Về một nơi không thể gọi tên

17:04 16/03/2009
ĐÔNG HÀTôi không sinh ra ở Huế, nhưng với tuổi đời chưa quá ba mươi mà đã hơn hai mươi năm sống ở đất Kinh thành, đó cũng một sự gắn bó không thành tên.

Quê tôi là một vùng đất nghèo chiêm trũng ở Quảng Bình, tuổi thơ theo cha mẹ khăn gói vào Huế từ ngày giải phóng, để từ đó biền biệt một nỗi quê như con nước không thể quay về. Lớn lên lại gửi cả một thời hoa mộng ở xứ Đông Hà đầy gió Lào cát trắng. Sáu năm ở Đông Hà không dài nhưng đủ khắc vào tôi nỗi ám ảnh về điều gọi là “thân phận”, và bắt đầu đa mang theo nghiệp văn chương.
Ôm những nỗi niềm không tên đó, tôi một mình quày quả quay lại Huế, nơi tôi đã khóc rất nhiều khi cô bé con bị cha mẹ kéo lên xe trở về Đông Hà xây dựng quê hương  theo lời hiệu triệu của Tổ quốc. Để bây giờ, khi ngồi gõ những dòng này, vẳng bên tai tôi, những hồi chuông nhà thờ Phủ Cam đang ngân nga đổ giọng, như tiếng gọi cứu rỗi những con chiên ngoan của Chúa quay về. Lại bâng khuâng về một điều sâu thẳm, rằng nơi nào là tiếng gọi quê hương? Khi mà trong tôi, quê hương là nơi tôi sinh ra, là nơi tôi lớn lên, cũng là nơi ngày ngày tôi đang tha thiết sống?
   
Ngày trước, mỗi lần đi đâu, khái niệm quê hương của tôi trong mắt bạn bè cả một dải miền Trung này đều chỉ được gọi tên là “Huế”, không phân biệt nổi đâu Quảng Bình, Quảng Trị. Nên mặc nhiên, tôi cũng thành “người Huế”, nghiễm nhiên được có những đặc tính của một cô gái Huế. Trong những trang viết đầu đời của mình, tôi mượn Huế làm quê hương bởi trong trí tưởng ngây ngô, tôi cứ nghĩ rằng, nàng thơ thì phảiyểu điệu thục nữ”, hơn ai hết, Huế lại thục nữ vô cùng. Nhiều người đã nhầm tôi là người Huế cũng từ sự ngây ngô ấy.
Bốn năm đèn sách ở xứ kinh thành, không hiểu trời xui đất khiến thế nào tôi lại trở nên thân quen với vùng đất này đến vậy. Bạn bè tôi  mượn nơi đây làm nơi trú ngụ cho mỗi chuyến đi về. Tôi trở thành “trạm” đón tiếp, lâu dần chết tên, trở thành một địa danh có thực tồn tại giữa lòng cố đô. Đôi người lại ngạc nhiên, sao em lại là Đông Hà chứ không phải là ai khác? Chỉ một người biết tại sao tôi lại là Đông Hà thì giờ đây biền biệt, xa tít mù khơi không một lời động vọng. Tôi chỉ ở Đông Hà có sáu năm, còn ở đây, hai mươi năm có lẻ”.

Giờ tôi đã là cô giáo, ở một ngôi trường cổ kính, đôi lúc tuổi của cây còn nhiều hơn tuổi của bao lớp học trò cộng lại, vậy mà đi giữa thênh thang thấy mình già cỗi còn hơn cây. Nhớ câu thơ ngày xưa “Thầy vẫn thế ngày ngày đến lớp/ đường lên lầu trăm bậc không hơn/ khi tới lên cao ra về xuống thấp/ đời vui theo mỗi bước thăng trầm”. Tôi giờ cũng vậy, mỗi bước cầu thang như một cuộc leo dốc, triền miên, vô tận, chỉ sợ mình thành Sysyphe ôm tảng đá leo dốc, ôm mãi đến tận cùng của niềm tuyệt vọng, biết đâu một đóa hồng đang hồi hộp đợi tình nhân? Sợ mình bị bỏ quên, cũng như đã từng quên”.

Khi còn là một bé con, tôi sớm nhận ra sự khác biệt của mình với lũ bạn bè láu táu. Như con nước sớm tách dòng, một mình lặng lẽ trôi xuôi, mà cuộc ra đi sớm này đâu dễ dàng đến đích, cứ đi mãi nào tìm được lối ra. Để rồi cũng như bao tâm hồn nhạy cảm khác, tôi tập làm thơ, bắt chước làm thơ, cứ như phải làm thơ, không ý thức được đây là một cuộc hành trình đầy nỗi đau của bao phận người gom góp lại. May mắn (hay không may mắn?), đó là những câu thơ buồn của bao nỗi lòng thiên hạ, nên được sự đồng điệu của những tâm hồn thơ, đó cũng chính là sự dìu dắt đầu đời dành cho một bé con tập làm người lớn. Nhà thơ Hải Bằng có câu thơ dễ chết: “không buồn thì không có thơ hay”, làm thơ không ai muốn thơ mình dở, nên buồn như tiền kiếp, từ thuở khai thiên lập địa đã biết buồn, cũng chính từ những câu thơ buồn rứt ruột đó, thiên hạ lại có dịp dòm dỏ, ngó nghiêng. Nên không những chỉ buồn như thân phận, mà còn đau, bởi tiếng thị phi đời.

