Theo TS Nguyễn Ngọc Mai, ngày nay, các nghi lễ trong hệ thống thờ Mẫu Tam phủ đã hội họp cả nghi lễ trong hệ thống Tam phủ thờ ba vị nam thần: Thiên Thần – Địa Thần – Thủy Thần và hệ thống thần linh các vùng miền khác.
Chơi trò chơi dân gian “kéo chữ” trong khuôn khổ lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) từ ngày 3 đến 10/3 âm lịch hằng năm. Trong hình, người dân đang kéo chữ “thiên” trong cụm từ “Mẫu nghi thiên hạ”, chỉ Mẫu Liễu Hạnh
Trong hầu hết các loại hình tôn giáo tín ngưỡng truyền thống ở Việt Nam thì có lẽ thờ thần, thánh là một loại hình tiêu biểu nhất. Tiêu biểu không chỉ bởi bề dày lịch sử mà còn bởi nó là loại hình tâm linh phổ biến trong số đông dân chúng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh xưa có hệ thống riêng được gọi là Tam tòa Thánh mẫu, thờ nữ thần Liễu Hạnh và hai thị nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa - đều là những nữ thần có nguồn gốc tiên giới. Trong hệ thống này, Liễu Hạnh vừa là thần chủ, vừa là vị tối linh thần của cư dân thương mại. Cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỷ XVII là thời kỳ tầng lớp thương nhân - tầng lớp thứ tư trong hệ thống thứ bậc xã hội truyền thống: Sĩ – Nông – Công – Thương, phát triển, khẳng định vị thế xã hội của mình. Sự phát triển của nền kinh tế thương mại thời gian này cũng đồng nghĩa với đòi hỏi phải có biểu tượng linh thần để quán xuyến, đáp ứng những nhu cầu tín ngưỡng của một tầng lớp đang lên. Mô thức Liễu Hạnh ra đời!
Liễu Hạnh có sử tích lưu truyền trong dân gian khác hẳn các thần linh khác. Bà là con gái Ngọc Hoàng, do đánh vỡ chén ngọc bị đày xuống trần gian đầu thai vào nhà Lê Thái Công tại thôn Thiên Bản (Vụ Bản, Nam Định). Cuộc đời và huyền kỳ về người phụ nữ có nguồn gốc tiên giới này diễn ra khá phức tạp và liên quan chặt chẽ đến ba lần xuống trần và các địa danh: Vụ Bản (Nam Định – nơi sinh); Tây Hồ (Hà Nội- nơi xướng họa thơ văn với các Nho sinh đất kinh kỳ); và Sòng Sơn1 (Thanh Hóa - nơi bà mở quán bán hàng và nảy sinh cuộc đại chiến với thế lực của bát vị Kim cương do Phật bà phái đến2 để rồi từ lần thất trận này, bà quy y theo Phật). Đây là lí do giải thích vì sao trong khuôn viên chùa Việt thường có kiến trúc phủ Mẫu (tiền phật, hậu Thánh), dân gian gọi là phủ Bà Chúa Liễu.
Ngày nay, tại nơi bà thác sinh còn quần thể di tích phủ Dầy gồm: Phủ Tiên Hương (quê chồng) và Phủ Vân Cát (quê mẹ). Lễ hội bà Chúa Liễu tại Thiên Bản (Vụ Bản) ngay từ thời Nguyễn đã là lễ hội lớn có quy mô cấp quốc gia. Chuyên mục “Nghi lễ phổ thông”, tạp chí Nam Phong năm 1930 cũng đã phản ánh về lễ thức tế lễ Mẫu Liễu với tư cách Thánh Mẫu rất trang nghiêm với sự tham gia của các quan chức đương thời như sau: “Lễ thức chúa Liễu: tục xưng Thánh Mẫu, ngài thác sinh ở làng Thiên Bản thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định. Đền thờ chỗ ấy gọi là Vân Cát, lúc tế Ngài, đàn bà mặc áo mũ vào tế, đệ niên ngày hội quan huyện và quan tỉnh về làm lễ rất tôn nghiêm, đền ở Sùng Sơn, Thanh Hóa thờ Ngài rất là linh ứng cho nên bản triều sức cho quốc tế”3. Người dân Vụ Bản vẫn gọi hệ thống thờ Mẫu Liễu là Tam tòa Thánh Mẫu. Khái niệm Thánh Mẫu Tam phủ theo chúng tôi có thể là một cách gọi/ đọc gán từ chữ Phủ trong Phủ Dầy, hoặc là cách dân gian muốn sử dụng hệ thống thờ Mẫu Liễu Tam tòa này để đối ứng âm – dương với một hệ thống Tam phủ khác thờ ba vị nam thần: Thiên Thần – Địa Thần – Thủy Thần.
