Tính nhân văn trong phê bình văn học hôm nay

10:53 09/01/2009
TRẦN ĐÌNH SỬThực tế nghèo nàn về thành tựu khoa học xã hội và nhân văn của chúng ta có thể tìm thấy nguyên nhân trong lối tư duy độc tôn một thời ở lĩnh vực học thuật. Cội nguồn sâu xa của lối tư duy ấy đang nằm trong di chứng của thời kì chiến tranh kéo dài ba mươi năm và cuộc đấu tranh ý thức hệ tàn khốc.

Nhiều người thường nói chiến tranh Việt đã để lại di chứng nặng nề trong tâm thức người Mĩ. Nhưng thời gian tham gia của họ vào chiến tranh Việt chỉ hơn mười năm. Thời gian chúng ta trải qua chiến tranh dài gấp ba họ và cuộc chiến tư tưởng cũng lâu bằng ngần ấy lẽ nào không để lại di chứng nặng nề trong tâm hồn người? Quy luật khắc nghiệt của hai cuộc chiến ấy đã để lại nếp hằn sâu đậm trong tâm lí và tư duy, đến nay vẫn có tác dụng chi phối cách nghĩ, cách làm của con người trong mọi hoạt động xã hội và cá nhân.

Trong lĩnh vực văn hoá và tư tưởng thời ấy, mọi hoạt động khoa học, nghệ thuật và nói chung là văn hoá đều nằm trong phạm vi hình thái ý thức của nhà nước. Mà đã thuộc về hình thái ý thức của nhà nước thì phải thực hiện nhiệm vụ đấu tranh triệt để, không khoan nhượng: "Phàm cái gì chống lại tinh thần dân tộc độc lập và thống nhất, phải thẳng cánh đập tan. Phàm cái gì trái khoa học, phản tiến bộ, phải kiên quyết bài trừ. Phàm cái gì phản lại đại chúng, xa đại chúng, phải nhất luật san phẳng". (Lời đồng chí Trường Chinh). Đường lối cứng rắn, phân hoá địch ta có tác dụng xác lập mục tiêu, tập hợp lực lượng nhất định. Nhưng đồng thời, đó cũng là tư tưởng, đường lối làm cho xã hội quen sống trong môi trường tư tưởng độc tôn, duy nhất, luôn luôn coi phân biệt địch ta, đúng sai, tiến bộ, lạc hậu, dân tộc, phản dân tộc, khoa học, phản khoa học… theo một tiêu chí cố định, một lập trường, quan điểm cứng rắn, rồi trên cơ sở đó mà tiến hành nghiên cứu, đấu tranh học thuật. Lâu dần, hình thành một thứ tâm lí đấu tranh ý thức hệ ăn sâu trong tâm thức của nhiều thế hệ, đến nỗi chiến tranh đã qua lâu rồi nó vẫn còn hiện diện như một cái gì đương nhiên, hợp lí.

Trong điều kiện chuyển đổi hình thái xã hội, tiến sang kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh, dục vọng cá nhân trỗi dậy, tính háo danh bùng phát, đồng thời ý thức quyền lực vẫn nguyên, cơ chế dân chủ chưa được thực hiện đầy đủ, di chứng ấy lại có dịp bộc lộ với nhiều sắc thái.
 
Nhìn chung di chứng ấy có các biểu hiện, mượn cách nói của một nhà lí luận nước ngoài có thể khái quát tình hình phê bình nghiên cứu của chúng ta như sau.

