“Cái mới nhất của mới lại là cái cũ”

14:46 17/02/2021

Tôi xin phép lấy nhận xét về thời trang của nhà thơ đương thời người Đức E. H. Ballermann để trả lời ngay - trước khi lý luận - câu hỏi thường đặt ra cho tôi "Áo dài truyền thống có đi ngược trào lưu hay xu hướng thời trang hiện đại không”, rằng: Không!

GS. TS. Thái Kim Lan trong trang phục áo dài gấm the thời Nguyễn

Ngược lại chính chiếc áo dài xưa nhất đối với tôi trên phương diện thời trang và phong cách văn hóa, ngày hôm nay lại là hiện đại nhất. Cái cũ nhất lại là cái mới nhất trên cả ba phương diện: phong cách mỹ thuật nhất cho một y phục cả nam lẫn nữ, thời trang (mode) nhất cho hiện nay, và đặc sắc nhất cho một tính cách văn hóa Việt Nam. Lịch sử hình thành chiếc áo dài từ hơn ba trăm năm nay cho thấy chiếc áo dài ôm trọn được cả 3 điểm nhất ấy.

Dấu ấn của một nền văn hóa mới

Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1744 cho thiết kế chiếc áo dài ngũ thân, ông đã không xem y phục như một thứ che thân đơn giản. Áo dài mà ông đề xướng mang ý nghĩa của một sứ mệnh văn hóa đặc thù cho con người sống trong thời của ông trên nhiều lĩnh vực đạo đức và thẩm mỹ nhân bản. Ngoài dấu ấn độc lập chính trị đối với chúa Trịnh và các nước láng giềng, áo dài như y phục nam - nữ của người Đàng Trong là dấu ấn của một nền văn hóa mới ấn định cung cách con người trong cách sống mới, phân biệt với lề lối của người ngoài xứ. Ngoài việc che đậy thân thể, áo dài nhắc nhở con người sống hiếu thảo thuận hòa với cha mẹ anh chị em, trung tín với người chung quanh, kính trọng ta và người. Áo dài có ngũ (năm) thân tượng trưng phụ mẫu của hai bên cha mẹ và chính người mang áo, năm hạt nút cài áo mang ý nghĩa ngũ thường, nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, đưa tín hiệu người mang áo tôn trọng nghi lễ làm người trong xã hội.

Qui định thời trang của vị Chúa nổi tiếng gương mẫu và tài ba dưới dạng mẫu “áo dài” đã được người đương thời tuân phục và phát huy, trở nên một “mốt” y phục cho các tầng lớp người trong xã hội từ cung đình, cho đến quan lại và thường dân nam nữ. Bất kể tuổi tác hay giai cấp, họ có chung một mẫu y phục tiêu biểu dưới thời chúa Nguyễn cuối thế kỷ XVIII, trải qua thế kỷ XIX, đến khi vua Nguyễn Gia Long thống nhất toàn thể đất nước và vị vua kế tiếp, Minh Mạng đã ra sắc lệnh “thống nhất y phục bắc nam” cho tất cả người Việt. Áo dài và quần dài từ đó được công nhận như là quốc phục cho cả nam và nữ trên lãnh thổ Việt Nam.

Cúi đầu thán phục và ngưỡng mộ

Có thể nói áo dài vẫn giữ vai trò độc tôn như là quốc phục mãi đến thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, mặc dù đầu thế kỷ XIX ảnh hưởng của Tây phương khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp đã bắt đầu lan tỏa lên toàn diện đời sống văn hóa của người Việt. 

