Truyện ngắn O' Henry

09:46 05/08/2009
NGUYỄN HỒNG DŨNG1. Một cuộc đời lặng lẽ và những truyện ngắn nổi danhO' Henry, tên thật là William Sydney Porter, được đánh giá là người viết truyện ngắn xuất sắc nhất của nước Mỹ những năm đầu thế kỷ XX. Ông sinh tại Greenboro, tiểu bang North Carolina vào năm 1862. Năm 15 tuổi (1877), ông thôi học và vào làm việc trong một hiệu thuốc tây. Vào tuổi hai mươi, ông bị đau nặng và sức khoẻ sa sút nên đã đến dưỡng sức ở một nông trại tại tiểu bang Texas. Ông đã sống ở đấy hai năm, đã làm quen với nhiều người và hiểu rất rõ tính cách miền Tây. Sau này, ông đã kể về họ rất sinh động trong tập truyện ngắn có tựa đề đầy xúc cảm Trái tim miền Tây.

Nhà văn O' Henry - Ảnh: inspirationline.com

Năm 1884, O' Henry chuyển đến thành phố Austin (Texas) và trở thành một nhân viên thư ký ngân hàng. Ông lập gia đình và có một thời gian hạnh phúc. Ngoài công việc, ông viết văn và đã có những truyện ngắn được đăng. Và rồi tai hoạ ập đến với ông. Vào năm 1896, ông bị buộc tội thâm lạm ngân khố. Mặc dù ông đã thề là mình vô tội, nhưng ông vẫn cảm thấy hoang mang và bỏ trốn đến Honduras (một quốc gia ở Trung Mỹ, nằm giữa Mêhicô và Nam Mỹ). Sáu tháng sau, O' Henry được tin vợ ông qua đời, ông liền trở về và bị bắt. Ông bị kết án và bị giam ở nhà tù liên bang ở Columbus (tiểu bang Ohio) gần ba năm.

Trong tù, O' Henry tiếp tục sáng tác. Lúc đầu, ông viết truyện với mục đích cảm động là kiếm tiền mua quà giáng sinh cho con gái. Chính bút hiệu O' Henry đã được ông dùng từ khi ở tù. Những năm ở tù đối với O' Henry quả là không vô vị. Đau thương và bất hạnh đã làm ông thêm đồng cảm với những người xung quanh. Ông trầm tĩnh quan sát những con người với những số phận và sau này đã thể hiện chúng trong các truyện ngắn của mình. Sau khi ra tù, vào năm 1902, O' Henry chuyển đến thành phố New York, sống bằng nghề viết văn.

New York bấy giờ là nơi quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ Mỹ. Họ đến đây từ khắp các miền của đất nước., và đều tìm thấy ở đây cái không khí trẻ trung, huyền ảo với những đường phố và toà nhà tráng lệ, và đặc biệt là cái tinh thần tự do đua tranh chứ không khắc nghiệt như ở miền Nam hay hẹp hòi như ở miền Tây. Ở New York, ngay từ đầu O' Henry đã gặp may. Ông đã ký được một hợp đồng với tờ nhật báo New York World, mỗi tuần in một truyện ngắn. Giờ đây, ông có thể sống và cống hiến cuộc đời cho văn học. Năm 1904, O' Henry xuất bản tập truyện đầu tiên Những kẻ cắp và những ông vua (Cabbages and Kings), lấy đề tài từ các nước Trung Mỹ và đã thành công rực rỡ. Tiếp theo, ông xuất bản các tập Bốn triệu người (The Four Million, 1906), Hàng đèn (The Trimmer Lamp, 1907), Trái tim miền Tây (The Heart of the West, 1907), Tiếng nói đô thị (Voice of the city, 1908), Đường định mệnh (Roads of Destiny, 1909), Quyền lựa chọn (Options, 1909), Việc làm minh bạch (Strickly Businees, 1910) và Những con quay (Whirligigs, 1910). Hai tập Đá lăn (Rolling Stones) và Những đứa trẻ bơ vơ (Waifs and Strays) được xuất bản sau khi ông mất vào năm 1910.