Sự khởi đầu của tôi là những bài thơ, vậy nhưng “duyên đầu” của tôi với Sông Hương lại là một truyện ngắn. Một truyện ngắn rất bình thường, đầu tay, nhưng cũng gây ra sự chú ý cho bạn bè, bởi theo họ, nó mang màu sắc của  “chủ nghĩa hiện sinh”, khi mà xung quanh, bạn bè đang viết những điều thơ và mộng, thì tôi đã sớm buồn (trước tuổi) những điều (dự cảm) có thật về cuộc sống. Chẳng biết lý giải thế nào. Chỉ biết rằng có một thời, ở Huế, cây bằng lăng nào nở trước nhất, cành phượng nào màu “thương” nhất, gốc sầu đông nào tím đến nghẹt thở, tôi như là người biết trước tiên trong mỗi độ chuyển mùa. Nhưng sự nhạy cảm không dừng ở đó. Nếu dừng ở đó, tôi đã trở thành người lãng mạn với một trời hoa mộng, và yên ổn với những bâng khuâng nhẹ nhàng cần thiết cho một tâm hồn nữ nhi. Cái nhạy cảm trong tâm hồn tôi đã trượt vào vùng nghiệt ngã. Ở đó, tôi thấy những nỗi buồn cuộc sống cứ hiển hiện theo về, để rồi  đêm đêm chà xát cả một vùng tâm linh. Và nhắc nhủ rằng tôi phải viết. Nhiều lúc, tôi muốn tất cả hãy dừng lại, rằng trò chơi đã đến hồi kết thúc, nhưng đây là một trò chơi đã được cài đặt theo một chế độ mã hóa, mà tôi, kẻ đãng trí, lại trót quên chìa khóa mã của riêng mình, nên biết rằng, không bao giờ mình thoát khỏi trò chơi ngày bé lỡ mang mình nhập cuộc.

Bây giờ, hình như tôi là người Huế, nhưng Huế theo, không phải Huế dòng. Ngày ngày vẫn đi về trên những con đường thơ và nhạc mà ai xa Huế cũng phải xốn xang. Sống trong những màu sương bảng lảng, trong sự mơ màng huyền hoặc khói sương. Và dĩ nhiên, vẫn đảm trách phần việc của người ở lại, là đón đưa những chuyến tàu phương xa vào bến. Thi thoảng, lại làm kẻ vỗ về người ra đi bằng cách yêu giùm thiên hạ những điều gọi là “Tính cách Huế”. Lâu riết, thấy Huế thấm vào mình lúc nào không hay.

Chưa đủ ba mươi tuổi đời, mà hơn hai mươi năm ở Huế. Hai mươi năm sau, hai mươi năm sau nữa, tôi có trở thành một người Huế thực thụ không? Điều đó tôi không biết. Nhưng có một điều chắc chắn rằng , nơi tôi ngày ngày  tha thiết sống, vẫn là một thành phố đầy hoa trái xanh tươi, có tình yêu, có bạn bè, có tất cả những điều bình thường giản dị, cả những nỗi đau giúp mình lớn dậy thành người. Thế thôi.
            Huế, 1/6/2005
                   Đ.H
(197/07-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Vậy mà, đã hơn 50 năm, từ những năm tháng trẻ tuổi… Huế, ngày ấy đã xa. Đã là kỷ niệm. Đã mất đi nhưng vẫn không ngừng sinh nở. Như những câu thơ, một thời…

  • Việt Đức - Võ Quê - Phạm Xuân Phụng - Nguyễn Thiền Nghi - Nguyễn Văn Vũ - Lê Phùng - Thùy Phương - Trần Băng Khuê

  • Trại sáng tác văn học với chủ đề “Vinh Xuân - Mùa biển gọi” do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND xã Vinh Xuân tổ chức, diễn ra trong thời gian từ ngày 3/5 đến ngày 10/5/2024, gồm 14 nhà văn, nhà thơ và 1 nhạc sĩ khách mời, đã cho ra đời 58 tác phẩm.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Ngày 18/9/1945, tại số 43 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Thuận Hóa, Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên - tiền thân của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay được thành lập.

  • CHU SƠN

    Cuối năm 1963 tôi từ Hội An ra Huế để nhận lại tập thơ Quê Nhà và giấy phép xuất bản tại nha thông tin Trung Việt.

