đơn và điều tiếng. Điểm hay của Từ đường đó là xây dựng hình tượng người mẹ cả đầy yêu thương, song cũng đầy đau đớn bởi cảnh “chồng chung ai dễ ai chiều cho ai”. Hai người đàn bà chung chồng vẫn hòa thuận, vẫn đối xử tốt với Long, song nỗi đau của mẹ cả là có thật khiến bà suýt tự sát, may mắn thay mẹ ruột Long kịp thời cứu mẹ cả. Rồi sau đó hai mẹ con Long lưu lạc bỏ đi vào Sài Gòn. Truyện ngắn xây dựng những hình tượng con người nhân văn, hy sinh, chung thủy, song bằng một cách nào đó, họ vẫn dự phần vào bi kịch hôn nhân và nỗi đau tình yêu, dù không ai là kẻ phụ bạc xấu xa. Người lên núi và biến mất của Nguyễn Thị Như Hiền lại kể về mối tình anh em đầy cảm động giữa ông Nhạt và ông Trà. Ông Trà là người tàn tật, suốt đời chỉ sống chăn trâu, khi con trâu già chết, ông đã bỏ đi và tan biến vào núi cao, dù người em trai đã ra sức động viên và chăm sóc. Nguyên Nguyên trong Thị trấn đã bỏ rơi chúng ta kể về tình chị em đầy cảm động giữa “tôi” và chị gái. Người mẹ bỏ rơi hai chị em từ bé, nên cả hai chỉ nương tựa vào nhau. Khi lớn lên, người chị không may mắc bệnh ung thư mất sớm, để lại người em với bi kịch cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời. Kiến của Lê Thị Kim Sơn cũng kể về bi kịch gia đình của nhân vật “tôi” - người kể chuyện. Tôi cũng bị cô đơn bởi bố bỏ đi từ bé, mẹ đem hết người đàn ông này cho đến người đàn ông khác về nhà ngủ và sống chung… Tất cả những bi kịch đời tư gia đình và thế sự xã hội này đã phác thảo những vấn đề nhân sinh nhức nhối mà con người hậu hiện đại đang từng ngày đối diện. Nỗi đau không giản đơn là sự sống - chết của chiến tranh như ngày trước, mà là những ứng xử thường nhật của con người thân quen xung quanh mỗi chúng ta.
2. Sự xuất hiện của một thế hệ nhà văn viết truyện ngắn mới
Không hẹn mà gặp, cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương gần như là một cuộc đoàn viên, hội ngộ của một thế hệ cầm bút trẻ, mới và năng động trong đời sống văn chương nước nhà. Dĩ nhiên, cuộc thi lần này vẫn chứng kiến sự tham dự quan trọng của khá nhiều cây bút có tiếng đã lâu trên văn đàn như Nguyên Quân, Nguyễn Ngọc Lợi, Đinh Thành Trung… song lực lượng cầm bút chính vẫn là những nhà văn trẻ. Có người đã sớm khẳng định tên tuổi vững chãi như Bảo Thương, Lê Quang Trạng, Trần Quỳnh Nga, Lê Vũ Trường Giang, Lê Vi Thủy… Song cũng có rất nhiều nhà văn mới mẻ đối với văn đàn nước ta, hứa hẹn sau cuộc thi này sẽ bật lên như một thế hệ văn xuôi mới đáng chú ý. Chúng ta có thể nhắc đến những trường hợp như: Nguyễn Hạnh Phước An, Thảo Giang, Nguyễn Văn Đức Anh, Lệ Hằng, Nguyên Nguyên, Tru Sa, Phạm Giai Quỳnh, Lê Kim Sơn, Nguyễn Anh Tuấn, Mạc Yên, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Hồ Loan, Nguyễn Thị Như Hiền, Trương Tuệ Đăng…
Bút lực của họ mới mẻ, xông xáo, chấp nhận những thể nghiệm trong sáng tạo truyện ngắn như yếu tố huyền ảo, tự sự ma trận, liên văn bản… Cách nhìn nhận những vấn đề về bản sắc và đạo đức của thế hệ nhà văn trẻ này cũng rất khác so với trước đây. Với tư cách là một thế hệ nhà văn mới - nhà văn trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều tác phẩm của họ đã đi sâu vào sự thương thỏa, va chạm giữa văn hóa Huế/ Việt Nam cổ truyền với văn hóa thế giới đương đại. Tiêu biểu có truyện Những đôi mắt giấu mình trong đêm của Nguyễn Văn Đức Anh kể về hành trình sáng tạo của một họa