2. Đề tài hướng về "người độc giả trung bình"

O' Henry là một người nổi tiếng, tên ông được lấy làm giải thưởng hàng năm cho truyện ngắn Mỹ. Nhưng đối với phần lớn người Mỹ, họ vẫn nhìn nhận ông trong cái phong thái bình dân. Ông viết truyện, lúc đầu là cho vui, sau là để kiếm tiền (thời gian trong tù) và sau nữa là để sống (những năm ở New York). Về điều kiện xuất thân, ông đúng là một người bình dân và cũng giống như phần lớn người dân Mỹ thời ông, thích được đi đây đi đó, mơ ước những cuộc phiêu lưu có chừng mực, xem đô thị mới là nơi đáng sống, kiếm được nhiều tiền là điều may mắn nhưng đừng quá mạo hiểm. O' Henry sống với thế giới này, gắn bó với nó đến mức cảm giác được về nó từ những tiếng động, tiếng lanh canh của bát đĩa, tiếng gót giày ấn xuống cầu thang... Thậm chí, ông còn đoán định được đằng sau tiếng con người thở dài ẩn chứa nỗi niềm gì!

O' Henry không phải là người ưa thích mộng tưởng. Ông chỉ viết về những cái mình quen thuộc. Cũng phải nói thêm rằng ở thời O' Henry, báo chí Mỹ đã trở thành một ngành công nghiệp hùng hậu. Một tờ báo bề thế là tờ báo có số phát hành cao. Muốn được vậy phải biết hướng tới "người độc giả trung bình". O' Henry đã làm cho viết văn trở thành một nghề có lợi, nhất là ông biết cách làm vừa lòng "người độc giả trung bình". Ông cung cấp cho họ những gì họ mong muốn. Ông hiểu rõ tâm lý của những người cùng thời, và đề tài trong truyện của ông được lấy từ chính đời sống của họ. Ông đưa đến cho họ hai điều: tiếng cười và sự cảm động. Những truyện ngắn của ông thường hóm hỉnh và cho người Mỹ có dịp để cười về mình, cười rất độ lượng và ẩn cuối tiếng cười gợi lên sự vị tha, nhân ái.

Người Mỹ, những người ở miền Tây, ở miền Nam và nhất là ở New York đã bước vào truyện của ông thật sống động. Ông miêu tả họ đúng như thực về lời nói và giọng điệu, suy nghĩ và ứng xử, thói quen và hành động. "Ở ông, người độc giả trung bình cuối thế kỷ nhận ra mình, hơi lý tưởng hoá, ngay cả khi mình bị giễu cợt". O' Henry không phải là kẻ khác người. Ông chỉ muốn truyện của mình được đọc, nên ông chẳng có một "thông điệp" gì, cũng chẳng có một đòi hỏi gì khi viết. Ông tự bằng lòng "làm một người mua vui".

3. Cuộc sống muôn màu. New York

Đời sống trong truyện ngắn O' Henry trải rộng và cực kỳ phong phú. Ông không tập trung vào một đối tượng nào như phần đông các nhà tiểu thuyết. Các truyện ngắn của ông là kết quả của những câu chuyện, những con người mà ông cho là lý thú và đáng ghi lại. Mà một người như ông, dấu chân đã lưu lại vô số vùng đất, thì những chuyện như vậy nhiều không kể xiết. Tuy nhiên, về không gian trong truyện O' Henry có ba điểm chính: Texas, Trung Mỹ và New York.

