TRẦN VIẾT ĐIỀN
Triều Sơn, một tên làng đã vào dạ người Huế bao đời nay, qua câu hò ru em vời vợi. Nhiều người Huế nghĩ rằng làng Triều Sơn chuyên buôn bán, với cụm từ “Triều Sơn bán nón” có trong bài hò ru em phổ biến.
Đình làng Triều Sơn
Khi về làng Triều Sơn tìm hiểu, mới thấy ngôi làng cổ này là một làng nông, rất trọng sĩ, nghĩa là một làng trọng việc học không kém những làng Đồng Di, An Hòa… Làng cổ này đã từng chia 4 giáp, Triều Sơn Đông, Triều Sơn Nam, Triều Sơn Trung, Triều Sơn Tây. Bốn giáp đã phát triển mọi mặt, số lượng cư dân đông đúc, đã xây dựng đình giáp hoành tráng,… nhưng vẫn không quên “nguồn cội”, vẫn chung sức tôn tạo đình làng Triều Sơn năm 2014 và hằng năm dân của bốn giáp Đông, Nam, Trung, Tây đều tề tựu ở đình chung, tọa lạc ở Triều Sơn Đông để tế lễ vào ngày 1/7 âm lịch.
Tiền khai canh là họ Hoàng
Cuối tháng 6 âm lịch, anh Văn Quang Minh, người làng Triều Sơn, từng tham gia thiết kế và thi công ngôi đình làng Triều Sơn năm 2014, giúp chúng tôi khảo sát điền dã ở Triều Sơn. Chúng tôi thu thập bước đầu một số thông tin sau: xã Triều Sơn, thuộc huyện Tư Vinh có tên trong danh mục làng xã thuộc sách Ô Châu cận lục do Dương Văn An viết năm 1553. Triều Sơn được thành lập vào khoảng đời vua Lê Nhân Tông. Qua gia phả của các dòng họ, biết Triều Sơn được thành lập trên cơ sở 11 họ tộc khai canh lập làng. Gia phả nhiều dòng họ ghi chép rằng tổ tiên nguyên là người xã Bạch Câu, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa thuộc đất Hoan Châu xưa, đến triều Lê Nhân Tông năm Thái Hòa thứ 3 [1446] di cư đến vùng Hóa Châu và thành lập nên xã Triều Sơn. Ở Triều Sơn Đông, sau khi phân chia 4 giáp, vào triều Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), trong 11 họ được phân về các giáp thì tại Triều Sơn Đông có 6 họ Tiền Khai canh, Hậu Khai khẩn. Trước đây con cháu các họ của làng Triều Sơn không rõ về vị trí cao thấp của họ mình vào thời tiền khai canh của làng nên dẫn đến tranh chấp. Ròng rã 8 năm 3 tháng, các họ đã nhiều lần làm đơn khiếu nại với quan trên. Bộ Lễ triều Nguyễn chiếu theo hương phổ và những giấy tờ khác mà làng và các giáp còn phụng giữ, đã duyệt y thứ tự của các dòng họ tiền khai canh là Hoàng, Đỗ, Lê, Hồ, Trần, Mạc, Phùng (vô tự). Họ Hoàng là họ tiền khai canh, từng sống ở Triều Sơn Đông, và 4 người con trai họ Hoàng được làng chia ra thờ ở 4 giáp.
![]() |
Dấu tích Văn Thánh Triều Sơn và bia ghi dấu di tích |
Triều Sơn từng có “Trường đại học” của Đàng Trong
Khi được một số bác ở Triều Sơn giúp đỡ trong việc nghiên cứu các giáp, chúng tôi đến Triều Sơn Trung thăm di tích Văn Thánh Triều Sơn, được dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Di tích đã trở thành phế tích. Nhà Dụy Lễ, Học cung,… chỉ còn nền móng, trên đó dân sở tại đã biến thành những cồn mồ. Di tích chỉ còn bệ thờ, hai tấm bia đá và phía trước còn dấu vết của hồ bán nguyệt. Các bác cao tuổi của làng cho biết: “Ngày xưa mỗi lần tế Đinh ở Văn Thánh, dân làng Triều Sơn đều dùng kiệu rước bài vị của Bà, từ miếu Bà ra dự lễ”.
