Thử nêu vài nét về hồn vía văn xuôi miền Trung

14:29 05/09/2008
HỒNG NHU            (Tham luận tại Hội nghị Văn học Miền Trung lần thứ II tháng 9-2002) LTS: Hội nghị văn học miền Trung lần thứ hai vừa diễn ra tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá trong 2 ngày 19 và 20 tháng 9 năm 2002. Gần 80 nhà văn của 18 tỉnh thành từ Bình Thuận đến Thanh Hoá đã về dự. Ngoài ra còn có đại diện các hội đồng chuyên môn, các ban công tác, các cơ quan báo chí xuất bản của Hội Nhà văn Việt cũng có mặt trong cuộc hội ngộ này.

24 bản tham luận trình bày trước hội nghị đã thể hiện được ý chí, tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ nhà văn miền Trung đối với đất nước và nhân dân.
Nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá T.Ư, nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tham dự chỉ đạo và phát biểu với hội nghị.
Sông Hương xin trân trọng giới thiệu một số tham luận sau đây.


Giờ đây có lẽ không còn ai nghĩ như một cách khái quát lâu nay rằng miền Bắc là đất của tiểu thuyết, miền là đất của sân khấu ca kịch, và thơ ca luôn ngự trị ở miền Trung nữa!
Nền văn học Việt Nam ta từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay, qua các giai đoạn các thời kỳ - bằng những thành tựu của nó - đã san lấp, bù trừ và nhào nặn nên một nhận thức thống nhất, công bằng và khoa học hơn, không còn sự phân biệt theo cảm tính, mang màu sắc "trấn thủ địa phương" như trên. Có được như vậy là nhờ đường lối văn học đúng đắn, kéo theo sự phát triển đồng đều, sự thúc đẩy của tình hình khách quan, và hơn hết là nội tâm nội lực của các chủ thể sáng tạo. Không có nhà văn miền Trung nào lại nghĩ rằng mình không thể thành công trong lĩnh vực văn xuôi. Và cũng như vậy, thật hoang đường nếu có ai đó cho rằng các nhà văn Nam Bộ thì chẳng thể làm thơ hay, chẳng thể có truyện ngắn truyện dài nổi tiếng!
Công cuộc đổi mới của đất nước đã làm biến đổi tư duy sáng tạo - nói chính xác hơn, tôi nghĩ - là trở lại cốt lõi của những gì trong cuộc sống con người với những cung bậc và sắc màu khác nhau mà thiên chức nhà văn luôn hướng tới với tất cả tâm hồn và lao động đặc thù của mình để thể hiện. Chỉ kể trong vòng vài bốn năm gần đây thôi, nghĩa là trong nhiệm kỳ này của Đại hội VI Hội ta, các nhà văn xuôi miền Trung đã không hổ thẹn với điều vừa là trách nhiệm vừa là "luật chơi" nói trên.
Miền Trung nghèo và khó, ai cũng biết rồi, khỏi phải nói nhiều. Song ở đây có một vấn đề: các nhà văn chúng ta trong môi trường đó, đời sống và điều kiện làm việc có thể tóm gọn trong mấy chữ: nghèo và nghèo nhất, khó và khó nhất! Không mấy người có thuận lợi về đời sống vật chất. Thật chẳng hay ho gì khi phải kể điều này ra, nhưng đó là tình hình có thật. Và đây là tình hình có thật nữa: không có khó khăn nào có thể dừng được ngòi bút sáng tạo của các nhà văn. Chúng ta đã thường trực và không ngừng quẫy cựa - mỗi người mỗi cách, có cách nghe như tiểu thuyết vậy! - để làm sao luôn hiện diện với cuộc đời với người đọc bằng tác phẩm chứ không phải bằng cái "chức danh nhà văn"; mà trong những tác phẩm đó, người đọc không hề thấy bóng dáng của sự khó khăn, chật vật trong cuộc sống thường ngày tác giả của chúng đang phải đối mặt và còn phải đối mặt không phải trong tương lai gần một vài mùa sáng tác đâu! Xin nêu một thống kê không được đầy đủ và chính xác lắm: từ 2000 - 2002 số lượng tác phẩm của hơn ba mươi nhà văn viết văn xuôi ở miền Trung là ngót sáu mươi cuốn, mỗi cuốn từ 150 trang đến 500 trang gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tạp văn v.v... Chúng ta đều biết rằng đối với văn chương, số lượng chẳng là cái gì, song số lượng cũng không phải chẳng là cái gì... Một số tác phẩm trong số trên đã được giải hàng năm, hàng kỳ ở các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn ở Trung ương. Về các giải văn chương, tôi vẫn suy nghĩ rằng: tác phẩm được giải chưa chắc đã xuất sắc và tác phẩm không được giải chưa chắc đã không xuất sắc. Theo chỗ tôi được đọc, có đến một phần ba các tác phẩm trong mấy năm nay của các nhà văn miền Trung đều có chất lượng khá, đều không thua kém gì với các tác phẩm mà các Hội Trung ương đã trao giải.