Texas lưu lại trong O' Henry với hai dấu ấn trái ngược. Một mặt là những năm tháng trai trẻ, khi ông đã từng làm các nghề chăn bò, xén lông cừu và còn nổi tiếng là người cưỡi ngựa giỏi, là tay súng thiện xạ. Mặt khác là những đau thương về đời tư (bị tù, vợ chết) đã làm thay đổi không chỉ cuộc sống mà cả tâm tính O' Henry. Những truyện ngắn tiêu biểu về miền Tây của O' Henry là Trái tim và chữ thập, Dấu vết của Bin Đen, Bánh rán miền Paimiênta, Ái tình theo khẩu phần... đã đem đến cho người đọc sự rung động về những cảnh sắc và con người xứ này. Chúng đầy ắp những chi tiết về tập tục trang trại cũng như về lòng can đảm và sự cao thượng của dân chăn bò (cow boy), những kẻ được mệnh danh là "ông vua của đồng cỏ, chúa của súc vật và chủ nhân của thịt bò và xương bò". Ông miêu tả thật ấn tượng vẻ đẹp của đồng quê, những đêm hè trên cánh đồng cỏ với những tiếng chim hót trong bụi cây hay là tiếng chó sói hú đến chát tai làm lũ cừu sợ run lẩy bẩy, co rúm lại với nhau... Những truyện ngắn của O' Henry về các nước Trung Mỹ được tập hợp trong tập Những kẻ cắp và những ông vua. Tập truyện đã phản ánh thật sinh động cái khu vực Trung Mỹ thường xuyên mất ổn định trong đời sống chính trị, xã hội. Ở đó, những kẻ phiêu lưu và những tay "cò" chính trị đầy ắp trong nội các chính phủ, chúng chỉ toan tính việc lập đường xe lửa và chia nhượng địa. Ở Trung Mỹ, đến tổng thống cũng sẵn sàng rũ bỏ tổ quốc và nhân dân, lỉnh đi với một vali đầy ắp tiền cùng nhân tình..

Texes và Trung Mỹ chỉ chiếm phần nhỏ trong sự nghiệp văn chương của O' Henry, khoảng 80 truyện trong số gần 600 truyện mà ông đã viết, còn phần lớn ông viết về New York. New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ, nằm ở bờ biển phía đông, đã biến đổi hoàn toàn so với thời kỳ của nhà văn Washington Irving. Chính ở đây, vào đầu thế kỷ XX đã phát triển cái được người ta gọi là phong trào "người New York" mà W. Irving đã miêu tả có phần châm biến trong cuốn Lịch sử New York của Knickerbocker (Knickerbocker's History of New York). New York thời O' Henry được xem là "một thành phố quốc tế vĩ đại", cái cộng đồng người Hà Lan đã khai phá nên thành phố này giờ sống lọt thỏm giữa biển người tứ xứ.