  • TRẦN DZẠ LỮ

    Gần một đời người làm thơ, sống giữa Sài Gòn với bao nhiêu thăng trầm dâu bể, có những ngày đói rách, lang thang. Bạn bè thì nhiều, có kẻ nhớ người quên sống khắp cùng đất nước, nơi đâu cũng để lại trong tôi ít nhiều kỷ niệm.

  • (SHO) Những người tôi gặp ở Huế trẻ hay già thường ngưỡng mộ anh là Thầy, một vị Thầy của môn âm nhạc, của tiếng, của lời, thân hay sơ mỗi người đều như chịu ít nhiều ân huệ của anh.  Nhưng thoạt mơ hồ tôi hiểu danh hiệu ấy khác hơn khi được ngồi với anh, bên bàn cơm, khi vui ca, khi đi dạo, khi nghe anh hát, khi thấy anh ngồi yên giữa bạn bè, anh hiện ra là vị Thầy bên trên âm nhạc... 

  • Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 2 giờ 55 phút ngày 24.6. Ông thọ 94 tuổi.

  • LTS: Ngày 17-7-1988 nhà thơ THANH TỊNH đã qua đời tại Hà Nội sau một cơn bệnh nặng, thọ 77 tuổi. Tưởng niệm nhà thơ, người anh người đồng nghiệp đáng kính của anh em văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của anh Hoàng Trung Thông và đoạn trích trong Điếu văn đọc tại lễ tưởng niệm nhà thơ tại trụ sở Hội văn nghệ B.T.T ngày 19-7-1988.

  • DƯƠNG THỊ NHỤN

    Tôi biết nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua chị Dung là hàng xóm cũ của tôi những năm 90 của thế kỉ trước. Chị Dung là cháu ruột lại gần nhà ông ở phố Điện Biên Phủ nên rất thân thiết với ông. Tôi chỉ nghe chuyện và đọc truyện của nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua chị Dung.

  • LGT: Thúc Tề và Trần Kim Xuyến là hai nhà báo có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Một vấn đề đặt ra là: trong hai nhà báo liệt sĩ nói trên, ai mới đúng là “Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam?”. Nhiều ý kiến công nhận nhà báo Trần Kim Xuyến là nhà báo liệt sĩ đầu tiên, trong khi các tư liệu lại cho chúng ta thấy Thúc Tề mới đúng là nhà báo liệt sĩ đầu tiên.

  • TÔ NHUẬN VỸ

    Trong số bạn bè thân tình của tôi, Ngô Minh rất “lạ”. Lạ đầu tiên là… nhỏ thó. Người thấp bé, tròn vo, tròn vo từ mấy chục năm ni luôn, chừ lại suốt ngày (e cả suốt đêm) ngồi máy tính viết bài.

  • Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như: Nhằm thẳng quân thù mà bắnThuyền trưởngRừng xưa xanh lá ;Kiếp chóNhững người rách việc; Chuyện kể năm 2000... đã qua đời vào lúc 6 giờ sáng ngày 18.12. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông bước vào sáng tác văn chương từ năm 20 tuổi và đã có một bút lực dồi dào để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị.

  • Nguyễn Hữu Đang sinh năm 1913 , quê  làng Trà Vi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia Hội Sinh viên thị xã Thái Bình thuộc Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và bị Pháp bắt vào cuối năm 1930 và bị giam hai tháng rưỡi tại thị xã Thái Bình.

  • Thi sĩ Kiên Giang là tác giả những bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài lên áo tím, Tiền và lá, Ngủ bên chân mẹ… Ông cũng là soạn giả của những vở cải lương quen thuộc như Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, Lưu Bình - Dương Lễ, Trương Chi - Mỵ Nương và hàng trăm bản vọng cổ. Như người bạn văn tâm giao Sơn Nam và thi sĩ đàn anh Nguyễn Bính, Kiên Giang cả một đời phiêu bạt sống rày đây mai đó, cho đến khi trái tim đột ngột ngừng đập”...

  • Ở tuổi 89, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - tác giả của ca khúc nổi tiếng "Dư âm" sống nghèo túng, bệnh tật và cô đơn trong căn nhà nhỏ giữa lòng Sài Gòn.

  • NGÔ ĐÌNH HẢI

    Nhà văn Trần Áng Sơn sinh ngày 12/7/1937 tại Hải Phòng, lớn lên ở Huế, trưởng thành ở Sài Gòn, mất ngày: 18/5/ 2014.

  • QUANG VIÊN

    Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vị tướng tài năng và đức độ. “Ông là một danh tướng, một nhà chính trị và nhà quân sự lỗi lạc” - Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thốt lên khi nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như vậy. Trong cuộc sống tình cảm gia đình, cũng như ứng xử với văn hóa văn nghệ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng hết sức chí tình, có những việc làm rất đáng khâm phục. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về ông rất hay: “Sáng trong như ngọc một con người”…