Thơm lắm nghề hương

09:13 15/07/2022

TRANG THÙY
       Bút ký dự thi

Mạ tôi kể rằng, mạ theo học nghề hương từ lúc mới 10 tuổi ở chùa Tường Vân. Do thương mạ chăm chỉ chịu khó mà không biết chữ nên mạ vừa được dạy nghề làm hương vừa được Hòa thượng Thích Chơn Trí dạy cho biết chữ.

Ảnh: Duy Nhiên

Rồi mạ lấy ba, hai người chí thú làm ăn và tạo nên xưởng hương với hơn 20 người thợ làm trong nhà lúc mới chỉ chừng 25 tuổi. Ngày ấy, xưởng hương nhà tôi rộng lắm, và những bàn ngồi xe hương luôn chật kín lối đi. Không những làm hương bỏ mối, mạ còn buôn bán thêm nguyên liệu làm hương như keo, bột trầm, mạt cưa... cho những xưởng hương nhỏ lẻ. Sự nghiệp của ba mạ tôi phất lên như diều gặp gió. Còn nhớ, lúc cả làng chưa ai có chiếc tivi đen trắng hiệu Viettronic, chiếc cassette hai loa hai hộp băng hiệu Sony, chiếc Honda 67 thì ba mạ tôi đã sở hữu chúng. Thời gian đó, thỉnh thoảng tôi lén thấy ba mạ đếm tiền từ một chiếc bao cát mỗi lần ba chở hương về. Thời gạo châu củi quế đa phần nhiều gia đình ăn cơm độn sắn khoai thì ba tôi đã đóng một chiếc rương bằng gỗ đựng lúa gạo dự trữ cho đến mùa giáp hạt. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ba từ chợ về cột sau xe con cá ngừ hoặc cá thu to lắm, rồi mạ tôi nấu một nồi lớn để đãi thợ và thỉnh thoảng mời hàng xóm lân cận. Tuy khấm khá nhưng ba mạ luôn coi tình làng nghĩa xóm rất quan trọng. Bằng chứng là chiếc xe Honda 67 đó đã từng chở rất nhiều người trong xóm đến nhà thương kịp thời, ai cần tiền lúc ngặt ba mạ giúp đỡ bằng cách cho mượn hoặc chia sẻ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ba mạ tôi hay nói với các con mình như thế!

Thương nhất là các chị em thợ làm hương cho nhà tôi. Tuổi chừng 12, 13 đã được ba mẹ gởi vào xưởng hương nhà tôi học nghề và làm thợ. Có người làm từ lúc nhỏ đến lúc thành thiếu nữ có người yêu rồi làm mẹ vẫn còn đến nhà tôi làm hương. Họ là người trong những vùng lân cận, và có người từ những ngôi làng xa xôi heo hút nên đi làm ban sáng ai cũng đem theo cơm để ở lại ăn trưa xong đến tối mịt mới về nhà. Thức ăn của họ thường rất đạm bạc, khi vài con cá mắm thính, khi cá nục kho với xơ mít hoặc khế chua phơi khô, ấy vậy mà tôi luôn thấy ngon chi lạ.

Làm hương là nghề làm ra sản phẩm phục vụ việc tín ngưỡng tâm linh nên ngay lúc mới bước vào nghề ba mạ tôi luôn nhắc nhở thợ rằng làm nghề này phải thật cẩn thận, sạch sẽ. Giếng Chùa là nơi cung cấp nước cho gia đình tôi làm nghề hương, cách nhà chừng 50m. Hàng ngày chúng tôi gánh bằng đôi thùng nhôm to và nặng lắm, mặc dù sát nhà có khe nước chảy tự nhiên vòng sang nhưng nhà tôi không dùng đến vì ngại không sạch. Hương đã làm ra thì tuyệt đối không được bước qua bước về, khi cân đo đong đếm thì phải nhớ đủ cân, đủ liều lượng, chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Tôi thích cảm giác mỗi năm những ngày giáp tết, xưởng hương cúng tất niên. Sau khi cúng xong, gia đình và thợ thầy cùng nhau ăn uống vui vẻ, nhưng thích nhất là đến giờ phút cộng sổ, thông thường tháng cuối năm các chị ít khi tính sổ lắt nhắt mà hay dồn một lần đến khi tất niên lấy nhiều để được việc hơn. Năm nào cũng vậy, ngoài tiền công ra bao giờ ba mạ tôi cũng tặng các cô thợ thêm ít tiền gọi là tiêu tết, còn biếu thêm ít mứt bánh, trầm hương để ba ngày tết nhà ai cũng thơm mùi hương trầm. Mỗi lần như thế, lòng tôi luôn dâng một cảm xúc thật khó tả. Sau một năm vất vả, giờ đây các chị có thêm một số tiền để rủ nhau đi chợ sắm sửa, người mua áo quần mới, người tính mua mứt bánh, người lẳng lặng đem số tiền ấy về nhà để cùng gia đình chăm lo ba ngày tết, lo cho những đứa em thơ bộ quần áo mới, chiếc áo dài cho mạ, đôi giày cho ba... Đêm ba mươi tết, bên mâm lễ cúng giao thừa bao giờ mạ tôi cũng xông một lư trầm thơm nghi ngút. Tiếng pháo nhà ai vang rền, hòa trong làn mưa xuân lâm thâm, tiếng mạ tôi rì rầm khấn vái. Hương trầm nhẹ thơm trong không gian, nụ hoàng mai khẽ cựa mình đón tân xuân, chị em tôi náo nức chờ đợi phút giây được ba mạ lì xì sáng sớm ngày mồng một. Vẫn một mùi trầm tỏa thơm khắp không gian khi hương trầm được mạ tôi chăm chút trên bàn thờ gia tiên.

