Thử nêu vài nét về hồn vía văn xuôi miền Trung

14:29 05/09/2008
HỒNG NHU            (Tham luận tại Hội nghị Văn học Miền Trung lần thứ II tháng 9-2002) LTS: Hội nghị văn học miền Trung lần thứ hai vừa diễn ra tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá trong 2 ngày 19 và 20 tháng 9 năm 2002. Gần 80 nhà văn của 18 tỉnh thành từ Bình Thuận đến Thanh Hoá đã về dự. Ngoài ra còn có đại diện các hội đồng chuyên môn, các ban công tác, các cơ quan báo chí xuất bản của Hội Nhà văn Việt cũng có mặt trong cuộc hội ngộ này.

24 bản tham luận trình bày trước hội nghị đã thể hiện được ý chí, tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ nhà văn miền Trung đối với đất nước và nhân dân.
Nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá T.Ư, nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tham dự chỉ đạo và phát biểu với hội nghị.
Sông Hương xin trân trọng giới thiệu một số tham luận sau đây.


Giờ đây có lẽ không còn ai nghĩ như một cách khái quát lâu nay rằng miền Bắc là đất của tiểu thuyết, miền là đất của sân khấu ca kịch, và thơ ca luôn ngự trị ở miền Trung nữa!
Nền văn học Việt Nam ta từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay, qua các giai đoạn các thời kỳ - bằng những thành tựu của nó - đã san lấp, bù trừ và nhào nặn nên một nhận thức thống nhất, công bằng và khoa học hơn, không còn sự phân biệt theo cảm tính, mang màu sắc "trấn thủ địa phương" như trên. Có được như vậy là nhờ đường lối văn học đúng đắn, kéo theo sự phát triển đồng đều, sự thúc đẩy của tình hình khách quan, và hơn hết là nội tâm nội lực của các chủ thể sáng tạo. Không có nhà văn miền Trung nào lại nghĩ rằng mình không thể thành công trong lĩnh vực văn xuôi. Và cũng như vậy, thật hoang đường nếu có ai đó cho rằng các nhà văn Nam Bộ thì chẳng thể làm thơ hay, chẳng thể có truyện ngắn truyện dài nổi tiếng!
Công cuộc đổi mới của đất nước đã làm biến đổi tư duy sáng tạo - nói chính xác hơn, tôi nghĩ - là trở lại cốt lõi của những gì trong cuộc sống con người với những cung bậc và sắc màu khác nhau mà thiên chức nhà văn luôn hướng tới với tất cả tâm hồn và lao động đặc thù của mình để thể hiện. Chỉ kể trong vòng vài bốn năm gần đây thôi, nghĩa là trong nhiệm kỳ này của Đại hội VI Hội ta, các nhà văn xuôi miền Trung đã không hổ thẹn với điều vừa là trách nhiệm vừa là "luật chơi" nói trên.
Miền Trung nghèo và khó, ai cũng biết rồi, khỏi phải nói nhiều. Song ở đây có một vấn đề: các nhà văn chúng ta trong môi trường đó, đời sống và điều kiện làm việc có thể tóm gọn trong mấy chữ: nghèo và nghèo nhất, khó và khó nhất! Không mấy người có thuận lợi về đời sống vật chất. Thật chẳng hay ho gì khi phải kể điều này ra, nhưng đó là tình hình có thật. Và đây là tình hình có thật nữa: không có khó khăn nào có thể dừng được ngòi bút sáng tạo của các nhà văn. Chúng ta đã thường trực và không ngừng quẫy cựa - mỗi người mỗi cách, có cách nghe như tiểu thuyết vậy! - để làm sao luôn hiện diện với cuộc đời với người đọc bằng tác phẩm chứ không phải bằng cái "chức danh nhà văn"; mà trong những tác phẩm đó, người đọc không hề thấy bóng dáng của sự khó khăn, chật vật trong cuộc sống thường ngày tác giả của chúng đang phải đối mặt và còn phải đối mặt không phải trong tương lai gần một vài mùa sáng tác đâu! Xin nêu một thống kê không được đầy đủ và chính xác lắm: từ 2000 - 2002 số lượng tác phẩm của hơn ba mươi nhà văn viết văn xuôi ở miền Trung là ngót sáu mươi cuốn, mỗi cuốn từ 150 trang đến 500 trang gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tạp văn v.v... Chúng ta đều biết rằng đối với văn chương, số lượng chẳng là cái gì, song số lượng cũng không phải chẳng là cái gì... Một số tác phẩm trong số trên đã được giải hàng năm, hàng kỳ ở các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn ở Trung ương. Về các giải văn chương, tôi vẫn suy nghĩ rằng: tác phẩm được giải chưa chắc đã xuất sắc và tác phẩm không được giải chưa chắc đã không xuất sắc. Theo chỗ tôi được đọc, có đến một phần ba các tác phẩm trong mấy năm nay của các nhà văn miền Trung đều có chất lượng khá, đều không thua kém gì với các tác phẩm mà các Hội Trung ương đã trao giải.