 
1.Phê phán nhiều, sáng tạo ít.
Phải nói ngay rằng phê phán là một công cụ của tiến bộ. Bất cứ xã hội nào muốn tiến bộ nhất thiết phải có năng lực phê phán và chấp nhận những người phê phán. Song khái niệm phê phán ở đây có một nội dung đặc biệt. Chúng ta đặt mục tiêu bảo vệ sự thuầt khiết, trong sáng của chủ nghĩa Mác Lênin và đường lối chính trị của Đảng cầm quyền, do đó phê phán nhằm đánh đổ mọi tư tưởng khác có thể làm phương hại hay phân tán khỏi tư tưởng trung tâm. Từ trước Cách mạng tháng Tám, trong điều kiện thuộc địa, nhưng Việt đã có nhiều nhóm có xu hướng tìm tòi học thuật khác nhau. Bắt đầu từ "Đề cương văn hoá", chúng ta đã phê phán nhóm Thanh Nghị, nhóm Hàn Thuyên, nhóm Xuân Thu nhã tập. Trong Kháng chiến chống Pháp chúng ta phê phán thơ không vần của Nguyễn Đình Thi, phê phán thơ Mới lãng mạn, phê phán những ai không thừa nhận văn nghệ là tuyên truyền. Sau hòa bình chúng ta phê phán nhóm "Nhân văn Giai phẩm", tiếp theo phê phán "chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xét lại hiện đại" trong văn nghệ, phê phán các ý muốn bổ sung hay nới rộng cách hiểu một vài vấn đề cụ thể của văn nghệ, như tính  chân thật, tính ước lệ của văn học, "phá vỡ lôgich cuộc sống". Nói là "phê phán" nhưng không phải là thảo luận hay tranh luận học thuật nhằm tìm ra chân lí, mà thực chất là những cuộc đấu tranh nhằm quét sạch hay thủ tiêu các quan điểm khác với mình. Chính vì vậy mà nói chung bên bị phê phán không có quyền nói lại, không có quyền bảo vệ hoặc trao đổi ý kiến, còn bên phê phán thì tha hồ nhân danh chính nghĩa, chủ nghĩa, nhân danh quần chúng nhân dân và cách mạng mà chụp mũ, quy kết các tội danh nguy hiểm về chính trị và tư tưởng, lối sống. Một phương pháp đấu tranh hữu hiệu là chỉ ra lối sống hủ hoá, đồi truỵ, cá nhân chủ nghĩa hoặc tính cách tự cao, tự đại, xa quần chúng hoặc biểu hiện dốt nát, gian trá… của bên bị phê phán, làm cho họ trở thành kẻ đáng khinh bỉ, đáng ghét bỏ. Các cuộc đấu tranh ấy thường đều kết thúc bằng việc bên bị phê phán phải viết bản kiểm điểm và nhận một hình thức xử lí nhất định về hành chính hoặc tổ chức. Trong không khí ấy chẳng ai còn muốn hoặc có thể sáng tạo ra học thuyết, tư tưởng gì khác, mà nói cho đúng, lúc ấy chúng ta cũng không muốn có bất cứ tư tưởng nào khác ngoài tư tưởng chính thống, và con đường còn lại chỉ là bàn thêm, mở rộng, nói rõ thêm, cụ thể hóa, tức là minh họa cho tư tưởng chính thống ấy mà thôi. Vì vậy lúc ấy tuy chúng ta đã có không ít công trình khoa học mới, có giá trị nhất định về sử học, văn hoá, văn học, ngôn ngữ, lí luận văn học, nghệ thuật học… tuy mức độ giá trị khoa học cao thấp khác nhau, song các công trình ấy ít nhiều đều nặng về tính chất minh hoạ cho tư tưởng chính trị. Một số công trình khoa học có tính độc lập nhưng trái chiều thì phải cất đi, đến thời kì sau này mới có điều kiện công bố, ví như Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, nghiên cứu về Nho giáo của Trần Đình Hượu, ngữ học của Cao Xuân Hạo. Một số công trình phê phán có tính thời sự đương thời như Phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ của Hoàng Xuân Nhị, Phê phán chủ nghĩa hiện sinh của Đỗ Đức Hiểu thì sau này chính tác giả của chúng có phần lấy làm tiếc, giá trị khoa học thiếu hẳn sức thuyết phục.

Tâm thức và cách ứng xử ấy hầu như vẫn còn giữ nguyên trong những năm thuộc thời kì đổi mới trong các cuộc tranh luận lí luận, phê bình sách giáo khoa. Cái mới của thời kì đổi mới là những người bị phê bình không bị làm kiểm điểm hay xử lí về hành chính và tổ chức, nhưng họ vẫn bị chụp mũ, quy kết, chửi bới, bêu riếu mà không có quyền bảo vệ ý kiến của mình trên mặt báo.