Nhưng rồi con đường sự nghiệp của ba mạ tôi cũng thăng trầm theo làn khói trầm hương mỏng manh vấn vít. Tuy nghề hương là sản xuất ra một sản phẩm thiêng liêng thờ cúng; nhưng một mình ba mạ không thể chống lại thời thế, thiên tai, thua lỗ và cả hệ luỵ từ nhiều việc do hồi ấy thông tin không được cập nhật nhanh như bây giờ, thậm chí là bị người ta giựt nợ. Vậy là chuỗi ngày êm đềm sung túc của gia đình dần dần rời xa, chị em tôi bắt đầu làm quen với những bữa cơm đạm bạc thiếu vắng thịt cá, những vất vả truân chuyên hiện trên nét mặt ba mạ, nhất là những tháng mưa lạnh tràn về. Còn nhớ trận lũ lịch sử năm 1985, sau một đêm mưa to gió lớn mạ nước mắt lưng tròng, ba hốc hác phờ phạc nhìn theo những bao bột trầm, những bó hương nổi lềnh bềnh trong dòng nước bạc chỉ còn trơ những que tăm. Ba mạ khóc, chúng tôi khóc, những người thợ làm hương khóc, nước mắt hòa lẫn nước mưa, dầm mình trong dòng nước đục ngầu cố vớt vát lại những gì còn có thể. Từ đó, chúng tôi một buổi đi học, còn một buổi phụ ba mạ se hương, cuộc sống trôi qua trong lo âu thiếu hụt. Gia đình tôi có lúc phải trồng trọt, nuôi heo gà bên cạnh việc duy trì nghề làm hương mặc dù khá chật vật. 

Thăng trầm từ nghề làm hương của ba mạ đã dạy cho tôi rất nhiều điều, với tình thương yêu vô bờ bến của ba mạ chị em tôi đã lớn lên trong đoàn kết thương yêu. Chúng tôi biết nhường nhịn nhau từ những con cá kho mặn, tô nước ruốc làm canh, và câu “đói cho sạch rách cho thơm” luôn mang theo làm hành trang đến bây giờ. Có lẽ đó là một trong những điều chị em tôi tự hào nhất mỗi khi ngồi lại cùng nhau, nhắc lại những vui buồn nghề làm hương một thuở. Cuối cùng gia đình tôi cũng từ giã nghề làm hương đầy vất vả sau hơn hai mươi năm lăn lộn. Cái nghề đã nuôi chị em tôi từ khi mới lọt lòng, cái nghề đã đưa tên tuổi ba mạ tôi thơm cùng với những người trong nghề cùng thời gắn liền với xưởng hương làng Hạ.

Mới đó mà cũng đã gần ba mươi năm gia đình tôi từ giã nghề làm hương - nghề mà một cô bạn của tôi xưa nhà cũng làm hương đã nói: “Cái nghề thanh cao mà tội nghiệp!” Hôm nay lòng nhớ quay quắt, tôi ngược lên làng hương Thủy Xuân, mong tìm lại chút dư hương ngày cũ. Khác với mong đợi của tôi về những xưởng hương với những bàn se năm nào, với những cô thợ bàn tay thoăn thoắt nhào bột, se hương. Giờ đây thay vì phải ngồi se thì đã có máy se, người thợ chỉ cần đút tăm vào máy là đã nhanh chóng ra một cây hương. Với cách làm như vậy thì sản lượng hương sẽ tăng lên và đều cây hơn xưa, người thợ làm hương đỡ nhọc nhằn. Huế là thành phố du lịch nên nghề hương theo xu hướng phát triển và hội nhập cũng có nhiều sự thay đổi bằng những cách tiếp cận riêng của mình. Con đường Huyền Trân Công Chúa với những cửa hàng trưng bày rất nhiều hương, đặc biệt những bó tăm sặc sỡ xanh đỏ tím vàng xòe ra và xếp thành những bông hoa trông rất bắt mắt. Một điều lý thú nữa là bên cạnh việc làm và bán hương trầm những xưởng hương còn có dịch vụ cho thuê áo dài chụp ảnh phục vụ một số khách du lịch trong và ngoài nước check-in, tham quan và trải nghiệm. Hôm nay tôi lên nhưng không mang áo dài mà chỉ đơn giản là một bộ đồ bộ giản dị. Tôi muốn được gần gũi với những cô thợ làm hương như những ngày thơ ấu năm nào. Tôi muốn tìm lại chính tôi, cô bé nửa buổi đi học, nửa buổi miệt mài ngồi se hương giúp ba mạ.

