Xuân về nhớ Bác qua bài thơ “Không trận nào không thắng"

14:43 25/07/2008
NGUYỄN XUÂN TÙNGSống lạc quan yêu đời, luôn luôn làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm và hành động để tự thắng mình trong mọi hoàn cảnh là một phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ.

Nhà thơ Hải Như đã ghi lại một trong những chiến công tự thắng mình của Bác qua bài thơ:
            KHÔNG TRẬN NÀO KHÔNG THẮNG
           
            Bác Hồ quen dậy sớm từ tinh sương
            Châm thuốc hút
            Mới gần đây Người bỏ
            Trận thắng lớn hỡi ai đừng xem nhỏ
            Bác Hồ vui… bỏ thú trọn đời ưa
            Với chính mình ta vốn dễ dàng thua
            Nhưng với Bác không trận nào không thắng… (*)

Hình tượng thơ thật đơn giản. Viết về một Con Người vĩ đại nhưng tác giả không hư cấu điều gì cao xa cả. Nhà thơ chỉ phản ánh lại những điều mà sinh thời Bác đã kể.
Trong một lần gặp gỡ các đại biểu thanh niên, Bác đã khuyên: “Các cháu học tập Bác điều gì cũng được, nhưng tuyệt đối đừng hút thuốc lá nhiều như Bác”. Rồi người tâm sự: “Thời thanh niên sống và hoạt động ở nước ngoài vì phải thức khuya dậy sớm để học ngoại ngữ, đọc sách viết báo mà thời tiết châu Âu lại lạnh nên Bác đã hút thuốc lá nhiều, lâu dần thành thói quen, bây giờ Bác đã nghiện nặng”.(1)
Nhưng từ năm 1966 trở đi, sức khoẻ Bác yếu dần, các bác sĩ phục vụ đề nghị Bác nên bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ. Bác đã vui lòng nghe theo và nói: “Bác hút thuốc lá từ hồi còn trẻ, nay đã thành thói quen. Bác cũng biết hút thuốc lá nhiều là một tai hại lớn đối với sinh mạng con người. Bây giờ bỏ đi không hút thì tốt thôi. Song không phải một sớm một chiều mà Bác có thể bỏ được. Các chú để Bác phấn đấu từ từ. Chắc chắn Bác sẽ bỏ được thôi” (2).
Đồng chí Vũ Kỳ, người thư ký trung thành, nhiều năm sống bên cạnh Người đã kể: “Từ đó Bác đã sắp đặt kế hoạch để tự mình bỏ thuốc lá. Một lọ thủy tinh nhỏ được đặt bên bàn làm việc của Bác. Mỗi lần thèm thuốc, Bác rút thuốc ra hút, nhưng chỉ hút nửa điếu rồi dụi thuốc vào lọ thuỷ tinh cho điếu thuốc tắt. Sang tuần thứ hai, Bác hút ít hơn, khoảng cách giữa hai lần hút cũng xa dần. Cứ thế Bác đã bỏ hẳn được thuốc lá”(3)
Bác đã làm bài thơ vui ghi lại kỷ niệm này:
            “Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm
            Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần
            Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn
            Một năm là cả bốn mùa xuân…”
                        (
Vô đề)
Mùa xuân năm Mậu Thân- 1968, trong niềm vui lớn:
            Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
            Thắng trận tin vui khắp nước nhà”
                       
(Thơ mừng Xuân 1968)
Bác Hồ còn có thêm niềm “vui sướng tuyệt trần” là bỏ được “thú trọn đời ưa”. Và Người đã có bài tứ tuyệt nói lên tâm trạng của mình lúc này:
            Vô yên, vô tửu quá tân xuân
            Dị sử thi nhân hoá tục nhân
            Mộng lý hấp yên ngật mỹ tửu
            Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần”.
                       