Nhân nói đến chuyện này, năm ngoái tôi có khùng khùng làm một động tác thử nghiệm, có thể gọi là một cú "điều tra xã hội" nho nhỏ: tôi đem ra 5 cuốn sách mà với tư cách một thành viên của Hội đồng Văn xuôi tôi đã bỏ phiếu đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn, và 4 cuốn của các bạn miền Trung ta đang có mặt ở đây - dĩ nhiên là những cuốn các bạn hoặc không gửi dự giải hoặc không được chọn qua ban sơ khảo. Đối tượng đọc là 3 giáo viên đại học, 3 cán bộ về hưu và 3 sinh viên năm cuối. Đây toàn là bạn bè quen biết của tôi, họ đều là những người ham mê đọc văn chương, tôi cố ý chọn như thế để họ đọc xong có thể nói thật lòng với tôi. Kết quả thật bất ngờ: 5 cuốn tôi bỏ phiếu không ai khen hay cả, còn 4 cuốn của các bạn thì 3 được thích, được khen hay!
Chẳng có gì là lạ trong chuyện khen chê, nhưng qua chuyện này tôi giật mình, tự nghi ngờ sự thẩm định của bản thân. Vẫn biết rằng cái kết quả nọ chắc gì đã đúng đã chính xác; chuyện văn chương mà, chín người mười ý, biết đâu mà lần, nhưng nó vẫn làm cho chúng ta cần và nên suy nghĩ nghiêm cẩn nhiều điều, tỉ như: làm sao để xã hội hoá các sản phẩm sáng tạo của nhà văn; làm sao nâng cao thị hiếu thẩm thấu văn chương của người đọc; làm sao để công bằng, dân chủ và chuẩn xác hơn trong thẩm định văn chương v.v...
Ở miền Trung ta, có nhiều nhà thơ viết văn xuôi và ngược lại. Viết ra viết, viết cho sự nghiệp, tức là cả hai lĩnh vực các anh chị ấy đều có những thành tựu đáng chú ý. Xin thổ lộ một điều riêng: tôi không sợ lắm những nhà văn xuôi làm thơ, nhưng rất sợ, rất phục những nhà thơ viết văn xuôi. Đọc họ, tôi thấy họ uyên áo nhiều, thâm hậu lắm; đặc biệt là trong các loại văn bút ký, phê bình cảm nhận, nhàn đàm, tản văn... Ở phía chủ thể, chừng nào mà thể loại tự tìm đến mình chứ không phải do mình lăm le rồi ấn định trước, là thường thu được những thành công đáng giá. Thể loại chọn lựa tác giả chứ không phải tác giả chọn lựa thể loại, đúng vậy chăng?
Hồn vía núi sông, thế đất màu trời cùng với lịch sử, điều kiện sống của một vùng đất tạo nên khí chất con người ở đó, điều này không còn nghi ngờ gì; cố nhiên là có cả mặt hạn chế của nó. Miền Trung là phần giữa của đất nước mình, đi dọc bằng đường bộ từ xứ Thanh vào Phan Thiết, dằng dặc đến muốn tắc thở vì nóng cả ruột. Ấy vậy mà khi ngồi trước trang giấy trắng, tôi nghĩ chắc rằng các bạn đồng nghiệp cũng như tôi, cái sự nóng ruột đó đã biến thành niềm rạo rực, giục giã, bởi vì trên chặng đường dài đó chúng ta đã gom nhặt được biết bao là tình tiết sự việc, biết bao là hình ảnh con người, dịu dàng thuần phác có, đốp chát kiêu sa có, thanh thoát an nhiên có, bi hùng máu lệ có...
Vùng đất dài và hẹp như chiếc đòn gánh, mà đã là đòn gánh tất nhiên để quảy hai bầu; như cái lưng ong, mà đã thắt đáy lưng ong ắt phải gồng mình để đỡ ngực và bụng. Sự giao lưu và tiếp thụ văn hoá của hai đầu đất nước đã tạo cho văn chương miền Trung một bản sắc mở; riêng gương mặt văn xuôi của miền cũng vì thế mà hoàn toàn trái ngược với chiều ngang của nó chẳng mấy nả trên bản đồ và trên thực địa.
