Văn học trong thời đại toàn cầu hóa - trường hợp Chăm

15:47 09/01/2012

INRASARA

1. Toàn cầu hóa là một hiện thực diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, từ hai thập kỉ qua. Một hiện thực lồ lộ trước mắt ta, bên cạnh ta, ngay trong nhà và ở chính bản thân ta, dù ta là công dân ở đất nước tiên tiến hay dù ta chỉ là một thành phần thuộc sắc dân thiểu số cư trú vùng sâu vùng xa trong một đất nước đang phát triển chưa qua giai đoạn hiện đại hóa.

Nhà thơ Inrasara - Ảnh: internet

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 [endif][if gte mso 9] [endif][if gte mso 10] [endif]

Ta không thể chối bỏ hay quay lưng lại nó, mà chỉ có thể bàn cách tiếp nhận sao cho hiệu quả nhất trong môi trường văn hóa cụ thể.

Thử giải cấu trúc trường hợp câu lạc bộ bóng đá Arsenal. Câu lạc bộ có trụ sở tại London (Anh), nhưng chủ sở hữu nó có cả công dân Anh lẫn Mỹ, huấn luyện viên lại là người Pháp, tập hợp cầu thủ từ rất nhiều quốc gia khác nhau, khác đến mức có lắm bận đội hình ra sân không có một cầu thủ nào mang quốc tịch Anh. Mấy năm qua, các trận đấu tại sân vận động Emirates chạy dài hàng chữ quảng cáo Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam. Chưa hết, hàng triệu fan Arsenal rải khắp thế giới. Riêng Việt Nam, người hâm mộ lập nên website riêng Arsenal.com hoạt động xôm tụ. Đến một làng quê miền núi hẻo lánh, ta không khó bắt gặp cậu thiếu niên quần xà lỏn vận áo số 14 hò hét đám bạn trong trận cầu trên đám rẫy lồi lõm không kém gì Henry. Trận derby MU - Arsenal, rủi ro Các Pháo thủ bị Những con Quỷ đỏ cho phơi áo, cha con tôi buồn héo mặt như thể chính mình vừa thua cuộc.

Toàn cầu hóa là vậy.

Thử bước vào gia đình nhỏ người Chăm hiện đại.

Cuộc sống nông thôn khó khăn, vợ chồng dắt díu hai đứa con vào Phan Thiết, dăm năm qua. Anh chồng làm tổ trưởng Bảo hiểm Prudential, suốt ngày hết gạ gẫm khách hàng xa lạ đến truyền đạt cho chục nhân viên dưới quyền phương sách thuyết phục thân chủ bỏ tiền ra càng nhiều càng tốt mua bảo hiểm từ một hãng bảo hiểm tại đất nước Anh xa lắc lơ mình chưa hề đặt chân tới. Chị vợ là thợ may áo cao cấp xuất khẩu sang Úc, loại áo mà chồng mình không bao giờ được mặc. Tối mịt, họ cùng đi xe máy Trung quốc về nhà trọ. Hấp khoai làng bằng lò viba nhãn hiệu Mỹ, chị vợ vừa làm bếp vừa liếc sang tivi LCD sản xuất tại Hàn Quốc đang chiếu phim bộ Đài Loan trong khi anh chồng mãi hào hứng với trận bóng đá đang diễn ra tại Nam Phi được truyền trực tiếp qua kênh Thái Lan trên cái tivi nghĩa địa Nhật. Phòng bên, hai đứa con đắm mình vào trò chơi điện tử của hãng Capcom về bậc thầy Muay Thái là Sagat và đang mãi hò hét bằng tiếng Chăm độn đến nửa phần tiếng Việt. Katê năm ngoái, người bác dẫn con từ Canada về, đám nhóc tán gẫu bằng thứ tiếng Anh khiến bố mẹ hết hiểu.