Hệ thống Tam phủ thờ ba vị nam thần Thiên – Địa – Thủy có nguồn gốc là các vị thần tự nhiên được dân gian thờ cúng và thực hành tế lễ từ rất lâu đời, thậm chí có thể có trước hệ thống thờ Mẫu Liễu. Đền thờ những vị thần này phân bố chủ yếu ở các vùng ven sông, biển. Mục “Nghi lễ phổ thông” trong tạp chí Nam Phong (1930, 1934) cho biết; “ tế lễ Tam phủ bao gồm tế thần linh Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ, ở các xã duyên giang (vùng ven sông, biển) đều thờ đức Tam phủ”. Ngày nay vẫn còn các di tích đền thờ quan Tam phủ ở Hải Dương, Hoài Đức, Phúc Thọ và nhiều địa phương khác nữa.
Cả hai hệ thống Tam phủ này đều có những thực hành tế lễ bởi dân địa phương nhưng có quy mô khác nhau và văn khấn khi tế lễ cũng khác nhau, cụ thể:
- Văn khấn Chúa Liễu: “Cung duy Liễu Hạnh, công chúa sắc phong Chế Thắng Hòa Diệu Đại vương Ngọc Động hạ. Mẫu nghi thiên hạ, mặc tướng sinh linh. Sùng Sơn hiển thánh, Thiên Bản giáng sinh. Ti dân hộ quốc, giáng vũ khu tình; Cầu chi tất ứng, lễ bản hồ thành. Thần tứ chi phúc, cộng hưởng an ninh”.
- Văn khấn Tam phủ: “Mỗ niên Nguyệt Nhật, mỗ quán mỗ danh, cẩn dĩ lễ vật thứ - phẩm cung tiến vu. Thiên - phủ tôn thần bảo tọa; Địa - phủ tôn thần bảo tọa; Thủy - phủ tôn thần bảo tọa. Kính duy quyền tham chủ tế; hỏa diệu tài thành. Tế nhãn hoàn phú - tái chi công; nhuận vật hợp thí - sinh chi đức. Ngưỡng kỳ giáng giám; bảo hựu khang ninh. Tứ thời vô hạn lạo chi tai, phong hòa vũ thuận; hợp cảnh hưởng thuần - hi chi phúc, vật phụ nhân khang. Thần đẳng bất thăng nguyện vọng chi chí. Cẩn tấu.”4
Như vậy, cho đến đầu thế kỷ XX thì hiện tượng thờ cúng Mẫu Liễu Hạnh với tư cách là vị thánh phù dân giúp nước (ti dân hộ quốc); giáng phúc, giáng hoạ (Thần tứ chi phúc) và hiện tượng thờ cúng thần linh Tam phủ với tư cách là các vị thần tự nhiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh (tứ thời vô hạn lạo chi tai, phong hòa vũ thuận; hợp cảnh hưởng thuần - hi chi phúc, vật phụ nhân khang) là hai hệ thống tín ngưỡng dân gian với những dạng thức thực hành nghi lễ riêng biệt. Một đằng là tín ngưỡng có quy mô tế lễ mang tầm cỡ quốc gia và một đằng là tín ngưỡng có quy mô tế lễ ở làng xã.
Khái niệm Tứ phủ là một khái niệm muộn. Có sự giải thích cho rằng có thể do sự hợp nhất với các thần linh vùng sơn cước vào hệ thống thần linh Tam phủ mà thêm một phủ nữa là phủ Nhạc - miền rừng (đây là lý do cho thấy tại nhiều địa điểm thờ Mẫu hiện nay, ban thờ Mẫu Thượng Ngàn được tách ra ở một nơi riêng biệt). Nhưng cũng rất có thể khái niệm Tứ phủ là chỉ sự hợp nhất của phủ Dầy (phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh) với hệ thống Tam phủ nam thần (Thiên – Địa – Thủy) mà thành. Chữ Phủ ở khu vực Vụ Bản lúc đầu chỉ khu vực hành chính: phủ Dầy là địa bàn người dân sinh sống và làm nghề bánh dầy5. Sau khi có huyền tích li kỳ về Mẫu Liễu mà thành tên gọi Phủ Mẫu (chỉ nơi thờ Mẫu) và đã bị hiểu lầm/ đánh đồng/ làm thành một phủ và ghép vào trong hệ thống Tam phủ để trở thành Tứ phủ. Đây cũng là quy luật giao lưu và tiếp biến, hợp nhất văn hóa giữa các cư dân và các vùng miền. Hệ thống thần điện hiện nay trong nghi lễ lên đồng– một thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - đã chứng tỏ sự hội họp giữa các miền vùng này (có đủ cả ngôi Mẫu, quan lớn Tuần Tranh của miền sông nước, Chầu Mười Đồng Mỏ, Chầu Bé Thượng Ngàn, ông Hoàng Mười gốc Thanh - Nghệ, Hoàng Bơ gốc vùng biển, Hoàng Bẩy gốc Tày – Nùng, Cô Chín Cam Đường, Cô Bơ Thoải, Cô Bé Bắc Lệ... Tất cả lên tới 36 giá đồng được cho là thường xuyên giáng đồng. Gần đây, tôi theo dõi còn thấy xuất hiện thêm khá nhiều các thần linh địa phương như: Cô Bé Đồng Đăng, Cô Bé Sa Pa, Cô Bé Đà Lạt, Cô Bản Cảnh, Mẫu Tam Giang...)