Văn xuôi miền Trung nằm trong nền văn xuôi Việt - cố nhiên rồi. Nhưng nó có những nét riêng. Theo tôi - nhất là trong truyện ngắn truyện vừa, nó hàm chứa cái chất miệt mài đắm đuối. Miệt mài vì phải lao động cần cù, cực nhọc mới sống được. Đắm đuối vì phải chịu đựng, chịu đựng trong hoạn nạn đã đành, chịu đựng trong cả hạnh phúc. Nói tóm lại nó giông giống như một thứ tình yêu kỳ ảo. Các nhà văn miền Trung yêu một người đàn bà hay đàn ông nào đó không nổi thì chi bằng yêu hết mọi người đàn bà đàn ông cho xong! "Cá chuối đắm đuối vì con", cái câu này rất hợp, vẽ rất đúng hồn vía văn xuôi miền Trung.
Bên cạnh những Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Thuỳ Mai phiêu bồng và khói sương ẩn hiện; là những Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng, đặc chất trực diện, vỗ mặt, viết như đẽo gỗ chặt đinh... Bên cạnh những Nguyễn Quang Hà, Phan Cao Toại, Hà Khánh Linh năng nổ, tung ra như gió cuốn mây bay; là những Hữu Phương, Nguyễn Khắc Phê, Hoàng Bình Trọng dùi mài, khẩn thiết với những ngõ ngách cuộc sống chẳng dễ dàng gì hôm nay... Bên cạnh những Đức Ban, Huỳnh Thạch Thảo mặn mà phì nhiêu như trong lòng sông biển, dưới lớp phù sa; là những Trần Thị Huyền Trang, Quý Thể vừa huyền ảo, diệu vi vừa dữ dội, ôm trùm... Bên cạnh những Thu Loan, Bá Dũng, Nguyễn Gia Nùng chỉn chu, cần mẫn với những trang viết đầy khát vọng vươn tới cái hoàn thiện; là những Như Bình, Nguyễn Thị Phước, Đàm Quỳnh Ngọc thuần hậu, đắm say, hồn có vẻ lãng đãng trên cao nhưng thật ra thân bám trụ rất chắc dưới đất...
Tôi xin lỗi vì không thể kể hết các anh chị khác ra đây. Nhân buổi gặp mặt, bàn thảo công việc hôm nay, chúng ta nhớ biết bao đến các nhà văn miền Trung bám sát cơ sở địa phương một đời vì sự nghiệp đã từ giã chúng ta, về cõi đã lâu hoặc mới gần đây. Tôi tin rằng ở thế giới bên kia, hẳn các anh cũng đang theo dõi những người đồng nghiệp là chúng ta đang sống và lao động văn học trên mảnh đất quê hương anh hùng dầu dãi; trong cái hồn thâm trầm, đau đáu của khúc ruột miền Trung cộng với cái sắc sảo hào hoa của xứ Bắc và cả cái khoáng đạt hào sảng của miền Nam, mà các nhà văn chúng ta đang hoà trộn giờ đây đã trở thành máu thịt.
Có một điều có thể gọi là khác lạ ở miền Trung: các lớp nhà văn trẻ dường như có một lực lượng phi vật thể linh nghiệm nào đó hướng dẫn mà ngòi bút của họ bám chắc vào truyền thống, vào văn hoá dân tộc, một cách như là thuộc tính. Không thấy có sự "nổi loạn", "bứt phá", "xé rào"; không thấy có sự cách tân nhay nháy hoặc làm ra vẻ ta đây "hoà nhập" với thế giới, "toàn cầu hoá" văn chương - điều mà vừa qua và cả giờ đây, trên mặt bằng văn học nước ta không khó lắm để nhận ra trong một số tác phẩm tác giả nào đó.
Nhận thức rằng ngày nay dân trí ta đã phát triển khá cao, quần chúng độc giả đòi hỏi nhà văn càng cao. Những gì còn yếu, còn thiếu, bản thân nhà văn tự biết hơn ai hết. Nhà văn miền Trung cũng vậy thôi. Quyền được hi vọng là quyền không bao giờ chấm dứt.
Xã hội đã thành thói quen từ công cuộc đổi mới, chấp nhận tất cả những gì cần chấp nhận của các nhà văn thể hiện ra trên tác phẩm, miễn là trung thực và xây dựng. Và cái chính là phải hay. Hay cũng ba bảy đường, nhân dân quần chúng họ biết điều này lắm; và ở một góc độ nào đó, họ còn biết hơn nhà văn chúng ta. Ở chỗ họ là người thưởng thức, người được phục vụ, họ không bị những gì ngoài văn chương chi phối sự đánh giá của họ.
Như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta hãy viết vì quần chúng độc giả đó. Điều này không hề mâu thuẫn, trái lại đồng nghĩa với mệnh đề nằm lòng của chúng ta: nhà văn viết vì sự mách bảo của con tim, con tim thuộc về nhân dân, đất nước mình...
9-2002
H.N