( Nhị vật)
Bản dịch của Phan Văn Các:
                                    HAI CHỚ
            Thuốc không, rượu chẳng có mừng Xuân
            Dễ khiến thi nhân hoá tục nhân
            Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt
            Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần”.
(Trong bài thơ trên, Bác còn ghi lời dẫn: “Các đồng chí bác sĩ khuyên “hai chớ”: chớ hút thuốc lá, chớ uống rượu. Tự mình làm thơ đề chứng”) (4).
Tháng 6/1969, khi tiếp phái đoàn Uỷ ban trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam ra thăm thủ đô Hà Nội, Hoà thượng Thích Đôn Hậu, Phó chủ tịch Uỷ ban thay mặt đoàn mời Bác hút thuốc, Bác đã nhẹ nhàng từ chối: “Cám ơn cụ, tôi đã bỏ thuốc lá rồi cụ ạ!”. Rồi Người thân tình tâm sự tiếp: “Tôi cũng phải đấu tranh ghê gớm lắm với bản thân mới bỏ được thuốc lá đó cụ ơi!” (Theo hồi ký “Ba lần được gặp Bác Hồ” của Hoà thượng Thích Đôn Hậu) (5). Ai đã từng nhiều năm hút thuốc và nghiện, rồi quyết tâm phấn đấu bỏ mới thấu hiểu được nỗi dằn văt của việc cai thuốc lá đối với một người đã từng hút thuốc lá hơn nửa thế kỷ như Bác Hồ.
Thế mà những năm cuối đời, với ước mong được sống khoẻ mạnh “để phục vụ Tổ Quốc và nhân dân nhiều hơn nữa…” và ngày đất nước hoà bình thống nhất được “đi thăm hai miền Nam Bắc…” ( Di chúc) “Bác Hồ đã vui… bỏ thú trọn đời ưa”.
Đúng là “Trận thắng lớn- hỡi ai đừng xem nhỏ!”
Nhớ ngày xưa cách đây 25 thế kỷ, đức Phật Thích Ca đã dạy đệ tử của mình: “Chiến thắng ngàn vạn quân, không bằng tự chiến thắng mình. Tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.
Ngày nay Bác Hồ của chúng ta không những đã chiến thắng hàng chục vạn quân thù trong, giặc ngoài, mà suốt đời Bác đã tự chiến thắng mình trong mọi hoàn cảnh.
Không trận nào không thắng”, bài thơ tuy nhỏ, ý tình cũng bình dị, nhưng đã nhắn gởi với đời một thông điệp mang ý nghĩa nhân sinh rất lớn của Bác Hồ:
Hãy tự chiến thắng mình!”. Đó cũng chính là phong cách Hồ Chí Minh.
N.X.T.
(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)
---------------------------------------
 (1), (2), (3) Theo Bác Hồ, người Việt Nam đẹp nhất,
Nxb Giáo Dục, 1985
(4)
Dẫn theo: Thơ Hồ Chí Minh- Nxb Văn hoá Thông tin 1997 tr 93- 94.
(5)
Theo Hồi ký Bác Hồ trong lòng dân Huế, Huế 1990. Nhiều tác giả.
(*)
Rút trong tập: “Trái đất mai này còn lại tình yêu” của Hải Như- Nxb Văn học, Hà Nội, 1985.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Sông Hương xứ Huế đã bao đời miệt mài làm nên những nét tinh tế và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó là dòng chảy giao hòa và dung hợp của nét văn hóa truyền thống dân gian với văn hóa cung đình với những con người Huế với những nét đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào về giọng nói, tiếng cười, điệu hò và những món ăn Huế hấp dẫn.

     

  • ILIA ÊRENBUA
            Trích hồi ký

    Tôi đã viết, tôi đón đợi đại hội các nhà văn Xô-viết hệt như một cô gái đón đợi buổi vũ hội đầu tiên trong cuộc đời. Nhiều trong số những niềm hy vọng ngây thơ của tôi, có thể đã không được thực hiện, nhưng đại hội vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi như một ngày hội lớn, kỳ lạ.

  • HOÀNG LONG 

    Đây là một tiểu thuyết cực tiểu, gồm năm thiên. Và không có tên. Cũng như mọi thứ trên đời này đều như vậy. Tự thân không có tên. Chúng ta đặt tên cho chúng và ban cho vạn vật một ý nghĩa nào đó với chúng ta. Tất cả là do tâm tạo tác. Cái vọng tưởng đó của ta chẳng liên quan gì đến thế giới. Vì thế giới vận hành trong sự không tên.

  • NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7/2013

    HỒNG NHU
              Bút ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                            

    Vừa mới hôm nào nhận thư Phong Sơn báo tin năm nay sẽ được mùa lớn. Lúa phơi màu rất đẹp.

  • VÕ NGỌC LAN

    Đi trong thành phố xanh này, ở đâu cũng thấy một màu xanh dịu mát. Có lẽ nhờ thế mà mưa nắng cứ đến rồi đi, cỏ hoa cứ bốn mùa làm xanh thêm cuộc hành trình mưa nắng.

  • BẢO CƯỜNG 

    Tiếng sáo làm bạn với con người ngay từ tuổi ấu thơ. Tiếng sáo gợi hồn quê hương dân tộc. Chỉ với một ống trúc giản dị, mục đồng đã chế tạo thành một ống sáo để thổi. Những ngày lùa trâu ra đồng các em ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo nghe réo rắt, vang xa đến tận cuối làng.