New York cũng là nơi quy tụ của giới văn nghệ Mỹ. Nhà văn Frank Norris đã nhận xét: "Một trong những ước vọng lớn nhất và hối thúc nhất của các nhà văn trẻ là được đến New York". Họ bị cuốn hút bởi vẻ hoành tráng lộng lẫy cũng như vẻ bí hiểm của nó. Cái cảm giác choáng ngợp đó được miêu tả với nhiều dạng thức khác nhau, nhưng có điểm giống nhau là họ đều muốn tỏ ra mình là người New York thực thụ. Tuy nhiên, trong các nhà văn thời đó không ai hơn được O' Henry khi viết về New York. Cái làm cho ông vượt trội những người khác là khả năng miêu tả một cách sống động đời sống New York và chỉ ra được cái tinh tuý và hương vị của đô thị này. O' Henry có một tình cảm đặc biệt với New York. Ông đã từng nói: "Tôi muốn được sống suốt đời trên mỗi đường phố New York". Cái cảm giác của ông trước sự huyền bí của thành phố này và cái khát vọng muốn tìm hiểu nó đã làm tăng giá trị ở các tác phẩm của ông. O' Henry đã rất chịu khó tìm hiểu New York, tâm hồn ông luôn rung động trước mọi sự mới lạ của nó. Ông chú ý quan sát tất cả những gì đang diễn ra, cố gắng tìm thấy mối liên hệ của chúng giữa cái dòng chảy ầm ào, cuồn cuộn không ngừng nghỉ của đời sống New York. Cái cách mà O' Henry đã trình bày sự vật, từ đường phố, quán trọ, nhà hàng, công sở, công viên cho đến cột đèn đường, cái bàn ăn, cầu thang, gác chuông nhà thờ... làm cho người đọc có thể hình dung được chúng như nhà văn đã hình dung. Trong cái thế giới được xem như "bãi cát lầy, luôn luôn xê dịch" đó, con người xem ra thật nhỏ bé. "hôm nay hạt cát nổi lên mặt, ngày mai lại chìm xuống", đột ngột xuất hiện và cũng đột ngột biến mất. Các nhân vật của ông, dù khác nhau về địa vị xã hội, đời tư, nghề nghiệp... đều bị cuốn hút vào cái phễu khổng lồ đó. O' Henry hiểu rõ tất cả các hạng người, từ sang đến hèn, từ thị trưởng, tư sản, cảnh sát trưởng đến các cô gái bán kẹo, người bồi khách sạn, hoạ sĩ nghèo, nhạc công quán rượu, dân trộm cắp... Ông biết sau cánh cửa của mỗi gia đình đều có tấn kịch riêng, mỗi góc phố đều có chuyện, không phải những tiếng cười sau các bức vách chỉ có chuyện vui và công viên không phải là nơi an toàn để ngồi nghỉ hay đi dạo. Sự bất ngờ hay ngẫu nhiên nếu ở nơi khác được xem là hiếm hoi và gây được ấn tượng mạnh thì ở New York chỉ là chuyện nhỏ thoáng qua, thí dụ như kẻ ngày hôm qua còn nghèo rớt mồng tơi hôm sau đã lấy được con gái nhà triệu phú...

O' Henry say mê thành phố này, viết về nó một cách cật lực và hào hứng. Mặc dầu trong truyện ông vẫn luôn đem đến cho người đọc niềm vui sống, nhưng ta vẫn cảm thấy trong một số truyện của ông phảng phất cái tâm lý bất an. Có lẽ ông còn bị ám ảnh bởi trạng thái bị săn đuổi và chạy trốn. New York rộng lớn là thế nhưng ông vẫn cảm thấy sợ bị rủi ro. Ông đã diễn tả tâm trạng đó thật hay trong các truyện Căn buồng có sẵn đồ cho thuêHai mươi năm sau. O' Henry đến New York năm ông 40 tuổi, và ở cái tuổi này người ta không dễ gì quên được mọi chuyện. Chính đây cũng là yếu tố đã làm cho truyện ngắn của ông chân thật và ý vị hơn.

4. Nghệ thuật kể chuyện

O' Henry là người kể chuyện có tài. Phần lớn truyện ngắn của ông đều có cốt truyện giản đơn, kết thúc bất ngờ. Ông muốn đem đến cho người đọc một sự thi vị, một sự mơ mộng gần giống như trong truyện cổ tích. O' Henry thường thêm thắt các chi tiết bên ngoài để che đậy ý đồ tư tưởng, đánh lạc hướng người đọc. Và chỉ khi nào kết thúc câu chuyện, người đọc mới nắm được nội dung của điều ông muốn nói.

Khi đọc truyện ngắn O' Henry, ta nhận thấy có sự thay đổi trong mô thức trần thuật, gắn với sự thay đổi không gian nghệ thuật của truyện. Ở trong loạt truyện về Texas và Trung Mỹ, chủ yếu ông sử dụng mô thức trần thuật "kiểu vở kịch" (thuật ngữ của P. Lubbock), còn ở những chuyện về New York, ông chủ yếu sử dụng mô thức trần thuật "kiểu bức tranh". Ở mô thức thứ nhất, ta thấy các nhân vật can thiệp vào các biến cố, xung đột, bản thân chúng tạo ta tính kịch và nhà văn có thể xác định được những phẩm chất đặc trưng của tính cách nhân vật. Ở mô thức thứ hai, các nhân vật bị ngập chìm vào cái không gian đô thị ồn ào không ngưng nghỉ, và chúng bị các biến cố cuốn hút đi. Ở đây, ta chỉ bắt gặp các số phận chứ không có các tính cách. Những sáng tác của O' Henry trong thời gian ở New York nằm trong một giai đoạn quan trọng của lịch sử Mỹ, giai đoạn kinh tế Mỹ đã chuyển từ công nghiệp hoá sang tự động hoá. Đây là môi trường chủ yếu tạo ra màu sắc đám đông, và nhà văn cố gắng tạo ra trong đó những mảnh đời, những số phận với những dáng vẻ khác nhau.