Nhân nói đến chuyện này, năm ngoái tôi có khùng khùng làm một động tác thử nghiệm, có thể gọi là một cú "điều tra xã hội" nho nhỏ: tôi đem ra 5 cuốn sách mà với tư cách một thành viên của Hội đồng Văn xuôi tôi đã bỏ phiếu đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn, và 4 cuốn của các bạn miền Trung ta đang có mặt ở đây - dĩ nhiên là những cuốn các bạn hoặc không gửi dự giải hoặc không được chọn qua ban sơ khảo. Đối tượng đọc là 3 giáo viên đại học, 3 cán bộ về hưu và 3 sinh viên năm cuối. Đây toàn là bạn bè quen biết của tôi, họ đều là những người ham mê đọc văn chương, tôi cố ý chọn như thế để họ đọc xong có thể nói thật lòng với tôi. Kết quả thật bất ngờ: 5 cuốn tôi bỏ phiếu không ai khen hay cả, còn 4 cuốn của các bạn thì 3 được thích, được khen hay!
Chẳng có gì là lạ trong chuyện khen chê, nhưng qua chuyện này tôi giật mình, tự nghi ngờ sự thẩm định của bản thân. Vẫn biết rằng cái kết quả nọ chắc gì đã đúng đã chính xác; chuyện văn chương mà, chín người mười ý, biết đâu mà lần, nhưng nó vẫn làm cho chúng ta cần và nên suy nghĩ nghiêm cẩn nhiều điều, tỉ như: làm sao để xã hội hoá các sản phẩm sáng tạo của nhà văn; làm sao nâng cao thị hiếu thẩm thấu văn chương của người đọc; làm sao để công bằng, dân chủ và chuẩn xác hơn trong thẩm định văn chương v.v...
Ở miền Trung ta, có nhiều nhà thơ viết văn xuôi và ngược lại. Viết ra viết, viết cho sự nghiệp, tức là cả hai lĩnh vực các anh chị ấy đều có những thành tựu đáng chú ý. Xin thổ lộ một điều riêng: tôi không sợ lắm những nhà văn xuôi làm thơ, nhưng rất sợ, rất phục những nhà thơ viết văn xuôi. Đọc họ, tôi thấy họ uyên áo nhiều, thâm hậu lắm; đặc biệt là trong các loại văn bút ký, phê bình cảm nhận, nhàn đàm, tản văn... Ở phía chủ thể, chừng nào mà thể loại tự tìm đến mình chứ không phải do mình lăm le rồi ấn định trước, là thường thu được những thành công đáng giá. Thể loại chọn lựa tác giả chứ không phải tác giả chọn lựa thể loại, đúng vậy chăng?
Hồn vía núi sông, thế đất màu trời cùng với lịch sử, điều kiện sống của một vùng đất tạo nên khí chất con người ở đó, điều này không còn nghi ngờ gì; cố nhiên là có cả mặt hạn chế của nó. Miền Trung là phần giữa của đất nước mình, đi dọc bằng đường bộ từ xứ Thanh vào Phan Thiết, dằng dặc đến muốn tắc thở vì nóng cả ruột. Ấy vậy mà khi ngồi trước trang giấy trắng, tôi nghĩ chắc rằng các bạn đồng nghiệp cũng như tôi, cái sự nóng ruột đó đã biến thành niềm rạo rực, giục giã, bởi vì trên chặng đường dài đó chúng ta đã gom nhặt được biết bao là tình tiết sự việc, biết bao là hình ảnh con người, dịu dàng thuần phác có, đốp chát kiêu sa có, thanh thoát an nhiên có, bi hùng máu lệ có...
Vùng đất dài và hẹp như chiếc đòn gánh, mà đã là đòn gánh tất nhiên để quảy hai bầu; như cái lưng ong, mà đã thắt đáy lưng ong ắt phải gồng mình để đỡ ngực và bụng. Sự giao lưu và tiếp thụ văn hoá của hai đầu đất nước đã tạo cho văn chương miền Trung một bản sắc mở; riêng gương mặt văn xuôi của miền cũng vì thế mà hoàn toàn trái ngược với chiều ngang của nó chẳng mấy nả trên bản đồ và trên thực địa.