2. Công kích nhiều, thừa nhận ít.

Tâm thức cảnh giác, đấu tranh tư tưởng trở thành thói quen thường trực trong những người làm công tác văn hoá văn nghệ. Trước một ý kiến mới, khác với truyền thống, người ta liền cảnh giác, nghĩ ngay đến một xu hướng muốn phủ nhận các thành tựu đã có của cách mạng và đặt vấn đề nghi vấn, phê phán. Vào đầu những năm 60, có người nêu phương pháp sáng tác có tính độc đáo thẩm mĩ, thế là có người đặt vấn đề nhầm lẫn phương pháp với phong cách (bởi phong cách mới độc đáo!), định đem phong cách thay thế cho phương pháp sáng tác! Thế là tranh luận, chụp mũ không dứt. Sang những năm 70, có người nêu vấn đề tiếp nhận của người đọc, lập tức Vũ Đức Phúc và một số người nghĩ ngay đến, nêu vấn đề người đọc tức là xem nhẹ vai trò định hướng, giáo dục của văn học đối với quần chúng, đề cao tiếp nhận có nghĩa là xem nhẹ lí luận sáng tác, vậy là tổ chức tranh luận ầm ĩ. Đến những năm 80 trước một số ý kiến đánh giá lại văn học cách mạng, Phan Cự Đệ và một số người nghĩ ngay đến xu hướng phủ định văn học cách mạng.

Trước một vấn đề mới, người ta không suy nghĩ đến khía cạnh khoa học mới ở trong đó, mà nghĩ ngay đến sự phương hại của cái mới ấy đối với trật tự lí luận đã xác lập. Thế là vấn đề tiếp nhận của người đọc, một vấn đề lí luận quan trọng bị gác lại, phải mười lăm năm sau nó mới được đề cập tới. Trong các cuộc tranh luận ấy, phần lí tính thì ít mà phần phi lí tính thì nhiều, do vậy không bao giờ đem lại một kết quả nào về khoa học. Chúng ta ít có thói quen khi có người nêu ra ý mới thì nên xem xét đúng sai, lợi, hại, thấy đúng và lợi là chính thì góp sức phát huy, làm cho tư tưởng phát triển. Ngược lại chúng ta hầu như chỉ quen phát hiện cái mặt yếu, mặt sai, mà mặt này, đối với các ý kiến mới đề xuất nhiều khi khó tránh được, bám vào đó mà đánh, làm cho cái mới, cái hay không thể nào phát huy được. Chúng ta không quen thừa nhận thành tựu của nhau, cùng suy nghĩ với nhau, tìm thấy hạt nhân hợp lí để mở rộng không gian tư tưởng. Thói quen đó sẽ phát huy tính tiêu cực của nó trong thời kinh tế thị trường, báo chí muốn bán chạy, nhiều trường hợp người ta không chỉ khai thác một vài khiếm khuyết nhỏ, mà không ngại ngần bịa đặt để công kích, bất chấp lương tâm, phải trái, làm cho dư luận rối tung, không biết đâu mà lần.

 
3. Thù hận nhiều, khoan dung ít.
Trong chiến tranh, mọi người đòi hỏi vạch rõ ranh giới bạn, thù, địch, ta để tiến hành cuộc đấu tranh một mất một còn, không khoan nhượng, tuyên truyền giáo dục cho quần chúng một mối thâm "thù muôn đời muôn kiếp không tan" đối với kẻ thù. Không chỉ đối với kẻ thù cầm súng như thế, mà đối với "kẻ thù" cầm bút, kẻ thù tư tưởng cũng như thế, không thể có sự khoan nhượng, thoả hiệp, thông cảm trên các mặt quan điểm, lập trường, khuynh hướng giá trị về văn hoá, văn học và tư tưởng.  Ở đây thường chỉ có thù hận, không có khoan dung. Ai có dịp đọc lại các hồ sơ về các cuộc đấu tranh tư tưởng trước đây sẽ thấy, nhiều người vốn là đồng chí, đồng nghiệp, vốn đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử với nhau, chỉ sau một cuộc đấu tranh tư tưởng, sau khi vạch rõ "ranh giới", liền trở thành kẻ thù, đứng ra vạch mặt, tố cáo nhau như kẻ thù của ý thức hệ, đẩy đối phương vào bước đường cùng, vào chỗ chết. Đó là do cần phải thể hiện tinh thần chiến đấu, chiến đấu không khoan nhượng mà thành ra thế.