O' Henry đã sống một cuộc đời trầm lặng. Đó là số phận của ông. Nhưng giữa muôn triệu người, ông không bị chìm lãng. Ông bất tử với những truyện ngắn của mình. Ông không tự tạo ra danh tiếng, mà danh tiếng tự đến với ông. Chừng nào con người còn biết cảm xúc, biết rung động, chừng ấy người ta còn tìm đọc và tôn vinh ông.

N.H.D
(183/05-04)


--------------
Tài liệu tham khảo
1. Arthur Quinn. American Fiction: A. Historical and Critical. 1936.
2. Flanklin Escher.
A. Brief History of the United States. The New American Liberary of World Literature. Inc. 1954.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ LAI THÚYCon gì sáng bốn chântrưa hai chântối bốn chân?Câu đố của Sphinx

  • HÀ VĂN LƯỠNG1. Trong hai thập niên cuối của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, nước Nga đã có những biến đổi chính trị sâu sắc làm thay đổi đất nước trên nhiều phương diện: chính trị - xã hội, kinh tế, văn hoá, giáo dục và văn học nghệ thuật… Những nền tảng xã hội, những chuẩn mực đạo đức trước đây đã từng tồn tại trên bảy chục năm, được tiếp nối qua nhiều thế hệ đã thay đổi.

  • TRẦN QUỐC HỘIGenette coi thời gian là nhân tố trung chuyển cốt truyện đến truyện kể, qua hành vi kể chuyện. Ông đã sáng tạo ra mô hình xử lý thời gian rất thú vị, mô hình xử lý của ông xung quanh những vấn đề cơ bản như trình tự, tốc độ, tần suất kể chuyện.

  • HÀ VĂN THỊNH                                                  Luận điểm trung tâm của Tư tưởng Hồ Chí Minh là Độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH. Đó là quan điểm chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình Cách mạng Việt . Chính vì thế, nắm bắt một cách sâu sắc tinh thần biện chứng của chủ nghĩa Lê Nin để vận dụng thật sáng tạo kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười (CMT10) vào hoàn cảnh cụ thể của Cách mạng Việt Nam (CMVN) là mục đích xuyên suốt của Tinh thần và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

  • HOÀNG NGỌC HIẾNĐây là hai vấn đề tôi tâm đắc nhất trong nhiều vấn đề lý thú được nêu lên trong  tác phẩm của André Chieng (1).

  • HOÀNG NGỌC HIẾN(tiếp theo và hết)Trong tập chuyên luận của A.Cheng, tìm hiểu những nguyên nhân tư tưởng tạo ra thần tích kinh tế Trung Hoa trong 3 thập kỷ qua, từ chương này sang chương khác, tác giả nhấn mạnh những nét đặc sắc của văn hoá Trung Hoa:...

  • NGUYỄN HỮU QUÝ1. Einarokland, nhà thơ Na Uy đã phát biểu tại hội thảo Thơ và toàn cầu hóa, tổ chức ở Vácsava tháng 10 năm 2001 rằng: “Con người, còn ngôn ngữ thì còn thi ca. Thi ca biết tự lo toan cho bản thân mình”.