Một làng có hai Thành Hoàng nữ
Chúng tôi nhờ các bác giúp khảo sát miếu Bà. Điều ngạc nhiên là ở Triều Sơn Trung có hai miếu Bà kiến trúc giống nhau, cả hai bài vị trong miếu đều ghi “Bổn thổ Thành Hoàng”. Đây là điểm độc đáo của làng Triều Sơn. Hai bà Thành Hoàng Triều Sơn là ai?
Chúng tôi rà soát tư liệu về làng gốc Bạch Câu Nga Sơn Thanh Hóa của Triều Sơn. Thánh tích Nguyệt Nga Hoàng phi tôn thần do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn và Quản giám bách thần tri điện hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng tả, năm Vĩnh Hựu thứ 3 [1737]. Hiện “Thánh tích Nguyệt Nga Hoàng phi” do dòng họ Hỏa ở làng Quang Đức lưu giữ. Nguyệt Nga hoàng phi tên thật là Hỏa Thị Ninh Thuận, hiệu Nguyệt Nga nương. Bà là con gái của ông Hỏa Đức Lương gốc ở đảo Đông Hải và bà Hoàng Thị Duyên, vùng Bạch Câu. Bà Duyên mơ thấy một tiên ông cho bà hai quả đào tiên. Bà ăn hết hai quả đào thì ông lão biến mất. Từ đấy bà Duyên thụ thai, năm sau, ngày lành tháng 9 năm năm Kỷ Dậu (1429) bà sinh đôi hai cô con gái. Cô chị là Hỏa Thị Ninh Khương, hiệu là Nguyệt Diệu nương và cô em là Hỏa Thị Ninh Thuận, hiệu là Nguyệt Nga nương. Hai nàng tư chất thông minh, nhan sắc và dung mạo hơn người. Ông Hỏa Đức Lương xuất thân nghề sông nước nhưng cũng rất giỏi võ nghệ nên ông đem nghề võ truyền dạy cho cô con gái. Hai nàng đều làu thông võ nghệ gia truyền, lại được học văn chương kinh sử, nên hai nàng họ Hỏa nổi tiếng tài sắc trong vùng. Thời vua Lê Nhân Tông (1443 - 1459) có giặc Chiêm Thành vào cướp phá. Quân vua đi đánh giặc. Khi qua châu thị Nga Sơn, hai chị em họ Hỏa cùng nhiều người Nga Sơn tòng quân, trở thành hai nữ tướng tài ba và xinh đẹp. Hai bà hiến kế lập quán bên đường cho giặc thấy mà không đề phòng gì, rồi thừa cơ đánh úp. Quả nhiên giặc trúng kế. Sau đó họ hiến kế giả dạng quân lính Chiêm Thành để nhập thành làm kế nội công… Quân vua bắt sống được vua Chiêm Thành đem về triều. Khi nhà vua gặp hai nữ tướng họ Hỏa, biết chiến công của họ, nhà vua rất “ngưỡng mộ” truyền “nhập cung”, về sau hai bà thành hoàng phi. Năm Đinh Sửu niên hiệu Diên Ninh thứ tư, Nguyệt Nga Hoàng phi lại về thăm quê. Ngày 13 - 3, từ trong bến phường trông ra cửa sông Nga Giang, đã thấy rõ cờ hiệu của thuyền Hoàng phi. Bỗng trời đất tối sầm, nổi giông tố, sóng biển cao, nhấn chìm thuyền Hoàng phi… Ngựa trạm chạy tin khẩn, nhà vua nghe tâu đau đớn, lệnh tiếp tục truy tìm và lập đàn cầu đảo. Ba ngày sau thi thể Nguyệt Nga Hoàng phi nổi lên ngay cửa Nga Giang, thần sắc vẫn tươi như khi còn sống. Người ta vớt thi thể Hoàng phi lên đưa về Minh Đang quàn tang, thiết đàn tế ba ngày, rồi an táng tại xứ Qua Ty (nay thuộc làng Trung Nghĩa, xã Nga Trung), phần mộ tọa Tốn hướng Càn (đông nam - tây bắc). Tượng Hoàng phi Nguyệt Nga được nghệ nhân tạc bằng gỗ trầm hương, sơn son thếp vàng. Nhà vua sắc phong: Đương cảnh thành hoàng Trinh hòa thục mỹ nhụ minh dục hành thuần nhất công chúa. Lại gia phong: Hỏa Quý Thị Nương hiệu Từ Thuận cung phi đệ tứ Chiêu linh phu nhân thượng đẳng tôn thần. Nguyệt Nga Hoàng phi được sắc phong Thành Hoàng làng ngày15 - 3 Đinh Sửu (1457) Diên Ninh năm thứ tư (Nguồn: Thứ 7 ngày 12/01/20139/17/14 baothanhhoa).