sĩ Pháp có tên Bodin. Anh luôn trăn trở với thế giới nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của mình. Nhưng chỉ đến khi tiếp cận văn hóa Huế, đem lòng mến mộ cô gái Huế là nghệ sĩ ca Huế trên sông Hương có tên Tôn Nữ Diệu Hương, Bodin mới thực sự tìm thấy con đường đi cho mình trong nghệ thuật. Việc khai sáng tâm hồn nghệ sĩ của một người Pháp hiện đại của văn hóa Huế cổ truyền cho thấy tư duy đối thoại của nhà văn trẻ Đức Anh. Bảo Thương với truyện ngắn Huế - Réunion cũng phác thảo một cuộc hội ngộ/đối thoại Đông - Tây đầy thú vị. Tác phẩm kể về mối tình của Thùy - một cô con gái Huế điển hình truyền thống với Jean - một thanh niên Pháp song có gốc gác hoàng tộc Việt Nam di cư sang. Jean dù có quốc tịch, tên gọi Pháp, song anh chưa bao giờ quên đi cội nguồn Huế/Việt Nam của mình. Sự hoài nhớ văn hóa cố hương là một giá trị tinh thần vĩnh cửu trong tâm hồn Jean. Tác phẩm cho thấy trong thân phận những người di dân, những người con lai, những “công dân toàn cầu” như Jean, vẻ đẹp văn hóa Huế cổ truyền vẫn được bảo lưu, hoài nhớ.
Chúng ta hy vọng rằng, đối với đông đảo những nhà văn tham gia cuộc thi truyện ngắn lần này, những tác phẩm được lựa chọn và tôn vinh của họ sẽ chỉ là điểm xuất phát, khởi đầu cho một hành trình sáng tạo còn rất dài ở phía trước. Cuộc thi này, thay vì là đích đến và đỉnh cao cuối sự nghiệp của các nhà văn, nên là một bình minh hứa hẹn cho ngày mới đang lên của văn học nước nhà. Trên hành trình ấy, tôi không chúc các bạn hanh thông, may mắn, tôi chúc các bạn giữ được niềm vui sáng tạo và ý thức dấn thân cho nghệ thuật trước các khó khăn, cám dỗ, đòn roi và cả sự cô đơn của nghề viết.
3. Dấu ấn văn hóa Huế và sự thương thỏa giữa nội dung và hình thức
Điểm tôi cảm thấy khá ngạc nhiên về nhóm truyện ngắn tham dự cuộc thi lần này, đó là câu chuyện thường có không gian, thời gian và địa điểm gắn với Huế. Nhiều kỷ niệm đẹp, hoài vãng của các nhân vật đều gắn bó với những địa danh nổi tiếng tại mảnh đất Cố đô. Tôi gọi đó là bản sắc cố đô Huế trong những truyện ngắn tham gia cuộc thi do Tạp chí Sông Hương tổ chức. Bạn đọc gần như mở truyện nào ra cũng thấy những nhân vật có những ký ức gắn bó với Huế, dù gần hay xa, dù ít hay nhiều, dù quá khứ hay hiện tại đi chăng nữa.
Đơn cử truyện Đêm rằm tháng bảy của Thảo Giang là những món chè Huế đầy cám dỗ như chè hoa cau, chè bưởi, không gian sông Bồ, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Lê Lợi rợp bóng cây xanh, cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, đồng lúa Triều Sơn, bến Phu Văn Lâu… Cả tác phẩm như một cuộc diễu hành, triển lãm văn hóa Huế đầy thú vị. Người về phía trăng của Hồ Loan cũng dẫn chúng ta về những ca khúc đầy triết lý và hoài niệm của Trịnh Công Sơn; về những món ăn dân dã Huế như dưa cà, muối sả, cá dìa… tại nhà hàng Không Gian Xưa nổi tiếng tại Huế; đó là chưa kể những con đường đầy kỷ niệm như Đặng Thái Thân. Sơn Thủy trong Sự cho và sự nhận lại tập trung miêu tả vẻ đẹp nền nã, dịu dàng của một người con gái xứ Huế. Huế cả cảnh vật và con người có thể nói đã được tôn vinh, được viết hoa trang trọng trong cuộc thi truyện ngắn lần này do Tạp chí Sông Hương khởi xướng. Tôi cho rằng, đây là một sự kiện văn hóa quan trọng và thiết thực nhằm quảng bá văn hóa Huế, nhất là trong bối cảnh hân hoan khi Huế mới trở thành thành phố thực thuộc Trung ương.