Văn xuôi miền Trung nằm trong nền văn xuôi Việt - cố nhiên rồi. Nhưng nó có những nét riêng. Theo tôi - nhất là trong truyện ngắn truyện vừa, nó hàm chứa cái chất miệt mài đắm đuối. Miệt mài vì phải lao động cần cù, cực nhọc mới sống được. Đắm đuối vì phải chịu đựng, chịu đựng trong hoạn nạn đã đành, chịu đựng trong cả hạnh phúc. Nói tóm lại nó giông giống như một thứ tình yêu kỳ ảo. Các nhà văn miền Trung yêu một người đàn bà hay đàn ông nào đó không nổi thì chi bằng yêu hết mọi người đàn bà đàn ông cho xong! "Cá chuối đắm đuối vì con", cái câu này rất hợp, vẽ rất đúng hồn vía văn xuôi miền Trung.
Bên cạnh những Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Thuỳ Mai phiêu bồng và khói sương ẩn hiện; là những Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng, đặc chất trực diện, vỗ mặt, viết như đẽo gỗ chặt đinh... Bên cạnh những Nguyễn Quang Hà, Phan Cao Toại, Hà Khánh Linh năng nổ, tung ra như gió cuốn mây bay; là những Hữu Phương, Nguyễn Khắc Phê, Hoàng Bình Trọng dùi mài, khẩn thiết với những ngõ ngách cuộc sống chẳng dễ dàng gì hôm nay... Bên cạnh những Đức Ban, Huỳnh Thạch Thảo mặn mà phì nhiêu như trong lòng sông biển, dưới lớp phù sa; là những Trần Thị Huyền Trang, Quý Thể vừa huyền ảo, diệu vi vừa dữ dội, ôm trùm... Bên cạnh những Thu Loan, Bá Dũng, Nguyễn Gia Nùng chỉn chu, cần mẫn với những trang viết đầy khát vọng vươn tới cái hoàn thiện; là những Như Bình, Nguyễn Thị Phước, Đàm Quỳnh Ngọc thuần hậu, đắm say, hồn có vẻ lãng đãng trên cao nhưng thật ra thân bám trụ rất chắc dưới đất...
Tôi xin lỗi vì không thể kể hết các anh chị khác ra đây. Nhân buổi gặp mặt, bàn thảo công việc hôm nay, chúng ta nhớ biết bao đến các nhà văn miền Trung bám sát cơ sở địa phương một đời vì sự nghiệp đã từ giã chúng ta, về cõi đã lâu hoặc mới gần đây. Tôi tin rằng ở thế giới bên kia, hẳn các anh cũng đang theo dõi những người đồng nghiệp là chúng ta đang sống và lao động văn học trên mảnh đất quê hương anh hùng dầu dãi; trong cái hồn thâm trầm, đau đáu của khúc ruột miền Trung cộng với cái sắc sảo hào hoa của xứ Bắc và cả cái khoáng đạt hào sảng của miền Nam, mà các nhà văn chúng ta đang hoà trộn giờ đây đã trở thành máu thịt.
Có một điều có thể gọi là khác lạ ở miền Trung: các lớp nhà văn trẻ dường như có một lực lượng phi vật thể linh nghiệm nào đó hướng dẫn mà ngòi bút của họ bám chắc vào truyền thống, vào văn hoá dân tộc, một cách như là thuộc tính. Không thấy có sự "nổi loạn", "bứt phá", "xé rào"; không thấy có sự cách tân nhay nháy hoặc làm ra vẻ ta đây "hoà nhập" với thế giới, "toàn cầu hoá" văn chương - điều mà vừa qua và cả giờ đây, trên mặt bằng văn học nước ta không khó lắm để nhận ra trong một số tác phẩm tác giả nào đó.
Nhận thức rằng ngày nay dân trí ta đã phát triển khá cao, quần chúng độc giả đòi hỏi nhà văn càng cao. Những gì còn yếu, còn thiếu, bản thân nhà văn tự biết hơn ai hết. Nhà văn miền Trung cũng vậy thôi. Quyền được hi vọng là quyền không bao giờ chấm dứt.
Xã hội đã thành thói quen từ công cuộc đổi mới, chấp nhận tất cả những gì cần chấp nhận của các nhà văn thể hiện ra trên tác phẩm, miễn là trung thực và xây dựng. Và cái chính là phải hay. Hay cũng ba bảy đường, nhân dân quần chúng họ biết điều này lắm; và ở một góc độ nào đó, họ còn biết hơn nhà văn chúng ta. Ở chỗ họ là người thưởng thức, người được phục vụ, họ không bị những gì ngoài văn chương chi phối sự đánh giá của họ.
Như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta hãy viết vì quần chúng độc giả đó. Điều này không hề mâu thuẫn, trái lại đồng nghĩa với mệnh đề nằm lòng của chúng ta: nhà văn viết vì sự mách bảo của con tim, con tim thuộc về nhân dân, đất nước mình...
9-2002
H.N