Mới ba thập niên trước thôi, ông bà nội chúng suốt ngày bám đuôi trâu với quẩn quanh mảnh ruộng bạc mầu. Khi có việc hay rảnh rỗi thì sang nhà bà con láng giềng, gặp ngày lễ lạc mới được qua làng bên. Hạn hán hay lũ lụt ảnh hưởng đời sống trực tiếp mắt thấy tai nghe - rất thực. Có thiếu thốn thì qua nhà bác phú nông vay tạm đợi mùa. Hôm nay thì khác. Biến động chính trị tại các nước Bắc Phi, nạn cháy rừng ở Úc châu hay Tòa Tháp Đôi tận đất nước chú Sam sụp đổ hoặc một thay đổi quyền lực vừa xảy ra tại phiên họp Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cũng ảnh hưởng đến bữa cơm họ, tác động mạnh đến giá trị đồng tiền họ chắt chiu được để gửi tiết kiệm.

Thế giới đã trở thành một làng, làng toàn cầu (global village). Nhân loại bị nhồi nhét trong cái làng chật chội đó, chịu ảnh hưởng từ nó và bởi nó, không thoát ra được.

Về mặt kinh tế - chính trị - xã hội, toàn cầu hóa nguy cơ nhuộm nhân loại thành một màu đồng nhất. Riêng về mặt văn hóa, toàn cầu hóa làm cho nhân loại trên khắp thế giới trở nên giống nhau hay khác nhau hơn? - là câu hỏi thường được đặt ra trong các cuộc trao đổi về toàn cầu hóa văn hóa (Manfred B. Steger, 2009).

Về sự thể này, hiện nay tồn tại ba quan điểm: - Toàn cầu hóa dẫn đến sự nhất thể hóa văn hóa, văn hóa trên toàn thế giới sẽ mang chung một bộ mặt; - Ở phía đối trọng, toàn cầu hóa dẫn đến tình trạng phản ứng ngược: các nền văn hóa nhỏ, ngoại biên sẽ tự vệ bằng nhiều biện pháp để bảo tồn bản sắc đặc thù, họ tiếp nhận toàn cầu hóa theo cách rất riêng; - Cuối cùng là xu hướng chiết trung khuyến khích các hình thức lai tạo văn hóa, trên nền tảng bản sắc cũ, họ thâu thái những cái Khác (Others) để tạo nên nền văn hóa mới, đa tạp và độc đáo.

Còn văn học, toàn cầu hóa có là một thứ hợp lưu văn học để dẫn đến sự giống nhau của tất cả các nền văn học không? - Chắc chắn là không rồi.

Tinh thần dân tộc và tinh thần địa phương của loài người, sức đề kháng của các nền văn hóa cùng lợi ích cục bộ, vân vân… sẽ bảo lưu sự khác biệt, hoặc tạo nên những sự khác biệt mới. Xu hướng tách và nhập xảy ra đồng thời ở các dòng lưu chuyển của tư tưởng và văn hóa thế giới. Văn học không là ngoại lệ. Còn hơn thế, văn học sở hữu vũ khí riêng là ngôn ngữ mà không bộ môn nào có.

Giữa dòng lưu chuyển của thời đại toàn cầu hóa ấy, văn chương Việt Nam nhập lưu thế nào? Cụ thể hơn, các cây bút Chăm phản ứng và viết thế nào?

2.

Phản ứng trước hết và dễ nhận ra nhất là thái độ rút vào vỏ sò như là cách tự vệ của kẻ sắp bị lấy mất báu vật: nền văn học truyền thống cần phải được bảo tồn. Nhưng đâu là cái cần bảo tồn? Mười bảy thế kỉ dựng xây và vun bồi, nền văn học xa xưa chỉ còn là những mảnh vụn vương vãi khắp nơi. Lượm nhặt và lắp ghép lại những mảnh rời kia để tạo nên khuôn mặt khả dĩ nhất của nền văn học dân tộc, bộ Văn học Chăm, khái luận - văn tuyển ba tập (Inrasara, 1994-1996) là thành quả bước đầu của nỗ lực dài hơi đó. Ngoài ra Tủ sách Văn học Chăm (Inrasara chủ biên) mười tập gồm 5.000 trang đang được triển khai cũng là dự án cho một tái khẳng định bản sắc.