Phải nói rằng đó là một cách đơn giản hoá cuộc sống rất nguy hại của thời đối kháng ý thức hệ, bởi vì người ta đã dùng quyền lực để chiến đấu, áp đặt nhận định, kết luận thì còn cần gì tiêu chuẩn chân lí khách quan nữa? Và thế là nhiều cuộc đấu tranh diễn ra bất công, bất chấp lẽ phải thông thường, làm thương tổn biết bao người làm nghề sáng tạo mà đến hôm nay vết thương vẫn chưa lành. Chiến tranh đã qua lâu rồi, đứng trước nhiều vấn đề học thuật, văn hoá, văn học, giáo dục phức tạp, vốn nhất thời không thể dễ dàng vạch rõ được đúng sai, phải trái, nhưng thói quen cũ lại tái phát, lại có nhiều người nhân danh chế độ, nhân danh xã hội, nhân danh công luận phê phán theo lối vùi dập và đăng một lúc nhiều báo mà không cho nói lại. Có lần tôi tiến hành đối thoại với một nhà lí luận phê bình khác về sáng tác của một nhà thơ, tôi dành thiện cảm cho nhà thơ ấy, nhưng đồng thời nêu một số ý tưởng về lí luận. Vấn đề ấy còn để ngỏ, đúng hay sai đều có thể  bàn thêm. Không ngờ "vụ ấy" được hiểu như là "hạ bệ thần tượng", xúc phạm thành tựu của văn học cách mạng, và sau đó không lâu tôi nếm "đòn thù" bởi một lí do bịa đặt.

Tôi từng đề nghị với một nhà thơ có ý kiến khác về một số bài viết của tôi, tiến hành đối thoại trên tinh thần học thuật, nêu lí lẽ để cùng trao đổi, tham khảo, nhưng nhà thơ ấy im lặng, lảng tránh và dùng chiêu "ra tay trước", đăng báo để áp đặt ý kiến của mình trước công luận với thái độ trịch thượng. Có lần tôi nêu ý kiến phê bình văn học chúng ta còn "thiếu chuyên nghiệp", (vấn đề mà gần đây Nghị quyết 23 Bộ Chính trị nhắc đến và Hội Nhà văn Việt Nam đang tổ chức triển khai thảo luận!) thế là chuốc lấy một cuộc phê phán có tính hội đồng, mấy người phao lên rằng chính tôi là không chuyên nghiệp, tôi không phải nhà phê bình, lại còn nêu một vài chi tiết chưa chính xác của tôi để phủ nhận việc phê bình thơ của tôi. Thế là vấn đề mà tôi nêu ra để xây dựng đã bị vùi lấp một cách oan uổng. Rõ ràng đó không phải là tranh luận học thuật mà công kích cá nhân. Có nhà thơ viết hết bài này qua bài khác, phát huy tài năng bịa đặt, xuyên tạc để công kích hầu hết các nhà trí thức, trong đó có tôi. Đó là cách làm vượt ra ngoài phạm vi phê bình mà trở thành hành vi vu khống, hãm hại. Có người còn bịa đặt chứng cớ, xuyên tạc để dễ bề đánh đổ đối phương. Như thế mà có người khen là có tinh thần chiến đấu!

Tâm lí đấu tranh tiêu diệt kẻ thù đã làm mất đi tinh thần khoan dung vốn có truyền thống lâu đời trong xử thế của người Việt và người phương Đông. Trung thứ của đạo Nho, từ bi của đạo Phật đã ăn sâu vào tâm lí người Việt bao đời. Thực ra đã làm nghề phê bình, nghiên cứu thì khó mà tránh khỏi sơ suất, nhầm lẫn. Không ít nhà phê bình tầm cỡ, được một thời sùng bái mà vẫn nhầm lẫn ở một số chỗ buồn cười, nhất là trong tiểu tiết. Có sơ suất nhầm lẫn thì tuỳ mức độ mà phê bình. Không thể vì một sơ suất nhỏ chỉ đáng dọn vườn mà đưa ra những kết luận nặng nề về trình độ, nhân cách, học vấn. Ở đây phê bình cần có sự khoan dung, thông cảm mới khích lệ người ta vượt qua để làm tốt những việc khác. Tiếc thay trong phê bình, thảo luận học thuật một số người đã đem tinh thần căm thù giặc mà thay thế cho tinh thần khoan dung.