(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐINH VĂN TUẤN

    Trong số mấy bài thơ chữ Nôm còn lại của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ “Qua Đèo Ngang” là bài thơ gần đây được tranh luận nhiều nhất về chữ nghĩa, đặc biệt là về từ ngữ “cái gia gia”(1).

  • KHẾ IÊM

    Tựa đề về cái chết của hậu hiện đại không có gì mới vì đã có khá nhiều bài viết bàn về vấn đề này, từ những đầu thập niên 1990. Nhưng bài viết đã phác họa cho chúng ta thấy đời sống văn hóa trong thời đại sau chủ nghĩa hậu hiện đại với sự xuất hiện những phương tiện công nghệ mới. Lạc quan hay bi quan, chúng ta chưa biết, nhưng rõ ràng những hệ tư tưởng cũ đang dần dần bị tàn phai nơi những thế hệ mới.

  • ALAN KIRBY

    LTS: Alan Kirby nói chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết và đã được chôn. Tới thế chỗ của nó là một hệ hình mới của thẩm quyền và kiến thức được hình thành dưới áp lực của những công nghệ mới và các lực lượng xã hội đương đại. Tựa đề bài tiểu luận, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Philosophy Now (Triết học Bây giờ) ở Anh, số 58, năm 2006, và sau đó được in trong cuốn “Digimodernism: How New Technologies Dismantle the Postmodern and Reconfigure Our Culture”, được Continuum xuất bản vào năm 2009.

  • LÊ QUỐC HIẾU

    Trong các bộ phận của khoa nghiên cứu văn học Việt Nam hiện nay, không thể phủ nhận lý luận, phê bình là lĩnh vực có nhiều thay đổi rõ rệt. Một loạt những công trình nghiên cứu lịch sử lí luận, phê bình văn học “trình làng” trong những năm qua[1], đủ để nhận thấy tham vọng khái quát, đánh giá của các nhà nghiên cứu sau mỗi chặng đường phát triển của văn học.

  • THÁI KIM LAN
    I.
    Bài viết này được mở đầu bằng một trải nghiệm tự thân, từ chỗ đứng của chủ thể thực hành nói ra kinh nghiệm của mình, vì thế có thể gây ấn tượng về tính chủ quan. Sự trách cứ ấy xin nhận lãnh trước, nhưng xin được tạm thời để trong dấu ngoặc.