Không dừng lại, để khẳng định bản sắc cũ trong lòng văn học Việt Nam đồng thời tạo lập một bản sắc mới, thế hệ toàn cầu hóa cần có đất riêng để chơi. Đặc san Tagalau, sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu văn hóa Chăm có mặt, đảm nhận được phần việc đó. Qua 12 kì tồn tại, đặc san trình làng nhiều cây bút triển vọng, trong đó có tác giả đã in tác phẩm riêng: Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Trà Vigia, Chế Mỹ Lan, Trà Ma Hani, Phú Đạm,…

Cuối cùng sức đề kháng còn thể hiện rõ ở không ít cây bút Chăm cương quyết sáng tác bằng tiếng dân tộc.

Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?
nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó
dù chỉ còn dăm ba người
                        dù chỉ còn một người
                                    hay ngay cả chẳng còn ai.

                                                (Inrasara, Tháp nắng, 1996)

Dù chịu mấy thiệt thòi, hạn chế về mọi mặt, họ vẫn bám trụ. Những Cahya Mưlơng, Jaya Hamu Tanran, Jaya Bal Riya, Đặng Tịnh, Minh Trí, Raya Raya, Inrasara, Trà Vigia, Phú Đạm, Jaya Thuksiam, Caramai,… thế hệ tiếp thế hệ, có thể tài năng với sự trường sức không đều, và cho dù các bài thơ chỉ có mặt lác đác, họ vẫn miệt mài với tình yêu văn chương và tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ.

Rồi, website Inrasara.com ra đời năm 2007, ngoài việc in nguyên tập thơ Em, hoa xương rồng & nắng của Trà Ma Hani được Inrasara chuyển ngữ sang tiếng Chăm, cùng lúc hơn năm mươi bài thơ của Inrasara được đăng tải. Và khi kĩ thuật in ấn thuận tiện với điều kiện kinh tế cho phép, các cây bút Chăm ý thức in thành tập các sáng tác lẻ của mình. Phú Đạm gạn đục khơi trong các bài thơ cũ để làm ra Anưk kamei bhum pađiak (Người con gái xứ nắng). Tập thơ in photocopy 50 bản, phát hành vào đầu tháng 5-2009, là một nỗ lực khác nữa.

3.

Nhưng các cây bút Chăm cứ mãi tự đóng khung trong thế giới tiếng mẹ đẻ không? Chắc chắn là không rồi. Là dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam đa sắc tộc, nhà văn người Chăm không thể không sử dụng tiếng Việt. Có mấy nguyên do: Để tác phẩm của mình đến với độc giả 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam được nhiều và nhanh, họ phải dùng đến tiếng Việt, là tiếng phổ thông trong in ấn và phát hành. Với cộng đồng Chăm, tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ chủ đạo được sử dụng ở mọi lĩnh vực; và có thể nói, đại đa số người Chăm giỏi và sành tiếng Việt gấp nhiều lần tiếng mẹ đẻ. Sau cùng, với chính bản thân người viết - ngoài vài trường hợp cá biệt -, đa phần vẫn suy nghĩ bằng tiếng Việt, việc diễn đạt ý tưởng qua tiếng Việt với họ chắc chắn sẽ thoải mái hơn.

Như vậy, để nhập lưu văn chương Việt Nam đương đại, các cây bút Chăm không thể chối từ phương tiện diễn đạt kia. Tháp nắng của Inrasara xuất bản năm 1996 được xem là một cách khởi động, nhưng chỉ khi đặc san Tagalau ra đời năm 2000, các cây bút người Chăm viết tiếng Việt mới nhập cuộc thực sự. Hàng loạt tên tuổi xuất hiện và tìm được giọng điệu riêng. Trên nền bản sắc cũ, họ biết tiếp nhận các trào lưu văn chương mới, các thủ pháp mới, “lai ghép” để tạo nên bản sắc mới.