Thánh tích phù hợp chính sử
Tra cứu Đại Việt sử ký toàn thư được biết thời vua Lê Nhân Tông có những cuộc chiến tranh Chiêm - Việt: “Giáp Tý, [Thái Hòa] năm thứ 2 [1444]… Mùa hạ, tháng 5, chúa Chiêm Thành là Bí Cai vào cướp thành châu Hóa, cướp bắt nhân dân. Sai Nhập nội kiểm hiệu thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả đem 10 vạn quân đi đánh” (sđd, tập II, tr. 355). “Ất Sửu, [Thái Hòa] năm thứ 3… Mùa hạ, tháng 4, Chiêm Thành vào cướp thành An Dung của châu Hóa. Tháng 5, gặp nước lũ nên thua to… Tháng 6… ngày 25, sai bọn Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Lê Thận, Nhập nội đô đốc Lê Xí đi đánh Chiêm Thành… Tháng 12, sai Bình chương sự Lê Khả đi đánh Chiêm Thành” (sđd, tập II, tr. 355). Hai năm lại có 3 cuộc Nam chinh, với tướng giỏi và quân thường trực. Nhưng năm Bính Dần triều đình Lê Nhân Tông, có tuyển binh ồ ạt và mở chiến dịch lớn: “Bính Dần, [Thái hòa] năm thứ 4 [1446]… Mùa Xuân, tháng giêng, đúng kỳ hội quân lớn, chọn người khỏe mạnh đi đánh Chiêm Thành. Sai dân phu vận chuyển lương thực tới chứa ở huyện Hà Hoa.
Ngày 22, sai bọn Nhập nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả, Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Vua thấy chúa Chiêm Thành là Bí Cai nhiều lần dốc quân cả nước vào cướp, cho nên sai đi đánh.
Tháng 2… các quân của bọn Lê Thụ đến các xứ Ly Giang, Đa Lang, Cổ Lũy mở thông đường thủy, dựng đắp thành lũy để đánh nhau với giặc, phá tan giặc, thừa thắng đánh thẳng đến cửa biển Thi Nại.
Mùa hạ tháng 4 ngày 25, các quân của bọn Lê Thụ tiến công thành Chà Bàn phá tan quân giặc, bắt được chúa nó là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi vũ khí, cùng các hàng tướng rồi đem quân về.
Tháng 6, đem chúa Chiêm Thành Bí Cai làm lễ dâng tù cáo thắng trận ở Thái Miếu. Đại xá thiên hạ…” (sđd, tập II, tr. 356)
Qua dẫn liệu trên, các nội dung trong Thánh tích Nguyệt Nga Hoàng phi tôn thần do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn về cơ bản là khả tín. Chỉ hai chi tiết là vua Lê Nhân Tông thân chinh và “phải lòng” hai chị em họ Hỏa là không đúng. Thật vậy, chiến dịch năm 1446 nhà vua mới 6 tuổi, sử không ghi chép sự kiện nhà vua thân chinh và tất nhiên không có việc nhà vua qua Nga Sơn và ưa hai chị em họ Hỏa. Chỉ có khả năng khi về Thăng Long, triều đình thấy hai chị em nữ tướng xinh đẹp và có tài, có chiến công và vua trẻ rất mến mộ, nên triều đình cho nhập cung theo kiểu tảo hôn. Việc tảo hôn trong triều Lê Nhân Tông từng xảy ra, sử chép: “Mậu Thìn [Thái Hòa] năm thứ 6 [1448]… Tháng 11, đem chị của vua là Vệ Quốc trưởng công chúa gả xuống cho Lê Quát, con trai Thái úy Lê Thụ. Lúc ấy công chúa mới có 10 tuổi, câm không nói được. Xuống chiếu cho Tư khấu Trịnh Khắc Phục làm chủ việc hôn lễ.” (sđd, tập II, tr. 366).