  • LUÂN NGUYỄN

    Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai
                 (Mộ xuân tức sự - Nguyễn Trãi)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    (Trích tham luận tại Hội thảo "Văn học trước yêu cầu đổi mới" tháng 12-1987)

  • BỬU CHỈ

    Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ và tin rằng: quê hương của nghệ thuật là Tự Do, và nghệ thuật đích thực phải thoát thai từ những con người sáng tạo có đầy đủ quyền làm người, cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội của họ; và lớn hơn nữa là đối với con người.

  • LÊ QUANG THÁI

    Năm Quý Tỵ đã trôi qua, Xuân Giáp Ngọ đã về:
    Rắn trườn đã hết năm,/ Ngựa hay đưa Xuân về.(1)

  • ĐỖ LAI THÚY

    Kìa ai chín suối xương không nát
    Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn
                   
    (Nguyễn Khuyến)

  • TRẦN HUYỀN TRÂN

    Có lẽ, Cám dỗ cuối cùng của Chúa là cuốn tiểu thuyết nói về khoái lạc trần tục của Jesus một cách táo bạo nhất?

  • NGUYỄN DƯ

    Hôm ấy bạn bè họp mặt ăn uống. Chuyện nổ như bắp rang. Tôi khoe mình đã từng ba lần đội trời đạp đất trên đỉnh đèo Hải Vân. Một bạn hỏi đèo Hải Vân có gì đặc biệt? Câu hỏi bất ngờ làm tôi cụt hứng. Ừ nhỉ… đèo Hải Vân có gì đặc biệt?

  • PHAN TUẤN ANH

    “Lịch sử như là đem lại ý nghĩa cho cái vô nghĩa”
                                                               (T.Lessing)

  • Ngày nay, nhìn lại chủ trương cách mạng của Phan Châu Trinh cách đây hơn một thế kỷ, một lần nữa chúng ta lại thấy tầm nhìn của một người mang khát vọng Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY

    Sau khi đọc bài trao đổi của Triệu Sơn trên tạp chí Sông Hương số 10/2013 về bài viết của tôi trên tạp chí Sông Hương số 8/2013, tôi xin có mấy ý trả lời như sau:

  • PHAN NGỌC

    Trong quyển "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều", tôi có dùng một số thuật ngữ chuyên môn. Trong phạm vi quyển sách tôi không thể trình bày kỹ cách hiểu của mình, cho nên có sự hiểu lầm. Giờ tôi xin trình bày kỹ hơn khái niệm "thức nhận", cơ sở của tác phẩm, để bạn đọc dễ đánh giá hơn.

  • YẾN THANH

    Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhìn nhận những cống hiến của GS.TS Lê Huy Bắc trên lĩnh vực khoa học, đây là những thành tựu mà theo chúng tôi, vừa có tính lan tỏa, lại vừa có tính bền vững. Bởi vì, có thể nhiều học viên, nhà nghiên cứu dù không trực tiếp được nhà khoa học giảng dạy, hướng dẫn, nhưng từ những công trình, bài báo khoa học, vẫn được kế thừa và chịu sự tác động từ người thầy đó. 

  • TRIỆU SƠN

    Bài này nhằm trao đổi với tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy về những bất cập của nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay nhân đọc bài “Những bất cập và thái quá trong nghiên cứu văn học hiện nay” của tác giả trên Sông Hương, 294/08-13.

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH

    Được Bakhtin đề xuất trong công trình nghiên cứu về sáng tác của Frăngxoa Rabơle, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực nghịch dị (grotesque realism) là sự định danh ước lệ cho một kiểu hình tượng đặc thù (hay phương pháp xây dựng hình tượng đặc thù) của nền văn hóa trào tiếu dân gian, kiểu hình tượng nghịch dị.

  • LTS: Phạm Phú Uyên Châu, bút danh Meggie Phạm, sinh năm 1991, hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, tác giả của bộ truyện dài liên hoàn do Nxb. Trẻ ấn hành: Hoàng tử và em (2011, tái bản 2011), Giám đốc và em (2011, tái bản 2012), Chàng và em (2012, tái bản 2012), Người xa lạ và em (2012) và Tôi và em (đang in).