Lòng bồi hồi tôi mong tìm được một hình dáng quen thuộc, một đôi bàn tay nhuộm phẩm hồng chăm chỉ. Và thật không ngờ tôi vào đúng ngay xưởng hương của chị Nở, một trong những người thợ làm hương giỏi của gia đình tôi năm xưa. Chị em gặp nhau mừng rỡ, cùng nhau ôn lại chuyện xưa mà lòng rưng rưng như vừa mới hôm qua. Chị vẫn nụ cười chất phác thuần hậu, nhìn tôi lăng xăng với những bao keo, bột trầm, rờ rẫm từng cây tăm, cầm hương đổ bông ra phơi. Những bó hương xòe ra thành hình như một bông hoa, vừa nhanh khô vừa đẹp mắt. Tôi làm tất cả những công việc ấy một cách thuần thục, đó là những phút giây tôi thực sự trở về với nghề hương, chìm đắm trong những cảm xúc được làm cô thợ làm hương cần mẫn năm nào. Bao kỷ niệm ùa về cùng hình ảnh những người thợ thân yêu ngày ấy, miệt mài bên bàn se hương dù vất vả nhưng rất đáng yêu. Những gương mặt thanh xuân ửng hồng dưới ánh nắng ban mai, những lưng áo đẫm mồ hôi vẫn vừa làm vừa ca hát, chuyện trò ríu rít. Mẹ tôi cần mẫn đong đếm bên chén trầm xông nghi ngút khói thơm, ngoài sân những bông hương và sạp hương khô dòn đang đợi giờ thu gom lại.

Tôi không ngờ bao nhiêu năm rồi gặp lại, chị Nở vẫn còn theo đuổi nghề hương, và đến giờ con dâu chị là bé Út cũng nối theo nghề mẹ chồng; cô gái có nụ cười rất xinh tươi giờ đây là hình ảnh của chị ngày xưa, chăm chỉ và duyên dáng. Ngày đó, chị vào nhà tôi học nghề khi mới 15 tuổi, rất nhút nhát và sợ sâu. Có lần một con sâu bò vào nia hương chị đang làm, mặt chị tái xanh, tay chân run lẩy bẩy rồi ngất xỉu. Cả xưởng hương có một phen kinh hoảng. Lòng tôi chợt chùng xuống, ngỡ ngàng khi chị tâm sự nghề hương giờ cũng chẳng khấm khá là mấy. Không lời lãi bao nhiêu vì giờ đây có máy nên nhiều người làm, từ đó giá cả cạnh tranh, thêm phần các nơi thu mua họ gác nợ rất nhiều. Nhưng nghề hương đã gắn bó với chị từ thời thiếu nữ, nó như là một cái duyên, cái nghiệp vận vào chị rồi, khó đành lòng mà xa. Bâng khuâng, tôi nhìn xuống đôi bàn tay hồng vì cầm tăm nhuộm phẩm đỏ nãy giờ, chợt thương những cây hương yếu ớt, thương cái nghề thơm hương thanh cao mà vất vả vô cùng.

Rời làng hương, dọc đường tưởng chừng mùi nhang trầm, mùi quế tùng phảng phất đâu đây trong gió, bỗng nhớ thương ngày xưa biết bao. Nghề hương ơi, thương lắm nghề làm thơm xứ Thần Kinh! Giá mà đến bây giờ gia đình tôi vẫn còn giữ nghề, cho dù vẫn còn những khó khăn vất vả nhưng đó không đơn thuần là nghề tạo dựng kinh tế, mà là cả một quá trình hình thành nên nếp sống thanh bạch, thiện lương. Trên hết, với người dân xứ Huế, một xứ sở của chùa chiền, nghề hương còn mang một sắc thái văn hóa với loại hương trầm trang nhã. “Nghề hương đã như máu thịt gắn liền với chị rồi, dù vất vả nhưng một ngày không se hương, không được nghe mùi trầm là nhớ lắm em ơi!” Lời tâm sự của người thợ năm xưa như một làn khói lam chậm mãi vương vấn theo tôi dọc đường về.