Tại sao làng Triều Sơn có thành hoàng là hai thần nữ và tiền khai canh đứng đầu là họ Hoàng?
Trong đoàn quân Nam chinh, ngoài hai bà nữ tướng họ Hỏa, còn có ông tướng họ Hoàng, cậu của hai bà, cùng bốn người con trai họ Hoàng làm bộ tướng. Có khả năng hai bà được giao đồng chỉ huy một đội quân mà tướng sĩ đa phần là người đồng hương Bạch Câu của hai bà. Thường đoàn quân Nam chinh, vào dừng chân ở Hóa Châu, bổ sung lương thảo, nên có khả năng đội quân do hai nữ tướng trẻ họ Hỏa, bộ tướng gồm năm cha con họ Hoàng đã đóng quân ở vùng đồi bờ bắc sông Bạch Yến, tây sông Hương [Linh Giang]. Về sau, khi khải hoàn, ông cậu họ Hoàng và bốn người con trai có khả năng ở lại để khai hoang lập ấp, kiểu “ngụ binh ư nông”, lập thành làng Triều Sơn. Ở 4 giáp ở làng Triều Sơn, dân sở tại đều thừa nhận tiền khai canh đứng đầu là ngài Hoàng quí công cùng với 4 người con trai là Hoàng nhất lang, Hoàng nhị lang, Hoàng tam lang, Hoàng tứ lang. Khi yên giặc, các vị tướng cùng quân lính đồng hương lại về quê gốc Bạch Câu Nga Sơn, vận động thân bằng quyến thuộc vào khai hoang lập ấp. Khi làng gốc Bạch Câu đã có thành hoàng là nhân thần Nguyệt Nga Hoàng phi, dân làng Triều Sơn mới thành lập, đã tôn Hai Hoàng phi họ Hỏa làm hai vị thành hoàng nữ. Làng đã trọng thị hai nữ thành hoàng bằng cách xây dựng hai miếu giống nhau.
![]() |
Miếu Thành Hoàng I - Miếu Thành Hoàng II |
Thay lời kết
Làng cổ Triều Sơn với lịch sử thành lập khá độc đáo vào thời vua Lê Nhân Tông. Đặc biệt, việc thờ thành hoàng cũng lạ và hiếm, với việc phụng thờ hai nhân thần nữ, lại là hai chị em sinh đôi, vừa là hai nữ tướng có tài và cũng là hai hoàng phi của vua trẻ. Nên chăng, làng Triều Sơn đề đạt nguyện vọng lên các cấp chính quyền, các cơ quan hữu trách, lập hồ sơ công nhận năm đình, hai miếu bà Thành Hoàng của làng là những di tích lịch sử cấp quốc gia. Các công ty du lịch có thể “khai thác” tiềm năng du lịch ở Triều Sơn, tổ chức du khách hòa vào các đợt tế lễ ở đình làng Triều Sơn và bốn đình giáp, rước bài vị các nhân thần trong các cuộc tế lễ… Tạo ra những hình thức quảng diễn, tập họp thanh niên của làng tái hiện lại hai hoạt động học hành thi cử ở Văn miếu Triều Sơn và những màn thí võ có hai thiếu nữ tài sắc họ Hỏa. Nên chăng các vị phụ trách làng Triều Sơn tổ chức một cuộc về thăm làng Bạch Câu, Nga Sơn Thanh Hóa, tìm các vị chức sắc của làng cổ Bạch Câu để nhờ các vị giúp chiêm bái những di tích lịch sử, tìm hậu duệ họ Hỏa ở làng Quang Đức để giúp chụp ảnh, photocopy màu những tư liệu về sắc phong, thánh tích được ban và được soạn qua các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn,… để đưa về Triều Sơn, tôn trí ở đình làng hoặc ở hai miếu Thành Hoàng của làng.