Mặc dù có nhiều điểm nhấn, ấn tượng và ý nghĩa quan trọng, song cũng cần thẳng thắn chỉ ra những giới hạn của các truyện ngắn dự thi lần này. Tôi cảm thấy khá đáng tiếc khi có rất ít những tác phẩm thực sự dấn thân vào những cách tân thể loại và thi pháp hình thức. Những truyện ngắn đầy khiêu khích, mới lạ như truyện ngắn của Đặng Thân hay Lê Minh Phong gần như vắng bóng, các nhà văn dường như lựa chọn những lối đi cẩn trọng và an toàn. Cũng vì thế, các tác phẩm thiếu những đột phá thực sự về hình thức thể loại. Cũng gần như rất ít tác phẩm có khả năng gây chấn động đời sống tinh thần xã hội với những phạm trù đạo đức mới, hay thực sự có ý thức đả phá các đại tự sự. Nguyễn Huy Thiệp từng làm được điều này gần 40 năm trước. Thế hệ trẻ sau này, có lẽ không có ai có dũng khí để tiếp bước ông. Những tác phẩm cũng chưa thể hiện nhiều về phương diện tư tưởng, hay tính triết lý đa phần còn chưa được nhấn mạnh đúng mức. Tôi mong cuộc thi truyện ngắn lần sau do Tạp chí Sông Hương tổ chức, chúng ta sẽ chứng kiến những giới hạn này sẽ được khắc phục. Nhưng người xưa đã nói, nhân vô thập toàn, mọi sáng tạo lẫn cuộc thi đều phải chấp nhận trong tính tương đối của nó các hạn chế tất yếu.
Với tất cả những thành công và giới hạn kể trên, tôi vẫn tin rằng chúng ta đã có một thành tựu truyện ngắn mới mẻ và đáng kể đầu thế kỷ XXI. Chùm truyện với 63 bông hoa này, sẽ là món quà lớn dành tặng đất và người xứ sở Cố đô trước thềm vận hội mới.
Y.T
(TCSH56SDB/03-2025)
____________
Tài liệu tham khảo:
1. Daniel Grojnowski (2017), Đọc truyện ngắn, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
2. Trần Đình Sử (chủ biên) và cộng sự (2007), Giáo trình lý luận văn học (tập 2), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa ban hành Quy chế về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 1-10-2018 với yêu cầu 100% hội đồng tán thành mới đi đến kết luận cuối cùng về tác phẩm được giám định là thật hay giả…
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc họp nhằm chuẩn bị cho phiên họp Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT) và danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú (NNND, NNƯT) năm 2018.
Nghệ thuật truyền thống dân tộc như: tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc… đang kêu cứu, vì người xem ngày càng giảm, người theo nghề ngày càng hiếm. Hiện nghệ thuật truyền thống dân tộc đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng thay thế trên tất cả các lĩnh vực, như diễn viên, nhạc công, biên kịch, đạo diễn…
Từ góc nhìn của nhà quy hoạch, Giám đốc SLAB, Đại học Nam California (Mỹ), GS. Annette Kim cho rằng, vỉa hè đa chức năng là một phần tạo nên thành phố sôi động, bền vững, đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng.
Kết thúc loạt bài này, chúng tôi mong muốn, những nhận thức về văn hóa ngày càng hoàn thiện tiến gần đến giá trị cốt lõi nhất của văn hóa: Hình thành nhân cách con người và cốt cách của một dân tộc, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để đất nước phát triển bền vững.
Hiện nay, nguy cơ mai một giá trị truyền thống làng xã rất lớn, ở cả chiều rộng và chiều sâu. Việc bảo tồn các giá trị di sản trong quá trình quy hoạch không gian kiến trúc làng không thể chậm trễ và trì hoãn. Trong đó, bảo tồn thích ứng và phát triển tiếp nối là phương thức mà giá trị tinh thần của di sản được kế thừa, hoàn thiện.