Truyền thống tư tưởng phương Đông ở Trung Quốc và Việt xưa chủ trương trọng tình và trọng văn trong phê bình. "Trọng tình" nghĩa là coi trọng tự thân thể nghiệm, lời văn bao giờ cũng chứa chan tình cảm. Đồng thời coi trọng quan hệ giữa người với người, tức tinh thần nhân văn theo nguyên tắc nhân ái, "kỉ sở bất dục vật thi ư nhân". Đọc các bài tựa, bạt trong sách Từ trong di sản sẽ thấy tinh thần trọng tình ấy.
"Trọng văn" nghĩa là thích văn hoa, thích văn đẹp, khác với phương Tây chỉ thích văn chặt chẽ, rõ ràng. Người xưa cũng thích lí tính, thích văn có triết lí, lời gần mà ý xa, có nhiều ngụ ý.

Tuy nhiên truyền thống tư tưởng của chúng ta thiếu vắng các cuộc tranh luận khoa học thật sự, vì truyền thống ấy coi trọng "chữ đồng"; "Tam giáo" rất khác biệt vẫn đồng nguyên. Do coi trọng chữ đồng cho nên xã hội, văn hoá ít có biến động lớn, xã hội gần như dẫm chân tại chỗ, ít phát triển. Trong thời đại ngày nay, sự phát triển nhân tố "hữu biệt" có ý nghĩa kích thích đối với sự phát triển của khoa học. Mà đã "hữu biệt" thì tất nhiên cần có tranh luận để tìm ra chân lí. Không phải vô cớ mà từ khi bước vào thế kỉ 20 trên văn đàn Việt Nam xuất hiện nhiều cuộc tranh luận về học thuật, tư tưởng. Đó là cái mới, đòi hỏi tinh thần nhân văn mới, khác với tinh thần nhân văn thời phong kiến.

Nhân văn trong xã hội hiện đại trước hết gắn liền với các tư tưởng về quyền của con người, như dân chủ, tự do, bình đẳng; gắn với ý thức về tính chủ thể của mỗi người, với tinh thần đối thoại trong quan hệ với các thành viên xã hội khác. Tinh thần nhân văn đòi hỏi mỗi người phải tư duy bằng cái đầu của mình, kinh nghiệm của mình, không được dựa dẫm vào người khác, làm công cụ nói theo người khác.
Mặt khác, tinh thần nhân văn hiện đại không chấp nhận bá quyền độc thoại của một số ít người, một tầng lớp người, còn đại đa số nguời khác thì bị tước đoạt mất tiếng nói. Vì vậy mà có điều khoản tự do ngôn luận được quy định trong hiến pháp. Tinh thần nhân văn không thừa nhận độc quyền chân lí. Chỉ một số ít "ưu tú", "tinh hoa" là có chân lí, còn những người khác thì chỉ có nhầm lẫn và sai lầm!" Không đúng, đó chỉ là huyền thoại thuần tuý của ý thức độc thoại lỗi thời. Chân lí không thể tự nó thừa nhận, cũng không thể chỉ do một người phát minh thừa nhận. Chân lí nằm trong đối thoại và chỉ qua đối thoại mới được mọi người thừa nhận. Và ai có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi thì sẽ có điều kiện tiếp cận chân lí nhiều hơn người chỉ biết áp đặt nhận định tuỳ tiện.

Tinh thần đối thoại dựa trên nền tảng tôn trọng sự tồn tại của mỗi người, xem con người là chủ thể, không phải đồ vật. Là chủ thể, con người không chấp nhận người khác kết luận về mình một cách tuỳ tiện, con người luôn có nhu cầu và khả năng nói tiếng nói cuối cùng về mình. Do đó đối thoại đòi hỏi phải biết lắng nghe. Trong cuộc tranh luận mà người tham gia chỉ muốn giành phần thắng bằng mọi giá thì chân lí không xuất hiện, bởi vì lúc đó lẽ phải tắt tiếng. Theo Bakhtin, tồn tại có nghĩa là sống giữa ý thức và lời của người khác, không ai có thể sống ngoài ý thức và lời của người khác, và cũng không ai có thể đứng ngoài sự phán xét của người khác. Bao nhiêu người đã làm mưa làm gió vào thời họ còn nắm chút quyền lực, một khi thời họ qua đi, hãy lắng nghe xem người ta nói gì về họ.