Không rõ trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản văn hóa, các nhà quản lý văn hóa có cân nhắc đến những cứ liệu này không và diễn biến của quá trình xây dựng hồ sơ di sản với nội hàm như thế nào, nhưng tôi cho rằng khi tổ chức UNESCO công nhận Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là công nhận thực hành nghi lễ của hệ thống thờ Mẫu Liễu Hạnh mà giờ đây đã hội họp trong đó cả nghi lễ thờ Tam phủ nam thần và hệ thống thần linh các vùng miền khác. Cách thức lên đồng hầu bóng hiện nay đã và đang đồng nhất giữa Tam phủ và Tứ phủ, tức là dù Tam phủ thờ Mẫu Liễu hay Tam phủ thờ các vị nam thần hoặc Tứ phủ nói chung thì đều đã và đang thực hành lên đồng hầu bóng theo một quy trình giống nhau6.
Trong các hình thức tế lễ Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới thời xưa, ngoài tế nam quan, nữ quan còn tồn tại một hình thức khác là nhập đồng Thánh Mẫu mà ngày nay chúng tôi gọi bằng khái niệm “lên đồng hầu bóng”. Nghi lễ này dung chứa nhiều lễ thức như nhập hồn, múa bóng, hát văn từng xuất hiện nhiều trong dân gian, như các cuộc lên đồng tế lễ các nữ thần khu vực miền Trung. Về giá trị của thực hành nghi lễ này tôi đã viết rất kỹ trong sách “Nghi lễ lên đồng - lịch sử và giá trị” xuất bản năm 2013, và do khuôn khổ có hạn của tạp chí, tôi chỉ xin tóm lược như sau:
Lên đồng hầu bóng có nguồn gốc từ sự hỗn hợp/ dung hợp của khá nhiều yếu tố: Tục lập thi (xác cốt/ nhập hồn) vốn dĩ lưu truyền trong dân gian từ rất xa xưa ở Trung Quốc và có lẽ du nhập vào Việt Nam khoảng thời Bắc thuộc và lưu hành trong dân gian với các hình thức gọi hồn, nhập hồn, về sau được sử dụng trong thờ Mẫu Tam phủ như một phương cách để tiếp nhận linh hồn Thánh Mẫu. Nghi thức lên đồng còn du nhập cả các điệu thức trong múa Bóng thờ thần của người Chăm do sự thâu hóa văn hóa Chăm của người Việt trong khoảng thế kỷ X- XV để rồi đến thế kỷ XVI – XVII khi tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu thịnh hành thì những yếu tố này được cấu thành lại mà làm thành diễn xướng nghi lễ lên đồng như chúng ta thấy ngày nay (ở miền Trung Việt Nam xưa gọi là “ tiệc hát”)7.
Nghi lễ lên đồng xưa cũng như nay đều có những giá trị đặc thù về nhiều mặt như: lịch sử, văn hóa, tôn giáo, y học và có sự tham gia của nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc: nghệ thuật biểu diễn trang phục, âm nhạc, ca từ, diễn xuất đóng vai… Các lời ca từ hát văn đều là những truyền thuyết, thần tích, giai thoại đẹp đẽ kể về những lịch sử, hành trạng, công lao của các vị thần.