T.V.Đ
(SHSDB20/04-2016)
HÀ MINH ĐỨC Ký Sau chặng đường dài, vượt qua nhiều đồi núi của vùng Quảng Bình, Quảng Trị, khoảng 3 giờ chiều ngày 25/9/2003, đoàn chúng tôi về đến thành phố Huế. Xe chạy dọc bờ sông Hương và rẽ vào khu vực trường Đại học Sư phạm Huế. Anh Hồ Thế Hà, Phó Chủ nhiệm khoa Văn; chị Trần Huyền Sâm, giảng viên bộ môn Lý luận văn học cùng với các em sinh viên ra đón chúng tôi. Nữ sinh mặc áo dài trắng và tặng các thầy những bó hoa đẹp.
BĂNG SƠN Tuỳ bútDòng sông Hồng Hà Nội là nguồn sữa phù sa và là con đường cho tre nứa cùng lâm sản từ ngược về xuôi. Dòng sông Cấm Hải Phòng là sông cần lao lam lũ, hối hả nhịp tầu bè. Dòng sông Sài Gòn của thành phố Hồ Chí Minh là váng dầu ngũ sắc, là bóng cần cẩu nặng nề, là những chuyến vào ra tấp nập... Có lẽ chỉ có một dòng sông thơ và mộng, sông nghệ thuật và thi ca, sông cho thuyền bềnh bồng dào dạt, sông của trăng và gió, của hương thơm loài cỏ thạch xương bồ làm mê mệt khách trăm phương, đó là sông Hương xứ Huế, là dòng Hương Giang đất cố đô mấy trăm năm, nhưng tuổi sông thì không ai đếm được.
PHAN THUẬN THẢO Chiều chiều trước bến Vân Lâu Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông. Thuyền ai thấp thoáng bên sông, Đưa câu Mái đẩy chạnh lòng nước non. (Ưng Bình Thúc Giạ)
LÃNG HIỂN XUÂNChẳng hiểu sao, từ thuở còn thơ ấu, tôi đã có một cảm nhận thật mơ hồ nhưng cũng thật xác tín rằng: Chùa chính là nơi trú ngụ của những ông Bụt hay bà Tiên và khi nào gặp khó khăn hay đau khổ ta cứ đến đó thì thế nào cũng sẽ được giải toả hay cứu giúp!
BÙI MINH ĐỨCNói đến trang phục của các Cụ chúng ta ngày xưa là phải nhắc đến cái búi tó và cái khăn vấn bất di bất dịch trên đầu các Cụ. Các Cụ thường để tóc dài và vấn tóc thành một lọn nhỏ sau ót trông như cái củ kiệu nên đã được dân chúng đương thời gọi là “búi tó củ kiệu”. Ngoài cái áo lương dài, cái dù đen và đôi guốc gỗ, mỗi khi ra đường là các Cụ lại bối tóc hình củ kiệu và vấn dải khăn quanh trên đầu, một trang phục mà các cụ cho là đứng đắn nghiêm trang của một người đàn ông biết tôn trọng lễ nghĩa. Trang phục đó là hình ảnh đặc trưng của người đàn ông xứ ta mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 mới bắt đầu có nhiều biến cải sâu đậm
MAO THUỶ THANH (*)Tiếng hát và du thuyền trên sông Hương là nét đẹp kỳ thú của xứ Huế. Trên sông Hương có hai chiếc cầu bắc ngang: cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền nhưng trước đây người dân Huế thường có thói quen đi đò ngang. Bến đò ở dưới gốc cây bồ đề cổ thụ, nằm đối diện với trường Đại học Sư phạm Huế. Một hôm, tôi và nữ giáo sư Trung Quốc thử ngồi đò sang ngang một chuyến. Trên đò đã có mấy người; thấy chúng tôi bước xuống cô lái đò áp đò sát bến, mời chúng tôi lên đò.