Họ biết làm mới từ thể thơ cho tới ngôn ngữ và thi ảnh, từ thủ pháp cho đến cảm thức hay cách xuất hiện. Đó là cách thức phi tâm hóa trong nhận thức và thể hiện đẫm chất hậu hiện đại (Inrasara, 2009).

Thế nhưng, khác với hậu hiện đại “bắt đầu từ giới trí thức và thường cũng chỉ dừng lại ở giới trí thức, thậm chí giới trí thức khá cao cấp. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa, ngược lại, dấy lên ngay từ đời sống hàng ngày của hầu như tất cả mọi người, từ các siêu cường đến các quốc gia đang phát triển, từ thành thị đến nông thôn, từ những người có học đến giới bình dân” (Nguyễn Hưng Quốc, 2008).

4.

Câu chuyện 40 năm trước, ngồi lớp Chín, tôi từng tập tọng làm thơ bằng tiếng Pháp, vì nghĩ rằng đó là thứ ngôn ngữ qua đó các sáng tác của tôi dễ đến với thế giới rộng lớn. Sau non một năm tôi đã dừng lại, vì… bất lực. Sự thể không nói lên điều gì khác ngoài tinh thần dân tộc của tuổi trẻ tôi.

Hôm nay đã khác, đứa con tôi đang thoải mái diễn đạt ý tưởng qua thơ, tản văn bằng tiếng Anh. Và chắc chắn, trong môi trường toàn cầu hóa, bạn trẻ ấy sẽ không dừng lại. Đó là phương cách ngắn nhất nhập cuộc thế giới hiện tại. Tại sao? Người Chăm hiện nay cư trú nhiều địa phương khác nhau trên đất nước Việt Nam, nói và viết đang dần tách rời nhau; cộng đồng Chăm hải ngoại sử dụng ngôn ngữ bản địa khác nhau. Do đó, tiếng Anh sẽ là phương tiện khả dĩ nhất kết nối tất cả họ lại, nếu muốn.

Còn với văn chương? Có thể nói, nếu hậu hiện đại trang bị cho nhà văn Chăm cảm thức mới, thì toàn cầu hóa cung ứng cho họ mọi phương tiện để hành động. Họ có thể “nhảy thẳng vào văn chương hậu hiện đại, mà không phải đi xuyên qua hiện đại” (Hoàng Ngọc-Tuấn, 2002). Jalau Anưk thôi thúc thế hệ trẻ đi tới, cũng là cách tự hối thúc:

Đi đi em!
phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể
sau hoang hoãi đêm dài là rực phố đông vui
phố cũng thích
Xaranai
phố cũng say đắm lòng tháp cổ
phố cũng rộn ràng với
Ginơng
phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara
phố cũng hiểu Ariya
phố cũng sụt sùi nghe chuyện ngày xưa bà kể

Đi đi em! Đi đi! – Mang hình em vào phố
tỏa hơi em vào phố
chìa cả sần sùi bàn tay em vào phố
và lớn lên cùng phố
phố sẽ trải ngực mình/ mở đôi vai mình
để lúc mệt nhoài em gối ngủ giấc trinh nguyên
phố không nuốt chửng em đâu
bởi phố trú dưới vòm trời - rộng lắm!
mà ở đâu dưới vòm trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh
           
(Jalau Anưk, “Dưới vòm trời là những mái nhà”)


Phố không nuốt chửng em đâu”, thì tại sao phải ngại ngần? Jalau Anưk hỏi thế. Mưtai di kraung, mưtai di thatik/ Thei mưtai di danaw kabaw mư-ik takai palei - Chết nơi biển cả sông sâu/ Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng - Xưa, ông bà Chăm đã từng nói thế. Thế hệ trẻ Chăm biết thế, và sẽ hành động theo tinh thần cái biết ấy. Toàn cầu hóa, thay vì xóa mất bản sắc Chăm, chính nó lại là một cơ hội tốt lành. Tại sao không?