Đặc biệt, từ phương diện y học, tâm lý bệnh học, khi thực hành nghi lễ lên đồng, các Căn Đồng xưa (có căn tính đặc biệt khác người) hoặc các Thanh Đồng nay (là người nhạy cảm) khi ở vào không gian tôn giáo, dưới tác động của âm nhạc, chất kích thích, màu sắc, hương, lửa… rất có thể đạt đến trạng thái cảm xúc được phóng thích, các huyệt đạo được khai mở mà xuất hiện trạng thái hưng phấn cao độ. Nói cách khác, trong trạng thái lên đồng, hoạt động ý thức yếu đi và thu hẹp giao diện, nhường chỗ cho hoạt động vô thức chiếm ưu thế mà tạo ra trạng thái ngây ngất. Không hiếm trường hợp nghi lễ hầu đồng tạo ra trạng thái hưng phấn khác thường trong và sau đó khiến nhiều cá nhân mắc các chứng bệnh thần kinh (trầm nhược ở các thể hưng cảm hay trầm cảm) có thể khỏi bệnh8. Điểm đặc biệt này của một số Thanh đồng khi thực hành nghi lễ đã tạo ra quyền uy cho cá nhân họ với vai trò người trung gian và cũng chính là “điểm mờ” của nghi lễ. Từ đây dẫn đến sự ngộ nhận của nhiều Thanh đồng, và cũng kéo theo hệ lụy không ít cho những người cuồng tín nếu như những Thanh đồng cố tình lợi dụng thực hành nghi lễ để phục vụ lợi ích cá nhân.
Tóm lại, là một thực hành nghi lễ tôn giáo độc đáo, nghi lễ lên đồng hầu bóng tạo ra những cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa thần và người để vươn tới những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp, đồng thời với tập hợp các lễ phục, âm nhạc, đạo cụ…, nghi lễ lên đồng giống như một bảo tàng sống về văn hóa Việt Nam.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Mai(*) - Tia Sáng
--------------
* Tiến sĩ, Trưởng phòng nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
1 Trong các tài liệu cũ ghi là Sùng Sơn.
2 Được giới nghiên cứu gọi là cuộc chiến với nội đạo tràng.
3 Thiện Đình (1930), Nghi lễ phổ thông, tạp chí Nam Phong số 150.
4 Thiện Đình (1930), Nghi lễ phổ thông, tạp chí Đông Dương.
5 Giống như cách đặt tên Phủ Xuân Trường, Phủ Phụng Thiên, Phủ Lý Nhân thời Lê.
6 Tham dự nghi lễ lên đồng hầu bóng tại đền thờ quan Tam phủ ở thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Lai Cách, Hải Dương, hay ở đền Ông Mười (Nghệ An), đền Cô Bé Bắc Lệ (Lạng Sơn) và nhiều nơi khác nữa, tôi nhận thấy những nghi thức này giống với các thực hành nghi lễ lên đồng hầu bóng ở Phủ Dầy.
7 Xem thêm Lê Hữu Trác (1971), Thượng kinh ký sự, Nxb Văn học, tr. 19
8 Xem thêm: Nguyễn Ngọc Mai (2013) Nghi lễ lên đồng - lịch sử và giá trị, Nxb VH, tr 341.
NGUYỄN HỮU THÔNG (Dẫn liệu từ miền Trung Việt Nam)I. Có lẽ khi những đoàn lưu dân Việt từ đất Bắc trong quá trình mở cõi về Nam, họ buộc phải có những thích ứng khá táo bạo khi tiếp cận với một vùng địa sinh thái mới lạ, cùng với nền văn hóa của cư dân bản địa tiền trú, ít chất tương đồng, cho dù, tất cả đều chịu sự chi phối của không gian đặc thù Đông Nam Á.
NGUYỄN HỮU NHÀNXa xưa tục ném còn có ở nhiều nơi trong nước. Ở đất bản bộ của Vua Hùng cũng có nhiều làng, nhất là ở vùng Mường không mấy làng không tổ chức ném còn trong dịp hội xuân và hội làng.
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG Trong nghi lễ vòng đời người của người Tà Ôi, lễ cưới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất và được phản ánh qua những điều cấm kị, kiêng cữ mà mỗi đôi trai gái, gia đình hai bên, những người tham gia đám cưới phải thực hiện.
TRẦN HOÀNGTrên dải bờ biển dài 340 km, từ chân Đèo Ngang đến chân đèo Hải Vân có hàng chục làng làm nghề chài lưới, đánh bắt và chế biến hải sản. Tổ tiên của cư dân các làng biển này đều có gốc gác từ các tỉnh phía Bắc.