VÕ NGỌC LANBuổi chiều, ngồi trên bến đò Quảng Lợi chờ đò qua phá Tam Giang, tôi nghe trong hư vô chiều bao lời ru của gió. Lâu lắm rồi, tôi mới lại được chờ đò. Khác chăng, trong cảm nhận tôi lại thấy bờ cát bên kia phá giờ như có vẻ gần hơn, rõ ràng hơn.
HỒNG NHUTôi vẫn trộm nghĩ rằng: Tạo hóa sinh ra mọi thứ: đất, nước, cây cỏ chim muông... và con người. Con người có sau tất cả những thứ trên. Vì vậy cỏ cây, đất nước... là tiền bối của con người. Con người ngoài thờ kính tổ tiên ông bà cha mẹ, những anh hùng liệt sĩ đã mất... còn thờ kính Thần Đất, Thần Nước, Thần Đá, Thần Cây...là phải đạo làm người lắm, là không có gì mê tín cả, cho dù là con người hiện đại, con người theo chủ nghĩa vô thần đi nữa! Chừng nào trên trái đất còn con người, chừng đó còn có các vị thần. Các vị vô hình nhưng không vô ảnh và cái chắc là không vô tâm. Vì sao vậy? Vì các vị sống trong tâm linh của con người, mà con người thì rõ ràng không ai lại tự nhận mình là vô tâm cả.
MẠNH HÀTôi không sinh ra ở Huế nhưng đã có đôi lần đến Huế, khác với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, Huế có nét trầm lắng, nhẹ nhàng, mỗi lần khi đến Huế tôi thường đi dạo trên cầu Trường Tiền, ngắm dòng Hương Giang về đêm, nghe tiếng ca Huế văng vẳng trên những chiếc thuyền rồng du lịch thật ấn tượng. Cho đến nay đã có biết bao bài thơ, bài hát viết về Huế thật lạ kỳ càng nghe càng ngấm và càng say: Huế đẹp, Huế thơ luôn mời gọi du khách.
VÕ NGỌC LANNgười ta thường nói nhiều về phố cổ Hội An, ít ai biết rằng ở Huế cũng có một khu phố cổ, ngày xưa thương là một thương cảng sầm uất của kinh kỳ. Đó là phố cổ Bao Vinh. Khu phố này cách kinh thành Huế chừng vài ba cây số, nằm bên con sông chảy ra biển Thuận An. Đây là nơi ghe, thuyền trong Nam, ngoài Bắc thường tụ hội lại, từ cửa Thuận An lên, chở theo đủ thứ hàng hoá biến Bao Vinh thành một thương cảng sầm uất vì bạn hàng khắp các chợ trong tỉnh Thừa Thiên đều tập trung về đây mua bán rộn ràng.
NGUYỄN XUÂN HOATrước khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới, thành phố Huế đã được nhiều người nhìn nhận là một mẫu mực về kiến trúc cảnh quan của Việt Nam, và cao hơn nữa - là “một kiệt tác bài thơ kiến trúc đô thị” như nhận định của ông Amadou Mahtar M”Bow - nguyên Tổng Giám đốc UNESCO trong lời kêu gọi tháng 11-1981.
DƯƠNG PHƯỚC THU Bút kýXứ Thuận Hóa nhìn xa ngoài hai ngàn năm trước, khi người Việt cổ từ đất Tổ Phong Châu tiến xuống phía Nam, hay cận lại gần hơn bảy trăm năm kể từ ngày vua Trần Anh Tông cho em gái là Huyền Trân Công chúa sang xứ Chàm làm dâu; cái buổi đầu ở cương vực Ô Châu ác địa này, người Việt dốc sức tận lực khai sông mở núi, đào giếng cày ruộng, trồng lúa tạo vườn, dựng nhà xây đình, cắm cây nêu trấn trị hung khí rồi thành lập làng xã.