Mở - thế hệ trẻ Chăm đã hết mình nhập cuộc chịu chơi. Nhưng họ sẽ về đâu, nếu không làm cuộc trở về? Bà con anh chị em họ sẽ ra sao, nếu họ một đi không trở lại?

Đường trở về
Gian nan trăm lần bước tha phương
Không chỉ đường trở về chúng ta còn làm quen với khuôn mặt quê hương
Không những bước tha phương chúng ta phải yêu thương con đường bóng tối

                                                (Inrasara, Tháp nắng, 1996)

Họ đã trở về. Như bạn thơ nữ từ Mỹ trở về với Aw dhai Cam áo dài Chăm quê hương. Làm thơ bằng tiếng Anh, bạn trẻ kia vẫn tổ chức dạy tiếng và chữ Chăm cho người đồng tộc ở địa phương. Hắn đi vào tận các làng quê hẻo lánh sinh hoạt cộng đồng, lập website Gilaipraung.com cho thanh niên khắp nơi Chăm gặp gỡ trao đổi,… Đó chính là nghĩ và làm theo phương châm hậu hiện đại: Think globally, act locally.

“Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”, thế hệ nhập cuộc kia đã “gian nan” trở về. Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani đã được dựng lên tại quê nhà, dựng lên - không phải ở các trung tâm văn hóa lớn hay khu du lịch - mà giữa cộng đồng phục vụ cho cộng đồng. Với những lỉnh kỉnh xe trâu cổ, sách cổ Chăm, tác phẩm nghiên cứu về Chăm và của các tác giả Chăm, nhạc cụ đủ loại và nông ngư cụ xưa nay đã biệt tích, dệt thổ cẩm và nghề gốm, tủ sách đủ loại dành cho cộng đồng để anh nông dân có thể tạt qua tìm hiểu về nghề trong những giờ nông nhàn hay cô sinh viên về ghé vào nghiên cứu làm khóa luận tốt nghiệp…

Tìm thấy bản sắc Chăm - nhập cuộc toàn cầu hóa - trở về với dân tộc mà vẫn mang nhân loại trong mình. Đó là biện chứng tinh thần thời hậu hiện đại. Chỉ như thế, chúng ta mới tồn tại như là tồn tại. Sẵn sàng mở cửa để hội nhập thế giới mà không sợ tự đánh mất mình.


Sài Gòn, 27-9-2011
I.R.S.R
(SH275/1-12)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • INRASARATham luận tại Hội thảo “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, Hội Nhà văn Việt Nam, Đồng Nai, 8-1-2009.

  • HOÀNG NGỌC HIẾNWallace Stevens ví hành trình của những nghệ sĩ Tiên phong (hoặc Tiền vệ) của chủ nghĩa hiện đại những thập kỷ đầu thế kỷ XX như những cuộc phiêu lưu của những nhà thám hiểm núi lửa, họ đã đến núi lửa, “đã gửi về tấm bưu ảnh cuối cùng” và lúc này không có ước vọng gì hơn là trở về nhà.

  • TRẦN HOÀI ANH1. Nhà thơ - Người đọc: Niềm khắc khoải tri âmKhi nói về mối quan hệ giữa nhà thơ và độc giả, Edward Hirsch đã viết: “Nhiều nhà thơ đã nắm lấy ý Kinh Thánh Tân Ước “Khởi thuỷ là lời”, nhưng tôi thích ý kiến của Martin Buber trong “Tôi và bạn” hơn rằng: “Khởi thuỷ là những mối quan hệ” (1).

  • VIỆT HÙNGCông tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật đang là mối quan tâm lo lắng của giới chuyên môn, cũng như của đại đa số công chúng, những người yêu văn học nghệ thuật. Tình trạng phê bình chưa theo kịp sáng tạo, chưa gây được kích thích cho sáng tạo vẫn còn là phổ biến; thậm chí nhiều khi hoặc làm nhụt ý chí của người sáng tạo, hoặc đề cao thái quá những tác phẩm nghệ thuật rất ư bình thường, gây sự hiểu nhầm cho công chúng.