(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN QUANG HUY

    (Khảo sát qua trường hợp "Người sông mê" qua cái nhìn của lí thuyết Cổ mẫu)

  • NGUYỄN HỮU TẤN

    Trong buổi lễ mừng thọ thất tuần, Sigmun Freud đã từng phát biểu: “Trước tôi, các thi sĩ và triết gia đã sớm phát hiện ra vô thức, còn tôi chẳng qua cũng chỉ khám phá ra những phương pháp khoa học để nghiên cứu vô thức mà thôi”.

  • Tóm lược bài nói chuyện trao đổi một số vấn đề về tình hình văn học Xô viết những năm 80, đặc biệt là sau Đại hội 27 của GSTS V. Xmirnốp trong chuyến thăm Huế với Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên của đoàn cán bộ Học viện văn học Gorki (Liên Xô cũ) do nhà thơ Valentin Xôrôkin, phó Giám đốc Học viện và GSTS Vladimia Xmirnốp đã sang Việt Nam giảng dạy tại trường Viết văn Nguyễn Du năm 1987.

  • Tỳ kheo THÍCH CHƠN THIỆN

    Theo Spaulding - The “New Rationlism”, New York, Henry Holt and Conpany, 1918, pp. 106 - 107 -, Aristotle nêu lên ba nguyên lý cơ bản của tư duy:

  • TRẦN NGUYÊN HÀO

    Năm 1987, tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hiệp quốc, UNESCO trong cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 24 (tại Paris từ 20/10 đến 20/11) đã ra Nghị quyết phong tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu kép: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.

  • ĐỖ HẢI NINH

    Quan sát hành trình Thơ mới, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vào đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Thơ mới bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thậm chí khủng hoảng về cảm hứng và thi pháp.

  • JU. LOTMAN

    Từ “biểu tượng” (symbol, còn được dịch là tượng trưng, biểu trưng, phù hiệu, kí hiệu) là một trong những từ nhiều nghĩa nhất trong hệ thống các khoa học về kí hiệu(1).