T.T
(TCSH45SDB/06-2022)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN HUYỀN ÂN

  • Tôi thường hay nghĩ về tết gắn liền với hình ảnh của mạ tôi - người thường kể cho tôi nghe câu chuyện tết bằng câu mở đầu: “Hồi nớ, tết là...”.

  • Kinh tặng, hương hồn nghệ sĩ Châu Thành

  • “Những con hổ xám đường 14” là biệt danh mà nguyên Thành đội trưởng Huế Thân Trọng Một dùng để tôn vinh một Trung đội bộ đội địa phương Quận 4 miền Tây Thừa Thiên do A Lơn chỉ huy.

  • Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm, kết thúc bằng Điện Biên Phủ lẫy lừng, chờ tổng tuyển cử sau Hiệp định Genève hai năm mòn mỏi, quân dân ta còn phải trường kỳ kháng Mỹ dài mấy mươi năm.

  • LÊ XUÂN VIỆT 

    Sau ngày miền Nam giải phóng (Xuân 1975) tôi chuyển công tác từ Đại học tổng hợp Hà Nội vào Huế. Ở thành phố đẹp và thơ, đầy mơ mộng này rất hợp ngành văn mà tôi say mê và theo đuổi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

  • PHẠM HỮU THU Nếu không nghe những nhận xét, dù kiệm lời của những vị cựu lãnh đạo địa phương và không trực tiếp kiểm chứng, thú thật là tôi không thể viết về con người này, một con người không chỉ dũng cảm trong chiến đấu mà còn giàu lòng nhân ái đối với đối phương và tận tâm vì nghĩa tình đồng đội. Người đó là ông Lê Hữu Tòng, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Hương Thủy!


  • Hồng Thế vừa làm thơ vừa cày ruộng ở quê. Cách đây mấy năm, anh có con bò già không cày được nữa, phải bán đi để mua bò mới.

  • TẤN HOÀI        
         bút ký

    Nhà văn Graham Grin có một quyển tiểu thuyết "MỘT NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG".

  • NHẤT LÂM

          Bút ký 

  • NGUYỄN PHÚC ƯNG ÂN
                           Hi ký

    Tôi tỉnh giấc. Ngoảnh sang bên cạnh thấy các bạn đã ngồi dậy. Nằm yên trong bóng đêm, tôi thử tính xem mình đang còn cách Huế mấy cây số.

  • HỮU THU - CHIẾN HỮU
                       Ghi chép

    Cuối năm ngoái, huyện Hương Trà tổ chức khánh thành hồ chứa nước Khe Rưng.

  • THANH THANH

    Thật bất ngờ đọc lại một năm thơ Sông Hương dưới trăng rằm mười bốn chạp rồi ngơ ngẩn bấm đốt tay.

  • HÀ KHÁNH LINH - NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Chuẩn bị ra số kỷ niệm 10 năm giải phóng, Tòa soạn Tạp chí Sông Hương đã có kế hoạch phỏng vấn đồng chí Vũ Thắng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, nhưng chương trình làm việc trong tuần của đồng chí văn phòng đã xếp quá chật.

  • PHẠM HUY LIỆU
                     Hồi ký

    Đầu tháng 9/1968 tôi điều trị ở Bệnh viện Binh trạm 34, tỉnh Saravane, Nam Lào. Viện nằm trong thung lũng. Xung quanh nhiều núi cao rừng già nên cũng ít bị máy bay Mỹ quấy nhiễu.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Bắt sáu tên giặc Pháp nhảy dù xuống huyện Phong Điền.
    Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi, chiều cùng ngày, tại Sân vận động Bảo Long (về sau đổi gọi là Sân vận động Tự Do), trước hàng vạn đồng bào dự mít tinh, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên được thành lập và ra mắt, do nhà giáo Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Tôi tỉnh giấc khi trời còn tối, nhưng không sao ngủ được nữa. Không phải vì tiếng động của những guồng máy quay, tiếng những vành thép nghiền vỡ vụn đá và cờ-lanh-ke.

  • TRẦN SỬ kể
    HOÀNG NHÂN ghi

    Chiến tranh du kích ở huyện Hương Thủy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra với nhiều hình thức chiến đấu đầy tính chất sáng tạo của toàn dân.

  • NGÔ MINH

    Đối với anh em làm thơ, viết văn ở ba tỉnh Bình - Trị - Thiên trong nhiều chục năm qua, nhà thơ Hải Bằng là người không thể quên! 

  • HỒNG NHU

    Tôi biết anh, đọc anh từ trong kháng chiến chống Pháp, nhưng mỗi người một đơn vị công tác, mãi đến năm 1972 mới gặp nhau. Đó là một ngày mùa hè, bấy giờ Đông Hà vừa mới được giải phóng.