Trong trào lưu cách tân khoảng thập niên 20, 30 của thế kỷ XX, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường đã nhìn lại chiếc áo dài cổ điển và “cách tân” chiếc áo dài đặc biệt cho người phụ nữ, trong lúc chiếc áo dài của nam giới hầu như bị hoán đổi bởi lối ăn vận Âu phục như một tuyên ngôn cách mạng (cắt tóc ngắn, mặc Âu phục). Có lẽ cũng cùng cảm hứng với người phát minh chiếc áo dài, nhưng dưới ảnh hưởng của thời khai sáng Âu châu, chiếc áo mà nhà thiết kế Cát Tường đề nghị lại nhấn mạnh nữ tính và vẻ đẹp phụ nữ so với chiếc áo rộng buông thả ngày trước, ông thu hẹp vạt áo thành hai tà, đổi ngắn thành dài. Cát Tường nhìn chiếc áo dài thể hiện được ưu điểm của phái yếu: Vẻ đẹp đàn bà trong cả hai phương diện tâm hồn và thể xác.

Thập niên 1930, 1940, chính chiếc áo dài là thời trang “par exellence” cho phụ nữ Việt với điểm nhấn tà áo dài hơn, đường eo rõ hơn. Qua chiếc áo dài, Cát Tường nhấn mạnh sự uyển chuyển đường cong đồng thời vẫn giữ nét kín đáo mà áo dài vốn có, mặt khác ông tôn trọng những quy củ áo truyền thống như nút gài, cổ áo thấp, vạt áo rộng vừa phải, hai tà úp kín dáng người...
 

Áo dài trong phong ba bão táp của thời Pháp thuộc, lạ thay vẫn giữ vị trí bất di bất dịch là áo truyền thống Việt Nam. Có thể nói, tham vọng của chính quyền thuộc địa Pháp trong suốt một trăm năm đô hộ là Pháp hóa người Việt, nhưng tham vọng ấy đã dừng lại trước chiếc áo dài, như quốc phục Việt Nam. Có lẽ chỉ có chiếc áo dài với phong cách độc đáo của nó đã chinh phục người Pháp (mãi đến thời đại bây giờ có lẽ càng hơn), làm cho người kiêu căng quyền lực nhất cũng phải cúi đầu. Sự cúi đầu này nên được hiểu đúng nhất bao hàm sự thán phục trước một vẻ đẹp - nói riêng về thời trang, y phục - trước một nét thẩm mỹ độc đáo không nơi nào có được. Điều này tôi có thể cảm nhận được qua kinh nghiệm bản thân, trong thời gian du học tại Đức, khi mặc chiếc áo dài đến trường, một sinh viên Đức đã đến quỳ gối và nâng tà áo dài lên hôn với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Pháp, Đức, Mỹ hay ở nơi đâu khác, chiếc áo dài Việt Nam vẫn hiện thân sự sáng tạo đầy thẩm mỹ tôn vinh vẻ đẹp và nhân cách của con người mặc nó.    

Thập niên 60 của thế kỷ XX, áo dài một lần nữa được cách tân qua thiết kế mới của đạo diễn Thái Thúc Nha với cổ decollete, khoét rộng, nhấn mạnh vòng ngực, áo chít eo theo kiểu lưng ong, vạt hẹp và dài phết đất, được trở nên thời trang, mode, nhất là ở các thành phố miền Nam xa Huế. Sự phổ biến được lan rộng với sự ủng hộ của các nghệ sĩ mọi tầng lớp như Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, bà Trần Lệ Xuân...

Áo dài vào... đáy rương

Sau mười năm giữa thập niên 1970 cho đến giữa thập niên 1980, trong cơn khủng hoảng văn hóa về truyền thống bị xem là phong kiến, áo dài biệt tăm trên đường phố. Tôi vẫn còn nhớ mãi sự hụt hẫng, nuối tiếc và đau lòng khi trở về quê hương lần đầu tiên, quang cảnh đường phố, sinh hoạt công cộng không còn bóng dáng chiếc áo dài, ngôi trường xưa không còn tà áo trắng thướt tha.