Nhà lí luận văn học đương đại Trung Quốc Tiền Trung Văn nhận xét, lối tư duy chỉ thừa nhận A thì là không B, chỉ tôi đúng, anh sai, chỉ tôi thắng anh thua, là kết quả của truyền thống tư duy độc thoại siêu hình thâm căn cố đế. Ở Trung Quốc người ta vừa phê phán lối tư duy ấy vừa lặp lại lối tư duy ấy, tiến hành áp đặt người khác một cách ngon lành, không hề có chút nguyện vọng xây dựng để đi đến đối thoại. Theo ông, đó là do chỉ chú trọng đến "giải thích" mà bỏ qua sự "hiểu". Theo Bakhtin, "khi giải thích thì mới chỉ có một ý thức, một chủ thể, còn khi hiểu thì có hai ý thức, hai chủ thể.... Do có hai ý thức nên khi "hiểu" thì bao giờ cũng có đối thoại trên một mức độ nhất định. "Trọng tâm của khoa học nhân văn không ở giải thích mà ở sự hiểu, mà hiểu là đối thoại giữa người với người, là giao lưu chủ thể với chủ thể, giao tranh ý thức với ý thức, là anh với tôi thảo luận để cùng bỏ sai tìm đúng, lấy dài bù ngắn, cùng nhau phát hiện đi đến hiểu vấn đề. Trong đối thoại có khát vọng đồng thuận với chân lí. Như vậy đối thoại là nguyên tắc nhân văn lớn nhất của thời đại chúng ta. Trong đối thoại hàm chứa tinh thần khoan dung. Khoan dung không phải là tha thứ, dung thứ mà là mở lòng thừa nhận người khác, đối xử với người khác như chính mình.

Lí luận phê bình văn học của chúng ta thiếu tinh thần nhân văn đã quá lâu rồi, đến nỗi lấy thế làm thường và vì vậy mà nẩy sinh nhiều hiện tượng không lành mạnh. Đã đến lúc lấy tinh thần đối thoại mà xây dựng tinh thần nhân văn, học đối thoại để nuôi lấy tinh thần nhân văn, có như thế thì lí luận phê bình nước ta mới có ngày được phát triển phong phú thực sự. Một vài người tự độc thoại, tự tâng bốc nhau, dè bỉu, xuyên tạc người khác thì làm sao có chân lí để xây dựng lí luận và phê bình lành mạnh.
Hà Nội, 5 - 10 - 2008
T.Đ.S

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN QUANG HÀTạp chí sáu tỉnh Bắc miền Trung vẫn duy trì đều đặn hàng năm gặp gỡ giao lưu để cùng tìm cách nâng cao chất lượng tờ tạp chí văn học của địa phương mình. Năm nay, năm 2003 Tạp chí Nhật Lệ đến phiên đăng cai cuộc họp mặt. Khách mời năm nay, ngoài các cơ quan trong tỉnh Quảng Bình, còn có đại biểu của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, của tạp chí Diễn đàn, cơ quan ngôn luận của Hội về dự.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠOLTS: Nhà thơ Thu Bồn có nhiều duyên nợ với Huế, với Sông Hương. 20 năm trước, trong dịp TCSH ra đời, anh có mặt ở Huế và viết bài thơ “Tạm biệt” - một trong ít ỏi những bài thơ hay nhất về Huế, 20 năm sau, cũng vào dịp TCSH kỷ niệm tròn 20 tuổi thì anh lại ra đi, ra đi trong lời vĩnh biệt!Thương tiếc nhà thơ tài hoa Thu Bồn, Sông Hương xin trân trọng giới thiệu một vài kỷ niệm vaì tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp dành cho anh.                                                                TCSH

  • PHẠM XUÂN NGUYÊNVề chính trị, ông được chữ nhất: Đại biểu quốc hội trẻ nhất (22 tuổi, khóa I năm 1946); Tổng thư ký Hội Nhà văn lâu nhất (1958 – 1989).Về văn nghệ, ông được chữ đa: đa tài, sáng tác nhiều lĩnh vực, và để lại dấu ấn: thơ (Người chiến sĩ, Tia nắng, Sóng reo), văn (Vỡ bờ), kịch (Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc), nhạc (Diệt phát xít, Người Hà Nội), tiểu luận (Mấy vấn đề văn học, Công việc của người viết tiểu thuyết).

  • ...Có 2 từ người Việt Nam hay dùng cho những người làm thuê các công việc cho người khác là: "Lê dương" và "Pắc chung hy". Chả biết từ bao giờ, bạn bè gọi tôi là "Kha lê dương" bên cạnh các biệt hiệu khác như "Kha điên", "Kha voi", "Kha xe bò miên". Là gì thì cũng vẫn là Kha. Thiếu em ư? Đúng ra là tôi không thể sống thiếu tình yêu như một câu thơ tôi đã viết: "Điều khốn nạn là không thể nào khác được - không thể không tình yêu, không tin ở con người"...