TRƯƠNG THỊ CÚCSông Hương, một dòng sông đẹp, sôi nổi với những ghềnh thác đầu nguồn, mềm mại quàng lấy thành phố như một dải lụa, hài hoà tuyệt diệu với thiên nhiên xinh đẹp và hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa; với hàng trăm điệu hò, điệu lý; với những ngày hội vật, hội đua trải, đua ghe; với mảnh vườn và con người xứ Huế, là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ, thu hút sự say mê của nhiều khách phương xa. Không những là một dòng sông lịch sử, sông Hương còn là không gian văn hoá làm nẩy sinh những loại hình nghệ thuật, những hội hè đình đám, là không gian của thi ca, nhạc hoạ, là dòng chảy để văn hoá Huế luân lưu không ngừng.
TÔN NỮ KHÁNH TRANG Khi bàn về văn hoá ẩm thực, người ta thường chú trọng đến ẩm thực cung đình, hay dân gian, và chủ yếu đề cập đến sinh hoạt, vai trò, địa vị xã hội... hơn là nghĩ đến hệ ẩm thực liên quan đến đời sống lễ nghi.
TRƯƠNG THỊ CÚC• Bắt nguồn từ những khe suối róc rách ở vùng núi đại ngàn A Lưới - Nam Đông giữa Trường Sơn hùng vỹ, ba nhánh sông Tả Trạch, Hữu Trạch và nguồn Bồ đã lần lượt hợp lưu tạo thành hệ thống sông Hương, chảy miên man từ vùng núi trung bình ở phía đông nam A Lưới, nam Nam Đông, băng qua những dãy núi đồi chập chùng ở Hương Thuỷ, Hương Trà, Phong Điền rồi xuôi về đồng bằng duyên hải, chảy vào phá Tam Giang để đổ nước ra biển Đông.
NGUYỄN KHẮC MAIỞ xứ Huế có những tên làng quê mà nghĩa của chúng vẫn còn là sự ám ảnh kiếm tìm giải thích, chắc chắn chúng phải có nghĩa cụ thể nào đó. Người xưa không bao giờ đặt tên một vùng đất mà chẳng có nghĩa gì cả cứ như là người Mã Lai họ đặt tên vùng đất kinh đô cũng lần ra cái nghĩa đó là “cửa sông bùn lầy” (Kua-la-lăm-pua). Những cái tên như Kim Long, An Hoà, Dương Xuân, Phú Tài, Phú Mậu thì những ai có chút hiểu biết chữ Hán đều có thể lần tìm ý nghĩa. Nhưng có những cái tên làng quê thật khó đoán được cái nghĩa của chúng.
BÙI MINH ĐỨC Ngày nay, hễ nói đến đường để nấu chè là ai ai ở Huế cũng nghĩ đến đường cát trắng, đến thứ đường bột trắng tinh đã được tinh lọc do các nhà máy đường tân tiến sản xuất. Có người cũng còn nhớ đến đường phèn để chưng với chanh ăn khi bị ho, hoặc đường tinh thể là thứ đường đặc biệt màu vàng dùng để uống với cà phê cho thêm phần đậm đà. Nhưng chẳng ai có thể nhắc đến chiếc bánh đường đen ở Huế của thuở nào.
NGUYỄN TIẾN VỞNKinh Dịch (Chu Dịch) là sách về sự biến đổi. Dịch, nói gọn lại là biến đổi. Tinh thần xuyên suốt của Kinh Dịch là quy luật chuyển dời, biến hoá của vạn vật trong cõi trời đất. Mọi vật, bất kể to lớn như vũ trụ, hay nhỏ nhoi như các nguyên tử, đều không bao giờ đứng yên. Mọi sự, từ chuyện người có thể biết đến chuyện chỉ trời đất biết, cũng vận động biến hoá khôn lường.
PHAN THUẬN AN Dạ thưa xứ Huế bây giờ,Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. (Bùi Giáng)
NGUYỄN VĂN THỊNHCũng như trên cả nước, trước cách mạng tháng Tám, làng (tên gọi chữ Hán là xã), ở Thừa Thiên Huế là một đơn vị cơ bản trong tổ chức hành chính của các vương triều.