Sự thâm nhập đa dạng không kiểm soát từ nước ngoài trên phương diện thời trang tại Việt Nam khoảng thập niên 1980, 1990 đã tạo nên một giai đoạn thời trang khá phức hợp, nếu không nói là hỗn loạn từ những y phục Tây phương second hand qua gói viện trợ phát triển. Mốt Tây phương không chọn lọc hầu như chế ngự bản đồ thời trang Việt một thời gian dài đã đẩy lùi chiếc áo dài vào đáy rương. Những chiếc áo xưa có khi còn bị bán tháo để đổi lấy chén cơm như nhiều gia đình quý tộc trong cơn sa sút buộc lòng phải bỏ áo. Áo dài tưởng như biến mất. Nhưng không. Sự khủng hoảng không thể xóa mất nét đẹp, văn hóa truyền thống của áo dài.

Đó là khoảng thời gian cho những người yêu áo dài thấy rõ giá trị không thể thay thế được của chiếc áo dài trong đời sống xã hội Việt Nam. Nó đồng hóa với bản lai của một dân tộc từ hơn ba trăm năm. Cho nên trăn trở với sự tồn vong của chiếc áo dài. Không ít người sục sạo đi tìm bản lai của chiếc áo dài, trong đó có tác giả của bài viết này, như một nỗi đam mê bị thu hút bởi vẻ đẹp độc sáng của chiếc áo dài xưa.

Bộ sưu tập áo dài tôn vinh văn hóa các vùng miền của Việt Nam của NTK Ngọc Hân Nguồn: VOV
 

Được đánh thức hồi sinh

Áo dài đã được đánh thức hồi sinh từ nhiều góc nhìn khác nhau trên thế giới khi Việt Nam mở cửa hội nhập. Người Việt Nam ở hải ngoại có lẽ là những người mơ ước áo dài nhất khi trở về quê hương. Kế tiếp là khách nước ngoài du lịch Việt Nam, từ thập niên 1990, mà sự tìm tòi nét tiêu biểu của văn hóa Việt Nam thường dừng lại nơi chiếc áo dài không nơi nào sánh được. Trên lĩnh vực văn hóa và thời trang, áo dài trở lại bằng con đường của biểu diễn hơn là y phục cho đời thường, những lễ hội áo dài từ năm 2000 ở các thành phố như Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đã đưa áo dài thành những biến tấu, những thương hiệu khác nhau. Sự quảng bá áo dài, dù từ góc độ biểu dương bề ngoài, đôi khi như một nước sơn đánh bóng với những biến tấu quá mức, nhưng có lẽ cần thiết cho một cuộc hồi sinh. Chính trong bối cảnh này áo dài dưới hình thức cổ điển lại đáp ứng được “mốt” thời trang vừa lịch lãm nghiêm trang, vừa quý phái thanh thoát, nó trở thành mới nhất giữa những mốt mới theo phong cách Âu châu đang nở rộ tại Việt Nam. Nhiều gợi hứng sáng tạo của thời trang Âu châu hiện đại đến từ mẫu áo dài cổ điển được phổ biến khắp nơi.

Đã có nhiều sự kiện xảy ra chung quanh việc khôi phục áo dài Việt Nam song song với phong trào toàn cầu hóa, việc sưu tầm áo dài xưa nguyên bản để nhận lại bản lai diện mục chiếc áo dài là điều cần thiết. Trong điều kiện khiêm tốn của mình, các triển lãm bộ sưu tập áo dài xưa cung đình Nguyễn tại Viện Goethe Hà Nội năm 2015 và tại Bảo tàng Văn hóa Huế năm 2016, cũng như triển lãm bộ sưu tập áo dài nam tại Huế năm 2018, đều nằm trong ý hướng trình bày những bộ áo nguyên bản chứ không phải sao chép để gây cảm hứng cho người đương thời, rằng chiếc áo dài là hồn cốt của phong cách Việt Nam có thể giúp ta phân biệt và nhận diện mình trên thế giới.