  • ... Với giới văn nghệ sĩ thừa Thiên Huế, nhà văn Nguyễn Đình Thi là người anh lớn, rất thân thiết và gần gũi qua nhiều năm tháng. Anh là tấm gương sáng trên nhiều lĩnh vực sáng tác, quản lý, hoạt động phong trào... Đã có nhiều tác động tích cực, ảnh hưởng tốt đẹp cho một số cây bút ở Thừa Thiên Huế; đồng thời đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong đời sống văn học Thừa Thiên Huế.Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Đình Thi là một tổn thất lớn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà, để lại cho chúng ta niềm tiếc thương vô hạn.... Sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Đình Thi vẫn sống mãi với chúng ta!                                 (Trích điếu văn của nhà thơ Võ Quê)

  • ĐÀO DUY HIỆPGiáo sư, nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu đã không còn nữa.Đã vĩnh biệt chúng ta một nhà sư phạm hiền từ, một nhà khoa học khiêm tốn và có nhiều phát hiện, một con người đầy lòng nhân ái, tin yêu cuộc sống và suốt đời đã sống vì cái đẹp của văn chương, nghệ thuật. Mười bảy giờ bốn mươi nhăm phút ngày 27 tháng 2 năm 2003 đã là thời khắc đó – cái thời khắc đã chia cách hai thế giới từ nay âm dương cách trở giữa giáo sư Đỗ Đức Hiểu với chúng ta. Ông đã để lại sau mình một cuộc đời dài nhiều ý nghĩa.

  • NGUYỄN HOÀNGTrong cuộc đời 83 năm của mình, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BS.NKV) không chỉ một lần tình nguyện đem cuộc đời mình làm... vật thí nghiệm để có được một kết luận khoa học. Lần đầu, nửa thế kỷ trước, tại Pháp, sau 7 lần lên bàn mổ, cắt mất hẳn lá phổi trái, 1/3 lá phổi bên phải và 8 xương sườn (do bị lao mà thời đó chưa có thuốc chữa đặc hiệu), thấy rõ y học phương Tây không cứu được mình, BS. NKV đã vận dụng phương pháp Yoga của Ấn Độ và khí công của Trung Quốc trên cơ sở phân tích sinh lý, tâm lý và giải phẫu cơ thể con người, tự cứu sống mình, hình thành nên phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” ngày nay.

  • NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNVào dịp Tết Bính Thìn, Tết dân tộc cổ truyền đầu tiên sau giải phóng, Viện Đại học Huế nhận được một bưu thiếp chúc Tết đặc biệt của vị Thủ tướng kính mến thời đó - Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhà trường đã cho viết to bức thư của Thủ tướng viết sau cánh thiếp lên một tấm bảng lớn, trân trọng đặt tại Hội trường của Viện Đại học Huế.

  • TÔ NHUẬN VỸTôi có một cái va ly nhỏ dùng để đựng những vật kỷ niệm, những thư từ, những bức ảnh quý nhất của mình. Trong số kỷ vật quý giá đó, có bức thư của anh Tố Hữu gửi tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, tháng 3/1987, kèm theo là bài thơ Nhớ về anh được đánh máy trên giấy Pơ luya vàng nhạt, kiểu chữ ở một cái máy nào đó mà  mới nhìn biết ngay là từ một cái máy chẳng lấy gì làm tốt, để "Kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh mồng 7 tháng 4 của đồng chí Lê Duẩn”.

  • LÊ MỸ Ý ghi                (Trích)Khi tôi đến, hai ông đang ngồi chiếu rượu trong căn hộ chung cư sáu tầng cao ngất ngưởng. Căn phòng như được ghép bằng sách. Trên tường, ảnh Văn Cao đang nâng ly và bức sơn dầu "Tuổi Đá Buồn" Bửu Chỉ vẽ Trịnh Công Sơn dựa vào cây đàn ghita ngóng nhìn vô định. Ngẫu nhiên tôi trở thành người hầu rượu, nói đế cho cuộc đối thoại ngẫu nhiên của hai ông...