  • HẢI TRUNGVũ Duy Thanh (1811 - 1863) quê ở xã Kim Bồng, huyện An Khánh, tỉnh Ninh Bình là bảng nhãn đỗ đầu trong khoa thi Chế khoa Bác học Hoành tài năm Tự Đức thứ tư (1851). Người đương thời thường gọi ông là Bảng Bồng, hay là Trạng Bồng.

  • NGUYỄN SƠNTrên tuần báo Người Hà Nội số 35, ra ngày 01-9-2001, bạn viết Lê Quý Kỳ tỏ ý khiêm nhường khi lạm bàn một vấn đề lý luận cực khó Thử bàn về cái tôi trong văn học. Anh mới chỉ "thử bàn" thôi chứ chưa bàn thật, thảo nào!... Sau khi suy đi tính lại, anh chỉnh lý tí tẹo tiêu đề bài báo thành Bàn về "cái tôi"trong văn học và thêm phần "lạc khoản": Vinh 12-2001, rồi chuyển in trên Tạp chí Văn (Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh), số 4 (Bộ mới, tháng 3-4)-2002. Trong bài trao đổi này chúng tôi trích dẫn căn cứ theo nguyên văn bài báo đã in lần đầu (và về cơ bản không khác với khi đưa in lại).

  • TRƯƠNG ĐĂNG DUNGCùng với sự phát triển của một thế kỉ văn học dân tộc, lí luận văn học ở Việt Nam cũng đã có những thành tựu, khẳng định sự trưởng thành của tư duy lí luận văn học hiện đại.

  • NGUYỄN NGỌC THIỆNTrong vài ba thập niên đầu thế kỷ XX, trung xu thế tìm đường hiện đại hóa văn xuôi chữ quốc ngữ, các thể tài tiểu thuyết, phóng sự được một số nhà văn dụng bút thể nghiệm.

  • L.T.S: Trong ba ngày từ 03 đến 05 tháng 5 năm 2005, tại thành phố Huế đã diễn ra hoạt động khoa học quốc tế có ý nghĩa: Hội thảo khoa học Tác phẩm của F. Jullien với độc giả Việt Nam do Đại học Huế và Đại học Chales- de-Gaulle, Lille 3 tổ chức, cùng sự phối hợp của Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam và Agence Universitaire  francophone (AUF). Hội thảo có 30 tham luận của nhiều giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc.

  • NGUYÊN NGỌC1- Trong các tác phẩm của F. Jullien đã được giới thiệu ở Việt , tới nay đã được đến mười quyển, tôi chỉ dịch có một cuốn “Một bậc minh triết thì vô ý” (Un sage est sans idée). Tôi dịch cuốn này là theo gợi ý của anh Hoàng Ngọc Hiến. Khi in, cũng theo đề nghị của anh Hiến và của nhà xuất bản, cuốn sách đã được đổi tên ở ngoài bìa là “Minh triết phương Đông và triết học phương Tây”, các anh bảo như vậy “sẽ dễ bán hơn” (!).

  • ĐÀO HÙNGTrước khi dịch cuốn Bàn về chữ Thời (Du temps-éléments d′une philosophie du vivre),  tôi đã có dịp gặp François Jullien, được nghe ông trình bày những vấn đề nghiên cứu triết học Trung Hoa của ông và trao đổi về việc ứng dụng của triết học trong công việc thực tế. Nhưng lúc bấy giờ thời gian không cho phép tìm hiểu kỹ hơn, nên có nhiều điều chưa cảm thụ được hết.

  • NGUYỄN VĂN DÂNTheo định nghĩa chung, xã hội học là khoa học nghiên cứu về các sự việc mang tính chất xã hội. Mặc dù cội nguồn của nó phải kể từ thời Aristote của Hy Lạp, nhưng với tư cách là một ngành khoa học, thì xã hội học vẫn là một bộ môn khoa học khá mới mẻ. Ngay cả tên gọi của nó cũng phải đến năm 1836 mới được nhà triết học người Pháp Auguste Comte đặt ra.