Chỉ đạo nghệ thuật được ví như người giữ lửa, bảo đảm khuynh hướng nghệ thuật, phong cách sáng tạo của đơn vị. Tuy nhiên, nhiều nhà hát của Hà Nội đang thiếu đội ngũ chỉ đạo nghệ thuật tài năng, chuyên nghiệp, dẫn tới sáng tạo ít mang tính đương thời, chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao có thể cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác.
Mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây... từng mang lại niềm vui cho biết bao đứa trẻ mỗi độ Tết Trung thu. Nhưng trước sự phát triển của xã hội, những món đồ chơi truyền thống này liệu có cần thay đổi để đáp ứng thị hiếu trẻ nhỏ “thời 4.0”?
Vài năm trở lại đây, thị trường sách thiếu nhi trong nước đã có những chuyển biến với nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng vẫn cần nhiều cú hích để thực sự ổn định.
Dù trẻ con ngày nay ít còn chơi đèn kéo quân nữa, nhưng mỗi mùa Trung thu đến, gần ngày rằm tháng 8, nghệ nhân Vũ Văn Sinh lại cặm cụi làm những chiếc đèn truyền thống để giữ nghề, hoài niệm tuổi thơ và tưởng nhớ tổ tông.
Năm 2018, cải lương đánh dấu sự xuất hiện đúng 100 năm trên mảnh đất Nam bộ. Ngoài vở diễn “Thầy Ba Đợi” tri ân người khai sáng bộ môn nghệ thuật này, bộ phim “Song Lang” cũng ra mắt công chúng để góp thêm tình yêu cho khán giả hôm nay đối với loại hình sân khấu độc đáo trong tâm thức cư dân mở đất. Con đường đã qua của cải lương rất nhiều thành tựu, nhưng con đường phía trước của cải lương cũng không ít thử thách!
Dù còn nhiều khó khăn nhưng giới bạn đọc đang dần tiếp cận và sử dụng những sản phẩm trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để có thể thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận thông tin hữu ích.
Vùng đất phía Tây Hà Nội còn nhiều ngôi đình làng là biểu tượng của vùng xứ Đoài, với những giá trị đặc sắc về kiến trúc và điêu khắc. Tuy nhiên, hiện nay, các ngôi đình này đối diện với nguy cơ xuống cấp và bị hủy hoại. Đã có rất nhiều công trình bị “trùng tu như phá”, gần đây nhất là tại đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa.
Mong muốn nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn lại các nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, ngày 8-8, Ỷ Vân Hiên với đội ngũ các bạn trẻ chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn cùng với lòng nhiệt thành, sức sáng tạo mạnh mẽ đã ra mắt tại Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành xuất bản đã gây được tiếng vang trong xã hội với nhiều cuốn sách có nội dung tốt, mang tính thời sự... Số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung có giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Tiếp bước sự sáng tạo với sơn mài của các bậc thầy thời kỳ hội họa Đông Dương, ngày nay nghệ thuật sơn mài đương đại vẫn kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mới. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả nghệ thuật, nhiều sáng tạo cũng gây tranh luận.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh. Thế nhưng, bên cạnh niềm vinh dự thì những danh hiệu cũng đang tạo ra nhiều sức ép không nhỏ với các nhà quản lý văn hóa trong công tác quảng bá, bảo tồn và phát triển.
Tuồng là môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, cũng giống như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một. Ở đó việc bảo tồn để duy trì và phát triển nghệ thuật tuồng đang là “bài toán” không dễ gì tìm được câu trả lời thấu đáo.
“Ok (đồng ý) hay không thì mày nhớ confirm (xác nhận) cho người ta nha”; “giao đứa nào set up (sắp xếp) vụ này ngay và luôn đi chứ hứa rồi bỏ đó không hà”; “go now (đi ngay), mà free (miễn phí) thiệt hả?”; “nay được ở nhà full (cả) ngày”… Đó là vài trong số những câu Tây không ra Tây, ta chẳng ra ta mà giới trẻ Việt đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Mùa World Cup 2018 đang đến những giờ phút cao trào của xúc cảm trong lòng người hâm mộ môn thể thao “vua”. Mỗi trận đấu mang lại nhiều cung bậc tình cảm: hân hoan, hào hứng, thất vọng, buồn khổ... theo từng đường bóng. Trong làng văn cũng có rất nhiều người hâm mộ đang cuồng nhiệt cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích, thành thật khóc - cười sau mỗi trận bóng, và cuối cùng là đặt bút... làm thơ.