  • PHẠM TẤN HẦU

    Trong bản tham luận về mảng thơ trên trang viết đầu tay của Tạp chí Sông Hương do anh Hoàng Dũng trình bày tôi thấy có chủ ý nói đến tính khuynh hướng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đặt ra một cách chặt chẽ, sâu sắc. Theo tôi, nếu hướng cuộc thảo luận đến một vấn đề như vậy chắc sẽ đem đến cho những người viết trẻ nhiều điều bổ ích hơn.

  • ĐỖ VĂN HIỂU

    Tóm tắt
    Trước tình trạng môi trường toàn cầu đang ngày một xấu đi, giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 Phê bình sinh thái đã ra đời với sứ mệnh cao cả là phân tích chỉ ra căn nguyên văn hóa tư tưởng dẫn đến nguy cơ sinh thái, nghiên cứu quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên.

  • LƯỜNG TÚ TUẤN

    Việc lý luận văn học thống nhất coi “ngôn ngữ là chất liệu của văn học” đã không vì thế mà dành cho cái chất liệu ấy một vị trí xứng đáng trong những luận thuyết và “diễn giải” của mình.

  • PHAN TUẤN ANH

    “Chẳng ai đi dưới bóng hàng cọ mà lại không hề hấn gì”… Ở đời, trong cuộc chơi, cả hai bên đều phải đi qua dưới bóng hàng cọ”.
                   (Nguyễn Xuân Khánh) [2,806]

  • TRẦN THIỆN KHANH

    “Mai kia, những cái tầm thường, mực thước sẽ mất đi, còn lại chút gì đáng kể của thời này, đó là Hàn Mạc Tử.”
                                (Chế Lan Viên)

  • CARSON MCCULLERS

    Khi tôi là một đứa bé chừng bốn tuổi, tôi cùng người bảo mẫu của mình đi ngang qua một tu viện.

  • MANU JOSEPH

    Xét về quan điểm và màu tóc của 50 nhà văn được lắp ghép cho một hội nghị kì quặc ở Edinburgh, thì cái giáo đoàn đó có thể gọi là “50 Sắc Xám.”  Tuy nhiên trong suốt năm ngày hội nghị, khởi đầu từ ngày 17 tháng Tám, hầu hết các nhà văn nhìn nhận rằng họ bị đẩy lui bởi loại sách kém học thức, loại sách bán chạy hơn tất cả các công trình của họ cộng lại.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN  

    …Minh triết là sự làm sáng tỏ một cách khôn khéo những chuyện trong trời đất có liên quan đến cuộc sống vật chất và tinh thần của con người trong xã hội một cách chân thực, rộng rãi, sâu sắc và nó có những năng lượng tiềm tàng rất quý giá đối với sự phát triển tâm đức và trí tuệ con người…

  • WALTER BENJAMIN 

    (Trích trong tác phẩm Illuminations do Hannah Arendt biên tập và đề tựa, 1968, bản dịch từ tiếng Đức của Harry Zohn)

  • NGUYỄN HỮU QUÝ 

    1.
    Tôi luôn tin rằng các nhà thơ đích thực là những người rất lương thiện. Bởi ngọn bút của họ (bây giờ có thể là bàn phím) hướng về tình thương yêu và sự cao đẹp của con người.

  • ĐOÀN HUYỀN

    Xuất hiện ở Việt Nam đã gần một thế kỉ, đến thời điểm này chủ nghĩa hiện thực tuy không còn giữ địa vị của một khuynh hướng sáng tác thống soái nhưng điều đó không có nghĩa những người cầm bút Việt Nam đã thực sự thoát khỏi từ trường của khuynh hướng sáng tác này.

  • LGT: Chuyên luận “Thơ như là mỹ học của cái khác” của Đỗ Lai Thúy nghiên cứu diễn trình thơ Việt từ 1946 đến nay thông qua sự chuyển đổi hệ hình mỹ học thơ từ tiền hiện đại sang hiện đại chủ nghĩa rồi hậu hiện đại.

  • NGUYỄN MẠNH TIẾN

    [Diễn giải về phê bình hiện tượng học văn học Lê Tuyên]