  • MAI VĂN HOAN

    Nhà thơ Hồ Chí Minh từng viết: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên thiên đẹp). Có thể nói thiên nhiên tràn ngập trong thơ xưa - đặc biệt là mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông… Riêng về cỏ, các nhà thơ xưa rất ít nhắc đến.

  • NGUYỄN KIM CƯƠNG  

    Những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta tấn công và nổi dậy khắp các thành thị miền Nam, buộc lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn phải phân tán đối phó.

  • CÁI NẾT  

    Trên cánh đồng lúa Mụ Dâu ngút ngàn, lạ thay, người ta không thấy màu xanh non của mạ, chỉ thấy một rừng hoa dài đến tận chân trời…

  • NGUYỄN THỊ THÁI  

    Bao lâu rồi dã quỳ nồng nhiệt, dã quỳ rủ rê, dã quỳ khắc khoải, dã quỳ đớn đau. Tây Nguyên thấp thỏm màu vàng, mỗi người có một lần đợi mong, người thiếu phụ mang trong ngực tháng mười mơ ước, nhập vào sắc hoa hoang dại mênh mang thương và nhớ.

  • NGUYỄN DƯ

    Đi đâu mà vội mà vàng
    Mà vướng phải hố, mà quàng phải xe

    Ngày nay, nhiều người sợ đi ngoài đường. Khác ngày xưa…

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI

    Chiều hôm ấy mưa to lắm…
    Được cô cho nghỉ sớm, tôi rời lớp học thêm vật lý và đi dạo cùng đứa bạn thân. Thấy lề đường ướt sũng mà trái tim tôi cũng ướt theo. Nhìn qua thấy đứa bạn đang nói chuyện điện thoại với cha của nó… thì ra, hơn nửa tuổi thơ này… tôi đã không có cha! Trời hôm nay thật lạnh nhưng chỉ lạnh bằng một góc nào thật nhỏ của tháng ngày trước, cái ngày mà cha tôi ra đi… nỡ để lại trước mắt đứa con gái bé nhỏ của ông một cái xác không hồn…

  • HOÀNG HỮU CÁC

    Tiếng chân giày của trung tá Nguyễn Đình Sơn bước bồn chồn trên nền đất ẩm của căn hầm kiên cố dùng làm sở chỉ huy của đoàn B15 bộ binh là âm thanh duy nhất tôi nghe được ở đây trong chiều hôm nay.

  • THÁI KIM LAN

    Con thương yêu,
    Mẹ đang ở Huế, ngồi trong nhà của ngoại viết thư cho con. Con ơi, rời mùa Thu Munich về đây, lại thấy Huế cũng Thu.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                  bút ký

    Hồ Tịnh Tâm lại đã đến mùa sen nở. Những cánh sen trắng khiêm tốn lấp ló giữa bạt ngàn lá xanh dịu. Mới đó, năm ngoái, sau cơn bão số 8, ngôi nhà lục bát trên hòn đảo giữa hồ bị đổ nát, cảnh hồ thật tiều tụy. Quy luật xoay vần của thiên nhiên quả là kỳ diệu.

  • TỐNG TRẦN TÙNG

    Xin được giải thích ngay cụm từ “đi mót” ở đây. Theo từ điển tiếng Việt thì nghĩa thứ hai của từ mót là “nhặt nhạnh của để rơi vãi hoặc bỏ sót”.  Tuy vậy, ở quê tôi, khi nói đến đi mót thì người ta nghĩ ngay đến đi mót ngày mùa, mùa gặt lúa, mùa cày khoai, mùa nhổ lạc…

  • THÍCH CHƠN THIỆN
                            Tùy bút

    Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một bản kinh phổ biến nhất trong các nước Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền (Phật giáo thế giới) ghi: “Những người có đủ 36 dòng ái dục, họ mạnh mẽ rong ruỗi theo dục cảnh, người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài”. (câu 339)

  • NGUYỄN KHẮC THẠCH  

    Trên bàn tay Phật pháp vô biên hẳn còn nhiều hướng đi khác tích cực hơn và Tạ Thị Ngọc Thảo đã chọn phương pháp Vòng Thời Gian (hay Đạo pháp Calachakra) trong Mật giáo.

  • VIỆT HÙNG

    “Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao...”*- Câu hát từ thời chống Mỹ, đã trở nên xa xăm, song giờ đây, thỉnh thoảng nó vẫn vang lên trên các sóng phát thanh...