  • BẢO NHÂNỞ nước ta, Huế được xem là kinh đô của Phật giáo, không phải bởi vì ở đây có nhiều chùa tháp, đông đảo tín đồ theo Phật hay từng có một thời là cái rốn của Phật giáo Việt , biệt xuất nhiều bậc cao tăng đương đại. Theo chúng tôi, nói như nhà viết kí Hoàng Phủ Ngọc Tường, bởi vì tính cách Huế, không phải Nho, mà chính là Thiền.

  • ĐỖ LAI THÚY(Tiếp theo Sông Hương 11/2007)Tiếng nói của tình yêu đồng giới, của dục cảm đồng giới không chỉ bằng ngôn ngữ của hữu thức, trực tiếp, mà chủ yếu còn bằng ngôn ngữ của vô thức, hàm ẩn.

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆPNhững ai gần Trương Đăng Dung, thường nghe anh nói nhiều về các loại giới hạn: giới hạn của đời, sự phi lý của cõi nhân sinh, sự cản trở của những tín điều xưa cũ...

  • TƯỞNG THUẬT TRÁC Có phải hiện nay văn học đang đối mặt với thời đại tiêu dùng hay không? Nhiều người còn hoài nghi vấn đề này. Thậm chí có người còn phủ định sự có mặt của thời đại tiêu dùng trong khi miền Đông và miền Tây Trung Quốc đang có sự không cân bằng và tất cả đều đang xây dựng một xã hội khá giả.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHKhông Lộ là một vị thiền sư thời Lý, ông họ Dương, quê ở Hải Thanh, chùa Nghiêm Quang - nay là chùa Keo, thuộc xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; dòng dõi nhiều đời làm nghề chài lưới, sau bỏ nghiệp sông nước, xuất gia tu Phật, thường trì tụng Đà-la-ni.

  • THÁI DOÃN HIỂUNguyễn Khắc Thạch làm thơ như đi chân trần trên lưỡi dao bén của sự thật, máu toé vãi ra. Anh lấy dự cảm của mình làm thuốc băng bó. Vết thương thành sẹo. Thạch gọi đấy là thơ! “Thơ là sẹo của sự thật”.

  • TÂM VĂNNgười xưa có câu: “Tòng thiện bất túc dĩ vi chính” (Chỉ theo điều thiện thì không đủ để làm chính trị). Câu nói đó xem ra rất đúng với Tào Tháo.

  • LƯU KHÁNH THƠ1. Nam Trân trong dòng thơ tả chân của phong trào thơ mớiHoài Thanh đã dùng khái niệm tả chân để định danh một nhóm các tác giả Thơ mới tương đối gần nhau về bút pháp.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔN(Trao đổi về tiểu luận Văn học như là tư duy về cái khả nhiên của Trần Đình Sử, Văn Nghệ số 24 ngày16/6/2007)

  • VĂN TÂMXứ Huế – Thừa Thiên có một vị lão thành cách mạng được nhiều người biết tên tuổi. Đó là cụ Nguyễn Vạn, tức Lê Bốn; tên khai sinh là Phùng Lưu – "thầy Lưu", sinh năm 1916, quê ở làng Thanh Thủy Thượng (nay thuộc xã Thủy Dương), huyện Hương Thủy.

  • NGUYỄN BÙI VỢI"Chống tham ô lãng phí" là một bài thơ về đề tài chính trị xã hội, một vấn đề bức xúc của cuộc sống. Nó được viết ra năm 1956 khi miền Bắc sau chín năm kháng chiến chống Pháp gian khổ đang hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang, phục hoá, tìm công ăn việc làm...

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNMuốn tiếp cận với văn hoá văn học, trước hết phải xác định cơ bản đúng đắn thế nào là văn hoá và thế nào là văn học.

  • HOÀNG SĨ NGUYÊN Hồi học Đại học, tôi và mấy đứa bạn phải đi bộ năm, sáu cây số vòng quanh các hiệu sách thành phố để tìm mua cho được cuốn "Thơ và mấy vần đề trong thơ Việt nam hiện đại" (Hà Minh Đức, NXB KHXH, 1994).