  • MAI VĂN HOANƯớc lệ được xem là một đặc điểm thi pháp của văn học Trung đại. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng khá nhiều bút pháp ước lệ. Có điều nhà thơ sử dụng một cách hết sức linh hoạt, sáng tạo nên tránh được sự sáo mòn, nhàm chán. Không những thế bút pháp ước lệ của Nguyễn Du còn góp phần diễn tả một cách tinh tế, sâu sắc tâm trạng nhân vật. Điều đó thể hiện rất rõ qua cảnh Thuý Kiều đưa tiễn Thúc Sinh về tự thú với Hoạn Thư.

  • HÀ VĂN LƯỠNG  Thơ haiku Nhật bản là một sản phẩm tinh thần quý giá của đời sống văn hoá đất nước Phù Tang. Nó là một thể thơ đặc biệt trong thơ cổ truyền của Nhật bản. Phần lớn các nhà thơ haiku đều là các thiền sư. Chính những nhà thơ thiền sư này đã đưa thiền vào thơ. Vì thế, họ nhìn đời với con mắt nhà sư nhưng bằng tâm hồn của người nghệ sĩ.

  • TRẦN THANH HÀVăn học bao giờ cũng gắn bó với thời đại và con người. Đặc biệt trong tiến trình đổi mới hôm nay, xu thế hoà nhập với văn hoá phương Tây đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn học Việt . Bởi nó đang tác động tới "ý thức chủ thể" của nhà văn.

  • HOÀNG TẤT THẮNG                1. Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải chỉ là một vị lãnh tụ, một người thầy kiệt xuất của phong trào cách mạng Việt mà còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc trong nền văn học Việt hiện đại. Bác Hồ chưa bao giờ có ý định trở thành nhà thơ, nhà văn, song các tác phẩm thơ văn ngôn ngữ của Người đã trở thành một mẫu mực, một phong cách đặc biệt cho các thế hệ người Việt tiếp tục nghiên cứu và học tập.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNĐề tài và chủ đề là hai trạng thái cơ bản nhất, bao dung hết thảy làm nên cấu trúc tổng thể tác phẩm tiểu thuyết. Hai trạng thái đó trong liên kết tương tác gây dẫn nên tất cả những yếu tố ý nghĩa nội hàm tiểu thuyết. Chúng còn đồng thời gây dẫn nên những yếu tố ý nghĩa liên quan nảy sinh trong tư duy tiếp nhận ngoài ý nghĩa nội hàm tiểu thuyết. Nhưng dẫu có như thế, chỉ có thể hình dung cho đúng đắn được đề tài, chủ đề theo định hướng duy nhất thấy chúng trong cấu trúc nội bộ tổng thể tác phẩm tiểu thuyết.

  • NGUYỄN HỒNG DŨNGQuá trình “hiện đại hoá” văn học Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945 diễn ra dưới sự tác động trực tiếp của văn học phương Tây. Gần một thế kỷ nay, khi nghiên cứu những tác động từ bên ngoài vào Việt Nam giai đoạn này các nhà ngữ văn chỉ chủ yếu nhấn mạnh đến ảnh hưởng của văn học Pháp. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến ảnh hưởng của nhà thơ Mỹ Edgar Poe đối với Hàn Mặc Tử, một đỉnh cao của phong trào “thơ mới”.

  • PHẠM PHÚ PHONG            Tiểu thuyết, đó là một trong những sáng tạo kỳ diệu của con người, đó là một đồ dùng, một vũ khí của con người để tìm hiểu, chinh phục dần thế giới và để tìm hiểu nhau và sống với nhau.                                                                                       Nguyễn Đình Thi

  • PHONG LÊ(Trích - Nhìn từ các mục tiêu của công việc “viết”)