TRẦN HOÀNG Cách đây gần 450 năm, khi đề cập tới phong tục và sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân vùng đất từ Đèo Ngang trở vào, tiến sĩ Dương Văn An đã viết: “Xuân sang thì mở hội đua trải, gái lịch, trai thanh. Hè đến thì bày cuộc đấu thăm, dập dìu rộn rã nơi ca, chốn múa…” (1).
LAN PHƯƠNGHuyện Phong Thổ (còn có tên gọi Mường Tso, Chiềng Sa) tỉnh Lai Châu nằm trong vùng núi rừng hùng vĩ với mạng lưới sông suối dày đặc và những thung lũng lòng chảo màu mỡ. Nơi đây tụ hội nhiều dân tộc anh em cùng chung sống như Thái, Dao, H'Mông. Hà Nhì, Giáy... trong đó người Thái (Tay đón, hay Táy Khao) chiếm vai trò chủ thể, cư trú lâu đời với thiết chế bản mường chặt chẽ.
TRẦN HOÀNGCho đến nay cũng chưa ai biết rõ tín ngưỡng thờ cá voi ở các làng chài ven bờ biển Bình Trị Thiên xuất hiện từ bao giờ. Song việc cá voi dạt vào vùng bờ biển này thì đã được sử sách ghi lại từ cách đây gần 450 năm.
PHAN THUẬN ANLễ hội là sinh hoạt văn hoá tinh thần của một cộng đồng người và đã có từ lâu trong lịch sử của nhân loại nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng. Lễ hội phản ánh một cách rõ nét những đặc trưng về lịch sử và văn hoá của mỗi địa phương và của từng quốc gia.
LÊ ANH TUẤNCứ vào độ cuối tháng 11 Âm lịch trở đi thì không khí Tết dường như đã dần dần hiện diện trong cái tiết trời, cây cỏ và trong sinh hoạt thường nhật của người Huế.
TRẦN VŨTrâu là loài động vật thích nghi với hệ sinh thái đầm lầy, ấm, ẩm thuộc khu vực Đông Nam Á. Nó là một nhân tố cấu trúc hữu cơ của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”...
NGUYỄN THỊ SỬUKhông dịp nào bằng lễ Aya (lễ cúng mùa, tết), trên mỗi nóc nhà người Taôi bốc lên nghi ngút thơm lừng hương vị cơm mới hoà quyện với bao món ăn đặc sản bay đi khắp núi rừng.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGTrong kỷ niệm về thời thơ ấu của mỗi người ở Huế, thế nào cũng có những kỷ niệm về coi bói ngày Tết, nghĩa là có pha một chút mê tín dị đoan. Bởi vì suy cho cùng, đặc trưng của tinh thần Huế đâu có xa lạ gì với chuyện mê tín dị đoan. Người Huế nhìn vào đâu cũng thấy ngũ hành, vì vậy, thói kiêng cữ hoạc sùng bái lại càng là một thứ đặc sản Huế ở nơi họ.
NGUYỄN THỊ NGUYÊN HƯƠNGTết là một sự kiện đặc biệt trong đời sống của người Việt . Tục lệ về Tết cũng là chuyện “đất lề quê thói”, mỗi nơi có một cách riêng để đón Tết dù Tết mọi nơi cũng tương tự như nhau. Riêng với Huế, tục lệ đón Tết cũng mang những nét đặc trưng của vùng đất từng là kinh kỳ.
NGUYỄN KHẮC XƯƠNGTết miền Trung xưa có thể nói không thể thiếu vắng bài chòi. Đây là một hình thức vui chơi đấu trí cũng như tổ tôm điếm, cờ người, cờ bỏi ngoài Bắc. Bài chòi là hình thức chơi bài lá phổ biến ở các tỉnh Nam Trung bộ như Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên, Bình Định, cũng còn gọi là hát bài chòi.
LÂM TÔ LỘCTrong di sản văn hoá dân tộc ở Việt Nam, múa dân tộc Việt có bề dày lịch sử được xác định bởi những hoa văn hình múa trên trống đồng Ngọc Lũ. Múa truyền thống nổi lên ở các lễ hội. Có người cho rằng người Việt không có thói quen sinh hoạt múa tập thể. Sử sách đã nói đến truyền thống sinh hoạt múa này.
TRẦN HOÀNGThành ngữ Việt có câu: "Vui như tết". Quả là như vậy! Tết vui không phải chỉ vì Tết là dịp để sum họp gia đình, gia tộc, để chú, bác, cậu, dì, bà con nội ngoại và xóm giềng tề tựu, gặp gỡ, thăm viếng nhau dưới một mái đình, mái nhà chung.