  • MAI VĂN HOANThầy giáo dạy văn                                      Tặng Mai Văn HoanHộ tập thể nằm trên gác xépCăn phòng thanh đạm, có gì đâu!Một chồng sách cũ, dăm chai nướcMột chiếc bàn con, một bếp dầu...

  • THANH THẢOThái Ngọc San khác với một số người bạn Huế mà tôi chơi: anh ít nói, ít nói đến lặng thinh, ít nói nhiều khi đến sốt cả ruột. Nhưng nhiều lúc, vui anh vui em, rượu vào lời ra, San cũng nói hăng ra phết. Những lúc ấy, cứ nghĩ như anh nói để giải toả, nói bù cho những lúc im lặng.

  • PHAN HỮU DẬTLTS: GS.TS Phan Hữu Dật là người làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, TT Huế, hiện nghỉ hưu tại Hà Nội. Giáo sư từng là Trưởng ban phụ trách Đại học Văn khoa Sài Gòn (1976), Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1988). Bài viết dưới đây do Giáo sư đọc trong Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Vĩnh Mai (1918-2008), như một sự tri ân đối với người mà Giáo sư xem như là người thầy, người thủ trưởng, người đồng chí... với những tư liệu mới mẻ và góc nhìn thấu đáo. Sông Hương xin trân trọng giới thiệu bài viết này cùng bạn đọc.

  • NGÔ MINHTác phẩm văn học nghệ thuật là sáng tạo của mỗi tác giả hội viên; đồng thời là thước đo hiệu quả hoạt động của Hội trong một nhiệm kỳ. Nói cách khác, tất cả mọi hoạt động của Hội đều hướng về hội viên, hướng về việc làm sao để có những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng ngày càng cao. Nếu không thì sinh ra Hội để làm gì?

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀOVà tôi đã rời xa Huế vào những ngày mà chính tôi cũng không muốn một chút nào. Có lẽ, không ai trách được sự sắp xếp và an bài của cuộc sống. Dù rằng Huế đối với tôi là ân nghĩa, là những kỷ niệm khó phai thì rồi cũng phải tự tạ từ. Trong sâu thẳm đáy lòng, khi nhìn những đêm trăng phả xuống thành phố tôi đang sống, tôi lại quay lòng nhớ Huế, dẫu một chút thôi, hơi thở của tôi đã không được đắp bồi bởi Huế.

  • VÕ MẠNH LẬPTôi đọc một bài. Không! Chỉ là một đoạn nhưng vừa đủ ngẫm - mà thú vị. Đó là cô gái với cái tên quen mà lạ. Cô ta phân bày quê chôn nhau cắt rốn xa xa ngoài tê tề. Cha mẹ cô đèo bòng vô ở tại một thị xã miền Trung. Sau cùng cô lại ở Huế học hành, lớn lên, đôi lúc bạn bè xa đến cứ ngỡ cô là Huế ròng.

  • L.T.S: Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San sinh năm 1947 tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình nguyên Thư kí Toà soạn Tạp chí Sông Hương, chuyển công tác qua phụ trách văn phòng liên lạc báo Thanh Niên tại T.T. Huế đã từ trần vào lúc 0giờ 45 phút ngày 25.7.2005 sau một tai nạn giao thông oan nghiệt.Thương tiếc anh, Sông Hương mở thêm trang để bạn bè, đồng nghiệp cùng chia sẻ và thắp nén tâm hươngKhi chúng tôi được tin buồn về anh San thì số báo tháng 8 đã in xong; Tình thế “chữa cháy” này không sao tránh khỏi những bất cập, mong các tác giả cùng quý bạn đọc lượng thứ.

  • L.T.S: Đại hội VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ X sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 năm nay. Để đại hội có tiếng nói dân chủ rộng rãi, TCSH xin “dành đất” cho các anh chị hội viên, các bạn đọc quan tâm tham gia ý kiến trao đổi về nghề nghiệp, về hoạt động của Hội, về tổ chức hội v.v...Ngoài các ý kiến đã đăng tải trên số này, chúng tôi sẽ tiếp tục in thêm các ý kiến khác trong số tới

  • ĐÔNG HÀTôi không sinh ra ở Huế, nhưng với tuổi đời chưa quá ba mươi mà đã hơn hai mươi năm sống ở đất Kinh thành, đó cũng một sự gắn bó không thành tên.

  • THU NGUYỆT                (Trích tham luận tại Đại hội VII  Hội Nhà văn Việt Nam)