Sự khám phá lại vẻ đẹp của chiếc áo ngũ thân dành cho nam giới hiện nay lại là một phá cách mới đang được chú ý và thảo luận, chứng tỏ hơn một lần, rằng dù phong cách Tây phương với những bộ sưu tập của các nhà thiết kế với áo đầm đủ kiểu phong phú, nhưng phong cách ấy vẫn còn tuỳ thuộc với phong cách Âu châu đã có truyền thống lâu đời - vậy nên vẫn so le một bước. Trong lúc ấy, sự trở lại với áo dài nam hay nữ, theo tôi, chính là cái mới theo phong cách Việt Nam với những sáng tạo của nghệ nhân đương thời.

Cũng trong ý nghĩa này, xin nhắc lại lời phát biểu trong buổi khai mạc triển lãm áo dài năm 2015: “Có lẽ trong khi chiêm ngưỡng những chiếc áo dài này, những chiếc tàn y, chúng ta sẽ nhận ra được rằng chúng không tàn mà lại thêm tươi. Vẻ đẹp của chúng có thể gợi cho chúng ta những cảm hứng nghệ thuật chính nơi những khoảnh khắc đồng thời hiện đại của xã hội đang đổi thay từng giờ, rằng cái xưa vẫn còn nhiệm vụ nhắc nhở chúng ta về một truyền thống văn hóa Việt sâu xa và nồng hơi ấm con người, rằng nếu không có quá khứ thì những gì hiện đại sẽ ly tán, vụn vặt hư hao ý nghĩa, rằng cái hiện nay cần được chiếu sáng hơn từ cái xưa kia để sáng tạo nên hiện tại sẽ là quá khứ độc sáng cho mai sau, rằng bảo tồn văn hóa chính là nuôi dưỡng mạch sống không ngừng cho thế hệ kế tiếp…”

Nguồn: GS TS Thái Kim Lan - ĐBND

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Những ngày qua, dư luận một lần nữa lại bất ngờ bởi kế hoạch thực hiện một vòng đại xòe với 5.000 người tham dự, nhằm lập nên kỷ lục Guinness thế giới về số lượng người tham gia vòng xòe lớn nhất.

  • “Chuyện bốn mùa” là sự nối tiếp của chương trình sân khấu truyền hình nổi tiếng “Trong nhà ngoài phố” trên HTV, với những thông tin đậm chất thời sự, nhân sinh, chương trình góp phần giúp khán giả có cái nhìn chuẩn mực về những vấn đề của xã hội.

  • Sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ sản xuất, chiếu phim, lưu trữ trong điện ảnh trên nền tảng công nghệ số vừa mang đến cơ hội, song cũng là thách thức cho mỗi nền điện ảnh. Trong bối cảnh đó, điện ảnh Việt Nam cần tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, đột phá về tư duy làm phim để bắt kịp xu hướng thời đại.

  • Bén duyên nghệ thuật và giáo dục cho thiếu nhi gần 15 năm nay, khi động lực đã đủ, MC Nguyễn Anh Luân (Giám đốc điều hành ALU Academy) thực hiện một trong những ước mơ lớn: Vận hành sân khấu cộng đồng cho trẻ em.

  • NTK Cao Minh Tiến gây “sốc” khi bất ngờ ra mắt MV “Trống cơm” mừng Tết trung thu với vai trò ca sĩ.

  • HOÀNG XUÂN NHU

    (Nguyên phụ trách công tác chính trị trường ĐHSP Huế)

  • LÊ TIẾN DŨNG

    (Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)

  • Tháng 7 âm lịch là thời điểm người dân đốt vàng mã nhiều nhất trong năm. Nhằm thay đổi hành vi lãng phí này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có thêm khuyến cáo tiếp theo không dâng cúng, không đốt vàng mã mùa Vu lan.

  • Tồn tại và phát triển giữa vùng văn hiến Kinh Bắc trong nhiều thế kỷ, tranh dân gian Đông Hồ hội tụ tâm thức ngàn năm của người Việt và thể hiện độc đáo bằng ngôn ngữ mỹ thuật. Nhằm lưu giữ, phát huy giá trị của dòng tranh này, hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được xây dựng để đề nghị UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

  • Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng lại đến và các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật (VHNT), thể dục thể thao (TDTT) của Bộ VH-TT-DL lại miệt mài tìm kiếm người học ở các mã ngành học. Thế nhưng, việc tuyển sinh cũng như đào tạo ở các cơ sở này vẫn “khó đủ đường”. Bởi lẽ, ngay từ khâu tuyển sinh đã khó đạt đủ chỉ tiêu. Đào tạo lại chưa có cơ chế đặc thù, chồng chéo trong quản lý...

  • Chiến thắng khó khăn, vượt qua chính mình để cất lên tiếng hát, từ đó lan tỏa thông điệp về tình yêu thương, tôn vinh sự đa dạng và khác biệt, cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình và tươi đẹp. Đó là mục đích chương trình “Những sắc màu tình yêu” hướng tới.

  • Việc xuất hiện hàng loạt các danh hiệu như “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam”, “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam”… theo TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì đây không chỉ là minh chứng cho căn bệnh “cuồng” danh hiệu, “loạn” danh hiệu dường như ngày càng tăng nặng mà hơn thế, nếu không có giải pháp “điều trị” triệt để sẽ đem tới nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

  • Ở các quốc gia phát triển, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những dòng người xếp hàng dài. Họ tôn trọng quyền lợi của người khác và điều này hình thành nên một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

  • Văn hóa luôn được coi là giá trị cốt lõi để phát triển sản phẩm du lịch trên khắp các vùng miền Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển du lịch sáng tạo sẽ phát huy tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, cung cấp những hoạt động đa dạng cho khách du lịch, tăng tính độc đáo, hấp dẫn của điểm đến.

  • Thời gian qua, không ít ngôi đình sau khi tu bổ đã bị biến dạng, thêm hoặc thay mới tùy tiện; thậm chí có những ngôi đình được trùng tu một cách khoa học, nhưng sau đó vẫn bị can thiệp làm mất đi yếu tố gốc. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm phản khoa học, hủy hoại các di tích cổ…

  • Nhằm giúp độc giả hiểu được những trăn trở, tâm tư từ nhà báo và nghề báo, ngày 26-6 tại Đường sách TPHCM, NXB Tổng hợp đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Nhà báo và nghề báo”. 

  • Từ ngàn xưa, dân gian đã có biết bao quan niệm về thi cử và luôn được thực hành một cách sôi động trong cuộc sống cho đến tận ngày nay. Vậy, những quan niệm thi cử này là mê tín hay niềm tin về mặt tinh thần?

  • Một tín hiệu vui cho mỹ thuật Việt Nam khi mới đây hàng loạt các tác phẩm tranh Việt đã tạo nên những kỷ lục trên các sàn đấu giá quốc tế. Tuy nhiên, đằng sau nhưng niềm vui đó là những nỗi buồn của mỹ thuật Việt Nam ngay chính trên sân nhà.

  • Gắn bó với người Việt hàng nghìn năm nay, giấy dó từ một chất liệu của tri thức đã bước vào lĩnh vực tạo hình, trở thành chất liệu của văn hóa. Tuy nhiên, trong đời sống ngày nay, phải có sự cải tiến để giấy dó phục vụ tốt hơn nhu cầu của con người hiện đại.

  • Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhu cầu độc giả ngày càng cao và đa dạng, chức năng của thư viện cũng thay đổi. Không chỉ là kho tri thức liên tục cập nhật những đầu sách mới và hay, thư viện giờ đây còn phải là không gian văn hóa, sáng tạo, gần gũi, thuận tiện cho người đọc có thể tiếp cận bất cứ lúc nào.